Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

The Feminine Mystique – Chương 2: Hình mẫu nội trợ hạnh phúc

The Feminine Mystique (tạm dịch Phụ nữ lý tưởng)  là một trong những quyển sách có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, được biết đến như nguồn gốc sự khởi đầu của phong trào Nữ quyền thứ hai tại Hoa Kỳ. Nội dung quyển sách đề cập đến cuộc sống của những người người vợ, người mẹ tại Hoa Kỳ vào những năm 1950-1960 mặ dù cuộc sống của họ vẫn đầy đủ vật chất. Đâu là lý giải cho hiện tượng này? Liệu người phụ nữ sẽ tìm thấy hạnh phúc khi họ đã tìm được một tình yêu đích thực, xây dựng được một gia đình hạnh phúc với chồng và những đứa con xinh xắn?
VIET Psychology xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt của “The Feminine Mystique” – Phụ nữ lý tưởng với sự cho phép của dịch giả My Do. Chỉ có chương 1 & chương 2 được dịch, mọi chi tiết về quá trình và tiến triển dịch, xin liên hệ trực tiếp với dịch giả.
Nguyên tác: The Feminine Mystique Tác giả: Betty Friedan Dịch giả: My Do


Chương 2
Hình mẫu nội trợ hạnh phúc

Vì sao có bao nhiêu phụ nữ Mỹ khổ sở với sự bất mãn dai dẳng mà ai cũng nghĩ rằng đó chỉ là vấn đề của riêng mình? “Tôi đã rớt nước mắt khi biết rằng cũng có những phụ nữ khác chịu nỗi dằn vặt nội tâm như tôi.” Một thiếu phụ ở bang Connecticut viết thư cho tôi sau khi đọc được những lý giải của tôi về vấn đề này. Một phụ nữ từ một thị trấn nhỏ ở Ohio tâm sự: “Khi mà tôi chẳng còn nghĩ ra cách nào khác ngoài việc đi gặp bác sĩ tâm lý, khi tôi cảm thấy tức giận, hờn tủi, và bất lực không thể tả nổi, tôi hoàn toàn không biết rằng có hàng trăm phụ nữ khác cũng ở hoàn cảnh tương tự. Tôi cảm thấy thật cô độc.” Một người nội trợ ở Houston, Texas viết:” Chính cảm giác phải một mình chống chọi với vấn đề này làm tôi khổ sở hơn. Tôi biết ơn Chúa đã ban cho tôi gia đình, nhà cửa và cơ hội được chăm sóc cho tổ ấm, nhưng cuộc đời tôi không thể chỉ dừng lại ở đó. Khi biết mình không phải là trường hợp lập dị, tôi cảm thấy như được thức tỉnh, và không còn phải xấu hổ vì có những khao khát ngoài gia đình.”
Sự im lặng đau đớn tội lỗi và cảm giác nhẹ nhõm kì lạ khi được bộc lộ cảm xúc là những dấu hiệu tâm lý của nhiều phụ nữ. Liệu những người phụ nữ ấy bấy lâu nay đang che giấu nỗi niềm gì? Ở thời đại hậu-Freud này, người ta thường nghĩ ngay đến nhu cầu tình dục. Nhưng có vẻ như nỗi bức xúc gần đây của nữ giới không liên quan đến tình dục. Phụ nữ có thể nói về tình dục, nhưng rất khó để nói về nỗi bức xúc này. Liệu có một thứ nhu cầu khác, một phần khác ẩn sâu bên trong, mà những phụ nữ ngày nay đang giấu kỹ như những phụ nữ thời Victoria giấu giếm nhu cầu tình dục?
Và nếu nhu cầu đó tồn tại, phụ nữ ngày nay cũng không biết đó là nhu cầu gì, cũng như trước kia phụ nữ thời Victoria không biết rằng mình có nhu cầu xác thịt. Hình mẫu người phụ nữ hoàn hảo mà nữ giới thời Victoria lấy làm chuẩn mực hoàn toàn không động chạm đến tình dục. Phải chăng chuẩn mực mà những phụ nữ Mỹ hiện đại giờ đây theo đuổi cũng đang bỏ sót một điều gì đó? Phải chăng còn một khoảng trống nào đó trong hình mẫu lý tưởng mà các nữ sinh trung học mới biết hẹn hò, những sinh viên đại học đang yêu, những người nội trợ ngoại ô với các ông chồng đang trên đà thăng tiến cùng một chiếc xe gia đình trở đầy trẻ con luôn mơ ước? Các tạp chí phụ nữ, truyền hình, phim ảnh, tiểu thuyết, báo chí và sách do các chuyên gia viết về hôn nhân gia đình, tâm lý trẻ em, quan hệ tình dục cùng những người phổ cập hoá xã hội học và phân tâm học đã góp phần xây dựng nên chuẩn mực về người đàn bà lý tưởng – một hình mẫu định hình mơ ước và cuộc đời của biết bao phụ nữ ngày nay. Hình mẫu ấy có thể giúp chúng ta lý giải vấn đề mà phụ nữ ngày nay gặp phải, cũng giống như giấc mơ phản ánh những mong muốn vô thức của con người. Vấn đề xảy phát sinh khi thực tế không giống như hình mẫu lý tưởng. Tôi không thể ghép sự tuyệt vọng âm thầm của biết bao phụ nữ vào khuôn hình người nội trợ hiện đại hoàn hảo mà bản thân tôi cũng góp phần tạo dựng khi viết bài cho các tạp chí phụ nữ. Có gì không ổn trong hình mẫu định hình lý tưởng của những người vợ, người mẹ tương lai? Phải chăng còn thiếu một điểm gì trong hình mẫu phản ánh và tạo dựng đặc tính của của phụ nữ Mỹ ngày nay?
****
Trong những năm đầu thập kỷ 60, McCall’s là tờ tạp chí cho phụ nữ bán chạy nhất ở Mỹ. Nội dung của nó phản ánh khá chân thật hình ảnh người phụ nữ Mỹ mà giới xuất bản tạp chí phổ thông khắc hoạ và góp phần tạo dựng. Đây là tóm tắt nội dung đầy đủ trong số ra tháng sáu năm 1960 của tờ McCall’s:
1. Bài viết về “hiện tượng hói đầu ngày càng phổ biến ở phụ nữ” do chải và nhuộm tóc quá nhiều.
2. Bài thơ dài in bằng cỡ chữ lớn về một đứa trẻ với tiêu để “Con trai là con trai”.
3. Truyện ngắn về một thiếu nữ không học đại học “cướp” được bạn trai từ một cô sinh viên sáng láng.
4. Truyện ngắn về sự phấn khích của một đứa bé ném một chai sữa ra khỏi cũi.
5. Phần đầu của một tự thuật hai phần của thái tử Anh Edward VIII về “Cuộc sống đời thường của tôi và công nương. Trang phục ảnh hưởng đến tôi như thế nào và ngược lại.”
6. Truyện ngắn về một thiếu nữ 19 tuổi được gửi đến trường dạy làm duyên để học cách đánh lông nheo và để thua khi chơi tennis. (“Bây giờ con đã 19 tuổi, và theo tiêu chuẩn thông thường ở Mỹ thì ta được quyền bàn giao con – trên danh nghĩa pháp lý và kinh tế – cho một gã trai trẻ để nó đón con về một căn hộ có phòng ngủ phụ trong khu Village, trong lúc nó học các chiêu buôn cổ phiếu. Và sẽ chẳng có gã trai trẻ nào chịu rước con đi nếu con đánh bóng vào góc yếu của nó.”
7. Câu chuyện về một cặp vợ chồng mới cưới ngủ riêng ở hai phòng sau một trận tranh luận về cờ bạc ở Las Vegas.
8. Bài viết về “cách vượt qua phức cảm tự ti”.
9. Câu chuyện với tiêu đề “Ngày Cưới”.
10. Chuyện về mẹ của một thiếu niên học nhảy rock-and-roll.
11. Sáu trang ảnh thời trang chụp các cô người mẫu mặc đầm bầu.
12. Bốn trang trình bày hấp dẫn về “cách ăn kiêng của người mẫu”.
13. Một bài báo về việc máy bay hoãn chuyến.
14. Các mẫu may thủ công.
15. Hướng dẫn làm “Rèm cửa gấp màu nhiệm”
16. Bài viết với tựa “Bách khoa toàn thư về cách tìm đời chồng mới”.
17. Một “đại tiệc BBQ”, dành riêng cho “những quý ông Mỹ vĩ đại đứng hiên ngang trên sân thượng hay hiên nhà, với mũ đội đầu, xiên thịt trong tay, ngắm tảng thịt đang xoay trên giàn lửa. Và cho những người vợ mà nếu không có họ, buổi tiệc thịt nướng mùa hè sẽ mất hẳn đi phần hoành tráng…”

Ngoài ra phần đầu tạp chí cũng có những mục “cẩm nang” thường lệ giới thiệu các loại thuốc và tiến bộ mới trong y khoa, thông tin về nuôi dạy trẻ, các chuyên mục của những nhân vật đình đám đương thời như Clare Luce và Eleanor Roosevelt, và mục thư độc giả.
Hình ảnh người phụ nữ ta có thể thấy nổi bật trong cuốn tạp chí đẹp đẽ này là một thiếu phụ trẻ trung, hồn nhiên bé bỏng như một đứa trẻ, an phận, nữ tính, sung sướng mãn nguyện trong một thế giới gói gọn trong phòng ngủ, nhà bếp, con cái, nhà cửa và chuyện chăn gối. Dĩ nhiên tờ tạp chí không bỏ qua tình dục, bởi đàn ông là niềm đam mê, khao khát và mục tiêu duy nhất mà phụ nữ được theo đuổi. Lật qua các trang tạp chí, ta sẽ thấy ngồn ngộn đồ ăn, quần áo, mỹ phẩm, đồ nội thất, cơ thể những cô gái trẻ – nhưng còn chỗ nào dành cho suy nghĩ, ý tưởng, trí tuệ và cuộc sống nội tâm? Trong hình ảnh của tạp chí, phụ nữ không làm việc gì khác hơn là việc nhà, và giữ gìn vóc dáng để kiếm chồng và giữ chân chồng.
Đó là hình ảnh người phụ nữ Mỹ tại thời điểm mà Castro lãnh đạo một cuộc cách mạng ở Cuba, và người ta bắt đầu huấn luyện để đưa đàn ông vào vũ trụ; thời điểm mà nhiều quốc gia Châu Phi mới thành lập, mà một chiếc máy bay siêu âm làm náo loạn Hội nghị Thượng đỉnh Đông-Tây; thời điểm mà các hoạ sĩ bao vây biểu tình trước một bảo tàng lớn phản đối ngôi bá chủ của nghệ thuật trừu tượng; khi mà các nhà vật lý phát hiện ra khái niệm phi vật thể, khi các phi hành gia phải điều chỉnh quan niệm về sự mở rộng vũ trụ sau sự ra đời của những chiếc kính thiên văn radio mới, và các nhà sinh vật học đạt được bước đột phá trong nghiên cứu về hoá chất cơ bản của sự sống. Cũng tại thời điểm này, một nhóm thanh niên gốc Phi ở miền Nam đã buộc nước Mỹ, lần đầu tiên sau Nội chiến, phải đối diện với một sự thật về dân chủ. Ấy vậy mà tờ tạp chí này, dành cho hơn 5 triệu nữ độc giả Mỹ, đại đa số đã tốt nghiệp phổ thông hoặc học gần xong đại học, lại không đề cập đến bất cứ sự kiện gì đang diễn ra trên thế giới, ngoài khuôn khổ gia đình. Trong nửa cuối của thế kỷ 20, thế giới của phụ nữ Mỹ đã thu hẹp lại và chỉ xoay quanh cơ thể và nhan sắc, cách quyến rũ đàn ông, chuyện sinh đẻ, phục vụ chồng con, chăm sóc nhà cửa. Và số báo trên đây không phải là một số báo ngoại lệ của một tờ tạp chí ngoại lệ.
Một buổi tối tôi ngồi họp cùng một nhóm các cây viết cho tạp chí, đa số là nam giới, làm việc với đủ loại tạp chí, bao gồm cả các tờ dành cho phụ nữ. Người chủ toạ là lãnh đạo của phong trào xoá bỏ phân biệt chủng tộc. Trước khi anh ta phát biểu, một người đàn ông khác giới thiệu khái quát nhu cầu của tờ tạp chí phụ nữ lớn mà anh ta biên tập:
Độc giả của chúng tôi là nội trợ, ở nhà cả ngày. Họ không quan tâm đến những vấn đề xã hội to tát. Họ không quan tâm đến chính sách trong nước hay quan hệ quốc tế. Họ chỉ quan tâm đến nhà cửa và gia đình. Họ không quan tâm đến chính trị, trừ khi nó liên quan trực tiếp đến một vấn đề trong gia đình, chẳng hạn như giá cà phê. Họ không hiểu lối viết châm biếm, nên chỉ có thể viết cho họ theo lỗi hài hước nhẹ nhàng. Họ gần như đã chán du lịch, nên chúng tôi không viết về đề tài này nữa. Giáo dục là một lĩnh vực đáng quan tâm. Trình độ của các phụ nữ này ngày càng đi lên. Hầu hết họ đều đã tốt nghiệp phổ thông, thậm chí đại học. Họ đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục con cái – chẳng hạn như môn số học lớp Bốn. Vì vậy các anh không thể viết về những ý tưởng hay vấn đề đao to búa lớn cho phụ nữ. Đấy là lý do nội dung tạp chí của chúng tôi có đến 90 phần trăm chuyên đề phụ nữ, và chỉ 10 phần trăm cho các đề tài chung chung.
Một biên tập viên khác đồng tình, và than thở: “Tại sao các anh không thể nghĩ ra một đề tài nào khác ngoài chuyện phải cẩn thận với các loại thuốc men? Tại sao không phát minh ra một vấn đề khủng hoảng khác cho phụ nữ quan tâm? Chẳng phải là ai cũng quan tâm đến tình dục đó sao?”
Tiếp đó, họ dành một tiếng đồng hồ nghe thẩm phán Thurgood Marshall kể những chuyện hậu trường trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, và ảnh hưởng của nó tới cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. “Tiếc là tôi không được viết về đề tài thú vị thế này”, một biên tập viên nói. “Tôi không thể đem chuyện này mà kể cho đàn bà được.”
Nghe họ nói chuyện, tôi như nghe vọng bên tai khẩu hiệu “Con cái, Bếp núc, Nhà thờ” của Đức Quốc xã yêu cầu giam chặt phụ nữ trong vai trò sinh học của mình. Nhưng đây không phải là nước Đức thời Phát-xít. Chúng ta đang sống ở nước Mỹ, và phụ nữ Mỹ được tự do làm bất kỳ điều gì mình muốn. Vậy thì lẽ gì ta lại bắt phụ nữ phải hạn chế trong một vai trò, một địa vị, một nghề nghiệp? Cách đây chưa lâu phụ nữ đã ước mơ và đấu tranh cho quyền bình đẳng và làm chủ bản thân. Bây giờ những mơ ước đấy đã đi đâu về đâu? Từ bao giờ phụ nữ lại quyết định từ bỏ tất cả tự do để quay về với công việc nội trợ?
*****
Khi một nhà địa chất xúc một tảng bùn từ đáy đại dương, ta sẽ thấy được những tầng trầm tích sắc như dao cạo xếp lên nhau qua hàng triệu năm. Đó là bằng chứng cho quá trình thay đổi địa chất lâu dài của trái đất. Nếu chỉ quan sát trong quãng thời gian bằng một đời người, ta khó lòng phát hiện sự biến đổi nào ở các lớp trầm tích ấy. Tôi đã dành rất nhiều thời gian ở Thư viện công cộng New York để đọc lại hàng chồng tạp chí phụ nữ của Mỹ đã xuất bản trong hai mươi năm qua. Tôi nhận thấy một sự thay đổi trong hình ảnh người phụ nữ, và thế giới xung quanh họ, rõ rệt như các lớp trầm tích dưới đáy đại dương.
Năm 1939, những nhân vật tiêu biểu trong các tạp chí phụ nữ không phải đều còn trẻ, nhưng xét ở một khía cạnh nào đó họ trẻ trung hơn so với những nhân vật hư cấu giống họ bây giờ. Ta thấy họ trẻ, có thể vì lúc nào ta cũng thấy các nhân vật anh hùng đều còn trẻ. Họ là những người Phụ Nữ Mới, sôi nổi quyết tâm mang lại một diện mạo mới, một cuộc đời mới độc lập cho phụ nữ. Nhìn vào họ, ta thấy như đang hướng về một tương lai khác với quá khứ. Đại đa số các nhân vật tiêu biểu trong các tạp chí lớn thời đó, như Ladies’ Home Journal, McCall’s, Good Housekeeping, Woman’s Home Companion, đều là những người phụ nữ sự nghiệp hạnh phúc, kiêu hãnh, mạo hiểm và quyến rũ. Họ cũng biết yêu và được đàn ông say đắm. Tâm hồn, bản lĩnh, tính quyết đoán và độc lập – sức mạnh thể hiện trong công việc y tá, giáo viên, nghệ sĩ, diễn viên, người viết quảng cáo, bán hàng mà họ đảm nhận – làm nên nét duyên của họ. Rõ ràng đàn ông không cảm thấy mất cảm tình, mà ngược lại ngưỡng mộ cá tính của những người phụ nữ này. Đàn ông say đắm họ, không chỉ vì nhan sắc mà còn vì tâm hồn của họ.
Đó là thời huy hoàng của các tạp chí phụ nữ. Vẫn có những câu chuyện trai gái yêu đương muôn thuở, nhưng thường đó không phải là chủ đề chính của các tạp chí. Các nhân vật nữ trong tạp chí thời ấy thường đang theo đuổi một tầm nhìn hay ước mơ nào đó, và gặp ý trung nhân trong quá trình giải quyết một vấn đề công việc hay xã hội nào đó. Những câu chuyện tình trên tạp chí trước đây cũng khác với bây giờ. Trong các câu chuyện này, nhân vật chính là những người Phụ Nữ Mới, không bé bỏng nữ tính như các cô gái thời nay, độc lập và kiên quyết theo đuổi một lối đi cho riêng mình. Họ không đặt nặng việc phải tìm bằng được một người đàn ông. Bởi họ quan tâm và say mê với nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, tự chủ hơn, có tính cách cá nhân mạnh mẽ hơn, nên các câu chuyện tình yêu của họ cũng mang sắc thái khác. Thường các nhân vật chính trong truyện gặp nhau ở nơi làm việc. Truyện “Chung một giấc mơ” đăng trên Redbook số tháng Giêng 1939 là một ví dụ. “Anh không muốn giấu em trong một khu vườn đằng sau bức tường rào. Anh muốn em đi bên anh, tay trong tay, và chúng ta sẽ cùng nhau đạt được bất cứ điều gì chúng ta mơ ước.” (trích lời nhân vật nam chính)
Những người Phụ Nữ Mới hiếm khi là nội trợ. Hầu hết các câu chuyện đều kết thúc trước khi họ sinh con đẻ cái. Họ luôn trẻ trung vì tương lai với họ lúc nào cũng rộng mở. Nhưng ở một góc độ khác, họ có vẻ chững chạc hơn nhiều so với các cô nội trợ ngây thơ bé bỏng – nhân vật chính trong truyện bây giờ. Chẳng hạn, trong truyện “Mẹ chồng” (Ladies’ Home Journal, tháng sáu 1939) có một cô y tá. “Anh thấy cô ấy thật dễ thương. Nàng không có vẻ ưa nhìn của các cô người mẫu trên tạp chí, nhưng bàn tay nàng có nghị lực, dáng đứng mang vẻ kiêu hãnh, trong đôi mắt xanh và cách vênh cằm toát lên vẻ quý phái. Từ ngày ra trường cách đây 9 năm, nàng đã tự xoay sở một mình. Nàng đã đạt được những gì nàng muốn. Nàng không tuân theo gì khác ngoài những điều trái tim mách bảo.”
Một nhân vật nữ khác chạy trốn khỏi nhà khi bị mẹ bắt phải ra mắt trong khi cô muốn lên đường đi làm một nhà thám hiểm địa chất. Quyết tâm mãnh liệt được sống cuộc đời riêng không ngăn cản các cô gái rung động trước tình yêu, nhưng lại thôi thúc các cô phản kháng lại cha mẹ. Để trưởng thành, những người hùng phải rời xa mái ấm bao bọc họ. Chàng trai giúp cô chạy trốn nói với cô: “Anh chưa từng gặp cô gái nào táo bạo như em. Em có đủ bản lĩnh để làm được điều em muốn.” (Truyện “Hãy tận hưởng đi nhé!”, Ladies’ Home Journal, tháng Năm 1939).
Đôi khi, các cô gái phải đứng trước mối mâu thuẫn giữa công việc và tình cảm. Thông điệp từ các câu chuyện viết năm 1939 thường là: hãy là chính mình, và các cô sẽ không bao giờ mất đi tình yêu, nếu đó là tình yêu đích thực. Trong truyện “Giữa ngày và đêm” của tờ Ladies’ Home Journal số tháng 2 năm 1939, một thiếu phụ trẻ goá chồng ngồi trong văn phòng, đắn đo xem nên ở lại giải quyết một lỗi lớn mà cô mắc phải ở công ty, hay bỏ về để giữ cuộc hẹn với một người đàn ông. Cô suy nghĩ về cuộc hôn nhân trước kia, về đứa con nhỏ, sự ra đi của người chồng… “sau tất cả những gì đã qua điều cô học được là phải lựa chọn sáng suốt, không ngại dấn thân vào những công việc mới, và tự tin vào quyết định của mình.” Sếp của cô không thể bắt cô huỷ cuộc hẹn, nhưng cô quyết định ở lại văn phòng. “Mọi người đã mất bao nhiêu công sức cho chiến dịch quảng cáo này. Mình không thể làm hỏng việc.” Thế rồi cô cũng tìm được ý trung nhân – chính là sếp của cô.
Có thể những câu chuyện này không phải là những tác phẩm văn học bất hủ. Song chúng phần nào giúp cho ta hiểu hơn độc giả của các tờ tạp chí – đó là những người nội trợ. Cần lưu ý rằng những tạp chí này không phải dành cho những người phụ nữ công sở. Những hình tượng phụ nữ sự nghiệp là lý tưởng, ước mơ, khát khao được là chính mình, và niềm hy vọng vào cơ hội rộng mở của những người nội trợ cách đây vài thập kỷ. Và nếu như những người nội trợ thời ấy không thể mơ ước cho bản thân mình, họ sẽ ước mơ cho con gái họ. Họ muốn con gái họ sau này lớn lên không chỉ làm những người nội trợ quanh quẩn bếp núc, mà sẽ bước ra thế giới rộng lớn mà họ chưa có cơ hội khám phá, chinh phục.
Tôi có cảm giác như hồi tưởng lại một ước mơ đã bị lãng quên, khi lật lại ký ức về hình ảnh người phụ nữ sự nghiệp, trước khi “phụ nữ sự nghiệp” trở thành một cụm từ gây ác cảm như bây giờ. Dĩ nhiên, trước kia, khi vừa bước ra khỏi thời đại khủng hoảng, người ta cần công việc để kiếm tiền. Nhưng với độc giả của các tạp chí trước kia, những người phụ nữ sự nghiệp không chỉ đơn thuần là những người có công ăn việc làm. Sự nghiệp có ý nghĩa rộng hơn công việc rất nhiều. Việc theo đuổi sự nghiệp giống như hành động khẳng định bản thân, thay vì tồn tại trong vỏ bọc và dưới bóng của những người khác.
Câu chuyện “Sarah và chiếc thuỷ phi cơ”, đăng trên tờ Ladies’ Home Journal số tháng 2 năm 1949, có thể coi là dấu ấn tiêu biểu của khát khao khẳng định bản thân thông qua sự nghiệp của phụ nữ thời trước những năm 50. Nhân vật chính Sarah, sau 19 năm đóng vai cô con gái ngoan, bí mật học bay. Mỗi khi phải đi theo mẹ trong các buổi giao tế, cô phải nghỉ học. Một người khách lớn tuổi của gia đình cô khuyên cô: “Cháu yêu ơi, cháu có biết là mỗi lần cháu đi học bay là cháu đang dẫn mình đến chỗ chết không? Tự huỷ hoại bản thân là tội nặng hơn cả việc không nghe lời người khác đấy.” Thế rồi, như linh cảm được một bí mật nào đó, ông hỏi Sarah: “Có phải cháu đang yêu không?” Sarah không thể trả lời ông khách. Yêu ư? Cô không biết là mình có cảm tình với anh chàng Henry đẹp trai tốt nết (giáo viên dạy bay của cô), hay là cô say mê mặt nước óng ánh, đôi cánh bay bổng tự do, và tầm nhìn đẹp đẽ bao la vô tận. “Vâng, chắc là cháu đang yêu”, cô đáp.
Sáng hôm sau, lần đầu tiên Sarah bay một mình. “Henry bước ra khỏi buồng lái, đóng sập cửa, và đẩy tàu đi. Sarah chỉ còn lại một mình. Sau cảm giác hoang mang vì dường như đã quên hết những gì học được, cô bắt đầu làm quen với cảm giác một mình trơ trọi trong buồng lái. Cô hít một hơi thật sâu, và bất chợt trong cô trào dâng cảm giác tự tin. Cô ngồi thẳng lưng và mỉm cười. Cô chỉ còn một mình! Giờ đây cô không phụ thuộc vào ai nữa, và cô cảm thấy mình có thể hoàn toàn làm chủ. “Mình làm được!” cô tự thốt lên… Gió thổi bật lại từ cánh phao, thành những vạt lấp lánh, và nhẹ như không, chiếc tàu bay vút lên không trung.” Giờ đây ngay cả mẹ cô cũng không thể ngăn cô lấy bằng lái. Cô không sợ “khám phá một cách sống của riêng mình.” Đêm đó, cô mỉm cười trước khi thiếp đi khi nhớ lại lời Henry nói với cô: “Em đúng là cô bé của Henry.”
“Cô bé của Henry! Cô cười. Không, cô không phải cô bé của Henry. Cô là Sarah. Và thế là đủ. Cô nhận ra điều đó hơi muộn, nên sẽ cần thêm thời gian để khám phá bản thân mình. Ở lưng chừng giấc mơ, cô tự hỏi liệu đến cuối con đường cô có cần một ai đó, và đó sẽ là ai.”
*****

Thế rồi hình ảnh người Phụ Nữ Mới mờ nhạt đi. Các cô gái đang bay vút trên không, tới lưng chừng chợt dừng lại do dự, cảm thấy lạnh lẽo trong ánh nắng xanh lơ, vội quay trở về nhà trú trong những bức tường ấm áp. Cũng cùng năm câu chuyện về Sarah được viết, trên tờ Ladies’ Home Journal cũng xuất hiện những bài đầu tiên trong chuỗi những bài viết ca ngợi một hình mẫu phụ nữ mới “Nghề nghiệp: Nội trợ” tràn ngập trên các ấn phẩm suốt những năm 50. Những bài viết ấy bắt đầu với câu chuyện một người nội trợ than phiền rằng cô cảm thấy tự ti khi phải bỏ trống mục “Nghề nghiệp” trên các tờ biểu mẫu. (“Khi tôi bỏ trống dòng đó, tôi nhận ra rằng mình chỉ là một phụ nữ trung niên, với tấm bằng đại học, mà chửng làm được gì với cuộc đời mình. Tôi chỉ là một bà nội trợ.”) Thế rồi, một tác giả, chưa từng biết thế nào là nội trợ, (trong trường hợp này là Dorothy Thompson, một nhà báo, phóng viên quốc tế, một cây viết trứ danh cho tờ Ladies’ Home Journal), đáp lại trong bài viết vào tháng ba, 1949 bằng một giọng trách móc mỉa mai. Vấn đề của các chị em là họ không nhận ra rằng mình đã đồng thời là chuyên gia trong hàng tá ngành nghề. “Các chị có thể điền vào mục Nghề nghiệp rằng các chị là nhà quản lý, đầu bếp, y tá, tài xế, thợ may, trang trí nội thất, kế toán, cấp dưỡng, giáo viên, thư ký riêng, hoặc đơn giản là nhà hảo tâm… Cả cuộc đời các chị, các chị đã cống hiến bao nhiêu công sức, tài năng, tâm huyết vì tình yêu.” Nhưng, người nội trợ vẫn chưa thoả mãn, “Giờ đây tôi đã bước sang tuổi ngũ tuần mà chưa từng dành thời gian cho đam mê thời trẻ là âm nhạc. Tôi đã lãng phí tấm bằng đại học của mình.”
Dorothy Thompson bật cười đáp lại: “Chẳng phải con cái chị giỏi nhạc là nhờ chị đó sao? Và trong suốt thời gian chồng chị mải mê hoàn thành tác phẩm tuyệt vời của mình, chẳng phải chị đã một tay chăm lo cho tổ ấm tinh tươm với khoản ngân sách hạn hẹp? Chẳng phải chị đã tự tay may quần áo cho bản thân và bọn trẻ, tự dán giấy dán tường trong phòng khách, và săn lùng những món hàng giảm giá? Chẳng phải trong những lúc rảnh rỗi chị đã đánh máy và soát lỗi bản thảo của chồng chị, tổ chức các sự kiện gây quỹ cho nhà thờ, khuyến khích tụi trẻ học piano bằng cách tập đàn cùng chúng, rồi cùng ôn bài với chúng trong suốt những năm trung học?” “Nhưng tất cả những thứ đó là tôi làm cho người khác chứ đâu phải là sống cho tôi?”, người nội trợ thở dài. “Thế thì cũng vẻ vang đâu có kém gì Napoleon cơ chứ”, Thompson chế giễu, “hay là một vị Nữ hoàng. Tôi không thể thông cảm sự mặc cảm của chị. Chị là một trong những người thành đạt nhất mà tôi từng biết.”
Còn nếu có người nội trợ nào than phiền rằng họ không kiếm ra tiền, thì câu trả lời là hãy thử tính toán lại giá trị của những việc các chị em đã làm. Số tiền mà phụ nữ tiết kiệm được khi quản lý chi tiêu trong gia đình còn lớn hơn số tiền mà họ có thể kiếm được nếu đi làm. Còn nếu các chị em phàn nàn rằng các công việc nội trợ quá tẻ nhạt thì đấy là vì họ chưa tận dụng hết năng lực của mình. “Thế giới có quá nhiều phụ nữ thông minh mà lại không có trẻ con thì sớm muộn cũng diệt vong… Cần những bà mẹ vĩ đại sinh ra những người đàn ông vĩ đại.” Và những người nội trợ Mỹ nên nhớ rằng ở những quốc gia Thiên chúa ở Trung Đông, người ta đã “tôn vinh đức mẹ Maria khiêm tốn dịu dàng thành Bà chúa của Thiên đường, và xây dựng những đền đài lộng lẫy nhất để dành cho Đức Bà tôn quý”… Người xây tổ ấm, sinh thành và nuôi nấng con trẻ chính là người tái tạo, lưu truyền văn hoá, văn minh và phẩm hạnh. Và nếu như những người phụ nữ đang đảm đương xuất sắc sứ mệnh gian nan và cao cả ấy của mình, thì có lẽ gì mà họ không dám tự hào mà tuyên bố rằng nghề nghiệp của họ là nội trợ?”
Năm 1949, tạp chí Ladies’ Home Journal cũng đăng loạt bài trích từ cuốn “Nam và Nữ” (Male and Female) của Margaret Mead. Tất cả các ấn phẩm đều đi theo trào lưu mà cuốn “Phụ nữ hiện đại: Giới tính bị mất” của Farnham và Lundberg khơi mào. Cuốn sách xuất bản năm 1942 này cảnh báo rằng sự nghiệp và học vấn đã “khiến phụ nữ trở nên nam tính hơn, và điều này gây nguy hại nghiêm trọng cho gia đình, con trẻ, cũng như tác động xấu đến quan hệ chăn gối vợ chồng.”
Và thế là một hình mẫu về người phụ nữ lý tưởng bắt đầu xuất hiện. Hình tượng này là sự chắp ghép những định kiến và lề lối sẵn có, mở đường cho quá khứ bóp nghẹt tương lai. Đằng sau hình mẫu lý tưởng này là những khái niệm và lý thuyết nguỵ biện khôn khéo dựa trên những ngộ nhận phổ biến. Những lý thuyết này được xem là vô cùng phức tạp, không phải ai cũng hiểu được, và vì vậy người ta khó lòng phản bác. Để tìm hiểu sâu những lý thuyết phức tạp và những ngộ nhận phổ biến này, người ta cần phải vượt qua một bức rào bí ẩn để hiểu rõ điều gì đã xảy ra với nữ giới Mỹ.
Theo những lý thuyết về nữ tính chuẩn mực, điều quan trọng nhất, có giá trị nhất mà phụ nữ cần rèn luyện là hoàn thiện hơn tính nữ của mình. Lý thuyết này cho rằng sai lầm lớn nhất của văn hoá phương Tây, trong gần suốt chiều dài lịch sử, là chưa đánh giá cao nữ tính; rằng nữ tính vô cùng bí ẩn và trực giác, gần gũi với khởi nguồn sự sống, và những ngành khoa học nhân tạo không bao giờ có thể hiểu được. Và mặc dù khác biệt, nữ tính không hề thấp kém hơn so với nam tính, thậm chí ở một số khía cạnh nào đó, nó còn đáng quý hơn. Cũng theo lý thuyết về nữ tính này, nguồn gốc của sự bất hạnh của phụ nữ bấy lâu nay là vì họ đã luôn ghen tị với nam giới, cố gắng để bắt chước nam giới, thay vì chấp nhận bản chất của mình. Phụ nữ sẽ chỉ toại nguyện và hạnh phúc khi họ nhường phần mạnh mẽ cho nam giới, chấp nhận làm phái yếu và phát huy thiên chức làm mẹ của mình.
Nhưng lý thuyết về nữ tính chuẩn mực lại dựng lên cho phụ nữ Mỹ một hình mẫu cũ rích – “nghề nghiệp: nội trợ”. Hình mẫu mới này biến những người vợ, người mẹ, người chưa từng bao giờ có cơ hội được nhận vai nào khác, thành chuẩn mực lý tưởng cho tất cả mọi phụ nữ. Lý thuyết về nữ tính chuẩn mực giả định rằng lịch sử, hoặc ít nhất là con đường tiến bộ của phụ nữ, đến đây là kết thúc huy hoàng. Ẩn sau những phục sức tinh xảo và lộng lẫy, lý thuyết về người phụ nữ lý tưởng chẳng qua lọc ra những khía cạnh cụ thể, cố định, hữu hạn của nữ tính – biểu hiện ở những phụ nữ mà hoàn cảnh bó hẹp cuộc đời của họ trong việc giặt giũ, nấu nướng, sinh đẻ – để rồi tôn vinh những “đức tính’ đó thành biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ, và là hình mẫu chuẩn mực mà mọi phụ nữ cần phải noi theo để hoàn thiện bản thân.
Từ sau năm 1949, để trở thành một người phụ nữ Mỹ lý tưởng chỉ có một cách – đó là làm nội trợ. Thoáng như một giấc mơ, hình ảnh người phụ nữ Mỹ từ một cá thể biến động, trưởng thành trong một thế giới đang thay đổi đã nhanh chóng bị xoá sổ. Chuyến bay solo kiếm tìm bản sắc cá nhân đã bị lãng quên khi giờ đây người ta đua nhau kiếm tìm sự yên ổn của hạnh phúc gia đình. Khoảng trời bao la vô tận trước đây giờ thu hẹp trong bốn bức tường gọi là “tổ ấm”.
Quan niệm về nữ tính thể hiện qua các ấn phẩm dành cho phụ nữ Mỹ bắt đầu thay đổi sau năm 1949, và hình tượng người phụ nữ lý tưởng mới được xây dựng rõ nét hơn trong thập kỷ 50. “Nữ tính bắt đầu từ trong gia đình”, “Có thể thế giới là của đàn ông”, “Hãy sinh con khi còn trẻ”, “Làm thế nào để bẫy đàn ông”, “Tôi có nên nghỉ việc sau khi kết hôn?”, “Bạn có biết cách dạy con gái làm vợ?”, “Vì sao lính Mỹ thích đàn bà Đức?”, “Những điều Eva có thể dạy bạn”, “Sự nghiệp tại gia”, “Vì sao phụ nữ lắm điều?”, “Chính trị – lãnh địa của đàn ông”,”Những cách duy trì hôn nhân hạnh phúc”, “Đừng ngại lấy chồng sớm”, “Lời khuyên của bác sĩ về cách cho con bú”, “Tôi sinh con tại nhà”, “Với tôi, nấu nướng là nghệ thuật”, “Quản lý gia đình như quản lý doanh nghiệp”.
Đến cuối nhập kỷ 40, trên các ấn phẩm dành cho phụ nữ, cứ ba nhân vật nữ thì chỉ có một người phụ nữ sự nghiệp – và thường họ xuất hiện trong bối cảnh đang từ bỏ công việc của mình khi phát hiện ra rằng điều mình thực sự mong muốn là làm nội trợ. Năm 1958, rồi suốt cả năm 1959, tôi không tìm ra nổi một bài viết nào trong ba tờ tạp chí lớn nhất dành cho phụ nữ bấy giờ (tờ thứ tư, Woman’s Home Companion, đã đình bản) một nhân vật nữ có sự nghiệp, hay chí ít là một niềm đam mê nào đó với công việc, nghệ thuật, hay một vấn đề xã hội. Tất cả chỉ còn lại những nhân vật với “nghề nghiệp: nội trợ”. Trong 100 nhân vật nữ trên báo thì chỉ có một người đi làm. Ngay cả những phụ nữ chưa chồng cũng không đi làm. Họ chỉ chăm chăm tìm cách kiếm cho được một tấm chồng.
Những người nội trợ hạnh phúc mới này dường như trẻ hơn một cách lạ thường so với những phụ nữ sự nghiệp sôi nổi của thập niên 30, 40. Họ càng ngày càng trẻ – cả về ngoại hình lẫn trong cách tỏ vẻ bé nhỏ yếu đuối. Họ không có định hướng gì cho tương lai, ngoài việc sinh con đẻ cái. Trong thế giới của họ, duy chỉ có những đứa trẻ là lớn lên. Những hình tượng nội trợ dường như trẻ mãi không già, bởi với họ tất cả đều dừng lại khi con cái ra đời. Giống như Peter Pan, họ phải giữ nguyên một trạng thái, trong khi con cái họ lớn lên cùng thế giới bên ngoài. Họ phải tiếp tục sinh con, bởi chuẩn mực về nữ tính chỉ ra rằng đó là cách duy nhất để họ trở thành người phụ nữ lý tưởng. Hãy thử đọc một trích đoạn trong truyền “Người bán bánh mỳ” trong tờ Ladies’ Home Journal số tháng tư năm 1959. Nhân vật chính là một cô gái đã theo học chuyên ngành kinh tế gia đình ở trường đại học để học nấu ăn, chưa bao giờ đi làm, và vẫn đóng vai cô dâu trẻ mặc dù đã có ba đứa con. Vấn đề mà cô quan tâm kinh tế. “Ồ, không phải là cái thứ kinh tế chán ngắt về thuế khoá hay hiệp định thương mại, viện trợ nước ngoài này nọ đâu. Mấy chuyện đó tôi đã phó mặc cho các vị nghị sĩ đáng kính ở Washington rồi”.
Vấn đề của cô là khoản tiền tiêu vặt 42 đồng 10 xu. Cô rất ngại ngửa tay xin tiền chồng mỗi khi muốn mua một đôi giày mới, nhưng chồng cô lại không tin tưởng để giao cho cô một tài khoản tín dụng. “Ôi tôi ước gì mình có thể có một khoản tiền riêng! Không cần nhiều nhặn gì, chỉ cần vài trăm đồng một năm, đủ để thỉnh thoảng đi ăn trưa với bạn bè hay sắm vài đôi tất màu sắc, hay vài thứ lặt vặt mà không phải hỏi xin Charley. Nhưng, Charley nói đúng, cả đời tôi chừa từng kiếm được đồng xu nào, nên tôi không thể hiểu được kiếm tiền là như thế nào. Thế rồi tôi lại vừa hậm hực vừa cặm cụi nấu nướng, quét dọn, nấu nướng, giặt giũ, ủi đồ, rồi lại nấu nướng suốt một thời gian dài.”
Cuối cùng thì cô cũng tìm ra được giải pháp. Cô nhận làm và giao bánh mỳ kẹp cho các công nhân trong xưởng của chồng cô. Cô thu về được 52 đồng rưỡi một tuần, nhưng lại quên không tính chi phí, và để nắm được tổng số bánh bán được, cô cất 8.640 cái túi đựng bánh sau bếp sưởi. Charley bảo rằng bánh cô làm cầu kỳ quá. “Nếu chỉ có việc kẹp giăm-bông vào bánh mỳ trắng thì em chẳng khác gì bà bán bành mỳ bình thường, chả có gì thú vị” – cô giải thích. “Nhưng những chi tiết nguyên liệu em thêm thắt vào làm cho công việc có vẻ sáng tạo hơn”. Thế là ngày ngày cô dậy từ sáng sớm, chặt chặt thái thái, tỉa tót, gói ghém, hết 9 đồng vốn, mà mãi không xong việc, cho đến khi mùi thức ăn làm cô phát ngấy, và sau một đêm thức trắng, cô chạy như một con lật đật xuống bếp để thái xúc xích thành lát kẹp cho đủ 8 suất ăn trưa. “Tôi gần như kiệt sức. Đúng lúc đó thì Charley xuất hiện, thấy tôi trong tình trạng ấy, vội vàng chạy đi lấy ly nước.” Cô phát hiện ra rằng là cô lại đang có bầu.
“Những điều đầu tiên rõ ràng mà tôi nghe Charley nói là, ‘Anh sẽ huỷ hết các đơn đặt hàng ăn trưa. Việc của em là làm mẹ. Em không cần phải kiếm tiền.” Thế là tối hôm đó, Charley mang về một cuốn séc. Anh giao cho cô quản lý một tài khoản phụ. Và cô quyết định sẽ không đả động gì đến 8.640 cái túi đựng bánh mỳ. Đằng nào thì đến lúc đứa út vào đại học, cô cũng sẽ dùng hết đống túi ấy để cho bọn trẻ mang bánh mỳ đi học.
*****
Chỉ sau có 10 năm mà Sarah cùng chiếc thuỷ phi cơ đã trở thành bà bán bánh mỳ. Trong 10 năm ấy, hình ảnh người phụ nữ Mỹ đã xuất hiện sự tương phản như hai thái cực của người mắc chứng tâm thần phân liệt. Và sự tương phản đó không chỉ đơn thuần huỷ hoại tàn bạo giấc mơ sự nghiệp của phụ nữ.
Trước kia, cũng có một sự tương phản trong hình ảnh người phụ nữ – một bên là người phụ nữ ngoan hiền tôn quý, một bên là ả lăng loàn dâm dục. Sự tương phản này tạo ra một vết rạn trong hình ảnh nữ giới: một người đàn bà nữ tính với nhục dục đi kèm phẩm hạnh, và một người phụ nữ sự nghiệp tội lỗi vì ước muốn khẳng định bản thân. Câu chuyện ngụ ngôn về phụ nữ thời nay lên án và bài trừ ước mơ sự nghiệp: quỷ dữ ban đầu hiện hình là một phụ nữ sự nghiệp, đe doạ cướp đi chồng con của nhân vật nữ chính. Cuối cùng, nó lại len lỏi vào chính bên trong con người nhân vật nữ chính, đội lốt những khát khao độc lập, bất mãn tinh thần, và ý thức về bản sắc riêng. Nếu người phụ nữ muốn giành hay giữ lấy tình yêu của chồng con thì nhất thiết phải diệt trừ con ác quỷ đó.
Trong truyện “Người đàn ông đóng vai chồng” đăng trên tờ Redbook, tháng 11 năm 1957, nhân vật nữ chính, một thiếu phụ “tóc nâu da lấm tấm tàn nhang” với biệt hiệu “Nhí” có cô bạn cùng phòng thời đại học đến thăm. Cô bạn tên Kay “đúng là loại phụ nữ hấp dẫn đàn ông, lại có đầu óc kinh doanh… Nàng cột mái tóc hung bóng mượt thành một búi cao và cài một cặp trâm.” Chẳng những Kay đã ly hôn, mà còn bỏ con cho bà nuôi, trong khi theo đuổi sự nghiệp truyền hình. Con quỷ đội lốt phụ nữ sự nghiệp này định rủ rê nàng Nhí đi làm, để nàng thôi cho con bú. Mụ còn ngăn không cho bà mẹ trẻ chạy ra dỗ con khi đứa bé quấy khóc lúc hai giờ sáng. Nhưng khi George, chồng của nàng Nhí, phát hiện ra con mình bị bỏ trong phòng cửa mở toang, gió lạnh buốt, không đắp chăn, đang kêu gào thảm thiết, mà máu chảy ròng ròng xuống má, chàng đã cho con quỷ Kay một trận nên thân. Sau đó, Kay đã biết ăn năn, quyết định bỏ việc về với con và bắt đầu cuộc đời mới. Và nàng Nhí, sau khi thức dậy cho con bú bữa hai giờ khuya, lòng hả hê tự nhủ: “Thật mừng mình chỉ là nội trợ” và bắt đầu mơ mộng về tương lai của cô bé con, sau này lớn lên cũng sẽ thành nội trợ.
Sau khi người phụ nữ sự nghiệp đã bị xoá sổ, đối tượng tiếp theo cần bị bài trừ là những người nội trợ ham hố “vác tù và hàng tổng”. Ngay cả việc tham gia hội phụ huynh cũng bị coi là đáng ngờ, chứ đừng nói đến mối quan tâm với những vấn đề quốc tế (xem truyện “Gần như là một cuộc tình”, McCall’s, tháng 11, 1955). Tội đồ kế tiếp là những người nội trợ có chủ kiến. Truyện “Em không muốn nói với anh” (McCall’s, tháng 1, 1958) mô tả nhân vật chính tự tay tính toán sổ sách và tranh luận với chồng về một vấn đề nhỏ nhặt trong gia đình. Câu chuyện diễn tiến đến hồi người nội trợ này sắp mất chồng vào tay một “bà goá bơ vơ” với ưu điểm lớn nhất là cô “bó tay” với những chuyện phức tạp như lựa chọn chính sách bảo hiểm hay vay thế chấp. Người vợ bị phản bội cho rằng: “Con ả này hẳn là rất gợi tình, và một người vợ như tôi thì không thể cạnh tranh về khoản đó.” Nhưng bạn thân của chị ta thì bảo rằng: “Cậu nhìn vấn đề đơn giản quá. Cậu quên mất là Tania có thể tỏ ra yếu đuối như thế nào, và biết ơn ra sao với người đàn ông giang tay che chở cho ả…” “Nhưng bản chất tôi không thể làm một cây tầm gửi nhõng nhẽo…”, chị vợ lý luận. “Tôi đã có một việc làm tử tế sau khi ra trường, và luôn luôn là một người độc lập. Tôi không phải là một con ả bé bỏng nũng nịu, và có cố cũng không giả vờ như thế được.” Nhưng rồi đêm hôm đó, chị vợ đã học được cách. Chị nghe thấy tiếng động giống tiếng trộm trong nhà. Mặc dù biết đấy chỉ là tiếng chuột nhắt, chị vẫn nhấc điện thoại lên cầu cứu chồng, và đã kéo được chàng về. Chị giả vờ hốt hoảng, và trong khi anh chồng ra sức vỗ về, thủ thỉ rằng hẳn nhiên hồi sáng chàng đã đúng. “Chị nằm yên trên chiếc giường êm ái, mỉm cười ngọt ngào, âm thầm mãn nguyện, xen chút tội lỗi.” Ở cuối con đường, gần như đúng nghĩa đen, là sự biến mất hoàn toàn của nhân vật chính, với tư cách một cá thể riêng rẽ, và chủ thể của câu chuyện đời mình. Đoạn kết con đường luôn luôn là tổ ấm, trong đó người phụ nữ chẳng còn mảnh trời riêng nào để che giấu. Kết cục của các câu chuyện hoàn toàn không còn bóng dáng những người phụ nữ độc lập, kể cả khi họ biết cắn rứt vì điều đó. Những nhân vật nữ chính giờ đây chỉ tồn tại vì chồng con, và nhờ vào chồng con.
Khái niệm “tổ ấm gia đình” được McCall’s phát minh vào năm 1954, và lập tức được giới quảng cáo, mục sư, báo chí nhiệt liệt tung hô như một phong trào mang ý nghĩa tinh thần cao đẹp. Có thời điểm, “tổ ấm gia đình” ấy được đẩy lên tầm của một giá trị dân tộc. Nhưng cũng chẳng bao lâu lại, người ta lại lên tiếng phê phán, và châm biếm “tổ ấm gia đình” rằng nó không thể thay thế những mục tiêu cao cả hơn của nhân loại – hay đúng hơn là của nam giới. Người ta chỉ trích kịch liệt những người phụ nữ để chồng làm việc nhà thay vì xông pha ngoài xã hội. Họ lý luận rằng vì sao lại để đàn ông rửa bát và thay tã cho con sau giờ làm việc, trong khi nam giới có khả năng làm chính trị gia, các nhà nhân học, vật lý học, thi nhân, và họ có thể dành quỹ thời gian ít ỏi đó để đóng góp những giá trị cao cả hơn cho xã hội?
Điều đáng lưu ý là, các nhà phê bình chỉ lên án việc bắt nam giới phải nhúng tay vào “thế giới đàn bà”, mà ít ai phân tích xem phụ nữ cảm thấy gò bó ra sao trong thế giới ấy. Người ta dường như quên mất rằng đã có lúc, phụ nữ từng được xem là có năng lực và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, nhà thơ và nhà vật lý học. Chẳng có ai nhận ra rằng phụ nữ đang bị cái gọi là “tổ ấm gia đình” lừa phỉnh. Tờ McCall’s số ra dịp Lễ Phục sinh năm 1954 tuyên bố mở ra một thời đại mới của tổ ấm gia đình, nói lời từ biệt với những năm tháng trước đây phụ nữ đã vất vả đấu tranh đòi bình đẳng, và các tạp chí cho phụ nữ đã “giúp mở ra cho các chị em những khoảng không gian trước đây nữ giới tuyệt đối không được bước vào”. Trong lối sống của thời đại mới, “đàn ông và phụ nữ ngày càng kết hôn sớm hơn, sinh con sớm hơn, có nhiều con hơn, và được thật sự toại nguyện hơn bao giờ hết” khi trở về với tổ ấm, nơi “đàn ông, phụ nữ và con trẻ đều đạt được một điều gì đó… không phải như những cá thể đơn lẻ, tách biệt, mà như một gia đình, cùng chia sẻ mọi nỗi vui buồn.”
Bài viết mô tả lối sống mới này có tiêu đề: “chỗ của đàn ông là tổ ấm”. Nó khắc hoạ một hình ảnh và chuẩn mực mới: một cặp vợ chồng, Ed và Carol, sống ở New Jersey với ba đứa con, trong một căn nhà hai tầng lợp mái tôn xám. Cuộc sống của họ gần như “tập trung hoàn toàn vào nhà cửa và con cái.” Bài viết mô tả cảnh họ đi mua sắm ở siêu thị, làm đồ mộc, mặc đồ cho tụi trẻ, và cùng nấu bữa sáng. “Sau đó, Ed theo xe cùng hội đàn ông láng giềng đến công sở.”
Anh chồng Ed là người chọn tông màu và quyết định việc trang trí nhà cửa. Những đầu việc Ed ưa thích bao gồm: đi loanh quanh trong nhà, đóng đồ, quét sơn, chọn đồ gỗ, thảm và rèm cửa, sấy bát đĩa, đọc truyện và dỗ tụi trẻ con đi ngủ, làm vườn, cho tụi trẻ ăn và mặc đồ, họp phụ huynh, nấu nướng, mua váy áo cho vợ và đi chợ. Ed không thích những việc sau: quét bụi, hút bụi, hoàn tất các công việc mình đã khơi mào, treo rèm, rửa bát đĩa xoong nồi, dọn đống bày bừa của bọn trẻ, xúc tuyết, cắt cỏ, thay tã, đưa người trông trẻ về nhà, giặt và ủi đồ. Tất nhiên, Ed không làm tất cả những việc này. Vì lợi ích của mỗi thành viên, gia đình cần có người đứng đầu. Và người chủ gia đình này là Bố, không phải Mẹ… Con trai và con gái đều phải học, hiểu, và tuân theo những phận sự mà giới tính quy định… Bố không phải là người thay thế cho Mẹ, mặc dù Bố có thể sẵn lòng tham gia các công việc giặt giũ, dọn dẹp, nấu nướng. Bố là cầu nối với thế giới bên ngoài. Và trong thế giới đó, Bố phải chứng tỏ sự đam mê, lòng quả cảm, vị tha, tính xây dựng… để làm gương cho con cái.
Đã có bao nhiêu buổi họp ban biên tập gay gắt xảy ra ở McCall’s thời đó. “Tự nhiên người ta lại muốn nâng cao ý nghĩa tinh thần của tổ ấm gia đình, và kỳ vọng chúng tôi biến cuộc sống thường nhật mà tất cả mọi người đã sống suốt 5 năm nay thành một phong trào bí ẩn nào đó – cuộc sống chỉ có đi ra đi vào trong nhà, quay lưng lại với xã hội. Chúng tôi loay hoay chẳng biết làm thế nào để mô tả nó mà không gây cảm giác tẻ nhạt khủng khiếp.” – một cựu biên tập viên của McCall’s hồi tưởng. “Thế là cuối cùng chúng tôi chỉ còn cách là tả cảnh náo nức khi các ông bố ra vườn nướng thịt. Chúng tôi đăng những bức ảnh thời trang nam giới, và đưa hình ảnh đàn ông vào các tầm ảnh chụp ẩm thực, thậm chí ảnh nước hoa. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy bị bó buộc trong vai trò chủ bút.”
“Chúng tôi cho đăng những bài viết mà các bác sĩ tâm lý không muốn động tới, vì chúng sẽ khơi ra một vấn đề: các cặp vợ chồng dồn hết thời gian tâm trí vào chuyện con cái – Nhưng nếu không có con cái thì tổ ấm gia đình còn gì để nói? Chúng tôi mừng như bắt được vàng mỗi khi vớ được một cái gì mới đề đăng lên ngoài những bức ảnh một ông bố đứng cạnh một bà mẹ. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng băn khoăn không biết các bà mẹ sẽ ra sao nếu một ngày nào đó đàn ông đứng ra đảm nhận hết các việc nuôi con, nấu nướng, trang trí nhà cửa vốn là việc dành riêng cho các mẹ. Chúng tôi không thể viết về các phụ nữ ra khỏi nhà đi làm, theo đuổi công danh sự nghiệp. Điều trớ trêu là chúng tôi không thể lựa chọn hình ảnh người phụ nữ với tư cách là phụ nữ độc lập, mà luôn phải lựa chọn hình ảnh phụ nữ đi kèm với nam giới. Chúng tôi phải biên tập cho con người nói chung, chứ không chỉ riêng phụ nữ.”
Nhưng nếu không được tham gia vào xã hội như đàn ông, thì phụ nữ có phải là “con người”? Khi không có quyền độc lập, phụ nữ cuối cùng sẽ chỉ còn cách sống thụ động, lệ thuộc, răm rắp nghe lời đàn ông trong tất thảy mọi quyết định, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Người ta cứ ảo tưởng rằng tổ ấm gia đình sẽ mang lại sự thoả mãn về tinh thần để lấp đầy sự trống trải đơn điệu của công việc nội trợ hàng ngày, như thể cần đi theo một trào lưu mang tính tâm linh nào đó để khoả lấp sự thiếu thốn bản sắc. Nhưng thực tế, tất cả chỉ là để chối bỏ sự mất mát của phụ nữ và sự trống rỗng của hình mẫu phụ nữ lý tưởng. Liệu đàn ông có thể bù đắp cho sự mất mát tinh thần của phụ nữ bằng cách san sẻ việc nhà? Liệu người nội trợ có tìm được một lẽ sống mới cho đời mình khi cùng chồng hút bụi phòng khách?
Năm 1956, khi “tổ ấm gia đình” lên ngôi, các biên tập viên bí đề tài của tờ McCall’s cho đăng một bài viết ngắn với tiêu đề “Người mẹ bỏ trốn”. Họ sửng sốt khi thấy rằng bài viết này thu hút được lượng độc giả lớn chưa từng có. “Đó là lúc chúng tôi vỡ lẽ” – một cựu biên tập viên chia sẻ – “Đột nhiên chúng tôi phát hiện ra rằng tất cả những người nội trợ tưởng chừng hoàn hảo đều bất hạnh khôn tả”.
Nhưng sự vỡ lẽ xem ra quá muộn màng. Khi đó, hình tượng mới về phụ nữ Mỹ với “nghề nghiệp: nội trợ” đã được truyền bá rộng rãi và trở thành một chuẩn mực bất di bất dịch. Và rồi chuẩn mực ấy lại trở thành khuôn mẫu để bóp méo thực tại.
Khi tôi bắt đầu viết bài cho các tạp chí phụ nữ vào những năm 50, các biên tập viên đều mặc nhiên tin rằng phụ nữ tuyệt đối không quan tâm đến chính trị, thế giới ngoài nước Mỹ, các vấn đề quốc gia đại sự, khoa học, nghệ thuật, những ý tưởng, các cuộc phiêu lưu, giáo dục, hay thậm chí ngay cả cộng đồng xung quanh họ – họ chỉ quan tâm đến những vấn đề này khi chúng đánh vào tâm tư làm vợ, làm mẹ của họ.
Chính trị, đối với phụ nữ, là chuyện đệ nhất phu nhân Mamie Eisenhower mặc gì và cuộc sống đời thường gia đình Nixon ra sao. Thi thoảng, khi lương tri nghề nghiệp lên tiếng, tờ Ladies’ Home Journal lại đăng một chuỗi bài như “Tiến bộ của những người hành hương chính trị” nói về những phụ nữ đấu tranh để con em mình có trường học và sân chơi tốt hơn. Nhưng nhìn chung cả làng báo đều cho rằng kể cả khi đề cập đến chính trị qua góc nhìn của các bà mẹ thì đề tài này cũng không thu hút được mấy độc giả. Một biên tập viên của tờ Redbook đã phải khéo léo “nữ tính hoá” một đề tài có màu sắc chính trị qua việc mô tả tâm trạng của một người vợ có chồng đi tàu tới vùng nước bị ô nhiễm.
“Tóm lại, đàn bà không thể hiểu được vấn đề gì cả.” Những người đàn ông làm chủ bút các ấn phẩm cho nữ giới đều nhất trí như vậy. “Nếu muốn đề cập đến vấn đề nào đó với phụ nữ thì phải diễn dịch bằng thứ ngôn ngữ mà đàn bà có thể hiểu được”. Tất cả những người viết bài cho các tạp chí phụ nữ đều quán triệt nguyên tắc này đến nỗi một chuyên gia sản khoa gửi bài cho một tạp chí phụ nữ hàng đầu phải “giật tít” cho bài viết là “Làm thế nào để vượt cạn trong hầm tránh bom nguyên tử”. “Bài đó viết không hay, chứ không thì chúng tôi đã cho đăng rồi” – biên tập viên tờ báo này giải thích với tôi. Theo lý thuyết về phụ nữ lý tưởng, những người phụ nữ thật sự nữ tính sẽ có thể guan tâm đến những chi tiết cụ thể về mặt sinh học của quá trình sinh nở trong hầm trú bom, nhưng sẽ không bao giờ hứng thú với khái niệm trừu tượng về sức tàn phá ghê gớm của trái bom.
Quan điểm đó hiển nhiên trở thành một lời tiên tri tự thực hiện. Theo tâm lý học, khi người ta tin vào một điều gì đó, người ta sẽ có xu hướng biến điều mình tin thành hiện thực. Năm 1960, một nhà tâm lý học xã hội tinh tường đã chỉ cho tôi những số liệu thống kê chứng tỏ mồn một rằng phụ nữ Mỹ dưới 35 tuổi tuyệt nhiên không quan tâm đến chính trị. “Họ có thể bỏ phiếu, nhưng họ không bao giờ mơ đến chuyện tranh cử” – nhà tâm lý học nói. “Nếu chị viết một bài về chính trị, họ sẽ không đọc đâu. Chị phải chuyển thể nó thành một vấn đề mà phụ nữ có thể hiểu được – chẳng hạn như yêu đương, bầu bí, bú mớm, quần áo, nội thất. Chị mà viết về kinh tế, phân biệt chủng tộc, quyền công dân thì sẽ chỉ như đàn gảy tai trâu thôi.”
Cũng có thể là họ chưa từng bao giờ được nghe ai “gảy đàn” cho nghe về những vấn đề như vậy. Những ý tưởng không phải như bản năng tự nhiên sinh sôi nảy nở trong trí não – mà phải được gieo mầm nhờ giáo dục và truyền thông. Những khảo sát tâm lý học cho thấy rằng những người nội trợ trẻ ngày nay đã bỏ học phổ thông giữa chừng để lấy chồng, và chẳng bao giờ động đến một quyển sách, mà chỉ đọc tạp chí. Trong khi đó, các tạp chí ngày nay lại cho rằng phụ nữ không quan tâm đến các vấn đề đòi hỏi tư duy. Nhưng khi lục lại trong thư viện những tạp chí cũ, tôi thấy những tạp chí phổ thông xuất bản từ thập niên 30, 40 như tờ Ladies’ Home Journal đã đăng hàng trăm bài về các đề tài “phi nội trợ”: “Chuyện hậu trường lần đầu tiên công bố về ngoại giao Mỹ trước Thế chiến”, “Sau chiến tranh, liệu nước Mỹ có thể có hoà bình?” của Walter Lippmann, “Stalin lúc nửa đêm” của Harold Stassen, “Báo cáo của Tướng Stilwell về Trung Quốc”, các bài viết của Vincent Sheean về những ngày cuối cùng trước khi Séc và Slovakia chia tách, cuộc thanh trừng người Do thái ở Đức, Chính sách kinh tế mới (the New Deal), phóng sự của Carl Sandburg về cuộc mưu sát tổng thống Lincoln, những câu chuyện về Mississippi của Faulkner và cuộc đấu tranh đòi quyền tránh thai của Margaret Sanger. (*)
(*): Margaret Sanger (1879-1966): nhà hoạt động xã hội người Mỹ tiên phong phổ cập khái niệm tránh thai và đấu tranh để hợp pháp hoá việc sử dụng các biện pháp tránh thai ở Mỹ.
Đến những năm 50, các tạp chí này gần như không viết về đề tài gì khác ngoài những bài phục vụ cho cho vai trò nội trợ của phụ nữ, hoặc mô tả phụ nữ làm nội trợ, và chỉ phản ánh một bản sắc nữ tính thuần tuý như Nữ công tước xứ Windsor hay Công nương Margaret. “Nếu chúng tôi đăng bài về một phụ nữ làm gì đó mạo hiểm, khác thường, một thân một mình, thì hẳn là người phụ nữ đó phải rất đáo để hoặc thần kinh không bình thường.” – một biên tập viên của tờ Ladies’ Home Journal kể. Bây giờ, các tạp chí không đời nào đăng bài về Margaret Sanger.
Năm 1960, tôi đọc được số liệu thống kê cho biết phụ nữ dưới 35 tuổi không thể hiểu và đồng cảm được với nhân vật nữ chính trong truyện viết về một cô gái làm việc ở một công ty quảng cáo đã thuyết phục một chàng trai ở lại thành phố để theo đuổi lý tưởng của mình thay vì về quê an phận với việc kinh doanh của gia đình. Các nữ độc giả cũng không thể đồng cảm được với vị mục sư trẻ hành xử theo đức tin của mình, đi ngược lại với thông lệ. Nhưng họ lại dễ dàng đồng cảm với một nam thanh niên bị liệt từ năm 18 tuổi. (“Tôi tỉnh lại và nhận ra rằng mình không thể cử động, cũng không thể lên tiếng. Tôi chỉ có thể nhúc nhích đúng một ngón tay.” Nhờ đức tin và bác sĩ tâm lý, “giờ đây tôi đã tìm được lý do để sống hết mình.”)
Chúng ta có thể thấy gì về những người nội trợ ngày nay, khi mà theo lời bất kỳ vị chủ bút nào, các độc giả này có thể thấu hiểu và đồng cảm tuyệt đối với những kẻ mù loà, câm điếc, bại liệt, những bệnh nhân ung thư, cận kề cái chết? Các bài viết về những người khiếm thị, cấm khẩu hay bại liệt từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trên các tạp chí dành cho nữ giới trong thời đại của những người phụ nữ với “nghề nghiệp: nội trợ”. Những câu chuyện ấy được kể đi kể lại với các chi tiết tả thực tỉ mỉ, thế chỗ hoàn toàn các bài viết về thời sự xã hội, thế giới, khoa học nghệ thuật, các vấn đề và ý tưởng, hay các câu chuyện về những người phụ nữ phiêu lưu sống động. Bất kể nạn nhân trong truyện là nam hay nữ, già hay trẻ, bất kể là họ bị ung thư vô phương cứu chữa hay tê liệt từ từ, những độc giả nội trợ đều có thể nhận diện và đồng cảm được.
Khi viết bài cho các tạp chí phụ nữ, tôi luôn được các vị chủ bút nhắc nhở rằng nhất định phải viết thế nào để phụ nữ đồng cảm được. Một lần tôi định viết về một nữ hoạ sĩ. Thế là tôi phải viết về việc chị ấy nấu nướng, tiếp thị, chuyện chị ấy gặp chồng mình ra sao, và sơn cũi cho con thế nào. Tôi phải bỏ qua hoàn toàn công việc quan trọng của chị – là hàng giờ chị dành để vẽ tranh, và cảm xúc của chị về công việc ấy. Đôi khi, người viết có thể viết về một phụ nữ không làm nội trợ mà bài vẫn được đăng, nhưng với điều kiện là phải làm sao cho nhân vật ấy có vẻ giống một người nội trợ, bằng cách không đề cập đến những công việc xã hội mà người phụ nữ đó tham gia, hay lý tưởng, hoài bão cá nhân mà chị ta theo đuổi. Tháng Hai năm 1949, tờ Ladies’ Home Journal đăng bài trang nhất với tiêu đề “Bếp của nhà thơ” tả việc Edna St.Vincent Millay (*) vào bếp. “Bây giờ thì chẳng ai có thể nói việc nội trợ là tầm thường. Nếu như một trong những nhà thơ lớn nhất của thời đại chúng ta có thể tìm thấy niềm vui trong những việc nhà giản đơn thì chẳng còn gì để mà tranh cãi nữa.”
(*): Edna St. Vincent Millay (1892-1950): nhà thơ và biên soạn kịch người Mỹ, được trao giải thưởng Pulitzer về thơ năm 1923.
Một tuýp “phụ nữ sự nghiệp” duy nhất vẫn được quyền xuất hiện trên các ấn phẩm cho phụ nữ là các nữ diễn viên. Tuy nhiên, hình ảnh của các cô cũng thay đổi đáng kể: không phải là những cá nhân phức tạp, hoạt bát, sâu sắc nội tâm, với vẻ bí ẩn tinh thần pha lẫn nét gợi cảm, mà đã trở thành những đối tượng tình dục, các cô dâu mặt non choẹt, hay những người nội trợ. Hãy thử so sánh Greta Garbo, Marlene Dietrich, Bette Davis, Rosalind Russell, Katherine Hepburn với Marilyn Monroe, Debbie Reynolds, Brigitte Bardot và “Tôi yêu Lucy”.
Khi viết bài về một nữ diễn viên để đăng trên tạp chí phụ nữ, tác giả phải viết về diễn viên đó trong vai trò nội trợ. Người viết tuyệt nhiên không miêu tả việc diễn xuất hay tình yêu công việc của nữ diễn viên, trừ khi cô ta phải trả giá cho những thứ đó bằng gia đình hay con cái, hoặc sau đó phải ân hận vì đã không làm tròn thiên chức phụ nữ. Bài giới thiệu chân dung nữ diễn viên Judy Holliday của tờ Redbook (Tháng 6, 1957) mô tả “một phụ nữ xuất chúng bắt đầu tìm thấy trong công việc niềm vui mà chị không bao giờ có trong cuộc sống đời thường.” Theo bài viết, trên màn ảnh “chị hào hứng và tận tâm nhập vai một người vợ xinh đẹp, chín chắn đang chuẩn bị làm mẹ – một vai mà chị chưa bao giờ được đảm nhận ngoài đời.” Sau khi chia tay chồng cũ, Judy Holliday phải tìm kiếm niềm vui trong công việc, bởi cuộc ly hôn khiến chị “cảm thấy mình thật là một người phụ nữ kém cỏi… Đây là một nghịch lý trái ngang trong cuộc đời của Judy, vì chị cẳng cần cố gắng cũng trở thành một diễn viên thành đạt, nhưng lại thất bại trong vai phụ nữ ngoài đời…”
Điều kỳ lạ là, trong khi quan niệm về hình mẫu phụ nữ lý tưởng ngày càng trở nên phổ biến, hạn chế phụ nữ tham gia vào các công việc ngoài xã hội, tỉ lệ phụ nữ đi làm lại tăng lên tới 30%. Đúng, cứ ba phụ nữ thì có đến hai người là nội trợ, nhưng, vì lẽ gì mà chuẩn mực về nữ tính lại chối bỏ mơ ước bước ra thế giới của phụ nữ, khi mà phụ nữ đã đấu tranh suốt cả thế kỷ để mở cánh cửa đó ra?
Rồi tôi tìm thấy một manh mỗi, vào một buổi sáng, khi ngồi trong phòng làm việc của một nữ biên tập viên. Người phụ nữ ấy lớn tuổi hơn tôi, còn nhớ cái thời mà hình tượng người phụ nữ sự nghiệp hình thành, và cũng đã chứng kiến nó bị phá bỏ như thế nào. Chị nói với tôi rằng những người góp công lớn nhất trong việc xây dựng hình mẫu phụ nữ sự nghiệp sống động trước kia chính là những cây viết và biên tập viên nữ. Còn hình tượng người vợ-người mẹ nội trợ ngày nay là do những người đàn ông làm chủ bút tạo dựng.
“Trước kia hầu hết nội dung của các tạp chí đều do nữ giới đóng góp,” chị kể, xen chút hoài niệm. “Khi những người đàn ông trở về sau chiến tranh, rất nhiều phụ nữ bỏ nghề cầm bút. Những cô gái trẻ bắt đầu tập trung vào chuyện con cái, và thôi việc viết lách. Các cây viết mới đa phần là nam giới, trở về từ chiến trận, đã luôn ước ao mái ấm gia đình.” Thế rồi, các tác giả của những nhân vật phụ nữ sự nghiệp mạnh mẽ của thập niên 30 lần lượt rút lui khỏi văn đàn. Đến cuối những năm 40, những cây viết không có sở trường viết về hình tượng nội trợ mới đều rời bỏ các tạp chí. Thay thế họ là những người đàn ông, và một số ít phụ nữ có khả năng viết theo công thức dành cho nội trợ đã định sẵn. Hậu trường của các ấn phẩm dành cho phụ nữ được xác lập lại bởi một đội ngũ gồm những cây bút nữ đã xuất sắc (hoặc giả vờ) nhập vai người nội trợ; và những vị chủ bút chỉ không quan tâm đến việc chuyển tải các ý tưởng đến các độc giả nữ, mà chỉ chăm chăm tìm cách bán quảng cáo cho các nhãn hàng đồ gia dụng, bột giặt, son môi… Ngày nay, hầu hết các tạp chí đều do nam giới nắm quyền quyết định. Các cây bút nữ chỉ đóng vai trò triển khai các công thức, hoặc biên tập các chuyên mục nữ công gia chánh. Còn người đưa ra công thức để tạo dựng hình mẫu người nội trợ mới lại chính là đàn ông.
Cũng trong thập niên 50 và 60, những nhà văn nghiêm túc, cả nam và nữ, đều biến mất khỏi các ấn phẩm dành cho phụ nữ. Nói đúng hơn, tất cả các tác phẩm văn học, hay lẫn dở, đều gần như hoàn toàn bị thế chỗ bởi các bài báo – không phải là các bài báo như trước kia về các vấn đề, các ý tưởng, mà tập trung vào mảng “nữ công”. Đôi khi, những bài báo này, bằng ngôn từ bay bổng của các nhà thơ hoặc lăng kính chân thực của các phóng viên hăng hái, tả việc làm bánh chiffon, mua máy giặt, hay tác dụng ảo diệu của sơn tường cho phòng khách, hay các chế độ ăn kiêng, các loại thuốc, trang phục và mỹ phẩm giúp phụ nữ có được thể hình lý tưởng. Đôi khi các bài báo này đề cập đến các đề tài tinh tế hơn, như các phát hiện mới trong ngành tâm thần học, tâm lý trẻ nhỏ, tình dục và hôn nhân, y tế… Các tạp chí cho rằng phụ nữ sẽ tiếp nhận những đề tài này, với điều kiện chúng được mô tả thật trực quan, chi tiết, liên hệ trực tiếp với sinh hoạt hàng ngày của những người nội trợ trung bình, với các lời khuyên “nên”, “không nên” cụ thể: làm sao để chồng bạn hạnh phúc, làm cách nào để con bạn không tè dầm, sử dụng thuốc thế nào cho an toàn…
Nhưng điều đáng lưu ý là: mặc dù hạn hẹp về đề tài, các bài viết về nữ công gia chánh hay mô tả dưới dạng phóng sự đời sống của những người nội trợ, đều chất lượng hơn các tác phẩm văn chương được đăng trên các ấn phẩm dành cho phụ nữ. Các bài báo này được trau chuốt hơn, chân thực, và tinh tế hơn. Điều này được đúc kết từ quan sát lặp đi lặp lại của các độc giả sắc xảo, khiến các cây viết và cả chủ bút bối rối. Một biên tập viên của tờ Redbook nhận xét: “Những nhà văn nghiêm túc bây giờ đi quá sâu vào nội tâm. Họ quá xa cách với độc giả, nên chúng tôi phải dựa vào những cây viết công thức.” Nhưng trước kia, những nhà văn như Nancy Hale, thậm chí William Faulkner, đều đã từng viết cho các tạp chí phụ nữ, mà chẳng ai than phiền rằng họ quá xa cách. Phải chăng hình mẫu phụ nữ ngày nay không chấp nhận sự trung thực nội tâm, chiều sâu nhận thức, và sự thật nhân bản cần thiết cho những tác phẩm văn học có giá trị?
Điều tối thiểu mà văn chương cần là những nhân vật chính, những cá nhân theo đuổi một mục tiêu hay khát vọng nào đó. Các ấn phẩm dành cho phụ nữ cần những nhân vật nữ chính. Nhưng người ta không thể viết đi viết lại chuyện một cô gái theo đuổi một chàng trai, hay một người nội trợ tìm kiếm một nhúm bụi dưới gầm ghế. Bởi vậy các tác phẩm văn học phải nhường chỗ cho các bài viết về nữ công gia chánh; sự trung thực và chân lý trong văn học phải nhường chỗ cho cơ man những chi tiết cụ thể, khách quan, tả thực về công việc nội trợ – màu sơn tường, màu son, hay nhiệt độ chính xác của lò nướng.
Nhìn vào các tạp chí phụ nữ ngày nay, người ta thấy dường như những chi tiết cụ thể trong đời sống hàng ngày của nữ giới thú vị hơn nhiều so với những suy nghĩ, ý tưởng và ước mơ của họ. Hay phải chăng cơ man những chi tiết tả thực, mô tả chi li về những sự kiện nhỏ nhặt là để che giấu đi sự thiếu thốn mơ ước, sự nghèo nàn của ý tưởng, sự tẻ nhạt khủng khiếp đang bao phủ cuộc sống của người nội trợ Mỹ?
*****
Tôi ngồi trong phòng làm việc của một chủ bút kỳ cựu khác, một trong số ít những phụ nữ còn trụ lại trong làng báo mà ngày nay do nam giới thống trị. Chị giải thích vai trò của mình trong việc tạo dựng hình mẫu phụ nữ lý tưởng. “Rất nhiều người trong chúng tôi bị mang ra phân tích tâm lý” – chị kể – “chúng tôi bắt đầu cảm thấy xấu hổ vì là những người phụ nữ sự nghiệp. Chúng tôi lo sợ rằng mình đang dần mất đi nữ tính, và ra sức tìm cách để giúp những người phụ nữ khác chấp nhận vai trò phụ nữ của mình.”
Nếu những nữ chủ bút này vì một lẽ nào đó không thể từ bỏ sự nghiệp của mình, họ càng có trách nhiệm phải “giúp” những phụ nữ khác hoàn thành trọn vẹn vai trò làm vợ, làm mẹ. Số ít những phụ nữ vẫn còn ghế trong các buổi họp ban biên tập không chịu tuân theo chuẩn mực nữ tính trong cuộc sống riêng tư của họ. Nhưng chuẩn mực mà họ góp phần tạo dựng có sức ảnh hưởng lớn đến mức nó khiến cho chính họ cảm thấy tội lỗi vì đã không tuân theo nó. Và nếu như trong đời họ thiếu thốn phần nào đó tình yêu hay con cái, họ sẽ tự hỏi liệu đó có phải tại họ quá đam mê sự nghiệp.
Ngồi sau bàn làm việc ngổn ngang, một biên tập viên của tờ Mademoiselle bày tỏ sự khó chịu: “Những cô gái trẻ mà chúng tôi mời làm cộng tác biên tập dường như thương hại chúng tôi. Có lẽ bởi chúng tôi là những phụ nữ theo đuổi sự nghiệp. Trong một buổi tiệc chiêu đãi với một nhóm mà chúng tôi cộng tác gần đây, chúng tôi hỏi những người ngồi trong bàn tiệc lần lượt chia sẻ về kế hoạch sự nghiệp của mình. Không một cô gái 20 tuổi nào giơ tay. Khi tôi nhìn lại những nỗi vất vả đã bỏ ra để theo đuổi công việc này, và tình yêu với công việc, tôi không khỏi tự hỏi liệu lứa phụ nữ chúng tôi đều điên rồ?”
Bên cạnh những nữ chủ bút đã lừa phỉnh chính bản thân mình còn có một dạng cây viết nữ khác bắt đầu viết về bản thân như thể chính họ chỉ là những người “nội trợ thuần tuý”, say sưa với các trò nghịch ngợm của con trẻ, những cái máy giặt tinh quái và các buổi văn nghệ của hội phụ huynh. “Khi bạn đã ngày qua ngày phải dọn giường cho một thằng nhóc 12 tuổi, việc leo núi Everest sẽ trở thành một trò nhạt nhẽo vớ vẩn” – Shirley Jackson viết trong tờ McCall’s số tháng Tư 1956. Sự thật là khi Shirley Jackson, nữ văn sĩ xuất sắc theo đuổi một nghệ thuật khó hơn nhiều so với việc dọn giường, hay nhà biên kịch Jean Kerr, thi sĩ Phyllis McGinley mô tả mình trong vai trò nội trợ, họ có lẽ đã quên mất rằng chính những người giúp việc đã làm việc dọn giường ấy. Họ ngầm chối bỏ tư tưởng và niềm vui mà họ có được khi bỏ công sức cho những câu chuyện, bài thơ hay vở kịch mà họ viết. Họ chối bỏ cuộc sống của chính mình, không phải với tư cách nội trợ, mà với tư cách những cá thể.
Họ đều là những nghệ sĩ tài ba, những cây viết xuất sắc nhất trong số những “Văn sĩ Nội trợ”. Một số tác phẩm của họ thật sự hay. Những điều xảy ra với bọn trẻ – chẳng hạn như một cậu bé 12 tuổi với điếu thuốc lá đầu tiên, Đội Thiếu Niên và tốp ca mẫu giáo thường là những chuyện hay, và chúng xảy ra trong cuộc sống thực tế của cả những nữ văn sĩ lẫn những người nội trợ thuần tuý. Nhưng có một điều không hề hay ho về dòng văn học dành cho nội trợ – là họ đang cố gắng thi vị và hài hước hoá sự tù túng và tẻ nhạt, giống như các tác giả của nhân vật Bác Tom (*), hay Amos và Andy (**) cố gắng tô hồng cuộc sống lam lũ của những người da màu.
(*): Bác Tom: nhân vật nô lệ da đen trong “Túp Lều Bác Tom” của tác giả Harriet Beecher Stowe xuất bản năm 1852.
(**): Amos và Andy: hai nhân vật da màu trong chương trình phát thanh và truyền hình “Amos ‘n’ Andy” nổi tiếng ở Mỹ từ những năm 1920 đến 1950.

Các Văn sĩ Nội trợ khuyên những người nội trợ ngoài đời. “Nếu các chị cảm thấy tuyệt vọng, trống rỗng, tẻ nhạt, tù túng trong những chi tiết vụn vặt của việc dọn giường, đưa đón con cái, rửa chén bát, hãy cười lên. Chẳng phải chuyện này tức cười lắm sao? Chúng ta đều cùng bị giam trong một cái lồng mà.” Liệu tiếng cười có giúp những người nội trợ tiêu tan những nỗi khao khát và niềm tuyệt vọng? Họ có nghĩ rằng những năng lực bị kìm hãm, và cuộc sống bó hẹp của họ thật tức cười? Shirley Jackson cũng dọn giường, yêu và cười những trò ngộ nghĩnh của cậu con trai, nhưng vẫn viết tiếp được một cuốn sách. Các vở kịch của Jean Kerr thì được dàn dựng trên sân khấu Broadway. Cuộc sống của họ đâu có “tức cười” như cuộc sống của những người nội trợ thuần tuý!
Một số Văn sĩ Nội trợ thực sự sống với hình mẫu nữ tính chuẩn mực. Tờ Redbook cho hay tác giả của một bài viết về đề tài “cho con bú”, một phụ nữ tên là Betty Ann Countrywoman, “đã từng dự định làm bác sĩ. Nhưng ngay trước khi tốt nghiệp trường Radcliffe (*) với tấm bằng loại ưu, cô nhận ra rằng việc theo đuổi ngành y sẽ ngăn cô đạt được điều mà cô thật sự mong muốn – đó là lấy chồng và có một gia đình đông con. Thế là cô quyết định theo học khoa Y tá của Đại học Yale, và đính hôn với một bác sĩ tâm lý trẻ ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên. Bây giờ họ đã có sáu đứa con, từ 2 đến 13 tuổi, và quý bà Countrywoman hiện là người hướng dẫn cho con bú của Hội Thai Sản Indianapolis” (Redbook, tháng 6-1960).
(*): Đại học Radcliffe (1879-1999) là một trường nữ sinh ở Cambridge, Massachusetts, sau này được sáp nhập với Đại học Harvard.
Cô ta viết:
Với một người mẹ, cho con bú trở thành một việc bổ trợ cho việc sinh nở. Nó mang lại cho người mẹ sự viên mãn to lớn hơn, cho phép chị bước vào một mối quan hệ hoàn hảo nhất mà một người phụ nữ có thể mơ ước… Việc sinh nở đơn thuần tự thân nó không thoả mãn được nhu cầu và khao khát của người mẹ… Làm mẹ là một lối sống. Nó cho phép người phụ nữ thể hiện đầy đủ bản thân với những tình cảm trìu mến, thái độ chở che, tình yêu bao dung của người từ mẫu.
Khi việc làm mẹ, thiên chức đã được tôn vinh hàng thế kỷ, được định nghĩa là một lối sống, phụ nữ có buộc phải khước từ thế giới và tương lai rộng mở với họ? Hay chính thế giới đó khước từ họ và buộc họ phải chấp nhận việc làm mẹ như một lối sống? Người ta không còn nhận ra được sự khác biệt lý thuyết về chuẩn mực nữ tính và đời thực, bởi những người phụ nữ ngoài đời là hiện thân của sự tương phản. Trong số đặc biệt dịp Giáng sinh 1956, tờ Life dành trọn vẹn nội dung cho người phụ nữ Mỹ “mới”. Chúng ta không thấy họ xuất hiện như những “vai ác” trong các câu chuyện trên tạp chí, mà là những tư liệu lấy từ thực tế. Họ, “những phụ nữ sự nghiệp – tội lỗi chết người của phong trào nữ quyền”, phải tìm kiếm sự “cứu chữa” của các bác sĩ tâm lý. Họ thông minh, có học thức, tham vọng, xinh đẹp, kiếm tiền ngang ngửa chồng. Nhưng các tạp chí mô tả họ trong trạng thái “bức xúc”, bởi công việc khiến họ trở nên “nam giới hoá” đến mức những người chồng nhu nhược, bất lực, thụ động của họ không còn cảm thấy họ gợi cảm. Khi máu nam nhi bị tổn thương, chồng họ chối bỏ hết trách nhiệm, và sa đà vào rượu chè để tìm sự khuây khoả.
Còn có một dạng phụ nữ khác: người nội trợ ngoại ô bất mãn làm náo loạn hội phụ huynh. Người phụ nữ trầm cảm chán sống này huỷ hoại con cái và ghen tị với chồng vì anh được đi làm. “Người vợ, đã từng đi làm, hoặc được đào tạo để làm một công việc trí óc trước khi kết hôn, cảm thấy tủi thân khi giờ đây chỉ là một người người nội trợ đơn thuần… Khi bất mãn, người phụ nữ này cũng phá hoại cuộc sống của chồng con (và bản thân) giống như những người phụ nữ sự nghiệp. Đôi khi, sự bất mãn ấy còn tệ hơn việc họ đi làm thật.”
Cuối cùng, trái ngược hoàn toàn với hai dạng phụ nữ trên, là những người nội trợ mới, tự hào với sự “khác biệt” và “nữ tính đặc biệt”, “sự phục tùng e ấp trong bản năng giới tính”. Họ, những người dành trọn nhan sắc và sức lực cho việc sinh nở và nuôi dạy con cái, là “những phụ nữ thật sự nữ tính, được đàn ông ngưỡng mộ, vì chỉ họ mới được Chúa tạo ra để lộng lẫy trong những vạt váy, gợi ra vô vàn liên tưởng”. Tôn vinh “sự tái xuất của những gia đình ba đến năm con truyền thống trong những khu phố sang trọng ở vùng ngoại ô dành cho giới thượng lưu và trung-thượng lưu”, tờ Life viết:
Những người phụ nữ này, mặc dù đầy đủ năng lực để theo đuổi “sự nghiệp”, ngày càng coi trọng những giá trị của việc chăm sóc và vun vén cho tổ ấm. Có lẽ… bởi chín chắn và hiểu biết hơn những người phụ nữ thông thường, họ là những phụ nữ đầu tiên nhận thức được những mặt trái của “nữ quyền” và chống lại nó… Phong cách trong tư duy, trang phục và nội thất thường bắt nguồn từ đây rồi lan toả tới đại chúng… Đây là một xu hướng đi ngược lại, và sớm muộn sẽ phá vỡ xu hướng hiện hành, để mang gia đình trở lại với hình thái vốn có của nó: một sự tác hợp thật sự… trong đó đàn ông là đàn ông, phụ nữ là phụ nữ, và cả đôi bên đều hiền lành, thoái mái, tự tin chắc chắn về bản thân mình – và hoàn toàn toại nguyện với việc kết hôn với một người bạn đời khác giới.
Cũng khoảng cùng thời điểm này, tờ Look (số ra ngày 16 tháng 10, 1956) viết:
Phụ nữ Mỹ đang ở thế thắng trong cuộc chiến giữa hai giới. Như những thiếu niên, họ llớn lên và làm những người phê bình họ tròn mắt… Giờ đây họ không còn phải bắt chước đàn ông để hoà nhập vào thế giới của phái nam. Họ vẫn có thể đi làm, tương đối nhàn hạ, góp phần vào một phần ba lực lượng lao động Mỹ, nhưng không phải để xây dựng sự nghiệp, mà là một cách để có thêm của hồi môn, hoặc để mua một cái tủ lạnh mới. Họ duyên dáng nhường lại các công việc lãnh đạo chủ chốt cho nam giới. Những sinh vật phi thường này cũng kết hôn sớm hơn bao giờ hết, có đông con hơn, hình thức và cử chỉ nữ tính hơn nhiều so với những phụ nữ “được giải phóng” thời những năm 1920, 1930. Cho dù là bà xã của một công nhân mỏ thép hay quý bà chăm hoạt động từ thiện, họ đều tự tay làm việc nhà… Ngày nay, nếu họ lựa chọn nếp sống cũ xưa, nâng niu chăm sóc mảnh vườn và một đàn con trẻ, họ sẽ được tán dương hơn bao giờ hết.
Ở nước Mỹ ngày nay, thực tế quan trọng hơn văn chương. Những hình ảnh tư liệu về những người phụ nữ đời thường xuất hiện trên các ấn phẩm như Look và Life dành trọn đời mình cho gia đình và con cái, được coi là lý tưởng chuẩn mực cho nữ giới. Họ là những minh chứng hùng hồn từ đời thực, chứ không phải những nhân vật tiểu thuyết được dàn dựng. Khi người ta tin vào hình mẫu lý tưởng, người ta sẽ tiểu thuyết hoá đời thực để minh hoạ cho hình mẫu ấy, và gạt hết những thực tế mâu thuẫn với chuẩn mực, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, khiến các nhà phê bình xã hội phải sửng sốt.
Trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Smith năm 1955, sau này được đăng lại trên tờ Woman’s Home Companion số tháng 9-1955, Adlai Stevenson (*) đã bác bỏ nguyện vọng trực tiếp tham gia chính trị trong “thời đại khủng hoảng”. Người phát ngôn cho trường phải dân chủ tự do khẳng định rằng nữ giới có thể tham gia chính trị thông qua vai trò người vợ, người mẹ: “Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có học, có điều kiện đặc biệt để gây ảnh hưởng tới chồng và con trai của họ.” Vấn đề nằm ở chỗ phụ nữ không hiểu được rằng làm vợ, làm mẹ chính là cách tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.
(*): Adlai Stevenson II (1900-1965) là chính khách theo trường phái tự do, từng giữ chức Thống đốc bang Illinois và là ứng viên của đảng Dân Chủ cho ghế Tổng thống Mỹ năm 1952 và 1956. Cả lần lẩn tranh cử này phần thắng đều thuộc về ứng viên của đảng Cộng Hoà Eisenhower.
Nhưng khi dành toàn tâm toàn ý cho các công việc nội trợ tỉ mỉ, nhiều phụ nữ cảm thấy bức bối và xa cách với những vấn đề và cuộc tranh luận mà họ đã từng quan tâm và hiểu biết khi ngồi trên ghế nhà trường. Trước kia họ làm thơ, bây giờ thì lên danh sách đi chợ. Trước kia họ thức đến khuya tranh luận về nghệ thuật và triết học, còn bây giờ họ mệt mỏi đến mức chỉ rửa chén bát xong là lăn ra ngủ. Họ thường có cảm giác bị thu hẹp lại, khi những khoảng trời và cơ hội từ từ lặn mất. Họ đã từng muốn góp phần giải quyết khủng hoảng của thời đại. Giờ đây họ chỉ có thể tập trung vào việc giặt tã.
Điều mà các chị không nhận ra là không ở đâu, châu Á, châu Phi hay các nước theo đạo Hồi, phụ nữ lại được sướng như các chị. Thực tế, việc kết hôn và sinh con đẻ cái không đẩy các chị xa khỏi các vấn đề lớn của thời đại, mà mang các chị trở lại chính trung tâm, và trao lên vai các chị những trọng trách lớn lao, sâu sắc hơn tất thảy những thứ mà đa phần những phụ nữ khác đảm nhận. Họ có thể được lên đưa đầu trang báo, nhưng khi bị cuốn theo mớ hỗn độn các vấn đề, mà cuối cùng họ mất hết khả năng phân biệt vấn đề nào mới là thật sự quan trọng.
Nhiệm vụ chính trị của phụ nữ là “biến ngôi nhà của mình thành biểu tượng cho tự do và ý nghĩa cuộc sống… giúp người chồng tìm thấy giá trị để nhận ra mục đích trong những công việc hàng ngày, dạy con trẻ rằng mỗi cá thể con người đều thật đặc biệt.”
Nhiệm vụ này, các chị, những người vợ, người mẹ, có thể thực hiện ngay trong phòng khách với em bé trên đùi, hay trong bếp với dụng cụ mở hộp. Nếu khéo léo, các chị thậm chí có thể vận dụng tài nghệ của mình với chồng khi anh ấy vô tư ngồi xem ti-vi. Theo tôi, có rất nhiều việc các chị có thể làm để giải quyết cuộc khủng hoảng của xã hội trong vai trò khiêm tốn của người nội trợ – đó là sự nghiệp tuyệt vời nhất mà tôi có thể chúc các chị theo đuổi.
Và thế là logic của lý thuyết về chuẩn mực nữ tính đã định nghĩa lại chính bản chất của vấn đề mà phái nữ gặp phải. Khi người ta coi phụ nữ là những cá nhân với tiềm năng con người vô tận, ngang bằng với nam giới, người ta sẽ thấy cần phải dẹp bỏ tất cả các trở ngại ngăn không cho nữ giới phát huy hết khả năng, chẳng hạn như hạn chế về cơ hội học hành, tham gia bầu cử, hay những sự phân biệt đối xử, kỳ thị trong pháp luật hoặc luân lý đạo đức. Nhưng nay, khi người ta tin rằng phụ nữ cần gắn chặt với vai trò tự nhiên mà giới tính đã quy định cho họ, không cần thiết phải dỡ bỏ tất cả những rào cản khiến phụ nữ không thể phát huy hết năng lực, những định kiến gạt phụ nữ sang bên lề xã hội. Vấn đề cần giải quyết bây giờ là những gì cản trợ việc thực hiện thiên chức nội trợ của phụ nữ. Khi đó, sự nghiệp, học vấn, mối quan tâm chính trị, thậm chí trí tuệ hay cá tính đều là những rào cản phải dẹp bỏ. Và rào cản cuối cùng là vấn đề không tên của nữ giới, một ước muốn mơ hồ về “điều gì đó khác” ngoài việc giặt chén bát, là ủi quần áo, thưởng phạt con trẻ. Theo những ấn phẩm dành cho phụ nữ, có thể tháo gỡ những khó khăn này bằng cách nhuộm tóc vàng, hoặc đẻ thêm con. Trong tờ Ladies’ Home Journal số tháng Hai, 1960, một thiếu phụ trẻ chia sẻ “Các bạn có nhớ hồi nhỏ, tất cả chúng ta đều có chung kế hoạch gì không?”. Chị ta khoe rằng trong bảy năm qua, chị đã nghiền ngẫm đến nát cả sáu cuốn sách dạy nuôi con của Giáo sư Spock. “Tôi thật may mắn làm sao! LÀ PHỤ NỮ THẬT TUYỆT!”
Trong số những truyện ngắn đăng trên tạp chí, truyện “Kỳ nghỉ” của tờ Mademoiselle tháng Tám 1949, kể về một thiếu phụ trẻ trong tình trạng tuyệt vọng được bác sĩ yêu cầu phải ra khỏi nhà mỗi tuần một lần. Cô ta đi mua sắm, thử váy áo, soi gương và băn khoăn xem món đồ nào Sam, chồng cô, sẽ thích.
Trong đầu cô, dường như luôn thường trực một điệp khúc tên Sam, như thể tự thân cô không thể tự xác định rõ ràng bản thân muốn gì… Đột nhiên cô không thể tự quyết định xem nên mua chiếc váy xếp li hay chiếc váy may xéo vải. Cô nhìn vào gương, thấy mình cao, hông bắt đầu phình ra, và các đường nét trên mặt trở nên mờ nhạt. Cô mới 29 tuổi, nhưng cảm giác như đã bước sang tuổi trung niên, như thể bao năm đã trôi qua và chẳng còn gì phía trước… Thế rồi cô tự nhủ mình thật ngớ ngẩn, vì con bé Ellen mới chỉ lên ba. Cô còn cả một tương lai để lên kế hoạch, có thể cô sẽ sinh thêm đứa nữa. Việc này không thể trì hoãn thêm được nữa.
Một người nội trợ trẻ trong truyện “Người đàn ông bên cạnh tôi” (Redbook, Tháng 11, 1948) đã bỏ rất nhiều công sức để tổ chức một bữa tiệc với hy vọng giúp chồng được tăng lương. Cô tuyệt vọng phát hiện kế hoạch đã thất bại. (“Anh phải công nhận rằng em đã cố gắng. Anh phải nói rằng em có ích cho một việc gì đó… Cuộc sống như một tấm tranh ghép thiếu một mảnh, và mảnh ghép còn thiếu ấy chính là em. Em không thể tìm thấy chỗ cho mình trong bức tranh đó.”) Thế là cô đi nhuộm tóc vàng. Và khi chồng cô đáp lại hình ảnh “tóc vàng hoe” mới của cô một cách hào hứng trong phòng ngủ, cô “thấy một cảm giác bình yên mới, như thể đã tự trả lời được câu hỏi trong thâm tâm.”
Cứ như thế, những câu chuyện trên tạp chí thuyết phục phụ nữ rằng họ sẽ chỉ cảm thấy toại nguyện khi sinh được một đứa bé. Chúng phủ nhận quãng thời gian mà phụ nữ không còn háo hức với việc sinh đẻ, ngay cả khi họ đã làm việc đó nhiều lần. Theo chuẩn mực nữ tính, sinh con là cách duy nhất để phụ nữ ước mơ về tương lai, hoặc tạo ra một cái gì đó. Họ không thể mơ ước điều gì khác cho bản thân, ngoài việc trở thành người vợ hiền của chồng, người mẹ đảm của con. Và những bài viết mang tính tư liệu lại mô tả những thiếu phụ trẻ kiểu mới, lớn lên theo đúng chuẩn mực nữ tính, và không bao giờ phải tự vấn bản thân. Trong bài “Nước Mỹ sống ra sao” trên tờ Ladies’ Home Journal, Tháng Sáu 1959, một phụ nữ chia sẻ: “Nếu anh ấy không muốn tôi mặc một màu nào đó, hay một kiểu váy nào đó, thì thật sự là tôi cũng không thích nó nữa. Bởi lẽ, điều anh ấy muốn chính là điều tôi cũng muốn… Tôi không tin vào những cuộc hôn nhân 50:50.” Bỏ học đại học để kết hôn ở tuổi 18, không chút hối tiếc, cô gái này “không bao giờ cố xen vào những câu chuyện của cánh đàn ông. Cô không bao giờ cãi lại chồng bất cứ chuyện gì… Cô dành rất nhiều thời gian ngắm tuyết rơi, mưa rơi, và những bông thuỷ tiên đầu tiên dần dần hé nở ngoài cửa sổ. Một cách giết thời gian và giải khuây hiệu nghiệm là… thêu thùa: những mũi thêu bé xíu bằng sợi kim tuyến vàng hay tơ tằm đòi hỏi sự tập trung cao độ.”
Theo logic của lý thuyết về chuẩn mực nữ tính, việc một phụ nữ không có nguyện vọng gì cho bản thân, và tự định nghĩa mình với bổn phận làm vợ, làm mẹ là một điều rất bình thường. Nếu cuộc sống của họ có gì không ổn, thì đó là do chồng con họ có vấn đề. Chính người chồng mới phải than phiền với chuyên gia tư vấn hôn nhân: “Theo tôi, hôn nhân thành công cần cả hai người, tự sống cuộc sống của riêng mình, và phối hợp với nhau. Có vẻ như Mary thì khăng khăng rằng cả hai chúng tôi cùng phải sống chung một cuộc sống – cuộc sống của tôi.” (Redbook, tháng Sáu 1955). Mary nằng nặc đòi cùng anh đi mua áo sơ-mi, mua tất, rồi chỉ cho người bán hàng anh mặc màu gì, cỡ nào. Mỗi tối khi anh đi làm về, Mary hỏi anh đã ăn trưa với ai, ở đâu, và nói chuyện gì. Khi anh không chịu, cô ấy nói: “Anh yêu, em muốn chia sẻ cuộc sống của anh, là một phần trong tất cả những việc anh làm, chỉ vậy thôi… Em muốn mình hoà làm một, như trong cẩm nang về hôn nhân hướng dẫn…” Người chồng không thể hiểu được làm thế nào “hai cá thể có thể hoà làm một như cách mà Mary muốn. Điều này rõ là ngớ ngẩn. Hơn nữa, tôi cũng không thích thế. Tôi không muốn bị dính chặt vào một người khác, không thể có suy nghĩ hay hành động của riêng mình.”
Giải pháp cho “vấn đề của Pete”, theo Tiến sĩ Emily Mudd, chuyên gia tư vấn hôn nhân nổi tiếng, là làm thế nào để Mary cảm thấy đang được sống cuộc sống của chồng. Chồng cô có thể thỉnh thoảng rủ cô lên phố đi ăn cùng các đồng nghiệp của anh, gọi cho cô món thịt bê mà anh thích, và có thể tìm cho cô một “hoạt động thể chất lành mạnh” nào đó, như bơi lội chẳng hạn, để cô tiêu bớt năng lượng thừa. Việc Mary không có cuộc sống riêng không phải lỗi của cô ấy.
Cuối cùng, một phụ nữ ở Texas đã đạt được hạnh phúc tuyệt đỉnh của người nội trợ. Trong bài “Nước Mỹ sống ra sao” (Ladies’ Home Journal, tháng Mười, 1960), thiếu phụ Texas này “ngồi trên một chiếc ghế bành bọc vải satin xanh nước biển, nhìn ra cửa sổ. Mặc dù chưa đến chín giờ sáng, cô đã trang điểm chỉn chu – môi son, má phấn, chiếc váy cotton cô mặc còn mới tinh khôi.” Cô tự hào kể: “Tám rưỡi sáng, khi bé út của tôi đã đến trường và cả nhà đã sạch bong, tôi diện đồ cho ngày mới. Tôi rảnh tay để chơi bài, họp các câu lạc bộ, hay ở nhà đọc sách, nghe nhạc Beethoven, và chỉ thư giãn.”
“Thỉnh thoảng, cô gội và sấy tóc trước khi ngồi vào bàn chơi bài lúc 1:30. Hôm nào mọi người tụ tập chơi bài ở nhà cô là buổi sáng hôm đó bận rộn nhất, vì cô phải kê bàn, bày bài, pha cà phê và chuẩn bị bữa trưa… Những tháng mùa đông, cô có thể chơi bài bốn ngày một tuần, từ 9:30 sáng đến 3 giờ chiều… Janice cố gắng về nhà trước 4 giờ, khi tụi trẻ ở trường về.”
Người nội trợ kiểu mới này không có gì bất mãn. Là một học sinh ưu tú ở trung học, cô kết hôn khi 18 tuổi, tái hôn và mang thai ở tuổi 20, và đã có ngôi nhà mà cô dành bảy năm trời mơ ước và lên kế hoạch thật chi tiết. Cô tự hào vì mình là một người nội trợ giỏi giang, có thể làm xong mọi việc trước 8:30 sáng. Thứ Bảy hàng tuần cô tổng vệ sinh nhà cửa, trong lúc chồng cô đi câu và tụi trẻ tham gia hội Thiếu Sinh Quân. (“Chẳng còn việc gì khác để làm, không có bài để chơi. Đó là một ngày dài.”)
“Tôi yêu ngôi nhà này,” cô nói… Tường bếp và phòng khách hình chữ L đã sơn màu ghi nhạt được 5 năm, mà vẫn không tì vết… Vải bọc ghế màu phớt đào, vàng và nước biển in hoa văn vẫn còn như mới sau 8 năm sử dụng. “Đôi lúc tôi cảm thấy hơi quá thụ động, quá tự mãn,” Janice tâm sự một cách trìu mến, liếc nhìn chiếc lắc tay kết kim cương khổ rộng mà cô luôn đeo, ngay cả khi chiếc đồng hồ gắn trên đó đã mang đi sửa… Món đồ yêu thích của cô là chiếc giường bốn cọc phủ màn taffeta màu hồng. “Khi ngủ trên cái giường này, tôi cảm thấy mình như thể Nữ hoàng Elizabeth,” cô vui vẻ nói. (Chồng cô ngủ trong phòng khác, vì ngáy to).
“Tôi thật biết ơn với những gì mình có,” cô nói. “Một người chồng tuyệt vời, những cậu con trai xinh xắn dễ thương, một ngôi nhà rộng rãi tiện nghi… Tôi biết ơn Chúa đã ban cho tôi sức khoẻ và niềm tin ở Người, và những tài sản vật chất như hai chiếc xe hơi, hai chiếc ti-vi và hai cái lò sưởi.”
Nhìn vào hình ảnh này, tôi bức xúc tự hỏi phải chăng cuộc sống có chút khó khăn còn tốt hơn sự thụ động mỉm cười trống rỗng này. Nếu những phụ nữ trẻ sống theo chuẩn mực nữ tính này thật sự hạnh phúc, thì liệu con đường có kết thúc tại đây? Hay có những mầm mống tệ hơn sự bất mãn luôn ẩn mình đằng sau hình ảnh người phụ nữ lý tưởng ấy? Có phải hình ảnh nữ tính này và hiện thực cuộc sống đang ngày càng xa cách?
Hãy suy nghĩ về hiện tượng các tạp chí ngày càng nhấn mạnh sự quyến rũ: một người nội trợ đánh mắt khi hút bụi sàn nhà – “Vinh dự làm Phụ nữ”. Vì sao người ta ngày càng phải cố gắng tô điểm cho hình ảnh người nội trợ lộng lẫy hơn? Tự thân sự quyến rũ khiên cưỡng đã là một dấu hỏi lớn: khi người ta cố gắng chứng tỏ một điều gì thì có thể đấy là cách để che giấu một thực tế trái ngược.
Trước kia, người ta phải xây dựng hình ảnh phụ nữ đoan chính để chối bỏ nhu cầu thể xác. Ngày nay, người ta phải tạo ra hình ảnh phụ nữ vô tư hơn, và chú trọng hơn đến việc phải có hai chiếc xe hơi, hai chiếc ti-vi và hai cái lò sưởi. Những tờ tạp chí dành trọn cả trang báo in hình rau củ phóng đại: củ cải, dưa chuột, ớt chuông, khoai tây… được mô tả như một chuyện tình. Phông chữ cũng được phóng to như sách tập đọc của trẻ lớp một. Phiên bản mới của tờ McCall’s thẳng thắn mặc định rằng phụ nữ là những con mèo bông không có trí não; tờ Ladies’ Home Journal cũng hăng hái đua tranh, chiêu mộ ca sĩ rock-and-roll Pat Boone làm tư vấn cho các cô bé tuổi teen; còn tờ Redbook và các tạp chí khác thì phóng to cỡ chữ. Việc người ta phải dùng font chữ lớn như vậy phải chăng có nghĩa là trí tuệ của độc giả các tạp chí này – những phụ nữ trẻ thời nay – chỉ ngang với trẻ con lớp Một? Hay phải chăng đó là cách để người ta che giấu sự tầm thường trong nội dung các bài viết? Trong giới hạn của cái mà người ta chấp nhận là thế giới của đàn bà, những biên tập viên không còn được đề cập đến các vấn đề to tát, mà chỉ có thể phóng đại củ khoai tây nướng, hay tả một căn bếp như thể gian phòng lộng lẫy trong cung điện Versailles. Rốt cục, người biên tập bị chuẩn mực nữ tính cấm không được động đến những ý tưởng lớn. Nhưng liệu những người đàn ông điều hành các ấn phẩm phụ nữ này có khi nào nhận ra rằng khó khăn của họ xuất phát chính từ việc họ đang cố gắng thu nhỏ bộ não của nữ giới bằng hình mẫu hạn hẹp về phụ nữ lý tưởng?
Tất cả các tạp chí dành cho phụ nữ ngày nay đều gặp khó khăn, và phải cạnh tranh gay gắt với nhau, và với truyền hình, để tiếp cận hàng triệu độc giả nữ – những người sẽ mua các sản phẩm mà các tạp chí được thuê quảng cáo. Cuộc đua khốc liệt này liệu có khiến những người đàn ông tạo ra hình mẫu nữ tính chuẩn mực xem phụ nữ thuần tuý là những người mua hàng? Liệu nó có buộc họ phải xoá sạch những tư duy con người khỏi trí não của phụ nữ? Sự thật là khi hình mẫu nữ tính chuẩn mực càng trống rỗng, các tác giả của hình mẫu ấy càng gặp khó khăn. Trong quãng thời gian mà hình mẫu ấy bó hẹp phụ nữ trong khuôn khổ gia đình, giới hạn họ ở vai trò nội trợ, năm tạp chí phổ thông dành cho nữ giới đã phải đình bản; số còn lại phải chật vật để duy trì.
Khi phụ nữ ngày càng chán ngán hình ảnh trống rỗng, hạn hẹp mà các tạp chí dựng lên, đó có thể là tia hy vọng lớn nhất về sự khác biệt giữa hình mẫu và thực tế. Nhưng ở những người phụ nữ tâm niệm với hình mẫu đó còn xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Năm 1960, chủ bút của các tạp chí chủ đích nhắm đến những người nội trợ trẻ vui vẻ – hay đúng hơn, những cặp vợ chồng trẻ vui vẻ (bởi phụ nữ không thể tách rời khỏi chồng con họ) – bằng một bài báo với câu hỏi: “Vì sao các bà mẹ trẻ cảm thấy tù túng?” (Redbook, tháng Chín, 1960). Họ tung ra một chiêu quảng cáo. Họ kêu gọi những người nội trợ gặp vấn đề kể lại chi tiết câu chuyện của mình, với mức nhuận bút 500 đô-la. Họ sửng sốt khi nhận được 24 ngàn phản hồi. Phải chăng hình mẫu phụ nữ đã bị thu hẹp đến mức bản thân nó đã trở thành một cái bẫy?
Ở một tạp chí lớn, một nữ biên tập viên cảm thấy có thể những người nội trợ Mỹ đang khẩn thiết cần một cái gì đó để nới rộng thế giới của họ, và cố gắng nhiều tháng thuyết phục các đồng nghiệp nam đưa một số ý tưởng ngoài khuôn khổ gia đình vào tạp chí. “Chúng tôi quyết định bác bỏ ý kiến đó” – người đàn ông nắm quyền cho biết. “Phụ nữ ngày nay đã quá tách biệt với thế giới của các ý tưởng, nên họ sẽ không thể nắm bắt được những khái niệm mới.” Liệu có quá lạc đề khi đặt câu hỏi: Ai đã ngăn họ khỏi thế giới của các ý tưởng? Có lẽ những tên Frankenstein này không còn khả năng để kiểm soát con quái vật đội lốt nữ tính mà tụi hắn đã tạo ra.
Bản thân tôi cũng đã góp phần tạo dựng hình mẫu đó. Tôi đã quan sát suốt mười lăm năm qua những người phụ nữ Mỹ cố gắng tuân theo hình mẫu ấy. Nhưng giờ đây tôi không thể phủ nhận những hệ luỵ nghiêm trọng mà mình đã nhìn thấy. Hình mẫu này không vô hại. Có thể không có thuật ngữ tâm lý nào để mô tả tác hại của nó. Nhưng điều gì xảy ra khi phụ nữ cố gắng sống theo một hình mẫu – khi hình mẫu đó không cho phép họ được tư duy? Điều gì xảy ra khi nữ giới lớn lên trong một hình mẫu – khi nó buộc họ chối bỏ hiện thực thế giới biến động?
Đúng, những chi tiết vật chất của cuộc sống, gánh nặng của công việc bếp núc, quét dọn, chăm sóc chồng con đã từng là toàn bộ thế giới của phụ nữ một thế kỷ trước, khi mà những người Mỹ còn là tiên phong khai phá những vùng đất mới. Nhưng những người phụ nữ đi theo đoàn tàu Tây tiến thời đó cùng chia sẻ ước vọng khai phá và chinh phục. Ngày nay, mảnh đất mà người Mỹ đang khai phá là lãnh địa của tri thức và tâm hồn. Tình yêu, gia đình và con cái đều là những điều tốt đẹp, nhưng đó không phải là tất cả thế giới, cho dù tất cả sách báo viết cho phụ nữ đều nói dối như vậy. Vì sao phụ nữ phải chấp nhận cuộc sống nửa vời, thay vì được sống trọn số phận con người? Vì sao phụ nữ phải cố gắng tìm kiếm thêm “điều gì đó mới” trong công việc nội trợ, thay vì khám phá những lãnh địa của thời đại mới, giống như những người phụ nữ trước kia đã từng sánh vai những người đàn ông chinh phục miền viễn Tây?
*****
Không thể đổi cả thể giới cho một củ khoai tây nướng, và không thể gọi việc hút bụi sàn nhà – trong khi trang điểm hay để mặt mộc – là một công việc thực sự tương xứng với năng lượng và khả năng tư duy của bất kỳ phụ nữ nào. Phụ nữ là con người, không phải những con búp bê nhồi bông, không phải thú vật. Trải qua bao thời đại loài người đã tiến hoá hơn các động vật khác nhờ sức mạnh của tư duy, khả năng sản sinh ý tưởng, tầm nhìn, và dựa vào đó để tạo dựng tương lai. Con người cũng có những nhu cầu bản năng như động vật, nhưng tình yêu, khả năng khám phá, sáng tạo, xây dựng tương lai khác với quá khứ là những điều chỉ có ở con người.
Điều bí ẩn thật sự nằm ở chỗ: vì sao có nhiều đến vậy những phụ nữ Mỹ, đủ năng lực và học vấn để khám phá và sáng tạo, lại tìm về công việc nội trợ, và cố gắng tìm kiếm “thêm điều gì đó” trong công việc bếp núc con cái? Bởi, thật nghịch lý, khi hình tượng người Phụ Nữ Mới năng động bị hình mẫu Nội Trợ Hạnh Phúc thay thế trong mười lăm năm qua, thế giới loài người đã được mở rộng, nhịp độ thay đổi ngày càng tăng, và chính bản chất hiện thực nhân loại đã ngày càng bớt phụ thuộc vào nhu cầu sinh học và vật chất thiết yếu. Phải chăng hình mẫu nữ tính chuẩn mực không cho phép phụ nữ lớn cùng thế giới? Phải chăng nó buộc phụ nữ chối bỏ hiện thực, giống như người đàn bà trong bệnh viện tâm thần phải chối bỏ hiện thực để tin mình là nữ hoàng? Liệu nó có khiến tất cả phụ nữ trở thành những cá thể đứng ngoài lề, thậm chí là những kẻ tâm thần phân liệt ảo, trong thế giới phức tạp biến động của chúng ta?
Trong khi phụ nữ Mỹ ngày nay có thể làm bất kỳ nghề gì họ muốn, cụm từ “phụ nữ sự nghiệp” lại trở thành một khái niệm tiêu cực; khi cánh cửa giáo dục đại học mở rộng cho mọi phụ nữ có năng lực, thì phụ nữ lại nghi ngại, và đua nhau bỏ dở phổ thông và đại học để kết hôn và sinh đẻ; khi xã hội hiện đại tạo ra nhiều vai trò mới để nữ giới đảm nhiệm, phụ nữ lại khăng khăng tự khép mình trong một vai trò duy nhất. Vì sao, khi ta đã dỡ bỏ tất cả những rào cản pháp lý, chính trị, kinh tế, giáo dục trước đây ngăn không cho phụ nữ bình đẳng với nam giới và là một cá thể thực thụ – một cá nhân tự do có quyền phát huy năng lực của mình, ta lại bắt phụ nữ chấp nhận một hình mẫu cứng nhắc – một hình mẫu khăng khăng cho rằng họ không phải là “con người”, mà là “phụ nữ”, tách họ khỏi sự tồn tại tự do của con người và tiếng nói trong vận mệnh nhân loại? Những hiện tượng này không chỉ là những nghịch lý kỳ lạ.
Chuẩn mực về nữ tính có sức ảnh hưởng tới mức nữ giới dần dần không còn nhận thức được rằng họ có những ước vọng và năng lực mà chuẩn mực không cho phép. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vài năm, chuẩn mực đó được cả xã hội tôn sùng, phủ nhận tất cả những xu hướng của cả một thế kỷ. Điều gì tạo ra sức ảnh hưởng cho chuẩn mực nữ tính ấy? Vì sao phụ nữ lại quay lưng lại với thế giới để khép mình trong khuôn khổ gia đình?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét