Tác giả: Timothy R. Heath | Biên dịch: Anh Thư
Tập Cận Bình đưa ra ý tưởng về một
trật tự an ninh Châu Á do chính các quốc gia Châu Á quản lý, qua đó muốn
thay đổi trật tự trong nước và quốc tế để duy trì đà tăng trưởng kinh
tế và hiện thực hóa giấc mơ hồi sinh Trung Quốc.
Trong
khi bài phát biểu của các diễn giả từ Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc tại
Đối thoại Shangri-La thu hút được đông đảo sự chú ý thì người ta ít quan
tâm hơn đến những bình luận ủng hộ “khái niệm an ninh mới ở Châu Á” của
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán
Trung. Ông Vương nhắc lại quan điểm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập
Cận Bình, người đã đưa ra ý tưởng về một trật tự an ninh Châu Á do chính
các quốc gia Châu Á quản lý tại Hội nghị lần thứ 4 về Phối hợp Hành
động và Các Biện pháp Xây dựng Lòng tin (CICA) hôm 20-21/5 ở Thượng Hải,
Trung Quốc (Xinhua, 21/5/2014).
Xét trên nhiều phương diện, việc ủng hộ một trật tự an ninh được điều chỉnh cho phù hợp với Trung Quốc không phải là mới. Các quan chức Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra các nguyên tắc của khái niệm an ninh này là vào năm 1997. Năm 2005, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố một loạt các khái niệm chủ yếu, bao gồm Thế giới Hài hòa và Châu Á Hài hòa, cho người ta một cái nhìn rõ hơn về cách thức Trung Quốc muốn định hình trật tự toàn cầu và khu vực cho phù hợp với sự trỗi dậy của nước này. Khái niệm an ninh mới ở Châu Á mà ông Tập đưa ra tại hội nghị CICA, giống với ý tưởng mà các nhà lãnh đạo tiền nhiệm đã thúc đẩy, đề xuất việc phát triển các mối quan hệ chính trị và an ninh, các thể chếvà cấu trúc để bổ sung cho việc hội nhập sâu rộng của khu vực với nền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, chi tiết về khái niệm này vẫn còn khá mơ hồ.
Trong khi các nguyên tắc của trật tự an ninh mà Trung Quốc ủng hộ không phải là mới, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tăng cường chỉ trích cấu trúc an ninh do Mỹ đứng đầu ở Châu Á như một trở ngại chomục tiêu này. Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không coi Mỹ là kẻ thù. Ngược lại, sự thúc bách đằng sau việc Trung Quốc thúc đẩy “quan hệ cường quốc kiểu mới”, một khái niệm về sự hợp tác chặt chẽ giữa các cường quốc tương đối bình đẳng để quản lý những vấn đề bất đồng, khiến người ta lầm tưởng về mức độ Trung Quốc, cường quốc đang nổi, muốn tránh hình thành một cục diện tiến thoái lưỡng nan về an ninh với Mỹ, cường quốc hiện đang nắm ngôi vị số một. Xét cho cùng, Trung Quốc cần sự ổn định khu vực để tập trung vào phát triển đất nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ ngày càng nhận ra nhu cầu an ninh và phát triển của mình có mâu thuẫn với trật tự an ninh hiện nay.
Quan ngại về An ninh
Nguyên nhân thúc đẩy sự phản đối ngày càng lớn của Trung Quốc là khá sâu xa và có tính hệ thống. Nó không liên quan đến ý muốn cá nhân của giới lãnh đạo Trung Quốc, cũng không phải để phản ứng lại các tuyên bố của lãnh đạo Mỹ hay chính sách của nước này, chẳng hạn như chính sách tái cân bằng, mặc dù những điều này có thể khiến Trung Quốc thất vọng. Những chỉ trích nhằm vào Mỹ như “chủ nghĩa bá quyền” và “Tư tưởng Chiến tranh lạnh” đã có từ lâu, nhưng trong một thời gian dài nó chỉ tập trungvào các chính sách cụ thể, chẳng hạn như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Ngược lại, những chỉ trích mới nhất, nhằm cụ thể vào những trở ngại cấu trúc an ninh khi Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu an ninh khu vực và phát triển quốc gia. Theo các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những trở ngại an ninh chủ yếu bắt nguồn từ hệ thống đồng minh an ninh và đối tác do Mỹ đứng đầu. Tại hội nghị thượng đỉnh củaCICA, ông Tập đã chỉ trích sự liên minh không giúp ích cho an ninh khu vực. Theo ông Tập, “Nếu các liên minh quân sự với bên thứ ba được tăng cường, điều này sẽ gây bất lợi cho nền an ninh chung của khu vực.” Những bình luận trên phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc thậm chí còn gay gắthơn. Một bài viết trên tờ Tân Hoa Xã nhận định rằng việc Mỹ tăng cường liên minh “không đạt được kết quả ngoài việc khiến tình hình thêm bất ổn” (ngày 21/5). Các lập luận củng cố cho quan điểm này thể hiện ba lo ngại như sau: trật tự hiện nay do Mỹ đứng đầu tạo điều kiện cho Mỹ ngăn chặn Trung Quốc; bản chất của việc liên minh khuyết khích các nước thách thức Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền và an ninh; hệ thống liên minh do Mỹ đứng đầu không có khả năng đảm bảo an ninh lâu dài cho khu vực.
Ở Trung Quốc, luôn hiện hữu một nỗi sợ rất lớn đó là Mỹ muốn kiềm chế nước này. Trung Quốc coi việcMỹ truyền bá các giá trị dân chủ tự do, nhân quyền, và văn hóa phương Tây được thúc đẩy một phần bởitham vọng kiềm chế sức mạnh Trung Quốc. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng ý thức rất rõ về những thành công của Mỹ trong lịch sử khi khởi động mạng lưới các liên minh để đánh bại bất kỳ tham vọng vươn lên vị trí đứng đầu nào ở Châu Âu hay Châu Á. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, thể hiệnqua sự bất đồng trong các vấn đề chính sách từ an ninh mạng đến vấn đề Biển Đông, và việc Mỹ quyếttâm thực hiện chính sách tái cân bằng, khiến mối đe dọa này càng trở nên thực tế và cấp bách hơn. Bắc Kinh dường như không mấy thuyết phục trước các tuyên bố liên tục của giới chức cấp cao Washington rằng Mỹ không hề có ý định hoặc mong muốn theo đuổi chính sách kiềm chế Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi Washington có thể thuyết phục được Bắc Kinh thì sự tồn tại của cấu trúc an ninh hiện nay có thể dẫn đến khả năng Mỹ theo đuổi chính sách kiềm chế trong trường hợp quan hệ song phương xấu đi.
Trung Quốc phản đối hệ thống liên minh và coi đây là mối đe dọa đối với an ninh và chủ quyền của mình. Điều này đặc biệt đúng khi trong liên minh của Mỹ có các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc. Bắc Kinh nhận thấy liên minh của Mỹ với Nhật Bản phức tạp hơn so với liên minh của Mỹ với các nướckhác như Thái Lan, mà Trung Quốc hiện duy trì mối quan hệ ổn định. Trung Quốc cho rằng một liên minh với Mỹ sẽ khuyến khích các nước thách thức Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền, gây nguy cơ bất ổn và xung đột tiềm tàng. Tranh chấp với cường quốc láng giềng như Nhật Bản hoặc như với Philippinescó nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến và có thể lôi cuốn Mỹ tham gia, một kịch bản tồi tệ mà Bắc Kinh không hề muốn. Phản ánh nỗi thất vọng này, một bài bình luận trên tờ Tân Hoa xã đã cay đắng nhận xét, “Mỹ đã không tiến hành bất kỳ biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn các đồng minh ương ngạnh củamình đối đầu với Trung Quốc.” Việc Mỹ đã cố gắng trấn an các đồng minh thông qua chính sách tái cân bằng và chỉ trích Trung Quốc “khuấy động bất ổn” đơn giản là làm tăng thêm những lo ngại này.
Các nhà phê bình Trung Quốc cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cấu trúc an ninh do Mỹ đứng đầu khigiải quyết các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống. Truyền thông Trung Quốc thường xuyên chỉ trích việc Mỹ cố gắng ngăn chặn Bắc Triều Tiên bằng việc tăng cường sự hiện diện quân sự và các cuộc tập trận, thay vì xây dựng lòng tin bằng đối thoại thông qua Các cuộc Đàm phán Sáu bên. Các bình luận của Trung Quốc cũng nghi ngờ khả năng của Mỹ và các đồng minh khi đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống. Liên quan đến vấn đề tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố, và các mối đe dọa khác, một bài viết gần đây trên tờ Tân Hoa Xã khẳng định Mỹ đã “thất bại trong việc giành được lòng tinrằng nước Mỹ có thể, hoặc ít nhất là sẵn sàng, bảo vệ lợi ích của người dân châu Á trước các mối đe dọa.” Theo đó, trước mức độ và tính chất phức tạp của các vấn đề an ninh ở châu Á, hệ thống liên minh và đối tác của Mỹ có năng lực hạn chế và ít tập trung giải quyết một cách thỏa đáng.
Tất cả những chỉ trích này dẫn đến một vấn đề lớn hơn. Bắc Kinh cho rằng cấu trúc an ninh hiện nay doMỹ đứng đầu không còn hữu ích, không đảm bảo sự ổn định khu vực cần thiết cho quá trình phát triển của Trung Quốc. Bắc Kinh coi hệ thống liên minh không có khả năng duy trì an ninh và bản thân cấu trúc an ninh hiện nay là một mối đe dọa tiềm năng. Theo một bài bình luận trên Tân Hoa Xã, “các tuyên bố vềmột Châu Á hòa bình sẽ là trống rỗng chừng nào cấu trúc an ninh Chiến tranh Lạnh vẫn tồn tại.”
Trở ngại về Cấu trúc?
Nguyên nhân việc Trung Quốc phản đối gay gắt hệ thống liên minh và đối tác của Mỹ đa phần bởi những quan ngại từ việc Bắc Kinh muốn duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong nước. Quan điểm cho rằng an ninh là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của đất nước, các khía cạnh an ninh trong nước và quốc tế không thể tách rời, là rất quan trọng giúp người ta hiểu được nguyên do Trung Quốc chỉ trích hệ thống liên minh của Mỹ. Tại một cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia mới được thành lập (National Security Commission – NSC), ông Tập tuyên bố: “An ninh là điều kiện cần thiết để phát triển. Chúng ta nhấn mạnhkhông chỉ an ninh của riêng mình mà còn cả môi trường an ninh chung (với các quốc gia khác).” Thông qua NSC và các tiểu ban lãnh đạo khác mới được thành lập, ông Tập hướng tới thực hiện những thay đổi mang tính hệ thống và cấu trúc để tạo thuận lợi cho phát triển toàn diện của đất nước đồng thời cải thiện môi trường an ninh trong nước lẫn bên ngoài (Tân Hoa Xã, ngày 15/4). Cho đến nay, hầu hết các nhà quan sát đều giải thích việc Trung Quốc theo đuổi những thay đổi về cấu trúc và hệ thống liên quan tới chính sách đối nội. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Tập ở CICA đã khẳng định các định hướngtương tự cũng tác động sâu rộng đến chính sách đối ngoại.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định, một trật tự trong nước và quốc tế ổn định sẽ giúp đảm bảo sự phát triển an ninh quốc gia. Là một nước có xu hướng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu. Với sự đóng góp nhiều hơn vào chỉ số GDP của thế giới trong những năm tới, Châu Á đã sẵn sàng đóng vai trò chèo lái nền kinh tế toàn cầu, nói cách khác điều này sẽ giúp cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của Trung Quốc. Người ta cho rằng phần lớn sự tăng trưởng tương lai của nền kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra ngay tại khu vực. Theo ước tính, đến năm 2020, một phần ba hoạt động thương mại của Châu Á diễn ra bên trong khu vực. Điềunày khiến hòa bình và sự ổn định ở Châu Á ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với tiềm năng kinh tế của khu vực. Một bài bình luận khác đã nhận xét, “sự bất ổn đã cản trở và kìm hãm quá trình hội nhập kinh tế, thương mại và đà tăng trưởng kinh tế của Châu Á.” (Nhân dân Nhật báo, ngày 11/5). Việc duy trìtiềm năng kinh tế của Châu Á ngày càng trở nên cấp thiết nhằm đảm bảo sự thịnh vượng chung chongười dân Trung Quốc.
Bởi sự thịnh vượng của Trung Quốc sẽ ngày càng gắn chặt với bối cảnh chung của khu vực, Trung Quốc có động lực mạnh mẽ trong việc kiểm soát nhiều hơn các quan hệ an ninh khu vực. Việc Trung Quốc giao phó tương lai an ninh cho một cường quốc bên ngoài như Mỹ và các đồng minh của nước này giống như việc kỳ vọng nước này phó thác sự thịnh vượng và an ninh của mình cho Mỹ và các đồng minh.
Tái Định hình Trật tự Khu vực
Chính quyền trung ương thay vào đó đã lựa chọn chiến lược phát triển như một phương thức chủ yếu để đạt được an ninh trong nước và quốc tế, điều cần thiết để duy trì đà tăng trưởng của đất nước. TạiThượng đỉnh CICA, ông Tập đã tuyên bố: “Sự phát triển là nền tảng của an ninh.” Quả thực, chúng tacần nhớ lại rằng vào đầu năm 1997, báo cáo Đại hội Đảng lần thứ 15 của Trung Quốc đã khẳng định“phát triển” là “chìa khóa để giải quyết tất cả các vấn đề của Trung Quốc.” Khái niệm về phát triển đóng vai trò rất quan trọng trong cách tiếp cận của Trung Quốc để đối phó các mối đe dọa an ninh nên cần phải được chúng ta phân tích kỹ hơn. “Phát triển” ở đây có nghĩa là sử dụng có tính toán các nguồn lựccó ưu thể, thay đổi thực trạng an ninh, chính trị, kinh tế nhằm đem lại các lợi ích về an ninh, kinh tế, sự ổn định và và uy tín quốc gia. Theo ngôn từ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đây là một quá trình mang lại “sự thay đổi về chất và lượng trong năng lực sản xuất của xã hội tiến bộ” và do đó “mang lại lợi ích cho người dân Trung Quốc.” Trong khi chủ yếu là về lĩnh vực kinh tế, phát triển cũng bao gồm các chính sách và bước đi để hiện thực hóa những thay đổi về quản lý hành chính, chính trị, xã hội và các hình thức thay đổi “tiến bộ” khác.
Tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với các nước láng giềng, với Việt Nam liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981, với Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, và với Philippines ở Biển Đông, trong con mắt giới lãnh đạo Trung Quốc được coi như dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn: Thay thếtrật tự chính trị và an ninh khu vực bằng một thực tế kinh tế mới. Trung Quốc coi nhiều đặc điểm của trật tự khu vực hiện nay giống như di sản của một kỷ nguyên mà ở đó Mỹ chiếm ưu thế vượt trội về kinh tế, chính trị và quân sự trong khu vực, và vị thế này đã bị xói mòn theo thời gian và trong bối cảnh kinh tế, không còn duy trì. Đối với Trung Quốc, giải pháp lâu dài nhất do vậy không nằm ở việc “tập trung” vàocác vấn đề tranh chấp cụ thể, mà là “phát triển” một cách toàn diện trật tự chính trị, an ninh, xã hội phù hợp với thực tế mới do sức mạnh kinh tế của Trung Quốc chi phối. Ở một nghĩa rộng hơn, hội nhập khu vực đóng vai trò tương tự như mô hình giám sát các vấn đề bất ổn trong nước, mà ở đó Trung Quốc tìm cách giải quyết nguồn gốc của sự bất ổn thông qua cách tiếp cận toàn diện đó là phát triển. Trong cả hai trường hợp, tiềm lực kinh tế vượt trội của Trung Quốc ảnh hưởng đáng kể đến việc vừa khuyến khíchvừa gây sức ép buộc sự đối kháng đi đến điều chỉnh. Theo một bài bình luận của Trung Quốc, “Phát triển là chiến lược để giải quyết sự bất ổn; nó giúp loại bỏ các yếu tố sâu xa gây bất ổn “(Nhân dân Nhật báo, ngày 20 tháng 5).
Phát triển giống như một chiến lược an ninh khu vực, cũng đem lại cách thức để đối phó với nước Mỹvới mục tiêu giảm tối đa nguy cơ chiến tranh. Trung Quốc hy vọng từng bước thay thế các yếu tố cũ bằng một trật tự an ninh mới có liên kết chặt chẽ với cường quốc kinh tế Châu Á này. Bằng cách chứng minh sức mạnh vượt trội và tính hiệu quả cao, Bắc Kinh hy vọng theo thời gian sẽ làm cho vai trò của Mỹtrở nên không cần thiết. Do đó cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc phát triển trật tự an ninh khu vực phản ánh các yếu tố của sự thích ứng và điều chỉnh, thể hiện qua những nỗ lực như: Định hình quan hệhợp tác với Mỹ; tận dụng sức mạnh kinh tế để định hướng lại các mối quan hệ khu vực; thích ứng một cách có chọn lọc các yếu tố của trật tự hiện nay; xây dựng và củng cố các thể chế và cơ chế có lợi cho Trung Quốc; và phát triển sức mạnh quân sự và năng lực chống can thiệp.
Định hình quan hệ hợp tác với Mỹ. Trung Quốc muốn xây dựng một mối quan hệ ổn định, tạo tiền đềcho sự thích ứng lớn hơn của Mỹ đối với các lợi ích của Trung Quốc. Hợp tác quân sự với Mỹ chứng tỏ vị thế của Trung Quốc là một cường quốc hàng đầu ở Châu Á đồng thời trấn an khu vực rằng Bắc Kinh không muốn tiến tới một cuộc xung đột với siêu cường của thế giới. Trung Quốc cũng tận dụng việc hợp tác song phương để thuyết phục Mỹ kiềm chế các đồng minh của nước này.
Tận dụng sức mạnh kinh tế để định hướng lại các mối quan hệ. Là
trung tâm của nền kinh tế Châu Á, Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn trong việc
tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau ở khu vực và tái tập trung vào quan hệ
song phương nhấn mạnh về lợi ích thương mại và kinh tế. Điều này khuyến
khích các nước hỗ trợ Trung Quốc trong việc xây dựng quan hệ hợp tác khu
vực tăng cường, ở đó Trung Quốc đóng một vai trò lãnh đạo lớn hơn. Các
mối quan hệ như vậy cũng tăng thêm nguy cơ và cái giá cho việc các nước
khác muốn thách thức Trung Quốc.
Thích ứng một cách chọn lọc. Trung
Quốc tiếp tục tham gia vào nhiều thể chế và tổ chức mà Mỹ hiện đang
đứng đầu. Miễn là không tạo ra mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của
Trung Quốc, Bắc Kinh không có lý do gì để thúc đẩy việc bãi bỏ các tổ
chức này. Trái lại, Trung Quốc có lợi khi tham gia, định hình chương
trình nghị sự cùng các hoạt động của những tổ chức như vậy. Ở cấp độ khu
vực hiện có Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC), Thượng đỉnh
Đông Á, đối thoại Shangri La và các cơ chế khác.
Tăng cường các thể chế và cơ chế thay thế. Tuy
nhiên, cùng với đó, Trung Quốc cũng đang củng cố hoặc thiết lập thêm
các thể chế và cơ chế khác về kinh tế và an ninh, qua đó chứng minh năng
lực của nước này trong việc đem lại các lợi ích kinh tế, khả năng lãnh
đạo và đảm bảo sự ổn định bền vững của khu vực. Đàm phán Sáu bên, Tổ
chức Hợp tác Thượng Hải, và CICA minh họa cho cách tiếp cận này. Trung
Quốc coi các cơ chế đối thoại đó như một sự bổ sung vào mạng lưới đang
phát triển của các thể chế kinh tế mà Trung Quốc hiện chi phối, bao gồm
Hành lang Kinh tế Bangladesh-Ấn Độ-Myanmar-Trung Quốc, Hành lang Kinh tế
Trung Quốc-Pakistan, Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa, Con đường Tơ
lụa trên biển thế kỷ 21, Khu vực Tự do Thương mại Trung Quốc – ASEAN và
Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Xây dựng sức mạnh quân sự và khả năng chống can thiệp. Trung
Quốc xây dựng sức mạnh quân sự hướng tới mục tiêu củng cố an ninh thông
qua việc tăng cường năng lực phòng thủ. Điều này làm tăng cái giá phải
trả và rủi ro xung đột cho các nước đối chọi lại sức mạnh của Trung
Quốc, đồng thời cũng hình thành một rào cản hữu ích chống lại Mỹ. Đặc
biệt, việc phát triển năng lực chống can thiệp quân sự mang lại lợi ích
chính trị khi tác động tới niềm tin của khu vực rằng Mỹ là một đối trọng
trước sức mạnh Trung Quốc.
Trung
Quốc xem việc củng cố các ảnh hưởng về kinh tế, ngoại giao, văn hóa và
an ninh là cách thức bền vững nhất để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế
của Châu Á và nâng cao đời sống người dân nước này. Tính cấp thiết của
việc tăng cường những ảnh hưởng này thể hiện rõ trong Hội nghị Công tác
Trung ương về Ngoại giao Vùng Ngoại vi. Với những lý do tương tự, các
quan chức Trung Quốc đã chỉ rõ vùng ngoại vi là “hướng ưu tiên” trong
chính sách đối ngoại của đất nước (Nhân dân Nhật báo, ngày 10 tháng 9).
Rủi ro từ Bất đồng Chiến lược
Giới
lãnh đạo Trung Quốc muốn thay đổi trật tự trong nước và quốc tế để duy
trì đà tăng trưởng kinh tế và hiện thực hóa giấc mơ hồi sinh đất nước.
Các định hướng trong văn kiện chiến lược cấp cao như báo cáo Đại hội
Đảng lần thứ 18, quyết định của Phiên họp Toàn thể lần thứ ba, việc
thành lập các tiểu ban lãnh đạo trung ương tập trung vào việc cải cách
hệ thống, đã nhấn mạnh tính cấp thiết của vấn đề này. Vì sự thay đổi này
là cần thiết để đảm bảo sự phát triển liên tục và tồn vong của đất
nước, Bắc Kinh khó có thể không thực hiện. Ngược lại, tính cấp thiết của
việc duy trì đà tăng trưởng sẽ tăng thêm áp lực hiện thực hóa những
thay đổi này theo thời gian. Những chỉ trích gay gắt nhằm vào cấu trúc
an ninh do Mỹ đứng đầu trong bài phát biểu của ông Tập tại Thượng đỉnh
CICA và các bình luận ở Trung Quốc là dấu hiệu về việc Trung Quốc vẫn
thất bại trong nỗ lực tái điều chỉnh trật tự khu vực cho phù hợp với các
ưu tiên chiến lược của mình.
Mỹ
có thể nhận thấy hệ thống các đồng minh và đối tác của nước này ở Châu Á
đang ngày càng xung đột với Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách
cấp cao của Mỹ đã tuyên bố rằng nước này có lợi ích chiến lược hợp pháp
và quan trọng ở Châu Á. Hơn nữa, Mỹ vẫn duy trì sức mạnh đáng kể của một
cường quốc độc tôn trong khu vực, ngay cả khi một số lợi thế tương đối
của nước Mỹ đã giảm sút trong những năm gần đây. Mỹ tái khẳng định giá
trị chiến lược trong các liên minh và tầm quan trọng của lợi ích của các
đồng minh. Điều này khiến Trung Quốc, Mỹ, và các đồng minh của nước này
phải đối mặt với các quyết định ngày càng phức tạp và khó khăn. Việc
trấn an Bắc Kinh đòi hỏi Mỹ phải điều tiết hoặc đánh giá lại hệ thống
liên minh của mình để thích ứng với các lựa chọn an ninh của Trung Quốc.
Điều đó có thể dẫn đến sự bất ổn khi các quốc gia dễ tổn thương nhận
thấy họ cần hành động để bảo vệ lợi ích của mình. Nó cũng cho thấy sự
suy giảm đáng kể ảnh hưởng trong một khu vực của thế giới có tầm quan
trọng chiến lược đối với tương lai của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, để
trấn an các nước đồng minh đòi hỏi Mỹ phải sẵn sàng đương đầu với Trung
Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền và các vấn đề khác. Điều này có
nguy cơ tổn hại đến quan hệ Mỹ-Trung và gây mất ổn định trật tự khu vực.
Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh cần phải hoạch định chính sách một cách
linh hoạt để cân bằng những lợi ích đối lập và duy trì nền hòa bình và
ổn định lâu dài trong khu vực.
Timothy
R. Heath là nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc thuộc Nhóm Phân tích
Chiến lược Trung Quốc của U.S.PACOM. Bài viết đăng trên trang “Diplomat” (ngày 11/6).
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét