(và một số bài tranh luận)
13. Về cuốn
Chủ nghĩa cộng sản
của Richard Pipes
Tôi có mấy nhận xét nhỏ sau đây khi đọc cuốn Chủ nghĩa cộng sản nói trên của Richard Pipes (do Phạm Minh Ngọc dịch từ tiếng Nga, xuất hiện 6 kỳ trên talawas). Những ý kiến này giả định sự trung thực của sự chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Nga và từ tiếng Nga sang tiếng Việt.
Về tên sách và tác giả:
Tôi xin dẫn chứng ra đây mấy biện luận hết sức bậy bạ – đúng thế, không thể nói khác – về Marx và chủ nghĩa Marx của Pipes để chứng minh cho thái độ phản học thuật của chuyên viên chống cộng này là như thế nào.
-
«Quan điểm Mác-xít về tiến hoá xã hội xuất hiện dưới ảnh hưởng của học thuyết Darwin, được trình bày trong Nguồn gốc các loài (1859) (…). Ảnh hưởng của Darwin đối với Marx và Engels cao đến nỗi Engels, trong đám tang bạn mình, đã nói: “ Giống như Darwin phát minh ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Marx phát minh ra qui luật phát triển của lịch sử loài người”». (Chương 1)
-
«Đây là một học thuyết cứng nhắc, không chấp nhận bất kì một quan điểm khác biệt nào. Marx không hề che giấu thái độ đối với những người bất đồng ý kiến với ông: phê bình, có lần ông đã viết “không phải là con dao mổ mà là vũ khí. Đối tượng của nó cũng là kẻ thù của nó, một đối tượng mà nó không muốn cải chính mà là muốn tiêu diệt”. Vì vậy có thể khẳng định chủ nghĩa Marx là một giáo điều đeo mặt nạ khoa học.» (Chương 1)
-
«Nếu ai đó còn băn khoăn là làm sao mà một chính phủ lại có thể gây ra tai hoạ lớn như thế đối với chính nhân dân nước mình thì xin thưa rằng những người cách mạng – những người cộng sản ở Nga cũng như ở các nước khác cho rằng con người với hình hài như hiện nay chỉ là bản sao không hoàn chỉnh của cái mà họ có thể và nhất định phải là trong tương lai. Quan niệm này bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx. Marx viết: “Thế hệ hiện nay làm ta nhớ đến những người Do Thái được Moses dẫn qua sa mạc. Thế hệ này cần phải không chỉ chinh phục thế giới mà còn rút lui khỏi vũ đài để nhường chỗ cho những con người xứng đáng với cái thế giới mới đó. [22]
21.9.2007
Nguồn: Diễn Đàn
23-9-07
về bài “Về cuốn Chủ nghĩa cộng sản của Richard Pipes”
của Lữ Phương
Có ai bắt đọc một cuốn sách thì phải tin từ dòng đầu đến dòng cuối và phải coi tác giả là mẫu mực của bậc "hiền nhân quân tử" đâu nhỉ? Dù có là kẻ ngu dốt, lố bịch, hung hăng như thế nào trong con mắt của ông Lữ Phương, cuốn sách ngắn gọn của ông Pipes đã cho tôi một số ấn tượng rất đậm và giúp tôi hiểu một số điều chắc chắn hơn về chủ nghĩa cộng sản, mặc dù những điều ấy... không có gì mới mẻ!
Trong ý kiến về bài viết của Lữ Phương phê phán R. Pipes, tác giả loạt bài "Chủ nghĩa cộng sản" Hoàng Mai Thi đã có một nhận xét rất hay và chính xác: "Vẫn là sự đối đầu đến phát chán giữa trí thức thiên tả và trí thức thiên hữu..." Đó là một thực tế đáng "chán như cơm nếp nát".
Hình như ông Lữ Phương cho rằng ông R. Pipes không có thẩm quyền phê bình chủ nghĩa cộng sản bằng mình chăng? Dựa vào những lời lẽ không mấy thiện cảm của ông dành cho R. Pipes, tôi nghĩ rằng nghi vấn trên của tôi là có căn cứ. Tuy nhiên, về mặt tri thức khoa học thì vấn đề đối đầu chẳng quan trọng bằng việc lý luận của tác giả Pipes có tính thuyết phục cao hay không, bất kể thiên hữu hay thiên tả. Chẳng lẽ ai thiên hữu thì lý luận chống cộng sản ắt phải kém, và ngược lại ai thiên tả mà phê bình tư bản thì chẳng có xu nào giá trị hay sao? Vế sau sai hoàn toàn vì chính Marx đã phê phán tư bản một cách xuất sắc, vượt xa hơn bất cứ ai khác.
Điều không thể không nói là khi nạn nhân của chế độ cộng sản kể thực những nỗi khổ đau của mình thì thường bị trí thức thiên tả gán cho vô số từ ngữ quá quắt. Trường hợp điển hình là Victor Andriavitch Kratchenko, tác giả J'ai choisi la liberté (dịch qua tiếng Pháp). Ông này bị đổ cho đủ thứ tội, nào là "cổ vũ chiến tranh", nào là "tên say rượu", nào là "gã phản quốc"...
Ông Lữ Phương đã không mất nhiều sức thật. Ông chỉ cần đưa ra ba cái ví dụ đối thủ làm bậy rồi kết luận ngon lành: Đấy nhé, mới thử tìm sơ sơ đã “bắt quả tang” không chạy đi đâu được, nếu chịu khó đi sâu thêm nữa thì chắc chắn là còn vô khối cái sai! Theo tôi, người ta sai ở đâu thì phán đến đó, không nên khái quát hoá như vậy.
Mà coi thường đối thủ quá là dễ phạm sai lầm lắm, ở ta gọi là “mất cảnh giác”. Ông Pipes có ngu đến cỡ nào cũng không dại gì mà bịa ra một câu của Marx rồi lại còn chú thích cẩn thận, bao nhiêu năm bất mãn quay về “gõ đầu trẻ” ở Harvard chẳng lẽ lại không học được một cái gì à. Cái câu mà ông Pipes dẫn ra từ cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp của Marx là có thật. Ông Lữ Phương không tìm thấy nó là chuyện của ông thôi, chứ sao lại bảo người ta bậy bạ. Trong bản tiếng Pháp, câu ấy thế này:
“La génération actuelle ressemble aux Juifs que Moïse conduit à travers le désert. Elle n'a pas seulement un nouveau monde à conquérir, il faut qu'elle périsse pour faire place aux hommes qui seront à la hauteur du nouveau monde."
ở địa chỉ: http://www.marxists.org/francais/marx/works/1850/03/km18500301d.htm
trong bản tiếng Anh:
“The present generation is like the Jews whom Moses led through the wilderness. It not only has a new world to conquer, it must go under in order to make room for the men who are able to cope fit a new world.”
ở địa chỉ: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1850/class-struggles-france/ch03.htm
trong bản gốc tiếng Đức:
"Das jetzige Geschlecht gleicht den Juden, die Moses durch die Wüste führt. Es hat nicht nur eine neue Welt zu erobern, es muß untergehen, um den Menschen Platz zu machen, die einer neuen Welt gewachsen sind."
ở địa chỉ: http://www.mlwerke.de/me/me07/me07_064.htm
và trong bản tiếng Việt:
"Thế hệ hiện nay giống như những người Do Thái mà Mô-i-dơ dẫn qua sa mạc. Nó không phải chỉ có nhiệm vụ giành lấy một thế giới mới, nó còn cần phải chết đi để nhường chỗ cho những người ngang với tầm vóc của thế giới mới."
ở địa chỉ: http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1850s/dautranhgcphap/phan_03.htm
Nhưng tôi cũng chỉ trách ông Lữ Phương đã không tìm cho kĩ mà đã vội phê người khác làm bậy trong vụ này thôi. Tôi không có ý khái quát hoá để bảo rằng nếu chịu khó đi sâu vào những vụ khác thì ông cũng tra cứu ẩu như vậy đâu. Ai cũng có lúc ẩu mà.
Нынешнее поколение напоминает тех евреев, которых Моисей вел через пустыню. Оно должно не только завоевать новый мир, но и сойти со сцены, чтобы дать место людям, созревшим для нового мира.
Độc giả có thể paste trực tiếp câu này vào website: ramler.ru để tìm và sẽ được kết quả: К. МАРКС. КЛАССОВАЯ ВОЙНА ВО ФРАНЦИИ С 1848 ПО 1850гг. III. ПОСЛЕДСТВИЯ 13 ИЮНЯ 1849г. (Karl Marx. Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp từ năm 1848 đến năm 1850. Phần III: "Hậu quả của ngày 13 tháng 6 năm 1849"). Câu dẫn bên trên nằm ở khoảng giữa đọan văn này. Nhưng không cần tìm cũng có thể thấy kết luận của Lữ Phương là hồ đồ vì rằng người dịch ra bản tiếng Nga đã chú thích các trích dẫn từ các tập sách tiếng Nga (có cả nhà và năm xuất bản) chứ không phải từ bản tiếng Anh (mà Pipes đã sử dụng). Những người làm việc nghiêm túc có lẽ đều như thế cả. Nếu sau này có nhà xuất bản nào đồng ý in cuốn sách này thì tôi cũng sẽ tìm cho được cuốn Communism nguyên gốc tiếng Anh, nhuận sắc lại và đến thư viện để tìm tất cả các trích dẫn đã được dịch trước để ghép vào bản dịch của mình.
Theo tôi, Tố Hữu, một đại đệ tử Annamite của Marx, đã “diễn nôm” ý ấy thành:
Cứ tan xương, cứ chảy tuỷ, cứ rơi đầu Mỗi thây rơi sẽ là một nhịp cầu Cho ta bước đến cõi đời cao rộng.
Tố Hữu viết những câu “thơ” như thế ngay từ khi “Mặt trời chân lí chiếu qua tim”, chứ nếu ông ta viết lúc bế con trong một khu biệt thự trên phố Phan Đình Phùng:
Hoa ơi con gái của ba Ba ôm con nhé làm hoa tặng Người
thì chắc chắn đã bị kết tội kêu gọi diệt chủng rồi. Nhưng dù viết ở đâu, viết khi nào thì việc dùng đầu lâu, xương dóng (kể cả của chính mình) làm “nhịp cầu” cũng là một việc có thể gọi là cuồng tín, nếu không nói là bất nhân.
Tôi hoàn toàn đồng ý với Simon Sebag Montefiore khi ông viết: “Vâng, Marx không chịu trách nhiệm nhiệm trực tiếp về những vụ giết người. Đấy là tội của những kẻ đã ra lệnh và đã bóp cò. Nhưng như thế không có nghĩa rằng ta có thể tha thứ cho chủ nghĩa không tưởng, thái độ bất dung, chế độ chuyên chế phi luân cũng như việc dứt khoát khẳng định rằng tư tưởng của Marx là khoa học mà người ta đã dùng để biện hộ cho những hành động khủng khiếp nhất trong thế kỉ XX”.
Sự phê phán của tôi với Pipes về Marx là một hệ thống có nhiều dẫn chứng. Hai ông chỉ căn cứ vào dẫn chứng 3 – trong đó có câu dẫn của Marx mà tôi “không tìm được” – bỏ qua hoàn toàn hai dẫn chứng trước đó. Dẫn chứng 1: phê phán Pipes đã sai lầm khi căn cứ vào Engels khẳng định ảnh hưởng của Darwin trong sự hình thành chủ nghĩa Marx. Dẫn chứng 2: phê phán Pipes dẫn một đoạn văn Marx biện luận về “tình hình của nước Đức” như một thực tại lịch sử nhưng lại biến tinh thần của đoạn văn ấy thành tính chất chuyên chế của học thuyết Marx và tính cách tranh luận của cá nhân Marx.
Chỉ tập trung tất cả vào sự sơ suất của tôi trong việc “không tìm được” câu của Marx do Pipes dẫn trong dẫn chứng 3 để phủ định hoàn toàn sự phê phán của tôi với Pipes, ngoài việc phiến diện như trên còn là sự giả định không chính xác về câu dẫn trên đây của Pipes về Marx: giả định sức nặng lý luận của Pipes đã nằm tất cả trong câu dẫn đó, chỉ cần khẳng định được sự tồn tại của câu dẫn đó thì tất yếu sẽ đánh đổ được sự phê phán của tôi với Pipes và bảo vệ được sự đúng đắn của việc Pipes suy luận về Marx.
Sự việc không quá đơn giản như vậy.
Việc khẳng định tính chất có thực của câu dẫn của Marx mà tôi “không tìm được” chỉ đủ để chứng minh chuyện “không tìm cho kỹ” của tôi (như ông Hoàng Mai Thi đã phê bình và điều này quả thật là tôi có khuyết điểm), nhưng nó không thay thế hoặc dựa vào đó giải quyết cho xong sự suy luận xuyên tạc, gán ghép của Pipes với những câu dẫn của Marx, nó không đủ để chứng minh tôi “vội” và “ẩu” khi cho Pipes là người “làm bậy” trong những việc mà ông ta làm bậy. Để làm sáng tỏ chuyện này tôi xin phép nương theo địa chỉ mạng do ông Hoàng Mai Thi truy tầm, dẫn ra cả đoạn văn của Marx trong đó hai câu được Pipes dẫn và suy luận:
“Nhiệm vụ của công nhân chỉ bắt đầu được giải quyết khi cuộc chiến tranh thế giới đẩy giai cấp vô sản lên địa vị lãnh đạo cái dân tộc đang chi phối thị trường thế giới, tức là địa vị lãnh đạo ở nước Anh. Song, cách mạng không kết thúc ở đó, mà bắt đầu được tổ chức, nên nó sẽ không phải là một cuộc cách mạng trong chốc lát. Thế hệ hiện nay giống như những người Do Thái mà Mô-i-dơ dẫn qua sa mạc. Nó không phải chỉ có nhiệm vụ giành lấy một thế giới mới, nó còn cần phải chết đi để nhường chỗ cho những người ngang với tầm vóc của thế giới mới.” (http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1850s/dautranhgcphap/phan_03.htm )
Tôi đề nghị ông Hoàng Mai Thi (và các vị tin theo cách lập luận của ông) chịu khó đọc lại cả đoạn dẫn chứng 3 trong bài “Về cuốn Chủ nghĩa cộng sản của R. Pipes” có nội dung nói về cái gọi là “thi hứng” tương lai của Marx và so sánh với đoạn dẫn ở trên xem như thế nào. Từ văn bản của Marx, mọi thứ đều rõ rệt: tất cả đều nói đến một thế giới tương lai sẽ thay thế cho thế giới cũ, một phong trào công nhân mới thay cho một phong trào công nhân cũ, một sự nhường bước của một thế hệ người đấu tranh này cho một thế hệ người đấu tranh khác, tất cả đều đặt nền trên cái viễn cảnh lịch sử của Marx, biến đổi thế giới triệt để theo hướng tiến bộ và phổ biến.
Tôi cho rằng dù có thể bị xem là tư biện, viễn mơ hay không tưởng, sự phát biểu mang tính hình tượng của Marx về cái “thế giới mới” ấy lúc nào cũng mang ý nghĩa cách mạng rất rõ rệt theo quan niệm của ông, chẳng mảy may dính dáng gì đến việc những người cộng sản “cho rằng con người với hình hài như hiện nay chỉ là bản sao không hoàn chỉnh của cái mà họ có thể và nhất định phải là trong tương lai”, cũng chẳng dính dáng gì đến những cuộc chém giết của Stalin chủ trương “sẵn sàng hi sinh những người đang sống cho các thế hệ tương lai ” như Pipes suy luận từ những văn bản cụ thể của Marx được dẫn ra cả. Tôi vẫn không thể nào nghĩ khác rằng đó không phải là một thứ suy luận mang tính chụp mũ, gán ghép, phản học thuật.
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội lý thuyết của Marx và chủ nghĩa xã hội hiện thực do Lenin phát khởi là một vấn đề kinh điển được giới nghiên cứu hàn lâm bàn luận từ lâu rồi. Cả phe hữu và phe tả đều tham gia và không phải “tả” là hay mà “hữu” là dở, đúng như nhận xét của ông Dương Phẩm. Vấn đề là sự tìm hiểu phê phán ấy có nghiêm chỉnh, đàng hoàng hay không thôi. Bài viết của tôi không hề phủ nhận hết cuốn sách của Pipes (“những gì Pipes viết được cho là đúng đều đã trở thành những chuyện hiển nhiên”, “không cho rằng mọi điều Pipes viết trong cuốn Chủ nghĩa cộng sản của ông đều mang tính chất của “chiếc tầu ngầm” tình báo”), nhưng tôi chỉ không chấp nhận cái cách mà Pipes xuyên tạc ý nghĩa những câu dẫn của Marx để coi đó là nguồn gốc của những tội ác của những người cộng sản kiểu Stalin thôi.
Với tôi, hành trạng chính trị của Pipes ảnh hưởng đến vấn đề học thuật như trên là điều rõ rệt. Pipes không phải chỉ là một trí thức thiên hữu mà là một chuyên viên cao cấp tình báo đòi xoá bỏ Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Sách của ông viết đều có mục đích chống Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản hiện thực theo quan điểm chính trị ấy. Ông nhắc đến Marx không phải với ý định phê phán chủ nghĩa Marx theo quan điểm của một nhà tư tưởng thiên hữu (như Raymond Aron mà tôi đọc khá nhiều) nhưng là với tư cách một viên chức diều hâu chống cộng cực đoan: quy tội cho Marx như người cha tinh thần đã đẻ ra chủ nghĩa cộng sản Liên Xô cần phải xoá sổ.
Như tất cả những ai tham gia vào cuộc Chiến tranh Lạnh đã qua, học thuật và chính trị thường đi đối với nhau. Nghĩ về Pipes như vậy thì cũng không có gì sai lầm nhiều lắm, điều đó cũng giống như nghĩ về Tố Hữu như một nhà thơ cộng sản quan phương vậy. Pipes không biết nhiều về Marx theo nghĩa là không đi sâu vào lịch sử triết học Marx, nhưng để viết về lịch sử cộng sản Liên Xô ông vẫn tự nhiên dẫn Marx rồi theo đó mà bình luận theo ý mình để chống Liên Xô; nói như vậy thì có khác gì cho rằng Tố Hữu chẳng hiểu bao nhiêu về Marx nhưng cũng tự xem và được xem là một “đại đệ tử của Marx” nhưng lại giống như Stalin toàn dính đến những chuyện “cuồng tín, bất nhân” như ông Phạm Minh Ngọc đã viết như vậy.
Tôi hiểu được quan điểm về cộng sản của ông Phạm Minh Ngọc khi dịch Pipes. Nhưng có một điều mà cố gắng mãi tôi vẫn không lý giải được tại sao trong khi đang dựa vào những học giả phương Tây (ngoài Richard Pipes già, ông còn viện thêm Simon Sebag Montefiore trẻ) để chống cộng, chống Marx, ông Phạm Minh Ngọc bỗng nhiên liên hệ đến Tố Hữu một nhà thơ cộng sản da vàng mũi tẹt và gọi ông ta là một “đại đệ tử Annamite của Marx”, trong đó từ “Annamite” ai cũng biết chỉ được dùng bởi những thực dân sang “khai hoá”?
Thật tình tôi không hiểu tại sao. Chẳng lẽ trong hình dung của ông Phạm Minh Ngọc những trí thức da trắng người phương Tây trong thế giới văn minh chống cộng sản, chống Marx được ông tin tưởng và xem là xứng đáng được mời về “khai hoá” cho bọn cộng sản mũi tẹt da vàng hiện vẫn còn đang mê mờ trong thứ lý luận lạc hậu, chậm tiến của mình?
Sài Gòn 1.10.2007
0 nhận xét:
Đăng nhận xét