Theo Phó cục trưởng Cục I, Thanh tra Chính phủ Phan Thăng Long, đây là quy định rất hợp lý bởi trong quá trình hòa giải tại cơ sở, chính những hòa giải viên là những người có uy tín tại địa phương đó, là người hiểu rõ hơn ai hết nội tình của các tranh chấp đất đai cũng như lịch sử của các mảnh đất đang có tranh chấp, cùng với những hiểu biết pháp luật cần thiết, hòa giải viên sẽ giúp hai bên tranh chấp hiểu rõ được đúng sai, qua đó, các tranh chấp được giải quyết hợp tình hợp lý. Việc giải quyết bằng con đường hòa giải vừa phát huy được tinh thần đoàn kết trong gia đình, dòng họ và nội bộ nhân dân vừa giảm các vụ KNTC liên quan đến đất đai.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của lãnh đạo các tỉnh, thành phố mà Đoàn giám sát của UBTVQH tiến hành làm việc cho thấy, do quy định hòa giải còn một số bất cập, đồng thời, một số cấp cơ sở chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác hòa giải nên đã thực hiện hòa giải qua quýt, không đúng thủ tục, làm đi làm lại nhiều lần, gây tốn kém cho công dân.
Đề cập đến những bất cập của hòa giải cơ sở về tranh chấp đất đai, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Tĩnh Trần Thế Dũng dẫn chứng, thực tế có hiện tượng nhiều vụ tranh chấp đất đai đã được chính quyền cơ sở tiến hành hòa giải thành công, nhưng sau đó một trong các bên tranh chấp lại bội tín, gửi đơn thư KNTC đến các cấp chính quyền. Từ thực tế này, UBND Thành phố Hà Tĩnh kiến nghị Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định biên bản hòa giải thành giữa các vụ việc tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền không thụ lý các đơn thư KNTC liên quan đến tranh chấp đất đai đã được hòa giải thành.
Vậy có nên quy định giá trị pháp lý của biên bản hòa giải trong các tranh chấp đất đai? Hoạt động hòa giải cơ sở về nguyên tắc là hoạt động tự nguyện giữa các bên, tự nguyện tham gia, tự nguyện thỏa thuận và tự nguyện thi hành các thỏa thuận đó. Biên bản hòa giải là sự ghi nhận sự thỏa thuận giữa của các bên, mang ý nghĩa đạo lý, danh dự và tạo nên sự ràng buộc về mặt đạo đức, tâm lý giữa các bên. Vì vậy, việc có quy định giá trị pháp lý của văn bản này hay không? Và biên bản hòa giải có phải là quyết định công nhận của các đương sự cũng như được bảo đảm thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không? Vấn đề này cần phải xem xét và cân nhắc kỹ.
Ngoài băn khoăn về giá trị pháp lý của biên bản hòa giải, quá trình giám sát của Đoàn giám sát cũng đã ghi nhận phản hồi về khó khăn của các địa phương, đặc biệt là các Hội đồng hòa giải trong việc lập biên bản hòa giải khi chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về hình thức, nội dung cần có của một biên bản hòa giải tranh chấp đất đai. Điển hình của khó khăn này chính là tình huống: bà A xảy ra tranh chấp về diện tích ranh giới đất với ông B, sự việc được đưa ra UBND xã C hòa giải nhưng không thành, và UBND xã C đã lập biên bản hòa giải không thành gửi các đương sự với nội dung tranh chấp đương sự và kết quả hòa giải. Khi bà A khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện D thì phát hiện biên bản hòa giải được lập không bảo đảm về hình thức, thiếu cả quốc hiệu và chữ ký của ông B. Cuối cùng, tòa yêu cầu bà A phải nộp biên bản hòa giải hợp lệ mới thụ lý. Cuối cùng công việc hòa giải lại phải tiến hành lại mất nhiều thời gian, công sức của các bên. Từ tình huống này, một số địa phương kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn thống nhất hình thức, nội dung của biên bản hòa giải, bởi Pháp lệnh hiện hành chỉ quy định, hòa giải viên tiến hành lập biên bản hòa giải chứ không quy định cụ thể như thế nào.
Một tồn tại nữa trong quá trình thực hiện hòa giải cơ sở liên quan đến tranh chấp đất đai là trường hợp UBND cấp xã triệu tập nhiều lần nhưng người bị kiện cố tình không đến, không thể tiến hành hòa giải các tranh chấp đất đai được. Trong khi luật hiện hành quy định, nếu chưa qua thủ tục hòa giải ở địa phương thì Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện. Thực tế xảy ra nhiều trường hợp, thời gian hòa giải kéo dài, các bên hòa giải không thành, một bên đương sự gửi đơn đến Tòa án thì đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật, đương sự không còn quyền khởi kiện lại vụ án. Từ những tồn tại này, các văn bản pháp luật liên quan đến hòa giải cơ sở về đất đai cần có quy định cụ thể cách giải quyết trong trường hợp người bị kiện cố tình không thực hiện hòa giải, đồng thời xem xét quy định lại thời hiệu khởi kiện làm sao để không ảnh hưởng đến thời hiệu của người khởi kiện do quá trình hòa giải kéo dài.
Để công tác hòa giải cơ sở xung quanh các tranh chấp đất đai được thực hiện đầy đủ, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan, cần tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về đất đai, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải tranh chấp đất đai. Trong đó, cần có cơ chế khuyến khích già làng, trưởng bản, các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong các khu cộng đồng dân cư tham gia vào công tác hòa giải cơ sở. Đồng thời, vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp cũng cần được quy định rõ ràng hơn trong công tác này.
Trong quá trình bồi thường, giải
phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của người
dân, hình thức chính quyền đối thoại trực tiếp với người dân có đất bị
thu hồi cần được thực hiện rộng rãi nhằm giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó
khăn cụ thể, phổ biến chính sách của Nhà nước và các văn bản pháp luật
về đất đai cho người dân. Kinh nghiệm từ các địa phương cho thấy, nơi
nào lãnh đạo làm tốt công tác đối thoại với người dân bị mất đất thì địa
phương đó ít có những vụ việc, "điểm nóng" KNTC về đất đai, ít vụ khiếu
kiện đông người liên quan đến thu hồi đất.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét