Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015
Dân oan, một hiện tượng dai dẳng và bế tắc
07:15
Hoàng Phong Nhã
No comments
…với
cách thức phản kháng tự phát, những người dân oan sẽ bị gạt ra lề xã
hội, kết thúc bằng cái chết hoặc ở trong nhà tù với những bản án nặng nề
về tội "chống đối người thi hành công vụ"…
Trong
suốt mấy thập niên qua, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã thi hành thu
hồi đất đai của nông dân cho các dự án phát triển đô thị và công trình
công cộng.
Chính
sách thu hồi không minh bạch lại nằm trong những mưu toan đầu cơ, trục
lợi và tình trạng lạm quyền diễn ra mọi nơi khiến bất công chồng chất.
Rất
nhiều nông dân dường như bị tước đoạt đất đai, nhà cửa hơn là bị thu
hồi và được đền bù. Hàng trăm ngàn nếu không nói là hàng triệu người
bỗng lúc biến thành "dân oan", trở thành một đội quân "ăn mày" chuyên
nghiệp - ăn mày công lý và cả miếng ăn thường ngày, nơi vỉa hè, công
viên gần các trung tâm khiếu nại ở Hà Nội.
Dân
oan là đề tài nhức nhối dai dẳng của xã hội Việt Nam, đồng thời cũng là
vết nhơ không thể rửa nổi của một chính quyền bất minh và tham nhũng.
Con giun xéo mãi cũng quằn, đó là quy luật tự nhiên. Đã có những phản ứng mạnh mẽ vì quá phẫn nộ, uất ức, oan trái.
Gia
đình anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, đã nổ súng hoa cải vào
lực lượng cưỡng chế và rốt cuộc, mặc dù cuộc cưỡng chế được chính Thủ
tướng Chính phủ kết luận chưa đúng với quy định Luật đất đai, nhưng anh
lãnh án 5 năm tù giam về tội giết người mà trong thực tế chẳng có ai
chết cả.
Mẹ
con bà Phạm Thị Lài ở Cần Thơ phản đối bằng cách khoả thân. Kết cục hai
mẹ con bị nhà cầm quyền phạt tiền vì vi phạm thuần phong mỹ tục.
Anh
Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình thì hành động có tính toán. Sau khi nã súng
vào 5 cán bộ thu hồi đất, anh đã tìm đến cái chết thanh thản tại một
ngôi chùa bằng viên đạn bắn vào mình.
Sự
chống đối của gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Thu Hương
trong ngày 14/04/2015 tại Thạnh Hóa (Long An) dữ dội hơn. Người dân đã
liên tục ném chai xăng, tạt axit đậm đặc, dùng dao tấn công quyết liệt
đoàn cưỡng chế làm một số cán bộ công an bị thương nặng.
Đây
là quyết định cưỡng một số hộ dân không chấp hành quyết định giao đất
để thi công công trình bờ kè tại khóm 3 khu vực chợ thị trấn Thạnh Hóa.
Kết
thúc sự việc là ông Nguyễn Trung Can, Nguyễn Trung Tài, Nguyễn Trung
Linh, Nguyễn Văn Tôi, Nguyễn Mai Trung Tuấn, Phùng Văn Leo, bà Mai Thị
Thu Hương, bà Phùng Thị Ly và một số đối tượng khác bị Cơ quan Cảnh sát
điều tra tạm giữ và chắc chắn sẽ đưa ra tòa án xét xử.
Những
cuộc tuần hành, tập trung khiếu nại trên đường phố Hà Nội của bà con
nông dân Dương Nội, Văn Giang hay một số tỉnh khác với con số hàng chục,
hàng trăm người đã không mang lại kết quả nào.
Sự
kêu gào thảm thiết của họ bị nhà cầm quyền làm ngơ hoặc đá qua đá lại
về địa phương. Dần dần, sự hiện diện của họ không còn cuốn hút sự quan
tâm lớn của dân chúng thủ đô nữa, thậm chí gây khó chịu cho một số người
vì sinh hoạt của họ thiếu điều kiện bình thường, nhếch nhác, làm mất mỹ
quan của thành phố.
Các
tổ chức dân sự hay thiện nguyện như phong trào "Cứu lấy dân oan" thường
cung cấp thực phẩm và tiền bạc cho họ để duy trì cuộc sống, chủ yếu là
động tác chia sẻ tình cảm, mang tính giúp đỡ khó khăn hơn là tiếp lửa
đấu tranh.
Tại sao hiện tượng dân oan lại kéo dài dai dẳng và bế tắc như vậy ?
Thực
chất, "dân oan" thì nhiều nhưng hầu hết họ không thuộc đa số của 70%
nông dân sông ở nông thôn. Cuộc tranh đấu của họ khá đơn độc và không
nhận được sự ủng hộ của số đông.
Giáo
xứ Cồn Dầu thuộc thôn Cồn Dầu, xã Hòa Xuân, huyện Cẩm Lệ, nằm trong quy
hoạch dự án Khu đô thị mới Hòa Xuân của thành phố Đà Nẵng. Thôn Cồn Dầu
có gần một ngàn hộ gia đình, trong đó có 420 hộ chính, nhưng chỉ có 68
hộ dân chưa chịu di dời (trong đó có 66 hộ dân thôn Cồn Dầu, 2 hộ dân
thôn Trung Lương).
Ở
Hưng Yên, dự án xây dựng khu đô thị Ecopark bắt đầu từ năm 2004 trên
diện tích đất rộng khoảng 500 ha thuộc ba xã Xuân Quan, Phụng Công và
Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Khoảng 4.000 hộ dân của ba
xã này được địa phương đền bù 36 triệu đồng/một sào ruộng, 70 héc ta
còn lại người dân không chịu.
Ở
giáo xứ Đông Yên (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đa phần dân chúng đã nhận
tiên đền bù để di dời tới khu tái định cư. Chỉ còn khoảng 158 hộ dân từ
chối di dời do việc đền bù không thỏa đáng, điều kiện sống ở khu tái
định cư không đảm bảo, vẫn kiên trì bám trụ và bảo vệ nhà thờ.
Ngày
17 tháng 3 năm 2015, nhà cầm quyền đã huy động hàng ngàn công an, cảnh
sát cơ động kéo đến cưỡng chế, phá bỏ nhà thờ giáo xứ.
Tại
Long An, công trình bờ kè thị trấn Thạnh Hóa do Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn chủ trương và giao cho tỉnh Long An bồi thường giải
phóng mặt bằng. Công trình thuộc lợi ích công cộng thuộc diện ưu tiên,
việc thu hồi là hợp lý, nhưng bà Mai Thị Thu Hương cho biết nhà chức
trách chỉ đền bù 300 ngàn đồng/1 mét vuông trong khi đó bán cho họ đất
bên cạnh với giá 25 triệu đồng/một mét vuông. Thắc mắc của bà Hương, nếu
đúng như vậy, thì rõ ràng có cái gì đó bất ổn, nhưng tại sao chỉ có một
gia đình bà khiếu nại, chống đối ?
Trong mọi trường hợp chống đối, như chúng ta thấy, sự thua thiệt và thất bại luôn thuộc về người dân.
Tổ
chức Hiệp hội Dân Oan ra đời chỉ mới là hình thức, chưa có một ban lãnh
đạo thực chất, tổ chức quá hời hợt, lỏng lẻo, chưa có sự xâm nhập, phát
triển và tập hợp, đoàn kết những người oan ức trên khắp đất nước vào
một đội ngũ. Vì thế, những cuộc tập trung phản kháng không có tạo ra
được áp lực mạnh mẽ và dễ dàng bị công an trấn áp.
Tuy
nhiên, dù những người khiếu nại thuộc về số ít, nhưng những tranh chấp
dân sự đúng ra không thể giải quyết thông qua các cơ quan hành chính.
Cần phải có một quy trình pháp lý cụ thể để người dân có thể đòi công lý
và công bằng. Lẽ ra tòa án là nơi xử lý những vụ việc này. Không thể để
một cơ quan hành chính ra quyết định thu hồi rồi thực hiện bất chấp lẽ
phải, tình người, sử dụng công an, cảnh sát, thậm chí quân đội cưỡng chế
bằng bạo lực. Chỉ có thể làm như thế nếu đương sự không chấp hành phán
quyết của tòa án.
Sử
dụng bạo lực tùy tiện để đạt mục đích chỉ có thể là một nhà nước không
xem quyền lợi của dân ra cái gì cả, một loại cướp ngày mang tính phát
xít, côn đồ. Từ nhiều năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã chứng tỏ điều
đó. Chính họ đẻ ra cái cơ chế quan liêu và bất hợp lý ấy. Vì sao ? Vì
đất đai là tài nguyên đặc biệt. Ít có "đại gia" nào ở Việt Nam mà không
liên hệ với đầu tư bất động sản. Giới quan chức cộng sản giàu lên nhanh
chóng cũng nhờ đầu cơ, mua đi bán lại đất đai, nhà cửa.
Một
anh bạn học cũ của tôi là vụ trưởng của Quốc hội Cộng sản Việt Nam nói
với tôi vị trí của anh ta không thể tiếp cận được các dự án để rút ruột
công trình hay gần dân chúng để ăn hối lộ, nhưng giúp anh ta kiếm được
vài miếng đất ngon lành, nhượng qua nhượng lại nên có một món tiền đủ để
mua một căn hộ ở Singapore và một căn khác ở Anh cho hai đứa con trai
sống và học tập. Con đường về hưu của anh ta đã được dọn sẵn, thênh
thang !
Tóm
lại với tình hình hiện tại, với cách thức phản kháng tự phát, những
người dân oan sẽ bị gạt ra lề xã hội, kết thúc bằng cái chết hoặc ở
trong nhà tù với những bản án nặng nề về tội "chống đối người thi hành
công vụ". Một thực tế rất cay đắng, phũ phàng.
© Lê Diễn Đức
Theo RFA (ledienduc's blog, 17/04/2015)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét