Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

: Thiếu tâm, thiếu tầm, thiếu…quyền?


Tác giả: KỲ DUYÊN
Bài đã được xuất bản.: 19/01/2013 02:00 GMT+7
Nếu cứ làm việc theo cung cách của các ngành, các cơ quan chức năng hiện nay: Thiếu tâm – thiếu tầm, và thiếu cả… quyền, thì biết đâu, sẽ còn những Vina khác nữa đang… mỉm cười đứng Đợi?
Cả làng cùng “thiếu” có mình em đâu?
Mới đầu năm 2013, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác của ngành Giao thông Vận tải, một quan chức cao cấp của Nhà nước có phát ngôn thật ấn tượng: Quản lý GTVT thiếu tâm lẫn tầm!Theo ông, quản lý ngồi đút chân gầm bàn, không có tâm và tầm, sâu sát với cuộc sống đang vận động.
Trước đó, là một loạt những số liệu mất mát đau lòng: Năm 2012, toàn quốc xảy ra trên 36.000 vụ tai nạn giao thông làm gần 10.000 người chết, 38.000 người bị thương… Tai nạn giao thông trong những tháng cuối năm 2012 có xu hướng tăng trở lại, số người chết hoặc bị thương vẫn ở mức cao và vẫn còn xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Thực ra, sự thiếu tâm này không chỉ là thói quan liêu, xa rời cuộc sống, của cán bộ, công chức Nhà nước. Mà tệ hơn, suy đồi hơn, nó là lòng tham, là tham nhũng. Và một khi trở thành quốc nạn, nó gây nên những thương tổn sâu sắc cho xã hội, cả vật chất lẫn tinh thần, niềm tin.
Tại hội nghị, diễn giải cho những yếu kém, bất cập của ngành GTVT, đặc biệt về các con đường huyết mạch, một vị thứ trưởng của ngành cho rằng do thiếu vốn duy tu, sửa chữa định kỳ nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng kết cấu hạ tầng  giao thông…
Thế nhưng chả lẽ, mới đưa vào sử dụng cuối năm 2012, và còn chưa khánh thành, cây cầu Đất Sét trên tuyến quốc lộ 1A (thị trấn Tân Phú Thạnh, huyện Châu thành A- Hậu Giang)- thuộc dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với kinh phí 2.371 tỷ đồng, đã bị lún, nứt, có chỗ lún nứt kéo dài hàng chục mét, cũng là do… thiếu vốn duy tu, sửa chữa?
Hiện trường một vụ TNGT. Ảnh: Baoninhthuan.com.vn
Ngược hẳn với ý kiến ông thứ trưởng ngành GTVT, tại kỳ họp QH tháng 6/2012, khi thảo luận về bổ sung năm dự án, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 2011- 2015, trong đó có ba dự án giao thông, chiếm tới gần 5000 tỷ đồng, ý kiến của nhiều đại biểu QH cho rằng tiền nhiều nhưng chất lượng giao thông vẫn kém. Đặc biệt là thất thoát tài chính, tiêu cực trong sử dụng kinh phí rất nhiều.
Có đại biểu nêu câu hỏi: Người ta đặt vấn đề xây dựng đường Việt Nam đắt nhất thế giới, đắt hơn Mỹ, đắt hơn các nước trong khu vực. Tại sao?
Đắt nên mới xắt ra… sụt lún, ra nứt toác, ra hố tử thần…
Phía nam, “nổi tiếng” nhất – thực chất là tai tiếng nhất, là Đại lộ Đông Tây. Có tổng chiều dài 22 km, được đầu tư tới 660 triệu USD, tính ra mỗi km đường ở đây đầu tư tới 30 triệu USD, thông xe vào cuối năm 2011.
Hoành tráng, khua chiêng gõ trống bao nhiêu ở “pha” động thổ, cắt băng khánh thành, thì mới chỉ sau sáu tháng sử dụng, Đại lộ Đông Tây đã “lộ” ra cái sự thê thảm của chất lượng. Mặt đường xuống cấp, lún sâu, thậm chí có chỗ lằn bánh xe tạo rãnh có độ sâu hơn 10cm. Và cũng lộ ra cái tâm làm ăn gian dối, tham lam vô độ của con người.
Phía bắc, không chịu…”kém miếng”, Đại lộ Thăng Long, chiều dài 30 km (được đầu tư tới 7.527tỷ đồng), chỉ sau nửa năm đưa vào sử dụng, đã bị xuống cấp, sụt, lún, nứt nẻ, bong tróc nghiêm trọng. Điệp khúc xuống cấp cũng lại được giành cho hai cây cầu mới của Thủ đô- cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì.
Vậy nhưng, nếu nói chữ thiếu tâm, hẳn ngành GTVT sẽ mượn câu ca dao xưa: Cả làng cùng “thiếu” có mình em đâu?
Bởi cái sự thiếu tâm ấy, sự tham lam ấy không phải là… độc quyền của riêng ngành GTVT, nó còn là của cả ngành ngân hàng. Khi chính vị lãnh đạo cao cấp nhất của ngành này phải thừa nhận: Có “lợi ích nhóm” trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cũng theo vị quan chức này, mới thanh tra ở 27 tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thấy nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo trong đó. Dư nợ cho vay nhóm cổ đông này chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng dư nợ, có lúc lên tới 90%, vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Vết lún, nứt ở cầu Đất Sét nghìn tỷ. Ảnh: Quốc Huy
Tại kỳ họp QH cuối năm 2012, quan chức cao cấp nhất của ngành công an cũng cho biết, năm 2012 tội phạm về kinh tế, tham nhũng phức tạp nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, tác động xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ.
Cái sự thiếu tâm ấy còn là của ngành xây dựng, quản lý đất đai. Khi các công trình Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, các công trình thủy điện thi nhau “hom hem, già lão”, thi nhau vỡ toang, lộ ra bê- tông chỉ là đất và gỗ mục… Khi tới 70% vụ khiếu kiện của người dân thuộc về lĩnh vực đất đai- cũng là nơi màu mỡ nhất cho lòng tham nảy nở. Quản lý đất đai không công khai minh bạch, còn là nguyên nhân của những xung đột gay gắt, thậm chí phân ly giữa người dân với chính quyền.
Thiếu tâm của ngành GTVT là quá rõ. Còn thiếu tầm, thì e vị lãnh đạo cao cấp của Nhà nước phát biểu vừa đúng, vừa chưa đủ.
Bởi riêng ách tắc giao thông đô thị, hiện đang là nỗi khổ không của riêng ai, nó vừa là cái nhìn ngắn hạn của ngành này, nhưng nó cũng là hệ lụy của cái nhìn không …dài hạn của cơ chế quản lý xã hội chúng ta. Rút cục, giao thông đô thị đang phải lãnh đủ.
Bởi ách tắc giao thông đô thị, là hệ lụy của quy hoạch đô thị với tầm nhìn kiểu ăn sổi ở thì.
Là hệ lụy của việc coi thường tầm quan trọng của  các đô thị “vệ tinh”.
Là hệ lụy của tỷ lệ dân số tăng quá nhanh, vv…và vv..
Thế thì, thiếu tâm- thiếu tầm đâu phải chỉ là của riêng ngành GTVT?
“Vô hiệu” và “thanh kiu”
Cái sự thiếu tâm- tham lam, tham nhũng, giờ thiên hình vạn trạng. Hội thảo khoa học “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay” do Tạp chí Cộng sản cùng ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây đã đưa ra những con số đáng buồn.
Buồn, vì trong khi tham nhũng bị coi là quốc nạn, thì theo Gs Trần Đình Bút, nguyên Thành viên tư vấn Chính phủ, các vụ được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ, ở cấp dưới - chỉ mới bắt được mèo con. Cán bộ xã, phường chiếm 30% còn cấp trung ương chỉ chiếm 0,3%, bằng 1/100 của cấp thấp nhất.
Bên cạnh kết quả chỉ mới bắt được mèo con, đáng lo ngại nhất là hiện tượng tham nhũng quyền lực và chính trị, như Gs Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện triết học đã chỉ ra. Vì quyền đẻ ra tiền, quyền đẻ ra lợi.
Ông cũng khẳng định, sức mạnh kinh tế một khi liên kết với quyền lực để hình thành lợi ích nhóm sẽ dẫn đến tham nhũng trong chính trị, chi phối chính sách. Đây mới là điều đáng lo ngại nhất đối với sự tồn vong của chế độ, đất nước.
Các vụ tham nhũng được phanh phui chỉ là những vụ nhỏ, ở cấp dưới- chỉ mới bắt được mèo con. Ảnh minh họa
Rõ ràng, tham nhũng có đủ “sức mạnh mềm”, để làm mưa làm gió, trong khi các công cụ chức năng “rắn” như Kiểm toán, như Thanh tra vận hành ra sao?
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây về vai trò, vị thế của Kiểm toán Nhà nước trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán VN cho rằng, nếu như kiểm soát nội bộ của bộ máy bị vô hiệu hóa thì sẽ lại dẫn đến những đổ vỡ như đã xảy ra với Vinashin, Vinalines…
Đó là một nhận xét mang tính thực tiễn sâu sắc, dù khá chua xót.
Kiểm toán là một lĩnh vực còn khá mới mẻ cho một xã hội văn minh nông nghiệp, nên đến tận giờ, vẫn còn “loay hoay” với “cái ghế” – địa vị pháp lý của mình, là giúp việc QH hay độc lập với QH? Tất cả còn trông chờ vào sự sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới.
Nếu Kiểm toán thiếu tầm, thì Thanh tra khác hẳn.
Ngành thanh tra có tuổi đời gần 70 năm, cùng với tuổi đời của nước Việt, chứng kiến mọi sự thăng trầm, mọi thay đổi và đổi mới của quốc gia. Nghề nào cũng vậy, nhưng đặc biệt với thanh tra, nó đòi hỏi trước hết là phẩm cách chính trực, sự liêm khiết của cá nhân cán bộ thanh tra. Vì cái sự ông rút chân giò, bà thò chai rượu, ở đây rất dễ xảy ra.
Trong quá khứ (và hiện tại), xã hội ta từng có những cán bộ thanh tra liêm chính nổi tiếng. Nhưng…
Người viết bài chứng kiến một chuyện hài hước: Một chánh thanh tra ở cơ quan Bộ nọ, được cả cơ quan “trìu mến” gọi là “Chánh thanh- kiu” (cảm ơn). Ông chả giận, mà cứ dễ dãi cười…hề hề… Hay vì ông luôn phải “thanh- kiu” những nơi ông thanh tra? Chỉ ông và nơi bị thanh tra biết rõ nhất!
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra ngày 4/1 mới đây cho thấy, hiệu quả công tác này trong phòng, chống tham nhũng rất hạn chế: Năm 2012, các ngành đã triển khai 1589 cuộc thanh tra trách nhiệm, nhưng chỉ xử lý hành chính 18 người, chuyển cơ quan điều tra ba vụ.
Một quan chức cao cấp của Chính phủ đã nói thẳng: Toàn hệ thống thanh tra có hơn 18.000 người. Thanh tra CP khoảng 700, còn lại khoảng 17.300 người là ở các bộ, ngành địa phương. Bộ nào cũng có thanh tra, sở nào quan trọng cũng có thanh tra nhưng vụ việc ai phát hiện? Báo chí phát hiện, Thanh tra CP phát hiện, đoàn thanh tra phát hiện… Vậy 17.300 người để làm gì?
Nếu kiểm soát nội bộ của bộ máy bị vô hiệu hóa, thì sẽ lại dẫn đến những đổ vỡ như đã xảy ra với Vinashin, Vinalines…
Người ta chợt nhớ, vụ Vinakhủng, suốt từ năm 2006 đến 2009, đã có ít nhất 11 cuộc thanh, kiểm tra các loại của đủ các đoàn kiểm tra, thanh tra. Vậy mà không đoàn nào đến thanh tra lại phát hiện ra… sai phạm (!) Thanh tra hay “thanh- kiu”, như dư luận xã hội nghi ngờ?
Hay thanh tra không thiếu nghiệp vụ, cũng không thiếu tầm, mà chỉ … thiếu tâm?
Còn tại Hội nghị Chính phủ làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, ông Phó Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tổng nợ phải trả của các TĐ, TCT đã lên tới hơn 1,3 triệu tỉ đồng (?) Mức lỗ phát sinh của tất cả TĐ, TCT là 2.253 tỉ đồng, trong đó có một số đã lỗ từ năm 2011 đến năm nay… lỗ tiếp. Đáng quan ngại là có 10 TĐ, TCT có tổng lỗ lũy kế lên tới 17.730 tỉ đồng. Ai sẽ là người …bù những cái lỗ khủng khiếp này đây?
Đến nỗi, người đứng đầu Chính phủ đã phải hỏi, một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ cả tỷ đồng, nói ra ai cũng xót ruột. Và nhân dân có quyền đặt ra câu hỏi, sau Vinashin, Vinalines, liệu còn thêm Vina nào nữa?
Chưa có câu trả lời.
Nhưng nếu cứ làm việc theo cung cách hiện nay: Thiếu tâm- thiếu tầm, và thiếu cả…quyền, thì biết đâu, sẽ còn những Vina khác nữa đang…mỉm cười đứng Đợi?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét