Theo TNO
Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015
Bí ẩn Lăng Cha Cả
23:04
Hoàng Phong Nhã
No comments
Ngày trước đi xe, lơ hay hỏi
khách: “Ai có đi Lăng Cha Cả không?” để thu tiền vé. Sở dĩ có cái tên
Lăng Cha Cả vì nằm ở cuối đường Eyriaud des Vergnes (sau đổi là Trương
Minh Ký) nay là vòng xoay Lê Văn Sỹ – Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình,
TP.HCM).
Lăng Cha Cả xưa – Ảnh: Tư liệu của tác giả
Nguồn gốc tên gọi…
Trước 1975, tại ngã tư Lê Văn Sỹ – Hoàng Văn Thụ có một khu đất
rộng khoảng hai ngàn thước, ở đó có mộ phần giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau
de Béhaine) là một người Pháp đã sang giúp Nguyễn Phúc Ánh chống lại
quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ. Năm 1980, vì địa phương cần chỉnh trang
đường lộ thành phố nên toàn phần mộ được dời đi nơi khác. Những người
khai mộ lúc đó cho biết khi khai quật, người ta còn thấy đầy đủ cả thánh
giá bằng vàng tây lớn với chiếc gậy vàng của giám mục cùng những mề đay
của nhà nước Pháp – Nam khi trước đã trao tặng Đức cha Bá Đa Lộc.
Theo tư liệu xưa, Bá Đa Lộc chỉ là tên Việt được phiên âm từ tên
Pigneau de Béhaine. Tuy nhiên, có tác giả còn cho rằng: Bá Đa Lộc tức
Đức cha Adran. Vậy Adran là tên thật hay chỉ là danh hiệu? Tài liệu lưu
trữ của Hội Thừa sai truyền giáo Paris (Pháp) ghi: Pigneau sinh ngày
2.11.1741 tại làng Origny, tỉnh Aisne (miền bắc nước Pháp). Pigneau còn
nhỏ chỉ được theo học tại một chủng viện tại tỉnh nhà Aisne. Học hết
tiểu chủng viện, rồi lên Đại chủng viện Paris. Năm 1765 Pigneau tình
nguyện xin đi Viễn Đông để làm nhiệm vụ truyền giáo, và được bổ nhiệm
tới VN. Tới nơi, Pigneau làm giáo sư chủng viện tại Hòn Đất thuộc tỉnh
Hà Tiên nhưng năm 1770, tình hình đất Hà Tiên bất ổn, vì lúc đó quân Tây
Sơn đang hành quân đánh quân Nguyễn Vương (tức Gia Long). Pigneau phải
lánh nạn sang Ấn Độ. Pigneau là một linh mục trẻ tuổi, thông minh (đã
soạn cuốn Tự điển Việt Nam – La tinh – 1772) nên năm 1771 được Tòa thánh
La Mã chọn làm Giám mục phó Tổng tòa địa phận Đàng Trong tại VN. Tới
ngày 24.2.1774, Pigneau de Béhaine được nhận lễ tấn phong giám mục, và
từ đây Pigneau lấy hiệu tòa là Adran. Theo thông lệ, khi một linh mục
được phong chức giám mục thì phải chọn một tên hiệu gọi là hiệu tòa, nên
khi viết về Đức cha Bá Đa Lộc trong sách, báo Pháp viết là L’Eveque
d’Adran, hoặc Monseigneur Adran. Tiếng Việt gọi là đức cha hay giám mục.
Như vậy, dịch nguyên chữ L’Eveque d’Adran và Đức cha Adran hay giám mục
Adran cũng vậy.
Vì vị tu sĩ đứng đầu trong địa phận nên dân gian gọi cha cả. Còn
chữ Bá Đa Lộc là phiên âm từ tiếng Trung Quốc sang, lấy từ chữ Pedro
(hoặc “Vê rô”) và nếu phiên âm VN là chữ Pedro (Phê rô) mà ngày nay
người ta thường dùng.
“Bí ẩn” bia mộ
Mọi người đều cho rằng Lăng Cha Cả là mộ phần nơi chôn xác của Bá
Đa Lộc (mất năm 1799) từ đó đến nay. Trong tác phẩm Công giáo Đàng Trong
của TS sử học, linh mục Trương Bá Cần, viết: “Giám mục Pigneau được an
táng trong một khu vườn lúc sinh thời đã có nhà nghỉ mát của người, hiện
nay nằm ở đầu đường Lê Văn Sỹ nơi quen gọi là “Lăng Cha Cả”. Nhà Vương
đã cho xây lăng trên ngôi mộ, gồm một nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ
ván quý, có tường bao quanh ở phía trước là một tấm bia đá lớn ghi tiểu
sử và công đức của vị giám mục”. Báo Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh số
phát hành tháng 2.1925, trong bài Bá Đa Lộc: Mộ ông hiện nay ở đâu?,
tác giả Vương Gia Bật bật mí: “Làng Ngọc Hội cách thành phố Nha Trang 3
km ở phía trước mộ có một cái miếu nhỏ hai bên khắc Khắc cốt báo thâm
ân. Ở giữa đề chữ “Bá Đa Lộc chi mộ”, cũng bằng chữ Hán, phía sau cái
miếu này có khắc cây thánh giá”. Ngày 13.3.1925 quan công sứ và linh mục
nhà thờ Bình Can (Nha Trang) đã ra lệnh đào để khám xét, đào mất một
buổi mai và nửa buổi chiều mới thấy bên trong, đào lên thời xương mục,
lượm lặt được một sàng vung gạo xương đã mục và một cái hàm còn dính 3
cái răng nhưng không phải liền nhau, 2 cái khít một chỗ còn cái kia thì
cách khoảng, ngoài ra còn hai, ba cái rơi ra ngoài nữa.
Như vậy, mộ Đức cha Bá Đa Lộc chôn ở Nha Trang, còn mộ Lăng Cha Cả ở
Tân Bình, có lẽ vì thời đó nhà Nguyễn phải lo đối phó nhà Tây Sơn nên
việc chôn cất xác Bá Đa Lộc giấu kín không cho ai biết bằng cách làm đám
tang thật lớn để che mắt, lại cho dựng lăng ở Gia Định để đánh lạc
hướng. Đến năm 1925, người Pháp mới cho cải táng mả thực của Đức cha Bá
Đa Lộc ở Nha Trang, rồi mang cốt về chôn ở Gia Định chỗ nghĩa trang các
vị thừa sai Pháp mà trước đó đặt là Lăng Cha Cả.
Theo TNO
0 nhận xét:
Đăng nhận xét