|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
|
Theo The Diplomat, ngay cả theo tiêu chuẩn của người Trung
Quốc, sự chú ý vây quanh chuyến công du Mỹ sắp tới của Chủ tịch Tập Cận
Bình là rất khác thường. Công tác chuẩn bị cho chuyến đi được khởi động
ngay từ tháng hai khi chuyến thăm vừa được công bố. Kể từ đó đến nay,
giới chức Trung Quốc, các nhà ngoại giao cùng các học giả đã không bỏ lỡ
cơ hội nào để quảng bá về ý nghĩa và thành quả tiềm năng của chuyến đi.
Bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia
của Tổng thống Barack Obama, hồi tháng 8 tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho
chuyến công du của ông Tập. Trong cuộc họp với bà, Ngoại trưởng Trung
Quốc Vương Nghị miêu tả chuyến thăm là dịp quyết định hướng đi tương lai
của quan hệ Mỹ - Trung, có ảnh hưởng tới tình hình khu vực cũng như
quốc tế.
Trong cuộc phỏng vấn với báo giới Trung
Quốc hồi tuần trước, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì bày tỏ tin
tưởng rằng cuộc gặp thượng đỉnh sẽ đem lại "những kết quả lớn".
Kỳ vọng về chuyến đi, ít nhất ở phía
Trung Quốc, cao đến nỗi một số nhà nhân tích cho rằng chuyến thăm của
ông Tập sẽ đem về kết quả tương tự chuyến công du Mỹ năm 1979 của cố
lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Chuyến đi khi đó được Ezra Vogel, giáo sư khoa
học xã hội danh dự đại học Harvard, đánh giá là "mở ra kỷ nguyên mới
trong quan hệ Mỹ - Trung".
Tuy nhiên, theo Zhang Guoxi từ đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh, dù
ông Tập thường được tung hô là nhà lãnh đạo quyền lực và lôi cuốn nhất
kể từ thời ông Đặng, có lẽ ít khả năng chuyến thăm của ông sẽ tạo ra
được động lực thúc đẩy mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới
tiến về phía trước.
Khi ông Đặng thực hiện chuyến công du
rất được kỳ vọng tới Mỹ 35 năm trước, những đổi thay trong bối cảnh cả
trong nước và quốc tế của hai nước đã kết hợp lại để tạo cơ hội cho cả
Mỹ và Trung Quốc tái định hình mối quan hệ theo hướng tích cực và thực
chất hơn.
Trong khi đó, ông Tập có lẽ đã chọn thời điểm xấu nhất để tiến hành
chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Mỹ. Với việc Trung Quốc trỗi dậy
nhanh chóng cùng sự dịch chuyển cán cân quyền lực giữa hai nước, quan hệ
Mỹ - Trung ngày càng mang đậm tính cạnh tranh hơn là hợp tác.
Có vẻ như khía cạnh ganh đua và tiêu cực trong mối quan hệ đang thắng
thế do cả hai nước giờ liên tục căng thẳng về một loạt các vấn đề an
ninh và kinh tế, như tranh chấp Biển Đông, an ninh mạng, sáng kiến Ngân
hàng đầu tư hạ tầng châu Á của Trung Quốc và cả cáo buộc Trung Quốc thao
túng đồng nhân dân tệ.
Diễn biến mới nhất trên sân khấu chính
trị hai nước cũng phủ một bóng đen khác lên khả năng thành công của
chuyến thăm. Cách nhìn Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh lớn nhất" của
Mỹ sẽ càng gia tăng khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ngày càng nóng lên.
Trung Quốc đang là đối tượng công kích của các ứng viên tranh cử.
Theo ông Zhang, có khả năng ông Tập
chọn chặng dừng chân đầu tiên của chuyến thăm là Seattle do nhận thấy
bầu không khí chính trị không mấy dễ chịu tại Washington, nơi các ứng
viên đảng Cộng hòa đang công kích ông, còn các thượng nghị sĩ đảng Dân
chủ gây sức ép về vấn đề nhân quyền. Trong khi đó, danh tiếng lãnh đạo
của ông Tập có lẽ đã bị sứt mẻ bởi những tụt dốc gần đây của kinh tế
Trung Quốc. Các sáng kiến cải cách của ông cũng đang phải đối mặt với
thách thức ngày một lớn.
Kết hợp lại, các yếu tố này chắc chắn sẽ tạo ra bầu không khí không
thân thiện cho chuyến thăm của ông Tập, và khiến ông khó có thể lặp lại
thành công như ông Đặng Tiểu Bình. Dù vậy, ông Zhang cho rằng, điều đó
không đồng nghĩa với việc chuyến thăm sẽ không thành công, nhưng Bắc
Kinh có thể sẽ phải hạ bớt kỳ vọng, và chuẩn bị sẵn sàng cho những thách
thức lớn hơn những điều ông Đặng hoặc những người tiền nhiệm từng đối
diện.
|
Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc Đặng Tiểu Bình
(trái) và Tổng thống Jimmy Carter tại Nhà Trắng năm 1979. Ảnh: AFP
|
Ngay cả nếu chuyến thăm của ông Tập không thể đưa quan hệ Mỹ -
Trung lên tầm cao mới, và nhiều khả năng điều này sẽ xảy ra, thì ông Tập
vẫn có thể tự khen ngợi mình vì đã có nỗ lực cải thiện mối quan hệ ngày
một căng thẳng.
Với sự phức tạp và phạm vi vấn đề hai nước đang đối mặt, cần phải thực
tế và nhận ra rằng không phải mọi vấn đề đều có những giải pháp ngắn
hạn, hoặc thậm chí là dài hạn.
Điều chỉnh quan hệ Mỹ - Trung cũng
giống như chèo lái một chiếc thuyền, cần những nhà lãnh đạo giỏi với sự
táo bạo có thể thực hiện những cú chèo thuyền mạnh mẽ về phía trước khi
nước lặng. Đồng thời, cũng cần những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và sự bền
bỉ để chèo lái con thuyền khi giông bão.
Cho đến nay, chuyến thăm của ông Tập đã được "lăng xê" rất nhiều, và
nhiều khả năng ông sẽ được chào đón long trọng từ phía chính quyền của
Tổng thống Obama khi đặt chân tới Washington. Dù vậy, theo ông Zhang,
thành quả thực sự từ chuyến đi của ông Tập không nên được đo đếm bằng
những thứ không tồn tại lâu dài. Các tuyên bố và diễn văn không thể được
coi là thành quả.
Nếu chuyến thăm Mỹ của ông Đặng Tiểu
Bình năm 1979 có trọng tâm là mở rộng hợp tác, thì nhiệm vụ của ông Tập
năm 2015 sẽ là xử lý khủng hoảng, đặc biệt là khi mối quan hệ Mỹ - Trung
được tin là đang ở "điểm bùng phát", khi các mâu thuẫn có thể biến
thành vấn đề lớn.
Diễn ra vào thời điểm không thuận lợi nhất với ông Tập, chuyến thăm này
sẽ là thử thách thực sự cho vai trò lãnh đạo của ông. Nếu ông có thể
thể hiện sự khôn ngoan và tầm nhìn trong quá trình làm việc với đối tác
người Mỹ để biến thách thức trong quan hệ Mỹ - Trung thành cơ hội mới,
thì có thể hợp tác Mỹ - Trung trong tương lai sẽ được duy trì và tránh
được đối đầu.
Hoàng Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét