Cách đây khoảng hơn chục năm, Ban Đại diện Cộng đồng của người Việt Quốc Gia ở Houston đã kiến nghị với thành phố để xin lập những bảng tên đường mang ngôn ngữ Việt Nam.
Hồi đó, ai là người Việt Nam cũng náo nức, phấn chấn. Nhất là Ban Đại diện các đoàn thể, các Binh chủng của Hội cựu tù nhân chính trị. Có thể nói là hầu hết những người Mỹ gốc việt ở đây và các nơi trên nước Mỹ, đều hoan hỷ vận động bà con đồng hương đóng góp tiền bạc để giao nộp cho thành phố, mong người Việt ở đây sớm có tên đường mang danh những anh hùng liệt nữ đã có công đóng góp xương máu bảo vệ Tổ quốc như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng .v.v. . .
Tinh thần mang quê hương hiện diện nơi đất khách quê người là một tình cảm, là một khát khao của chúng ta rất đáng trân trọng. Vì ai nấy, tuy xa quê nhưng lòng vẫn hướng về đất nước nơi chôn nhau cắt rốn. Thứ nước thánh làm dịu đi bao đau đớn, nhớ thương, mất mát , đổ vỡ trong cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc đã qua, thời gian đã hơn 40 năm vẫn như còn đâu đây. Không thể quên được. Nếu có quên chăng , thì chỉ những thế hệ sinh đẻ sau này, họ lớn lên trên đất nước đã cưu mang họ. Và lúc đó việt Nam không còn thuần khiết là một quê hương duy nhất . Có còn chăng chỉ là một bàng bạc quê người.
Nay bảng tên đường mang tên danh nhân Việt Nam ở vùng Downtown vẫn còn, song song với những tên danh nhân của dân tộc Mỹ. Nhưng tên đường VN đã bị lu mờ theo tiến trình thời gian. Vì chẳng ai dùng đến! Dù là người Việt Nam chúng ta với nhau. Trong những giao tiếp chính thức , công cộng, hay thư tín , bưu điện.
Thực ra, chính quyền thành phố muốn ưu ái với những sắc dân có nhiều người sinh sống ở đây, như những cư dân Mỹ gốc Tàu hay Phillipine, Ấn Độ chẳng hạn. Trong những chương trình giúp đỡ về phúc lợi xã hội, cấp dưỡng thực phẩm (foodtamp), y tế, thuốc men . . . Riêng tên đường trong thành phố, chỉ có hai sắc dân là Trung Hoa và Việt Nam là được ưu tiên để được dùng để đặt tên đường. Nơi có nhiều người Tàu và người Việt Nam sinh sống. Chẳng qua là các ông nghị viên thành phố ở đây muốn lấy lòng hai sắc dân này để kiếm phiếu , nên họ mới vận động xin đặt bảng tên đường vậy thôi.
Nhất là những năm, khi có mùa bầu cử ở địa phương sắp tới. Vì người Mỹ gốc Tàu và người Mỹ gốc Việt đều muốn ra ứng cử và đã có người được bầu làm nghị viên thành phố và dân biểu.
Việc các Chính trị gia vận động để thành phố chấp thuận đặt tên đường bằng tên Việt Nam. Lúc đầu những sắc dân khác có phản đối. Nhưng cuối cùng, thì tên Việt Nam đã được biểu quyết chấp thuận. Vì ông Dân biểu Huberd Vo là người Việt Nam đã đắc cử chức vụ dân biểu tiểu bang suốt 4 nhiệm kỳ. Và ông Richard Nguyên hiện là đương kim nghị viên thành phố.
Điều cốt lõi để được làm bảng tên đường, là đã đóng đủ tiền chi phí và làm bảng tên đường cho nhà thầu thành phố!
Nhiệm kỳ nghị viên thành phố kỳ này sắp sửa được bầu lại, ngày 4- 11, người ta lại thấy bảng tên đường mang tiếng Việt Nam ở vùng Southwest Houston lại được tiếp tục xin xỏ. Vùng có nhiều người Mỹ gốc Việt sinh sống lại được quí ông dân cử kêu gọi đồng hương quyên góp một số tiền khá lớn (trên 100 ngàn Mỹ kim) cho việc chi phí làm bảng tên đường.
Hình như Bảng tên đường Việt Nam là lợi khí “ru ngủ“ một số người , dùng làm phương tiện đấu tranh này nọ mục đích dùng để kiếm phiếu trong kỳ bầu cử Nghị viên Hội Đồng Thành phố sắp tới đây.
Chức vụ dân cử chúng ta cần phải bầu cho người xứng đáng, có tài, có đức và có lập trường Quốc gia chánh trị rõ ràng chứ không phải là chỉ vì mấy bảng tên đường mị dân này nọ để lừa gạt một số người cả tin, nhẹ dạ, chỉ phục vụ cho lợi ích phe nhóm. Còn cá nhân của Y thì khả năng không đủ để lãnh nhận trọng trách mà đồng hương giao phó.
Mục đích của bài viết này không nhằm để cổ vũ hay hạ bệ một ai, nhưng quá trình thời gian nhiệm kỳ vừa qua, cử tri đều đã rõ, vì chúng ta đóng thuế để trả lương cho họ. Tôi không muốn đi sâu vào vấn đề tế nhị này.
Theo sự suy luận của nhiều người Việt , nếu bảng tên đường mang tên chữ Việt thì khỏi mang tên chữ Mỹ và ngược lại. Thí dụ : Đại lộ Sài Gòn thì không còn Đại lộ Bellaire, hay đường Nguyen Khoa Nam thì không còn tên Beechnut St nữa. Chứ một con đường mà mang tên cả Mỹ lẫn Việt Nam thì không còn ý nghĩa gì. Vì tên chữ Việt Nam chẳng ai gọi. Ngay cả người Việt Nam với nhau! Vì trước đây những bảng tên đường ở Downtown Houston cho đến nay, chẳng ai gọi bằng tên Việt Nam . Mà có gọi cũng không ai biết con đường đó nằm ở đâu. Thư từ bưu điện lại không được sử dụng bằng tên . . . nước ngoài là tên Tàu hay tên Việt Nam.
Việc dùng tên chữ Việt đặt cho những con đường ở Southwest Houston hiện nay là không có ích lợi thiết thực (vì không có ai dùng) như đã nói ở trên. Và rất tốn kém. Nếu chúng ta dùng số tiền lớn (trên 100 ngàn Mỹ kim) này, để hỗ trợ cho những người và những tập thể, những công việc đấu tranh cho Tự do Dân chủ ở trong nước, hay dùng số tiền đó để cứu giúp những người dân ở trong nước đang bị đói hay bạc đãi thì sẽ có ý nghĩa nhiều hơn, lợi ích nhiều hơn.
Nếu việc vận động đặt tên đường Việt Nam có lợi chăng, chỉ là những Thành tích dùng để tranh cử mị dân của những người muốn ra ứng cử này nọ, như Chủ tịch Cộng đồng, Dân biểu, Nghị viên vậy thôi. Hoặc giả có thể để ve vuốt một số người “ yêu nước “ rởm.
Ở đây chúng ta cũng cần nói lại cho rõ . Tên của những vị Tướng đã tuẫn tiết sau ngày 30- 4- 75 mà Ủy ban của ông Nghị viên Richard Nguyên dùng để đặt tên đường, được sánh ngang tầm với những thành tựu của những vị anh hùng cứu quốc từ ngàn xưa, có công dựng nước và giữ nước , đã được lịch sử công nhận. Cần phải xem xét lại.
Thành tích của những vị tướng tuẫn tiết đó thật đáng được kính trọng. Nhưng những cái chết đó, chỉ sau khi tên Tổng thống bù nhìn Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng trên đài phát thanh Việt Nam , đồng thời kêu gọi các đơn vị và chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa giao nộp vũ khí cho (Cách mạng) Việt cộng, vì lệnh của ai đó đứng đằng sau thúc ép. Trong khi Vùng 4 Chiến thuật và Quân Đoàn 4 của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam vẩn còn vũ khí, quân lương và binh sĩ , đã chấp hành lệnh của Dương Văn Minh buông vũ khí không chiến đấu. Chết , chứ không đầu hàng giặc!
Chúng ta sẽ kính phục biết bao. Nếu Tướng Nguyễn Khoa Nam và các vị Tướng Tư lệnh khác ở Quân Đoàn 4 , Vùng 4 Chiến thuật còn tiếp tục chiến đấu cho đến khi không còn khả năng chống cự được với Cộng quân nữa . Thì việc tự sát quên mình của các vị ấy hoàn toàn vì Nước vì dân “ Tướng chết theo thành “ như Hoàng Diệu làm uy danh cho mầu cờ sắc áo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đằng này các vị tuẫn tiết vì những lý do có thể lý giải như ; Chấp hành mệnh lệnh cấp trên theo Quân kỷ , hay không muốn làm tổn thất thêm, hy sinh thêm những chiến sĩ khác , hoặc vì tự ái hoặc sợ bị cộng sản bắt , làm mất danh dự của một vị tướng . . . Hay thà chết chứ không chịu hàng giặc .v.v. . .
Hành vi Tuẫn tiết của các vị tướng tá sau ngày 30 -4 – 75 , tất cả chúng ta đều ngậm ngùi và rất kính phục . Nhưng những hy sinh to lớn đó, có được gọi là Chết để bào vệ Tổ Quốc vì chống xâm lăng hay không? Sau này sẽ do lịch sử phẩm định. Chứ không thể vì cảm xúc nhất thời mà đánh đồng với những hy sinh lớn lao của các bậc anh hùng liệt nữ khác như Trần Hưng Đạo , Hai Bà Trưng , Quang Trung .v.v. .. Và gần đây nhất là sự hy sinh anh dũng chống quân Trung quốc xâm lược của Thiếu tá Hải quân QLVNCH Ngụy Văn Thà.
© Quỳnh Thi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét