Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015
Sự trỗi dậy của làn sóng chống Hồi giáo
08:37
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: Jame Piscatori, “Islamophobia in the era of Islamic State”, East Asia Forum, 05/04/2015.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong hàng thập kỷ qua, và nhất là kể từ sự kiện 11/9/2001, nhiều học giả, nhà hoạch định chính sách và nhà hoạt động đã đấu tranh chống lại những gì họ cho là những cuộc công kích không thể chấp nhận vào các tín đồ Hồi giáo và vào chính đạo Hồi. Hơn một thập kỷ trước khi Tổng thống Obama sử dụng cùng những lời tương tự, Tổng thống Bush đã nói về Cuộc chiến Chống Khủng bố rằng “Cuộc chiến của chúng ta … không phải là một cuộc chiến chống lại đạo Hồi”. Giờ đây, rất bình thường khi phân biệt giữa đạo Hồi với các tín đồ cực đoan của nó như cả hai Tổng thống đã làm, và cũng bình thường khi nghi vấn các ý kiến như “gốc rễ của cơn thịnh nộ Hồi giáo” hay “sự va chạm giữa các nền văn minh” như những lời giải thích về nguyên nhân của bạo lực.
Nhưng trong sáu tháng qua, khi phải đối mặt với các cuộc tấn công trực diện vào tự do ngôn luận tại Paris và Copenhagen, các đoạn video khủng khiếp từ Nhà nước Hồi giáo (IS), và các vụ bắt cóc và giết người hàng loạt của tổ chức Boku Haram, sự phân biệt đó dường như đã bốc hơi. Sự trỗi dậy của PEGIDA (Patriotische Europäer gegen die Islamisierung des Abendlandes) ở Đức, một nhóm chống lại những gì họ cho là “Hồi giáo hóa” châu Âu, và các cuộc tấn công cố ý phóng hỏa nhiều nhà thờ Hồi giáo ở Thụy Điển, vốn là nơi nổi tiếng khoan dung, cho thấy làn sóng chống Hồi giáo (Islamophobia) đã trở lại.
Mặc dù “ngành công nghiệp chống Hồi giáo” (Islamophobia industry) – tên gọi mỉa mai mà các nhà phê bình đã đặt cho nó – đã thay đổi thái độ chính thức tại châu Âu, Bắc Mỹ và Úc, nhưng làn sóng chống Hồi giáo chưa bao giờ biến mất. Sự phân biệt về mặt ngữ nghĩa giữa đức tin, điều xứng đáng được tôn trọng, và các tín đồ của đức tin, là những kẻ gây ra bạo lực nhân danh đức tin đó và cần phải bị ngăn chặn, đã biến mất trong cái mà các nhà khoa học xã hội gọi là sự “an ninh hóa Hồi giáo” (the securitisation of Islam).
Lý giải mang tính chính trị về mối đe dọa của “Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan” đã gây ra những hậu quả ngoài ý muốn trong nhận thức về Hồi giáo, mà điều thường gặp là sự mơ hồ giữa hai thuật ngữ này trong thực tế. Mối đe dọa này đã trở nên bám rễ sâu sắc, và nỗi sợ trước khủng bố Hồi giáo đã lan rộng đến nỗi đã đem lại một kiểu chấp nhận ngầm cho phép những kẻ hoài nghi luôn nhìn thấy những “đạo quân thứ năm”[1] ở những nơi không có, và khiến cho các chính phủ buộc tội các kẻ thù trong nước là các chiến binh thánh chiến.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và nỗi sợ hãi nó chắc chắn là sự thật hiển nhiên. Sự lo lắng xuất hiện ngay cả ở những nơi mà người Hồi giáo chiếm đa số. Dữ liệu thăm dò vào năm 2014 cho thấy rằng 66% người dân Bangladesh và 42% người dân Pakistan không ủng hộ al-Qaeda. Ở Đông Nam Á, sự trung thành với Nhà nước Hồi giáo của các nhóm như Jemaah Islamiyah đã nhận được sự chú ý đáng kể, nhưng thái độ của công chúng nói chung thì chưa được tìm hiểu đầy đủ. Dữ liệu khảo sát cho thấy 56% người Indonesia không ủng hộ al-Qaeda, và ở Malaysia, chỉ có 18% người dân ủng hộ họ.
Nhưng mối đe doạ hình thành trong giới hoạch định chính sách, nơi người Hồi giáo chỉ chiếm thiểu số, đã tiếp tay cho hai loại “chống Hồi giáo” – chống Hồi giáo thụ động (reactive Islamophobia) và chống Hồi giáo ở cấp độ nhà nước (state Islamophobia).
Loại thứ nhất đã xuất hiện ở châu Âu chẳng hạn. Số người Hồi giáo ngày càng tăng đã khiến các chính sách đa văn hóa bị nghi vấn và gây nghi ngờ lẫn nhau giữa các bên, trong đó “làn sóng chống Hồi giáo” mang âm hưởng đáng lo ngại của tâm lý bài Do Thái từng tồn tại trước đây và giờ đang trỗi dậy trở lại. Người Hồi giáo, cũng như người Do Thái, từ lâu đã được cho là có xu hướng chống đồng hóa, phản đối các giá trị chung, và là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Trong khi tác động về mặt nhân khẩu học có thể còn gây tranh cãi – dân số Hồi giáo của châu Âu dự kiến sẽ tăng từ mức hiện tại 4% lên 8% tổng dân số vào năm 2030 – thì vấn đề chính vẫn luôn là về thái độ của xã hội đối với nhóm thiểu số. Ngay cả ở Hoa Kỳ, nơi có môi trường pháp lý bảo vệ mạnh mẽ, người Hồi giáo là nhóm tôn giáo ít được ưa thích nhất.
Tại các quốc gia châu Á nơi người Hồi giáo chiếm thiểu số, nhiều mối quan ngại tương tự đang xuất hiện. Tại Nhật Bản, quốc gia đã chịu tổn thương khi hai công dân của họ bị chặt đầu một cách man rợ vào đầu năm 2015, các nhà thờ Hồi giáo, đặc biệt là ở tỉnh Aichi, đã bị đe dọa. Cũng có những cuộc biểu tình cánh hữu kêu gọi kiềm chế việc nhập cư. Số lượng người Hồi giáo Nhật Bản là rất nhỏ – 130.000 người, chiếm 0,1% dân số – nhưng một chính sách tích cực hơn của Nhật trong cuộc chiến chống khủng bố có thể dẫn đến việc (các tổ chức Hồi giáo cực đoan) nhắm mục tiêu vào người Nhật trong khu vực và làm phức tạp thêm quan hệ xã hội trong nước thông qua những phản ứng hầu như không thể tránh khỏi.
Chống Hồi giáo ở cấp độ nhà nước thì đáng lo ngại hơn. Ví dụ, người Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar đã phải chịu sự đàn áp có hệ thống. Họ đã bị từ chối quyền công dân với lý do rằng họ là những người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp. Vào năm 2014, từ “Rohingya” không được thừa nhận như là một thuật ngữ xác định dân tộc trong cuộc điều tra dân số quốc gia. Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (Médecins sans Frontières) đã nói rằng người Rohingya có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong số các nhóm thiểu số trên thế giới.
Ở Trung Quốc, có những cách tiếp cận khác nhau đối với các nhóm dân tộc Hồi giáo khác nhau, nhưng việc nhiều nơi trên toàn thế giới coi Hồi giáo là một vấn đề an ninh hàng đầu đã tăng cường sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Tội danh “khủng bố” được áp dụng thường xuyên, đặc biệt là cho những nhà hoạt động ở Tân Cương. Những người có thể đi hành hương đến Mecca, các bài giảng ở nhà thờ Hồi giáo, và việc thực hiện tháng ăn chay Ramadan nhìn chung đã bị hạn chế. Văn hóa đại chúng, chẳng hạn như các chương trình truyền hình, truyện tranh và phim hoạt hình, thường xuyên củng cố các thành kiến tiêu cực này.
Trong khi những chính sách này có thể được cho là có lợi cho an ninh nội bộ, chúng có thể làm phức tạp chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Công nhân Trung Quốc đã xây dựng Ga tàu diện Mecca (Metro Mecca) được thiết kế cho các cuộc hành hương, và đã tham gia vào nhiều công trình quy mô lớn ở những nơi khác, như Nhà thờ Lớn ở Algiers. Gia tăng thương mại với Trung Đông khoảng 90% từ năm 2005 tới năm 2009, Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu lớn nhất đến khu vực này. Nếu chính sách nhà nước của Trung Quốc được xem là tiêu cực đối với các vấn đề Hồi giáo, như thực tế cho thấy, thì nó có nguy cơ trở nên phản tác dụng về mặt kinh tế và chính trị.
Nhà nước Hồi giáo với ý thức hệ đối đầu, người đứng đầu bí ẩn, cùng chiến thuật tàn bạo, hầu như đã một tay phá hủy các bước tiến tích cực trong thái độ đối với người Hồi giáo và đạo Hồi đạt được kể từ đầu thiên niên kỷ. Phản ứng cứng rắn với Nhà nước Hồi giáo chắc chắn là cần thiết. Nhưng chúng ta sẽ thiếu sót nếu không thừa nhận rằng Cuộc chiến Chống Chủ nghĩa khủng bố, được cho là không nhằm chống lại đạo Hồi, cũng có một ảnh hưởng ngầm, có thể do vô ý, bằng cách tập trung chú ý đặc biệt vào vấn đề an ninh, và qua đó mang lại cái cớ cho những tình cảm và hành động chống các tín đồ Hồi giáo một cách thụ động cũng như trên phạm vi nhà nước.
James Piscatori là Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Durham.
—————–
[1] Chỉ những phần tử ủng hộ Hồi giáo cực đoan nằm trong lòng các xã hội, sẵn sang nổi dậy bất cứ lúc nào – NHĐ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét