VÀ CÁCH MẠNG VÔ SẢN VIỆT NAM
Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015
Trả lời báo “DIỄN ĐÀN” : CHỦ NGHĨA MARX VÀ CÁCH MẠNG VÔ SẢN VIỆT NAM
19:49
Hoàng Phong Nhã
No comments
CHỦ NGHĨA MARX
VÀ CÁCH MẠNG VÔ SẢN VIỆT NAM
VÀ CÁCH MẠNG VÔ SẢN VIỆT NAM
8. Trả lời báo “DIỄN ĐÀN”
(Diễn Đàn, Paris, tháng 7-1995)
DIỄN ĐÀN: Đọc những gì anh viết trong mấy năm gần đây, chúng tôi
nhận thấy dường như anh đang có ý tập trung “thanh toán” về mặt lý
luận đối với cái mà anh gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực”nhân danh
Mác, xin anh cho biết động cơ nào đã khiến anh có một thái độ như
vậy, nhất là khi trước đây, như nhiều ngưới biết, anh cũng đã từng
là người theo chủ nghĩa Mác?
LỮ PHƯƠNG: Có rất nhiều lý do về thời thế và cả thân thế nữa, nói ra
cho đầy đủ thì sẽ rất dài dòng. Tôi chỉ muốn nói đến một lý do khá
quan trọng và đối với tôi dường như đã trở thành quan trọng nhất: đó
là vấn đề nhận thức. Trước đây, tôi tưởng rằng tôi đã hiểu chủ nghĩa
Mác và chủ nghĩa xã hội mácxít là gì do đó đã thành khẩn tin tưởng
vào tính chất vừa khoa học lại vừa tràn đầy chính nghĩa của các thứ
ý tưởng đó, và do đó cũng đã coi sự chọn lựa của mình là hết sức
“ngon lành”, không những giải quyết được những vấn đề thiết thực của
cuộc sống như độc lập dân tộc, phát triển đất nước, công bằng xã
hội... mà còn là một hệ thống giá trị tinh thần giúp tôi tìm ra được
những câu trả lời thoả đáng cho tất cả những băn khoăn về lẽ sống lẽ
chết nữa. Anh biết đấy: cũng như bao nhiêu người đi theo cách
mạng khi còn rất trẻ, tôi đã có một tuổi thanh xuân đầy sóng gió,
nhưng lòng thì tràn ngập sự an tâm vì có được lòng tin! Nhưng
mọi thứ đều không suôn sẻ như tôi đã nghĩ. Do một vài lý do nào đó
sau ngày 30-4-1975, tôi quay lại được cuộc sống mà người ta thường
gọi là “phó thường dân Nam bộ”, cho nên nhờ đó mới có điều kiện để
suy nghĩ mọi thứ một cách tương đối thong dong. Tôi đã để ra gần 10
năm đọc lại Mác và suy nghĩ lại những gì có liên quan đến chủ nghĩa
Mác một cách có hệ thống, và dần dà nhận ra rằng những gì mình đã
xác tín – xét về mặt lý luận – là quá giản đơn. Tôi không hề ân hận
về những chọn lựa mang tính chính trị đã qua, đất nước ta trong suốt
một thế kỷ vừa qua không ai có thể khước từ được những chọn lựa kiểu
đó – nhưng đối với một người tiếp xúc nhiều với sách vở, không chấp
nhận đặt những ý tưởng ngang hàng với những khúc bánh mì – thì sự
chọn lựa nói trên vẫn không thể coi được là một cái gì đó thật
nghiêm chỉnh về mặt trí tuệ được. Những gì tôi viết ra sau này cũng
chỉ là kết quả của một thời kỳ khá dài “quay mặt vào tường” đó: tôi
coi trước nhất là một sự trang trải về mặt tinh thần của bản thân,
và cũng là của một số bằng hữu cùng chia sẻ một thứ kinh nghiệm như
tôi. Khởi đầu tất cả đề chỉ là những bản nháp, chuyền tay nhau trong
một số anh em quen thuộc thôi.
DĐ: Dù sao công việc ấy ngày nay cũng đã trở thành công khai rồi,
có tác động không những đối với những người trong nước mà cả độc giả
ngoài nước, theo chúng tôi biết, không phải chỉ là những “phó thường
dân” tìm đọc anh mà những nhà lý luận nhà nước cũng “nghiên cứu” anh
khá kỹ. Anh có thể nói rõ hơn về những điều mà anh đã phát hiện lại
về chủ nghĩa xã hội mácxít?
LP: Tôi đã trình bày một cách tương đối có hệ thống rồi, từ
Mác qua Angghen, đến Lênin và những đệ tử phương Đông của Lênin...
Nếu phải tóm tắt những gì đã viết ra thì tôi có thể thu gọn lại như
sau: chủ nghĩa Mác là một học thuyết có tham vọng đặt ra và giải
quyết được mọi vấn đề của thời đại một cách hiện thực, triệt để,
nhưng do bản thân chỉ là một thứ triết học chứa đựng không ít những
suy lý tư biện cho nên những giải pháp kết tụ trong cuộc cách mạng
gọi là vô sản là hoàn toàn bất khả thi, và tính chất bất khả thi này
đã nằm ngay trong bản thân khái niệm giai cấp vô sản của Mác: giai
cấp vô sản không phải là giai cấp công nhân thực tế mà chỉ là một
khái niệm triết học trong hệ thống triết học của Mác mà thôi. Chính
vì cứ nhất quyết coi những kết luận về chủ nghĩa xã hội của Mác là
“khoa học”, đặc biệt coi chủ trương “chuyên chính vô sản” của ông là
cái cốt tuỷ cần phải nắm vững để đấu tranh xây dựng xã hội mới, cho
nên các chế độ gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” nhân danh Mác đã
đi vào con đường bế tắc: không có phát triển trong dân chủ và nhân
đạo mà chỉ có trì trệ, bất lực trong chuyên chế và độc đoán mà thôi.
Vấn đề đặt ra về mặt thực hành, theo tôi, do đó không phải là “vận
dụng” chủ nghĩa Mác như một khoa học – nhất là cột Mác vào Lênin tạo
thành một thứ chủ nghĩa Mác-Lênin – mà là hãy đối xử với chủ nghĩa
Mác như một thứ triết học, được đối xử như vậy thì những các mặt
tích cực lẫn tiêu cực trong lập luận của Mác cũng đều bổ ích cho đời
sống. Trung tâm vấn đề ở đây là sự phân biệt cổ điển giữa triết học
và khoa học, giữa tư tưởng suy lý và tư tưởng thực tiễn, giữa đời
sống của xã hội công dân và những hoạt động của nhà nước – những ý
tưởng này thiết nghĩ chẳng có gì đặc sắc so với thế giới, nhưng ở
Việt Nam đó lại là rất mới mẻ vì tính chất thách đố rất nghịch
thường của chúng đối với những nhà lý luận quan phương.
DĐ: Anh có chú ý đến những hoạt động của bộ máy nhà nước “phản
bác” lại những luận điệu thù địch và “bảo vệ chủ nghĩa xã hội” sau
khi Đông Âu và Liên xô sụp đổ?
LP: Tôi có nghe qua nhưng không cho là quan trọng lắm vì chúng
thường làm ra vẻ hằm hè trong “nội bộ”, nhưng khi được đưa ra công
khai (chẳng hạn trên tạp chí Cộng sản) thì lại thường bâng
quơ, không trực tiếp nêu rõ tên ai để tranh luận một cách minh bạch,
đàng hoàng. Nói chung, tôi thấy không có gì nghiêm chỉnh về mặt học
thuật cả. Chẳng hạn khi theo dõi những công việc gọi là đập tan
những “luận điệu phản bác chủ nghĩa xã hội” – trong đó Hà Sĩ Phu và
tôi được dẫn ra và ám chỉ nhiều nhất – tôi nhận thấy người ta đã
không làm điều gì mới hơn là áp dụng những thủ đoạn quen thuộc thời
Stalin: chưa nói gì thì mọi thứ đã bị nhét ngay vào cái giỏ “chống
nhân dân” hoặc “thù địch giai cấp” rồi. Anh hãy tưởng tượng, khi
được mời tham dự một cuộc hội thảo gọi là “khoa học” về tư tưởng mà
nhận được một bản hướng dẫn trong đó nói rõ mục đích là “bác bỏ”
những luận điệu “bác bỏ con đường nhân dân ta đã chọn” thì anh sẽ
phát biểu gì? Anh thấy đấy: hù doạ, trấn áp tư tưởng mới là điều
chính yếu chứ ở đây chứ không phải là cái gì khác. Do vậy những cái
gọi là luận điểm này, luận điểm kia thật ra không quan trọng lắm,
bởi vì muốn biết luận điểm ấy là gì thì người ta cứ dở những giáo
trình có sẵn trong sách của Liên xô viết cách đây mấy chục năm là có
ngay thôi. Tôi đưa anh xem tài liệu này: Dự thảo một số vấn đề về
chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại hiện nay (do Hội đồng chỉ đạo
biên soạn giáo trình các bộ môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh soạn)! Đọc qua cái cách mà người ta giải quyết những vấn đề
được nêu lên trong đó như Học thuyết Mác về hình thái kinh tế-xã
hội, Học thuyết Mác về giá trị thặng dư, Học thuyết Mác về sứ mệnh
lịch sử của giai cấp công nhân, Tính chất thời đại của chủ nghĩa xã
hội hiện nay trên thế giới, anh sẽ thấy ở đó chỉ là những giáo điều
và là những giáo điều không còn giá trị gì nữa cả. Tôi đã chứng minh
trong một loạt bài viết rằng cái cách diễn giải về chủ nghĩa Mác như
thế thật sự chỉ là một thứ chủ nghĩa Mác đã bị bóp méo, khởi đầu từ
Angghen, qua Lênin rồi đến Stalin với những biến dạng của nó trong
suốt quá trình xây dựng “chủ nghĩa xã hội hiện thực”, và nguồn gốc
của sự biến dạng ấy không thể tìm thấy ở đâu ngoài những phần huyễn
tưởng tất yếu phải bị xét lại khi đem vào thực tế, nằm ngay trong
học thuyết Mác, tức là trong cái biện pháp cách mạng vô sản mà Mác
đưa ra để xây dựng nên “cõi đời mới” cho tương lai. Những nhà lý
luận quan phương không hề muốn đi sâu vào lập luận trung tâm ấy để
thảo luận – chẳng hạn họ chẳng bao giờ dừng lại xem xét một cách
nghiêm chỉnh lập luận của tôi cho rằng giai cấp công nhân hiện thực
không phải là giai cấp vô sản theo nghĩa của Mác – mà lại lơ đi tất
cả rồi sau đó chỉ căn cứ vào một thứ học thuyết Mác giả định nào đó
(gọi là Mác-Lênin), coi đó là những công thức đương nhiên đã là
“khoa học” (và “duy nhất khoa học”) rồi cứ như thế mà ào ào đẩy tất
cả những ai không chịu hiểu chủ nghĩa Mác theo khuôn phép ấy vào
những “tà ma ngoại đạo” cần phải “đập tan”! Anh thấy đấy: khi chủ
nghĩa Mác đã bị gắn chặt với sự chuyên chính của một chế độ thì mấy
chữ “đập tan” ấy có ý nghĩa như thế nào rồí!
DĐ: Phải chăng anh cho rằng chủ nghĩa Mác khi du nhập vào Việt
Nam chỉ đóng được vai trò của một thứ ý thức hệ, và do đó phải từ bỏ
nó như một thứ ý thức hệ huyễn hoặc?
LP: Tôi không bao giờ cho rằng bản thân ý thức hệ là hoàn toàn có
tác dụng tiêu cực, kể cả khi người ta xem chủ nghĩa Mác là một ý
thức hệ. Chủ trương của tôi không phải là “phi tư tưởng hoá” đời
sống mà là giao cho tư tưởng sự tác động đặc thù mà chỉ có riêng nó
có đối với đời sống: đối thoại tự do, chấp nhận nhiều ý kiến khác
nhau, không dùng bạo lực để giải quyết những bất đồng, nhất là sử
dụng bạo lực nhà nước để giải quyết những bất đồng ấy. Tôi không hề
có ảo tưởng cho rằng những gì tôi hiểu về Mác là không thể bàn luận
được trên phương diện học thuật. Tôi chỉ cực lực phê phán cái hình
thức Mác-Lênin trong cách hiểu và thực hiện chủ nghĩa xã hội lý
thuyết của Mác: dùng chuyên chính bạo lực nhà nước để thể nghiệm
không thời hạn lý thuyết ấy. Tôi cho rằng những ai chủ trương như
vậy là đã vướng phải những sai lầm có tính chất nền tảng, dù xét
trên bất cứ phương diện nào. Họ không có quyền nhân danh Mác để tiến
hành công việc đó (vì nội dung của khái niệm chuyên chính vô sản, dù
là nằm trong trong cái viễn cảnh không tưởng của Mác, đã không có
chút gì giống với thứ chuyên chính vô sản như người ta đang làm) và
như thế lại càng không thể nhân danh dân tộc để làm việc đó (vì dân
tộc chưa bao giờ chọn cái gọi là con đường xã hội chủ nghĩa như
vậy). Xét về mặt thực hành thì mọi việc càng trở nên rõ rệt: một học
thuyết giả thử là “đúng đắn” đến thế nào đi nữa nhưng được đem ra
thực hiện bởi một nhà nước chuyên chính thì cũng chẳng có gì bảo đảm
mãi được sự đúng đắn; giống như những định chế thời chuyên chế châu
Á, mọi việc sẽ phải tuỳ thuộc vào lòng tốt của những ông vua: vì
hàng loạt lí do, những ông vua ấy không giữ được sự trong sáng ban
đầu, thì người dân không biết làm thế nào để thay đổi tình thế. Vấn
đề ở đây rút lai không phải chỉ là chuyện đúng sai của một ý thức hệ
nào đó, sự cần thiết hay không cần thiết của ý thức hệ đối với đời
sống mà là xét xem một chế độ chính trị nhân danh một ý thức hệ
chuyên chính để điều hành đất nước có thể gọi được là chính đáng
trong thời đại dân chủ hay không.
DĐ: Nhưng ở Việt Nam, trước khi thành một ý thức hệ cầm quyền thì
chủ nghĩa Mác đã từng kết họp được với chủ nghĩa yêu nước để giành
độc lập cho dân tộc!
LP: Muốn biết sự “kết hợp” ấy là như thế nào thì chúng ta hãy xét
xem vấn đề căn bản của dân tộc ta trong thời kỳ bị thực dân đô hộ là
gì. Chắn hẳn không phải là chuyện đem những nguyên lý của Mác về
công hữu hoá tư liệu sản xuất và về chuyên chính vô sản ra thực
hiện. Những người cộng sản hoàn toàn biết được điều đó nên trong
suốt quá trình đấu tranh chống thực dân, họ đã phải tìm mọi cách che
dấu nguồn gốc của mình, thuận theo thực tế để giải quyết những vấn
đề do thực tế đặt ra cho dân tộc: không phải đòi lại chủ quyền dân
tộc một cách truyền thống nữa mà là vận động cho một đất nước độc
lập và hiện đại (công nghiệp hoá và dân chủ hoá). Khái niệm “cách
mạng dân tộc dân chủ” mà bấy giờ những người cộng sản dương lên là
rất có ý nghĩa: nó nằm trong phạm trù được gọi là “tư sản dân
quyền”, không có trong kho từ ngữ của chủ nghĩa xã hội. Lý do tại
sao những người cộng sản theo Quốc tế III lại đứng ra đảm nhận nhiệm
vụ ấy như vậy cũng quá rõ ràng: nhập thân vào phong trào chống thực
dân, xác lập cho được vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đối với
phong trào ấy để sau khi thành công, nắm được chính quyền thì có
ngay điều kiện thực hiện chế độ toàn trị đối với xã hôi, nghĩa là
“nắm vững chuyên chính vô sản” để thực hiện ý thức hệ của mình. Như
Hồ Chí Minh đã nói rành mạch, chủ nghĩa yêu nước chỉ là “con đường”
dẫn ông đến với chủ nghĩa Lênin thôi. Ở đây chẳng có chuyện gọi là
phủ định công lao của đảng cộng sản trong công cuộc giải phóng dân
tộc cũng chẳng có vấn đề phủ định vai trò cầm quyền của một đảng
chính trị sau khi đã chiến thắng thực dân (nhiều nước trên thế giới
đã làm như thế), nhưng vấn đề đặt ra ở đây là cầm quyền bằng con
đường nào, dân chủ hay độc tài, phát triển hay bất lực trong phát
triển mà thôi. Chúng ta đừng quên rằng chính vì những vấn đề sinh tử
đó mà dân tộc đã không ngừng chiến đấu và cuối cùng đã chấp nhận
cùng chiến đấu với những người cộng sản chứ chẳng phải những chuyện
mịt mùng về những thứ “ngày mai ca hát”, “thế giới đại đồng “ nào
cả. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó cũng như đừng bao giờ quên
rằng, ở nước ta cũng như trên thế giới, từ xưa cũng như nay, sự
nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc không phải là độc quyền
của những người cộng sản. Đồng nhất tổ quốc với chủ nghĩa xã hội,
như những người lãnh đạo cộng sản đã làm, là một mánh khoé tuyên
truyền không được đàng hoàng. Chứng minh rằng do “vận dụng” chủ
nghĩa Mác mà Việt Nam thắng được thực dân cũng là không thoả đáng:
không thiếu gì nước không có đảng cộng sản mà vẫn thắng được thực
dân. Riêng đối nhân dân Việt Nam thì chẳng ai hiểu chủ nghĩa Mác là
gì cả: hình ảnh của những người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội “khoa
học” mãi mãi chỉ là hình ảnh “hai ông Tây phe ta” treo trên tường
thôi!
DĐ: Chủ nghĩa Mác như thế rút lại chỉ là ý thức hệ của những
người cộng sản trong quá trình tranh giành quyền lực và giữ quyền
lực ?
LP: Phân tích tự cội nguồn thì khởi đầu chủ nghĩa xã hội mácxít là
phản ứng của phương Tây với sự khốc hại của quá trình công nghiệp
hoá của phương Tây: phê phán tận nền móng cái động lực cạnh tranh để
phát triển của xã hội ấy, nó cũng đã dựa vào những thành tựu của
khoa học kỹ thuật để hình dung cho loài người một tương lai sung mãn
nhưng không còn cạnh tranh nữa. Viễn cảnh ấy thật ra không phải chỉ
riêng Mác mới có, nhưng cái đặc biệt của Mác là ông dùng biện chứng
pháp của Hegel để tìm ra lực lượng xã hội thực hiện sứ mệnh ấy, là
giai cấp vô sản, mà chúng ta đã biết tính chất tư biện của nó như
thế nào. Khi được đưa sang phương Đông bị những nước phát triển
phương Tây đô hộ, nó đã được chuyển hoá thành một ý thức hệ nhân
danh cho những giá trị siêu hiện đại, vượt phương Tây, để chống lại
chính phương Tây, không phải chỉ thoát khỏi sự đô hộ của phương Tây
mà còn tạo ra một mô hình phát triển văn minh cao hơn nhiều lần. Đó
là một trong những cách hiện đại hóa lòng yêu nước truyền thống để
chống thực dân, nhưng là cách hiện đại hoá riêng biệt của những
người cộng sản để tranh quyền lãnh đạo với những xu hướng yêu nước
khác, tuy chứa đựng nhiều yếu tố hoang tưởng, nhưng dù sao khả năng
thành công vẫn có vì lẽ cuộc chiến đấu ấy vẫn được cuộc cách mạng
dân tộc dân chủ có bản chất không cộng sản nâng đỡ. Nhưng khi sự
nghiệp chống thực dân đã xong, khi quyền lực đã tập trung hết vào
tay mình rồi, khi chủ nghĩa cộng sản được đem ra thực hiện và không
chứng minh được gì khác ngoài tính chất bất khả thi của nó thì cái
gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin cũng bộc lộ hết sự trần trụi của một thứ
ý thức hệ được sử dụng chỉ để biện minh cho chế độ độc tài thôi. Có
thể nói đủ mọi thứ để khai triển luận đề này, nhưng theo tôi, căn
bản vẫn chỉ xoay quanh điều cốt yếu sau đây: thực tế đang làm một
công việc chẳng có gì cách mạng nhưng đảng cộng sản vẫn cứ nhân danh
“cách mạng” để đặt toàn xã hội vào một tình trạng “hy sinh” vĩnh
viễn, mục đích chỉ để duy trì sự thống trị vĩnh viễn của một nhà
nước lập ra để thủ tiêu mọi dấu vết của đời sống dân sự. Trước những
vấn đề hiện thực do đất nước đặt ra trong quá trình hiện đại hoá,
tăng trưởng kinh tế, và phát triển dân chủ, “cách mạng” hoàn toàn
chỉ là một khái niệm giả tưởng.
DĐ: Nhiều người cho rằng những phê phán ấy có thể đúng với mô
hình cách mạng xã hội chủ nghĩa trước đây; nhưng hiện nay mô hình ấy
đã được thay đổi mới rồi; anh nghĩ gì về cái gọi là “đổi mới xã hội
chủ nghĩa”– xét về mặt ý thức hệ?
LP: Ý kiến của tôi về chuyện này vẫn là nhất quán: không phải ý thức
hệ Mác-Lênin đã được vận dụng để tạo ra những cái gọi là “canh tân”,
“cải cách”, “đổi mới” đối với chủ nghĩa xã hội hiện thực mà thật
chính xác thì phải nói rằng những nguyên lý về chủ nghĩa xã hội của
Mác, do mang trong bản thân tính chất bất khả thi, nên khi đem ra
thực hành, bị cuộc sống chống lại quyết liệt, đã được liên tục điều
chỉnh và từ bỏ, chứ không phải là cái gì khác. Nhưng khi những người
cộng sản chấp nhận phải nhượng bộ, họ lại đã nhượng bộ theo phương
cách của Lênin: lùi bước tạm thời để tránh sụp đổ toàn diện. Nhìn
lại kinh nghiệm của Liên xô từ NEP cho đến sau này, tôi cho rằng chế
độ cộng sản sở dĩ vẫn kéo dài được là do nó đã phối hợp được khá
nhuần nhuyễn những nguyên lý huyễn hoặc về ý thức hệ với nhưng
phương thức hành động khá uyển chuyển: trong khi phất cao ngọn cờ
phản kháng đến nền móng nền văn minh phương Tây hiện đại và hứa hẹn
đấu tranh tạo ra một hình thái kinh tế - xã hội hoàn hảo muôn phần,
thì đồng thời vẫn có thể nhân danh sự “vận dụng” những nguyên lý ấy
để làm khác đi và làm ngược lại hoàn toàn những nguyên lý ấy. Chúng
ta hiểu được tại sao trong khi ngày càng phải từ bỏ con đường đã
chọn về mặt nội dung thì về mặt tổ chức, đảng cộng sản vẫn duy trì
được sự tồn tại độc quyền của mình. Nhìn vào những chuyển biến của
đất nước từ 1979, qua 1986 đến nay, chúng ta thấy thật rõ rệt điều
đó: càng ngày càng phải từ bỏ cái gọi là “ chủ nghĩa xã hội” thực
hiện bằng con đường tư bản nhà nước để chuyển dần sang một thứ “chủ
nghĩa xã hội” thực hiện bằng con đường tư bản cạnh tranh, và trong
khi “kiên trì nguyên lý” hoặc lúc đã thực hiện quá trình “tự diễn
biến hoà bình” xong rồi, người ta vẫn không ngớt hô hào “cách mạng”,
không ngớt xưng tụng Các Mác, Lênin và người đệ tử trung thành của
Lênin là Hồ Chí Minh, để trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể duy
trì được sự lãnh đạo độc quyền của đảng. Anh thấy đấy: mọi việc dù
thay đổi theo hướng nào thì vấn đề ý thức hệ vẫn được coi là “bất
biến”.
DĐ: Với những bài lý luận có nội dung phê phán quyết liệt chủ
nghĩa Mác-Lênin với tư cách là một ý thức hệ, anh cũng đã phê phán
khá quyết liệt sự độc tôn quyền lực của đảng cộng sản Việt Nam đối
với đất nước, anh đã gặp phản ứng gì từ phía những người cầm quyền
hiện nay?
LP: Đối với tôi thì phản ứng của những người cầm quyền, dù thế
nào đi nữa, cũng không quan trọng. Tôi không phải là người làm chính
trị chuyên nghiệp, cho nên tôi chỉ phát biểu những ý kiến của mình
với tư cách là người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, tinh thần.
Người cầm quyền có chịu nghe tôi và “tự diễn biến” một cách tích cực
để tránh đi cái cảnh “bị diễn biến” một cách tiêu cực, hoặc cứ nhất
định tự cho mình là muôn đời “duy nhất đúng” và công kích tôi như
một người đã đưa ra những luận điệu gọi là “bác bỏ con đường nhân
dân đã chọn”thì tôi vẫn cứ nghĩ rằng tôi phải tiếp tục giữ cho được
vị trí nghịch thường của mình. Tôi không giấu giếm thái độ hoàn toàn
không còn một chút tin tưởng gì về chủ nghĩa Mác-Lênin được “vận
dụng” bởi một đảng cộng sản lập ra theo mô hình chuyên chính ý thưc
hệ kiểu Lênin, nhưng thái độ của tôi hoàn toàn chỉ giới hạn trong
phạm vi suy tưởng và nghĩ rằng tôi được quyền phát biểu những suy
tưởng ấy như một công dân trước nhà nước đang quản lý mình về mặt
pháp luật. Tôi không chủ trương lật đổ nhà nước nhưng tôi không chấp
nhận việc nhà nước nhân danh sự độc quyền về ý thức hệ để quản lý
những công dân và cấm đoán họ phát biểu chính kiến trước những vấn
đề chung, một nhà nước như vậy là hoàn toàn xa lạ với đời sống của
thế giới hiện đại. Không có nhà nước nào thoát khỏi bị định hướng
bởi một ý thức hệ để hành động, nhưng tôi cho rằng đó là những thứ ý
thức hệ thực tiễn liên hệ đến những chuyện trần gian, thiết thực chứ
không phải là những thứ siêu hình về lịch sử, về cõi đời tuyệt diệu
mai sau, không có gì kiểm chứng được, gọi những thứ đó là “khoa học
và cách mạng” và nhân danh những thứ đó để phán xử người dân và “cải
tạo” họ. Đảng cộng sản có muốn giữ thì cứ giữ, nhưng chỉ cho
riêng mình thôi, không thể cưỡng bức toàn dân phải chấp nhận ý thức
hệ ấy thông qua súng đạn và nhà tù của một nhà nước bên ngoài mệnh
danh là “của dân, do dân vì dân” nhưng bên trong chỉ là công cụ của
một thiểu số. Tôi cho rằng đối với một nhà nước như vậy thì người ta
phải đấu tranh thay đổi nó, và đối với công việc ấy thì khẳng định
công khai sự bất đồng ý kiến với nó về mặt ý thức hệ là một trong
những thách thức ban đầu. Quyền được có những ý kiến khác với nhà
nước là một trong những quyền căn bản của con người trong thế giới
hiện đại; không vượt qua được cái não trạng thờ ơ, vô trách nhiệm để
bày tỏ những bất đồng đó ra trước công luận thì người ta chỉ dung
túng cho những lề thói chuyên quyền kiểu châu Á được tiếp tục tồn
tại mãi mãi trên đất nước thôi. Tôi cho rằng những ai chấp nhận đưa
khái niệm “nhà nước pháp quyền” vào Việt Nam không thể không chú ý
đặc biệt đến những cơ sở tinh thần đã tạo ra nó. Chỉ sử dụng cái xác
của danh từ rồi ném linh hồn nó vào cái sọt rác “tư sản” thì đó là
một thái độ hoàn toàn không nghiêm chỉnh.
DĐ: Anh có nghĩ rằng khi bày tỏ thái độ quyết liệt như vậy với
chủ nghĩa Mác-Lênin và đảng cộng sản, anh có cho rằng con đường tất
yếu mà anh sẽ phải chọn là chế độ dân chủ phương Tây với nền kinh tế
thị trường và chủ nghĩa đa nguyên chính trị?
LP: Suy nghĩ vấn đề trên khía cạnh ý thức hệ, tôi thấy không thể đưa
ra những câu trả lời đơn giản được. Nguyên tắc của cơ chế thị trường
là giả định phải có những chủ thể độc lập cạnh tranh tự do thì mới
tạo ra được của cải cho xã hội; chúng ta đều biết rằng thực tại đó
vẫn còn đúng cho đến ngày nay, không phải đúng về mặt chân lý tuyệt
đối mà chỉ đơn giản là nó vẫn còn phù hợp với con người trong hoạt
động kinh tế vì còn có khả năng duy trì được động lực cho phát triển
sản xuất. Nhưng khi những nhà kinh tế cổ điển khảo sát thực tại ấy
và nâng lên thành lý luận về “cạnh tranh hoàn hảo” để chống lại sự
can thiệp của nhà nước vào mọi hoạt động kinh tế thì chúng ta thấy
tất cả đã bắt đầu nhuốm màu ý thức hệ để trở thành cái gọi là “chủ
nghĩa tự do” rồi. Sự suy tưởng của Mác cũng bắt đầu từ thực tại ấy
nhưng lại đi đến chiều hướng ngược lại hoàn toàn: cạnh tranh tự do
chỉ là cuộc tranh giành tàn ác dẫn đến tập trung tài sản và bóc lột
tột độ, và do đó cũng đưa đến chỗ làm sụp đổ chế độ tư hữu tư nhân
để hình thành ra một hình thái xã hội không còn cạnh tranh nữa và
gọi là “cộng sản chủ nghĩa”. Ai cũng thấy đâu là tính chất hiện thực
và tính chất ý thức hệ trong hai cung cách tư duy trên đây, và do đó
thật khó mà coi cả hai đều là đúng hoặc sai bên ngoài những
paradigmes đã tạo ra chúng. Tôi nghĩ rằng chọn một trong hai lý
thuyết ấy rồi tranh luận thì thật là thú vị về mặt học thuật, nhưng
chọn một trong hai học thuyết ấy để áp dụng nguyên vẹn vào thực tế –
bằng những cái gọi là chuyên chính hoặc tư sản hoặc vô sản – thì
chúng ta đều biết kết quả như thế nào. Tôi cho rằng khi nói đến
những lĩnh vực thực tế thì phải chấp nhận thực tế như nó đang có thì
người ta mới mong tìm ra được những giải pháp, nếu không hiệu lực
hoàn toàn, thì cũng không rơi vào những hoang tưởng đưa người ta lên
chín tầng trời. Hãy làm như cuộc sống hiện thực đang làm: hãy đi
bằng chân chứ đừng bắt chước những người chơi trội muốn đi bằng đầu
và bắt mọi người phải đi bằng đầu như mình! Không nên theo Adam
Smith hoàn toàn mà cũng không thể phủ nhận Các Mác hoàn toàn. Ở đây
như tôi đã nói, rõ rệt chẳng có gì gọi là phủ định ý thức hệ cả mà
chỉ là khoanh nó lại trong cái thế giới của nó, để nó trong thế giới
của nó, nó sẽ giúp đỡ chúng ta thật nhiều.
DĐ: Đối với tình hình hiện nay, anh có cho rằng những suy nghĩ
mang tính lý luận như trên có thể gợi ra được những đề nghị có ý
nghĩa tích cực hay không ? Nhiều người đọc anh đã có ý muốn nghe anh
phát biểu thêm về những vấn đề thực tế hơn.
LP: Tôi nghĩ rằng lĩnh vực chuyên biệt của tôi không phải hoạt động
chính trị cho nên tôi thấy không cần phải viết ra một tuyên ngôn hay
cương lĩnh làm gì, mặc dù đẻ ra mấy thứ ấy không phải khó khăn lắm.
Tuy vậy nếu ai đọc tôi chăm chú thì vẫn thấy được ý định của tôi qua
những bài lý luận. Thí dụ như đối với chế độ cộng sản hiện nay ở
Việt Nam, tuy cực kỳ căng thẳng trong sự phê phán về ý thức hệ,
nhưng tôi lại rất có mức độ trong ứng xử: tôi chỉ đề nghị đảng nên
tỏ ra thực tế hơn, tiếp tục bỏ những phần hoang tưởng gọi là chuyên
chính vô sản trong “chủ nghĩa xã hội mác xít”, để thực hiện dân chủ.
Và trong việc này tôi cũng không hề coi cơ chế đa đảng như là tối
cần, cấp bách, không có không được cho đất nước hiện nay, mà chỉ đề
nghị nới rộng quyền tự do tư tưởng và phát biểu cho những người có
nhu cầu bức thiết là giới trí thức và nghiên cứu, nghĩa là thực hiện
những quyền dân chủ ấy ban đầu một cách có giới hạn chứ chưa đến mức
phổ biến, rộng rãi. Và sở dĩ như vậy vì tôi cho rằng vấn đề dân chủ
là một quá trình lâu dài, không phải biểu hiện trước hết trong cuộc
tranh giành về quyền lực giữa các đảng phái mà căn bản là sự độc lập
của xã hội công dân đối với nhà nước về mọi phương diện, khởi đầu từ
kinh tế rồi sau đó mới lan dần sang văn hoá và chính trị. Quan điểm
của tôi về hành động thật sự chẳng có gì cao xa: làm gì thì làm
nhưng hãy khởi đầu tất cả bằng sự “tử tế” trước hết, người có học
thì lãnh đạo người vô học, kẻ có khả năng phải có được sống xứng
đáng với sức lực của mình, đã sống trong hoà bình rồi thì hãy giẹp
những chuyện gọi là “cách mạng” nặc mùi sắt máu bạo lực đi. Tôi cho
rằng những đề nghị như vậy là rất từ tốn, phải chẳng chứ không có gì
là vội vàng, quá khích: tất cả đều xuất phát từ sự nhận thức ra tình
cảnh phá sản không có gì chống chế nổi của lý luận chủ nghĩa xã hội
mácxít thực hiện bằng phương pháp Lênin và do đó phải từng bước thay
thế nó bằng một cái gì đó khiêm tốn hơn, bình thường nhưng khả thi
và dễ được chấp hơn với mọi người. Trình bày thẳng thắn những ý nghĩ
của mình – nhiều khi hết sức gay gắt và cay đắng – tôi chỉ muốn tạo
ra một thứ kích động tinh thần đối với những người có tránh nhiệm
trong đảng, báo động cho họ biết kết quả tệ hại của cái não trạng
giáo điều và ngạo mạn mà họ đã gây ra cho đời sống tinh thần xã hội
suốt thời gian đằng đẵng đã qua là như thế nào. Giới lý luận quan
phương gọi thái độ ấy của tôi là “diễn biến hoà bình” và cột nó vào
mọi thứ mưu đồ xa gần nào đó, điều đó đối với tôi chẳng mảy may có ý
nghĩa gì. Tôi không có mưu đồ nào, vì vậy, sau khi ngẫm nghĩ, tôi
nhận thấy mấy chữ “diễn biến hoà bình” như vậy mà lại thật hay. Có
người nào trên đất nước chúng ta hiện nay, kể cả những người cộng
sản, mà không tham gia vào trò chơi “diễn biến hoà bình”? Vấn đề chỉ
là cách chơi như thế nào mà thôi. Đối với tôi mọi việc từ lâu không
có gì phải giấu giếm: tôi muốn chuyển chế độ chuyên chính vô sản
sang chế độ dân chủ, chuyển não trạng cuồng tín ngạo mạn ý thức hệ
sang đối thoại trong nhân nhượng, hy vọng qua đó tìm ra được một sự
đồng thuận xã hội nào đó, cần thiết cho sự phát triển đất nước trong
dân chủ và hoà bình.
DĐ: Anh nghĩ gì về về ý kiến của một số người nhận xét rằng, cùng
với một số trí thức khác trong nước, anh chỉ muốn “cứu đảng chớ
không cứu nước”?
LP: Tôi không hiểu thật rõ ý kiến của những vị đã nói ra điều đó, vì
tôi chưa đọc được những bài báo nào trình bày cho thật đầy đủ cả.
Nhưng nếu như điều mà tôi giả định về những nhận xét ấy là như thế
này – chẳng hạn nên bỏ cờ búa liềm để chuyển sang cờ ba sọc – thì
tôi sẽ không ngại gì mà không nói với những vị ấy là: chuyện thật
trẻ con ! Tôi tuyên bố thẳng thắn là đã tự ý bỏ đảng cộng sản vì bất
đồng về đường lối, nhưng trong tôi chẳng hề lướng vướng một chút mặc
cảm nào về cái mà phía bên này gọi là “phản bội” và phía bên kia
người ta gọi là “chiêu hồi”. Cái cung cách suy nghĩ theo kiểu “xã
hội chủ nghĩa hay là chết” hoặc “không quốc gia thì cộng sản” ấy chỉ
là sản phẩm của một tình thế đã qua rồi. Nó hoàn toàn có lý do để
tồn tại trong một thế giới bị phân đôi như quả cam cắt ra làm hai
phần, bên nào cũng tự cho mình là “chính nghĩa” để coi bên kia là kẻ
thù không đội trời chung. Có thể nó đã phản ánh một cách hiện thực
về cái cách thức liên minh ma quái giữa các quốc gia trong việc
tranh giành quyền lực vào một giai đoạn nào đó của lịch sử hiện đại,
nhưng đứng về mặt ý thức hệ mà cho đến bây giờ người ta vẫn cứ nhắm
mắt tin vào thì không có gì buồn cười hơn. “Quốc gia” ư? “Quốc tế”
ư? “Quốc gia” gì mà lúc nào cũng phải đứng đàng sau những quân đội
viễn chinh phương Tây, và mục đích lại không có gì khác hơn là chống
lại những người mang danh là “quốc tế” nhưng lại đang cầm súng chống
lại những đội quân viễn chinh phương Tây ấy? Còn những người gọi là
“quốc tế”
này làm sao có thể coi mình là “người giải phóng loài ngườì” cho
được khi mà cái ý thức hệ mà họ mượn từ những nước phương Đông đối
lập với phương Tây, khi đem ra thực hiện thì lại không mang đến kết
quả nào khác hơn là gây chia rẽ dân tộc, gìm cuộc sống trong vũng
lầy của độc tài, lạc hậu, nghèo nàn, đưa cả một thế hệ những con
người vào tình trạng bơ vơ về tinh thần chưa bao giờ thảm hại như
bây giờ? Làm sao có thể huyễn hoặc mãi – những cái vốn đã mang trong
bản thân đầy những ý nghĩa hàm hồ? Thực tế nay đã không còn như xưa
nữa, không ai không nhận thấy, nhưng do hàng loạt những lý do, các
thế lực thuộc về quá khứ ấy vẫn tồn tại, ồn ào dương cao những ngọn
cờ cũ xưa tả tơi định lôi cuốn dân tộc vào một cuộc đối đầu mới vô
ích và vô vọng. Là một người đã bỏ hầu hết một đời để đi đuổi bắt
những ý tưởng và đã ngán ngẩm khi thấy mình đã phải lao vào máu lửa
để đuổi bắt những ý tưởng ấy, tôi thấy mình đã mình trở nên “dị ứng”
hầu như hoàn toàn với cái kiểu cách ngạo mạn của các thế lực ấy. Tôi
muốn tìm đến chỗ đứng của những người muốn nhìn thế giới đang chuyển
động đi về tương lai hơn là bị ràng buộc bởi những cái vĩnh viễn đã
qua rồi. Hôm nay anh 50 tuổi, anh không thể phủ nhận cái tuổi 20 của
anh, không có 20 thì anh không thành 50: nhưng khi anh đã 50 rồi thì
anh không thể nghĩ và sống như hồi anh 20 nữa. Những gì suy ngẫm của
tôi về những cái đã qua cũng chỉ có ý nghĩa đơn giản như vậy thôi.
Chẳng qua tôi có chút hiểu biết về cái mà người ta gọi là “kinh
nghiệm cộng sản” thì tôi suy ngẫm nhiều về cái mảng đời ấy, và khi
đem bộc lộ ra thì chẳng hề có ảo tưởng xoay vần được thế cuộc gì cả,
nhiều lắm thì cũng chỉ mong gợi được một cái gì đó giống như sự nhen
nhúm cho một não trạng mới, thích hợp với thực tế hơn thôi.
DĐ: Anh có thể nói rõ hơn một chút về cái “não trạng mới” ấy!
LP: Qua kinh nghiệm của đất nước trong suốt mấy chục năm đã
qua, tôi cho rằng đã đến lúc mọi người cần phải nhận ra tính chất
cực kỳ nguy hại của việc đem gắn chặt một ý thức hệ nào đó với nhà
nước, từ trên áp xuống cho xã hội, bắt xã hội phải khuôn nắn theo.
Tất nhiên, không thể phủ nhận sự định hướng của một ý thức hệ đối
với hoạt động của nhà nước, nhưng vấn đề ở đây là không được coi ý
thức hệ ấy như cái duy nhất đúng, duy nhất cao cả, căn cứ vào đó
biện hộ cho sự tồn tại vĩnh viễn của một chế độ độc tài. Mối quan hệ
giữa ý thức hệ với nhà nước do đó rốt ráo cũng là vấn đề mối quan hệ
giữa nhà nước và xã hội công dân, là vấn đề tìm ra những định chế để
kềm chế không cho nhà nước trở thành thế lực triệt tiêu sức sống của
xã hội công dân. Đối với thế giới, điều đó chẳng có gì mới mẻ, nhưng
ở Việt Nam thì lại vẫn còn tương đối xa lạ, trong suy nghĩ của những
người dân đến não trạng của những kẻ cầm quyền: một bên lúc nào cũng
ngẩng cổ lên trông ngóng sự xuất hiện của một đấng minh quân với
những thứ “phép màu”nào đó có thể giải quyết được mọi rắc rối của
đời sống, còn bên kia thì cũng chưa bỏ được thói quen từ trên nhìn
xuống của những kẻ tự cho mình là những đấng bậc nào đó được các
thực tại siêu nhiên hoặc lịch sử uỷ nhiệm cho sứ mệnh cứu vớt chúng
sinh, coi đám chúng sinh ấy như một lũ “xích tử” cần được chăm lo
cho mọi thứ “tương cà mắm muối” nhưng khi cần thì có thể bị đét roi
vào đít để được “giáo dục” cho cách ngoan ngoãn xưng tụng những
người “lĩnh tụ thiên tài”! Tôi cho rằng một xã hội mà vẫn còn bị một
thứ não trạng như vậy đè nặng thì khó lòng mà thoát ra khỏi cảnh
trạng bị thống trị bới những kẻ mị dân, gia trưởng và độc đoán dưới
rất nhiều hình thức khác nhau, từ cổ xưa cho đến hiện đại. Vấn đề do
đó không chỉ liên quan đến chủ nghĩa cộng sản mà thôi: sự biến thể
tất yếu dẫn đến sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một ý
thức hệ, nếu xảy ra, chắc hẳn sẽ không gây ngạc nhiên nhiều cho
chúng ta nữa, nhưng ai mà biết được rằng sau sự sụp đổ ấy thì một
thứ gì đó gọi là “cộng sản không có cộng sản” vẫn cứ tồn tại trên
cái mảnh đất châu Á trì trệ này! Dân chủ theo tôi vẫn là nội dung
chính yếu của con đường đi tới hiện đại hoá của đất nước chứ không
phải là cái gì khác. Và biểu hiện thiết thực cho chiều hướng ấy trên
mặt nhà nước phải là một nhà nước dân tộc, dân sự nghĩa là một nhà
nước phi thần quyền, phi quân sự, phi cách mạng: đó chính là nền
tảng để cho tất cả những người Việt Nam hiện nay từ mọi nguồn gốc
khác nhau có thể ngồi chung để đối thoại về quá trình hiện đại hoá
đất nước. Trong sự nghiệp ấy, tôi rất mong mỏi thuyết phục những
người cộng sản đi tiên phong mở màn cho thái độ nhận thức lại bản
thân một cách can đảm và nghiêm chỉnh. Tôi muốn nói với những người
cộng sản rằng họ hãy từ bỏ việc đeo đuổi cái gọi là “cẩm nang thần
kỳ” mà Hồ Chí Minh cho rằng đã tìm thấy trong chủ nghĩa Lênin đi –
nhất là khi đã bước qua khỏi cuộc chiến tranh để đi vào xây dựng:
với tư cách là những ý thức hệ, không có học thuyết nào có thể tạo
ra cho đất nước những điều kỳ diệu trong phát triển cả. Không phải
chủ nghĩa xã hội mà cũng chẳng phải chủ nghĩa tư bản, không phải là
Adam Smith và cũng không phải là Các Mác: chỉ có cái hồn thiêng của
một dân tộc – biểu hiện ra ở cái khả năng biết thích ứng để “chọn
lựa lại” một cách thông minh trước những tình thế mới do thời đại
mang đến – là quyết định tất cả mà thôi. Tôi xác quyết rằng cái não
trạng “cách mạng” kiểu “cộng sản” là hoàn toàn không còn thích hợp
với tình thế mới ấy nữa rồi: cuộc cách mạng vô sản trước tương lai
của dân tộc chỉ còn là một cục bướu thừa thãi, không thể không bị
giải phẫu cho đến căn để, dù đấy là một cuộc giải phẫu cực kỳ đau
đớn.
DĐ: Trong một bài viết cách đây không lâu anh có nói đến một
“kịch bản” chuyển giao quyền lực của đảng cộng sản cho xã hội, nay
anh vẫn còn giữ nguyên ý kiến đó?
LP: Tôi vẫn giữ nguyên ý kiến đó và mong muốn những người cộng sản
tự thực hiện cuộc “tự diễn biến hoà bình” một cách có ý thức, có kế
hoạch để tránh những đổ vỡ có thể có do chính sách chuyên chính do
nó gây ra. Quyền lợi cao nhất ở đây vẫn là dân tộc chứ không phải là
đảng phái này, đảng phái nọ, học thuyết này hay học thuyết nọ.
DĐ: Anh không nhận thấy đề nghị của anh thật sự là quá... mơ mộng
hay sao?
LP: Nếu anh xem những ý kiến của tôi chẳng qua cũng chỉ là một thứ ý
thức hệ thì quả thật là quá mơ mộng. Nhưng nếu anh nhìn sự việc một
cách thực tế thì anh sẽ thấy những gì tôi đề nghị không phải là
không có cơ sở: những người lãnh đạo đảng đang làm gì nếu họ không
đang thực hiện chính sách “tự diễn biến hoà bình”? Với đường lối gọi
là “mở cửa” và “đổi mới” họ đang làm gì nếu không đang đẩy đến tận
cùng cái lôgích gọi là “vận dụng” Mác vào thực tế, theo nghĩa là bỏ
dần trong thực tế tất cả những gì mà Mác đã hình dung ra cho tương
lai, trong khi đó thì lại bắt tay vào việc thực hiện tất cả những gì
mà Mác đã phủ định? Cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” đang được xem là
giá trị để “định hướng” cho sự tăng trưởng kinh tế là gì trong thực
tế nếu không phải chỉ cái tên gọi mỹ miều cho một thứ chủ nghĩa tư
bản thời sơ kỳ mà Mác đã phê phán? Cái “quốc tế” mà những người cộng
sản Việt Nam đang dựa vào để gọi là hỗ trợ cho sự nghiệp “tiến lên
chủ nghĩa xã hội” là gì nếu không phải là những thế lực tư bản đa
quốc gia? Anh làm sao có thể tìm được một chút xíu gì gọi là “chủ
nghĩa xã hội mácxít” khi mà cái gì anh cũng phải bỏ tiền ra mua? Có
lẽ cái được gọi là “xã hội chủ nghĩa” rút lại chẳng qua chỉ là cái
tên của đảng với những lời lẽ ồn ào của đảng về chủ nghĩa xã hội
thôi: nhưng một đảng cộng sản mà đi thực hiện một thứ chủ nghĩa tư
bản man rợ, trong khuôn khổ sự hợp tác với quốc tế tư bản chẳng lẽ
đó lại gọi là “chủ nghĩa xã hội mácxít” mang màu sắc Việt Nam hay
sao? Không biết có ai trong hàng ngũ những nhà kiến tạo ra đường lối
của đảng mà thật lòng tin vào những gì họ nói ra hay không, nhưng
trong phạm vi những người mà tôi quen, tôi gặp, trong đảng, từ những
đảng viên bình thường đến các vị trung ương, tôi thấy chẳng còn ai
coi những thứ lý lẽ ấy là quan trọng cả. Vấn đề thực tế chỉ là làm
thế nào để kéo dài sự tồn tại và phải tìm ra cho được một thứ “chính
danh” nào đó để kéo dài sự tồn tại đó mà thôi. Nhưng làm sao thực
hiện được điều đó một cách có sức thuyết phục thì lại không phải dễ
dàng. Những cái gọi là “đổi mới” lý luận về chủ nghĩa xã hội ra đới
dưới sự bảo trợ của đảng và nhà nước hiện nay ở Việt Nam, theo tôi,
chỉ là sự xoay sở một cách vô cùng hỗn loạn để đối phó với tình thế
khó khăn ấy: nó chỉ lay hoay trong sự chắp vá tìm ra cách nói, cách
trình bày như thế nào trước công luận để biện minh cho sự từ bỏ trên
thực tế những nguyên lý mácxít về chủ nghĩa xã hội nhưng cuối cùng
vẫn duy trì được sự độc tài của đảng chứ không phải là cái gì khác.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tình trạng ấy sẽ kéo dài được bao lâu,
và kéo dài bằng cách nào khi mà, ngoài sự trấn áp, hù doạ quen
thuộc, đảng đã không còn trong tay sự dự trữ tinh thần nào khác
ngoài những thủ đoạn nói dối, mị dân? Sự tan rã về tư tưởng trong
hàng ngũ đảng hiện nay là điều đã trở thành hiển nhiên không còn có
thể nghi ngờ chút nào. Đảng đang tìm cách “tự diễn biến”, tự thay
hình đổi dạng cũng là điều không thể nghi ngờ chút nào. Những băn
khoăn của tôi không phải ở chỗ đó mà là xét xem sự biến chất của
đảng theo chiều hướng đó có mang lại được ích lợi thật sự cho sự
phát triển của dân tộc hay không mà thôi. Tôi cho rằng mọi việc ngày
càng chìm sâu vào tình trạng bế tắc, thực dụng hoàn toàn không có
lối thoát về lý luận. Có lẽ sự mơ mộng của tôi, nếu có, thì chỉ xuất
phát từ tình trạng ấy: mong muốn sự hoá thân của đảng diễn ra một
cách “tử tế” hơn, sự đổi mới của đảng diễn ra một cách toàn diện
hơn, dân chủ hơn, có ý thức hơn, chứ không ứng biến nửa vời và phản
văn hoá như nó đang diễn ra hiện nay.
DĐ: Anh có cho rằng những phần tử cấp tiến trong đảng có thể đóng
được vai trò tích cực trong quá trình “hoá thân” của đảng?
LP: Theo nhận xét của tôi, những phần tử theo đuổi đường lối
cực đoan về ý thức hệ trong đảng hiện nay càng ngày càng ít đi và
càng ngày yếu thế hơn xưa rất nhiều: điều này cũng đã biểu hiện cả
trong lĩnh vực lý luận, là lĩnh vực thường được coi là bảo thủ nhất.
Điều đó đã phản ánh sự thay đổi của xã hội Việt Nam là sâu sắc đến
như thế nào: chế đô chuyên chính ở Việt Nam dường như đang có xu
hướng từ sự thống trị tộc tài khuynh tả chuyển sang độc tài khuynh
hữu. Một cách khách quan, nhiều người quan sát đã cho rằng tình thế
ấy dù sao vẫn có nhiều mặt tích cực hơn xưa. Bị thúc đẩy bởi hàng
loạt những sức ép đến từ khắp nơi, từ khắp các lĩnh vực của đời sống
– nhất là từ cái xã hội công dân đang được phục hồi trong thực tế –,
sự thay đổi của đảng trong những ngày sắp tới có thể sẽ diễn ra
nhanh chóng hơn. Trong hoàn cảnh ấy, sự đóng góp của những phần tử
cấp tiến trong đảng sẽ là cực kỳ quan trọng: văn hoá hay phản văn
hoá, dân chủ hay độc tài, theo tôi, vẫn là cái cột mốc để người ta
nhận ra chất lượng của những cuộc vận động thay đổi ấy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét