Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

GIORDANO BRUNO, NGƯỜI BỊ THIÊU VÌ CHỐNG LẠI VATICAN

 Trần văn Kha,

Trích dịch từ sách Le Livre Noir de l’ Inquisition

 




Trích Wikipedia (tiếng Việt): Giordano Bruno (1548 tại Nola - 17 tháng 2 năm 1600 tại Roma) là một nhà triết học, một linh mục, nhà vũ trụ học  nhà huyền bí người Ý. Bruno được biết đến là người ủng hộ Thuyết nhật tâm của Nicolaus Copernicus và ông là một trong những nhân vật đầu tiên đưa ra ý tưởng về một Trái Đất vô tận và đồng nhất. Bruno cho rằng vũ trụ là bao la vô tận trong đó có các sinh vật, các hành tinh chưa được khám phá.
Bruno bị tòa án La Mã kết tội là một dị giáo và bị hỏa thiêu tại Roma năm 1600. Ông được coi là tấm gương đầu tiên hy sinh cho khoa học.


 





Nguời hiệp sĩ lang thang của thông thái

 



Sư Huynh Bruno bị thiêu sống.

Rô-ma, trong đêm 16 sang ngày 17 tháng hai 1600. Lúc ấy là hai giờ sáng khi một lệnh được đem tới cho hội từ thiện San Giovanni ở Decollato, mà nhiệm vụ là giúp đỡ và cung cấp những nhu cầu tôn giáo cuối cùng cho những người bị kết án tử hình: các sư huynh phải sẵn sàng vào sáng hôm sau, bởi vì một người tà giáo “ngoan cố” sẽ bị hành quyết. Trong một vài giờ trước lúc bình minh là những sửa soạn cuối cùng và một giấc ngủ không yên: đốt cháy một người tà giáo không phải chuyện hiếm, những cũng không xảy ra thường xuyên. Vào lúc sáu giờ sáng, những thành viên của hội từ thiện tôn giáo hội họp trong nhà nguyện Sainte-Ursule rồi từ đó đi tới nhà tù Tor di Nona, nơi mà công lý thế tục giam giữ những người bị kết tội trong khi chờ hành quyết, sau khi bản án cuối cùng đã được tòa án của Tòa Thánh ở Rô-ma công bố. Bên trong nhà tù, cũng có một nhà nguyện; chính tại đó mà những “người an ủi” – người ta gọi như thế – tụ họp và đọc kinh cầu nguyện như được tiên liệu cho những giờ phút cuối cùng. Một vài phút sau, một người được đem vào nhà nguyện. Hai con mắt tím bầm long lanh sức sống và thông minh và, đồng thời nhuốm vẻ hiền dịu và một sự sâu thẳm không đến gần được; những con mắt đó nhìn sự vật với một cái nhìn như từ một chân trời bí mật, từ những sâu thẳm của một sự thông thái bí mật. Đó là cái nhìn của một người đã dành tất cả cuộc đời cho suy tư và hiểu biết, cho sự thay đổi linh hồn và tinh thần và, trong lúc bị xiềng xích, vẫn truyền đạt cái cảm giác tự do truyền nhiễm của ông ta : tên người ấy là Giordano Bruno.




Hình vẽ Bruno (The earliest depiction of Bruno is an engraving published in 1715
in Germany, presumed based on a lost portrait from life),
link: http://en.wikipedia.org/wiki/Giordano_Bruno

 

Người ấy bị kết án ngày 8 tháng Hai (1600). Trong tám ngày từ khi bản án được tuyên bố cho đến ngày hành quyết, ông ta đã có thể tăng cường niềm tin sâu xa của ông và tái xác nhận với một nghị lực nội tâm mới, ông lựa chọn trung thành với chính ông và sự xét đoán lý trí của ông. Sự xung đột nội tại lớn lao, cơn bão tố của nghi ngờ và sự bất định hay, giản dị hơn, sự sợ hãi, bây giờ ở lại phía sau ông. Người ta đã làm việc với ông trong những năm dài của thẩm vấn, trong khi ông không chỉ phải lựa chọn chiến lược tốt nhất để bào chữa, nhưng mà còn là để sắp đặt nó cho việc phục vụ một thứ triết học, luân lý mạch lạc, và hiện hữu nghiêm khắc, nói tóm lại khi ông phải bào chữa mà không chối bỏ những điều quan trọng. Nhưng bây giờ, thì hết rồi, không còn chỗ cho nghi ngờ.

Chắc chắn rằng sự dũng cảm của ông có thể giải thích bằng sự hiển nhiên rằng ông không thể thoát khỏi bị hỏa thiêu. Sự phản cung ít ra cũng làm giảm bớt sự đau đớn, bởi vì người ta khoan hồng cho ông, thắt cổ ông trước khi đem hỏa thiêu. Nhưng sự chấm dứt gần kề cuộc đời của ông không phải là lý do đủ để giải thích sự chống đối của ông. Theo như những tu sĩ tham gia việc hỏi cung, “ông cương quyết trong sự bướng bỉnh quái quỷ đó, đầu óc và trí tuệ bận rộn bởi hàng nghìn thứ sai lầm và kiêu ngạo”.

Trong khi tất cả cuộc đời hăng say và phiêu lưu hình như tụ tập vào chỗ này, trong những bức tường lạnh và thù nghịch, giữa những bộ mặt đáng nghi và những tâm hồn hẹp hòi nó bao vây ông như một tà thuật tàn khốc, Giordano nói rõ từng chữ, bác bỏ những lời khuyên phản cung; nhưng không thể không tưởng tượng ra rằng tâm ông ở rất xa nơi này và những người này? Mọi thứ có vẻ như cần thiết và như bao phủ bởi một sự hòa hợp bí mật, và không thể dò được; cả đống củi, cả những ngọn lửa.

 

Giordano Bruno đã bị thiêu sống ngày 17 tháng 2 năm 1600.

Đã đến giờ. Những sĩ quan của công lý và những người của thống đốc Rô-ma mời nhà triết học tỉnh Nola mặc cái áo sanbenito (Sanbenitos là một loại áo dài có thữ thập đỏ, màu vàng hay nâu, màu đen nếu bị tử hình, mà người theo tà giáo phải mặc suốt đời, mỗi khi đi ra ngoài công chúng. Khi người đó chết, thì áo này được treo trong nhà thờ, nhắc lại tên của kẻ xám hối. Dấu hiêu sám hối này trở thành tức khắc một dấu hiệu hổ thẹn); rồi đám người đưa ma ra khỏi nhà tù và từ từ đi đến Campo dei Fiori, nơi mà những người bị kết án hỏa thiêu bị đốt, ở gần hí viện Pompée. Bruno trong cái áo đen của tội nhân, được bao quanh bởi những linh mục đọc kinh như thường lệ. Dọc theo các đường phố, và tại nơi hỏa thiêu, dân chúng đã tụ họp từ lâu, ồn ào, la hét, nóng lòng chờ đợi để dự vào một màn kịch vừa kích thích sự tò mò vừa ghê rợn. Ít người, hình như thế, biết lý do của sự kết án trước khi bản án được tuyên đọc. Một đống củi đã được dựng lên ở trung tâm khu vực, gần vòi nước Terrina. Đám rước cũng như sự hành hạ Bruno được điều chỉnh như là một màn kịch bi đát, mà tính cách khoa trương phải là chính. Đám rước đến trung tâm địa điểm.

 Bruno bị lốt hết áo quần và cột vào cái cọc ở giữa đống củi. Thật trái ngược biết bao, giữa sự bình tĩnh khó hiểu của tên đao phủ và sự sôi sục trong tim người bị kết tội, giữa những gào thét không chịu được và chối tai của đám đông và sự im lặng chết trong tâm người bị đốt cháy! Nhưng những sự làm nhục chưa chấm dứt: tên đao phủ lấy một cặp kìm bằng gỗ nhét vào mồm, kẹp lưỡi người bị kết tội, để cho người ấy không thể nói cũng không thể kêu. Câu chuyện đã kể giải thích rằng dụng cụ ấy được dùng “vì những lời nói bẩn thỉu mà ông ta đã tuôn ra, chẳng thèm nghe những người an ủi hay những người khác”.

Lửa đã đốt lên, những cành cây bắt đầu nổ một cách ghê rợn. Hơi nóng và mùi khói cay tràn ngập tâm hồn nhà triết học, và người “hiệp sĩ lang thang của sự thông thái” thấy thân mình bị kẹp vào cột gỗ và bị những sợi dây thừng xé rách da thịt. Tuy nhiên, ông ta vẫn là người tự do: khi một linh mục lại gần ông một lần chót và đưa cho ông một cây chữ thập, Bruno quay mặt đi, cái nhìn không chịu khuất phục, xa vắng, đầy một vẻ chua xót vô tận.

Những lời cuối cùng mà ông tuyên bố trước khi lưỡi bị kẹp, đã được kể lại như sau: “Ông nói rằng ông sẽ chết như là tuẫn tiết và tình nguyện, và với tất cả khói này, hồn ông sẽ bay lên thiên đàng”.                         

Nhà toán học và phù thủy.

Nola. Chính ở thành phố đó, dưới bóng núi lửa Vésuve (đông nam thành phố Naples), mà Filippo Bruno đã ra đời – Giordano tương lai -. vào đầu năm 1548. Gia đình ông có đời sống thoải mái: cha, ông Giovanni, một nhà quý phái nhã nhặn, chọn nghề binh nghiệp, phục vụ những gia đình quý phái lớn trong miền; mẹ, Fraulisa Savolino, là một người học thức, bà hướng dẫn con vào sự yêu thích cái đẹp, thơ phú và sự chiêm ngưỡng thiên nhiên. Filippo có một đời sống tuổi trẻ tự do và tích cực, trong một khung cảnh đẹp mặn mà. Tất cả đời, ông cư xử như là một người “Nolano” kiêu hãnh, sinh ra “dưới một bàu trời thuận lợi”.

Năm 17 tuổi, người trẻ Filippo đến trình diện tu viện San Domenico Maggiore, ở Naples, mà ở đó, ngày 15 tháng Sáu 1565, ông mặc chiếc áo của người mới tu dòng Sư Huynh dominicain và lấy tên Giovanno. Năm 1573 ông được phong chức linh mục. Bị sa thải về thần học năm 1575, năm sau ông rời khỏi tu viện, “một nhà tù nhỏ và tối đen”, và chạy tới Rô-ma.

Mùa xuân 1579, ông đến Genève, mà ở đó ông gia nhập dòng Calvin. Nhưng ở đó cũng vậy, ông vấp phải quyền hành nghiêm khắc của một tỉnh đổi mới và ông chống lại một triết gia “ông này không tôn trọng đức tin, cũng không tôn trọng sự lương thiện trí thức”: Bruno bị loại ra khỏi Cène (bữa ăn cuối cùng của Christ với tông đồ) và bắt buộc phải rút lại lập trường. Hai năm sau ông sống ở Toulouse, như là một người dạy triết, giảng dạy những bài về De anima của Aristote.

Đến cuối mùa hè 1581, ông đến Paris. Vào lúc 33 tuổi, ông có một sự hiểu biết gần như không bờ bến: đó là một người có trình độ học thức cao nhất của thời đó. Ông cũng nổi tiếng có một trí nhớ phi thường. Thực ra, Bruno ngay từ khi còn rất trẻ đã chú tâm vào việc đào tạo trí nhớ, và ông đứng đầu nghệ thuật khó khăn của trí nhớ nhân tạo. Trí nhớ này gồm có đặc biệt là thuộc lòng một số kết hợp những chữ và hình ảnh, liên hệ tới hệ thống thiên văn và hoàng đạo. Bằng cách in những điều này vào trong trí nhớ, ông ta đẩy nó tới giới hạn và phát triển ra sức mạnh, và có thể chế ngự thiên nhiên và tinh thần của ông – nói tóm tắt, ông trở thành một nhà “ảo thuật”.

Ở Bruno, ảo thuật không giữ một vai trò phụ thuộc; tất cả tư tưởng của ông, trái lại, được xây dựng bởi linh tính “ảo thuật” coi vũ trụ như là một toàn thể thống nhất, một thực thể vĩ đại sống động, và siêu hình học của ông nhằm mục đích trình bày sự thống nhất của vũ trụ như là trở về với Thượng Đế. Ông mô tả vũ trụ ấy như là vô cùng. Thực ra, như là người tích cực ủng hộ những thuyết của Copernic coi mặt trời là trung tâm (chứ không phải trái đất như được ghi trong Kinh Thánh, một trung tâm độc nhất gây ra những liên hệ cứng ngắc và tuyệt đối), ông hình dung một vũ trụ gồm có những ngôi sao, những ngôi sao đó như là những mặt trời, trung tâm của những thế giới vô cùng; vũ trụ sống động và, vô cùng, tái sáng tạo và mở rộng.

Từ đó người ta hiểu siêu hình và nhân chủng học của Bruno, có tác dụng kích thích phi thường để tự do tìm kiếm sự thật, đã không ăn nhịp với một thế kỷ xáo trộn bởi những xung đột liên tục và những chiến tranh tôn giáo.

Ở Paris, Bruno tiếp xúc với Henri III, một vị vua trí thức và ưa thích bí mật, nhà vua say mê Nolano, đã giao cho ông chức vụ giáo sư giảng dạy ở “Collège de France”. Bruno là một giáo sư rất khác biệt với những giáo sư quen thuộc, âm thầm và buồn tẻ, ông gây sự thích thú cho cử tọa bằng tài năng nhiều hình thức và học thức rộng không thể tưởng tượng được của ông. Nhưng, khi hoàn cảnh lại trở nên khó khăn với ông, ông quyết định đi sang Anh, và, vào tháng Ba 1583, ông đổ bộ xuống Douvres.

Ở Luân-đôn ông gia nhập nhóm Michel de Castelnau, đại sứ của Pháp bên cạnh hòang hậu nước Anh. Trong nơi trú ngụ được cung cấp do tình bằng hữu và sự quý mến của de Castelnau, ông đã viết một vài tác phẩm quan trọng nhất: nhãn quan siêu hình của ông đã tới sự phát triển hoàn toàn.

Sau thời gian quan trọng ở Anh, ông đi du lịch rất lâu qua những thành phố chính của Đức và, đến năm 1590, ông tới Francfort, một chợ sách lớn nhất Âu-châu. Chính tại đó mà Bruno đã cho phát hành những tác phẩm triết học quan trọng khác, ông nhận được lời mời của một người quý phái trẻ của thành phố Venise. Giovanni Mocenigo lúc đó 33 tuổi; sau khi đã mua một tác phẩm của Nolano, ông mong mỏi được biết Bruno để học nghệ thuật về trí nhớ của ông.

Bruno đến Venise vào tháng Tám 1591. Ông sẽ đến ở nhà Mocenigo, đi qua ngả San Samuelle, kể từ tháng Ba 1592.



 

Tòa án xét xử Bruno. The trial of Giordano Bruno by the Roman Inquisition.
Bronze relief by Ettore Ferrari, 
Campo de' Fiori, Rome.

 

 Những giả thuyết khác nhau được đưa ra để giải thích sự trở về Ý của ông. Đối với những người này, ông trở về, vì bị thúc đẩy bởi lòng mong mỏi nhìn lại quê hương mà thôi; trong viễn ảnh đó, Venise chỉ là một trạm đầu tiên. Những người khác cho rằng sự trở về của Bruno có thể là bởi lý do muốn giảng dạy hay cũng là muốn thực hiện một chương trình rộng rãi (và không thể thực hiện) cải tổ chính trị và tôn giáo, mà chính ông là người hướng dẫn.

Lý do sự trở về của ông có vẻ giản dị hơn: ông đặt tất cả hy vọng vào vị giáo hoàng mới, mới được bàu, và được nổi tiếng là một người ôn hòa. Sau đó, Bruno hy vọng có thể sử dụng thành công những hiểu biết ảo thuật mà ông đã học được để chú tâm, vào những chuyện khác, đặc biệt là thiên văn. Ông tin chắc có thể vượt qua những khó khăn và được những người có thế lực ủng hộ công trình nghiên cứu của ông. Sự tích cực của hy vọng, hăng say, và của cả ngây thơ mà với những thứ ấy ông lao vào chuyện phiêu liêu đó, làm bi thảm hơn chuyện tiếp theo sau: tố cáo, bắt giữ, xử án và tử hình.

 

Mocenigo, người phản bội.

Giữa nhà quý phải trẻ tuổi xứ Venise và người khách, thì không thể có sự cách biệt nào lớn hơn. Mocenigo rất hay nổi nóng và không có cái văn hóa mà ông ta muốn học được mau chóng nhờ sự giảng dạy của Bruno; ông ta cũng thích trả thù, không thực sự quý phái, và nghi ngờ đối với ông thày mà sự kính trọng của ông ta đối với ông thày còn kém xa nhiều người học trò khác. Ông ta hành động như một con buôn, cân nhắc món hàng mà ông mua để chắc chắn nó xứng đáng với đồng tiền bỏ ra:

“Tôi nuôi dưỡng bằng phí tổn của tôi con người ấy, ông ta hứa dạy tôi rất nhiều điều, và đã nhận rất nhiều tiền của tôi cho công việc đó; nhưng tôi không lấy lại được gì, và tôi nghi ngờ ông ta không phải người tốt”.

Những điều mà Bruno giảng dạy, Mecenigo không thỏa mãn, ông ta cảm thấy như bi lừa gạt, và có thể, ngấm ngầm đau khổ bởi ghen ghét vì sự học thức mênh mông và trí nhớ không ai bằng của vị cố vấn. Ông bắt đầu nghĩ tới phản bội, và bí mật gài bẫy:

“Vào đầu tháng Tư, ông không giấu giếm với người bán sách, là để không mất số tiền mà ông đã chi ra, ông sẽ tố cáo người khách không nể nang, sau khi đã rút được tất cả những cái gì có thể. Khát vọng thành công trong âm mưu đó thúc đẩy ông che giấu sự bất bình của ông, kìm giũ bản chất nóng nẩy của ông và không tỏ vẻ mất kiên nhẫn”.

 Tình trạng tiến nhanh hơn khi Bruno tỏ vẻ muốn đi Francfort, để có thể phát hành một tác phẩm mới, hoặc là ông nghĩ rằng đã hoàn tất giao kèo mà ông đã nhận.

Đó là đêm 22 tháng Năm. Bruno đã lên giường. Mocenigo đột nhập vào phòng ông, cùng với một người giúp việc và năm người thuyền chèo đi theo, họ túm lấy ông và kéo ông vào trong vựa lúa, nhốt ông ở đó. Người trẻ tuổi quý phái xứ Venise bắt người tù phải hát, đe dọa tố cáo ông với Tòa án Ca-tô nếu không từ bỏ chuyến đi Francfort. Nhưng Bruno nổi giận và tỏ ra không lấy gì làm sợ hãi những đe dọa của người cai tù.

Mocenigo bắt đầu sợ, có lẽ vì phản ứng bất ngờ của Bruno. Nhưng dù sao, thì sáng hôm sau, một sáng thứ bảy, ông yêu cầu một đại úy của công lý với sự phụ giúp của một vài người quen thuộc, dẫn Nolano từ vựa lúa tới một kho chứa đồ ở tầng trệt, rồi, đến 3 giờ sáng, thì chuyển giao cho nhà tù của Tòa án Ca-tô của Tòa Thánh. Đối với Bruno một thời gian giam giữ lâu dài và những phiên tòa bắt đầu mở ra. Không bao giờ nữa, ông biết tới tự do, và cũng không thể dùng tài năng phong phú của ông để viết sách mà ông vẫn còn viết được. Vũ trụ vô cùng, thiên nhiên sống động và tràn ngập những câu trả lời và những ý nghĩa thần thánh, những ngôi sao, những hành tinh, những phương trời và những thế giới, mất con người có thể là người ca hát vĩ đại nhất.

 

Cái nguy hiểm của lý trí.

Bruno, cũng như nhiều nhà tiên tri trước và sau ông, không có may mắn. Ông hy vọng sống ở buổi bình minh của một thời đại mới, nhưng ông bị giam giữ trong phòng tối ẩm ướt của nhà tù San Domenbico di Castello, trong tay của Tòa án Ca-tô, nạn nhân không phải chỉ của một sự phản bội, mà là sự phản bội của một người xấu xa, yếu đuối, với sự thèm khát không che giấu kỹ, mà sự giận dữ đã đổi thành một thứ điên cuồng và thất vọng biết kìm hãm và kiểm soát. Cái điều quan trọng nhất trong giờ phút này đối với người tù, như chúng ta sẽ thấy, là thoát ra khỏi mau chóng, là lấy lại sự tự do mà ông ta biết đó là thức ăn cần thiết cho tư tưởng ông, bởi vì ông cảm thấy có đầy đủ phương tiện và cũng biết rằng, ông còn có thể cống hiến nhiều nữa.

Trong thời gian đó, Mocenigo sợ hãi, và run sợ khi nghĩ rằng ông sẽ gặp cái nguy cơ bị dính líu vào vụ này mà chính ông gây ra. Điều này giải thích vì sao ông cứ thêm tố cáo này đến tố cáo khác, vứt thức ăn cho quan tòa Ca-tô bất cứ chi tiết nào, thực hay chế tạo ra, và ông tìm cách làm mất uy tín hoàn toàn của một người truớc kia là khách của ông, để cứu chính ông. Ngoài ra, ông ta tỏ vẻ hèn hạ một cách đáng khinh bỉ đối với tòa án, không những trong hình thức, mà từ nội tâm. Chắc chắn rằng, Tòa Thánh gây ra một sự sợ hãi ghê gớm đối với bất cứ ai, và tiếp xúc với nó nhiều khi cũng đủ để gây ra một sự lệ thuộc tâm lý hoàn toàn. Nhưng, Mocenigo là dòng giõi của một trong những gia đình lớn ở Venise, và Tòa án Ca-tô của Cộng hòa Venise là một trong những Tòa án ôn hòa nhất của bán đảo.

Mocinego nộp ba bản tố cáo, trong những ngày 23, 25 và 29 tháng 5, 1592. Sau đây là những lời lẽ mà ông viết cho quan tòa Ca-tô Giovan Gabriele da Sluzzo, trong bản tố cáo đầu tiên:

Kính thưa Cha tôn kính và Lãnh chúa tối cao, tôi, Zuane (Giovanni) Mocenigo, con của ông Marco Antonio, xin tố cáo với Cha tôn kính, vì vấn đề lương tâm và theo lệnh của Cha đỡ đầu, đã nghe Giordano Bruno le Nolano nói, trong khi thảo luận với tôi, trong chính nhà tôi, điều sau đây: thật là một sai lầm nghiêm trọng của những người Ca-tô khi xác nhận rằng bánh đổi thành thịt; ông ta là kẻ thù của lễ mi-sa; không một tôn giáo nào làm vừa ý ông; rằng Christ là một “nhân vật buồn thảm”, và khi thực hành những công việc buồn thảm để dụ dỗ dân, ông ta có thể tiên đoán ông sẽ bị bắt; rằng trong Thượng Đế không có sự phân biệt người này với người khác, bởi vì như thế là Thượng Đế không hoàn hảo; rằng thế giới là vĩnh viễn và rằng những thế giới nhiều vô số kể, và rằng Thượng Đế không ngừng sáng tạo ra thế giới, bởi vì, ông ta còn xác nhận, Thượng Đế muốn bao nhiêu là có bấy nhiêu; rằng những phép lạ của Christ chỉ là giả tạo và rằng người đó là một phù thủy, các tông đồ cũng thế, và rằng ông ta cũng có khả năng làm được như thế và còn nhiều hơn nữa; rằng Christ không tự ý nhận lấy cái chết, và rằng Christ đã cố gắng chạy trốn cái chết; rằng không có hình phạt vì những tội lỗi, v.v., rằng những linh hồn được sáng tạo bởi thiên nhiên di chuyển từ con vật này tới con vật khác […] . Ông ta tỏ ý muốn thành lập một giáo phái mới dưới tên một triết học mới; ông ta nói rằng Đức Bà đồng trinh không thể sinh con, và rằng đức tin Ca-tô của chúng ta đầy rẫy những lời phỉ báng sự vĩ đại của Thượng Đế; và phải cúp lời nói và lương bổng của các sư huynh (dominicains và franciscains) bởi vì họ hủ hóa thế giới; họ tất cả đều là những con lừa, và những quan niệm của chúng ta đều là học thuyết lừa; rằng chúng ta không có bằng chứng là đức tin của chúng ta làm vừa lòng Thượng Đế; và rằng không làm cho người khác những điều mà chúng ta không muốn người khác làm cho chúng ta là đủ để sống tốt, và phải cười vào tất cả những tội khác; và cuối cùng, tôi nghe ông ta nói ông ta lấy làm ngạc nhiên tại sao Thượng Đế lại nâng đỡ nhiều người tà giáo về phần những người Ca-tô […]. 

Những lời buộc tội ấy thật nặng nề và lập thành một tỉ dụ của một trong những đường lối hành động căn bản của bộ máy Tòa án Ca-tô: tố cáo vì thù hận. Tòa án của Tòa Thánh, luôn luôn thiếu nhân viên và tài nguyên, không thể tự mình kiểm soát phần đất đai được trao cho Tòa Thánh mà không có sự trợ giúp quan trọng của những chuyện tố cáo tự động, những tố cáo vì thù hận, những chuyện tự tố cáo.

Trong khi tố cáo lần hai (ngày 25 tháng Năm), mà ở đó ông ta kể lại những trao đổi quan niệm mà ông ta đã có với người tù, Mocenigo đã tự ý phản bội, không để ý rằng hành động của ông là do sự thù ghét thúc đẩy, khi xác nhận là đã tìm cách để Bruno thay đổi ý định đi Francfort bằng đe dọa tố cáo với Tòa án Ca-tô. Nhưng tòa án không nhận thấy những mâu thuẫn trong lập luận của Mocenigo, không nhận thấy sự lộn xộn trong lời nói cũng như những động cơ, và chỉ chú ý tới sự hợp lý tương đối của lời tố cáo.

Ngày 26 tháng Năm, sau những can thiệp của hai nhà sách, Ciotti và Brictano, Bruno được trình bày với tòa án lần thứ nhất. Người ta không thể, khi nghe đọc biên bản tòa án, không nhận thấy tính cách bi thảm của phiên tòa ấy. Con người ấy, một người đã là bạn thân của những vua và hoàng hậu, những nhà quý phái và thông thái ở khắp Âu-châu, nhà thi sĩ giàu tài năng, nhà triết học, một người đầu tiên đã hiểu những tiềm năng của môn khoa học copernicienne mới và sự cần thiết phải kết hợp với nhãn quan mới về thế giới, kể cả trong phạm vi siêu hình, bây giờ ông ta đối đầu với những quan tòa đa nghi hỏi ông về những lời mà ông nói trong riêng tư, có lẽ một cách chế giễu hay khôi hài, với người trẻ xứ Venise tự cao, kiêu ngạo và nhiều tham vọng! Sự thông minh của ông, quen với sự nghiêm khắc của lý luận, của sự chứng minh hay cả sự hăng say trước một vài linh tính sáng chói về sự thật, phải khuất phục trước những câu hỏi lạnh lùng và khó chịu của những quan tòa không quen biết.

Tuy nhiên, Bruno chọn lựa, và sự chọn lựa không thể phản hồi: tự bào chữa! Sống! Trở lại tự do! Nhưng thật khó mà tưởng tượng ra cái bí mật của sự đau khổ và sự cay đắng mà sự chọn lựa ấy mang lại, cái vực thẳm của cô đơn mà ở trong đó từ lúc này câu chuyện của Nolano diễn tiến.  

Đó là một người tuổi bốn mươi đứng trước những quan tòa. Ông ta thề trên Thánh Kinh là nói sự thật và bắt đầu nói:

“Tôi sẽ nói sự thật: nhiều lần, tôi bị đe dọa đưa ra trước Tòa Thánh, nhưng tôi vẫn coi điều ấy như một chuyện khôi hài. Tôi sẵn sàng nói về lý do chính đáng của điều tôi đã làm […]. Tên tôi là Giordano, trong gia đình Bruni, thuộc tỉnh Nola, cách xa Naples mười hai “mille”, sinh ra và lớn lên trong thành phố đó, và nghề của tôi đã và vẫn là chuyên nghề chữ nghĩa và các môn khoa học”. (Mỗi một mille là 1.478,50 m).

Bruno chọn ngay một chiến lược tự vệ căn cứ trên sự cởi mớ lớn, tìm cách trình bày cho quan tòa Ca-tô những chi tiết mà họ không biết. Chúng ta không nên quên rằng phần nhiều những thủ tục của Tòa án Ca-tô bắt đầu bằng hỏi bị cáo nếu hắn ta biết vì lý do gì để bị bắt giữ, như thế thúc đẩy bị cáo phải khai ra. Bruno đoán một cách sáng suốt những lý do của sự bắt giữ. Tuy nhiên, trên một điểm, dù rất tế nhị, chạm tới học thuyết cũng như lý lịch của ông ta, ông thú nhận những điều không trực tiếp đáng trách với ông ta. Có lẽ ông tìm cách tỏ ra đáng tin cậy khi chấp nhận cái gì ít nguy hiểm hơn cả, để có thể được tin cậy khi bác bỏ những cái gì có vẻ rất nguy hiểm. Trong tất cả giai đoạn của phiên tòa ở Venise, ông ta đứng ở thế tự vệ, được trình bày theo ba điểm: chấp nhận một phần những nghi ngờ và sai lầm, phần nhiều là thần học; cương quyết chối bỏ tất cả những tố cáo rất tầm thường (phỉ báng, chế giễu hàng giáo phẩm, những quan niệm có hại cho uy tín của Christ, v.v.); chứng tỏ một ý chí hối hận mạnh mẽ.

Đó là không kể đến tính cách giữ dội trong lời chứng của người tố cáo: không bằng lòng với hai lần tố cáo đầu tiên, Mocenigo đến làm chứng một lần thứ ba, ngày 29 tháng Năm. Có lẽ ông ta vẫn còn sợ Bruno và những khả năng ảo thuật của Bruno, cái con người Bruno ấy hình như đối với ông là một con quỷ, khi ông ta giam giữ như tù trong vựa lúa? Mocenigo, tù nhân của bộ máy mà ông ta đã mở máy, tiếp tục:

“Kính thưa Cha tôn kính và Lãnh chúa tối cao, bởi vì Cha rất tôn kính đã buộc tôi phải suy nghĩ kỹ tới tất cả những gì tôi đã nghe được từ Giordano Bruno, và tất cả những gì anh ta làm đối với đức tin Ca-tô, tôi nhớ đã nghe anh ta nói, ngoài những điều tôi đã viết trình lên Đức Cha tôn kính, rằng cái cách mà Giáo Hội thực hành bây giờ không phải là cái cách mà các tông đồ đã dùng, bởi vì các vị này đã cải đạo dân chúng bằng những lời giảng và nêu gương tốt đời sống của họ, trong khi bây giờ, chính bằng hình phạt và sự đau đớn mà người ta phải chứng minh rằng người ta là một người Ca-tô tốt, bởi vì sức mạnh đã thay thế tình thương. Anh ta còn nói rằng thế giới không thể tiếp tục như thế, bởi vì người ta chỉ thấy ở đó sự ngu dốt, không có một tôn giáo nào tốt cả; và rằng nếu đạo Ca-tô làm vừa lòng hắn hơn tất cả các tôn giáo khác, đạo này cũng cần phải có một sự chỉnh đốn quan trọng”.  

Người trẻ quý phái nhấn mạnh tói sự việc là Nolano đã dụ dỗ ông vào vòng ham mê xác thịt. Tình thế đặc biệt đáng lo ngại hơn bởi vì, đằng sau mỗi một lời buộc tội đặc biệt, còn có sự tố cáo sâu xa hơn, nặng về những nghi kỵ về sau: tỉ dụ, “đã ở lâu trong những nước tà giáo, và đã sống theo phong tục của họ”.

Chính vì vậy mà sau lần tố cáo thứ hai trước những quan tòa Venise (ngày 30 tháng Năm), trong khi Bruno hoàn tất kể lể đời sống và mô tả đặc biệt thời gian ông ở Genève, nhà triết học nhấn mạnh tới việc ông luôn luôn và chỉ chọn những hoàn cảnh của một đời sống tự do, để chú tâm vào việc nghiên cứu và dạy triết, không bao giờ tham gia vào tôn giáo Tin-lành.

Trong tất cả những cuộc hỏi cung, ông không bao giờ không nhấn mạnh rằng ông chỉ nói về triết học, không có một ý định vô tôn gíao nào, căn cứ vào lý trí thiên nhiên mà thôi chứ không phải những khái niệm về đức tin – điều này có thể dẫn ông tới sai lầm! Như thế, trong toàn thể phiên tòa, ông cố gắng làm cho quan tòa chú ý tới triết học của ông, chứng minh rằng những nhà tư tưởng như Platon và Aristote còn đi xa đức tin Ca-tô hơn ông nhiều, và dù rằng những người đó là mục tiêu nghiên cứu. Lập luận của ông chặt chẽ nhưng quá tự do, đi trước thời đại của ông, và chứng tỏ nó không có cách nào làm lung lay sự cứng rắn nghiêm ngặt của các quan tòa Ca-tô.

Sau khi trình bày ngắn gọn tư tưởng của ông, nhà triết học thú nhận có những nghi ngờ về Ba Ngôi và sự Giáng sinh của Lời, nhưng nhấn mạnh ngay tới sự kiện là những nghi ngờ đó bao giờ cũng do sự sử dụng “ánh sáng thiên nhiên” mà thôi mang lại. Người ta không thể không ngạc nhiên trước sự thành tâm đó, sự cởi mở can đảm đó trước những câu hỏi của quan tòa, đến nỗi có khi làm nặng thêm phạm vi của những lời tố cáo ban đầu. Với những phân biệt liên tiếp mà triết gia trình bày giữa mức độ đức tin và sự nghi ngờ triết học và duy lý mà ông thú nhận đã cảm thấy, các quan tòa đáp lại không lúc nào ngưng bằng những câu hỏi bắt buộc phải chính xác, bác bỏ, hay không có khả năng hiểu sự khác biệt mà Bruno nêu ra. Ông này đoán trước sự phân biệt giữa cuộc nghiên cứu khoa học với sự thật của đức tin, mà Galilée cũng đã đưa ra trong phiên tòa của ông. Đối với nguời này cũng như người kia khi đối diện với quan tòa, thì vẫn là diễn xuất của cùng một tấn kịch, mà ở đó đương đầu nhau không phải là hai quan niệm khác biệt của cùng một thứ lô-gic, nhưng mà là hai lô-gic hoàn toàn khác biệt. Như vậy, Bruno, mà tài năng trình bày những vấn đề về khoan dung mà Âu-châu chỉ đề cập tới với những Ánh Sáng và suy tư của thế kỷ XVIII, các quan tòa chống lại những nguyên tắc và cho rằng sự tự do nghiên cứu và sự thật triết học phải lệ thuộc vào bộ máy giáo điều và quyền hành của hàng giáo phẩm.

Ngoài ra, trước cả đống củi và những vụ tra tấn, và kể cả khi vắng bóng những thứ đó, sự bạo động của Tòa án Ca-tô đã hiện hữu tất cả trong cấu trúc của những câu hỏi, trong sự giả điếc của một quyền hành không để ý gì đến mọi thứ lập luận, cũng như sự hợp lý của lý luận và sự trình bày. Tuy nhiên, trong những cuộc hỏi cung trước hết ở Venise, và sau này ở Rô-ma, Bruno giữ một sự bình tĩnh lạ lùng không phải vì sợ hãi hay vì kính trọng những người buộc tội. Sự bình tĩnh này có một nguồn gốc khác: ngay từ lúc đầu tiên ở trong nhà tù của Tòa Thánh, ông hiểu ông đã rơi vào một cơ cấu như thế nào, và ông không chờ đợi một sự hiểu biết thông thường hay sự thương hại, ông hiểu rằng mọi thứ đều trái ngược với ông. Đó là lý do mà nhờ nó, bên cạnh một đường lối tự bào chữa chính xác và sự bám chắc vào một hoàn cảnh cụ thể, ông tự đặt mình trên một bình diện khác, mà không ai đến gần được cũng như không đe dọa được – ông đã mô tả nó trong những tác phẩm triết học của ông như tác phẩm contracto animi, “tập trung linh hồn”: ở chỗ bên trong đó với sự nhận thức trong suốt và tích cực về tuyệt đối, với sự kết hợp tâm linh và yêu thương với Một vô cùng, những sức mạnh thông minh của linh hồn tất cả đều hướng lên trời. Cả đến những trang khô khan của những cuộc thẩm vấn cũng để lộ cho thấy cái cách mà Bruno có thể di chuyển đồng thời trên hai bình diện đó: ông ta vừa là nạn nhân của bộ máy Ca-tô và cũng đồng thời ở chỗ khác, xa vắng, trong bình yên.

Khi các quan tòa Ca-tô hỏi ông về những tội nặng nề nhất (đã nói xấu Christ, đã bác bỏ sự đồng trinh của Mẹ Thượng Đế, v.v.) Bruno phản ứng, giận dữ, với một thái độ hết sức cứng rắn, và tỏ ra hết sức buồn rầu. Khi, tiếp theo sau, các quan tòa đi đến việc buộc tội những lời phê bình đối với Gíao hội Ca-tô, những xác nhận của ông về những phép lạ giả mạo của Christ hay về khả năng của Christ làm những phép lạ lớn hơn, hay còn muốn “làm cho mọi người đi thẳng”, Bruno “trả lời bằng cách đưa hai tay lên trời” để nói: 

“Cái đó là gì? Ai đã chế tạo ra chuyện ma quỷ ấy ? Tôi không bao giờ nói những điều như thế, cũng không bao giờ chuyện đó đến trong sự tưởng tượng của tôi. Thượng Đế ôi, cái đó là gì ? Tôi muốn chết hơn là nói những lời như thế”.

Nhà triết học hiểu rằng kể từ nay, vấn đề chính là, lương tâm của ông và khả năng đương đầu được hay không đối với sức ép khủng khiếp mà Tòa án Ca-tô biết áp dụng đối với người nào tình nghi tà giáo. Thực ra, các quan tòa Ca-tô chỉ yên tâm khi biết chắc sự phục tùng hoàn toàn của người tình nghi, từ bên trong. Chính người tình nghi cũng biết rằng, sự thú tội hoàn toàn, cũng như ý chí cương quyết hối lỗi, không đủ để làm cho quan tòa yên tâm, anh ta biết rằng các quan tòa có nhu cầu cảm thấy anh ta trước hết hoàn toàn gẫy vụn, rồi nhìn thấy lương tâm và sức mạnh tinh thần của anh ta hoàn toàn tan rã và suy sụp. Anh biết rằng chính sự tự do của anh ta, chứ không phải quan niệm của anh ta, làm tổn thương lương tâm bị bỏ tù của các quan tòa.

Thực ra, tất cả bộ máy của Tòa án Ca-tô được xây dựng để mổ xẻ lương tâm, và thành công không những trong việc khám ra ra sự sai lầm và tội lỗi, mà là diệt trừ những thứ đó từ cỗi rễ để loại bỏ, nếu có thể nói thể, tới cả khả năng phạm tội. Về những dụng cụ để đi tới đó, nó có rất nhiều và rất quỷ quyệt, và Bruno biết, ông ta hình dung ra những thứ đó, khủng khiếp, trong khi chúng siết chặt quanh ông càng ngày càng nhiều. Không phải chỉ là đe dọa tra tấn, nguy cơ bị hỏa thiêu, sự hạ nhục đương nhiên vì phải công khai chối bỏ quan niệm; tất cả những cái đó có thể tượng trưng cho một lối ra, nhưng vẫn còn quá bề ngoài và giản dị trong cơ cấu. Quan tòa có nhiều đường lối khác: tỉ dụ, sự quản trị thời gian, thời gian có thể giãn ra với người tù bị nhốt trong một nhà giam riêng của Tòa Thánh, gây ảnh hưởng tới người tù để hủy diệt nghị lực của anh ta. Thực ra, quan tòa quyết định lúc hỏi cung và thời gian hỏi cung; cũng có khi gián đoạn: thỉnh thoảng, từ lần hỏi cung này đến lần sau, cách xa nhau hàng tháng hay hàng năm. Sự đau đớn khổ sở nhất, đối với Bruno, chính là nhàn nhã bắt buộc và không được đọc sách hay viết, ngoài những hành động liên quan tới bản án.

Việc sử dụng sự dịu dàng là một công cụ ghê gớm khác, cái cách xảo quyệt làm cho bị cáo tin rằng cái mà người ta thành thực mong muốn, là điều tốt cho bị cáo, sự trở về hoàn toàn với chính thống và toàn vẹn của tôn giáo ky-tô. Sự dịu dàng ấy gây đau khổ biết bao, làm tổn thương nội tâm, nhưng nó cũng thật hấp dẫn… Đã xảy ra ở Venise, sau lần hỏi cung lần thứ tư, sau khi nhắc cho nhà triết học lớn những lời buộc tội chính và rất nhiều chứng cớ mà tòa án đã có, quan tòa nói với Bruno bằng những lời vừa có tính cách cha con vừa đe dọa. Trong khi đọc với một cái rùng mình, chúng ta đi vào tim bộ máy của Tòa án Ca-tô:

“Nếu anh muốn cầu nguyện và vận dụng hết con người của anh để, một khi trở lại với chính anh – bởi vì anh đã chứng tỏ trong một vài việc, muốn thừa nhận những lầm lẫn của anh -, anh tiếp tục làm nhẹ bớt lương tâm và nói lên sự thật, anh có thể tin rằng vì cái đó, tòa án chứng tỏ sự khoan hồng bằng mọi cách có thể được, cần thiết và thích đáng để cứu rỗi linh hồn anh. Và nhất là, thú tội rõ ràng và chính xác những lỗi lầm và những tà giáo mà anh đã tuyên bố, bảo vệ và tin tưởng, chống lại đức tin Ca-tô […] làm một sự xưng tội rõ ràng, thành thực và cởi mở của tất cả đời anh, cả khi anh còn ở trong Dòng và sau này, để có thể tới được ý định và mục đích nó phải hướng dẫn tất cả mọi hành động và ý nghĩ: được nhận vào trong lòng Giáo Hội mẹ thần thánh và trở thành thành viên của Jésus Christ”.    

Tiếp theo những lời mời gọi sám hối, với cách nói dịu dàng có vẻ khoan dung, xen kẽ vào những khe góc của cuộc thẩm vấn, những lời đó như là một nọc độc đối với bị cáo, là thêm vào, đến nỗi có thể thay thế hẳn, một sự đe dọa nặng nề nhất, dù được che dấu kỹ:

[…] “Không quên để nói với anh rằng nếu anh cứ ngoan cố chối những điều mà anh đã tin tưởng, và những điều đó đi ngược với đức tin Ca-tô và Giáo Hội thánh, thì anh không nên lấy làm ngạc nhiên nếu Tòa Thánh phải hành động đối với anh, bởi những phương pháp công lý mà Tòa Thánh có sẵn đối với những người có thái độ bất kính không chịu thừa nhận sự xót thương của Thương Đế”.

Trong cuộc thẩm vấn lần năm (ngày 3 tháng Sáu), và lần sáu (ngày hôm sau), các quan tòa kiên nhẫn mời gọi nhà triết học nhớ lại những niềm tin lầm lẫn, hay những tội và thiếu sót có thể, đã xảy ra trong quá khứ. Những câu hỏi vẫn y như cũ, lý do căn bản luôn luôn nhắc lại là ở sự kiện, bị cáo đã sống nhiều năm ở những nước mà ở đó có tà giáo; những quan tòa Ca-tô có vẻ như không thể chấp nhận quan niệm rằng ông ta đã không tham gia vào những nghi lễ tôn giáo của những nước mà ông ta trú ngụ. Bruno luôn luôn duy trì chặt chẽ sự mạch lạc của những xác nhận khác nhau mà ông ta đã làm theo dòng thẩm vấn; không lần nào ông nói ngược lại, luôn luôn lập luận một cách rõ ràng, nhưng giản dị, như là ông đã cẩn thận để làm cho quan tòa hiểu ông, không thể có sự mơ hồ hay hiểu nhầm.

Sự thành tâm nhận một vài lỗi hay niềm tin sai trái nhưng không nghịch lý đối với ông không thể làm cho quan tòa vô tình. Trong phần bào chữa của ông, ông được sự nâng đỡ bởi sự kiện là các quan tòa Ca-tô áp dụng nghiêm khắc những đường lối ấn định trong sách Ca-tô và cung cấp cho bị cáo một bản của những cuộc thẩm vấn có ghi những lời thú tội của ông cũng như những lời buộc tội hay những chứng nhận của các nhân chứng khác.

Sau lần thẩm vấn của quan tòa tối cao Morosini và của nhà sách Ciotti, cả hai người đều có thái độ thuận lợi ở điểm chính cho Bruno, thì gần hai tháng qua đi trong yên lặng. Thời gian thật là dài sau sự khốc liệt của những lần hỏi cung đầu, được thi hành gần như điên cuồng. Bruno đặt niềm tin vào sự kiện là cộng hòa Venise có một truyền thống độc lập lâu đời và vững chắc đối với Tòa Thánh, và rộng lượng hơn Tòa án Ca-tô Rô-ma. Ông tin là ông đã thuyết phục được; ngoài ra, hành động sám hối của ông là thành thực, hay ít ra cũng có vẻ như thế. Ông biết rằng ông phải lấy lại được sự tự do, cầu nguyện bằng mọi giá sự kéo dài việc xử án, với cái nguy cơ là ông bị chuyển về Rô-ma. Còn quá nhiều điều ép vào ông, còn quá nhiều dự án mà ông chưa kịp khởi sự. Ngày 30 tháng Bảy 1592, cửa nhà tù lại mở ra, ông được dẫn vào phòng dùng cho cử tọa của tòa án. Trong khi ông đi qua những hành lang ảm đạm của nhà tù, ông đã lấy một quyết định cuối cùng: ông xin được tha thứ, ông tìm cách có được một sự hồi phục đầy đủ. Ông không quan tâm tới cái giá mà ông phải trả để có được tự do; điều mà ông chờ đợi, ngoài một loạt những hình phạt, là sự tái gia nhập vào dòng “dominicain”, với sự bắt buộc phải ở một tu viện trong một số năm nào đó, giam kín. Bruno vẫn còn đặt niềm tin vào khả năng của Giáo hội Ca-tô để hiểu ông và, có lẽ, như ông vẫn thường nhắc nhở với các quan tòa, ông vẫn nghĩ đến là có thể tiếp xúc với giáo hoàng đẻ xin Ngài tha thứ và dâng lên Ngài tác phẩm của ông về “Les sept arts libéraux” (Bảy nghệ thuật tự do).

Nhưng đây có lẽ là phiên tòa mà cường độ bi thảm tỏ ra mạnh nhất: không biết đây là lần thứ bao nhiêu, những quan tòa hỏi Bruno, nhắc lại những câu hỏi đã đặt ra trong tất cả những phiên tòa trước. Cái cách trở lại những vấn đề mà Bruno đã trả lời đầy đủ và cặn kẽ, giống như một phiên tòa thôi miên, làm y như là, nếu cứ bị nghe hỏi mãi cũng những điều đó, bị cáo phải tới lúc nhập tâm cái tội mà những quan tòa gán cho hắn. Ngoài ra tất cả những phiên tòa Ca-tô đều được mở ra với sự phỏng đoán cho rằng bị cáo có tội. Nhưng, trong trường hợp Bruno, sự nhấn mạnh của các quan tòa tố cáo sự thiếu tin tưởng và thiếu khả năng hiển nhiên của họ để chế ngự những rắc rối của vấn đề đặt ra trước mặt họ.

Như vậy, được mời gọi suy nghĩ kỹ về đời sống của mình và những tội lỗi đương nhiên phạm phải trong những nước tà giáo mà ông đã ở, “để trong sạch hóa theo luật pháp” lương tâm của ông, Bruno trả lời:

“Có thể rằng, trong một thời gian lâu như thế, tôi có thể đi lạc và đi ra ngoài Giáo Hội thánh, bằng một cách nào khác hơn là những cách mà tôi đã kể, và rằng tôi bị sa vào tội lỗi theo như sự xét đoán của hàng giáo phẩm: nhưng, sau khi suy nghĩ nhiều về vấn đề đó, tôi không nhớ đến chuyện đó. Tôi đã thú nhận và tôi thú nhận bây giờ những lỗi lầm của tôi, những lỗi lầm đó ở đây, trong tay của các quan tòa danh tiếng, để có thể nhận được phương thuốc cho sự cứu rỗi của tôi”.

Sau những lời đó, quỳ xuống trước các quan tòa, và với một giọng đầy đau đớn và sám hối, đưa hai tay lên trong giáng điệu cầu khẩn, Bruno kêu lên:

“Tôi, kẻ hèn mọn, xin sự tha thứ của Thượng Đế và những quan tòa rất danh tiếng, cho tất cả những lỗi lầm mà tôi đã phạm phải […]. Và tôi sẵn sàng thi hành tất cả những gì mà quý Ngài quyết định một cách khôn ngoan và xét ra thích hợp cho linh hồn tôi. Hơn thế nữa, tôi cầu xin quý Ngài trừng phạt tôi nặng nề, nhiều hơn là lỗi lầm của của tôi đáng phải chịu, chứ không đem tôi ra làm một màn kịch công khai có thể làm mất danh dự cho cái áo thánh của tôn giáo mà tôi đã mang”.

Quang cảnh rất kịch, tích cực, và có lẽ đã gây xúc động cho những quan tòa Ca-tô đang quan sát ông và cảm thấy trong những lời của triết gia một dấu hiệu thành thực. Trên bình diện xử án, sự thừa nhận tội hoàn toàn ấy, kèm theo lời xin được tha thứ, đủ để cho bị cáo thoát khỏi nguy cơ bị kết tội tử hình, chỉ áp dụng trong trường hợp từ chối sám hối, ngoan cố và kiên nhẫn trong sai lầm. Bruno kết thúc lời cầu xin tha thứ bằng một lời hứa long trọng, vẫn quỳ:

“Và nếu, bằng sự xót thương của Thượng Đế và các Quan tòa rất danh tiếng, tôi được ban sự sống. Tôi xin hứa cải đổi đời tôi thật nhiều, và chuộc tội xấu mà tôi đã gây ra bằng chừng đó những việc làm tốt”.

Các quan tòa phải nhiều lần bảo Bruno đứng lên.     

 

Bruno đi Rô-ma.

Tuy nhiên, các quan tòa không thỏa mãn. Họ cảm thấy đứng trước một trường hợp với khó khăn hiếm có, mà sự rắc rối lại gia tăng bởi sự kiện, bị cáo không phải bất cứ một kẻ phạm tội nào bị kết tội là đã, nhiều hoặc ít, có ý thức về quan niệm tà giáo. Họ đứng trước một triết gia lớn, với sự hiểu biết rộng rãi, kể cả trong lãnh vực thần học, ông ta có thể kể một cách dễ dàng những vị Cha của Giáo Hội, Augustin và Thomas, biết rõ một cách hoàn toàn lịch sử của triết học cũng như những Kinh Thánh, và đã viết nhiều bài mà ở đó ông lập luận có lợi cho một nhãn quan về thế giới và về vũ trụ mà theo đó thế giới và vũ trụ có vẻ hoàn toàn tự do và đặc biệt, nhưng lại trái ngược với những truyền thống đã được thiết lập vững chắc. Vấn đề đặt ra như vậy, không phải chỉ là trừng phạt, sửa chữa hay thâu nhận vào đức tin chính thống một người tà giáo nào, nhưng mà là thiết lập rõ ràng cho tất cả mọi người, giới bình dân cũng như cộng đồng khoa học, thế tục hay tu sĩ, biết đâu là lập trường đúng được Giáo hội chấp nhận, và sai lầm ở chỗ nào. Và tòa án Venise cảm thấy không đủ khả năng đối với một trường hợp rắc rối như thế.

Ngoài ra, theo một thủ tục bắt đầu từ năm 1581, những tòa án vòng ngoài rải rác trong những Quốc Gia khác nhau phải gửi về Tòa Thánh Rô-ma những tổng hợp của tất cả những phiên tòa hiện hành, và, với những trường hợp quan trọng hay khó khăn hơn, một bản sao toàn thể diễn tiến của các phiên tòa. Thủ tục này bảo đảm sự kiểm soát của Tòa Thánh Rô-ma đối với tất cả những gì mà Tòa Thánh muốn biết ở những tòa án khác nhau, theo một hệ thống triệt để đẳng cấp; nó giúp cho việc tập trung những quyết định quan trọng nhất, đặc biệt là việc phân phối hình phạt hay kết tội, chỉ chừa lại một phần rất ít cho sự độc lập của các tòa án bên ngoài.

Đương nhiên, trường hợp Bruno gây nên tức khắc một quan tâm lớn lao của Tòa Thánh, và Tòa Thánh đòi dẫn độ bị cáo về Rô-ma. Từ tháng Tám 1592 đến tháng Hai 1593, nhờ có sự chú tâm của cá nhân giáo hoàng và những áp lực ngoại giao chồng chất, Tòa Thánh tìm cách và thành công trong việc chuyển giao Bruno cho Tòa án Rô-ma của Tòa Thánh. Nhà triết học nhổ neo ở Venise, ngày 19 tháng Hai 1593, và lên đường tới hải cảng Ancôme. Ngày 27, ông đi vào tòa nhà buồn thảm nổi tiếng được xây dựng xong năm 1569, tòa nhà này trở thành địa điểm trung ương của Tòa án Rô-ma, không cách xa bao nhiêu vói đền Thánh Pierre. Cửa nhà tù vừa đóng lại cái ầm sau lưng ông: ông đã vào nơi mà ông bị nhốt trong tám năm sau và chỉ đi ra để đến Camp dei Fiori. (Nơi mà những người bị kết án hỏa thiêu bị đốt).

 


 Tượng Bruno được dựng nơi ông bị thiêu đốt (The monument to Bruno in the place he was executed, Campo de' Fiori in Rome.
41°50′44.1″N 12°28′19.9″E )

 

Giordano chỉ có một mình, bị quay cuồng bởi chuyến đi dài và hàng nghìn những ý nghĩ trong đầu óc từ khi biết sẽ phải giải giao về Rô-ma. Tuy nhiên chân trời có vẻ đối với ông như không hoàn toàn đen tối. Đến gần Tòa Thánh của giáo hoàng có thể làm cho ông được người ta nhìn thấy và được phục hồi hoàn toàn. Ông nhìn xung quanh căn nhà tù mà ông bị giữ ở trong đó: đó là một phòng rộng lớn khác thường và đầy đủ ánh sáng, có một cái cửa sổ kích thước bình thường và những lưới sắt dầy. Ở giữa phòng, có một cái bàn, với những ghế ngồi và, tựa lưng vào tường, những cái giường, và ở trên một những cái giường đó có những khăn trải giường và những khăn lau tay sạch. Cái cảm giác mà ông rút ra được không hoàn toàn thiếu phần tích cực, nếu trừ ra sự im lặng bất thường ở xung quanh, và việc không thể thông tin với nhà tù bên cạnh vì chiều dày của bức tường và cái co giãn nặng nề của thời gian. Người ta thông báo rất nhanh cho ông biết những luật lệ mà ông phải tôn trọng trong nhà tù Rô-ma: cấm không được nói hay thông tin bằng bất cứ cách nào vời tù nhân của những phòng giam khác; người ta không thể đọc cũng không thể viết, ngoại trừ đó là vấn đề liên quan đến vụ án; cấm không được gửi thư ra bên ngoài hay bên trong nhà tù. Những luật lệ này thật nghiêm khắc, nhưng Bruno bị đau đớn nhiều nhất là cấm không được đọc được viết.

Tuy nhiên, như là người bị giam giữ bởi tòa án của Tòa Thánh, Bruno nhận thấy trong luật dân sự những điều ngăn cấm ấy nhẹ hơn, bởi vì chế độ của nhà tù Ca-tô đi trước những nhà tù tương tự của công lý thế tục: người tù có thể nói chuyện với bạn tù trong phòng, thay đổi quần áo (khăn giường và khăn mặt) hai lần một tuần, được đi tắm, cắt tóc và đưa quần áo cho cô thợ giặt, được sửa chữa quần áo mà phương tiện được cung cấp; thức ăn được lựa chọn kỹ và rượu thì không thiếu. Ngoài ra, mọi người bị giam giữ đều có thể đều đặn trình bày, để xin được cứu xét đặc biệt, hay những nhu cầu cho quan tòa. Không những thế các quan tòa đi thăm mọi người tù để trực tiếp nghe những lời than phiền nếu có của họ – theo lý thuyết mỗi tháng một lần, nhưng thực ra chỉ có trước những ngày lễ quan trọng. Vào lúc ấy, phòng tù của Bruno chứa bốn mươi bốn người tù, không kể ông ta, phần nhiều là những người tôn giáo.

Việc xử án Rô-ma tiến hành vô cùng chậm hơn ở Venise, dù rằng ngay từ đầu nó chỉ là sự nối tiếp việc cũ và không cần những chỉ thị mới.

Mùa thu 1593. Sự uể oải của Tòa Thánh đột nhiên sôi động bởi một sự kiện bất ngờ; một nhân chứng mới xuất hiện, ông ta trước kia là bạn tù của Giordano Bruno trong nhà tù ở Venise và tố cáo ông một loạt những tội tà giáo đặc biệt nặng nề. Đó là khởi đầu cho một khúc quanh tai hại trong bản cáo trạng Bruno. Người tố cáo là một sư huynh dòng “capucin”, Celestino da Verona, ông này bị thiêu sống vì tà giáo một vài tháng trước nhà thông thái, ở Camp dei Fiori, ngày 16 tháng Chín 1599, sau khi đã ở tù gần mười năm trong những nhà tù của Tòa án Ca-tô. Ông tưởng rằng những lời khai của Giordano, khi ra tòa, đã gây thiệt hại cho ông. Sự nghi ngờ không căn cứ có lẽ đã được nuôi dưỡng bởi một sự ghen ghét bí mật với nhà triết học. Đồng thời, chuyện tình cờ ấy cho thấy cái không khí u ám giữa những nạn nhân của Tòa án Ca-tô: nghi ngờ lẫn nhau, sự đau khổ và tuyệt vọng gây ra bởi cô đơn và bỏ rơi, những tra tấn liên tiếp, suy sụp thân xác và tinh thần, cuối cùng có ưu thế hơn lương tâm của những người mạnh nhất, và gây ra một bàu không khí tốt cho sự tố cáo bẩn thỉu, lừa gạt, nói dối, mà ở đó tất cả mọi phương tiện đều tốt để cải thiện vị trí của chính mình, dù nó có hại cho những người khác. Bởi những lời tố cáo vô ý thức và vô ích, sư huynh Celestino hy vọng có thể lung lạc quan tòa và được quan tòa nhận thấy rằng ông là người có ích, hay giản dị hơn cả, ông nhắm vào việc làm hại người bạn tù cùng phòng.

Dù sao đi nữa sự tố cáo của sư huynh Celestino da Verona gửi đến trong bài viết nổ ra như một trái bom trong lòng cộng đồng hồng y đang theo dõi việc xử án Bruno; sau đây là bản văn:

“Dicit se deponere contra lordanum, quia suspicatur se calumniose delatum fuisse ab ipso, et detulit omnia contra lordanum in scriptis”.

Sư huynh cho biết rằng Giordano đã nói:

1. Rằng Christ đã phạm tội chết khi đã cầu nguyện trong vườn, từ chối lòng tốt của Cha mà nói: “Cha, nếu có thể, mang cái ly này ra xa chỗ tôi”.

2. Rằng Christ không bị đóng đinh trên thập tư, mà bị treo trên hai cành cây đặt thẳng góc, như người ta vẫn làm khi đó, và được gọi là cái chĩa.

3. Rằng Christ là một con chó; và cái người cai quản thế giới này là một kẻ phản bội, bởi vì hắn không biết cai trị tốt, và đưa cánh tay lên, hắn giơ quả đấm lên trời.

4. Rằng không có hỏa ngục, và không có ai bị trừng phạt đời đời, nhưng với thời gian, mọi người đều được cứu rỗi, theo như châm ngôn: “Numquid in aeternum Deus irascitur” (Sự tức giận của Thượng Đế không phải mãi mãi).

5. Rằng có rất nhiều thế giới khác, rằng tất cả những ngôi sao đều là những thế giới, và tin rằng chỉ có thế giới chúng ta là một sự ngu dốt lớn.

6. Rằng một khi những thân xác chết đi, những linh hồn di chuyển từ thân này sang thân khác.

7. Rằng Moise là một tên phù thủy khôn ngoan […] hắn giả vờ đã nói với Thượng Đế ở núi Sinai, và rằng Luật mà hắn đem cho dân Do-thái đã do chính hắn tưởng tượng ra, và đó là luật giả.

8. Rằng tất cả những nhà tiên tri đều là những người giỏi, mưu mẹo và dối trá […].

9. Rằng xin sự giúp đỡ của các thánh là chuyện khôi hài và không nên làm.

10. Rằng Cain là một người tốt và hắn đã giết một cách chính đáng người anh của hắn, anh này là kẻ giết loài vật.

11. Rằng, nếu anh bị bắt buộc trở lại làm sư huynh Dominique, anh muốn đốt tu viện mà anh sẽ ở đó, và rồi anh muốn trở về Đức hay Anh, với những người tà giáo, để sống thoải mái theo như ý thích […]

12. Rằng người nào cầu kinh mỗi ngày, hay ra lệnh cầu kinh, là một con chó ngu xuẩn, không xứng đáng.

13. Rằng những giáo điều của Giáo hội, không có gì chứng minh được.



Không thỏa mãn với những lời tố cáo hết sức nặng nề, sư huynh Celestino kêu gọi ba người đồng tù khác của Tòa án Ca-tô Venise đến để xác nhận. Những lời tố cáo này là mới so với những lời của Mocenigo, và nó gây ra hậu quả là cứu xét lại việc xét xử, đúng vào lúc mà Bruno, vẫn còn dưới ảnh hưởng của cử chỉ sám hối ngoạn mục ở Venise, nghĩ tới một lối ra không đau đớn. Nhưng bây giờ tất cả chiến lược trước và những lợi điểm đã có được đều bị hủy bỏ cái rụp. Nhưng nặng nề hơn cả: cái đà chính của việc bào chữa cho Bruno sụp đổ, với sự biến dạng lập luận của nhân chứng duy nhất, Mocinego.

 Thực ra, hoàn cảnh của Bruno trở nên thực sự thất vọng khi ba nhân chứng được gọi tới để làm chứng, tiếp theo sau sư huynh Celestino, đã xác nhận, ít ra là một phần, những lời tố cáo; đó là sư huynh carme Giulio da Salò, người thợ mộc ở Naples Francesco Vaia, và Matteo de Silvestris. Vaia, đến lượt hắn, đưa ra một nhân chứng khác, Francesco Graziano, được các quan tòa nghe ngay, cuối tháng Ba 1593. Chúng ta đứng trứơc một trong những “dây xích” tiêu biểu của những liên can và nhân chứng tiếp theo nhau mà các Tòa án Ca-tô rất khôn khéo để lần ra, trong tiến trình của những điều tra lâu dài và kiên nhẫn.

Sự chứng nhân của Graziano làm nặng thêm hoàn cảnh của Bruno. Đó là một người khá trí thức, ông ta sống bằng chép lại hay dịch sách, và bằng dạy học. Ông ta đã ủng hộ một phiên tòa của Tòa án Ca-tô ở Venise, năm 1585, và bây giờ ông ở trong tay Tòa Thánh, trong hoàn cảnh khó khăn của sự rơi trở lại vào tà giáo. Graziano xác nhận tất cả những lời tố cáo của sư huynh Celestino, và còn thêm vào một lời khác, xác nhận rằng Bruno chỉ trích việc thờ ảnh tượng thánh.





 

 Một khi đã thâu thập đầy đủ mọi lời chứng, tòa án bắt tay mau chóng vào việc làm và thẩm vấn Bruno trong tám ngày liên tiếp, trước cuối năm 1593. Bruno tổ chức một cách mạnh mẽ sự bào chữa, và như trước kia ở Venise, ông bác bỏ toàn bộ tất cả những lời cáo buộc. Ông không chấp nhận một cách khinh bỉ những cáo buộc có tính cách sỉ nhục và thiếu kính trọng nhất. Ông thừa nhận có nói một vài điều, nhưng đặt nó lại vào bối cảnh khôi hài và thân thuộc, mà ở đó mọi dụng ý nhạo báng hay phạm thánh đều không thể có. Vâng, bằng tính cách khôi hài ông đã nói là Cain đã làm đúng khi giết Abel!

Ngay sau giai đoạn tấn công của phiên tòa, người ta đi đến giai đoạn nhắc lại, gồm có hỏi đi hỏi lại tất cả nhân chứng buộc tội, sau một thời gian mà họ nạp bản tố cáo đầu tiên, về tất cả những điều còn đang bàn cãi. Theo lý thuyết, thì đó là một cơ hội mới để cho bị cáo tự bào chữa, bởi vì những nhân chứng không có trong tay bản tố cáo đầu tiên có nguy cơ bị bại lộ nếu họ nói ngược lại hay rút lại, nhất là khi liên quan tới những nhân chứng giả mạo hay những người vu cáo. Trong thực tế, sự xem xét lại toàn bộ hồ sơ luôn luôn có lợi cho tòa án hơn là bị cáo. Mỗi một nhân chứng lại được hỏi về tất cả những điều cáo buộc, chứ không phải chỉ những điều cáo buộc liên quan đến nhân chứng mà thôi, với cái nguy cơ đương nhiên làm gia tăng chứ không giảm bớt những lời cáo buộc. Bruno chấp nhận sự đi thụt lùi (bác bỏ nó, như ông có thể làm, sẽ làm tê liệt những cơ hội để bào chữa cho ông), và ông quyết định tự bào chữa một mình, bác bỏ sự giúp đỡ của luật sư bắt buộc mà Tòa Thánh đề nghị cho các bị cáo, đặc biệt là trong trường hợp những bị cáo thiếu phương tiện tài chánh.

Công tố viên của Tòa Thánh thiết lập sau đó bản báo cáo những lời buộc tội còn giữ lại dưới hình thức những điều khoản, les articuli, rút ra từ toàn bộ những hành động của tòa án: ông giữ lại hai mươi ba điều buộc tội chính. Một bản sao nguyên văn, chỉ thiếu tên những người tố cáo, được trao lại cho Bruno, để chính ông sửa soạn những interrogatoria của ông, một loại câu hỏi mà quan tòa đưa cho nhân chứng, trước khi vô sổ những câu trả lời của họ. Đường lối này được sử dụng để tránh, hay giảm đi tới mức tối thiểu, ảnh hưởng của quan tòa tới các nhân chứng hay những câu trả lời quá tổng quát: vì vậy, mọi cáo buộc phải dựa vào những chính xác tỉ mỉ liên quan tới những lời đã được thực sự nghe thấy, thời giờ và địa điểm, tên của những người có mặt khác, giọng nói của bị cáo và những lý do chậm trễ trong việc tố cáo. Tất cả những sắp xếp đó chứng tỏ rằng Tòa án Ca-tô là một cái gì khác hơn là một tấn tuồng công lý. Trái lại, rất nhiều những thay đổi quan trọng nhất của luật hình sự tương lai đã có gốc rễ trong những phương pháp của Tòa Thánh.

Bruno không nản chí, thâu góp nghị lực của ông và tập trung vào hồ sơ của phiên tòa bằng cách sửa soạn những interrogatoria của ông. Ông đã vượt qua được sự thất vọng và nản chí nó đã đổ ập xuống ông sau những lời cáo buộc mới của sư huynh Celestino, nhưng ông thấy rằng việc làm của ông, rất khó khăn ngay từ lức đầu bây giờ chỉ còn lại thất vọng. Ông phải một mình đương đầu với cả một tòa án, với rất nhiều người tố cáo và, nhất là, phải chống đỡ trên nhiều mặt khác nhau, đi từ những câu hỏi tế nhị về thần học đến những luận án siêu hình, và cả những lời buộc tội thô lỗ và tầm thường về nhạo báng. Cuộc thẩm vấn nhắc đi nhắc lại, kết thúc với Bruno bằng sự thất bại hoàn toàn: ông thấy hai mươi ba lời buộc tội chính đối với ông được xác nhận. Và, trong số muời ba điều buộc tội, con số của ít ra hai nhân chứng phù hợp đã đạt được, nói một cách khác, những lời buộc tội đó không thể bác bỏ, dù bởi sự chối bỏ của bị cáo.

Vào tháng Sáu 1594, một bản sao đầy đủ tất cả những việc làm liên quan tới việc xét xử kể từ lúc bắt đầu đã cuối cùng được trao cho Bruno, để ông có thể sửa soạn bằng lời viết những bào chữa cuối cùng của ông và lập luận về những kết luận của việc tố tụng cứ lặp lại không ngừng. Nguyên nhân thì thực là rất rắc rối, cái đống hồ sơ gồm hàng trăm tài liệu. Bruno phải làm việc cho tới 20 tháng Mười Hai, cái ngày mà ông nộp cho các quan tòa Ca-tô tám mươi trang của bản điều trần bào chữa. Đó là màn cuối cùng. Vấn đề bây giờ chấm dứt. Chỉ còn có việc chờ đợi bản án. Số phận có vẻ như ưu đãi nhà triết học của xứ Nola, và cái vụ này giống như một truyện trinh thám rẽ sang một ngả bất thường khác khi, vào ngày 16 tháng Hai 1594, đích thân giáo hoàng can thiệp. Clément VIII – mà Bruno đặt tất cả hy vọng vào sự ôn hòa và sự nhạy cảm văn hóa – cho biết là sự hiểu biết về những tác phẩm đã phổ biến của nhà triết học còn nhiều thiếu sót, và Ngài ra lệnh phải thiết lập một danh sách đầy đủ. Nhưng vấn đề là tìm ra rất nhiều những tác phẩm của Bruno, bởi vì đó là những tác phẩm hiếm có, ít phổ biến và in ở những nơi vô định. Tòa Thánh bắt tay vào công việc tìm kiếm những tác phẩm khó khăn đó, và trong hơn một năm, Bruno không được nói đến.

Việc nghiên cứu những tác phẩm kéo dài từ tháng Ba 1595 cho tới tháng Mười Hai 1597. Sự chậm trễ khác thường đó chỉ có thể giải thich bởi thời gian cần thiết để hiểu tất cả những bản văn của Nolano, nhưng cũng bởi sự kiện là các quan tòa Ca-tô cho rằng việc tranh tụng đã kết thúc ở điểm chính: nhiều lắm thì nội dung của các tác phẩm chỉ làm gia tăng thêm – và chắc chắn không làm giảm đi – những kết luận đã đạt được. Các quan tòa thực sự yên chí rằng, cuối cùng ra thì là một bản án giam giữ lâu dài và nghiêm ngặt.

 

Xương thịt và nhà triết học.

Tháng 12, 1596, Bruno nhận được những luận án và đề nghị kiểm duyệt những tác phẩm của ông để ông sửa soạn bào chữa. Sau ba tháng nghiên cứu và làm việc, ông lại đến trình diện với hội đoàn quan tòa, trong căn phòng khắc khổ của tòa án, ngày 24 tháng 3, 1597. Đơn độc, ăn mặc giản dị, gầy và yếu đi vì những năm bị giam giữ, và nhất là, bất lực trước sức mạnh của những người kết tội, ông sửa soạn cho một cuộc gắp gỡ chênh lệch. Những câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho ông, mà ông được yêu cầu trả lời chính xác. Bruno bảo vệ những quan điểm mà ông vẫn ủng hộ, cố gắng chứng minh điều mà ông đã kiên nhẫn nghiên cứu: sự hòa hợp nó bao bọc vũ trụ và con người. Thực ra, không muốn chấp nhận những đề nghị kiểm duyệt ông, ông đưa ra trước một loạt những lập luận có lợi cho luận án triết học chính của ông: sự linh hoạt của Thượng Đế và sự hiện hữu của nhiều thế giới. Sau tất cả những năm bị giam giữ và thiếu thốn, Bruno vẫn không đi trệch ra ngoài những lập trường đầu tiên. Ông luôn luôn cương quyết nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thiết lập một sự phân biệt giữa quan điểm lý trí thiên nhiên, dùng để hiểu thiên nhiên, với quan điểm đức tin và ân sủng, liên quan tới những vấn đề thần thánh, những bí mật mà chỉ có lời mặc khải mới có thể đến được.

Nhưng lần này các quan tòa không có ý định khoan dung nữa trước những chống đối của nhà triết học, sự cứng đầu để bảo vệ lập trường mà người ta đã nói rõ là tà giáo. Tòa Thánh ra lệnh cho ông phải “từ bỏ những khái niệm vô ích về vấn đề nhiều thế giới”. Sự tức giận của quan tòa có thể giải thích dễ dàng: trong rất nhiều bằng chứng buộc tội Bruno, chỉ có một, bằng chứng của Mocenigo, có thể giữ lại như là có giá tri, những bằng chứng khác, hoặc của Graziano, của Vaia hay sư huynh Celestino, là của những người tà giáo, bị đưa ra tòa vì những trọng tội khác nhau và, như vậy, không thể giữ lại như là đáng tin cậy hay hợp pháp, theo như thủ tục của Tòa án Ca-tô. Con số hai nhân chứng cần thiết cho mỗi một tội chính là bắt buộc, bây giờ chỉ có một lối thoát là sự thú nhận hoàn toàn của bị cáo, kể cả dưới sự tra tấn.

Bruno hình dung ra sự thử thách mà ông còn phải vượt qua. Ông biết rằng cái lúc đã được loan báo và lo sợ từ lâu bây giờ đã tới. Khi đó là cuối tháng 3, 1597. Một ít ngày trôi qua kể từ phiên tòa cuối cùng, mà biên bản ghi: interrogetur stricte; bằng công thức đó, các quan tòa có lẽ ra lệnh áp dụng việc tra tấn. Bruno sẽ phải trải qua sự thách thức chờ đợi từ lâu trong niềm lo lắng, ông sẽ phải đi qua sự đau đớn tột cùng.

Bruno sẵn sàng. Đó là vào buổi chiều. Cửa nhà giam mở ra và những người lính gác đến gần, ra lệnh cho ông đi theo. Ông đứng ngay lên, chào các bạn tù ngồi im lặng, và để cho dẫn đi dọc theo hành lang mà ông biết, hẹp và tối. Rồi họ bắt đầu đi xuống và tiến về phía “bí mật”, nơi có phòng tra tấn, mà ở đó những tiếng gào thét bị những bức tường dày làm cho câm đi. Căn phòng được soi sáng bởi vài bó đuốc bốc khói. Bruno nhìn ra xung quanh và thở mạnh: ông biết rằng chỉ ít lúc sau, ông sẽ bị nghẹt thở. Trong một góc có cái lò sưởi có lửa cháy, hắt những tia sáng lên trần nhà và những tường xung quanh, ở đó có treo hay cẩu thả dựa vào, những dụng cụ tra tấn khác nhau: kìm nhỏ, kìm lớn, những ê-tô lạ lùng, những chiếc đũa, roi da, dây thừng. Trên trần nhà có một cái ròng rọc móc vào và từ đó có một sợi dây thừng treo tòn teng. Trên sàn nhà, những vết đen đã cũ, có lẽ là máu đông đặc lại, ai biết được là từ bao giờ. Phía trước, được soi sáng bởi một dá đèn, một ghế gỗ dài mà ở đó đã có một số quan tòa ngồi vào: họ được lệnh phải tham dự vào những buổi tra tấn bị cáo. Bên cạnh họ, một người thư ký sẵn sàng để ghi tất cả điều gì sẽ nói ra.



Bruno trên giàn thiêu (Bruno was burned at the stake as a Heretic),
link: http://themarlowestudies.org/wraight_Giordano_Bruno.html



Bruno nghe từng tiếng động, từng lời nói, ông nhìn thấy mọi cử động, điệu bộ, màu sắc khác nhau, trong căn phòng đó; giác quan của ông như được mài sắc bởi sự thử thách gần kề mà ông biết không lâu quá nửa giờ, nhưng ông cũng biết nó phải được tiến hành tới giới hạn chịu đựng của con người. Ông nghĩ rằng cái lúc ghê rợn nhất: nhìn những dụng cụ tra tấn mà họ sắp đem áp dụng vào người ông và quan sát tên đao phủ vô tình, đứng đấy, bên cạnh những dụng cụ đó, như một người thợ lành nghề sắp sửa tiến hành công việc; và anh, anh không thể làm gì, cửa đóng kín, anh cô đơn, bị trói. Có lẽ người bị tra tấn là người độc nhất kinh nghiệm được sự bỏ rơi thực sự, trong khi cảm thấy thân thể anh hoàn toàn vô phương chống đỡ, trao phó cho bàn tay của những người lấy sự đau đớn làm nghề chuyên môn tang tóc của họ. Ông bị tổn thương bởi những câu chuyện của lính gác, mà ông nghe thấy dù không muốn: họ nói đến những chuyện quá vô nghĩa, những vấn đề cá nhân, họ có vẻ đãng trí hay vô tình. Đối vói họ, Bruno Giordano không gì khác hơn là một trong số rất nhiều những kẻ khốn nạn được dẫn tới nơi bí mật, trong những năm đó. Trên mặt họ hiện ra một vẻ vô tình gây nên bởi thói quen đã có từ lâu trước những đau khổ của nạn nhân.

Với ý định tốt, các quan tòa Ca-tô lại khuyên nhà triết học thú tội, nhắc lại với ông rằng, nếu ông cứ một mực chối tội và không hối cải, thì ông sẽ bị tra tấn. Bruno lặng lẽ lắc đầu báo hiệu từ chối. Thủ tục của Tòa án Ca-tô tiên liệu là những người lính gác, khi các quan tòa Ca-tô ra hiệu, phải lột hết quần áo của nạn nhân và trói hai tay ra sau lưng. Rồi những quan tòa Ca-tô ra lệnh treo nạn nhân lên, cao khỏi mặt đất hai thước. Không có cách nào cưỡng lại được: hai cánh tay trật khớp và vặn hoàn toàn vào phía trong; những đường gân, bắp thịt, xương cốt, tất cả hình như nổ tung, tan ra từng mảnh trong một tiếng kêu nghẹn ngào. Tra tấn (torture) từ tiếng la tinh torquere, nghĩa là vặn cho gẫy, tordre. Một tiếng kêu độc nhất và khủng khiếp thoát ra khỏi họng, phản ứng tự nhiên gây ra bởi một sự đau đớn kinh hồn bắn ra từ hai cánh tay, chạy từ tay lên đầu để nổ tung trong não. Sau lúc đó, và sau sự bẻ gẫy đầu tiên tàn bạo, người bị tra tấn mở mắt, hơi thở hổn hển, bị chặn lại vì lồng ngực bị ép, những sợi dây thừng xiết chặt vào da. Thân thể cứ mỗi phút lại có vẻ nặng hơn; những cánh tay, trật khớp, có vẻ như không cưỡng lại được, phải tách rời ra khỏi thân thể, rồi dây treo đột ngột sút ra để cho nạn nhân rơi trở lại xuống nền nhà.

Vào lúc đó, các quan tòa Ca-tô bắt đầu hỏi nạn nhân. Người bị tra tấn phải, mỗi lần, gom góp một chút sức tàn còn lại, cố gắng thốt ra từng lời một, với một sự chậm chạp đau đớn. Nạn nhân, mồ hôi toát ra đầm đìa, có cái cảm giác là hai tay, cánh tay và lưng bị cắn xé bởi lửa chứ không phải vì bị treo trên sợi dây thừng. Thời gian qua đi, nhưng nửa giờ – thời gian tối đa hợp pháp cho mỗi lần tra tấn – là một thiên thu, trong sự tra tấn không giới hạn mà có vẻ như người bị tra tấn không thể không chết. Nhưng Bruno, có lẽ đã bị tra tấn thuộc loại như thế, không chịu nhượng bộ. Các quan tòa Ca-tô biết rằng: sự thú tội mà họ mong muốn không xẩy ra.

 

Giờ cuối cùng đến gần.

Môt vài ngày sau, một bản sao những đề nghị kiểm duyệt sách của ông được trao cho ông, để ông có thể sửa soạn bản bào chữa viết tay. Bản tóm tắt việc xử án, soạn vào đầu tháng 3, 1598, cung cấp cho chúng ta một tổng hợp rất chính xác vừa của những lời cáo buộc đối với ông vừa của những câu trả lời cho mỗi một lời cáo buộc. Thực ra, những kiểm duyệt cũng không thêm gì nhiều cho những lời buộc tội đã hình thành: những tội chính liên quan tới quan niệm một vũ trụ vô cùng, tới khái niệm của Platon về anima mundi, linh hồn thế giới mà linh hồn cá nhân có vẻ như tan vào đó, tới thuyết chuyển động của trái đất và, cuối cùng, tới thuyết hai cái vô cùng, Thượng Đế và thiên nhiên. Bruno bào chữa bằng những lập luận có phần khác với những lập luận đã sử dụng trước đây, và, ở một vài điểm, ông chấp nhận nhượng bộ những đòi hỏi của quan tòa.

Việc xử án kéo dài, trước hết vì lý do cứu xét chậm mà những câu trả lời viết của Bruno đòi hỏi, sau nữa là vì thời gian lâu dài ở Ferrare của tất cả phái đoàn giáo hoàng. Giáo hoàng chỉ trở về Rô-ma vào cuối năm 1598. Vào đầu năm 1599, người ta đi tới kết thúc việc xử án: hơn 2.400 ngày điều tra, thẩm vấn và kiểm tra đã qua đi, và Tòa Thánh bây giờ có đầy đủ yếu tố để tuyên án. Trường hợp này là một trong những trường hợp tối tăm nhất mà chưa bao giờ Tòa án Ca-tô phải quản trị, và điều này, dù có sự tham gia vào thành phần xử án của hồng y Bellarmin, một nhà thần học trẻ tuổi và thông thái, ông ta có vẻ như sẵn sàng mở rối cho mớ chỉ của phiên tòa (một vài năm sau, ông sẽ là một người đóng vai chính lớn nhất trong vụ xử án Galilée). Những lời cáo buộc Bruno được chia ra thành ba nhóm: trong nhóm thứ nhất, người ta thấy những hành động thiếu tôn kính, những lời nhạo báng và những lời buộc tội hàng giáo sĩ. Trong nhóm hai, có những luận án sai lầm về Christ, Thánh Thần, và Ba Ngôi: đó là cốt lõi thần học, mà những bằng chứng về tà giáo có thể là hiển nhiên nhất. Nhóm thứ ba gồm có toàn bộ những quan niệm triết học của Nolano, những thứ này gây thiệt hại cho siêu hình của Giáo hội vào thời đó, hoặc là về vũ rụ, trái đất hay sự tổng quát hóa vũ trụ.

Những tội trạng thuộc loại một là nhẹ nhất, và loại hai dựa vào những bằng chứng mâu thuẫn nhau; loại ba, trái lại, lấy căn cứ ở những bài viết của nhà triết học, và những bài viết này, chỉ những bài viết đó thôi đã đủ là những bằng chứng chắc chắn Bruno có tội, không cần phải có thêm bằng chứng hay lời thú tội.

Ngày 12 tháng Giêng 1599, Robert Bellarmin nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề rắc rối này. Bây giờ phải chấm dứt cái trò chơi tìm kiếm những khác biệt rất nhỏ nhặt và những cách trả lời chạy tội của Bruno, và ấn định giới hạn chặt chẽ cho những câu trả lời. Giải pháp hữu hiệu nhất đối với ông là đơn giản hóa cái khung buộc tội: một danh sách tám tội tà giáo được trích ra từ tất cả các tội và chuyển cho bị cáo, ngày 18 tháng Giêng, và trong thời hạn sáu ngày bị cáo phải quyết định từ bỏ hay không. Bruno biết rằng việc xử án đi tới chỗ kết thúc. Hoặc là ông từ bỏ quan niệm của ông, và ông cứu sống ông, nhưng vẫn có thể bị kết tội nhiều năm bị giam giữ, trong một tu viện nào đó của dòng ông; tuy nhiên như là có tội theo tà giáo, ông không rơi trở lại vào tà giáo, đây là lần đầu tiên ông kị kết án. Hoặc là ông không chịu từ bỏ, thì ông biết chắc sẽ bị kết tội tử hình, như là người không chịu hối cải.

Ngày 15 tháng Giêng 1599, được kêu tới trước các quan tòa Ca-tô, Bruno được yêu cầu thừa nhận như là lầm lỗi tất cả tám tội tà giáo mà người ta đã trao cho ông và tuyên bố từ bỏ. Đây chỉ là bước đầu, bởi vì nếu ông chấp nhận sám hối, một bản văn đầy đủ hơn sẽ được soạn ra cho một lần từ bỏ cuối cùng và công khai. Trong trường hợp trái lại, người ta ban cho những người “không sám hối” và “cứng đầu” một thời hạn bốn mươi ngày theo luật định trước khi hành hình. Ngay từ đầu, nhà triết học chờ đợi quyết định ấy, và đã đến lúc không còn lối thoát. Ông đã chọn: ông từ bỏ. Đây không phải là một chọn lựa chiến thuật, mà là đầu hàng, cũng không phải vận dụng để mua thời gian, nhưng là chấp nhận thất bại. Và nội dung biên bản đã tức khắc cho thấy ngay tầm vóc quan trọng của sự thất bại:

“Và bây giờ anh thừa nhận như là tà giáo tám lời buộc tội, và sẵn sàng ghét bỏ nó và từ bỏ nó tại nơi và thời gian theo như ý muốn của Tòa Thánh, và ngoài ra, sẵn sàng tuân lệnh về tất cả những vấn đề mà anh bị khiển trách”.

Bruno có vẻ như đứng trước cùng một hoàn cảnh như ở Venise. Nhưng mà ở đó, ông hy vọng có thể mau chong thoát ra khỏi khó khăn; ở đây, tất cả mọi thứ đều bi thảm hơn, và chỉ còn một bước nữa là đến bản án cuối cùng. Tim của Bruno như trong cơn bão tố mà ông chưa bao giờ biết; nhảy múa trong tâm ông là hình ảnh thỏa mãn hiện ra trên khuôn mặt của các quan tòa Ca-tô trong khi ông tuyên bố từ bỏ, cũng như cái nhìn lạnh lùng, đắc thắng, của hồng y Bellarmin. Có lẽ ông hiểu, lần đầu tiên, ông sẽ sống sau khi tuyên bố từ bỏ, nhưng ông chết như là một nhà tư tưởng và là người hướng dẫn sự cải cách tâm linh và chính trị mà ông hằng ao ước. Ông cứu ông bằng cách đánh mất chính ông, và dự án của ông tan ra mây khói: đó là hai hoàn cảnh đau xót và khủng khiếp mà ông phải chọn lựa.

Ngày 25 tháng Giêng 1599, sau khi hết thời hạn để quyết định, Bruno tuyên bố sẵn sàng từ bỏ, với điều kiện là những lầm lỗi của ông được biết như là ex nunc (“kể từ lúc này”) – nói một cách khác, những lầm lỗi ấy đã xảy ra trong những vấn đề mà Giáo hội chưa rõ ràng công bố. Như thế thì rõ ràng trong trường hợp này, tội của ông sẽ không nặng, và có thể thoát khỏi với những thiệt hại không đáng kể. Nhưng các quan tòa Ca-tô không để cho nhà triết học một lối thoát nào, tái xác nhận rằng tất cả những lầm lỗi và những xác nhận tà giáo của ông được coi là như thế từ những thời kỳ xa xôi nhất của học thuyết Ca-tô.

Ngày 5 tháng Tư 1599, người Nolano chuyển cho các quan tòa Ca-tô một bản văn mới mà ở trong đó hình như ông có một vài sự dè dặt với hai trong số tám tội mà ông đã chấp nhận từ bỏ. Việc xử án lại được mở ra, và một thời gian nghỉ dài lại làm gián đoạn phiên tòa, cho đến ngày 24 tháng Tám, thì vấn đề được đem ra thảo luận với sự hiện diện của Con Trời G Clément VIII. Việc tuyên đọc biên bản của tòa án cho thấy những nghi ngờ vẫn còn ám ảnh các quan tòa Ca-tô phần lớn là về những tội danh chính. Để thoát ra khỏi ngõ bí và có được những bằng chứng tội lỗi của những tội chính mà Bruno bác bỏ và về những điểm còn tối, sáu quan tòa Ca-tô dự tính dùng biên pháp tra tấn, kể cả leo thang tra tấn và tái tục. Nhưng giáo hoàng bác bỏ, muốn rằng nhà triết học được yêu cầu thừa nhận những lỗi lầm trên một danh sách những tội trạng mới. 

Ngày 10 tháng 9, 1599, Bruno nhận được một lời yêu cầu bắt buộc phải từ bỏ, cùng với, lần đầu tiên, một thời hạn định mệnh là 40 ngày. Ngày 16 tháng 9, Bruno tuyên bố sẵn sàng thừa nhận những lỗi lầm và thi hành một sự từ bỏ đầy đủ và hoàn toàn, đồng thời cũng nạp một bản tóm tắt đệ trình lên Con Trời G Clément VIII, vẫn bào chữa cho những quan niệm bị kết tội. Sự tái tục tranh luận làm bực mình giáo hoàng cũng như các quan tòa Ca-tô, bởi như là nó phản ảnh sự cương quyết không sám hối của bị cáo. Họ cũng còn bực mình bởi một sự tố cáo mới đối với Bruno, đến từ tòa án Verceil: nó chứa đựng những lời tố cáo chính xác về việc phát hành sách “L’expulsion de la bête triomphante” (Trục xuất con vật đắc thắng), mà bản văn được coi như chống giáo hoàng dữ dội. Một gia hạn cuối cùng 40 ngày lại được đưa xuống cho Bruno để thừa nhận tội và chọn một sự từ bỏ đầy đủ và không hạn chế. Ngày 17 tháng 11, 1599, khi hết hạn, nhà triết học lần này không có một dấu hiệu từ bỏ nào và giữ vững lập trường. Sự không nhượng bộ mà Bruno đã lựa chọn và sự không chịu sám hối, rõ rệt là một vết thương sâu cho Tòa án Ca-tô.

Cái bộ máy vô nhân đạo ấy, được chế tạo ra để bẻ cong và từ từ dìm chết lương tâm, dưới sự tấn công phối hợp của lời nói và sức mạnh, sự giam giữ và phương pháp tâm linh, không thể thản nhiên trước một con người thay vì ngã qụy, sau 8 năm áp lực, thẩm vấn, tra tấn và tranh luận, vẫn cương quyết giữ vững lập trường; ông còn bào chữa với một nghị lực đổi mới cái quyền được suy nghĩ tự do, chỉ dưới “ánh sáng thiên nhiên” của lý trí. Vết thương càng nhức nhối hơn khi danh tiếng của bị cáo vượt qua những biên giới, và nhất là Tòa Thánh đã tham dự với tất cả sức mạnh, trong nhiều năm, để khám phá sự thật.

(Cette machine implacable, construite pour faire ployer et lentement sombrer les consciences, sous l’assaut conjoint des paroles et de la force, de la détention et de la suggestion psychique, ne peut rester impassible devant cet homme qui, au lieu de s’écrouler, après huit années de pressions, interrogatoires, tortures et discussions, demeure ferme sur ses positions; il défend même avec une énergie renouvelée son droit à penser librement, à la seule “lumière naturelle” de la raison. La blessure est d’autant plus vive que la notoriété de l’accusé dépasse les frontières, et que le Saint-Office a engagé toutes ses forces, au long des années, pour découvrir “la vérité”.- Page 145)

Ngày 21 tháng 12, 1599, có cuộc thẩm vấn thứ 22 và cũng là chót và sự gặp gỡ cuối cùng của Nolano với các quan tòa Ca-tô. Mặc dù việc xử án từ bây giờ coi như chính thức chấm dứt, Bruno lại được một lần nữa kêu gọi từ bỏ. Lời kêu gọi ấy cũng được lặp lại, vào tháng Giêng năm sau bởi hai người trách nhiệm cao cấp nhất của dòng “dominicain”. Nếu nhận, ông ta vẫn còn có thể cứu vãn đời ông. Nhưng bây giờ Bruno giữ vững quyết định: ông không thấy có lợi gì để từ bỏ, những lời buộc tội là kết quả một sự hiểu lầm của các quan tòa Ca-tô.

Ngày 20 tháng Giêng 1600, Clément được thông báo sự thất bại của hai cố gắng cuối cùng, ra lệnh rằng bị cáo, được biết như là tà giáo chính thức, ngoan cố và không chịu sám hối, phải bị kết tội và, sau đó, giao cho công lý thế tục (tradatur Curiae seculari). Ngày 8 tháng Hai, đi ra khỏi lần đầu và cũng là lần chót lâu đài của Tòa Thánh và dược dẫn tới nhà riêng của hồng y Madruzzi, gần nhà thờ Sant’ Agnesse, ở quảng trường piazza Navona, để nghe tuyên đọc bản án. Quần chúng tụ tập bên trong và bên ngoài phòng hội, mà tiếng ồn ào chỉ chấm dứt khi bản án được tuyên đọc:

 

[…] Chúng tôi đã đi đến hình phạt như sau.

Đã nhân danh Chúa của chúng ta Jésus Christ và Đức Bà rất vẻ vang và mãi mãi Đồng Trinh về việc tranh tụng bây giờ và những việc kể trên, được đem đến trước Tòa Thánh và đối đầu nhau một bên là Ngài Giulo Monterenti, tiến sĩ luật và là công tố viên có đóng thuế của Tòa Thánh nói trên, và một bên, là chính anh, sư huynh Giordano Bruno, bị tố cáo và thẩm vấn về những tội mà anh đã thú nhận trong khi xử án, đã bị kết tội vì không chịu sám hối, ngoan cố và cứng đầu;

Bởi bản án cuối cùng […] chúng tôi nói, tuyên đọc, kết tội và tuyên bố như sau, sau khi nghe những lời khuyên và ý kiến của các cha đáng kính, các vị thày thần học và tiến sĩ luật này cũng như luật kia, mà chúng tôi đã tham khảo: Chúng tôi xét và tuyên bố, sư huynh Giordano Bruno, tà giáo không sám hối, cứng đầu và ngoan cố […] và như vậy […] anh phải được giải giao cho tòa án thế tục; vì thế chúng tôi giao anh cho đức ông Thống đốc Rô-ma, có mặt ở đây, để anh bị trừng phạt bởi những hình phạt đã tiên liệu, tuy nhiên yêu cầu Ngài khẩn cấp làm nhẹ bớt sự nghiêm khắc của luật pháp đối với con người của anh, tha cho tội chết và sự hủy hoại tay chân.

 

(Phần chú thích cho biết đây là một công thức đạo đức giả ghi trong sách của Tòa án Ca-tô Rô-ma.

Chúng tôi nghĩ rằng Gíao hội này thiếu một chút lương thiện, lừa gạt cả người chết lẫn người sống. Với người sắp đem đi thiêu sống,  bị tra tấn vặn cho gẫy, thì hứa tha cho tội chết và sự hủy hoại tay chân.

Với con chiên thì cho ăn bánh thánh, hứa cho lên cái thiên đàng mà họ không biết nó ở đâu, còn Con Trời G John Paul II thì bảo là không có ở trên mây.

 

Chính vì thế mà Eugen Drewernann cho rằng Gíao Hội của ông: 

“Là một thế lực khai thác những sự ngu xuẩn nhất và những mê tín bẩn thỉu nhất, để phục vụ cho những lợi ích thô bạo nhất”.

Un pouvoir qui exploite, au service de ses intrts les plus grossiers, les pires stupidits et les superstitions les plus crasses. “Dieu en Toute Libert”, Eugen Drewermann, page 48).

 

Nhà triết học nghe trong yên lặng, quỳ gối trước các quan tòa Ca-tô. Nhỏ, gầy, trơ xương, râu đen và lởm chởm, kiệt sức bởi khoảng 2.800 ngày bị giam cầm, bởi thiếu thốn, tra tấn. và bởi sự lo lắng của hơn 7 năm mà không chia sẻ được với ai, Giordano Bruno thẳng người, cái nhìn kiêu hãnh và nảy lửa. Rồi ông đứng lên và, nhìn ra xung quanh một cách đe dọa, đầy vẻ khinh bỉ mà ông không thể cầm giữ được, ông tuyên bố những lời cuối cùng mà chúng tôi có bằng chứng chắc chắn. Những lời nói cứng rắn, giận dữ, thốt ra từ một linh hồn nó chế ngự linh hồn của các quan tòa Ca-tô và nó không còn sợ cái chết gần kề. Đó là những lời nói tố cáo sự sợ hãi nó làm tê liệt bước đi của Giáo Hội, và có lẽ, của tất cả nhân loại: 



 “Các ngài, những người tuyên bố kết tội tôi,

có lẽ các ngài sợ hơn tôi, người bị kết tội”.



 Maiori forsan cum timore sententiam in me fertis quam ego accipiam Perhaps you pronounce this sentence against me with greater fear than I receive it.

Bruno, người anh hùng của Phục Hưng bị đánh bại bởi sự tối tăm của Phản-Phục Hưng, đã viết trong L’expulsion de la bête triomphante” một trong những trang đẹp đẽ nhất, nhưng cũng thực một cách cay đắng, với một linh tính tiên tri:

“Tối tăm được ưa chuộng hơn ánh sáng, sự chết được coi như ích lợi hơn sự sống, không còn ai ngẩng mặt lên nhìn trời, người tôn giáo sẽ bị coi như điên và người vô đạo coi như khôn ngoan, người bạo động, mạnh, và người ác, tốt. Và, xin hãy tin tôi, người ta sẽ kết tội tử hình người nào tin ở tôn giáo tâm linh; bởi vì sẽ có một công lý mới, những luật lệ mới, và người ta sẽ không thấy thánh, không thấy người tôn giáo. Người ta không còn nghe thấy những điều xứng đáng với trời hay những chuyện thần thánh. Chỉ còn lại những thần thánh xấu, họ lẫn lộn với người và thúc đẩy con người như những kẻ khốn nạn hăng say phạm mọi thứ tội, dưới cái dù công lý, gây ra những chiến tranh, trộm cướp, giả mạo và biết bao nhiêu những thứ khác trái với lương tâm và công lý thiên nhiên: đó là ý nghĩa của sự già nua, mất trật tự và vô đạo của thế giới”.        

(Les ténèbres sont préférées à la lumière, la mort sera jugée plus utile que la vie, personne n’élèvera plus les yeux vers le ciel, le religieux sera estimé fou et l’impie sera jugé prudent, le violent, fort et le méchant, bon. Et, croyez-moi, l’on condamnera à la peine capitale celui qui s’appliquera à la religion de l’esprit; car il y aura une nouvelle justice, de nouvelles lois, et on ne trouvera plus ni saint, ni religieux. On n’entendra plus choses dignes du ciel ni choses célestes. Seuls les anges mauvais resteront, qui se mêleront aux hommes et les pousseront comme des misérables à commettre hardiment n’importe quel mal, sous couvert de justice, produisant des guerres, rapines, fraudes et tant d’autres choses contraires à l’âme et à la justice naturelle: voici ce que sera la vieillesse et le désordre et l’irréligion du monde.- Page 147).

 

x

x        x

 



Qủy đầu trâu mặt ngựa cũng phải chào thua.

 

Người ta thường hăm dọa những người làm vịêc ác, bảo rằng, khi chết xuống địa ngục sẽ bị quỷ đầu trâu mặt ngựa hành hạ, đau đớn, khổ sở lắm. Nhưng với :

a) Tra tấn. Thủ tục của Tòa án Ca-tô tiên liệu là những người lính gác, khi các quan tòa Ca-tô ra hiệu, phải lột hết quần áo của nạn nhân và trói hai tay ra sau lưng. Rồi những quan tòa Ca-tô ra lệnh treo nạn nhân lên, cao khỏi mặt đất hai thước. Không có cách nào cưỡng lại được: hai cánh tay trật khớp và vặn hoàn toàn vào phía trong; những đường gân, bắp thịt, xương cốt, tất cả hình như nổ tung, tan ra từng mảnh trong một tiếng kêu nghẹn ngào. Tra tấn (torture) từ tiếng la tinh torquere, nghĩa là vặn cho gẫy, tordre. Một tiếng kêu độc nhất và khủng khiếp thoát ra khỏi họng, phản ứng tự nhiên gây ra bởi một sự đau đớn kinh hồn bắn ra từ hai cánh tay, chạy từ tay lên đầu để nổ tung trong não;


b) Thiêu đốt chết từ từ. Đống củi....Giản dị là một đống củi hay, một đôi khi quemadero. Quemadero thực sự là một lò thiêu bằng đá, rỗng ở giữa và được xếp đầy củi, có hai lỗ hở ở bên hông để cho khói thoát ra; trên cái mặt sàn bao phủ lò thiêu, bốn pho tượng được gắn lên, đại diện cho những nhà tiên tri vĩ đại trong kinh thánh – Isaie, Jérémie, Ézéchiel và Daniel. Những pho tượng ấy rỗng, và nhiệm vụ của nó thật khủng khiếp: người ta nhét vào bên trong những người bị kết tội còn sống, để họ chết từ từ bởi lửa và nếm mùi đau đớn của hỏa ngục, trước khi vào hỏa ngục;

 

Thì quỷ đầu trâu mặt ngựa cũng phải

Chào thua Quan tòa Ca-tô Rô-ma.

 

Không ai nghĩ rằng Gíao hội Ca-tô Rô-ma tự phong đại diện một Thiên Chúa mà tín đồ Ca-tô V.N. ca tụng là “lòng lành vô cùng” có thể tra tấn và giết người dã man đến như thế.

Nhưng, đó lại là Sự thật.

 

Trần văn Kha

Trích dịch từ sách Le Livre Noir de l’ Inquisition
(Sách Nhọ của Tòa án Ca-tô Rô-ma)
 

 25 tháng 3 năm 2001. Sửa chữa thêm, ngày 5 tháng 12 năm 2012

 

 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét