Nguồn: Philip C. Saunders (2008). “China’s Role in Asia”, in David Shambaugh & Michael Yahuda (eds), International Relations of Asia (Maryland: Rowman & Littlefield Publishers), pp. 127-149.>>PDF
Biên dịch: Hoàng Thu Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Sau nhiều thập kỉ chỉ tạo ảnh hưởng mức độ vừa phải ở Châu Á, Trung Quốc hiện giờ đã đóng vai trò chủ động và quan trọng hơn trong khu vực. Cải cách kinh tế và sau đó là sự hội nhập vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu của Trung Quốc đã tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong 3 thập kỷ, khiến sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tăng lên đáng kể. Chiến lược an ninh khu vực của Trung Quốc và một loạt các biện pháp trấn an về ngoại giao, quân sự, và kinh tế đã có những tác động đáng kể làm giảm quan ngại của các nước Châu Á về sức mạnh của Trung Quốc. Một vài nghiên cứu gần đây thừa nhận rằng cái nhìn của các nước Châu Á về Trung Quốc đã dần thay đổi từ xem Trung Quốc như một mối đe dọa sang nhìn nhận Trung Quốc như một cơ hội, mặc dù Nhật Bản là một ngoại lệ đối với xu hướng này.1 Ở mức độ nào đó, điều này phản ánh sự chấp nhận một thực tế rằng các quốc gia Châu Á nhỏ hơn hoàn toàn không có sức mạnh để có thể thay đổi (hiện trạng trên). Tuy nhiên, sự suy giảm những tình cảm chống Trung Quốc vốn phổ biến một thập kỷ trước đây là chỉ dấu cho thấy những thành công trong chính sách Châu Á của Trung Quốc. Như Robert Sutter đã chỉ ra, rất khó để có thể đánh giá ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Châu Á đã thực sự tăng lên tới mức nào do Trung Quốc không đòi hỏi các quốc gia Châu Á khác phải thực hiện các hành động tốn kém đi ngược lại lợi ích của họ.2
Chương này xem xét những chiến lược khu vực của Trung Quốc và các nguồn ảnh hưởng của Trung Quốc, cân nhắc cách Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh của mình trong tương lai, và đánh giá cách các nước Châu Á và các cường quốc toàn cầu khác có thể đối phó với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng lớn ra sao. Chương này cũng xem xét các quan điểm lý thuyết đối lập nhau về các hành vi quốc tế của Trung Quốc, tác động có thể có nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, và các diễn biến tiềm tàng có thể làm thay đổi chính sách khu vực của Trung Quốc. Chương này cũng lập luận rằng chiến lược trấn an của Trung Quốc đã có những thành công đáng kể trong việc gìn giữ môi trường khu vực ổn định và thuyết phục những nước láng giềng nhìn nhận Trung Quốc như một cơ hội hơn là một mối đe dọa. Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc đã có những hành vi khu vực mang tính kiềm chế và xây dựng trong thập kỷ qua, vẫn tồn tại những quan ngại đáng kể về cách một Trung Quốc lớn mạnh và ít bị hạn chế hơn có thể cư xử trong tương lai như thế nào.
Chiến lược Châu Á của Trung Quốc
Chiến lược khu vực của Trung Quốc bắt nguồn một phần từ đại chiến lược toàn cầu của nước này.3 Vấn đề nội địa được quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là duy trì ổn định chính trị và đảm bảo quyền lực liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Những nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đã cố gắng gây dựng nguồn lực ủng hộ chính trị mới bằng cách nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế và bằng cách khơi dậy tình cảm dân tộc chủ nghĩa.4 Trong suốt thời kì đổi mới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tập trung vào việc duy trì một môi trường quốc tế mang tính ổn định hỗ trợ cho hiện đại hóa nền kinh tế. Mục tiêu này đòi hỏi Trung Quốc phải tránh mối quan hệ thù địch với Mỹ, quốc gia đang giữ sức mạnh thống trị trong hệ thống quốc tế hiện tại. Do sự đối đầu có chi phí quá lớn, Bắc Kinh theo đuổi quan hệ ổn định, hợp tác với Washington. Tuy nhiên nhiều người trong giới tinh hoa Trung Quốc tin rằng nước Mỹ vẫn mưu cầu lật đổ hệ thống chính trị Trung Quốc và tìm cách kìm hãm tiềm năng kinh tế và quân sự của nước này. Do đó Trung Quốc luôn cố gắng xây dựng mối quan hệ tích cực với các cường quốc hiện hữu cũng như tiềm tàng để tạo thuận lợi cho sự xuất hiện của một trật tự thế giới đa cực và không cho Mỹ có cơ hội xây dựng một liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc và ngăn chặn sự tiếp tục lớn mạnh của nước này. Bằng cách quản lý tốt mối quan hệ với Mỹ, các cường quốc khác, và với các quốc gia đang phát triển, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hi vọng rằng sẽ tận dụng được thời kỳ cơ hội chiến lược trong hai thập kỉ đầu thế kỷ 21 để xây dựng sức mạnh quốc gia toàn diện của Trung Quốc và nâng cao vị trí quốc tế của quốc gia này.
Đại chiến lược này xác định rõ bối cảnh quốc tế và trong nước mà trong đó Trung Quốc hình thành và theo đuổi chính sách Châu Á của mình. Châu Á là vùng có tầm quan trọng lớn nhất trên thế giới đối với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và chính trị. Đây cũng là đích đến quan trọng nhất đối với xuất khẩu Trung Quốc (chiếm 45% xuất khấu Trung Quốc trong năm 2004) và đối với đầu tư Trung Quốc (chiếm ít nhất 2,45 tỉ đô la đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trong năm 2005). 5 Châu Á đóng vai trò như nguồn nguyên liệu thô, nhà cung cấp linh kiện, công nghệ và chuyên môn quản lý cho mạng lưới sản xuất toàn cầu hoạt động tại Trung Quốc; và Châu Á cũng ngày càng đóng vai trò là thị trường cho các sản phẩm hoàn thiện của Trung Quốc. Nguồn vốn FDI Châu Á đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phát triển và bùng nổ xuất khẩu. Sự thành công của nền kinh tế Trung Quốc có thể được quy cho hoạt động của các công ty đa quốc gia vốn nhập khẩu linh kiện thành phần từ Châu Á, lắp ráp hàng hóa sử dụng lao động người Trung Quốc, và xuất khẩu các sản phẩm đã hoàn thành đến các thị trường ở Mỹ, Châu Âu, và các nơi khác. Xấp xỉ 60% xuất khẩu Trung Quốc được sản xuất bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, rất nhiều trong số đó đóng trụ sở tại Châu Á.6 Trung Quốc ngày càng trở nên phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu từ khu vực Trung Đông và vào các tuyến đường giao thông trên biển phục vụ cho trao đổi hàng hóa. Phần lớn lưu lượng giao thông này đều đi qua các vùng biển của các nước Châu Á, bao gồm cả các điểm nghẽn tiềm tàng như eo biển Malacca.
Địa lý cũng khiến Châu Á đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc từ góc độ an ninh. Trung Quốc có chung đường biên giới đất liền với 14 nước Đông Nam Á, Nam Á, và Trung Á. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan ngại rằng các nước láng giềng có thể là cơ sở cho các lực lượng lật đổ hoặc cho những nỗ lực quân sự để kiềm chế Trung Quốc. Đây là mối quan tâm chính bởi phần lớn các dân tộc thiểu số của Trung Quốc, điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận như một mối đe dọa ly khai tiềm tàng, sống ở các vùng biên giới có dân cư thưa thớt. Sự quan ngại của người Trung Quốc về mối đe dọa đến từ “chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai, và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan” đã thúc đẩy gia tăng các nỗ lực hợp tác an ninh với các nước láng giềng Trung Á và Nam Á. Tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết của Trung Quốc đều nằm ở Châu Á, bao gồm tranh chấp quần đảo Trường Sa và Biển Đông, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và một phần biển Hoa Đông, và yêu sách của Trung Quốc đối với Đài Loan. Trung Quốc cũng lo ngại về khả năng bao vây và đe dọa từ lực lượng quân sự thông thường đóng ở xung quanh nước này. Vào những năm 1960, Mỹ có lực lượng quân sự đáng kể đóng ở Đài Loan, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Thái Lan, tất cả đều nằm trong phạm vi có thể tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc. Các chiến lược gia Trung Quốc rất nhạy cảm với các hành động gần đây của Mỹ để củng cố khả năng triển khai sức mạnh quân sự của mình ở Thái Bình Dương và viễn cảnh các liên minh của Mỹ ở Châu Á sẽ một ngày nào đó quay qua chống lại Trung Quốc.
Cuối cùng, Châu Á cũng mang tầm quan trọng trong môi trường chính trị. Đó là nơi hiện diện các cường quốc chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và các nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc và Singapore. Đông Á chiếm 29% dân số thế giới và sản xuất khoảng 19% GDP toàn cầu.7 Nếu Châu Á có khả năng hành động chung, đó có thể là đối thủ địa chính trị nặng kí đối với Bắc Mỹ và Châu Âu. Châu Á có lịch sử thiếu vắng các mạng lưới thể chế khu vực vốn mang lại sự hợp tác kinh tế và an ninh như tại Châu Âu, hỗ trợ quá trình hội nhập khu vực, dẫn đến sự thành lập Liên minh Châu Âu. Sự đa dạng về chính trị, dân tộc, và văn hóa của khu vực và xu hướng các quốc gia Châu Á cạnh tranh nhau trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đã cản trở sự thành lập các tổ chức mạnh mẽ trong khu vực. Tuy nhiên, trong thập kỉ vừa qua, các tổ chức khu vực mới đã nổi lên để thúc đẩy hợp tác khu vực giữa các nước Châu Á về kinh tế, an ninh, và chính trị. Một loạt các tổ chức phi chính phủ và mạng lưới liên kết con người-với-con người mạnh mẽ đã nổi lên ở cấp độ xã hội. Một số nhìn nhận các quá trình này như sự thúc đẩy hội nhập khu vực lớn hơn, điều sẽ tạo thay đổi lớn cho động lực chính trị của Châu Á. Trung Quốc có lợi ích lớn trong việc ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị của khu vực theo cách có thể đẩy mạnh lợi ích của Trung Quốc, hạn chế các diễn tiến có thể đi ngược lại với những mục tiêu của nước này.
Kết quả mà Trung Quốc mong muốn là một môi trường ổn định ở Châu Á cho phép kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh để hỗ trợ cho việc gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích phương Tây tin rằng mục tiêu tối hậu (nhưng không công khai) của Trung Quốc là thay thế vị trí của Mỹ trong vai trò cường quốc thống trị ở Châu Á.8 Nhiều nhà phân tích Trung Quốc thừa nhận rằng vai trò của Mỹ trong việc duy trì ổn định khu vực và bảo vệ các đường giao thông trên biển đóng góp lớn cho việc duy trì ổn định khu vực và có lợi cho Trung Quốc. Liên minh an ninh Mỹ – Nhật có tác động kiềm chế nhất định đối với Tokyo, mặc dù các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng ảnh hưởng của hạn chế này đã bị giảm đi trong những năm gần đây do các chuyển biến trong liên minh và việc dỡ bỏ dần dần những hạn chế pháp lý đối với các hoạt động quân sự của Nhật Bản. Tuy nhiên, khả năng sức mạnh của Mỹ và các liên minh có thể được dùng để chống lại Trung Quốc khiến các nhà phân tích nước này cảm thấy không thoải mái với vai trò an ninh lâu dài của Mỹ ở khu vực. Trung Quốc phủ nhận tham vọng muốn thống trị Châu Á, tuyên bố rằng nước này sẽ không bao giờ mưu cầu quyền bá chủ và nói về sự hợp tác trên nền tảng công bằng, tôn trọng lẫn nhau, và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có nhận thức sâu sắc về xu hướng đang thay đổi trong cân bằng sức mạnh khu vực và toàn cầu, điều đang được theo dõi sát sao bởi các cơ quan tình báo và các viện nghiên cứu Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc được nhìn nhận như một mối đe dọa tiềm tàng bởi các quốc gia khác trong khu vực. 9 Sự quan ngại này một phần phản ảnh di sản của sự ủng hộ của Trung Quốc trước đây đối với các đảng cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở các quốc gia Châu Á. Bắc Kinh kết thúc sự ủng hộ dựa trên ý thức hệ này vào đầu những năm 1980, nhưng các quốc gia Châu Á vẫn thận trọng về khả năng Trung Quốc có thể xây dựng mối quan hệ với các công dân gốc Trung Quốc nhằm làm xói mòn chủ quyền quốc gia của họ. Những mối quan ngại tiềm ẩn này càng trầm trọng hơn bởi những nỗ lực hiếu chiến của Trung Quốc trong việc theo đuổi những yêu sách lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa, bao gồm việc chiếm đóng vào năm 1995 và sau đó gia cố bãi Vành Khăn (Mischief Reef), một bãi đá nhỏ ở Biển Đông được tuyên bố chủ quyền bởi Philippines. Cuối năm 1995 và tháng 3 năm 1996, Trung Quốc đã cảnh tỉnh nhiều quốc gia trong khu vực bởi việc sử dụng các đợt diễn tập quân sự (trong đó bao gồm việc bắn tên lửa đạn đạo ở vùng biển gần Đài Loan) để bày tỏ sự không hài lòng của mình với quyết định của Mỹ cho phép tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy đến thăm Mỹ và có bài phát biểu tại trường Đại học Cornell. Những hành động này dẫn tới những bài báo nhấn mạnh về sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, tiến trình hiện đại hóa quân sự, và sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc và đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có đe dọa đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hay không.10 Các quan chức và học giả Trung Quốc công kích “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” nhưng cũng thừa nhận việc cần giải quyết mối quan ngại của các nước láng giềng. Tuy nhiên, những nỗ lực trấn an cũng đi kèm với việc tiếp tục gia tăng chi tiêu quân sự (ngân sách quốc phòng chính thức đã có mức tăng thực tế hai con số hằng năm kể từ năm 1999) và mở rộng khả năng quân sự, vốn trở thành nguồn quan ngại mới ở Châu Á, đặc biệt là ở Nhật Bản.
Vấn đề nan giải của Trung Quốc là tìm cách để Châu Á chấp nhận một vai trò áp đảo ở khu vực của Trung Quốc mà không gây thù địch với Mỹ hoặc gây mất ổn định khu vực. Nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn bởi vấn đề Đài Loan, vì Bắc Kinh tự coi “lợi ích cốt lõi” của mình là ngăn chặn Đài Loan độc lập. Trong tương lai gần, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc tập trung vào phát triển các năng lực nhằm ngăn chặn Đài Loan độc lập (được Quân đội Giải phóng Nhân dân [PLA] xác định là phát triển các năng lực để răn đe và làm tăng chi phí can thiệp quân sự của Mỹ). Bắc Kinh đã từ chối loại trừ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, mặc dù việc giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình vẫn được ưu tiên hơn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố gắng đóng khung Đài Loan như là một “vấn đề nội bộ”, một điều không liên quan đến các hành vi quốc tế của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng nhiều quốc gia Châu Á (và Mỹ) sẽ cảnh giác cao độ nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan. Sự chuẩn bị về quân sự của Trung Quốc để đối phó các khả năng liên quan đến Đài Loan đã ngấm ngầm làm suy giảm những nỗ lực của nước này trong việc trấn an khu vực rằng nước này sẽ có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực quân sự lớn mạnh của mình.
Chiến dịch trấn an của Trung Quốc
Trung Quốc đã theo đuổi một loạt phương thức ngoại giao, kinh tế, và quân sự để trấn an những người láng giềng Châu Á rằng một Trung Quốc mạnh hơn sẽ không đe dọa đến những lợi ích của họ. Những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc ở Châu Á dựa trên nền tảng là các nhà ngoại giao được đào tạo bài bản và có năng lực, những người có thể truyền tải các thông điệp của Trung Quốc một cách hiệu quả nhất.11 Nội dung thông điệp ngoại giao của Trung Quốc cũng đã thay đổi để hấp dẫn hơn đối với Châu Á. Trong những năm 1997-1998, Trung Quốc đã đề xuất “Khái niệm an ninh mới”, một công thức mới của năm nguyên tắc chung sống hòa bình của nước này vốn kêu gọi sự hợp tác hai bên cùng có lợi dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại.12 Khái niệm này rất phù hợp với các nguyên tắc và biện pháp ưu tiên trong hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 13 (Cái gọi là Phương thức ASEAN nhấn mạnh vào việc đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, tôn trọng chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào nội bộ các nước, và sự tiệm tiến từ từ tới hợp tác an ninh). Cam kết không can thiệp và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ các nhóm ly khai hoặc can thiệp thay mặt các kiều dân Trung Quốc bên ngoài biên giới của họ.
Trung Quốc đã tìm cách trấn an các nước ASEAN bằng cách can dự và đàm phán với các nước này dựa trên cơ sở đa phương, bỏ qua các lợi thế đàm phán mà một quốc gia mạnh hơn sẽ dễ dàng có được trong đàm phán song phương. Sự sẵn lòng của Bắc Kinh trong việc đàm phán trong khuôn khổ “ASEAN + Trung Quốc” đưa ra một vài bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không theo đuổi chiến lược “chia để trị”. Trung Quốc cũng tiến hành một loạt hội nghị thượng đỉnh hàng năm với ASEAN, bắt đầu tham gia chủ động hơn vào Diễn đàn Khu vực ASEAN và diễn đàn không chính thức là Hội đồng Hợp tác An ninh Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (CSCAP), đồng thời ký “Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông”, một cam kết không ràng buộc để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình. Cam kết này là biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng bởi bốn quốc gia ASEAN có yêu sách đối với quần đảo Trường Sa nhưng công nhận rằng họ thiếu sức mạnh để có thể tự mình chống lại Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh Bali năm 2003, Trung Quốc trở thành thành viên ngoài ASEAN đầu tiên ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, vốn pháp điển hóa các nguyên tắc ưu tiên của ASEAN về ứng xử quốc tế ví dụ như không xâm lược, không can thiệp, và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Bắc Kinh cũng ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với ASEAN, đem lại cho tổ chức này một vị thế bình đẳng với các các đối tác là các cường quốc khác của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng trở nên sẵn lòng hơn trong việc tham gia sâu hơn vào các tổ chức đa phương khu vực ví dụ như diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), ASEAN + 3 (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), Diễn đàn Khu vực ASEAN, và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng miễn cưỡng tham gia các diễn đàn đa phương do những quan ngại rằng các quốc gia khác sẽ tập hợp với nhau chống lại Trung Quốc và bởi những quy tắc và quy trình đa phương có thể hạn chế khả năng theo đuổi các lợi ích của nước này. Sự gia tăng tham gia đa phương của Trung Quốc là một phương tiện để định hướng sức mạnh của nước này theo cách khiến nó trở nên dễ được chấp nhận hơn đối với các nước láng giềng.14 Một số nhà phân tích lập luận rằng Trung Quốc hiện nhìn nhận các tổ chức đa phương và khu vực như một điểm hẹn chính trị quan trọng và trở nên năng động hơn trong các tổ chức này như một cách để theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.15 Sự thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) của Trung Quốc như một phương tiện chống chủ nghĩa khủng bố và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở Trung Á rất tương thích với quan điểm này, tương tự như cách sử dụng ngoại giao song phương của Trung Quốc nhằm tác động lên nghị trình của các tổ chức đa phương ví dụ như ASEAN và SCO theo hướng làm tăng thêm lợi ích cho Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã thực hiện các biện pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề an ninh Châu Á. Một trong những điều quan trọng nhất là những nỗ lực của nước này trong việc giải quyết hầu hết các tranh chấp biên giới đất liền nổi bật với những nước láng giềng trong những năm 1990.16 Những nỗ lực này đã xoa dịu những quan ngại về xung đột tiềm tàng đối với đường biên giới và mở đường cho gia tăng hợp tác qua biên giới nhằm chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đã có những nhượng bộ lãnh thổ với mục đích giải quyết những tranh chấp này (mặc dù Bắc Kinh thường tìm cách giữ kín chi tiết các nhượng bộ này để tránh sự chỉ trích của những người theo chủ nghĩa dân tộc).17 Quan trọng không kém đó là việc Trung Quốc kiềm chế không sử dụng vũ lực quân sự. Những hành động hiếu chiến vốn đánh động các nước láng giềng Châu Á của Trung Quốc trong những năm 1990 đã không còn được lặp lại trong những năm gần đây.
Luận điệu của Bắc Kinh cho rằng sức mạnh quân sự gia tăng của Trung Quốc là một lực lượng hòa bình, không đe dọa đến bất kì quốc gia nào. Trung Quốc đã có một số nỗ lực chứng minh rằng lực lượng quân sự và bán quân sự của nước này có thể có một số đóng góp hữu dụng cho an ninh khu vực và toàn cầu. Những điều này bao gồm việc gia tăng tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tới năm 2006, Trung Quốc có 1.489 quân nhân triển khai trong 9 sứ mệnh của Liên Hợp Quốc và trong Bộ phận các Chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.18 Vào tháng 9 năm 2007, thiếu tướng Zhao Jingmin trở thành sĩ quan Trung Quốc đầu tiên chỉ huy một sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cũng đề nghị gia tăng hợp tác khu vực về các vấn đề an ninh phi truyền thống như cứu trợ thiên tai, chống khủng bố, và chống cướp biển. Mặc dù các nguồn lực mà Trung Quốc cam kết dành cho các sứ mạng vụ này tương đối khiêm tốn, chúng đã mang lại một sự đóng góp tích cực cho an ninh khu vực và biểu trưng cho vai trò mang tính xây dựng của sức mạnh quân sự Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có những nỗ lực khiêm tốn trong việc minh bạch hóa các vấn đề quân sự như một biện pháp xây dựng lòng tin. Trung Quốc đã công bố sách trắng đầu tiên về kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị vào năm 1995 và bắt đầu công bố sách trắng về quốc phòng hai năm một lần từ năm 1998. Các sách trắng về quốc phòng mang lại nhiều sự trấn an đối với mục đích hòa bình của Trung Quốc và chỉ hạn chế cung cấp một số thông tin về khả năng quân sự của Giải phóng Quân. Tuy vậy đây vẫn là một bước đi quan trọng hướng tới sự minh bạch lớn hơn. Bắt đầu từ năm 2002, Trung Quốc cũng bắt đầu quan sát và sau đó tham gia vào các đợt tập trận song phương và đa phương với những quốc gia láng giềng như một biện pháp xây dựng lòng tin. Mặc dù phần lớn chỉ đơn giản là các diễn tập tìm kiếm cứu nạn, chúng vẫn mang lại cho quân đội các nước Châu Á cơ hội tương tác với các đối tác PLA. Trung Quốc cũng củng cố chất lượng tham gia của mình vào các cuộc đối thoại an ninh đa phương ở cả cấp độ chính thức và không chính thức và thành lập các cơ chế đối thoại an ninh song phương với phần lớn các quốc gia chủ chốt ở Châu Á. Mặc dù các đại diện của Trung Quốc vẫn còn miễn cưỡng khi nói về khả năng quân sự Trung Quốc và thường lặp lại các nội dung chính thức đã chuẩn bị sẵn, những cuộc đối thoại này vẫn có một số giá trị nhất định.
Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục các quốc gia Châu Á rằng họ sẽ được chia sẻ lợi ích từ sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, đồng thời vẫn thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc thông qua ngoại giao thương mại. “Hai bên cùng thắng” và “lợi ích chung” là những khẩu hiệu của ngoại giao kinh tế Trung Quốc. Nhập khẩu của Trung Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng toàn Châu Á và ở các khu vực khác trên thế giới. Năm 2003, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan. Nhu cầu từ Trung Quốc được ghi nhận là đã giúp hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản sau thời kỳ sụt giảm kinh tế kéo dài cả thập kỉ của nước này. Vai trò lớn mạnh của Trung Quốc trong thương mại thế giới và kì vọng của thế giới về sự phát triển trong tương lai của nước này đã biến Trung Quốc thành một thị trường đầy hấp dẫn và mang lại cho Bắc Kinh ảnh hưởng đáng kể trong quan hệ với các đối tác thương mại. Một thành phần tương đối mới của ngoại giao thương mại Trung Quốc liên quan tới các cuộc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực. FTA Trung Quốc – ASEAN là một ví dụ tiêu biểu nhất, nhưng hiện tại Trung Quốc cũng đang thương lượng các FTA song phương với Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và một số quốc gia khác.19 FTA của Trung Quốc với ASEAN bao gồm các điều khoản về chương trình “thu hoạch sớm” mang lại lợi ích bổ sung cho các nhà sản xuất nông nghiệp của ASEAN. Các quan chức Trung Quốc cũng thường sử dụng các hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại hoặc các mục tiêu thương mại song phương không ràng buộc với mục đích tạo đòn bẩy tiếp cận thị trường như một công cụ ngoại giao trong quan hệ đa phương.
Nguồn sức mạnh của Trung Quốc ở Châu Á
Sức mạnh kinh tế
Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, và quan hệ kinh tế ngày càng tăng với Châu Á là nguồn quan trọng nhất đối với việc gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Á. Một mẫu hình quan trọng trong quan hệ thương mại của Trung Quốc là việc các quốc gia Đông Á khác đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi sự phụ thuộc tương đối của Trung Quốc vào các thị trường Đông Á lại không đổi. Khối lượng trao đổi thương mại của Trung Quốc với các nước Đông Á đã tăng ngoạn mục trong thập kỉ vừa qua, nhưng tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc sang Đông Á (không bao gồm Hồng Kông) đã giảm từ 34% năm 1996 xuống còn 24% trong năm 2006.20 Ngược lại, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhất hoặc thứ nhì của hầu hết tất cả các quốc gia trong vùng kể từ đầu thiên niên kỷ mới (xem bảng 6.1 và 6.2). Mặc dù thỉnh thoảng có những căng thẳng chính trị, thương mại Nhật Bản với Trung Quốc (không tính Hồng Kông) hiện đã lớn hơn thương mại của Nhật Bản với tất cả mười thành viên của ASEAN và vượt qua mức độ thương mại Mỹ – Nhật vào năm 2007. Xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn chỉ là thị trường xuất khẩu có tầm quan trọng thứ ba đối với các sản phẩm của ASEAN.
Những sự thay đổi trong sự phụ thuộc của Châu Á vào thị trường Trung Quốc phản ảnh cả sự chuyển dịch của sản xuất hàng xuất khẩu từ các nền kinh tế Đông Á khác (sang Trung Quốc) để khai thác lượng nhân công giá rẻ của nước này lẫn nhu cầu của thị trường nội địa Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu từ Châu Á. Các nhà phân tích và các lãnh đạo Trung Quốc có vẻ tin tưởng rằng sự phụ thuộc về thương mại có thể gây ảnh hưởng chính trị đáng kể khi các nhóm có được lợi ích từ thương mại sẽ hành động để bảo vệ lợi ích kinh tế của họ. Tuy nhiên, các nhóm này không nhất thiết phải là những nhóm có ảnh hưởng chi phối ở các nước khác. Ví dụ, các nhóm doanh nghiệp Nhật Bản thường kêu gọi cải thiện quan hệ Trung – Nhật, nhưng điều này đôi khi vẫn chưa đủ để có thể vượt qua được các tiếng nói khác của Nhật Bản vốn đang tìm kiếm một chính sách cứng rắng hơn đối với Trung Quốc.
Bảng 6.1. Tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc (Thứ hạng của Trung Quốc trong vai trò nguồn nhập khẩu)
Nhật Bản | Hàn Quốc | Đài Loana | ASEAN 6b | Ấn Độc | |
1986 | 4.7% (4) | 0.0% (—) | 0.28% (33) | 4.0% (6) | 0.55% (27) |
1996 | 11.6% (2) | 5.7% (3) | 3.00% (7) | 3.0% (5) | 1.90% (18) |
2006 | 20.4% (1) | 15.7% (2) | 12.20% (2) | 11.0% (3) | 9.40% (1) |
a Số liệu thương mại Đài Loan: Các con số của Đài Loan là từ Văn phòng Ngoại thương Đài Loan, có tại cus93.trade.gov.tw/english/FSCE/FSC0011E.ASP; dữ liệu năm 1989 (năm xa nhất hiện có) được sử dụng cho số liệu năm 1986.
b ASEAN 6 là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Brunei. Dữ liệu ASEAN 6 của Brunei sử dụng dữ liệu năm 1985 và dữ liệu năm 1986 để thay thế cho dữ liệu không có sẵn cho các năm 1986 và 1996. Bảng xếp hạn các nước ASEAN 6 coi thương mại nội bộ trong khối ASEAN 6 với các thành viên ASEAN 6 khác (ví dụ, ASEAN 6 xuất khẩu sang Singapore) như là trao đổi thương mại với các quốc gia khác để tiện cho mục đích xếp hạng.
c Dữ liệu của Ấn Độ năm 1986 lấy từ IMF Direction of Trade Statistical Yearbook 1990.
Bảng 6.2. Tỷ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc (Thứ hạng của Trung Quốc trong vai trò thị trường xuất khẩu)
Nhật Bản Hàn Quốc Đài Loan a ASEAN 6 Ấn Độ
1986 | 4.7% (4) | 0.0% (—) | 0.00% (—) | 2.3% (12) | 0.74% (28) |
1996 | 5.3% (5) | 8.8% (3) | 0.54% (23) | 2.9% (12) | 1.8% (14) |
2006 | 14.3% (2) | 21.3% (1) | 22.70% (1) | 8.8% (3) | 6.6% (3) |
a Số liệu thương mại Đài Loan.
Trung Quốc cũng nổi lên như một nguồn quan trọng về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Châu Á. Châu Á là điểm đến quan trọng nhất đối với FDI của Trung Quốc. Các số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 2,45 tỷ đô la vào Đông Á cho tới năm 2005, trong khi số liệu thống kê của ASEAN cho thấy 2,3 tỷ đô la vốn FDI của Trung Quốc đã được đầu tư vào khu vực trong những năm 2002-2006. Điều này đã tạo nên một đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Đông Nam Á, nhưng đầu tư của Trung Quốc chỉ chiếm 1,3% của tổng vốn đầu tư nước ngoài vào khối ASEAN trong thời gian từ năm 2002 – 2006, một tỷ lệ rất nhỏ. Trung Quốc không công bố chi tiết về các chương trình viện trợ nước ngoài của mình, nhưng các nước nghèo hơn ở Đông Nam Á và Trung Á là những đối tượng nhận được hỗ trợ phát triển đáng kể từ Trung Quốc. Những hỗ trợ này phần lớn giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nối giữa Đông Nam Á và các nước Trung Á với Trung Quốc. Cơ sở hạ tầng này góp phần vào phát triển kinh tế của các quốc gia này, đồng thời cũng giúp liên kết các nước này chặt chẽ hơn với nền kinh tế Trung Quốc và sẽ tạo ra sự phụ thuộc thương mại lớn hơn trong tương lai.21 Trung Quốc trong vai trò như một điểm sản xuất trong mạng lưới sản xuất khu vực đã tạo nên mối liên kết giữa các nhà sản xuất Châu Á về các tư liệu đầu vào sản xuất với các thị trường của các nước phát triển tại Mỹ và Châu Âu. Điều này gắn kết lợi ích kinh tế của các công ty và các quốc gia Châu Á theo cách thức các bên đều có lợi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét