Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Những người gốc Việt thành công trên chính trường nước ngoài


(Người Việt) - Có thể nói rằng, trong những năm trở lại đây, người Việt đang dần khẳng định được vị thế của mình trên thế giới.


Sự thành công của nhiều người Việt trên chính trường nước ngoài có thể xem là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Chúng ta có thể kể đến Janet Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được bầu làm thượng nghị sĩ một bang của nước Mỹ, hay Bộ trưởng Y tế Đức gốc Việt Philipp Rösler nổi danh…
Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên đảm nhiệm vị trí thượng nghị sĩ Mỹ
Janet Nguyễn sinh năm 1976 tại Sài Gòn. Năm 1981, Janet Nguyễn theo gia đình đến California. Vào những năm 1990, gia đình Janet Nguyễn chuyển đến định cư tại Garden Grove. Janet Nguyễn theo học ngành Y thuộc Đại học California tại Irvine với ý định sẽ trở thành bác sĩ.
Tuy nhiên, sau đó, Janet Nguyễn thay đổi ý định. Bà theo học chuyên ngành khoa học chính trị và bắt đầu tham gia vào chính trường. Bà từng là thành viên hội đồng thành phố Garden Grove, California.
Janet Nguyễn
Janet Nguyễn
Vào năm 2006, tạp chí Metro đã có bài viết đánh giá cao khả năng lãnh đạo và sức ảnh hưởng của bà ở miền Nam California. Đến tháng 2 năm 2007, bà được bầu chọn trở thành nữ giám sát viên đầu tiên và trẻ tuổi nhất đại diện cho Địa hạt 1 để được bầu vào Hội đồng giám sát quận Cam, California.
Được biết Hội đồng Giám sát quận Cam là cơ quan lập pháp kiêm hành pháp cấp cao nhất của quận Cam, gồm 5 người do dân cử và điều hành ngân sách trên 5 tỉ đô la mỗi năm.
Đây là cuộc bầu cử được tổ chức đặc biệt ngoài thường kỳ, sau khi người tiền nhiệm Lou Correa được bầu vào Thượng viện California, bỏ trống vị trí. Cuộc bầu cử này đã gây nhiều xôn xao với người Mỹ địa phương và cả trong cộng đồng người Việt.
Sau khi tái kiểm phiếu nhiều lần, kết quả kiểm phiếu lần cuối cùng cho thấy bà Janet Nguyễn hơn người về nhì và bị loại là luật sư Nguyễn Quang Trung chỉ 3 phiếu. Ông Nguyễn Quang Trung đã kiện ra tòa nhiều lần, kể cả kiện ra tòa án tối cao tại California nhưng đều thất bại.
Vào năm 2008, Janet Nguyễn đã tái thắng cử đầy gay go trong một cuộc đua lịch sử với 3 ứng cử viên chính cũng là người Mỹ gốc Việt. Đến năm 2012, bà tiếp tục thắng cử thêm lần nữa.
Sự nghiệp chính trị của bà Janet tiếp tục thành công khi bà được bầu làm thượng nghị sĩ của bang California trong cuộc bầu cử vào ngày 4/11 vừa qua. Theo đó, trong cuộc bầu cử hôm 4/11, bà Janet Nguyễn, 38 tuổi, giám sát viên quận Cam, thuộc đảng Cộng hòa, đã đánh bại ứng cử viên Dân chủ gốc Mexico Jose Soloria với 62% số phiếu bầu, để trở thành thượng nghị sĩ bang California.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một người gốc Việt đảm nhận chức thượng nghị sĩ bang. “Cuối cùng, sau 40 năm cộng đồng người Việt cũng làm nên lịch sử”, trang New America Media dẫn lời bà Janet Nguyễn tuyên bố sau khi chiến thắng.
Bà Janet Nguyễn cũng khẳng định đây là cuộc bầu cử khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà. “Đây là cuộc chiến giữa chàng tí hon David với gã khổng lồ Goliah, và David đã chiến thắng. Đây là chiến thắng của cộng đồng người Việt chứ không phải cá nhân tôi”.
Trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra, tờ báo địa phương lớn nhất Orange County, miền Nam California là tờ The Orange County Register đã lên tiếng ủng hộ bà Janet Nguyễn. Bà Janet nhận được sự ủng hộ này là nhờ quan điểm nỗ lực để có một chính quyền gọn nhẹ, chi tiêu đúng mức, không tăng thuế và giảm thiểu luật lệ áp đặt lên các doanh nghiệp.
Đây được kỳ vọng là sách lược quan trọng để vực dậy nền kinh tế California thông qua việc tạo điều kiện mời gọi doanh nghiệp trở về đầu tư, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Bà Janet Nguyễn đánh giá California là bang lớn nhất tại Mỹ, có thu nhập cao nhất nhưng bị đánh thuế nặng nhất.
“Điều đó rất khó chấp nhận. Với tư cách thượng nghị sĩ, tôi sẽ bảo vệ sự an toàn của người dân, đảm bảo trẻ em trong bang có cơ hội học đại học bất chấp chủng tộc của chúng”, bà Janet Nguyễn cam kết. Bà cũng nói lời cảm ơn với các cử tri đã bầu chọn cho bà, đặc biệt là cử tri gốc Việt ở khu vực bà đại diện tại California.
Người ta biết đến Janet Nguyễn với vai trò một chính trị gia thành công. Ngoài ra, bà còn là một người vợ và là mẹ của hai cậu con trai, Tommy năm nay 3 tuổi, và Timothy mới 21 tháng tuổi. Đối với người phụ nữ này, gia đình chính là một chỗ dựa vững chắc cho bà.
Bà cho biết làm chính trị cũng chính là vì tương lai của những thế hệ tiếp sau. “Cái chính trị mình làm là vì tương lai con cái, không phải là chỉ vì con cái của Janet mà là con cái của cả cộng đồng mình, con cái của hạt 34”.
Chồng của Janet Nguyễn, tên là Tom Bonikowski, luôn ủng hộ bà trên con đường sự nghiệp làm chính trị. Ông chính là người đầu tiên bà hỏi ý kiến khi muốn ra tranh cử thượng nghị sĩ bang California. Trong những tháng ngày vận động tranh cử cam go, Tom luôn đảm bảo hai cậu con vẫn duy trì cuộc sống thường nhật.
Bà Janet Nguyễn cho biết rằng chồng bà rất ủng hộ bà. Trong khi đó, hai đứa con của bà còn thỉnh thoảng tham gia các cuộc họp với bà. Tommy, đứa con lên 3 tuổi, còn đi gõ cửa từng nhà để xin phiếu cho mẹ mình.
Dù công việc vận động tranh cử bận rộn, nữ thượng sĩ đắc cử cho biết bà luôn về nhà ăn bữa tối một tuần ba lần. Bà khẳng định rằng một phụ nữ có thể có tất cả, cả gia đình hạnh phúc lẫn sự nghiệp chính trị thành công.
Với Janet Nguyễn, chỉ cần làm việc chăm chỉ thì những người phụ nữ sẽ có được sự nghiệp cũng như gia đình hạnh phúc. Điều quan trọng nhất hay nói một cách khác là chìa khóa của sự thành công chính là việc tìm được một sự nghiệp mà bản thân thực sự say mê.
Về phía Janet, bà nói niềm đam mê của bà là phục vụ cộng đồng. Bà nói rằng bà muốn có mặt tại nơi mà các quyết định được đưa ra ảnh hưởng tới những người như bà.
Philipp Rösler, người Đức gốc Việt giữ chức vụ Phó thủ tướng Đức
Philipp Rosler, người Đức gốc Việt giữ chức vụ Phó thủ tướng Đức
Philipp Rösler, người Đức gốc Việt giữ chức vụ Phó thủ tướng Đức
Tiến sĩ Philipp Rösler sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng, Ba Xuyên, nay là Sóc Trăng. Philipp Rösler vốn là trẻ mồ côi. Khi lên 9 tháng tuổi, Philipp Rösler được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi. Cha mẹ nuôi của Philipp Rösler ly dị khi ông mới lên 4 tuổi. Philipp Rösler về sống với người cha.
Có thể nói rằng người cha này đã ảnh hưởng rất lớn đến một phần tính cách và sự nghiệp của cuộc đời Philipp Rösler. Ông lớn lên tại Hamburg, Bückeburg và Hannover. Philipp Rösler tốt nghiệp trường trung học Lutherschule với hạng A. Sau đó, ông gia nhập quân đội Đức và được đào tạo thành sĩ quan quân y nhưng về sau được miễn nhiệm vụ để theo học tại trường Đại học Y khoa Hannover.
Năm 1999, ông thực tập Y khoa tại Bệnh viện Các lực lượng vũ trang Liên bang ở Hamburg. Năm 2002, ông nhận được học vị tiến sĩ Y khoa. Sau khi hết thời hạn cam kết 16 năm của mình, Philipp Rösler rời quân đội như một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật. Vào năm 2006, Philipp Rösler đã trở về thăm lại Việt Nam.
Về sự nghiệp chính trị của Philipp Rösler thì từ năm 1992, Philipp Rösler đã trở thành một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do (viết tắt là FDP) và các tổ chức chính trị thanh niên. Ông là thư ký của FDP tại tiểu bang Niedersachsen từ năm 2000 cho đến năm 2004.
Cũng trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2006, Philipp Rösler là một thành viên trong hội đồng khu vực của Hannover, nơi ông cũng đã được làm phó chủ tịch nhóm nghị sĩ của Đảng trong nghị viện. Tháng 5/2005, Philipp Rösler được bầu làm quan sát viên của Ban chấp hành toàn liên bang của FDP với hơn 95% số phiếu, kết quả tốt nhất trong lịch sử đảng FDP.
Tại hội nghị của FDP vào tháng 3/2006, Rösler được bầu làm Chủ tịch FDP tại tiểu bang Hạ Saxony. Ông thay thế Walter Hirche, Chủ tịch hơn 12 năm của FDP tại Niedersachsen vừa mới từ chức. Tháng 4 năm 2008, Rösler chính thức trở thành Chủ tịch FDP tại Niedersachsen với 95% số phiếu.
Trong tháng 10 năm 2009, Rösler kế nhiệm Ulla Schmidt làm Bộ trưởng Bộ Y tế Đức trong nội các của bà Angela Merkel. Ông trở thành bộ trưởng liên bang trẻ nhất nước Đức vào thời điểm nhậm chức vụ này.
Không chỉ có thế, ông cũng là người gốc Việt đầu tiên làm bộ trưởng tại một quốc gia châu Âu. Rösler được chỉ định kế nhiệm Guido Westerwelle làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Phó Thủ tướng Đức. Ngày 13 tháng 5 năm 2011, ông được Đại hội Đảng bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) và trở thành Phó Thủ tướng Đức.
Rösler lên làm chủ tịch của FDP khi đảng này đang trong thời kì vô cùng khó khăn với số phiếu tín nhiệm chỉ được gần 1,4% so với thời kì đỉnh cao là 14,5% (nếu theo thông thường mà nói thì đảng này sẽ bị tan rã). Việc ông lên nắm quyền là một tia hi vọng mới cho đảng này nói riêng và cộng đồng người nước ngoài ở Đức nói chung.
Vào ngày 23 tháng 9 năm 2013, Rösler chính thức từ chức chủ tịch đảng, sau khi đảng FDP lần đầu tiên không đạt được mức rào cản 5% toàn số phiếu để có thể có đại biểu trong quốc hội liên bang. Vào ngày 7/12/2013, Christian Lindner được bầu làm chủ tịch đảng thay thế ông.
Ngày 22/12/2013, báo chí đưa tin rằng Rösler đã tìm được việc làm mới. Ông và gia đình sẽ rời khỏi nước Đức chuyển sang sống tại Genf, Thụy Sĩ. Ở đây, ông sẽ cùng làm việc những người khác trong nhóm quản trị Diễn đàn Kinh tế thế giới. Vào tháng 1/2014, Philipp Rösler trở thành Giám đốc quản lý của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ.
Người gốc Việt dần gia nhập chính trường nước ngoài
Janet Nguyễn và Philipp Rösler là những gương mặt tiêu biểu của người gốc Việt có được vị trí cao trong chính trường nước ngoài. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các gương mặt khác, cũng đáng được nhắc tới.
Theo đó, vào ngày 17/11, trong cuộc bầu cử chọn thị trưởng tại Garden Grove, quận Cam, người Mỹ gốc Việt, Bảo Nguyễn đã giành chiến thắng. Ông Bảo Nguyễn giành 11.785 phiếu, hơn 15 phiếu so với đối thủ sát nút là chính khách kỳ cựu Bruce Broadwater.
Tờ Los Angeles Times dẫn lời ông Bảo Nguyễn chia sẻ sau chiến thắng này: “Tôi rất vui mừng được bắt đầu triển khai những bước cải cách hợp l‎ý và thay đổi văn hóa tại hội đồng thành phố sao cho minh bạch, hiệu quả và có nhiều tiếng nói đóng góp hơn nữa”.
Như vậy, ông Bảo Nguyễn, 34 tuổi, trở thành thị trưởng gốc Việt đầu tiên tại thành phố có hơn 100.000 dân này, đồng thời sẽ là thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử Garden Grove. Kết quả bỏ phiếu trội hơn cho ông Bảo Nguyễn là khá bất ngờ với cộng đồng gốc Việt tại đây bởi đối thủ của ông là một nhân vật chính trị khá sừng sỏ từng ngồi ghế thị trưởng Garden Grove.
Little Saigon gồm Garden Grove và Westminster là khu vực tập trung đông người gốc Việt sinh sống và làm ăn. Thị trưởng gốc Việt đầu tiên tại Mỹ là Trí Tạ cũng đã tái đắc cử Thị trưởng Westminster, thành phố giáp sát Garden Grove, nhiệm kỳ thứ hai trong khi ông Michael Võ cũng vừa tái đắc cử chức thị trưởng thành phố Fountain Valley.
Với chiến thắng của ông Bảo Nguyễn, lần đầu tiên cả 3 thành phố nằm cận kề nhau có đông người Việt có thị trưởng là người gốc Việt.
Trên chính trường của các nước khác cũng dần chứng kiến sự tham gia và thành công của không ít người gốc Việt. Ngày 16/11/2014, đã diễn ra một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
 Lần đầu tiên có 7 người Ba Lan gốc Việt tham gia ứng cử vào hội đồng các cấp quận, thành phố và tỉnh ở địa phương. Với khoảng 40.000 người Việt định cư tại Ba Lan từ gần nửa thế kỷ nay, cộng đồng người Việt tại đây được coi là một cộng đồng khá khép kín và ít quan tâm đến tình hình chính trị của bản xứ.
Sự kiện cùng một lúc 7 người Ba Lan gốc Việt với độ tuổi từ 22 đến ngoài 60 ứng cử vào hội đồng tự quản địa phương từ cấp quận tới thành phố và tỉnh phải nói là một sự kiện đặc biệt đánh thức sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại đây cũng như người dân bản xứ.
Với khoảng 1 triệu 700 ngàn dân, thành phố Warszawa, Ba Lan chỉ chọn 60 ủy viên trong tổng số 1000 ứng cử viên, trong đó có 2 ứng cử viên người Việt gốc Ba Lan. Với tỉ số 2/1000 người chạy đua vào chiếc ghế ủy viên hội đồng thành phố, cuộc vận động hứa hẹn nhiều gay go.
Người Việt sống tại thủ đô chỉ khoảng 20.000 người mà số người Việt có quốc tịch Ba Lan để được đi bầu lại còn ít hơn nữa. Vì thế, để được ngồi vào chiếc ghế ủy viên, các ứng cử viên ngoài việc tin tưởng vào sự ủng hộ của cộng đồng gốc Việt, phải dựa vào số phiếu của người bản xứ thông qua việc chứng minh được năng lực của mình với họ.
Hay như tại Pháp, người gốc Việt cũng đã có những bước tiến trên con đường chính trị. Trước kia, tại Pháp, trong các cuộc bầu cử, thường chỉ có những người Pháp chính gốc tham gia ứng cử. Tuy nhiên, với tình thế xã hội biến chuyển theo xu hướng toàn cầu hóa, người Pháp tiến bộ và cởi mở hơn.
Nước Pháp bắt đầu theo khuynh hướng mở đối với công dân Pháp gốc nước ngoài, nhằm thu hút chất xám và khuyến khích họ toàn tâm với tổ quốc. Đó là chính sách tạo điều kiện cho người nước ngoài hội nhập vào xã hội Pháp.
Nắm bắt được tình thế mới, trong những năm gần đây, đã xuất hiện một số người Pháp gốc Việt tham gia chính trường. Olivier Faure là một điển hình. Ông sinh năm 1968, mẹ người Việt, bố Pháp.
Ông thuộc đảng Xã hội, từng được đề cử làm cố vấn riêng cho thủ tướng Jean-Marc Ayrault. Ông đã thắng cử làm đại biểu quốc hội ở vùng Sénart-Le Mée ngày 17/06/2012.
Cuối tháng 3/2014, nước Pháp đã tổ chức bầu cử hội đồng nhân dân. Và trong danh sách các ứng cử viên, đã có một loạt các gương mặt người Pháp gốc Việt, với đủ các lứa tuổi, mọi thành phần từ trí thức đến công nhân.
Có thể kể đến ông Gérard Ngô, 65 tuổi, là người đứng tuổi nhất, sinh ở Hà Nội, luật sư thành đạt ở Paris. Ông thuộc đảng UMP (Tập hợp cho phong trào quần chúng). Dù đã ở tuổi sắp về hưu, ông vẫn nhận lời tham gia ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân quận 13 nơi người châu Á sinh sống đông nhất châu Âu.
Ông là một trong những sáng lập viên ra “Phong trào người Pháp gốc Việt”, nhằm thu hút cộng đồng Việt Nam và đoàn kết các phe khác nhau trong cộng đồng Việt với mục đích cùng nhau tương trợ ủng hộ những người Pháp gốc Việt trên con đường sự nghiệp, để tạo nên sức mạnh và hình ảnh người Việt trên đất Pháp.
Hoặc ông Phạm Phú Cường, người trẻ nhất trong số người gốc Việt ra ứng cử. Ông Phạm Phú Cường sinh năm 1970 ở Hà Nội, qua Tiệp Khắc lao động. Ông đã tình nguyện đi lính, nhập quốc tịch Pháp. Giải ngũ, ông làm trong một siêu thị. Dù vấp phải chút hàng rào ngôn ngữ, ông vẫn hăng hái tham gia chính trường.
Ông ứng cử ở Lognes - thị trấn vệ tinh ngoại ô Paris, nơi có 60% người nhập cư, và trong số đó 50% là người châu Á. Ông Phạm Phú Cường cũng từng là thành viên của đảng Xã hội, nhưng sau bỏ qua đảng Xanh.
Rõ ràng, dù chưa giành được nhiều chiến thắng quan trọng song sự xuất hiện một cách đông đảo các gương mặt người gốc Việt trên chính trường các nước đã một lần nữa khẳng định năng lực cũng như khát khao chiếm lĩnh thế giới của người Việt.
Hùng Hoàng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét