Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Ý nghĩa lịch sử chuyến thăm Trung Quốc của TT Nixon -

10974212_945727245450960_8086250894284981668_o
Tác giả: Hoàng Anh Tuấn
Bài liên quan: Nhân tố Mỹ: Trung – Mỹ xích lại gần nhau và thái độ của TQ đối với Chiến tranh Việt Nam, 1968-72
Vào ngày này cách đây đúng 43 năm (21/2/1972), Tổng thống Mỹ Nixon bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc. Chuyến thăm này diễn ra sau sự kiện ngoại giao bóng bàn, các cuộc đàm phán ngoại giao bí mật cấp đại sứ giữa đại sứ Mỹ và đại sứ Trung Quốc tại Warsaw (Ba Lan) và chuyển đi bí mật của Ngoại trưởng Henry Kissinger đến Bắc Kinh trước đó. Sự kiện này không chỉ là bước ngoặt, dấu ấn nổi bật của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà còn của cả quan hệ quốc tế thời kỳ hậu Thế chiến II nữa. Lý do khiến chuyến thăm trở nên đặc biệt bao gồm:
Một, lần đầu tiên trong lịch sử gần 200 của nước Mỹ, Tổng thống Mỹ đến thăm chính thức một quốc gia trên danh nghĩa vẫn là “kẻ thù” (từ sau cuộc chiến Triều Tiên 6/1950-7/1953) và là nước Mỹ không có quan hệ ngoại giao.
Hai, chuyến thăm mở ra thời kỳ “hòa hoãn mới” (new détente) giữa Trung Quốc và Mỹ, mở đường cho việc Mỹ công nhận và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc ngày 1/1/1979. Điều này tạo ra bước ngoặt mới trong quan hệ tay ba Mỹ-Trung-Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu của mình là được thừa nhận như một “cực” mới (new pole), bên cạnh 2 cực Mỹ, Xô.
Cần nhớ rằng, theo nhận thức “kinh điển” về Chiến tranh Lạnh thì thế giới chia thành hai phe Đông-Tây, với Mỹ và Liên Xô mỗi bên lãnh đạo 1 cực. Tuy nhiên, trên thực tế thì thế giới giai đoạn này không chỉ chứng kiến 1 cuộc Chiến tranh lạnh Xô-Mỹ, mà còn chứng kiến 2 cuộc “chiến tranh lạnh” khác nữa là Chiến tranh lạnh Trung-Nga (kéo dài từ 1959-1989) và Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung (1953-1972). Xét trong bối cảnh quan hệ các nước lớn và quan hệ quốc tế thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chuyến thăm đã giúp “phá băng” một cuộc “chiến tranh lạnh”, đồng thời Trung Quốc được thừa nhận như 1 cực, 1 nước lãnh đạo của Thế giới thứ Ba.
Ba, chuyến đi đặt nền móng cho việc bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ 1/1/1979 sau này, cũng như tạo nền tảng cho thành công của cải cách và mở cửa của Trung Quốc sau đó. Điều nghịch lý là nhờ vào quan hệ với Mỹ, thị trường Mỹ mà Trung Quốc trở thành cường quốc số 2 về kinh tế của thế giới và hiện Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt với Mỹ để trở thành cường quốc số 1 thế giới.
Bốn, Thông cáo chung Thượng Hải lần thứ nhất (ký ngày 27/2/1972) gồm các điều khoản chính (i) Hai nước chấm dứt tình trạng thù địch; (ii) Mỹ công nhận chính sách một nước Trung Quốc, thừa nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, thay thế vị trí của Đài Loan; (iii) Mỹ sẽ thiết lập cơ quan đại diện thương mại Mỹ để thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại Mỹ – Trung; (iv) Mỹ sẽ giảm dần việc rút quân và bán vũ khí cho Đài Loan.
Thông cáo chung Thượng Hải lần thứ nhất này cùng với Thông cáo chung Thượng Hải lần thứ hai và thứ ba (ký năm 1979 và 1982) đã tạo khuôn khổ cho quan hệ Mỹ – Trung, Mỹ – Đài Loan từ 1972 đến nay và cả sau này nữa.
Đoạn viết về quan hệ Mỹ – Trung và Trung Quốc – Đài Loan trong cả 3 thông cáo chung là kết quả của quá trình đàm phán gay go, phức tạp, và được các nhà ngoại giao Mỹ “cài” bằng những câu văn hết sức khéo léo, chặt chẽ nhưng lại ẩn chứa sự “mập mờ về chiến lược” (strategic ambiguity), và ở góc độ nào đó đây có thể xem là những “văn bản mẫu” đối với những người làm đối ngoại, nghiên cứu chiến lược. Dựa vào các thông cáo chung này, Mỹ diễn giải theo cách: (i) ngăn cản Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, nhờ vậy vẫn giữ được quan hệ hai bờ ổn định; (ii) Ngăn Đài Loan độc lập; (iii) Vẫn bán vũ khí và cam kết bảo vệ nền độc lập của Đài Loan.
Năm, Việt Nam, vốn là nước chịu những tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp từ chuyến đi, nên đã theo dõi chặt quá trình xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Mỹ.
Lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta đang diễn ra vô cùng ác liệt và Trung Quốc khi đó là một trong 2 đồng minh quan trọng nhất của Việt Nam. Do đó việc theo dõi kỹ chuyến đi là hoàn toàn dễ hiểu. Đoạn Thông cáo chung, đoạn được nghiên cứu kỹ nhất là đoạn nói về sự liên hệ giữa cải thiện quan hệ Trung-Mỹ với việc giảm xung đột quân sự quốc tế, vốn được xem là hàm ý về chiến tranh Việt Nam (Nguyên văn: Progress toward the normalization of relations between China and the United States is in the interests of all countries; both wish to reduce the danger of international military conflict – Tiến triển hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là lợi ích của tất cả các nước; hai bên mong muốn giảm nguy cơ của xung đột vũ trang quốc tế).
Lý do đằng sau là Việt Nam lo ngại sự “thỏa hiệp”, “đi đêm” giữa 2 nước lớn này sẽ phương hại đến lợi ích của nhân dân Việt Nam; Trung Quốc sau đó có thể “tác động” đến cuộc chiến giải phóng miền Nam để “đánh đổi” lấy việc bình thường hóa.
Cách xử lý hết sức bình tĩnh, cương quyết nhưng khôn khéo và bề ngoài coi như không có chuyện gì xảy ra của các lãnh đạo cao nhất Việt Nam là một tấm gương và kinh nghiệm quý báu để lớp con cháu xử lý các vấn đề lớn sau này.
Thực tế cho thấy, bằng việc thực thi một chính sách đối ngoại độc lập, dựa trên lợi ích quốc gia chúng ta vẫn thực hiện được mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước. Và đây cũng là một trong những lý do chính làm “hỏng” phần quan trọng trong chuyến đi Trung Quốc của Nixon, khiến 2 nước mất 7 năm sau chuyến đi này mới bình thường hóa được quan hệ.
TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét