Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Phụ nữ Việt Nam thích… bạo hành?

Thật bi hài, nhiều phụ nữ nhất là ở các vùng sâu vùng xa, dân tộc miền núi hay vùng nông thôn, khi bị chồng bạo hành, họ lại nghĩ rằng đó là một cách thể hiện tình cảm của người đàn ông, chứng tỏ bản lĩnh khí chất mạnh mẽ của đàn ông?
Theo truyền thống phương Đông xưa nay, người phụ nữ thường là cái sân sau của người đàn ông, là người xây tổ ấm, người nâng khăn, sửa túi cho chồng. “Xuất giá tòng phu” nên để êm cửa êm nhà, không thì “xấu chàng hổ thiếp” họ âm thầm chịu đựng, hy sinh, nhẫn nhục, không dám đấu tranh, phản ứng ngay cả với những điều vô lý nhất…
Phụ nữ VN không muốn bình đẳng giới?
Và vì thế hơn 50% phụ nữ chấp nhận cho chồng bạo hành- như con số nêu ra trong cuộc Hội thảo công bố Kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em – phụ nữ (MICS) được tổ chức vào ngày 4/9/2015 tại Hà Nội. Phải chăng phụ nữ VN không muốn bình đẳng giới, và vẫn muốn lưu giữ truyền thống từ thời phong kiến xa xưa, tuân thủ “tam tòng tứ đức”, “xuất giá tòng phu”? Chính vì thế mà dù có bị ngược đãi, bạo hành, họ vẫn cứ chịu đựng xem như chuyện bình thường?
Số liệu quốc gia công bố gần đây cho thấy gần 60% phụ nữ VN từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. 87% nạn nhân chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Mặc dù, nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế đều có một nhận xét chung: VN đã có nhiều hành động nhằm giảm bớt sự kỳ thị và bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Trong khu vực ASEAN và Đông Á, VN đứng ở ngôi vị thứ hai về mức độ bình đẳng giới. Những hành động này thậm chí đã được thể chế hóa thành chính sách nhà nước, thành văn bản luật, đơn cử như Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2007, và mới đây là Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Với hơn 50% dân số và gần 49,50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước.
Nhưng trong thực tiễn, tiếc thay, kết quả khảo sát cho thấy 50% phụ nữ cho rằng người chồng có đủ lý do để đánh vợ, điều này phổ biến hơn ở những hộ gia đình nghèo và phụ nữ có trình độ giáo dục thấp.
Trong rất nhiều diễn đàn về hôn nhân gia đình trên truyền thông, đại đa số phụ nữ VN đều cho rằng một khi đã có gia đình, cho dù có chức vụ vị trí ngoài xã hội thì cũng phải chu toàn việc nhà, phải biết “phu xướng phụ tùy”dù chồng có thể kém hơn mình ở nhiều phương diện…
bao hanhTình trạng bạo lực đối với phụ nữ  VN tồn tại khá nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Lý do tế nhị hơn, thuộc về tâm lý, gần như phụ nữ VN nào có gia đình đều thích khoe những gì hạnh phúc vui vẻ trong hôn nhân, không ai chịu phô bày những bất hòa trong gia đình mình ngay cả với người thân ruột thịt.
Mặc dù bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu diếm. Bên cạnh sự kỳ thị và sự xấu hổ khiến cho phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là một điều bình thường và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình.
Thậm chí, thật bi hài, nhiều phụ nữ nhất là ở các vùng sâu vùng xa, dân tộc miền núi hay vùng nông thôn, khi bị chồng bạo hành, họ lại nghĩ rằng đó là một cách thể hiện tình cảm của người đàn ông, chứng tỏ bản lĩnh khí chất mạnh mẽ của phái mạnh.
Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động
Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Phụ nữ LHQ cho biết: “Ở VN 87% nạn nhân bạo lực gia đình không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan chính quyền, dịch vụ chính thống. Điều đó cho thấy mức độ tin tưởng vào hệ thống tư pháp không cung cấp cho họ sự đảm bảo, giải pháp giúp đỡ”…
Việt Nam đã ban hành Luật phòng chống bạo lực gia đình từ năm 2007, tuy nhiên khuôn khổ pháp chế hiện nay chưa cấm toàn diện, hình sự hóa các hình thức bạo lực với phụ nữ. Nhiều chính sách phát luật tốt nhưng triển khai chưa đáp ứng thực tiễn.
Nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế. Chế tài thực hiện Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.Một số văn bản hướng dẫn, thể chế hóa quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới chậm được ban hành.
Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ  VN tồn tại khá nghiêm trọng. Nhưng ngay các cơ quan tư pháp và cả các tổ chức xã hội ở VN không xem vấn đề này thuộc về tội phạm hình sự mà cho rằng nó thuộc về những quan hệ hành chính, quan hệ gia đình đơn thuần.
Trong số những người tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan pháp luật như công an hay các tổ chức xã hội thì chỉ 12% số người có được các hình thức xử phạt tại tòa hình sự, 60% về hòa giải. Chỉ có 8% nạn nhân được cán bộ tư pháp, pháp lý trợ giúp.
Và rất đáng lưu ý, chỉ có 37% người được phỏng vấn cho rằng bạo lực gia đình là một dạng tội phạm, đa phần đều cho đây là hành vi sai nhưng không phải là tội phạm.
Rõ ràng, đấu tranh để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong xã hội cho dù vào thời @ là cuộc đấu tranh còn nhiều khó khăn, nhất là nó phụ thuộc vào tư duy, nhận thức của ngay người trong cuộc, cho tới các cơ quan có trách nhiệm. Tàn dư hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo “trọng nam khinh nữ” vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận dân chúng, nhất là ở những vùng, miền còn nặng về hủ tục lạc hậu, và một bộ phận dân trí thấp, kể cả ở một bộ phận cán bộ có học vấn địa vị xã hội cao.
Việc đầu tiên thiết nghĩ chính là Luật nên “hình sự hóa” bạo hành gia đình để có mức xử phạt nghiêm khắc, xem như đây là loại tội phạm đặc biệt trong gia đình.
Ngoài ra các tổ chức xã hội cũng cần phải có trách nhiệm luôn theo sát hỗ trợ cả về tư pháp, kết hợp giáo dục, tư vấn, tham vấn đối tượng có nguy cơ xảy ra bạo hành gia đình, để phòng tránh trước khi xảy ra vụ việc.
Không riêng gì với phụ nữ mà với cả nam giới, việc nâng cao kiến thức, văn hóa, nếp sống văn minh phải luôn được tiến hành, không chỉ khi trưởng thành mà ý thức đó phải được giáo dục từ trong nhà trường phổ thông.
Nhưng quan trọng nhất, phụ nữ- đối tượng chính của bạo hành gia đình, ngoài việc được các tổ chức xã hội, luật pháp bảo vệ thì chính họ cũng phải biết thay đổi tư duy “xuất giá tòng phu” nhận thức đúng quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội, để có thể không trở thành nạn nhân của chính chồng họ.
Theo Hoài Hương (Tuần Việt Nam)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét