T/S Alan Phan
15 Feb 2013
Tết rồi, một người bạn Nhật Bản không về
nước nên mời tôi xông đất theo tục lệ Việt; rồi ăn tối. Sau đó, cả 2
gia đình mở lên cuốn phim mới “Lincoln” để cùng ngồi coi. Cuốn phim bắt
nguồn từ một cuốn sách khảo sát và tổng hợp các sự kiện lịch sử trong 4
tháng sau cùng của cuộc đời Tổng Thống Mỹ Lincoln (Tác giả: Doris Kearns Goodwin‘s ; tên sách, Team of Rivals: The Political Genius of Abraham Lincoln).
Thời điểm là tháng giêng năm 1865, vào những ngày cuối của cuộc Nội
Chiến Bắc Nam (Civil War); đã kéo dài 4 năm và đã tổn phí 600,000 sinh
mạng của lính 2 bên.
Lãnh tụ của bên thắng cuộc
Lúc
này, phần thắng coi như đã trong tầm tay của miền Bắc (đội Union). Miền
Nam (đội Confederate) đang xin thương thuyết một cuộc đầu hàng với vài
lá bài còn lại. Cho những ai chưa quen thuộc với cuộc Nội Chiến, nguyên
nhân bắt đầu là sự xóa bỏ chế độ nô lệ trong xã hội Mỹ. Kinh tế miền
Nam, chủ yếu là đồn điền nông trại, rất cần các nô lệ từ Phi Châu để
điều hành. Sự giải phóng nô lệ (một loại tài sản) sẽ tạo mất mát và
khủng hoảng kinh tế sâu rộng; trong khi miền Bắc không chịu ảnh hưởng
kinh tế này nên chỉ muốn tiến tới một xã hội công bằng và nhân quyền của
mọi người được tôn trọng hơn.
Lincoln vừa thắng cử nhiệm kỳ hai và
được cử tri bình dân yêu chuộng nhờ tài hùng biện trên các diễn đàn và
lối sống giản dị; trong khi các tầng lớp thượng lưu của giới chánh trị
và tư bản không mặn mà với những tư duy tiến bộ mà họ cho là quá mạo
hiểm cho quốc gia.
Câu chuyện quay quanh cố gắng của
Lincoln lấy cho được sự chấp thuận của Hạ Viện (cần 2/3 số phiếu) để
thông qua Tu Chính số 13 của Hiến Pháp Mỹ đặt “hệ thống sở hữu và điều
hành nô lệ ngoài vòng pháp luật” trên mọi tiểu bang. Lý do là dù thắng
trận, nếu nô lệ vẫn còn là “tài sản hợp pháp” của người dân và tùy thuộc
vào luật lệ của tiểu bang, ý nghĩa sự thắng trận của phe miền Bắc coi
như công cốc. Trong khi đó, vì chiến thắng đã cận kề và mọi người đã mỏi
mệt qua 4 năm mất mát, nên dù đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, không ai muốn
đụng chạm đến chuyện “nô lệ” này nữa.
Cuối cùng, Lincoln và những người nô lệ
hân hoan mừng thắng cuộc, trên chiến trường và nghị trường, đem vấn đề
nô lệ ra khỏi lịch sử Mỹ từ đó. Hai tháng sau, Lincoln bị ám sát chết và
143 năm sau, Obama trở thành Tổng Thống da mầu đầu tiên của Mỹ.
Cuốn phim dàn dựng rất công phu và chi
tiết theo đúng lối hấp dẫn khán giả của đạo diễn Spielberg; nhưng ngoài
việc đang được đề cử cho giải Oscar của phim hay nhất trong năm, phim
còn là một bom tấn trên thị trường. Điều này hơi lạ vì không ai nghĩ là
người dân Mỹ quan tâm đến một đề tài khô khan của lịch sử, nhất là những
tranh luận và thủ thuật chánh trị trong quá khứ xa vời. Với tôi, ấn
tượng nhất là cuốn sách và phim “Lincoln” đã giúp cho tôi 4 góc nhìn mới
về các sự kiện 150 năm về trước trong bối cảnh của thực tại hiện nay.
- 1. Đây mới gọi là nghiên cứu và khảo sát lịch sử
Rất nhiều tư tưởng hiện tại về quốc gia,
về các nhân vật lịch sử và về hệ quả của các hành xử chính trị hay quân
sự thường dựa trên những định kiến và những tài liệu xa xưa chứa nhiều
huyền thoại và sai lầm. Ngay cả trong 100 năm trở lại đây, khi tiến bộ
về khoa học và nhân văn đã phổ thông toàn cầu, phần lớn những trích dẫn
về dữ kiện lịch sử của Việt Nam lại đến từ ghi chép của các sử gia nước
ngoài. Các tài liệu tôi đã đọc về sử Việt cho thấy những bài viết rất
hời hợt, chủ quan và mang tính cách tuyên truyền cho một trường phái nào
đó trên quan điểm chánh trị hay xã hội (đây là kết luận có thể sai lầm
của tôi vì chưa đọc nhiều và đủ từ các sử gia Việt?).
Ngay cả khi một giả thuyết nghi ngờ về
thân thế của một nhân vật lịch sử quan trọng xuất hiện trên mạng, đề tài
này được bàn tán sôi nổi vì bí mật bao quanh sự kiện. Một cuộc khảo sát
DNA mất 5 phút có thể cho ta lời giải đáp chính xác. Nhưng không một sử
gia nào được phép liên quan. Khi khoa học và minh bạch đi vắng, thì góc
nhìn của mọi người nhất định phải bị méo mó và thui chột.
Cuốn sách của Goodwin chỉ phủ trùm 4
tháng của cuộc đời Lincoln và chì đặt trọng tâm vào sự kiện Tu Chính 13
của Hiến Pháp Mỹ. Nhưng những chi tiết trích dẫn cho thấy một công trình
khoa học, khách quan và có thể dậy cho chúng ta phân biệt thế nào là
“lịch sử” và thế nào là “tiểu thuyết”. Những cái hay, cái đẹp, cái thiện
được phơi bày rõ ràng cùng với những cái dở, cái xấu, cái ác…của các
nhân vật và môi trường sinh hoạt 148 năm trước. Ngay cả những rắc rối
khó khăn trong gia đình Lincoln, nhất là vấn đề của vợ con, cũng được
phơi bày tường tận.
Santayana nói là những ai quên quá khứ
sẽ phải trả giá cho sự tái diễn. Liệu sự ngu dốt của chúng ta về “sự
thật” không nhuốm mầu chánh trị trong các sự kiện lịch sử chỉ mới xẩy ra
chưa đến 100 năm có thể là một gánh nặng văn hóa và tư duy cho nhiều
thế hệ sau này của Việt Nam?
- 2. Chính trị gia thời nào nơi nào cũng thế
Trong cuộc tranh giành từng lá phiếu để
thông qua Tu Chính 13, Lincoln và phe nhóm ông ta đã phải dùng đến rất
nhiều thủ thuật để có đủ 2/3 số phiếu. Họ đã phải hối lộ (không bằng
phong bì mà bằng những ban phát phát chức vụ trong chánh quyền mới),
phải thỏa hiệp với những tay thao túng lợi ích (power brokers), phải
chia để trị, phải đe dọa, phải dỗ dành….Tóm lại, tất cả những sắp xếp
sau hậu trường (horse-trading) không khác gì những gian dối mua bán
quyền lực và lợi ích ngày nay trên các sân khấu chánh trị từ Âu Mỹ đến
Phi Á.
Quyền lợi cá nhân của đa số chính tra
gia luôn đặt trên các lợi ích quốc gia hay lý tưởng cộng đồng. Do đó,
nếu không có một thể chế phân quyền và minh bạch, sự lạm dụng quyền lực
sẽ luôn luôn đi quá đà và tạo nên những thao túng pháp luật vô cùng
trắng trợn và táo bạo.
Sự khôn ngoan của các bậc trí thức khi
tạo dựng hiến pháp Mỹ và các tuyên ngôn dân quyền đã đem sự ổn định
chánh trị và xã hội của Mỹ trong suốt 250 năm qua.
- 3. Tinh thần thượng tôn pháp luật
Lý do chính khiến Lincoln phải vội vã
đưa ra biều quyết cho Tu Chính 13 khi chiến thắng của miền Bắc đã gần kề
là sự giải thích pháp luật theo cái nhìn của một luật gia với mọi văn
kiện pháp lý. Theo Lincoln, nếu hiến pháp không đặt chuyện “nô lệ” ra
ngoài vòng pháp luật, thì luật vẫn cho nô lệ là một tài sản và thuộc
quyền xử lý của tiểu bang. Tóm lại, dù thắng trận, chánh phủ liên bang
cũng không có quyền đụng đến “tài sản của dân” và không thể áp buộc các
chủ nô lệ phải “giải phóng” hay “ chịu sự tước đoạt” của bất cứ thẩm
quyền nào.
Ở xứ Trung Quốc, khi quan điểm của ông
Chủ Tịch Mao là “ người cầm súng đặt ra luật lệ” thì không ai thắc mắc
về những văn kiện hay điều lệ tiềm ẩn có thể gây tranh cãi tại các tòa
án. Chính vì vậy, Lincoln đã tốn bao nhiêu vốn chính trị, đêm không ngủ,
thực thi kế sách…để Tu Chính 13 được Hạ Viện thông qua. Tinh thần
thượng tôn pháp luật của 1 vị Tổng Thống quyền lực và vừa thắng trận 148
năm trước không biết có làm các lãnh tụ bé hon ngày nay phải xấu hổ vì
sự ngạo mạn chà đạp lên mọi luật lệ và công lý của xã hội?
- 4. Không trả thù bại quân và dân và không cướp giật tài sản
Tuy nhiên, điều ấn tượng nhất trong cuốn
sách là hai tuần trước khi miền Nam chính thức đầu hàng, Lincoln đã gặp
tướng U. S. Grant, thống soái đạo quân miền Bắc cùng các tướng lãnh chỉ
huy khác, và dặn dò đi lại nhiều lần là,” khi chiến tranh chấm dứt, hãy
trả tự do mọi tù nhân chiến tranh (bại quân và bại dân) và giúp họ quay
về nhà sớm để mưu sinh lo cho gia đình. Tuyệt đối không được đụng đến
tài sản của dân (dù thua cuộc, tất cả bây giờ đều là công dân), không
được trả thù và phải nghiêm trị mọi vi phạm pháp luật, nhất là của các
quan cán chức hay binh sĩ của phe thắng trận”.
Ngoài ra, trong những đề nghị ngân sách
các năm sau đó, các lãnh tụ kế tiếp của miền Bắc đã luôn dành ưu tiên
cho việc tái thiết miền Nam để hàn gắn những đổ vỡ về vật chất cũng như
tinh thần.
Tinh thần nhân hậu và cách đối xử văn
minh của phe lãnh đạo miền Bắc đã tạo nên một tiền lệ lịch sử cho tinh
thần xứ Mỹ: luôn luôn chăm lo cho phe thua cuộc hơn là băm xẻ những
miếng mồi ngon bở cho phe nhóm mình. Sau trận thắng huy hoàng ở Thế
Chiến 2, Mỹ đã bơm nhiều tỷ đô la thời đó vào chương trình Marshall để
tái thiết Âu Châu và MacArthur đã giúp Nhật rất nhiều để xây một nền
tảng pháp lý mới cho một nền kinh tế mới.
Nhân và quả của một chánh sách
Bản chất nhân hậu, lương thiện, tôn
trọng luật pháp và đặt lợi ích quốc gia trên quyền lợi cá nhân đã biến
Lincoln thành một vị Tổng Thống vĩ đại của nước Mỹ. Cùng với các thận
cần như Tướng Grant, các Bộ Trưởng Seward, Stanton…họ đã thay đổi định
mệnh của xứ Mỹ. Chỉ 25 năm sau, mọi thành kiến, thù hận về cuộc nội
chiến đã được xóa bỏ trong lòng người dân Mỹ. Giữa hai bên, phe thắng
cuộc và thua cuộc, những rào cản pháp lý hay xã hội không cón hiện diện.
Atlanta vươn lên từ đống tro tàn và trở thành một trong những thành phố
đáng yêu nhất của miền Nam.
40 năm sau đó, xứ Mỹ qua mặt đế chế Anh
về kinh tế và trở thành một đế chế siêu cường chỉ 60 năm sau nội chiến
tương tàn để thay thế cho đế chế Anh vừa tàn lụi.
Tôi nói với người bạn Nhật,” nếu chúng
tôi có một lãnh tụ như Lincoln 150 năm trước, lịch sử Việt Nam sẽ thay
đổi nhiều.” Anh bạn cười, “Lúc đó, chúng tôi phải xếp hàng chờ qua Việt
Nam để học hỏi các anh.”
Sao dân tộc Mỹ may mắn đến thế?
Alan Phan
Posted in: Suy Ngẫm
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét