Ba Lưới được xem như vị đạo sĩ cuối cùng còn am hiểu, lưu giữ nền võ
thuật Thất Sơn bí hiểm. Hơn nửa đời người trên đỉnh núi thiêng, vị đạo
sĩ không chỉ tinh thông y thuật mà còn luyện rèn thành công các môn võ
bí hiểm của Thất Sơn thần quyền. Một trong số đó là chiêu thức “Bình sa
lạc nhạn”, chiêu thức giúp ông chống chịu ngoại cảnh khắc nghiệt của
rừng thiêng núi thẳm, khuất phục thú dữ và có thể nuôi mộng trường sinh.
Đạo sĩ Ba Lưới, truyền nhân cuối cùng của võ thuật Đường Phong và tuyệt kỹ Bình sa lạc nhạn tại núi Cấm
Cao thủ môn phái đường phong
Trong giới võ học, hệ phái Đường Phong là cái tên xa lạ, bởi nó đã gần
như lụi tàn theo những cuộc khởi nghĩa bất thành của ông Cử Đa, người
được tôn thành Phật. Tuy nhiên, ít ai ngờ, hiện nay, trên đỉnh Thiên Cấm
sơn còn lão đạo sĩ Ba Lưới, người được biết đến như vị đệ tử đời thứ 9
của võ phái Đường Phong một thời vang bóng. Đạo sĩ cho biết ông lên
Thiên Cấm sơn từ lúc còn là anh thanh niên 18-19 tuổi. Đối mặt với cuộc
sống khổ hạnh, những thiếu thốn, gian khổ của rừng thiêng nước độc đều
không ngăn trở được quyết tâm của anh trai trẻ. Tuy nhiên, dù sức khỏe hơn người, ông vẫn nể sợ các loài thú dữ ở núi thiêng.
Ông cho biết: “Tính ra cho tới nay, tôi đã sống ở núi này hơn 80 năm.
Có duyên căn với núi rừng và thú vật mới sống được như vậy. Khi lên núi,
tôi vứt bỏ danh lợi, tin theo người đi trước chỉ dẫn, ăn uống kham khổ,
ăn ngủ nơi rừng thiêng nước độc coi mình như đã chết. Những ngày đầu
mọi khó khăn đều không làm tôi lung lay, duy chỉ có việc ở núi này nhiều
thú dữ như cọp, beo, mãng xà quá. Tôi buộc phải tìm cách luyện tập để
hộ thân, xua đuổi thú dữ”. Theo đó, hằng ngày, ông phải tự rèn luyện sức
khỏe, tìm hiểu tập tính của thú vật để phòng tránh.
Căn nhà nhỏ, nơi đạo sĩ Ba Lưới nghỉ ngơi sau những giờ bốc thuốc Nam
Năm 25-30 tuổi, ông may mắn được gặp một người bạn bỏ quê lên núi tu
hành. Được biết vị này tinh thông võ thuật Thiếu Lâm, ông xin theo. Lần
đầu tiếp cận võ học, ông nhanh chóng bị môn nghệ thuật này hấp dẫn. Từ
đó, ngoài công việc tu tập hằng ngày, ông bỏ thời gian nhiều để rèn
luyện võ. Tuy nhiên, không bao lâu sau khi chưa học hết các tuyệt kỹ của
môn phái này, người bạn của ông biến mất. Con đường võ học của vị đạo
sĩ tưởng chừng đổ gãy. Sau này, khi Thiên Cấm sơn trở thành ngọn núi
thiêng, nơi tụ họp những nhân tài võ học, yêu nước, ông Ba Lưới lại có
cơ duyên được thụ học võ thuật của môn phái Đường Phong bí hiểm của ông
Cử Đa người được gọi là Phật sống trong Phật giáo Hòa Hảo. Các tài liệu
liên quan ghi nhận: Phật sống Cử Đa tên thật là Nguyễn Đa, người làng
Phù Cát, huyện Bình Khê, phủ Quy Nhơn (nay thuộc tỉnh Bình Định- PV). Do
thi đỗ cử nhân (năm Thiệu Trị thứ năm – 1845 hoặc thời vua Tự Đức –
1852- PV) nên người đời gọi là ông Cử Đa. Sau cuộc khởi nghĩa chống Pháp
bất thành, ông trốn sang Campuchia, ẩn thân tại núi Tà Lơn. Tại đây,
ông gặp được minh sư truyền đạo pháp rồi trở lại vùng Thất Sơn truyền
đạo, tập trung lực lượng mưu việc kháng chiến.
Để có lực lượng, ông Cử Đa dùng võ thuật hơn người của mình ra thi
triển, cầu người tài và sáng lập võ phái Đường Phong. Giải thích ý nghĩa
môn phái, đạo sĩ Ba Lưới cho biết: “Môn phái này, khi đánh có cảm giác
như có tiên phật nhập vào người. Khi đánh thì vừa tung người lên cao vừa
đánh ra các chiêu thức như lướt đi trong gió nên mới có tên Đường
Phong. Cái này thấy rõ nhất trong chiêu Bình sa lạc nhạn, một chiêu thức
lợi hại nhất của môn phái. Thầy Cử Đa thì ai cũng biết, ông đã tu đắc
đạo mới về đây dạy võ và truyền đạo. Ông nổi tiếng việc tay không đánh
cọp dữ, sau này, ông còn đi lại bằng việc cưỡi hổ mun. Trước thời của
tôi thì võ Đường Phong nổi tiếng lắm. Tính ra đến khi tôi học đã là đời
thứ 9 và sau tôi chắc không còn ai”.
Tuyệt kỹ “bình sa lạc nhạn”
Theo lời đạo sĩ Ba Lưới, võ phái Đường Phong có ảnh hưởng rất sâu đậm
của Thất Sơn thần quyền. Võ phái này cũng có các bài quyền như hồng
quyền, quyền công và thần quyền. Thời cực thịnh, võ phái này chỉ thu nạp
người có chí lớn, có hoài bão ra cứu nước giúp đời. Do được chính Phật
sống Cử Đa truyền dạy, quy định, yêu cầu của võ phái với các môn sinh vô
cùng nghiêm khắc. Đạo sĩ Ba Lưới cho biết: “Võ phái chỉ nhận những
người chưa tạo nghiệp ác, người có khí phách, có đạo đức, hiếu nghĩa, có
hoài bão an dân, cứu nước. Những ai không có các đặc tính trên, qua quá
trình luyện tập, tu đạo thần khí tự nhiên bấn loạn, tâm trí u mê. Ngược
lại, người hiền lành, nhơn đức sẽ tâm sáng, trí minh không chỉ luyện
thành võ nghiệp mà còn có thể tu tiên”.
Võ phái Đường Phong được lão đạo sĩ mô tả dựa trên sự dẻo dai, nhanh
nhẹn của thân thể để xuất chiêu hóa giải, tấn công đối phương. Hệ thống
chiêu thức của võ phái này vô cùng phong phú, phức tạp. Tuy nhiên, trong
điều kiện sinh tồn nơi rừng thiêng núi thẳm, thường xuyên phải đối mặt
với các loại thú dữ, các chiêu thức thiên về thân thủ luôn được chú
trọng. Đạo sĩ khẳng định: “Đối phó với các loại thú dữ tốt nhất là tránh
né càng nhiều càng tốt sức tấn công của nó. Thú dữ rất mạnh và nhanh
nhẹn trong chỗ chật hẹp, cây cối, đá tảng trùng điệp nếu thân pháp không
nhanh nhẹn, lẹ làng dù có giỏi võ cỡ mấy thì cũng dễ bị đuối sức khi
đấu với thú dữ như cọp, rắn hổ mây khổng lồ”.
Để đối phó tình hình trên, võ phái sáng tạo chiêu “Bình sa lạc nhạn”
cho phép người luyện thành thân thể tựa như cánh hạc uyển chuyển, nhẹ
nhàng. “Bình sa lạc nhạn” nghĩa là bầy chim nhạn sà xuống” diễn tả sự
nhẹ nhàng, uyển chuyển của thân pháp. Khi cần người luyện thành có thể
búng một cái vụt lên ngọn cây hoặc từ trên cao đáp xuống mặt đất một
cách nhẹ nhàng tựa như cánh chim nhạn. Tuy nhiên, để luyện thành, người
học phải có sự kiên trì, chịu khó hơn người, phải trải qua những bài tập
gian khổ trong nhiều năm dài”, đạo sĩ Ba Lưới cho biết.
Theo lời ông, yêu cầu cơ bản của tuyệt kỹ Bình sa lạc nhạn là làm cho
cơ thể trở nên nhẹ nhàng, đôi chân cứng cáp, có sức bật kinh người. Để
luyện, môn sinh phải đi chân trần đứng trên đá tảng tập nhảy, tập búng
cho đôi chân cứng như thép nguội, quen dần với việc chịu lực nhảy, đáp
liên tục. “Luyện cái này phải nhằm lúc sáng sớm tinh mơ khi đá còn ướt
sương sớm, trơn trợt, chân lạnh mới mau thành công. Ban đầu chân sưng
vù, nứt nẻ, đau nhức không chịu nổi, người học sẽ được thầy chỉ các bài
thuốc võ để ngâm chân cho lành. Sau này quen dần, chân không thấy đau
nữa là chuyển sang bài khác”.
Hết bài nhảy trên đá tảng, võ sinh chuyển sang bài tập làm tăng sức bật
của đôi chân. Theo lời vị truyền nhân đời thứ 9 của võ phái Đường
Phong, ban đầu, võ sinh sẽ tập bật cao bằng cách đứng tại chỗ bật lên
các bậc đá. Các bậc đá này sẽ được xếp cao dần theo thời gian khi nào có
thể đứng tại chỗ bật lên bậc đá cao ngang đầu thì bắt đầu đeo đá vào
hai bắp chân bật lại từ bậc đá đầu tiên. Trọng lượng của đá đeo cũng
được tăng dần. Đến khi nào đá đủ nặng mà vẫn bật được đến bậc đá ngang
đầu thì chuyển sang bài bật lên từ hố sâu. Ở bài này, người ta cho đào
những hố có độ sâu tăng dần. Hố chỉ rộng hơn thân mình một chút. Võ sinh
tập bài này liên tục nhảy xuống hố rồi bật lên. Cuối cùng là bài tập
đáp bằng cách trèo lên cây nhảy xuống. Cũng như bài tập bật, khi nhảy từ
cây cũng có độ cao tăng dần, chân cũng được đeo đá. Khi luyện thành,
đạt cảnh giới, người học sẽ có thân thể nhẹ nhàng, nhanh nhẹn, bật xa,
nhảy cao như sóc, từ trên cao đáp xuống nhẹ nhàng như chim nhạn. Trong
lúc bật cao, nhảy xa như vậy, các môn sinh của Đường Phong liên tục thi
triển các tuyệt kỹ của môn phái tấn công vào yếu điểm đối phương. Đó
chính là điều đưa Bình sa lạc nhạn trở thành tuyệt kỹ vô cùng lợi hại và
uy lực.
Cuộc sống có thể trường sinh
Đạo sĩ Ba Lưới cho biết: “Năm
nay tôi đã 103 tuổi và còn minh mẫn, chân không leo núi, băng rừng được
là nhờ học võ và tu thân. Ở đời nếu sống cuộc sống thanh tịnh, chuyên
tâm tu tập điều thiện, không làm việc ác, không tham sân si thì tinh
thần, tâm hồn tự nhiên thanh tịnh, nhẹ nhõm, cuộc sống cũng tự nhiên nhẹ
nhàng, thoải mái, không bệnh tật, không lo âu, phiền muộn. Cuộc sống có
sự kết hợp giữa tu luyện võ thuật và tu luyện đạo đức, tu dưỡng tinh
thần là cuộc sống có thể trường sinh”.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét