Trước hết, đây hẳn là một đề tài khá quen thuộc với đa số dân Việt Nam; sau gần 70 năm trường kỳ huyên thuyên về những tội ác “đất không dung, trời không tha” của bọn giẫy chết. Tuy nhiên, trước khi đào sâu về các tội ác này, hãy xét lại cho kỹ những huyền thoại và thực tại.
Huyền thoại
Thành công nhất là đế chế Anh nơi mặt trời không bao giờ lặn; và tham tàn nhất là các anh chị Pháp, cũng tạo được nhiều khối thuộc địa khắp thế giới. Dù nhỏ hơn nhưng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý Đại Lợi… cũng kiếm được khá nhiều tài sản và chiến lợi phẩm. Nhật và Mỹ cũng tham gia cuộc chơi, nhưng đến muộn nên không tạo nhiều tiếng vang.
Hình ảnh này khá chính xác cho đến khoảng 1945, sau Thế Chiến thứ hai. Cuộc diện thế giới thay đổi mạnh mẽ thời đó, bắt buộc các quyền lực tư bàn phải đổi thay.
Thực tại
Khoảng 60 năm trở lại đây, phải nói những tội ác thiêu huỷ đời sống bình nhật của người dân thường xuất phát từ các lãnh tụ cùng mầu da, và bọn trắng đã chùi sạch tay chân dơ bẩn.
Phổ thông nhất là các cuộc thảm sát dựa trên khác biệt về triết lý chính trị. Sách vở Trung Quốc đầy dẫy những cuộc thảm sát dân vô tội từ phát xít Nhật hay các cường quốc da trắng. Một thống kê lịch sử ghi nhận con số hơn 1 triệu nạn nhân dân sự của bàn tay xâm lược Nhật. Tuy nhiên, không người Tàu nào đả động đến con số 60 triệu người dân bị Mao thanh trừng. Hay cuộc nội chiến giữa phe Quốc Dân Đảng và Cộng Sản đã khiến hơn 8 triệu người thiệt mạng. Chỉ riêng anh độc tài tí hon Pol Pot, theo gương Mao, giết hơn 1/3 dân số của xứ Kampuchia.
Hiện nay, Bắc Triều Tiên vẫn coi chuyện tử hình là án nhẹ…chỉ cần đóng phim khiêu dâm hay không hát bài ca tụng cha con ông Kim là đủ tội để ra pháp trường. Các nước Zimbabwe, Somalia, Rwanda, Central African Republic, Congo... là nhũng ví dụ não lòng khác cho số phận con người sinh nhầm chỗ.
Ngoài ra, phải nói thêm là mầu da của các tay tư bản đã không còn thuần trắng. Các tỷ phú Á Rập và Nhật Bản, các đại gia mới nổi của Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ La Tinh… đang sánh vai cạnh tranh với giới tư bản Âu, Mỹ, Úc… về quyền lực và phần bánh ngọt.
Chiến tranh uỷ thác
Một cuốn sách tôi đọc cách đây 10 năm (quên mất tên) mô tả về âm mưu của các nhà tài phiệt Do Thái tái cấu trúc lại bàn cờ quyền lợi của thế giới sau khi trật tự cũ bị lung lay. (Nhóm này sau hoạt động chính thức dưới danh nghĩa Trilateral Commission). Dù rất chi tiết và thuyết phục, tài liệu được xếp hạng như tiểu thuyết vì khó ai có thể tìm ra chứng cớ. Theo sách, các lãnh tụ và tỷ phú của Âu Mỹ nhận thấy những áp đặt bằng vũ lực và kềm kẹp khối dân thuộc địa không những tốn kém, thiếu hiệu quả…mà còn có thể gây những phản ứng xã hội và chính trị tổn hại đến mục tiêu sau cùng: sự thâu tóm tài nguyên và tiền bạc của các giống dân bị trị. Họ sáng tạo ra một chiến lược mới: chiến tranh uỷ thác (proxy wars).
Cũng tương tự như “outsourcing” ngày nay: hãy để bọn lãnh đạo địa phương hưởng một phần quyền lợi nhỏ. Bù lại, chúng sẽ cai quản và thay thế mình trong việc tận thu lợi nhuận. Tay chân và tăm tiếng các nhà tài phiệt sẽ không bị ảnh hưởng xấu; họ có thể nằm dài hưởng thụ những trái ngọt từ các thiên đường lớn nhỏ mà họ đã xây dựng với đủ loại đồ chơi cũng như hệ thống an ninh.
Hơn nữa, những số tiền hay tài sản mà các đàn em địa phương thâu tóm rồi cũng “châu về hiệp phố”. Nhờ một hệ thống pháp trị dân chủ, tự do và minh bạch, tiền từ các nơi vẫn liên tục chạy về Âu Mỹ Úc để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Sự chuyển giao tội ác cho các tay chân địa phương là một bước đi vô cùng thông minh mà tôi tin rằng Tôn Tử cũng phải vuốt râu khen bọn hậu thế.
Những tội ác thực sự
Có cả triệu sách vở, hồ sơ tham khảo, tài liệu nghiên cứu… về những tác hại của hệ thống tư bản gây nên trên đủ mọi lĩnh vực văn hoá, chính trị, xã hội, kinh tế của hầu như tất cả quốc gia. Bạn nào ưa thích đề tài này có thể bỏ ra hơn chục năm mà vẫn chưa nắm được phần ngọn. Bài này chỉ là một gợi ý về tư duy tổng thể, một góc nhìn nhỏ nhoi của một vấn đề thực ra quá lớn, bao trùm mọi vận hành của chúng ta. Tôi chỉ xin các bạn lưu tâm đến vài “tội ác” chính mà giới tài phiệt đã điều khiển, xây dựng và phải chịu trách nhiệm.
Văn Hoá
Dù khó có thể định lượng và hiện gây ra nhiều tranh cãi, ảnh hưởng lớn nhất của triết lý tư bản mới qua “proxy wars” cũng như “toàn cầu hoá – globalization” là sự phát triển đại trà của một nền văn hoá dựa trên tham vọng và quyền lợi cá nhân, chủ nghĩa cơ hội chụp giựt và thu tóm, không đếm xỉa gì đến những ích lợi hay nghĩa vụ công cộng. Văn hoá tạo nên những con kiến hùng hổ, chăm chú vào sự nghiệp, đồng tiền và hưởng thụ instant- ngay lập tức. Lớp người thuộc giới giàu có, khôn ngoan… càng ngày càng trở nên vô cảm và xây khắp nơi những bức tường cách ly để ngăn ngừa bệnh nghèo và người nghèo xâm nhập. Trên thể chế quyền lực, cụm từ “ái quốc” vẫn còn hấp dẫn, nhưng quan trọng hơn trong cán cân tổng thể, lợi nhuận của các công ty đa quốc là tối ưu tiên.
Ngày xưa, học thuyết xã hội của Mác Lê cố dành ảnh hưởng với chiêu bài “quốc tế cộng đồng”, nhưng sau mấy thập kỷ thử nghiệm tại các nước nhỏ, rồi Đông Âu và Trung Quốc, bộ máy chánh quyền bị lộ chân tướng bịp bợm và lừa đảo. Ngày nay, các nước cựu Cộng Sản như Liên Sô, Trung Quốc lại là các nước theo thuyết tư bản hăng hái nhất, với tất cả tính chất độc tài, man rợ, sơ khai.
Trong khi đó, những nước khai sáng chế độ tư bản đang gặp nhiều chống đối trong nội bộ và theo đúng đường lối dân chủ pháp trị, nhiều xã hội đã phải điều chỉnh lần hồi, nhanh nhất là Bắc Âu và chậm chạp hơn là Bắc Mỹ.
Môi Trường
Từ nền văn hóa này, chúng ta không lạ khi thấy một thiểu số nhân loại đang cố tình che giấu và quên đi những tác hại về môi trường sinh sống chung của thế giới. Nạn biến đổi khí hậu với sự rã băng nhanh chóng của vùng Nam Bắc Cực, sự tàn phá môi trường xanh còn sót lại của những khu rừng từ Brasil đến ASEAN, sự ô nhiễm tồi tệ của các giòng sông bên Trung Quốc, sự việc “mưa át xít’ tràn ngập Âu Mỹ cũng như Á Phi… là một đe doạ thường trực mà những người dân nghèo ngu dốt vẫn chưa suy ra.
Tất cả phát sinh từ căn tính tham lam của con người không bị xã hội cộng đồng kiềm chế, mà còn được khuyến khích hàng ngày hàng giờ qua các bộ máy tuyên truyền. Các mẩu chuyện tào lao về đại gia, về siêu sao chân dài, về “cướp, hiếp, giết” được đại đa số nhân loại từ dân trung lưu Âu Mỹ đến các bạn chân đất nghèo khổ ở Á, Phi…thu nhận làm món quà tinh thần vô cùng quý báu. Những ai nhàm chán thì có những gánh xiếc thời công nghệ số… các trận đá bóng, các giải thể thao, các màn nhạc hội… Tất cả khiến con người sau giờ làm việc không còn sức lực để suy ngẫm, thiền định hay lưu tâm đến những việc “không phải chuyện mình”.
Cố tình nhiễm độc
Cái tàn bạo tưởng là vô tình của hệ thống xã hội tư bản đẻ ra một tầng lớp quản lý chăm chú vào lợi nhuận cho các ông bà chủ (gọi là nhà đầu tư) đến nỗi họ quên mất những đạo lý tối thiểu của nhân cách. Ngoài những nhũng lạm tồn tại khắp nơi, khi thì kín đáo vì pháp trị, khi thì công khai nhờ luật rừng, qua hình thức kinh doanh dùng tiền người khác – OPM (dù là đầu tư của tư nhân hay lấy tiền thuế phí của công), sự chiếm đoạt và cướp giật trở thành một trò chơi nhiều giải thưởng.
Những thí dụ về sự cố tình nhiễm độc qua thực phẩm, dược phẩm, hoá chất, biến đổi gen… không chỉ giới hạn vào các anh chị kinh doanh nhỏ lẻ ở Trung Quốc mà còn là nguyên tắc làm việc và xây đế chế đa quốc đa lợi của cả ngàn đại gia Âu Mỹ từ mấy trăm năm qua.
Chỉ sau khi bị phơi bày về liên hệ giữa ung thư phổi họng và thuốc lá, các công ty Phillip Morris, BAT… mới ngừng là những cổ máy in tiền. Nhưng nếu bị chận ở các quốc gia phát triển, họ vẫn ào ạt tiến chiếm thị trường của các quốc gia mới nổi nhưng còn lạc hậu.
Bao nhiêu thập kỷ qua, Coca Cola và Pepsi biết rõ về tác hại khủng khiếp của sô đa chứa đường hoá học trên căn bệnh đái đường của bao nhiêu trẻ nhỏ. Nhưng họ chặn đứng mọi mưu toan can thiệp của các tổ chức xã hội bằng cách mua chuộc mọi chính trị gia sẵn sàng nhận đóng góp. Các công ty giải khát lớn nhỏ tại các quốc gia nghèo cũng học sát tấm gương để trở thành những blue chips của thị trướng chứng khoán, a la Coke and Pepsi models.
Mỡ hoá chất transfat đã được minh chứng là nguy hiểm cho tim mạch, nhưng đến nay, các công ty thực phẩm lớn như Nestle, Kraft… và cả McDonald, KFC… vẫn tìm đủ cách để tránh né ngăn chận những bộ luật đang được soạn thảo.
Về dược phẩm, sự cấu kết giữa các quan chức FDA, các bác sĩ cho toa và các nhà quản lý Pfizer, Novartis, Merck, Roche, AstraZeneca … để bán thuốc giá cao tối đa cho dân, vẫn là một đề tài đang bị điều tra và khảo sát bởi rất nhiều nhà khoa học và hoạt động xã hội.
Tóm lại, tôi không có ý định viết một cuốn sách ngàn trang về những thí dụ vô cùng đa dạng và nhơ nhớp của các công ty đa quốc. Nhưng bất cứ ai có thì giờ và động lực, các bạn sẽ không thiếu tài liệu tham khảo khắp thế giới.
Thay cho câu kết
Qua một đoạn văn ngắn của tư duy cá nhân về một triết thuyết có thể mô tả là vĩ đại (nói về tầm ảnh hưởng, không phải tốt xấu), tôi muốn xác định thêm hai điều về tư bản:
a. Chúng ta đều là tư bản
Trong thực tại, dù mang bất cứ tên gọi hay tước hiệu gì, khi tham gia vào kinh doanh, đi làm cho chánh phủ hay tư nhân hay các tổ chức thiện nguyện, đầu tư, sử dụng ngân hàng và các hệ thống thương mại tài chính quốc tế, chúng ta đã trở thành một mắc xích của chế độ tư bản. Trừ những nhân vật phi thường đã thoát ra thế tục, về ở ẩn, sống tự lập không cần trao đổi mua bán (các vị lãnh đạo tôn giáo thường giao tiếp với thế tục nhiều hơn các bạn), những ai còn lại đều chấp nhận cuộc chơi của tư bản, dù thương hay ghét hay dửng dưng.
Ngay cả tại Bắc Triều Tiên, ngoài 1 thiểu số rất nhỏ đang lây lất chờ chết, một người dân khi nhận thực phẩm cứu trợ, sủ dụng các vật dụng từ thiên đường Trung Quốc… cũng đã và đang làm một con cờ trong trò chơi tư bản.
b. Cái tự do của tư bản
Dù là một triết thuyết tràn khắp toàn cầu và gần như 100% nhân loại là tín đồ, tư bản không có kinh sách nào chánh thức, không có tổ chức, không có lãnh đạo, không có đảng phái, không có cả một bộ phận nào để ban phát thẻ hội viên. Bạn có muốn gia nhập hay đứng ngoài cuộc chơi là một lựa chọn đơn thuần cá nhân. Tuân theo quy luật (không viết ra rõ ràng) thì bạn có thể thâu ngắn con đường đến mục tiêu. Không thì cứ chậm rãi, không ai thúc hối, phê bình hay đòi bạn tự phê hết. Muốn học về tư bản thì phải tự đi tìm tài liệu, chỉ muốn nghe Lý Nhã Kỳ dậy về kinh doanh thì cứ tự nhiên.
Chính vì cái căn bản “tự do” này, nên tư bản tha hồ diễn biến hoà bình hay chiến tranh, tha hồ điều chỉnh, tái cấu trúc…kiểu lớn kiểu nhỏ, tuỳ người tham dự quyết định. Và đó cũng là lý do tư bản sẽ sống thêm vài thế kỷ nữa, mặc cho những khiếm khuyết luôn luôn tồn tại.
Nhưng cá nhân tôi thích nhất một điều về tư bản: không ai léo nhéo bên tai tôi suốt ngày về ưu việt, về đỉnh cao, về quyết liệt. Cứ làm đi rồi biết liền.
Alan Phan