2. Nguyên lý:
Liệu pháp ám thị được tiến hành khi người bệnh trong trạng thái thức tỉnh.
2.1. Sự truyền đạt và tiếp nhận thông tin:
Ám thị là một sự truyền đạt và tiếp nhận thông tin một cách đặc biệt:
• Thông tin được bệnh nhân tiếp nhận không phê phán, không nhào nặn, ý chí bị động, không cưỡng lại được.
Trong cuộc sống, cơ thể cùng một lúc nhận số lượng thông tin rất lớn, có khi mâu thuẫn nhau. Đa số các thông tin đã được đánh giá một cách vô thức, tự động và được chọn lọc. Nhờ vậy cơ thể có thể tránh được những phản ứng không liên quan đến nó, đó là những tín hiệu mang thông tin sai lạc, không chủ yếu. Do đó ý thức không bị quá tải.
Điều này cho thấy, không phải mọi thông tin đều có tác dụng ám thị, vì vẫn có sự đánh giá, chọn lọc một cách vô thức, tự động. Những thông tin có tác dụng ám thị là thông tin được bệnh nhân tiếp nhận không phê phán.
• Thông tin trong ám thị có thể gây ra cảm giác, biểu tượng, tưởng tượng, tác động cảm xúc, thúc đẩy ý chí và thay đổi chức năng thần kinh mà không có sự tham gia của bệnh nhân.
2.2. Tính chất thông tin trong ám thị:
Trong ám thị, người bệnh được tiếp nhận hai loại thông tin:
• Thông tin chủ yếu:
Đây là thông tin quyết định nội dung của ám thị. Đó chính là ngữ nghĩa của lời nói. Trong ám thị, tất nhiên người bệnh phải hiểu ngôn ngữ.
Thí dụ: “Anh (hay chị) sẽ hết cơn co giật sau đây một phút”, hoặc “Anh (hay chị) sẽ khỏi câm và sẽ nói được sau khi thấy nóng khắp người”.
• Thông tin bổ sung (hay thông tin kiểm tra):
Thông tin này có tác dụng làm tăng tính xác thực, tức là tăng hiệu quả của thông tin chủ yếu.
+ Giọng nói càng quả quyết, càng tự tin thì tác dụng càng lớn.
+ Sử dụng các biện pháp hỗ trợ: thuốc, châm cứu, điện châm, … làm tăng hiệu lực của ám thị.
Lưu ý:
- Thông tin kiểm tra sai lạc là cơ sở tác dụng của placebo. Placebo là một loại thuốc được sản xuất giống hình dáng của một thuốc nào đó, nhưng không có chất thực sự của thuốc đó. Tuy không phải là thuốc thực sự, nhưng bệnh nhân uống vào vẫn có tác dụng điều trị ở mức độ nhất định. Ở đây bệnh nhân đã gán cho một chất có cái hiệu lực chữa bệnh mà thực ra nó không có. (Đây là cơ chế tự ám thị).
- Sự tiếp nhận các thông tin một cách nguyên vẹn, không nhào nặn, không phê phán, ý chí bị động không cưỡng lại là đặc điểm của trẻ nhỏ. Khi lớn lên, qua tư duy logic, đã có sự nhào nặn, phê phán thông tin.
Tuy nhiên, khả năng ám thị và chịu ám thị là đặc điểm cho mọi người. Trong giao tiếp hàng ngày, mọi người đều có ám thị lẫn nhau. Ám thị có vai trò lớn trong giáo dục, trật tự xã hội, dư luận xã hội.
2.3. Cơ chế ám thị:
Theo Pavlov: ám thị là hưng phấn tập trung mạnh ở một điểm hay một vùng của bán cầu đại não, sinh ra phản ứng cảm xúc âm tính bao quanh, làm tách rời nó với mọi ảnh hưởng, mọi liên tưởng phê phán.
Nhận xét:
- Ám thị tăng ở những người mê tín, chậm phát triển tâm thần nhẹ, nghiện, suy kiệt, suy nhược, loạn thần kinh chức năng.
- Người ám thị càng có uy tín thì thông tin càng ít bị phê phán. Các thông tin bổ trợ rất cần để tăng tính ám thị, tạo khả năng ám thị hàng loạt.
- Cơ sở của ám thị là tư duy hình tượng nhuốm màu cảm xúc. Người ám thị mô tả bằng lời nói gây ra một biểu tượng trên một con người đang ở trong trạng thái trực cảm, xúc động, phù hợp, thúc đẩy người đó đến trạng thái hoặc hành động nhất định.
2.4. Chỉ định:
Các rối loạn tâm căn: rối loạn phân ly, đau tâm sinh, tic, …
Cắt cơn nghiện thuốc lá, rượu, ma tuý.
Một số rối loạn tâm thể: viêm đại tràng co thắt, hen tâm thể.
Chống chỉ định:
- Các bệnh loạn thần.
- Các bệnh thực thể.
- Các bệnh tâm thể nặng.
- Rối loạn nhân cách.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét