“The Feminine Mystique” (tạm dịch “Phụ nữ lý tưởng”) là một trong những quyển sách có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, được biết đến như nguồn gốc sự khởi đầu của phong trào Nữ quyền thứ hai tại Hoa Kỳ. Nội dung quyển sách đề cập đến cuộc sống của những người người vợ, người mẹ tại Hoa Kỳ vào những năm 1950-1960 mặ dù cuộc sống của họ vẫn đầy đủ vật chất. Đâu là lý giải cho hiện tượng này? Liệu người phụ nữ sẽ tìm thấy hạnh phúc khi họ đã tìm được một tình yêu đích thực, xây dựng được một gia đình hạnh phúc với chồng và những đứa con xinh xắn?
Phụ nữ lý tưởng.
Nguyên tác: The Feminine Mystique
Tác giả: Betty Friedan
Dịch giả: My Do
Chương 1″ Vấn đề không tên”
Phụ nữ Mỹ lâu nay đã âm thầm chôn giấu một vấn đề. Ấy là một nỗi bức xúc kỳ lạ, một chút bất mãn xen lẫn khắc khoải dằn vặt những người đàn bà sống giữa thế kỷ hai mươi này. Khi trải ga giường, đi siêu thị, tìm vải bọc ghế, ngồi ăn bánh mỳ kẹp bơ lạc cùng bọn trẻ, trên đường đưa chúng đến lớp ngoại khoá, hay tối tối nằm bên cạnh chồng, họ cùng cố gắng né tránh một câu hỏi: “Cuộc đời chỉ có vậy thôi sao?”Hơn mười lăm năm qua, các cột báo, sách và tạp chí đã viết hàng triệu dòng về phụ nữ, cho phụ nữ, chỉ họ cách tìm kiếm sự toại nguyện trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Ấy vậy mà không có một dòng nào đề cập đến nỗi bức xúc này của các chị em. Người ta viện vào truyền thống và lý thuyết của Freud về nhu cầu bản năng của nữ giới để lặp đi lặp lại một thông điệp, rằng với phụ nữ, chẳng có gì đáng ao ước hơn là được hoàn thiện và tận hưởng thiên chức nữ tính của mình.
Các chuyên gia chỉ cho phụ nữ cách “săn” và giữ chân đàn ông, cách cho con bú, dạy con ngồi bô, giải quyết những xung đột giữa con cái, hay đối phó với biểu hiện nổi loạn tuổi vị thành niên. Họ khuyên phụ nữ cách chọn máy rửa bát, làm bánh, nấu những món đặc sản, xây bể bơi tại gia, rồi thì cách ăn mặc, ứng xử sao cho nữ tính hơn, cách làm cho cuộc sống hôn nhân thú vị hơn… Họ cũng bày cho phụ nữ cách chăm sóc sức khoẻ cho các đức phu quân, và tránh cho con trai của họ sa vào con đường hư hỏng. Họ được dạy cách thương hại những người đàn bà dở hơi, thiếu nữ tính, bất hạnh muốn trở thành nhà thơ, nhà vật lý học, hay tổng thống. Họ được dạy rằng những người phụ nữ thật sự nữ tính không cần đến sự nghiệp, học vấn cao siêu, hay quyền tham gia chính trị – những cơ hội và sự độc lập mà các nhà nữ quyền lạc hậu đã vất vả đấu tranh để giành lấy. Một số phụ nữ, ở tuổi tứ tuần, ngũ tuần, vẫn còn nhớ cảm giác khó khăn khi phải từ bỏ mơ ước theo đuổi sự nghiệp hay học vấn, nhưng các thiếu phụ thời nay không bao giờ phải bận tâm đến những chuyện đó. Các chuyên gia ca ngợi thế hệ phụ nữ mới giờ đây nữ tính hơn, biết thích nghi hơn, và trưởng thành hơn. Họ không cần quan tâm đến chuyện gì khác mà chỉ cần tập trung vào chuyện chồng con càng sớm càng tốt.
Đến cuối thập niên 50, tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Mỹ đã giảm xuống còn 20, và thậm chí còn tiếp tục hạ thấp hơn nữa. Mười bốn triệu thiếu nữ đã đính hôn trước tuổi 17. Tỉ lệ phụ nữ theo học đại học so với nam giới giảm từ 47% năm 1920 xuống còn 35% năm 1958. Một thế kỷ trước đó, nhiều phụ nữ đã đấu tranh để được học đại học. Ngày nay, các thiếu nữ vào đại học để kiếm chồng. Đến giữa thập kỷ 50, 60% nữ sinh đại học bỏ học giữa chừng để kết hôn, hoặc họ sợ rằng học nhiều quá sẽ khiến họ khó lấy chồng. Các trường đại học xây ký túc xá riêng cho những sinh viên đã lập gia đình, và tuyệt đại đa số sinh viên này là các ông chồng.
Thế rồi các thiếu nữ Mỹ bắt đầu lấy chồng khi còn học phổ thông. Các tạp chí dành cho nữ giới tỏ ra lo ngại với những con số thống kê về các cặp vợ chồng trẻ không hạnh phúc, và kêu gọi nhà trường phổ thông cần đưa vào chương trình giảng dạy các khoá học về hôn nhân, và cung cấp dịch vụ tư vấn hôn nhân. Các cô gái bắt đầu hẹn hò từ tuổi 12, 13. Các hãng áo ngực tung ra những sản phẩm độn mút dày cho các bé gái 10 tuổi. Một trang quảng cáo váy cho bé gái, cỡ 3 đến 6, đăng trên tờ New York Times mùa thu 1960, chạy chữ: “Ngay cả các cô bé cũng có thể bẫy đàn ông”.
Đến cuối thập niên 50, tỉ lệ sinh ở Mỹ đã vượt qua Ấn Độ. Trước đây, phong trào kiểm soát sinh sản đã cảnh báo phụ nữ rằng ở lần sinh thứ ba hay thứ tư, tỉ lệ tử vong hoặc dị tật là rất cao. Nay, phong trào ấy được đổi tên thành “Kế hoạch làm cha mẹ”, và người ta lại phải tìm cách khuyên nhủ phụ nữ tiếp tục sinh thêm sau đứa thứ hai. Các chuyên gia thống kê đã sửng sốt trước sự gia tăng đột biến số phụ nữ sinh con khi còn học đại học. Thay vì sinh hai con như trước đây, phụ nữ bây giờ mang thai bốn, năm, thậm chí sáu lần. Những người phụ nữ trước đây từng muốn theo đuổi sự nghiệp nay biến việc sinh con thành sự nghiệp của mình. Năm 1956, tạp chí Life đăng một bài khải hoàn ca, tán dương xu hướng trở lại với gia đình của những người phụ nữ Mỹ.
Trong khi đó, tại một bệnh viện ở New York, một người phụ nữ bị suy sụp tinh thần khi biết rằng mình không thể cho con bú. Ở các bệnh viện khác, những phụ nữ bị ung thư đang chờ chết từ chối dùng một loại thuốc mà các nghiên cứu đã chứng minh là có thể thể cứu sống họ, bởi tác dụng phụ của thuốc có thể làm họ bớt “nữ tính”. “Nếu tôi chỉ được sống một lần, hãy cho tôi làm một phụ nữ tóc vàng.” Đó là tuyên bố của một phụ nữ xinh đẹp, hồn nhiên in trên các biển quảng cáo khổ lớn của các tờ báo, tạp chí và nhà thuốc. Trên khắp nước Mỹ, cứ mười phụ nữ thì có ba người nhuộm tóc vàng. Họ ăn một loại bột gọi là Metrecal thay cho thức ăn để trở nên mảnh dẻ như cô người mẫu trẻ trung. Những người chịu trách nhiệm nhập hàng cho các chuỗi trung tâm thương mại cho biết, kể từ năm 1939, quần áo phụ nữ đã nhỏ hơn 3 đến 4 cỡ. “Bây giờ phụ nữ phải cố làm sao để vừa quần áo, chứ không phải kiếm quần áo vừa với cơ thể mình.”
Còn các chuyên gia trang trí nội thất thì thiết kế những căn bếp với những mảng tranh lớn khảm trên tường và các bức họa gốc, bởi giờ đây, nhà bếp đã lại trở thành trung tâm của cuộc đời người phụ nữ. Cung cấp vật liệu may vá tại gia trở thành một ngành kinh doanh triệu đô. Rất nhiều người phụ nữ không bước chân ra khỏi nhà trừ khi đi mua sắm, chở con đi học, hay tham gia các hoạt động xã giao với chồng. Các cô gái trẻ hầu như không hề biết “đi làm” là gì. Vào cuối những năm 50, ở Mỹ có một hiện tượng xã hội học đáng lưu ý: một phần ba phụ nữ Mỹ tham gia vào lực lượng lao động. Tuy nhiên, đa số họ không còn trẻ, và rất ít trong số họ thật sự theo đuổi một sự nghiệp nào đó. Họ là những người phụ nữ đã có gia đình, làm thêm một chân thư ký hay bán hàng để giúp chồng hoàn tất việc học hành, cho con trai vào đại học, hay góp phần trả tiền nợ mua nhà. Trong số này cũng có những người phụ nữ goá chồng phải gánh vác kinh tế gia đình. Số phụ nữ theo đuổi các công việc chuyên môn cao ngày càng ít đi. Hầu hết các thành phố ở Mỹ đều khủng hoảng vì thiếu người làm nghề y tá, công tác xã hội hay giáo viên. Lo lắng trước sự tiến bộ về khoa học vũ trụ của Liên Xô, các nhà khoa học chỉ ra rằng nước Mỹ đang lãng phí một nguồn chất xám quan trọng từ phụ nữ. Tiếc thay, các cô gái không muốn học vật lý vì nó “thiếu nữ tính”. Một cô gái từ chối học bổng khoa học của Đại học Johns Hopkins để làm việc văn phòng cho một công ty bất động sản. Cô giải thích rằng: cũng giống như tất thảy các phụ nữ Mỹ khác, cô chỉ muốn lấy chồng, sinh bốn đứa con, có một ngôi nhà đẹp ở một khu ngoại ô thanh bình.
Người ta nói trở thành nội trợ ở ngoại ô là mơ ước của các cô gái trẻ ở Mỹ, và là sự ghen tị của tất cả các phụ nữ trên thế giới. Nhờ sự phát triển của khoa học và các thiết bị gia dụng, người nội trợ Mỹ giờ đây đã đỡ đi nhiều phần vất vả việc nhà, bớt đi những rủi ro khi sinh nở, hay bệnh tật mà những thế hệ trước mắc phải. Nội trợ Mỹ ngày nay là những phụ nữ xinh đẹp, khoẻ mạnh, có học thức, và không có mối quan tâm nào ngoài chồng con và tổ ấm.
Năm mươi năm sau Thế Chiến Thứ Hai, chuẩn mực về người phụ nữ lý tưởng đã trở thành một phần cốt lõi, được tôn vinh và lưu truyền trong văn hoá Mỹ đương đại. Hàng triệu phụ nữ sống theo hình mẫu xinh đẹp của những người nội trợ vùng ngoại ô kiểu Mỹ. Họ âu yếm hôn tạm biệt chồng bên của sổ, lái xe đưa bầy con đến trường, và mỉm cười chạy máy bào điện trên sàn bếp bóng loáng. Họ tự làm bánh mỳ, tự may quần áo cho bản thân và lũ trẻ, chạy máy giặt máy sấy mới coong cả ngày. Những phụ nữ trẻ ngày nay thay ga trải giường thường xuyên hơn, đua nhau theo học các lớp nữ công gia chánh, và tiếc cho thế hệ của mẹ mình – những người phụ nữ bất mãn, khổ sở vì mơ ước theo đuổi sự nghiệp. Mơ ước duy nhất của phụ nữ trẻ bây giờ là trở thành những người mẹ, người vợ hoàn hảo. Tham vọng của họ là có năm đứa con và một ngôi nhà đẹp. Nỗi lo lớn nhất của họ là làm sao giữ được chồng. Họ không mảy may quan tâm đến những vấn đề phi nữ tính ngoài xã hội. Họ để cho chồng quyết định hết những việc hệ trọng. Họ lấy làm vẻ vang với vai trò phụ nữ của mình, và tự hào điền vào sơ yếu lý lịch: “Nghề nghiệp: nội trợ.”…
Trong mười lăm năm qua, những ngôn từ viết cho phụ nữ, và những ngôn từ phụ nữ sử dụng khi trò chuyện với nhau – trong lúc chồng họ ngồi phía bên kia phòng bàn luận về kinh doanh, chính trị hay bồn lọc nước – đều xoay quanh chuyện nuôi dạy con cái, làm sao để chiều chồng, làm cách nào để con học giỏi hơn, nướng gà ra sao và may bọc ghế như thế nào. Không còn ai tranh luận xem nữ giới giỏi giang hay kém cỏi hơn nam giới, vì mọi người đều công nhận rằng đàn ông và đàn bà không giống nhau. Những từ như “giải phóng” hay “sự nghiệp” trở lên lạ lẫm và vô duyên, bởi đã lâu chẳng còn ai dùng những từ này nữa. Khi một người phụ nữ Pháp tên là Simone Beauvoir tung ra cuốn sách mang tựa đề Giới tính thứ hai, một nhà phê bình người Mỹ bình luận rằng “rõ là bà ta chả hiểu gì về cuộc sống cả”. Hơn nữa, những gì bà ấy viết là về phụ nữ Pháp. “Vấn đề của nữ giới” giờ không còn tồn tại ở Mỹ.
Nếu một người phụ nữ thời những năm 50, 60 gặp khó khăn, cô sẽ nghĩ rằng cuộc hôn nhân của cô, hay bản thân cô ta không ổn. Cô ấy sẽ nghĩ rằng những người phụ nữ khác đều hài lòng với cuộc sống của họ. Nếu là một người phụ nữ bình thường, vì sao cô ấy không cảm nhận được sự toại nguyện như những người phụ nữ khác khi đánh bóng sàn bếp? Vì sao cô không thấy hạnh phúc khi đã có những thứ mọi người đều mơ ước? Cô cảm thấy xấu hổ vì sự bất mãn của mình, mà không biết còn bao nhiêu phụ nữ khác cũng cảm thấy như vậy. Cô ấy không thể hiểu nổi bản thân mình. Hơn mười lăm năm nay, phụ nữ Mỹ cảm thấy khó bày tỏ nỗi niềm này hơn cả nói chuyện về tình dục. Ngay cả các nhà phân tâm học cũng không biết gọi tên gì cho vấn đề của những người đàn bà này. Khi một người phụ nữ với tâm trạng như vậy, như nhiều phụ nữ khác, tìm đến chuyên gia tâm lý, cô ấy sẽ thú nhận: “Thôi thấy thật hổ thẹn” hay “Hẳn là tôi có bệnh thần kinh khó chữa…”. “Tôi không hiểu đàn bà bây giờ bị làm sao nữa”, một bác sĩ tâm lý bức xúc. “Tôi chỉ biết là có gì đó không ổn, bởi hầu hết các bệnh nhân của tôi là nữ. Và các vấn đề của họ không liên quan đến tình dục.” Tuy vậy, hầu hết những người phụ nữ khi gặp vấn đề này không tìm đến bác sĩ tâm lý. “Thật ra là chẳng làm sao cả,” họ tự nhủ. “Chẳng có vấn đề gì cả.”
Nhưng một buổi sáng tháng Tư năm 1959, tôi nghe một bà mẹ bốn con, ngồi uống cà phê với bốn phụ nữ khác ở một khu ngoại ô cách New York 15 dặm, tâm sự với một giọng trầm tuyệt vọng về “vấn đề” đó. Những người phụ nữ còn lại, không cần phải giải thích bằng lời, đều hiểu rằng tâm sự của người phụ nữ kia không liên quan đến những trục trặc với chồng con hay nhà cửa. Bất chợt họ nhận ra rằng họ đều có chung “vấn đề” đó – một vấn đề chưa được gọi tên. Họ bắt đầu ngập ngừng nói về nó. Sau buổi gặp, họ đón con từ nhà trẻ, cho chúng đi ngủ, rồi hai trong số họ bật khóc vì nhẹ nhõm, bởi họ biết rằng không chỉ riêng họ có “vấn đề”.
***
Dần dần tôi nhận ra rằng vô số người phụ nữ Mỹ đều gặp phải vấn đề không tên này… Là một cây viết cho tạp chí, tôi thường phỏng vấn phụ nữ về những vấn đề mà họ gặp với con cái, hôn nhân, nhà cửa, hay xóm giềng. Nhưng về sau tôi nhận ra những dấu hiệu của “vấn đề” mới này. Tôi phát hiện những dấu hiệu này ở cả những ngôi nhà kiểu trang trại ở ngoại ô lẫn các căn nhà lầu ở Long Island, New Jersey và Westchester; trong những ngôi nhà kiểu thuộc địa ở một thị trấn nhỏ bang Massachusetts, trên thềm nhà ở Memphis, trong những căn hộ thành phố lẫn ngoại ô, và những phòng khách ở vùng Tây Trung Mỹ. Đôi khi tôi cảm nhận được những dấu hiệu này, không phải với tư cách của một phóng viên, mà với tư cách của một người nội trợ ở ngoại ô, bởi trong suốt thời gian này tôi cũng đang nuôi ba đứa con ở Rockland, New York. Tôi thấy dấu hiệu của vấn đề này phảng phất trong những khu ký túc xá sinh viên, những phòng hộ sinh bán công, những cuộc họp hội phụ huynh, những bữa tiệc trưa của Hội Phụ nữ tham gia bầu cử, ở các buổi tiệc cocktail ở ngoại ô, hay những mẩu đối thoại lọt vào tai tôi ở cửa hàng kẹo Schafft’s. Có lẽ tôi hiểu tâm sự của những người phụ nữ này qua những lời thổ lộ ngập ngừng của họ, trong những buổi chiều yên ắng khi bọn trẻ còn ở trường, hay những buổi tối tĩnh lặng khi chồng họ chưa rời công sở, bởi tôi cũng là một người phụ nữ, trước khi tôi hiểu những ảnh hưởng xã hội và tâm lý sâu xa hơn của sự bất ổn này.
Vậy thì vấn đề không có tên gọi này là gì? Những người phụ nữ diễn đạt nó như thế nào? Có thể là “Tôi cảm thấy trống trải… thiếu thiếu một cái gì đó” hoặc “Tôi cảm giác như mình không tồn tại”. Đôi khi họ giấu đi vấn đề đó bằng một viên thuốc an thần. Đôi khi họ cho rằng đó là trục trặc với chồng con, hay cái mà họ cần là trang trí lại nhà cửa, hay chuyển nhà đi chỗ khác, cặp bồ với ai đó, hoặc sinh thêm một đứa con. Đôi khi, người phụ nữ tìm đến bác sĩ với những triệu chứng khó mô tả: “Một cảm giác mệt mỏi… Có lúc tôi phát khùng với tụi trẻ và làm chính bản thân phát hoảng… Tôi muốn khóc một cách vô cớ”. (Một bác sĩ ở Cleveland gọi đây là “hội chứng nội trợ”.) Một vài phụ nữ kể với tôi họ bị phồng rộp và chảy máu ở bàn tay và cánh tay. “Tôi gọi đấy là bệnh hoại của nội trợ,” một bác sĩ ở Pennsylvania nói. “Gần đây tôi rất hay gặp bệnh này ở các cô nội trợ trẻ có bốn, năm hay sáu con, suốt ngày cắm đầu vào chậu rửa bát. Nhưng bệnh của họ không phải do xà phòng hay hoá chất gây ra.”
Đôi khi tôi được một phụ nữ tâm sự là họ khó chịu đến mức cô ấy phải chạy ra khỏi nhà, đi lòng vòng từ đường này qua phố nọ. Có lúc cô ấy đóng cửa ở nhà và khóc. Có khi bọn trẻ kể cho cô ấy một truyện cười, mà cô ấy không cười vì chẳng nghe thấy gì cả. Tôi nói chuyện với những người phụ nữ đã ngồi hết năm này qua tháng khác trong phòng bác sĩ tâm lý, cố gắng tìm cách “thích nghi với vai trò phụ nữ”, và vượt qua những trở ngại trong việc “hoàn thành thiên chức làm vợ và làm mẹ”. Nhưng giọng điệu chán chường và ánh mắt của họ cũng không khác giọng điệu hay ánh mắt của những người phụ nữ khác mà tôi đã gặp – những người dám chắc rằng họ không có vấn đề, mặc dụ họ cũng cảm thấy tuyệt vọng khó hiểu.
Một bà mẹ bốn con đã bỏ dở đại học để lấy chồng kể với tôi:
Tôi đã thử rất nhiều cách mà những người phụ nữ nên làm – tìm cho mình một sở thích, làm vườn, muối cải, làm đồ hộp, chịu khó giao lưu với hàng xóm, tham gia các hội nhóm, tổ chức họp hội phụ huynh. Tôi có thể làm tất cả những việc đó, và cũng thích những việc đó, nhưng tôi vẫn thấy thiếu. Những việc đó không cho tôi cảm giác mình là ai. Tôi đã muốn lấy chồng và có bốn đứa con. Tôi yêu bọn trẻ và anh Bob nhà tôi. Không có vấn đề gì mà tôi có thể gọi tên được. Nhưng tôi vẫn cảm thấy chán chường. Tôi bắt đầu thấy mình chẳng còn tính cách gì cả. Tôi chỉ là một người phục vụ đồ ăn, mặc quần, dọn giường, một chỗ để tìm đến khi có việc cần. Nhưng rốt cục tôi là ai?Một thiếu phụ hai mươi tuổi mặc quần jeans tâm sự:
Tôi tự hỏi bản thân vì sao mình lại bất mãn như vậy. Tôi có sức khoẻ tốt, con cái ngoan ngoãn, một căn nhà mới xinh xắn, tiền đủ tiêu. Chông tôi là một kỹ sư điện tử đầy triển vọng. Anh ấy hoàn toàn không có những cảm giác như tôi. Anh ấy nói có thể tôi cần phải đi nghỉ đâu đó, và rủ tôi cuối tuần lên New York chơi. Nhưng đấy không phải cái tôi cần. Từ trước tới giờ tôi luôn nghĩ rằng vợ chồng làm gì cũng cần phải làm chung. Tôi không thể ngồi đọc sách một mình. Những lúc tụi trẻ ngủ trưa, tôi có một tiếng đồng hồ rảnh rỗi. Lúc ấy tôi không biết làm gì hơn là đi loanh quanh trong phòng chờ cho tới khi chúng tỉnh dậy. Tôi không dám làm gì trước khi đã có những người khác đi trước. Có vẻ như là từ nhỏ, luôn luôn có ai đó hay cái gì đó che chở và định hướng cho cuộc đời tôi: cha mẹ, nhà trường, tình yêu, con cái, nhà cửa. Thế rồi một ngày kia tôi tỉnh dậy, thấy mình đã có mọi thứ, chẳng còn gì để trông đợi thêm…Một người vợ trẻ sống trong một khu chung cư mới ở Long Island kể:
Có vẻ như tôi ngủ quá nhiều. Tôi không biết vì sao lại mệt mỏi như thế. Bây giờ dọn dẹp chẳng tốn công như hồi chúng tôi ở căn hộ cũ không có bình nước nóng tự động, khi tôi còn đi làm. Bây giờ tụi trẻ thì đi học cả ngày. Chẳng có gì làm tôi vất vả. Tôi chỉ cảm thấy không còn sức sống.Năm 1960, vấn đề không tên này bắt đầu vỡ như bọt nước sôi trên bề mặt hình ảnh người nội trợ Mỹ hạnh phúc. Trên ti-vi, những cô nội trợ xinh đẹp vẫn rạng rỡ bên cạnh bồn rửa bát đầy bọt. Bài báo đăng trên trang bìa tạp chí Time với tiêu đề “Nội trợ ngoại ô – một hiện tượng Mỹ” mô tả những nhân vật của mình rằng họ “quá hạnh phúc đến nỗi không thể tin vào nỗi bất hạnh”. Nhưng đột ngột, tờ New York Times, Newsweek, rồi đến Good Housekeeping và kênh truyền hình CBS đều đồng loạt tung bài về nỗi bất hạnh của những người nội trợ với tên gọi “Người nội trợ sa bẫy”. Tuy nhiên các bài viết bàn về đề tài này đều tìm được một lý do bề nổi nào đó để bác bỏ sự thật về nỗi bất hạnh này. Tờ New York Times cho rằng đấy là do lỗi của những người thợ sửa điện lạnh kém tay nghề. Tạp chí Time phỏng đoán đấy là do những người nội trợ ngoại ô phải chở con đi học quá xa, còn Redbook thì đổ tội cho hội phụ huynh. Một số nguồn cho rằng nguồn gốc vẫn là vấn đề giáo dục: phụ nữ được học hành nhiều quá đương nhiên khiến họ bất mãn với vai trò nội trợ. Tờ New York Times số ra ngày 28 tháng 6 năm 1960 viết: “Con đường từ Freud đến Frigidaire (1), từ Sophocles đến Spock (2), hoá ra lại chẳng hề bằng phẳng. Nhiều – nhưng không phải là đa số – phụ nữ trẻ ngày nay cảm thấy bị bó buộc trong gia đình, bởi nhà trường đã quăng cho họ quá nhiều tư tưởng mới. Họ cảm thấy công việc gia chánh không ăn nhập với những gì họ được học. Họ cảm thấy bị cô lập, bị bỏ rơi. Một năm trở lại đây, các vị hiệu trưởng của các trường đại học dành riêng cho nữ sinh đã bức xúc phát biểu hàng chục bài về vấn đề của những người nội trợ học cao. Bất chấp những lời kêu cả chỉ trích, họ vẫn khăng khăng cho rằng mười sáu trời năm học hành là một sự chuẩn bị không thừa cho những người vợ, người mẹ tương lai.”
Những người nội trợ học cao nhận được nhiều sự thông cảm. “Chẳng khó hiểu ra sự mâu thuẫn của họ, giống như là những bệnh nhân tâm thần phân liệt. Ở trường đại học, người ta bắt các cô viết tiểu luận phê bình thi ca, để bây giờ các cô viết tin nhắn cho người giao sữa. Ở trường người ta dạy các cô cách xác định nhiệt độ sôi của acid sulphuric, để bây giờ họ biết khi nào phải nổi nóng với các anh thợ điện lạnh trễ hẹn. Bây giờ các cô chỉ biết kêu la và khóc lóc… Chẳng ai, ngay cả bản thân các cô, đánh giá đúng giá trị của các cô, khi các cô, từ những nữ thi sĩ trước kia, nay trở thành những con sư tử Hà Đông ghê gớm.”
Các chuyên gia kinh tế gia đình đề xuất các cách đào tạo nữ sinh thiết thực hơn, chẳng hạn như các khoá học trong trường phổ thông về thiết bị gia dụng. Các nhà giáo dục bậc đại học cho rằng nên có các buổi thảo luận về quản lý nhà cửa và gia đình, để giúp sinh viên thích nghi dễ dàng hơn với vai trò nội trợ sau này. Các tờ tạp chí phổ thông thì tung ra vô số các bài viết với những lời khuyên như “58 cách hâm nóng cuộc sống hôn nhân.” Hầu như tháng nào cũng có một cuốn sách mới của một chuyên gia tâm lý hay tình dục học viết về các cách để thoả mãn hơn với quan hệ chăn gối.
Trong tờ Harper’s Bazaar số tháng 6 năm 1960, một cây viết trào phúng cho rằng tước quyền bỏ phiếu sẽ giải quyết được vấn đề của đàn bà. “Thời trước khi Hiến pháp được chỉnh sửa lần thứ 19, phụ nữ Mỹ ngoan ngoãn, an phận và hài lòng với vai trò xã hội của mình. Các chị em để chồng mình quyết định hết các việc liên quan đến chính chị, còn mình giải quyết hết các chuyện trong gia đình. Bây giờ thì phụ nữ phải vừa lo việc nhà, vừa tham gia việc nước, bởi vậy họ bị quá tải.”
Một số nhà giáo đề xuất một cách nghiêm túc rằng không nên tuyển nữ sinh vào các trường đại học 4 năm. Lý do của họ là giáo dục đang trải qua khủng hoảng, và thay vì đào tạo nữ sinh những thứ mà họ sẽ chẳng cần đến sau khi lấy chồng, hãy dành nguồn lực để trang bị cho các nam sinh đảm đương những công việc mà thời đại nguyên tử đòi hỏi.
Những đề xuất bất khả thi được đưa ra cũng khiến cho vấn đề càng dễ bị gạt bỏ. Một cây viết nữ viết trên tờ Harper’s Bazaar rằng bắt buộc phụ nữ tham gia “nghĩa vụ” hộ lý hoặc trông trẻ. Thế rồi người ta tiếp tục xoa dịu độc giả bằng các phương thuốc cổ truyền: “tình yêu chính là câu trả lời”, “cách duy nhất là tự thân vận động”, “con cái là bí quyết hạnh phúc”, “cách riêng để thoả mãn nhu cầu trí tuệ”, “trao gửi thân xác và tâm hồn cho Chúa – cách đơn giản để làm lành vết thương tinh thần.”
Người ta gạt bỏ vấn đề của phụ nữ bằng cách khuyên họ nên trân trọng những gì mình có. Vấn đề của họ là họ không biết mình may mắn thế nào khi không phải đối phó với sếp, không bị quản lý thời gian, không phải cạnh tranh với lứa nhân viên trẻ. Các cô cứ tưởng rằng làm đàn ông thì sung sướng hơn ư? Có thật là thâm tâm các cô muốn được làm đàn ông? Các cô không biết rằng được làm phụ nữ là may mắn lắm sao?
Cuối cùng, người ta gạt bỏ vấn đề khi kết luận rằng chẳng có giải pháp nào cả: làm phụ nữ thì phải vậy, và nếu phụ nữ Mỹ không biết chấp nhận vai trò của mình thì họ phải xét lại bản thân. Ngày 7 tháng 3 năm 1960, tờ Newsweek viết:
Các cô bất mãn với vô số thứ mà phụ nữ các nơi khác chỉ dám mơ tới. Nỗi bức xúc của các cô sâu sắc, lây lan, và vô phương cứu chữa, mặc dù ai cũng cố gắng giúp các cô… Đã có biết bao nhiêu chuyên gia cất công nghiên cứu để tìm ra nguồn gốc của vấn đề… Từ thời nguyên thuỷ, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ đã định vị vai trò của nữ giới. Freud đã tuyên bố rằng “cơ thể là số phận”. Chưa ở đâu, phụ nữ được nới xa các giới hạn sinh lý tự nhiên như ở Mỹ. Vậy mà các cô vẫn không biết điều mà chấp nhận các giới hạn hiển nhiên ấy… Một bà mẹ trẻ duyên dáng, tài năng, trí tuệ, với một gia đình xinh xắn phải cảm thấy hổ thẹn khi chối bỏ vai trò của mình. Cô ta than thở rằng “Tôi phải làm gì bây giờ? Vì sao tôi chẳng có gì? Tôi chỉ là một bà nội trợ.” Có vẻ như khi các cô được học hành quá nhiều, các cô nhìn ra giá trị của rất nhiều thứ xung quanh, nhưng lại không thấy được giá trị của vai trò nội trợ của mình.Và bởi vậy, các cô phải chấp nhận thực tế rằng “sự bất hạnh của phụ nữ Mỹ ngày này chẳng qua là kết quả mới của phong trào nữ quyền.” Các cô phải điều chỉnh và nghe theo người nội trợ hạnh phúc mà tờ Newsweek đã tìm thấy: “Chúng ta phải trân trọng sự tự do mà chúng ta đang có, và tự hào với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Tôi đã được học đại học, được đi làm, nhưng làm vợ và làm mẹ vẫn là điều tuyệt diệu nhất… Ngày xưa mẹ tôi chẳng bao giờ được tham gia vào việc làm ăn của cha tôi, chẳng bao giờ có cơ hội rời chúng tôi nửa bước mà đi ra khỏi nhà. Giờ đây tôi được bình đẳng với chồng tôi, được cùng anh ấy đi công tác và các buổi giao tế làm ăn.”
Cũng có một giải pháp khác mà cõ lẽ rất ít phụ nữ sẽ chấp nhận. Tờ New York Times tỏ ra thông cảm với các chị em khi viết rằng: “Những người nội trợ đều thừa nhận rằng đôi lúc họ cảm thấy hết sức khó chịu vì không có sự riêng tư, vì quá vất vả, bởi cuộc sống lặp đi lặp lại quá tẻ nhạt và bó buộc. Tuy nhiên, nếu được lựa chọn lại, không ai trong số họ muốn từ bỏ gia đình.” Tờ Redbook cũng bình luận: “Hiếm có phụ nữ nào lại đi rời bỏ chồng con để được tự do. Những người đàn bà làm như vậy có thể cũng giỏi giang, nhưng chẳng ai trong số họ có thể được coi là thành đạt.”
Tại thời điểm mà sự bất mãn của phụ nữ Mỹ trở nên nổi cộm, tờ Look cũng tung ra thống kê rằng hơn 21 triệu phụ nữ Mỹ độc thân, goá bụa hay ly hôn không thôi sục sôi tìm kiếm cho kỳ được một tấm chồng, ngay cả khi đã qua tuổi ngũ tuần. Và các cô gái ngày càng bắt đầu công cuộc kiếm chồng sớm hơn. Bảy mươi phần trăm phụ nữ Mỹ ngày nay kết hôn trước 24 tuổi. Có thiếu nữ 25 tuổi xinh đẹp đã đổi việc thư ký 35 lần trong vòng 6 tháng để hy vọng tìm được một vị hôn phu nơi công sở. Nhiều phụ nữ tham gia hết câu lạc bộ này đến nhóm hội khác, học thêm các lớp buổi tối về kế toán hay lái thuyền buồm, tập chơi golf hay trượt tuyết, đến một loạt các nhà thờ, đi bar một mình… tất cả chỉ để tìm cho ra một người đàn ông.
Hàng ngàn phụ nữ Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ tâm lý. Trong số họ, những phụ nữ có gia đình thì cảm thấy bất hạnh trong hôn nhân, còn những phụ nữ độc thân thì lo lắng, thậm chí trầm cảm vì chưa lấy được chồng. Điều kỳ lạ là một số bác sĩ cho rằng, theo quan sát của họ, những phụ nữ độc thân có vẻ ít khổ sở hơn những phụ nữ có chồng. Và điều đó hé lộ cho chúng ta thấy, đằng sau cánh cửa của những ngôi nhà ngoại ô xinh xắn là hàng ngàn người nội trợ đang đối mặt với một vấn đề mà đột nhiên người ta bàn tán tới nhiều hơn. Vấn đề trở nên phổ biến đến nỗi người ta bắt đầu cho nó là mặc nhiên, như nhiều vấn đề hư ảo khác của xã hội Mỹ chẳng thể có lời giải đáp – chẳng hạn như chuyện bom hydro. Đến năm 1962, vấn đề của những người nội trợ bi sa bẫy đã trở nên phổ biến khắp nước Mỹ. Những tạp chí dành nguyên cả số, các tờ báo dành riêng một mục, các cuốn sách học thuật lẫn giải trí, các hội thảo giáo dục và show đối thoại truyền hình đều dành chỗ để sôi nổi bàn tán chủ đề này.
Song, hầu hết nam giới, mà cả một số phụ nữ, vẫn không biết rằng vấn đề này là có thực. Chỉ những người tự thân trải nghiệm khó khăn ấy mới thật sự hiểu rằng các giải pháp bề nổi, những lời khuyên thương cảm, những sự chỉ trích và tán dương đều đang đẩy vấn đề xa hơn với thực tại. Những người phụ nữ Mỹ bật cười cay đắng khi nghĩ về vấn đề của mình. Người ta ngưỡng mộ họ, ghen tị, rồi thương hại họ, lý thuyết hoá chán chê vấn đề của họ, đưa ra những giải pháp không tưởng hay những lời khuyên ngớ ngẩn mà chẳng ai có thể cho là nghiêm túc. Cả một đội ngũ các chuyên gia tư vấn hôn nhân và trẻ em, các bác sĩ trị liệu tâm thần, các nhà tâm lý học nghiệp dư đưa ra cho họ hàng tỷ lời khuyên về cách thích nghi với vai trò nội trợ. Ở giữa thế kỷ 20 này, không một ai chỉ cho phụ nữ Mỹ một con đường khác để tìm kiếm hạnh phúc. Hầu hết phụ nữ đều cố gắng để thích nghi với cái gọi là thiên chức của họ, để rồi khổ sở, hoặc phớt lờ vấn đề chẳng thể gọi tên này. Đôi khi, người phụ nữ sẽ bớt đau đớn hơn, nếu họ không cảm thấy những xao động bất an lạ lùng đang dấy lên trong lòng họ.
***
Đã đến lúc không thể phớt lờ những nỗi bất an đó, bác bỏ nỗi tuyệt vọng của biết bao nhiêu phụ nữ. Làm phụ nữ không có nghĩa là phải cam chịu, cho dù các chuyên gia có quả quyết là vậy. Khi một người đau khổ thì nhất đình là phải có nguyên do. Có thể là người ta chưa tìm ra nguyên do ấy là bởi người ta chưa đặt câu hỏi đúng, hoặc chưa thật sự đào sâu tìm kiếm. Cá nhân tôi không thể chấp nhận lập luận rằng phụ nữ Mỹ không gặp khó khăn gì vì họ đã có tất cả những thứ xa xỉ mà phụ nữ các thời đại khác hoặc các nơi khác chưa từng dám mơ ước tới. Một phần của vấn đề là người ta không thể quy nó về những khó khăn vật chất thông thường như nghèo đói hay bệnh tật. Những người phụ nữ đang chịu đựng vấn đề này đói một thứ mà không có loại thức ăn nào có thể xoa dịu. Cơn đói này thường trực ở những người phụ nữ có chồng đang loay hoay thử việc, làm phụ tá, hay đã thành những bác sĩ, luật sư thành đạt. Họ có thể là vợ của những người công nhân lương năm ngàn đô một năm, cũng có thể là phu nhân của các sếp bự thu nhập tới năm mươi ngàn. Khó khăn của họ không phải do thiếu thốn về vật chất. Có khi những phụ nữ phải chật vật với đói nghèo bệnh tật lại không gặp phải vấn đề này. Chính những phụ nữ cho rằng sự bất ổn có thể giải quyết được bằng nhiều tiền hơn, bằng nhà cửa to đẹp hơn, bằng xe mới, khu dân cư mới, sẽ thấy rằng tất cả những thứ đó chỉ làm mọi thứ rắc rối hơn.
Giờ đây không thể đổ lỗi gây ra vấn đề này cho sự thiếu nữ tính. Không thể nói rằng nền giáo dục, sự độc lập và bình đẳng với nam giới đã khiến cho phụ nữ Mỹ mất đi nữ tính. Tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ không chịu thừa nhận nỗi bất an của họ, bởi họ sợ tự làm mất đi hình tượng phụ nữ chuẩn mực đẹp đẽ mà các chuyên gia đã gán cho họ. Theo tôi, đây chính là manh mối đầu tiên của sự bí ẩn: không thể hiểu vấn đề này theo lối mà các nhà nghiên cứu phụ nữ, các bác sĩ, chuyên gia tư vấn hay các cây viết lâu nay vẫn tiếp cận. Tất cả những người phụ nữ đang gặp phải vấn đề này đã dành cả cuộc đời theo đuổi hình mẫu phụ nữ lý tưởng. Họ không phải là những người phụ nữ của công việc (mặc dù những người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp cũng có những vấn đề riêng). Họ là những người mà tham vọng cả đời là lấy chồng và sinh con đẻ cái. Trong số họ, những phụ nữ lớn tuổi nhất, xuất thân từ giới trung lưu Mỹ, họ không còn lựa chọn nào khác. Ở tuổi 40, 50, họ đã từng có những mơ ước khác, và đã từ bỏ chúng để theo đuổi sự nghiệp nội trợ. Còn những người trẻ nhất trong số họ, những thiếu phụ mới kết hôn, mới làm mẹ, họ chẳng có ước mơ nào khác. Chính họ đã bỏ học từ phổ thông hoặc đại học để lấy chồng, hoặc đã làm một công việc tạm bợ để chờ đến khi lập gia đình. Theo định nghĩa thông thường, không thể nói những người phụ nữ này là thiếu “nữ tính”. Vậy mà họ vẫn không thoát khỏi vấn đề không tên kia.
Liệu có phải những người phụ nữ đã tốt nghiệp đại học, đã từng có những ước mơ ngoài việc làm nội trợ, là những người khổ sở nhất? Các chuyên gia cho rằng đúng như vậy. Nhưng chúng ta hãy thử nghe xem bốn người phụ nữ sau đây nói gì:
Ngày nào của tôi cũng bận rộn và buồn tẻ. Tôi chỉ quanh quanh quẩn quẩn. Tôi dậy từ tám giờ sáng, nấu bữa sáng, rửa bát đĩa, ăn trưa, lại rửa chén bát, rồi chiều đến thì giặt quần áo và dọn dẹp. Rồi đến bữa tối, rửa bát đĩa xong tôi có được vài phút nghỉ ngơi trước khi cho bọn trẻ đi ngủ… Cả ngày của tôi chỉ có ngần ấy việc – như tất cả những người nội trợ khác. Chán ngắt. Chỉ những lúc phải đuổi theo bọn trẻ là còn sôi động hơn một chút.Hai người phụ nữ đầu tiên chưa từng học đại học. Họ sống trong những khu chung cư vùng Levittown, New Jersey và Tacoma, Washington. Một nhóm các nhà xã hội học phỏng vấn họ để tìm hiểu về vợ của những người đàn ông đi làm. Tâm sự thứ ba là của vợ một vị mục sư, viết trong tờ khảo sát của trường đại học nhân dịp kỷ niệm 15 ra trường, rằng ước gì trước kia đã từng có tham vọng nào đó về sự nghiệp. Người thứ tư là một tiến sĩ nhân học, giờ đây đang làm một bà nội trợ với ba đứa con ở Nebraska. Có vẻ như theo lời họ thì phụ nữ ở mọi trình độ học vấn đều gặp phải nỗi bức xúc như nhau.
Chúa ơi, tôi làm gì với kho thời gian của mình? Tôi dậy từ sáu giờ, mặc đồ cho thằng bé rồi cho nó ăn. Sau đó tôi rửa bát, cho nó tắm, cho nó ăn. Rồi tôi ăn trưa, và tranh thủ lúc tụi trẻ ngủ trưa may vá hay ủi đồ, hoặc làm tất cả những việc mà buổi sáng còn làm dở. Sau đó tôi nấu bữa tối, rồi rửa bát trong khi chồng tôi xem ti-vi. Rồi tôi cho bọn trẻ đi ngủ, cuốn tóc, rồi cũng lên giường.
Vấn đề của tôi là lúc nào cũng phải đóng vai mẹ của lũ trẻ, vợ của mục sư, mà chẳng bao giờ được làm chính mình.
Nếu người ta làm phim về một buổi sáng ở nhà tôi thì nó sẽ giống như phim hài của Marx Brothers ngày xưa. Tôi rửa chén bát, đưa bọn trẻ đến trường, rồi lao ra vườn chăm khóm cúc, rồi chạy vào nhà gọi điện bàn về cuộc họp hội đồng, giúp đứa út lắp ghép mô hình nhà, dành 15 phút đọc báo để nắm tình hình tin tức, rồi chạy đi tống quần áo vào mặt giặt – một tuần ba lần, mà lần nào cũng đầy một núi quần áo, đủ cho cả một ngôi làng nguyên thuỷ dùng suốt một năm trời. Đến trưa thì tôi mệt rã rời. Tất cả những thứ tôi làm, chả có gì là thật sự cần thiết hay có ý nghĩa. Hàng ngày tôi chỉ làm mọi việc vì áp lực bên ngoài. Vậy mà so với những người nội trợ khác trong khu phố, tôi còn nhàn hạ chán. Nhiều cô bạn của tôi còn tất bật hơn. Sáu mươi năm qua chúng ta đã đi đúng một vòng tròn, và phụ nữ Mỹ ngày nay lại trở về với cái lồng nhốt sóc. Chỉ khác là cái lồng bây giờ là một ngôi nhà một tầng hiện đại trải thảm và lắp cửa kính, hoặc một căn hộ tiện nghi. Còn đời sống của chúng ta thì chẳng khá khẩm gì hơn thời các bà chúng ta ngồi ôm bộ khung thêu trong những căn phòng trải đầy nhung lụa và càm ràm về nữ quyền.
Thực tế là thời nay chẳng có ai càm ràm gì về nữ quyền, mặc dù đã có nhiều phụ nữ được học đại học. Theo một nghiên cứu gần đây với tất cả các khoá đã tốt nghiệp Đại học Banard , một nhóm thiểu số đáng kể thuộc những khoá đầu trách nhà trường đã khiến cho họ muốn có “quyền”, những khoá sau trách nhà trường cho họ có ước mơ sự nghiệp, còn những khoá gần đây nhất thì cho rằng chính nhà trường đã làm cho họ không thể thoả mãn với vai trò làm vợ, làm mẹ. Họ không muốn phải cảm thấy tội lỗi vì không đọc sách hay không tham gia các hoạt động xã hội. Nếu như giáo dục không phải là căn nguyên của vấn đề, thì có thể nguyên nhân có liên quan đến việc những người phụ nữ này không hài lòng với cách họ đã được giáo dục.
Nếu bí quyết hạnh phúc của phụ nữ là sinh con đẻ cái, thì ngày nay, phụ nữ, được tự do lựa chọn, lại tự nguyện đẻ nhiều, và đẻ dày hơn bao giờ hết. Nếu câu trả lời là tình yêu, thì chưa bao giờ phụ nữ lại quyết tâm kiếm tìm tình yêu đến vậy. Tuy nhiên, người ta đang nghi ngờ rằng vấn đề không nằm ở nhu cầu xác thịt, mặc dù nó có thể liên quan ít nhiều đến tình dục. Một số bác sĩ đã chỉ cho tôi bằng chứng về một số trục trặc mới trong quan hệ chăn gối vợ chồng: những người vợ khao khát tình dục đến mức chồng họ không thể thoả mãn họ. “Chúng ta đã biến phụ nữ thành những sinh vật đầy dục vọng”. Một bác sĩ tâm lý ở trung tâm tư vấn hôn nhân Margaret Sanger nhận xét. “Phụ nữ giờ đây không có nhân thân nào khác ngoài vai trò làm vợ và làm mẹ. Chính họ cũng không biết mình là ai. Họ chờ đợi cả ngày để đến tối chồng về và làm họ cảm thấy đang được sống. Thế mà bây giờ các ông chồng lại không muốn quan hệ với họ. Những người phụ nữ thật khổ sở khi đêm này qua đêm khác phải nằm chờ chồng mang đến cho mình cảm giác được sống.” Vì sao gần đây những cuốn sách tư vấn về tình dục lại bán chạy như vậy? Những thống kê về của Kinsey cho thấy phụ nữ Mỹ những thế hệ gần đây đạt được khoái cảm nhiều hơn, nhưng dường như nó cũng không làm nguôi ngoai vấn đề của nữ giới.
Ngược lại, ở phụ nữ lại xuất hiện những hiện tượng rối loạn thần kinh mới, và những vấn đề mới chưa được liệt vào diện rối loạn thần kinh. Đó là những bất ổn mà Freud và các học trò của ông đã không dự đoán được trước, với những biểu hiện lâm sàng, chứng lo âu và cơ chế tự vệ tương tự như biểu hiện của sự ức chế sinh lý. Và ở trẻ em gần đây cũng xuất hiện thêm những vấn đề lạ, mặc dù mẹ chúng luôn ở bên cạnh chúng, đưa chúng đi học, giúp chúng làm bài tập về nhà. Chúng không có khả năng chịu đau hay tuân theo kỷ luật, hoặc kiên trì theo đuổi bất kỳ một mục đích nào, và cảm thấy chán sống. Các nhà giáo ngày càng bức xúc hơn với tính lệ thuộc, thiếu tự chủ của những thiếu niên bước vào đại học bây giờ. Một vị chủ nhiệm khoa thuộc đại học Columbia bày tỏ: “Chúng tôi lúc nào cũng phải đấu tranh quyết liệt để bắt sinh viên trưởng thành hơn.”
Một hội thảo do Nhà Trắng tổ chức về đề tài suy yếu thể lực và cơ bắp ở trẻ em Mỹ đặt câu hỏi: có phải tụi trẻ đã được bao bọc quá mức? Các nhà xã hội học nhận thấy một sự sắp đặt rõ rệt trong cuộc sống của trẻ em ngoại ô – người ta sắp xếp sẵn cho chúng mọi thứ, từ các buổi học, liên hoan, giải trí, các nhóm chơi và học. Một bà mẹ ở Portland, Oregon tự hỏi vì sao lại cần có các tổ chức dã ngoại như Brownies hay Boy Scouts cho tụi trẻ. “Đây có phải là khu ổ chuột đâu. Tụi trẻ ở đây có một không gian tự nhiên thật tuyệt. Tôi nghĩ người ta hết việc để làm nên mới tụ tập trẻ con lại để tổ chức, rồi lôi kéo mọi người theo. Thế là lũ trẻ tội nghiệp chẳng còn thời gian để nằm trên giường mà mơ mộng nữa.”
****
Phải chăng vấn đề không tên kia có liên quan đến cuộc sống quanh quẩn trong nhà của người nội trợ? Khi một phụ nữ cố gắng diễn đạt vấn đề này, cô ấy chỉ đơn giản mô tả cuộc sống thường nhật của mình. Điều gì trong những mô tả về các chi tiết của cuộc sống nội trợ thư thái ấy lại có thể khiến họ cảm thấy tuyệt vọng? Phải chăng họ cảm thấy bị bó buộc bởi những đòi hỏi khắt khe đối với vai trò nội trợ hiện đại: vừa làm vợ, làm mẹ, làm người tình, vừa làm y tá, đầu bếp, tài xế, bảo mẫu, người tiêu dùng kiêm thợ sửa chữa đồ gia dụng, làm mới đồ gỗ, chuyên gia trang trí nội thất, chuyên gia dinh dưỡng và nhà giáo? Một ngày của họ bị chia năm xẻ bảy thành những mẩu vụn vặt khi họ tất bật chạy từ chỗ bồn rửa bát đến máy giặt đến bàn điện thoại, đến máy sấy rồi ra nhà xe, đến siêu thị, đưa thằng nhóc ra sân tập, con nhóc đến lớp múa, sửa máy cắt cỏ và kịp về nhà trước bảy giờ kém 15. Họ chẳng có lúc nào chuyên tâm riêng cho việc gì quá 15 phút, không có thời gian đọc sách, mà chỉ đọc được tạp chí. Ngay cả khi có thời gian, họ cũng mất khả năng tập trung. Đến cuối ngày, họ mệt phờ đến nỗi đôi khi phải nhờ chồng cho bọn trẻ đi ngủ.
Sự mỏi mệt dã dời này khiến nhiều phụ nữ phải đi khám đến nỗi một bác sĩ đã quyết định tìm hiểu sâu về nó. Ông ta phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên là các bệnh nhân mắc chứng “suy nhược nội trợ” này ngủ nhiều hơn mức những người lớn bình thường cần – tới 10 giờ mỗi ngày – trong khi năng lượng mà họ cần để làm việc nhà không hề quá tải. Ông kết luận rằng vấn đề thực chất có thể không phải là thể chất, mà là tinh thần. Một số bác sĩ khuyên các chị em nên ra khỏi nhà nhiều hơn, thỉnh thoảng lên phố xem phim. Một số khác kê cho các nữ bệnh nhân thuốc an thần. Nhiều người nội trợ ngoại ô uống thuốc an thần như ngậm kẹo bạc hà. “Tôi tỉnh dậy buổi sáng mà cảm thấy chẳng có lý gì phải tiếp tục một ngày nữa như thế này. Thế là tôi uống một viên an thần để chẳng phải bận tâm rằng việc mình làm tất cả vì cái gì.”
Thật không khó để nhìn thấy những chi tiết cụ thể bó buộc người nội trợ – đó là những đỏi hỏi không ngừng về thời gian. Tuy nhiên sợi xích níu chân họ lại nằm ở tư tưởng và tinh thần của họ. Đó là những sợi xích kết bởi những ý tưởng sai lầm, những thực tế bị bóp méo, sự thật không đầy đủ, và những lựa chọn vô thực. Đó là những sợi xích vô hình và khó gỡ bỏ.
Làm sao để một phụ nữ thấy được toàn bộ sự thật trong giới hạn cuộc đời mình? Làm cách nào để cô ấy tin vào những thôi thúc nội tâm của chính mình, khi những xúc cảm ấy đi ngược với những thông lệ hay chuẩn mực mà cô ấy đã luôn tuân theo? Những người phụ nữ lắng nghe những thôi thúc ấy dường như đã mò mẫm và dần nắm bắt được sự thật mà các chuyên gia không thể tìm ra.
Theo tôi, các chuyên gia trong vô vàn lĩnh vực từ lâu đã soi những mảnh nhỏ của sự thật ấy dưới kính hiển vi mà không biết. Tôi đã thấy những mảnh vụn ấy trong một số nghiên cứu và phát triển lý thuyết về tâm lý, khoa học xã hội và sinh học chưa từng được áp dụng cho phụ nữ. Tôi tìm thấy rất nhiều manh mối khi nói chuyện với các bác sĩ, chuyên gia sản phụ khoa, bác sĩ nhi khoa, những người tư vấn cho trẻ em, giáo viên chủ nhiệm trong trường phổ thông, giáo sư đại học, tư vấn hôn nhân, bác sĩ tâm thần và mục sư – khi tôi chất vấn họ không phải về lý thuyết, mà về những trải nghiệm thực tế của họ khi điều trị cho phụ nữ. Tôi phát hiện ra thêm nhiều bằng chứng – đa phần chưa được công bố rộng rãi – bởi chúng không phù hợp với lối suy nghĩ đương thời về phụ nữ. Những bằng chứng đó khiến tôi đặt dấu chấm hỏi cho tất cả những chuẩn mực về nữ tính mà đại đa số phụ nữ đang hướng theo.
Tôi bắt đầu nhìn mọi thứ dưới một lăng kính mới – hiện tượng người Mỹ kết hôn sớm hơn, sinh đông con hơn gây ra bùng nổ dân số, xu hướng sinh con tự nhiên, nuôi con bằng sữa mẹ, trào lưu bắt chước nhau ở ngoại ô, những triệu chứng tâm thần mới, những bệnh lý nhân cách và trục trặc sinh lý mà các bác sĩ mới phát hiện. Tôi bắt đầu nhìn thấy các góc khuất của những vấn đề muôn thuở của phụ nữ: rối loạn hành kinh, chứng lãnh cảm, quan hệ dễ dãi, lo âu trong thai kỳ, trầm cảm sau sinh, những trường hợp suy sụp tinh thần và tự tử ở phụ nữ trong độ tuổi 20-30, những khủng hoảng tiền mãn kinh, sự thụ động và thiếu trưởng thành của nam giới Mỹ, những cách biệt giữa kết quả kiểm tra năng lực trí tuệ lúc bé và thành tựu khi trưởng thành của phụ nữ, những thay đổi về khoái cảm tình dục ở phụ nữ Mỹ, cũng như vô số các vấn đề dai dẳng khác trong tâm lý trị liệu và giáo dục cho nữ giới.
Nếu những quan sát của tôi là đúng thì vấn đề không tên đang gây bức xúc tâm can của biết bao phụ nữ Mỹ ngày nay không phải xuất phát từ sự thiếu nữ tính, do học hành quá nhiều, hay bởi gánh nặng của việc nội trợ. Nguyên nhân của vấn đề này sâu sắc và nghiêm trọng hơn người ta tưởng. Đó là mấu chốt của những vấn đề mới lẫn cũ đã và đang dằn vặt những người phụ nữ và chồng con họ, làm đau dầu các bác sĩ và nhà giáo bấy lâu nay. Đó cũng rất có thể là chìa khoá cho tương lai nước Mỹ và nền văn hoá Mỹ. Chúng ta không thể tiếp tục phớt lờ những xúc cảm thôi thúc những người phụ nữ, khiến họ cảm thấy rằng: “Tôi không chỉ muốn chồng con, nhà cửa, mà còn cần hơn thế nữa.”
(1) Sigmund Freud (1856-1939): nhà thần kinh học người Áo, được xem là cha đẻ của ngành phân tâm học; Fridgidaire: thương hiệu thiết bị gia dụng ở Mỹ, sau được sáp nhập vào tập đoàn GE, và nay là một bộ phận của Electrolux. Fridgidaire nổi tiếng với sản phẩm tủ lạnh gia dụng. Từ “tủ lạnh” trong tiếng Anh được coi là có xuất xứ từ tên thương hiệu này.
(2) Sophocles: nhà soạn kịch Hy Lạp thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên; Spock: nhân vật người lai Vulcan trong loạt phim truyền hình và phim truyện khoa học viễn tưởng Star Trek.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét