Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015
Tương lai của vũ lực và chiến tranh
07:24
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: Joseph S. Nye, “The Future of Force”, Project Syndicate, 05/02/2015
Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Tại hội nghị thường niên gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức ở Davos, tôi đã tham gia cùng một nhóm các nhà lãnh đạo quốc phòng để thảo luận về tương lai của quân đội. Vấn đề mà chúng tôi đề cập có vai trò rất quan trọng: hiện nay quân đội nên chuẩn bị cho loại hình chiến tranh nào?
Các chính phủ sở hữu lượng hồ sơ lưu trữ hết sức nghèo nàn khi chúng ta tìm câu trả trả lời cho câu hỏi này. Chẳng hạn, sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ đã đánh mất những gì nó học được về biện pháp chống quân nổi dậy, để rồi phải tìm hiểu lại vấn đề này với cái giá rất đắt ở Iraq và Afghanistan.
Các hành động can thiệp quân sự của Mỹ ở những nước trên là những ví dụ điển hình của một thách thức mang tính then chốt khác trong chiến tranh hiện đại. Như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn gần đây, trong chiến tranh “mọi thứ có thể vuột khỏi tầm kiểm soát, trôi dạt và đi chệch hướng” theo những cách mà có thể khiến một đội quân rơi vào việc tăng cường sử dụng vũ lực so với dự kiến ban đầu. Theo đó, ý tưởng cho rằng vũ lực tự nó có thể thay đổi những xã hội bị chia rẽ bởi xung đột ở Trung đông và những nơi khác là một sai lầm nguy hiểm.
Tuy nhiên, dù chiến tranh và vũ lực có thể bị giảm vai trò nhưng chúng vẫn chưa biến mất. Chúng chỉ đơn thuần đang phát triển cho phù hợp với những quy tắc và chiến thuật “thế hệ” mới mà thôi.
Thế hệ đầu tiên của chiến tranh hiện đại bao gồm các cuộc chiến với số lượng binh lính khổng lồ, sử dụng cách bố trí quân theo hàng ngũ ngang dọc kiểu Napoleon. Thế hệ chiến tranh thứ hai, vốn đạt đến đỉnh cao trong Thế chiến I, được thúc đẩy bởi lượng hỏa lực khổng lồ và được mô tả trong câu châm ngôn được cho là xuất hiện từ Trận Verdun năm 1916, “pháo binh chinh phạt, bộ binh chiếm đóng” (artillery conquers, infantry occupies). Và thế hệ chiến tranh thứ ba – được nước Đức hoàn thiện với phương pháp “tấn công chớp nhoáng” (blitzkrieg) được sử dụng trong Thế chiến II – nhấn mạnh chiến thuật khéo léo hơn là vũ lực, với việc quân đội sử dụng biện pháp xâm nhập để vòng qua kẻ địch và hạ gục lực lượng địch từ phía sau thay vì tấn công trực diện.
Thế hệ chiến tranh thứ tư tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận phi tập trung hóa này ở một mức độ cao hơn với việc không có bất kỳ một mặt trận xác định nào. Thay vào đó, nó tập trung vào xã hội của kẻ địch, vươn sâu vào trong lãnh thổ địch để triệt tiêu ý chí chính trị. Người ta có thể thêm vào một loại thế hệ thứ năm mà trong đó những công nghệ như máy bay không người lái và chiến thuật tấn công qua không gian mạng cho phép các binh sĩ ở cách những mục tiêu dân sự cả một lục địa.
Mặc dù việc phân chia chiến tranh thành các thế hệ ở mức độ nào đó vẫn còn yếu tố cảm tính, chúng phản ánh một xu thế quan trọng, đó là sự phai nhạt dần ranh giới giữa mặt trận quân sự và hậu phương dân sự. Sự thay thế chiến tranh giữa các quốc gia bằng các cuộc xung đột vũ trang liên quan đến các chủ thể phi nhà nước như các nhóm nổi dậy, các mạng lưới khủng bố, phiến quân, và các tổ chức tội phạm đang thúc đẩy sự chuyển dịch này.
Một điều khiến vấn đề trở nên rối rắm hơn là sự chồng lấn đan xen giữa các nhóm trên, một vài trong số đó thậm chí còn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ. Lực lượng Cách mạng Vũ trang Colombia – tổ chức du kích lâu đời nhất ở khu vực Mỹ Latinh – đã liên minh với các tập đoàn buôn bán ma túy. Một số nhóm Taliban ở Afghanistan và những nơi khác đã phát triển quan hệ với những tên khủng bố xuyên quốc gia Al Qaeda. Những người nổi dậy ở miền đông Ukraine đang chiến đấu cùng với binh lính Nga (nhưng không đeo phù hiệu).
Những tổ chức như vậy thường lợi dụng những quốc gia thiếu tính chính danh hay thiếu năng lực để quản lý lãnh thổ một cách hiệu quả, chúng tiến hành các hoạt động chính trị và hoạt động vũ trang mà sau một thời gian sẽ trao cho chúng sự kiểm soát mang tính cưỡng bức đối với dân cư địa phương. Kết quả là cái mà Đại tướng Rupert Smith, cựu chỉ huy quân đội Anh ở Bắc Ireland và vùng Balkans, gọi là “chiến tranh giữa người dân với người dân” – một hình thái xung đột hiếm khi được định đoạt trên chiến trường thông thường bằng quân đội truyền thống.
Các cuộc chiến tranh lai (hybrid war) này được tiến hành với rất nhiều loại vũ khí khác nhau, và không phải tất cả số vũ khí này đều có hỏa lực. Với camera trong tất cả điện thoại di động và các phầm mềm chỉnh sửa ảnh trên tất cả máy tính – chưa kể đến sự nổi lên của các phương tiện truyền thông xã hội – cuộc ganh đua về mặt thông tin đã trở thành một khía cạnh tối quan trọng trong chiến tranh hiện đại mà ví dụ tiêu biểu là các cuộc chiến gần đây ở Syria và Ukraine.
Trong chiến tranh lai, các vũ khí truyền thống và phi truyền thống, chiến binh và thường dân, sự hủy diệt vật chất và sự thao túng thông tin trở nên hòa quyện một cách triệt để. Năm 2006 tại Libăng, lực lượng Hezbollah đã chiến đấu với Israel nhờ những nhóm khủng bố nhỏ được huấn luyện bài bản, các nhóm này kết hợp tuyên truyền, các chiến thuật quân sự truyền thống, và tên lửa được bắn từ những vùng đông dân cư để đạt được điều mà nhiều nước trong khu vực nhìn nhận là một chiến thắng về mặt chính trị. Gần đây hơn, Hamas và Israel đã tiến hành các hoạt động quân sự trên không và trên bộ ở Dải Gaza nơi có nhiều dân cư sinh sống.
Hình thái chiến tranh này nổi lên phần lớn để đáp trả lại lợi thế quân sự truyền thống áp đảo của Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ, được minh chứng bởi chiến thắng trong cuộc chiến tranh Iraq năm 1991 với chỉ 148 binh sĩ thiệt mạng, và hành động can thiệp vào cuộc xung đột ở Kosovo năm 1999 mà trong đó Mỹ không có tổn thất sinh mạng nào. Trước tình trạng bất cân xứng đó, những đối thủ của Hoa Kỳ – bao gồm cả những chủ thể nhà nước và phi nhà nước – đã bắt đầu chú trọng vào các chiến thuật phi truyền thống.
Chẳng hạn, ở Trung Quốc, các nhà hoạch định quân sự đã phát triển chiến thuật “chiến tranh không giới hạn” (unrestricted warfare) kết hợp các công cụ điện tử, ngoại giao, không gian mạng, ủy nhiệm khủng bố, kinh tế, và tuyên truyền để đánh lừa và làm kiệt quệ các hệ thống của Mỹ. Như một quan chức quân đội Trung Quốc đã nói, “quy tắc đầu tiên của chiến tranh không giới hạn là không có bất kỳ quy tắc nào.”
Về phía các nhóm khủng bố, vốn nhận ra rằng không thể đánh bại quân đội truyền thống trong một cuộc chiến trực diện, chúng cố gắng sử dụng chính quyền lực của các chính phủ để chống lại họ. Với những hành vi tàn bạo phô diễn thu hút nhiều sự chú ý, Osama bin Laden đã gây phẫn nộ và kích động Hoa Kỳ, khiến nước này phản ứng thái quá theo những cách vốn đã triệt hạ uy tín của chính mình, làm suy yếu liên minh của Mỹ với thế giới Hồi giáo, rồi cuối cùng đã làm kiệt quệ quân đội Mỹ – và theo một khía cạnh nào đó còn là xã hội Mỹ nữa.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thực hiện một chiến thuật tương tự, kết hợp các hoạt động quân sự tàn bạo cùng với một chiến dịch gây phẫn nộ bằng các phương tiện truyền thông xã hội, được thực hiện lặp đi lặp lại thông qua những tấm hình và đoạn phim về cảnh hành quyết đẫm máu, bao gồm việc chặt đầu một số công dân Mỹ và các quốc gia phương Tây khác. Những nỗ lực này đã kích động các kẻ thù của Nhà nước Hồi giáo đồng thời truyền cảm hứng cho một số lượng ngày càng tăng những cá nhân và nhóm người bất mãn tự nguyện gia nhập tổ chức này.
Sự phát triển không thể lường trước của chiến tranh đặt ra một thách thức nghiêm trọng cho các nhà hoạch định quốc phòng. Đối với những nhà nước yếu kém, những nguy cơ từ bên trong mang lại những mục tiêu rõ ràng cần giải quyết. Về phía Hoa Kỳ, nước này phải cân bằng sự hỗ trợ dành cho các lực lượng quân đội truyền thống – vẫn là một công cụ răn đe quan trọng ở châu Âu và châu Á – với khoản đầu tư vào nhiều năng lực thay thế đa dạng mà các cuộc xung đột ở Trung Đông đòi hỏi. Trong một giai đoạn của những thay đổi bất trắc khó lường, nước Mỹ – và cả những cường quốc khác – phải sẵn sàng để đối phó với bất cứ điều gì.
Joseph Nye, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, hiện là giáo sư trường Đại học Havard và là thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu về Tương lai của Chính phủ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét