TƯỞNG NHỚ MỘT NGƯÒI ANH EM
(và một số bài tranh luận)
Lữ Phương
13. Tưởng Nhớ Một Người Anh Em
Có nhiều người đọc tên anh, tưởng đang gọi tên một
người con gái: Nguyễn Ngọc Lan. Nhưng với tôi, hình hài anh mỏng
manh thua cả một người con gái, anh đích thực là một bậc nam nhi. Từ
hôm anh mất đến nay, đã đọc hơn mười bài viết đây đó nhắc đến tên
anh với những nhận xét khác nhau, tôi thấy ý kiến sau đây dường như
thích hợp với anh hơn hết: dù khi là linh mục hay đã hoàn tục, lấy
vợ, có con, suốt đời, lúc nào anh cũng một mực trung thành với đức
tin riêng biệt mà anh đã chọn, dám sống chết cho đức tin ấy, dựa vào
đó không ngừng dấn thân tìm cách thay đổi cuộc sống, bằng lời nói,
chữ viết và việc làm, thách thức tất cả, bất chấp tất cả những gì
thiệt thòi và không hay mang đến cho bản thân.
Tôi không có được lòng tin đó, cũng không chia sẻ
hoàn toàn thái độ sống nhiều khi quá “cực đoan” của anh (như nhiều
người đã nhận xét), nhưng qua suốt quãng thời gian hơn 30 năm gần
gũi anh trong những hoạt động có mục tiêu chung (nhất là trong viết
lách, làm báo sau 30.4.1975), tôi thật lòng kính trọng nhân cách của
anh và có ý muốn bắt chước cách nói của anh, trong một bài báo bằng
tiếng Pháp hồi anh còn ở bên Pháp, xem anh như một người anh em
của mình, một người anh em theo cái nghĩa mà anh đã viết về
những Phật tử trong nước bấy giờ đang bị chế độ độ Ngô Đình Diệm
truy lùng, bắt bớ: “Phật tử, người anh em của tôi –
Bouddhiste, mon prochain” (Témoignage Chrétien, 29.8.1963).
Có một lúc tôi cũng là người đi theo mấy “người anh
em” đó, nhưng lại không phải là một Phật tử thuần thành lắm: kính
Phật nhưng vẫn cúng Ông Bà và thắp nhang trước bàn thờ Ông Địa, có
vẻ linh tinh và nghiêng về phần vô thần nhiều hơn. Đến khi ngả sang
cộng sản, bỏ mọi thứ qua một bên, một cách rất xác tín và khoái trá,
tự cho mình là đồ đệ của Marx, tưởng rằng như vậy mới là “vô thần
khoa học” nhưng về sau do tìm hiểu kỹ mà biết được cái gọi là “chủ
nghĩa Mác-Lênin” chỉ là một thứ “tôn giáo trần tục” chẳng có gì khoa
học cả, tôi liền nhận ra mình đã trở thành một kẻ vô thần thứ thiệt:
càng ngày càng bớt đi những cám dỗ mộng ảo, nhưng có lẽ vì vậy mà
lòng ngày càng chai cứng trước những hứa hẹn về một thế giới bên
kia.
Một thứ vô thần như vậy thì quả thật vô phương cứu
chữa. Bởi thế, do quý trọng anh mà tìm đọc những gì anh viết về Kitô
giáo – Đường hay pháo đài ? (1969), Chủ nhật hồng giữa mùa
tím (1997) – sau đó cố gắng tìm hiểu thêm bằng cách đọc cả
Kinh Thánh cùng với Sách giáo lý của Giáo hội Công giáo
anh gửi cho (soạn sau Công đồng Vatican II, do cựu linh mục
Trần Thái Đỉnh dịch), dù thành tâm cách mấy, tôi vẫn chỉ có thể coi
là biểu tượng những gì anh nói về Huyền nhiệm Con người, về Tội tổ
tông, Phục sinh, Tin mừng, Cứu rỗi… – những biểu tượng ấy với tôi
không khác gì với những biểu tượng đã có và đang có trên thế giới
này.
Tuy vậy khi đọc những đoạn anh nói về Đức Yêsu của
anh, tôi thấy thú vị và có lúc nao nao. Có vẻ như ông ấy hơi giống
anh: gầy gò nhưng quá xác tín và hay nổi giận, nhiều khi thốt ra
những lời lẽ mà anh gọi là “loạn”, “quá đáng”, chẳng kiêng nể ai cả!
Có một chút kinh nghiệm để dị ứng với cái thế giới quan phương lúc
nào cũng làm ra long trọng, quen thói lê la đầu đường xó chợ, tôi
thấy ông ấy rất đỗi bình dân và cũng hơi luộm thuộm giống tôi, nhưng
lại có một điều tệ hơn tôi rất xa: suốt đời ông không có nhà cửa,
suốt đời ông chỉ miên man trên đường, cuối cùng bị đóng đinh trên
đường một cách thảm thương. Về mặt này thì tôi hiểu được tại sao anh
nói đạo của anh là “đạo ngoài đường”.
Những con đường nhân sinh bụi mù, hỗn tạp. Trên những
con đường ấy, ông Yêsu của anh gặp mọi hạng người. Có những đám quan
quân đế quốc hằm hè, để bị thẩm vấn và đối phó. Có những kẻ giả hình
kênh kiệu (những kẻ mà Sartre gọi là lâches hoặc
salauds), để phải mắng mỏ họ. Nhưng nhiều nhất vẫn là những
ngưởi nghèo khổ, những người bất hạnh, bị hắt hủi, những người ngoại
đạo, để nói chuyện với họ, giúp đỡ, an ủi họ… Chúa của anh, như vậy,
cũng theo anh diễn tả, suốt đời là một kẻ thuyết pháp “không có chỗ
trụ trì”, một người lữ hành “không có chỗ ngả đầu”, người lữ hành ấy
chưa hề có ý định dừng chân lại ở một trú sở yên hàn nào, dù đó là
một nhà thờ nguy nga hay một giảng đường hoành tráng.
Một ông Chúa lang thang như vậy không khác gì thái tử
Tất Đạt Đa, bỏ cung vàng điện ngọc đi tìm sự thật, và khi sự thật đã
tìm ra để thành Phật (định nghĩa như người giác ngộ) thì ông Phật ấy
căn cốt vẫn chỉ là một “ngón tay trỏ” chỉ đường. Nhận xét ấy của anh
quả thật đã làm tôi hết sức bất ngờ, do tôi đã đọc Phép giảng tám
ngày của De Rhodes nói rất tệ về Phật. Nhưng tôi hiểu ý anh: một
đạo Phật như vậy không khác gì đạo Chúa vì chỉ tìm được lý do tồn
tại trong cõi nhân gian ta bà, như một nỗ lực tìm kiếm và đối thoại
khó khăn với một chúng sinh hỗn tạp, một mời gọi về một viễn cảnh
mênh mông, chỉ có thể khẳng định bằng một lòng tin… chứ không hề là
những xác quyết chắc nịch trong kinh kệ, bày biện trong những cung
miếu xây dựng đâu vào đó, kiên cố như những pháo đài.
Anh có viết mấy dòng làm tôi không bao giờ quên được:
người theo đạo không phải là người có đạo, hiểu theo nghĩa là
một chủ nhân ông sở hữu một cái gì đó để làm mình “có phước” hơn
người khác (giống như có nhà rộng, có xe chiến, có vợ đẹp, con
ngoan…), sau này được lên thiên đường, ngon lành hơn những kẻ trầm
luân trong địa ngục, mà chính là người biết cảm thông những đau khổ,
mất mát của người khác nhiều hơn, biết thương yêu người khác nhiều
hơn, từ đó biết trách nhiệm với người khác nhiều hơn. Anh gọi một
người theo đạo như vậy là người đi đạo – anh thường nói đi
nói lại: “đạo là đường” – định nghĩa như một tín hữu không có gì
trong hành trang ngoài một lòng tin để mang tới cho đời sống một ý
nghĩa, hoàn toàn xa lạ với những kẻ muốn núp vào một định chế tinh
thần nào đó được bảo vệ bằng những thứ quyền uy trần tục, dễ dãi,
tầm thường.
Một tinh thần tôn giáo như vậy không thể nào tách
khỏi những môi trường quy định đời sống con người; nhưng do lẽ những
con người bấy lâu nay vẫn lầm than trong các địa ngục cho nên hãy
quan tâm, tìm đến với những con người đang lặn ngụp trong những địa
ngục ấy trước khi nói đến Thiên đàng. Với một tinh thần tôn giáo như
vậy, một nước Thiên đàng trừu tượng, yên ấm, đối lập với Địa ngục
chỉ là sản phẩm viễn mơ của những gã trọc phú giả hình. Và một quan
niệm về đi đạo như vậy rõ ràng không thể chỉ hướng về cứu rỗi
linh hồn mai sau mà còn phải đảm nhiệm nhiều hơn cuộc đấu tranh làm
cho tốt đẹp hơn cái đời sống hiện thực hôm nay.
***
Có thể nghĩ rằng những người đi đạo theo cách của anh
đã muốn men theo triền dốc của những “linh mục đỏ” – chủ trì một
Thần học Giải phóng đối lập với Thần học Vâng phục – bắt nguồn từ
một số nước Mỹ La Tinh trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Đọc
anh tôi thấy anh không công khai trực tiếp ủng hộ xu hướng này,
nhưng ẩn chìm dưới những dòng chữ và trong hành động của anh, tôi
thấy ảnh hưởng của xu hướng đó là có thật, nhưng chỉ biểu hiện như
một nguồn cảm hứng kín đáo, dựa vào đó anh bổ sung và tác động thêm
vào đường lối canh tân của Giáo hội thời kỳ Công đồng Vatican II
(1962-1965), “cấu trúc lại” hình ảnh của Chúa trong diễn đạt và
chưng cất lại ý nghĩa của Kinh Thánh theo quan điểm của anh.
Tôi đã nghe nói đến những phản ứng gay gắt của nhiều
người (chủ yếu là những đồng đạo của anh) với cái quan điểm mang
tính “phản chứng” hoặc “nổi loạn” mà người ta thường cho là quá “cấp
tiến” đó. Nhưng với những người ngoại đạo như tôi, vật vờ trong
trong cái bầu khí tù hãm về tư tưởng của những “phố thị đìu hiu”,
anh đã xuất hiện như một cuộc hội tụ thật là mới mẻ về mặt tinh
thần: tất cả những khác biệt về niềm tin hay không tin, hữu thần hay
vô thần đều có thể gặp nhau và đối thoại trong cuộc tranh đấu thay
đổi vận mệnh con người trên thế gian này. Nhất là vận mệnh một dân
tộc nhược tiểu, bị trị triền miên, nghèo đói triền miên, đang bị lôi
vào một cuộc chiến tranh khốc liệt chưa từng có trong lịch sử của
mình.
Như nhiều thanh niên khác, tôi đã nhìn về anh chăm
chú, sau nhiều cuộc “xuống đường” mệt mỏi từ 1963 trở đi. Sự sụp đổ
của chế độ Ngô Đình Diệm kéo theo sự sụp đổ của cái huyền thoại về
một miền Nam “tự do dân chủ” đã trở thành điều hiển nhiên không cần
bàn cãi nữa. Những nỗ lực ồn ào của nhữrng chính khách mong tìm ra
một thứ chính nghĩa mới lôi kéo được chúng tôi đi theo để tiếp nối
chế độ Ngô Đình Diệm trên con đường chống bọn “quỷ đỏ vô thần” đã
không mang đến gì ngoài những năm tháng xáo trộn, rã rời. Cuộc “cách
mạng xã hội” mệnh danh “không cộng sản” do một số trí thức đề xuất
từng làm chúng tôi bâng khuâng lãng mạn vì tính chất táo bạo của nó
cuối cùng đã trở thành những khẩu hiệu tặng không cho những cán bộ
bình định nông thôn có trụ sở ở Vũng Tàu do Mỹ lập ra và tài trợ.
Anh đã về nước vào đúng cái thời điểm chuyển động gay
gắt đó trong tâm tư cả một thế hệ thanh niên lớn lên ở miền Nam sau
1954, giờ đây đã không còn có sự phân biệt giữa Phật giáo hay Công
giáo, Nam kỳ hay Bắc kỳ, di cư hay không di cư nữa. Tất cả mọi toan
tính về cuộc sống tương lai yên lành của chúng tôi đều trở nên bèo
bọt không khác gì những ảo tưởng tinh thần từng ấp ủ đã vỡ tan trước
cái thực tại chiến tranh ngày càng đụng chạm trực tiếp đến bản thân
mỗi người đàn ông: đi lính hay không đi lính, nếu không muốn đi lính
thì làm sao để trốn lính, để khỏi chết, còn đã đi lính rồi, nếu phải
chết thì sẽ chết cho ai, chẳng lẽ thí mạng mình cho một nhúm những
kẻ thối nát đang hô hào chống cộng chỉ với mục đích duy trì sự tồn
tại thối nát của họ?
Tâm trạng xao xuyến ấy đã được phản ảnh rất rõ rệt
trên những trang viết trong những tác phẩm của những tác giả quen
biết bấy giờ như Thế Uyên, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, Dương Nghiễm
Mậu, Nguỵ Ngữ, Thế Vũ v.v… đặc biệt phát triển mạnh mẽ khi cuộc
chiến tranh lan tràn ra khắp nước, mở rộng ra cả toàn cõi Đông
Dương. Máu lửa, thây người ngã gục, què cụt, đui mù, goá phụ, khăn
tang, nhà cửa, núi rừng, đồng ruộng tan hoang, hoài nghi, buồn nản
lảng vảng khắp nơi. Cái hình tượng người lính Cộng hoà “bảo quốc an
dân” mà bây giờ có người còn luyến tiếc nói đến, nếu nhớ lại cho
chính xác trong những ngày máu lửa cũ thì phải cố mà thành thật để
nhận ra rằng hình tượng đó chỉ tồn tại trong cái dòng văn chương mà
Nguyên Sa gọi là “văn hoá tâm lý chiến” thôi. Và cũng chỉ là một thứ
“vòng hoa nguỵ tín” như cái tựa một truyện ngắn của Thế Vũ thôi.
Anh về nước trong tình thế đó, anh đã hoà nhập ngay
vào nỗi hoang mang của thế hệ chúng tôi. Nhưng với cái tâm thức và
lý luận phản kháng có sẵn trong người từ những ngày du học, anh đã
mang đến cho chúng tôi – những người anh em của anh đồng thời cũng
là đồng bào của anh – một lời giải đáp hiện thực, minh bạch hơn
những gì chúng tôi đã cảm thấy: chính sự hiện diện của hơn nửa triệu
quân viễn chinh Mỹ cùng với bộ máy chiến tranh khủng khiếp của họ đã
là nguyên nhân trực tiếp gây nên tang thương cho toàn thể dân tộc
chúng ta, cho toàn thể đất nước chúng ta vào lúc bấy giờ. Thật sự
thì trong sự lí giải của anh mọi việc không đơn giản là như vậy
nhưng xét đến cùng thì chủ đạo chính là như vậy. Luận đề này anh đã
tập trung triển khai trong một loạt bài viết trên Tin Sáng và
một số báo khác từ những năm 1970 trở đi, tập hợp lại trong Cho
cây rừng còn xanh lá (1971) và Nước ta còn đó (1973).
Tôi đã đọc lại những tác phẩm này của anh, vẫn thấy
bồi hồi như mấy chục năm về trước. Chỉ là những bút ký ngắn viết cho
các nhật báo, nhưng ở đó đã bộc lộ toàn diện con người của anh: từ
những kiến thức sâu rộng về lịch sử thế giới và dân tộc đến những
hiểu biết uyên thâm về tôn giáo (hiển nhiên đầy đủ nhất vẫn là tôn
giáo của anh), từ cái lôgích chặt chẽ, nhất quán khó bề bắt bẻ trong
lập luận và bố cục, đến cái hơi văn lúc nào cũng tha thiết nồng nàn
khi nói đến nỗi đau của những người bất hạnh, bên cạnh những lời lẽ
châm biếm độc địa của anh với những kẻ ăn trên ngồi trốc, hể hả với
tư thế thống trị và nô lệ ngoại bang của mình… – tất cả đã giới
thiệu đầy đủ phẩm chất lý tưởng trong sáng và tài năng luận chiến
của một người trí thức Công giáo có xu hướng thiên tả xuất hiện cùng
với những trí thức thiên tả khác trong hậu bán thế kỷ 20.
Lớn lên trong cái không khí văn hoá những năm 1960 đó
(sự chọn lựa tự do của Sartre, tư tưởng nổi loạn của Camus,
Marx-Mao-Marcuse và Mai (tháng 5) 1968…), tôi đã nhìn thấy qua cái ý
hướng tôn giáo riêng biệt của anh hình ảnh tiêu biểu của một lớp
người tạo nên một phong trào dấn thân có nguồn gốc từ một hoàn cảnh
lịch sử đặc thù nay đã trở thành hoài niệm. Nhìn trong viễn cảnh
tổng thể ấy, tôi đã cảm nhận được qua anh một phần cái hơi thở phản
kháng của thời kỳ đó, từ các nước Âu, Mỹ lan toả ra khắp nơi, xuất
phát từ cuộc phủ định triệt để của những sinh viên, trí thức, tôn
giáo chống lại những guồng máy quan liêu thống trị hiện tồn, bộc lộ
tập trung trong sự phủ định cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ vào
Việt Nam, từ cuộc tự thiêu của N. Morrison đến toà án Bertrand
Russell, từ J. P. Sartre, N. Chomsky đến Thích Nhất Hạnh, từ Daniel
Ellsberg với Hồ sơ mật Ngũ giác Đài đến “Chết mới được ra
lời” của Nhất Chi Mai…
Anh đã thể hiện sự phản kháng phổ biến đó ở nơi quê
hương riêng biệt của anh, trên những đường phố nồng nặc mùi lựu đạn
cay do Mỹ viện trợ, trên cả một đất nước từ Nam chí Bắc bị B52 và
thuốc khai quang của Mỹ làm cho tan hoang, thương tật. Có thể nói
một cách thật đơn giản: dù cho cội nguồn của cuộc chiến như thế nào,
dù với một nhân danh nào đi nữa thì hành vi can thiệp viễn chinh của
Mỹ vào Việt Nam cũng đã trở thành một cuộc diệt chủng bằng những
phương tiện giết người hiện đại nhất, độc ác nhất, và chính vì cuộc
diệt chủng khốc hại ấy mới có sự dấn thân quyết liệt của cá nhân
anh. Và cũng là điều kiện để hình thành ra cái quan niệm “sống đạo”
của cả một lớp người “Việt-Nam-Công-giáo” đi đạo như anh. Cả
các cuộc đấu tranh kiên cường của những Phật tử, người anh em của
anh. Và của cả những kẻ vô thần bơ vơ như tôi, cũng có thể gọi là
anh em của anh. Bởi vì như anh nói: giữa tất cả chúng ta, dù khác
nhau như thế nào đi nữa thì vẫn còn có một rừng sầu riêng đề gìn giữ
cho nhau. Vì nước ta còn đó.
***
Ca ngợi những người “dám sống chết cho lòng tin” của
mình, anh có nhắc đến Camilo Torres như một nhân chứng đã từng đi
trên con đường có “những vết chân quảng đại và chan hoà ánh sáng”,
nhưng lại không nói rõ việc vị linh mục này đã thể hiện lòng tin đó
bằng cách vào bưng gia nhập Đội quân Du kích Giải phóng Quốc gia,
chống lại những ngưởi cầm quyền Colombia thối nát, và đã tử đạo như
một chiến binh. Anh không nói rõ điều đó nhưng chúng tôi biết anh đã
thầm lặng muốn noi theo: tháng 4 năm 1968, là một linh mục nhưng
không xin phép ai, anh đã đồng ý ra bưng, sống mấy ngày liền ở một
vùng ven dưới những tiếng gầm rú khủng khiếp của máy bay và bom pháo
trong một trận càn của quân đội Sài Gòn. Không phải để trở thành một
“giải phóng quân” như Camilo Torres mà là để gặp một lĩnh tụ cộng
sản bàn tính một giải pháp hoà bình cho cuộc chiến đã kéo quá dài
trên đất nước.
Đúng vào những ngày hôm đó, bằng một đầu mối khác,
tôi cũng đã vào bưng như anh, đúng cái nơi mà anh đã vào và cũng đã
phải đi “chém vè” thục mạng dưới bom pháo dữ dội trong trận càn mà
anh đã gặp. Sau đó cùng một số anh em khác (có Châu Tâm Luân, Thiếu
Sơn…) anh trở về Sài Gòn, còn tôi thì ở lại, đội bom, nằm hầm bí mật
mấy tháng, suýt chết mấy lần mới được chuyển lên R rồi ở lại đó mãi
cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Cũng như anh, lúc đó tôi cũng đồng
ý ra bưng gặp những người cộng sản để tìm hoà bình cho đất nước (tôi
được cấu tạo như thành viên của một tổ chức có cái tên lòng thòng là
“Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam, khu
Sài Gòn Chợ Lớn, Gia Định”), tưởng hoà bình đã đến trong tầm tay,
nhưng rồi đã phải đợi chờ đến 7 năm sau mới có được nhưng với một
nội dung ngoài sự hình dung của anh và tôi vào những ngày Mậu Thân
năm ấy.
Từ một kẻ vô thần, trong thời gian ở lại trong chiến
khu, tôi đã trở thành cộng sản. Còn anh thì trở về để làm một linh
mục thân cộng. Cùng với nhiều trí thức Công giáo khác anh bị chính
quyền Sài Gòn kết tội là “nguỵ hoà”, viết lách, hành động “sặc mùi
cộng sản”. Nhưng với anh điều đó không có gì quan trọng. Chuyện hoà
bình và ngay cả chuyện “xã hội chủ nghĩa” nữa, Giáo hoàng Paul VI,
dù tỏ ra thận trọng, bấy giờ cũng đã có định hướng không hoàn toàn
tiêu cực. Còn chuyện “chống Mỹ cứu nước” mà anh công khai cổ vũ thì
lại chẳng cần nói thêm. Anh đã trình bày minh bạch trong những bài
viết của mình rồi: cộng sản hay không cộng sản, Công giáo hay không
Công giáo thì chúng ta đều là những người anh em của một đất nước có
chung một lịch sử và văn hoá, đều là những nạn nhân trong một cộng
đồng đang bị bom đạn Mỹ làm cho tuyệt giống nếu chiến tranh cứ như
thế mà kéo dài, và như vậy thì “chống Mỹ như người Việt cộng sản”
(US go home!) có gì sai trái để phải hoạnh hoẹ nhau, trừ phi người
ta cứ nhất định muốn làm lơ lái xe tăng cho Mỹ để tiếp tục bắn giết
anh em mình!
Những người chống cộng cuồng tín ngày nay, không cần
biết đến cái hoàn cảnh thực tế khắc nghiệt nào đã đẩy những người
như anh vào con đường hợp tác với cộng sản, nên sau 30.4.1975 thấy
anh lên tiếng phê bình quyết liệt cái thực thể chính trị mà anh đã
ủng hộ một thời, họ đã khơi lại những ngày đã qua của anh, buộc anh
phải “sám hối” cái tội lỗi mà họ cho là anh đã phạm phải trước đây,
như là “đâm sau lưng chiến sĩ”, “khuấy rối hậu phương” hoặc “giúp
cộng sản cưỡng chiếm miền Nam”… – giả định cái thực thể miền Nam ấy
là một địa đàng chỉ có sữa và mật tồn tại bên ngoài biên cương của
tổ quốc, một ốc đảo tự do hết cỡ, không hề có thối nát, độc tài,
không hề bị nửa triệu quân Mỹ giày xéo, không cùng chung số phận của
một dân tộc được Mỹ ban tặng cho 6 triệu tấn bom trong khoảng 5 năm
(từ 1965 đến 1970) từ Nam chí Bắc, tính trung bình một đầu người
hưởng được 200 kílô chất nổ “viện trợ”, chưa kể 200 kílô chất nổ
linh tinh khác! Trong những buổi nói chuyện với anh, anh cho biết
anh không quan tâm đến những thứ lý lẽ ngang phè của những người đó,
cho rằng đó chỉ là nỗi oán hận của những người theo Mỹ bị Mỹ bỏ rơi,
mất tất cả nên cần một thứ bung xung nào đó để chửi bới cho đỡ buồn.
Còn với những người cộng sản đã nhân danh một nhu cầu
an ninh nào đó mà họ cho là cần thiết để quản chế anh trong ba năm
(1990-1993) thì trước các đợt thẩm vấn và hỏi cung truy bức của họ,
anh cho biết anh đã nhất quyết không trả lời: tất cả những gì cần
nói anh đã nói hết trong các bài viết của anh, đặc biệt nhất là
trong mấy ngàn trang nhật ký mà họ đã tịch thu không hề trả lại cho
anh. Tôi đã đọc qua những cuốn nhật ký ấy cùng với tập hợp những bài
anh đã viết từ 1975 đến 2000 mang tên Hẹn thắp lên (Trình
bày, 2000) và nhận ra được ý nghĩa bao hàm trong thái độ ấy của anh
thật rõ ràng, đơn giản. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay,
những người cộng sản các anh đã suy thoái hoàn toàn trong quyền lực,
đã trở nên đối lập hoàn toàn với cuộc sống của nhân dân, các anh đã
trở thành chai sạn, không thể hiểu nổi lý do những người theo các
anh bây giờ đã phải chống các anh. Tôi không lập ra một tổ chức nào
để lật đổ các anh vì tôi không phải là người làm chính trị, nhưng là
người hoạt động trong lĩnh vực tinh thần, tôi không thể nào im lặng
được trước những sai lầm không thể nào biện minh được của các anh từ
đó đến nay.
Thái độ của anh với những người cộng sản cầm quyền
sau ngày 30.4.1975 như vậy vẫn nhất quán với tinh thần dấn thân
trước đây của anh: không thoả hiệp với bất cứ định chế nào tự biến
thành những lô cốt xa rời những khổ đau của con người, nhất là sơn
lên đó một màu ý thức hệ độc tôn để áp bức. Sự phản kháng của anh
thật gay gắt, nghiêm khắc, nhưng anh không phủ nhận những gì đã làm
trong quá khứ để chạy theo một thứ chủ nghĩa chống cộng cực đoan
đang nhen nhúm lại ở Việt Nam, nhất là sau khi Đông Âu và Liên Xô
sụp đổ. Về Hồ Chí Minh, chính anh đã thiết kế bìa, cho in và phổ
biến 3 đợt hơn 300 cuốn Từ Nguyễn Tất
Thành đến Hồ Chí Minh của tôi (2002, 2005), nhưng trong
thâm tâm vẫn kính trọng Hồ Chí Minh như một nhà yêu nước, nếu cần
phê phán những sai lầm của ông, anh khuyến khích một thái độ nghiêm
chỉnh và thận trọng. Về chủ nghĩa Marx, là người Công giáo anh hiểu
rõ ý nghĩa của nó, nhưng cũng là người dạy triết học anh không chấp
nhận được sự liều lĩnh của một số cây bút lên tiếng phủ định, chửi
bới một cách hồ đồ, hàng tôm hàng cá. Tính chất thực tế của cái chế
độ mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam là điều được anh quan
tâm nhiều hơn để phê phán, qua những biểu hiện hằng ngày trong đời
sống: với anh, đó chỉ là một thứ pháo đài ý thức hệ do những kẻ
cuồng ngạo, thống trị tạo ra để giam hãm ý thức con người, không
khác bao nhiêu những pháo đài khác đã xuất hiện trong lịch sử.
***
Cũng giống nhiều anh em khác, sự thức tỉnh dẫn đến
phản kháng của anh với chế độ cộng sản mà trước đây anh từng ủng hộ
là một quá trình không đơn giản. Trong mấy năm đầu khi đất nước mới
hoà bình, cùng vớí bao nhiêu người khác, anh đã tiếp đón những người
cộng sản chiến thắng với niềm hân hoan: cuộc chiến tranh đã chấm
dứt, Nam Bắc một nhà, từ đây chúng ta có quyền hy vọng cùng nhau xây
dựng một cuộc đời mới tốt đẹp hơn (biểu hiện rõ nhất trong thời anh
làm tổng biên tập tờ Đứng Dậy). Nhưng niềm hy vọng ấy đã dần
dà nhạt nhoà trong tâm thức của anh và của rất nhiều bằng hữu từng
đã cùng anh tranh đấu thời trước. Cái thực thể cộng sản của miền Nam
với những đặc trưng của một miền đất có truyền thống cởi mở đã bị
xoá bỏ nhanh chóng trong cuộc hiệp thương thống nhất để thay vào đó
là một lối quản lý mang từ miền Bắc vào vô cùng lạc hậu, độc tài, tự
tôn ngang ngược. Sự rạn nứt văn hoá bắt đầu dần dần trở nên căng
thẳng hơn về chính trị, qua những cuộc cải tạo tư sản thành thị, hợp
tác hoá nông thôn, với những kết quả cực kỳ tệ hại, làm cho một miền
đất dư thừa lúa gạo phải sống trong đói kém, khốn khổ như chưa bao
giờ như thế. Người ta bắt đầu bỏ nước ra đi bất chấp tù đày, nguy
hiểm, trong số đó có không ít những bạn bè thân thuộc của anh. Nhưng
anh vẫn ở lại, tiếp tục con đường đã chọn: quê hương của mình là nơi
nào còn lầm than, áp bức; giàu có, dân chủ là những thứ do mình tạo
ra chứ không phải do người khác ban cho.
Tôi bắt đầu hợp tác với anh trong cuộc chơi mới này
bằng một bài xã luận ký tên tạp chí Đứng Dậy (số Xuân 1978),
do anh đề nghị, phê phán sự hồ đồ của một số cây bút miền Bắc nhìn
Sài Gòn đâu cũng thấy “nọc độc của văn hoá thực dân mới”, coi thường
những nỗ lực của một miền đất biết bảo vệ nhân phẩm của mình trong
những tình thế khắc nghiệt. Bài viết này đã gây phản ứng của Viện
Văn học lúc bấy giờ với những hăm he trả đũa nghe rất ghê, nhưng
cuối cùng mọi việc đã chìm xuồng sau một bữa rượu anh em tiếp đón
viện trưởng Hoàng Trung Thông tại nhà tôi. Thái độ của Đứng Dậy
không phải riêng lẻ. Trong những cuộc hội thảo tại Hội Trí thức bấy
giờ cũng có những phản ứng tương tự, đặc biệt với sự thách thức rất
ngoạn mục của Nguyễn Trọng Văn. Nhưng tất cả rồi cứ dần dần xẹp
xuống vì bị trấn áp. Nguyễn Trọng Văn bị kiểm điểm nặng nề. Hai bài
viết của tôi trên Tin Sáng năm 1979 (“Bản chất của Đảng” và
“Sức mạnh của đất”) bị Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh đem ra đả kích
trong các lớp học tập chính trị: tôi bị hài tên ra như một thứ “Nhân
văn-Giai phẩm chống Đảng tinh vi”!
Cuối cùng thì Đứng Dậy đóng cửa, Tin Sáng
“hoàn thành nhiệm vụ”. Nhiều anh em chúng tôi phân tán đi kiếm ăn
linh tinh. Lúc này anh đã hoàn tục, lập gia đình, cũng tập tễnh làm
ăn bằng một nghề mới học: bán đồ gỗ cẩn xa cừ, nghe nói cũng chẳng
khấm khá gì. Diễm Châu thất nghiệp, đi bộ lang thang trên đường phố
vì mất xe đạp, trông thật nhếch nhác. Trần Tuấn Nhậm đi về miền Tây
dính dấp đến một vụ vượt biên và chết trong tù. Châu Tâm Luân đi
nhiều lần mới thoát. Thế Nguyên mở quán nhậu sau chết vì tétanos.
Hoàng Ngọc Biên bán cà phê, tụ họp anh em tán dóc cho vui. Sau khi
giao bản thảo cuốn sách có cái tên (cũng lòng thòng) Cuộc xâm
lăng văn hoá tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam
(1981) cho nhà xuất bản Văn hoá đã hợp đồng mấy năm trước, tôi khuân
tủ sách do vợ giữ được từ trước 1975 ra chợ trời bán lấy tiền đi
nuôi heo, nuôi cá, trồng nghệ, cuối cùng thì tự giam mình vào phòng
tối, kiếm sống bằng nghề rửa ảnh màu theo phương pháp thủ công, mặt
mày tái mét, mắt mờ đi vì hoá chất. Mặc dù đã bỏ Đảng mấy năm rồi,
nhưng lòng vẫn chưa dứt nợ: đêm nào cũng thức thật khuya đọc lại tác
phẩm của các ông… Karl Marx và Lenin!
Lâu lâu tôi cũng gặp anh và bạn bè, chẳng có việc gì
để nói với nhau ngoài những chuyện bâng quơ. Nhưng sau đó không lâu
chúng tôi đã có những ngày thật vui, từ khi Nguyễn Văn Linh lên làm
Tổng bí thư của Đại hội 6 (1986), theo luồng gió “perestroika” của
Liên Xô, tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sĩ và trí thức. Tôi có gặp
ông Linh mấy lần trong rừng hồi chiến tranh, rất có cảm tình với
ông; sau 1975 nghe ông lận đận, nay lên giữ vị trí chủ chốt quyết
tâm theo đường lối đổi mới, tôi từ giã phòng tối rọi ảnh, đem những
điều tự mình suy ngẫm được sau mười năm diện bích, “tái xuất giang
hồ” phấn đấu cho một thứ chủ nghĩa Marx “đích thực” mà lúc đó tôi
vẫn còn tin tưởng vào tính khả thi của nó (biểu hiện nơi những bài
tranh luận bênh vực Lê Ngọc Trà, Lại Nguyên Ân… về đổi mới lý luận
văn nghệ trên các báo Văn Nghệ, Sông Hương, Cửa
Việt).
Tôi gặp anh nhiều hơn trong những dịp tiếp xúc với
những văn nghệ sĩ ngoài Trung, Bắc vào Nam chơi và cũng thường rủ
nhau tới lui Câu lạc bộ những người Kháng chiến cũ chỗ ông Nguyễn Hộ
mua tài liệu, tụ tập nhau bàn tán những tác phẩm trên báo Văn
Nghệ (lúc bấy giờ do Nguyên Ngọc làm tổng biên tập, đứng sau
lưng là Trần Độ), chuyền tay nhau đọc những bản photocopy có nội
dung “nhìn lại” từ căn bản những sai lầm về lý luận của cả một thời
đen tối đã qua. Bài viết chuyền tay mang tên “Chủ nghĩa xã hội Việt
Nam: di sản và đổi mới” của tôi xuất hiện 1990 đã được vài tờ báo
trong trong nước đăng lại (đầy đủ nhất trên tờ Phát triển Kinh tế
do Đào Công Tiến, hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ
Chí Minh, làm tổng biên tập), từ đó lưu chuyển ra nước ngoài trên
một số báo của Việt kiều. Cùng nhịp với những hoạt động của phong
trào, đặc biệt của Câu lạc bộ những người Kháng chiến cũ trong Nam,
anh cũng sát cánh với linh mục Chân Tín vận động cho đổi mới trong
phạm vi tôn giáo của anh: ngoài bức thư của một số trí thức Công
giáo gửi Giáo hội đề nghị giữ thái độ độc lập hơn với Nhà nước, anh
có phụ giúp linh mục Chân Tín, từ nhà thờ Chúa Cứu thế, phát ra mấy
bài giảng kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam “sám hối”, từ bỏ đường lối
giáo điều khắc nghiệt cũ, tạo dựng lại một đất nước dân chủ, nhân
đạo cho nhân dân…
Nhưng rồi mọi việc đã bị chặn lại theo lệnh của
Nguyễn Văn Linh khi ông này nhận ra cái nguy cơ đi theo đường lối
kiểu Liên Xô: bức tường Berlin sụp đổ, phong trào dân chủ ở Đông Âu
phát khởi… đang có xu thế lan tràn làm sụp độ toàn bộ “phe ta”. Từ
chỗ thúc đẩy đám lính tráng của ông tấn công vào những vùng cấm tạo
ra trì trệ, suy đồi, ông quay ngoắt lại dập tắt khí thế của họ bằng
những biện pháp trấn áp thô bạo. Hàng loạt tổng biên tập theo đường
lối của ông trước đây (Nguyên Ngọc, Tô Hoài, Kim Hạnh, Bùi Minh
Quốc, Tô Nhuận Vĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường…) bị cách chức, chuyển công
tác. Tạp chí Phát triển kinh tế của Đại học Kinh tế Thành phố
Hồ Chí Minh bị đình bản một thời gian, Đào Công Tiến phải viết tường
trình. Dương Thu Hương (bấy giờ sắc sảo nhưng không ngoa ngoắt như
bây giờ) sau khi vào Sài Gòn gặp gỡ hàng loạt những văn nghệ sĩ trí
thức để vận động đa nguyên, khi trở ra Hà Nội một thời gian thì bị
bắt. Câu lạc bộ những người Kháng chiến cũ bị thanh lọc. Tờ báo của
Câu lạc bộ bị đình bản tiếp theo việc Nguyễn Hộ bị bắt cùng với mấy
anh em cộng sự như Tạ Bá Tòng, Hồ Hiếu, Đỗ Trung Hiếu… Việc anh bị
quản chế tại nhà, linh mục Chân Tín bị đưa đi cô lập ở Cần Giờ vào
thời gian này cũng nằm trong không khí trấn áp chung đó.
Sự đột ngột chuyển đổi đường lối của Đảng Cộng sản
lúc bấy giờ (từ Liên xô sang Trung quốc) đã làm phân liệt xu hướng
“đổi mới” ra đời từ Đại hội 6. Bên cạnh một số nghe lời Đảng trở cờ
đấm đá bạn bè là khá đông những người quay về im lặng, chờ thời.
Nhưng cũng có một số tiếp tục con đường đã mở ra và đi cho đến cùng,
không quay đầu trở lại, trong Nam có những Nguyễn Ngọc Lan, Chân
Tín, Nguyễn Văn Trấn, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc và một số anh em
khác. Cuộc chơi mới đã được đẩy mạnh hơn lên khi mọi chuyện trong
quá khứ đã được nhìn lại từ nền móng. Bài viết chuyền tay của tôi
“Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mácxít” xuất hiện năm 1994 đặt lại
tính chất không tưởng của học thuyết Marx, cùng với sự bất toàn của
việc du nhập chủ nghĩa Lenin vào Việt Nam, đã đi theo xu thế lý luận
đó. Một chiến dịch phản kích được Ban Văn hoá Tư tưởng của Đảng mở
ra, liệt bài viết ấy vào loại dao động, “phủ nhận con đường do Bác
Hồ và nhân dân ta đã chọn”. Nhưng tác dụng chẳng đi đến đâu: khác
với cánh cửa nhà tù, khi cánh cửa tư tưởng đã mở ra rồi thì không
bao giờ có thể khép lại được nữa. Đối với chúng tôi, từ đó trở đi
chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đã mất hoàn toàn tính chính đáng để
tồn tại.
Sau những ngày bị quản chế ẩn nhẫn trong việc viết
nhật ký, anh đã tìm được công việc mới của mình: hợp tác chặt chẽ
hơn với tạp chí Tin Nhà của Đỗ Mạnh Tri là người bạn cũ của
anh ở bên Pháp. Trong khi viết bài và rủ thân hữu cùng viết bài, anh
còn tổ chức nhân bản lại Tin Nhà để phổ biến cho anh em quen
biết trong nước. Sau khi Tin Nhà đóng cửa, để duy trì cho
được một tiếng nói phản kháng tồn tại ngay trong lòng Sài Gòn, anh
đã vận động cho sự ra đời của Thư Nhà để tiếp tục (do linh
mục Chân Tín, sau đó là linh mục Hồ Đỉnh làm Tổng biên tập). Tôi hợp
tác chặt chẽ với anh nhiều hơn: một số bài viết được xem là “nặng
đô” của tôi đã xuất trên hai tờ báo này, trong đó có những bài gây
nhiều phiền phức cho anh là những tiểu luận viết về Hồ Chí Minh như
một huyền thoại. Một số bạn bè thân cận đến nhà anh nhận những tờ
báo có những bài viết nói trên đã bị công an chặn đường tịch thu rồi
sau đó bị giải đi “làm việc” dài dài.
***
Anh cặm cụi vào công việc không nghỉ ngơi, vì thế đã
theo tuổi tác mà dần dần kiệt sức. Anh bị bệnh chai phổi, ăn uống
không được, sút cân trầm trọng, cả năm trời phải thở bằng oxy, cuối
cùng chịu đựng không nổi anh đã thiếp dần…
Đám tang của anh tổ chức tại căn phố nhỏ của anh tại
Sài Gòn, lặng lẽ nhưng sum vầy đầy đủ những người thân yêu, học trò,
bằng hữu, chiến hữu, thuộc đủ thế hệ và tín ngưỡng, trong đó tôi
thấy có nhiều người đồng đạo một thời đã xa lánh anh vì nhiều lý do,
và cùng với họ là những đảng viên cộng sản đương quyền lẫn mất
quyền.
Tôi không biết những người đi theo cái xe tang màu
xám nhỏ trên đó đặt cái quan tài nhẹ tênh của anh đã nghĩ ngợi gì về
những dấu vết anh để lại trên những con đường anh đã đi khi còn sống
– thương yêu, kính phục, oán giận, hoà giải, xin anh tha lỗi hay tha
lỗi cho anh – nhưng trên con đường dẫn về nơi có một chỗ “ngả đầu”
vĩnh viễn cho anh, tôi biết chắc một điều này khi nói chuyện với họ:
mọi cái có thể qua đi nhưng cái còn lại đích thực là sự trung chính
của một con người.
Một người chuyên lo chuyện đời sau cho người khác,
trong chuyện đời này lại gây ra không biết bao nhiêu tranh cãi, vậy
mà tất cả đều chấm dứt trong điều đơn giản như vậy, và như vậy thì
cũng quá đủ cho anh để anh khỏi cần tranh cãi nữa khi ra đi,
người anh em của tôi!
Diễn Đàn 3.4.2007
Posted in: Chính Trị,Lữ Phương
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét