Tháng 3 3, 2014
Joan V. Bondurant
Phan Trinh dịch
5.
ĐẤU TRANH TOÀN QUỐC CHỐNG LUẬT MUỐI [1]
Ghi chú: Cuộc đấu tranh vì lương tâm
chống luật muối là một phần của phong trào bất tuân dân sự kéo dài một
năm, từ 1930 đến 1931. Những dòng liệt kê dưới đây đề cập đến cả phong
trào, mặc dù nhiều chi tiết của cuộc đấu tranh rộng lớn này đã được lược
bớt.
Ngày tháng, thời gian kéo dài, địa điểm:
(1) Tháng 3/1930 đến tháng 3/ 1931.
(2) Bất tuân dân sự mở rộng đã diễn ra liên tục trong một năm.
(3) Đây là phong trào toàn quốc, với
tổng hành dinh đặt ở Bombay. Các hành vi đấu tranh vì lương tâm được
phát động ở mọi tỉnh thành.
Mục tiêu:
(1) Mục tiêu cấp bách: Huỷ bỏ
Đạo luật Muối. Những quy định của đạo luật này cho phép chính phủ độc
quyền về muối. Số thu từ Thuế Muối vào lúc đó lên đến 25.000.000 đô-la,
trên tổng số thuế thu được là 800.000.000 đô-la. Luật về muối đã gây khó
khăn rất lớn cho người dân, nhất là dân nghèo, vì là khoản thuế đánh
trên một nhu yếu phẩm.
(2) Mục tiêu dài hạn: Đạo luật
Muối được Gandhi chọn để chống đối trong phong trào bất tuân dân sự
không chỉ vì Đạo luật này tự bản chất là bất công, mà còn vì đây là biểu
tượng của một chính quyền ngoại lai không được lòng dân, cũng không vì
dân. Nhà cầm quyền Anh mô tả cuộc đấu tranh này nhằm mục tiêu “không gì
khác hơn là làm tê liệt toàn bộ guồng máy hành chính…” Thực ra, mục tiêu
tối hậu của phong trào bất tuân dân sự này không gì khác hơn là đòi độc
lập hoàn toàn.
Người tham gia và lãnh đạo đấu tranh vì lương tâm:
(1) Gandhi và các lãnh tụ khác của Đảng Quốc đại Ấn Độ
(2) Nhóm lãnh đạo thứ cấp: Trong
giai đoạn đầu, việc tham gia trực tiếp được giới hạn và dành cho những
thành viên đã qua đào tạo thuộc cộng đoàn của Gandhi tại Ahmedabad, do
chính Gandhi tuyển chọn, để thực hiện cuộc hành hương chân đất, đi bộ
đến biển làm muối. Họ được mô tả như “những chiến sĩ được trui rèn như
thép để tuân thủ kỷ luật và đương đầu với những gian khó mà cuộc đi bộ
ba trăm cây số chắc chắn sẽ gây ra.”
Nhiều nghị sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trở
thành người tổ chức bất tuân dân sự tại các địa phương khác khắp Ấn Độ.
Trong số phải kể đến Rajagopalachariar ở Tamilnad, Vallabhbhai Patel
hoạt động trên toàn vùng Gujarat, Jawaharlal Nehru ở Các Tỉnh Thống
nhất, Satish Chandra Das Gupta ở Bengal, Konda Venkatappaya ở Andhra, và
Gopabandhu Chowdhury ở Utkal (Orissa).
(3) Người tham gia: Sau khi các vụ bất tuân luật muối đầu tiên nổ ra thì người Ấn khắp nơi trên toàn quốc đã tham gia.
(4) Đặc tính của người tham gia:
Theo báo cáo của chính phủ thì đại đa số người tham gia là người theo
Ấn Độ giáo, nhưng cũng có những người Hồi giáo, nhất ở vùng Biên giới.
Quan chức chính quyền lúc ấy bày tỏ lo lắng khi “cộng đồng doanh nhân và
công nghiệp theo Ấn Độ giáo cũng bày tỏ tình cảm ủng hộ” và yểm trợ tài
chính cho phong trào. Một yếu tố “bất ngờ” khác trong hàng ngũ người
đấu tranh là sự tham gia của rất nhiều phụ nữ Ấn Độ. “Hàng ngàn người –
nhiều chị xuất thân từ các gia đình có uy tín và học thức cao – bất ngờ
rời khỏi những căn nhà kín cổng cao tường của họ, cũng có chị rời khỏi
những khu cách ly phụ nữ họ đang sống, để tham gia các cuộc biểu tình
của Đảng Quốc đại và giúp tạo thành những hàng rào người đấu tranh…”
Người tham gia và lãnh đạo hàng ngũ đối phương:
(1) Quan chức chính quyền Ấn Độ.
(2) Cảnh sát, Anh lẫn Ấn.
(3) Một số đơn vị quân đội.
Tổ chức và hoạt động hỗ trợ:
(1) Vai trò của Đảng Quốc đại Ấn Độ:
Chiến dịch được tiến hành như một phần của cuộc đấu tranh toàn diện
nhằm giành lại độc lập cho Ấn Độ, được đảng chính trị đối lập lớn nhất
Ấn Độ lúc bấy giờ thực hiện, và được lên kế hoạch phù hợp với đường lối
tổ chức và hiến chương của đảng. Đảng Quốc đại đã trao toàn quyền và
trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo chiến dịch cho Gandhi (theo nghị quyết
ngày 21/3/1930)
(2) Chuyển giao lãnh đạo: Quyền
lực rộng rãi được trao cho chủ tịch Đảng Quốc đại (lúc bấy giờ là
Jawaharlal Nehru) để thay mặt cho ủy ban thường vụ trong trường hợp ủy
ban không họp được. Chủ tịch đảng được trao quyền đề cử người thay thế
trong trường hợp mình không thể tiếp tục hoạt động, người thay thế cũng
có quyền đề cử tương tự. Quyền tương tự cũng được trao cho lãnh tụ Đảng
Quốc đại ở các tỉnh và địa phương.
(3) Quần áo tự dệt: Việc mặc
quần áo tự dệt bằng tay trở nên một phần không thể thiếu đối với mọi
người tham gia đấu tranh vì lương tâm – trang phục dệt tay này đã trở
thành một thứ đồng phục cho Đảng Quốc đại và cho cả phong trào.
(4) Những mặt khác của hoạt động hỗ trợ:
Công tác giúp đỡ xã hội và hỗ trợ tự lực cánh sinh được xem là một
trong những cách để quảng bá lý tưởng của cuộc đấu tranh. Gandhi tin
rằng người đấu tranh vì lương tâm sẽ “tìm thấy mình ở vào một trong ba
trường hợp sau”: “1. Ở tù, hay ở một nơi tương tự như tù, hoặc 2. Tham
gia bất tuân dân sự, hoặc 3. Dệt vải bằng tay, hoặc đang tham gia một
hoạt động hỗ trợ nào đó góp phần vào công cuộc giành độc lập.”
Chuẩn bị trước khi hành động:
(1) Công luận về mục tiêu độc lập: Trước
khi tung ra chiến dịch chống Đạo luật Muối, ý thức về nền độc lập toàn
diện đã được đưa ra thảo luận và nghiên cứu trong nội bộ Đảng Quốc đại.
Ngày 26/1, thành viên của Đảng Quốc đại, họp tại Lahore, đã cam kết
“thực hiện những hướng dẫn do Đảng Quốc đại đưa ra, nhằm đạt được nền
độc lập toàn diện (Purna Swaraj).”
(2) Các khoá huấn luyện: Tình
nguyện viên tham gia đấu tranh vì lương tâm trải qua các cuộc huấn luyện
về kỹ thuật đối đầu trực tiếp, nhất là về cách kiểm soát đám đông.
Người tham gia được tập trận thường xuyên, dù đó chỉ là tập trận không
vũ khí.
(3) Lên kế hoạch bất tuân dân sự: Các
luật lệ về muối được chọn làm mục tiêu bất tuân. Gandhi dự định dẫn đầu
đoàn hành hương đi bộ đến bờ biển, ở đó người đấu tranh vì lương tâm sẽ
làm trái quy định của chế độ độc quyền muối bằng cách tự lấy nước biển
làm muối. Vallabhbhai Patel được chọn để chuẩn bị lộ trình cho cuộc đi
bộ dự kiến. Patel đã lên đường đi dọc lộ trình, đi đến đâu, ông đều phổ
biến cho người dân tại chỗ mục tiêu của chiến dịch và hướng dẫn họ về
các nguyên tắc của đấu tranh vì lương tâm. Quần chúng cũng được khuyến
khích tham gia các hoạt động hỗ trợ, tránh xa rượu chè hút sách và vượt
qua nạn kỳ thị đẳng cấp. (Đến ngày 7/3/1930 Patel bị bắt.)
(4) Cam kết Đấu tranh vì Lương tâm:
Uỷ ban Thường vụ Đảng Quốc đại Toàn cõi Ấn Độ, trong cuộc họp tại
Ahmedabad ngày 21/3//1930 đã soạn thảo lời cam kết dưới đây dành cho
những tình nguyện viên tham gia đấu tranh vì lương tâm:
- Tôi tự nguyện tham gia chiến dịch bất tuân dân sự vì độc lập của Ấn Độ do Đảng Quốc đại tiến hành.
- Tôi chấp nhận Tôn chỉ của Đảng Quốc đại, đó là giành độc lập
toàn diện cho Ấn Độ, bằng nỗ lực của toàn dân Ấn Độ và bằng những phương
pháp đấu tranh ôn hoà và hợp pháp.
- Tôi sẵn lòng và tự nguyện vào tù cũng như chấp nhận những đau
khổ và hình phạt khác có thể nhắm vào tôi vì tôi tham gia chiến dịch
này.
- Trong trường hợp vào tù, tôi sẽ không đòi hỏi bất cứ trợ giúp tài chính nào cho gia đình tôi từ ngân quỹ của Đảng Quốc đại.
- Tôi sẽ tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của những người có trách nhiệm điều hành chiến dịch.
Những hành động mở đầu:
(1) Thông báo bất tuân dân sự:
Thông qua nghị quyết về độc lập của Đảng Quốc đại – đưa ra tại Lahore
và sau đó được quảng bá và thảo luận rộng rãi – chủ trương của Đảng Quốc
đại nhằm đấu tranh cho độc lập, bằng bất tuân dân sự khi cần thiết, đã
được biết đến rộng rãi.
(2) Thư của Gandhi gửi Toàn quyền Irwin:
Trong thư gửi cho Ngài Irwin ngày 2/3/1930, Gandhi thông báo cho vị
Toàn quyền kế hoạch đấu tranh vì lương tâm và trình bày cho ông biết
những thống khổ người dân Ấn Độ đang phải gánh chịu. Gandhi cho biết bất
bạo động sẽ có thể là “một sức mạnh hết sức chủ động”. Ông báo cho vị
Toàn quyền rằng mục tiêu của ông là “sẽ kích hoạt sức mạnh này, nhằm
chống lại sự bạo động từ phía nhà cầm quyền Anh tại Ấn cũng như bạo động
tự phát từ những kẻ xúi giục bạo động khác… Đấu tranh bất bạo động sẽ
diễn ra dưới hình thức bất tuân dân sự, và trong giai đoạn này sẽ chỉ
dành riêng cho những thành viên của Cộng đoàn Đấu tranh vì Lương tâm,
nhưng phong trào cũng nhắm mục tiêu tối hậu là lan rộng và bao trùm tất
cả những ai tự nguyện tham gia phong trào với những giới hạn nhất định
của nó.”
(3) Tối hậu thư: Trong lá thư,
Gandhi cũng đưa ra đề nghị thương lượng để giải quyết xung đột, nếu
không thương lượng được thì ông sẽ dẫn đầu cuộc đấy tranh vì lương tâm.
Ông cũng cho biết chính xác ngày tháng ông và người cộng sự sẽ bất tuân
những quy định của Đạo luật Muối. Ông nói với vị Toàn quyền rằng: “Tất
cả tuỳ thuộc vào quyết định của ông. Ông có thể bắt tôi để ngăn cản tôi.
Nhưng tôi hy vọng sẽ có hàng chục ngàn người sẵn sàng, với phong cách
đường hoàng, họ sẽ tiếp tục việc tôi làm là bất tuân Đạo luật Muối, họ
cũng sẵn sàng chấp nhận mọi trừng phạt của Luật pháp và không làm tổn
hại đến uy tín của Luật pháp.” Gandhi cũng nói ông rất hoan nghênh mọi
cuộc thảo luận thêm về vấn đề này với giới hữu trách, và lá thư của ông
không hề là một lời đe dọa, mà chỉ là việc làm “đơn giản, đúng bổn phận
thiêng liêng và kịp thời của một người thực hành bất tuân dân sự.” Một
thanh niên người Anh (tên là Reginald Reynolds) tham gia Cộng đoàn Đấu
tranh vì Lương tâm, đã được cử đi giao lá thư này.
Hành động:
(1) Đi bộ đến biển: Vào ngày
12/3, Gandhi và những chiến hữu đấu tranh vì lương tâm đã rời Ahmedabad
để đến Dandi nằm ven biển. Dọc lộ trình ông đi qua, ông kêu gọi dân làng
hãy làm các công việc hỗ trợ công ích, giữ gìn tinh thần bất bạo động
và tham gia bất tuân dân sự, theo gương việc bất tuân dân sự đầu tiên sẽ
diễn ra tại Dandi. Cuộc đi bộ 300 cây số được xem như một hình thức tự
vấn lương tâm và kỷ luật bản thân để bắt đầu tiến hành bất tuân dân sự.
Cuộc đi bộ cũng nâng tầm quan trọng của vấn đề và thu hút được dư luận
của người dân cả nước.
(2) Bắt đầu bất tuân dân sự:
Đoàn người đi bộ đặt chân đến Dandi vào ngày 5/4. Buổi sáng hôm sau, sau
buổi cầu nguyện, họ ra biển, lấy nước biển làm muối, và như thế, chính
thức bất tuân các luật lệ về muối.
(3) Gandhi gửi thông điệp cho báo chí:
Sau khi bất tuân luật muối, Gandhi tuyên bố giờ đây tất cả mọi người
đều có thể sản xuất muối ở bất cứ nơi nào họ muốn, và sẵn sàng chấp nhận
bị đàn áp vì làm như thế. Dân làng khắp nơi được hướng dẫn về ý nghĩa
và tác hại của thuế muối và hướng dẫn cách làm muối.
(4) Phổ biến tờ rơi: Các tờ hướng dẫn cách làm muối được phổ biến rộng rãi tại nhiều nơi trên toàn quốc.
(5) Phản ứng của người dân: Nehru
đưa ra nhận xét này về phản ứng của người dân: ”Như một dòng suối đột
ngột tuôn trào”, khắp mọi nơi mọi người đều làm muối. Họ tận dụng “nồi
niêu soong chảo, mọi thứ có thể để làm muối và thành công trong việc tạo
ra được những mẻ muối thô, rồi họ nâng muối trong tay, đưa lên vẫy trên
cao cho mọi người thấy trong niềm vui chiến thắng. Những mẻ muối này
thường được bán đấu giá với giá rất cao.” Nehru cũng nói điều quan trọng
nhất là cho thấy sự bất tuân đối với “Đạo luật Muối cực kỳ phi lý”, và
rằng “Khi chứng kiến sự phấn khích lan tràn nhanh hóng của quần chúng và
việc làm muối lan ra mạnh và nhanh như cháy rừng, thì quả thật chúng
tôi cũng cảm thấy thẹn thùng và xấu hổ vì đã hoài nghi, đã đặt vấn đề
với Gandhi về hiệu quả của phương pháp này khi ông đưa ra thảo luận.
Chúng tôi thật sự ngưỡng mộ tài năng tuyệt vời của Gandhi trong việc
truyền cảm hứng đến khối quần chúng lớn lao và khiến họ dự phần vào một
hành động rất có tổ chức.”
(6) Bãi thị: Cứ mỗi lần có các lãnh tụ đấu tranh vì lương tâm bị bắt là các chủ cửa hiệu trên toàn quốc lại đóng cửa, bãi thị.
(7) Từ chức: Đông đảo các
trưởng thôn, xã trưởng và công chức cấp thừa hành đã từ chức hàng loạt
để biểu lộ tình cảm dành cho cuộc đấu tranh vì lương tâm.
(8) Hành động biểu tượng:
Trong rất nhiều vùng miền tại Ấn Độ, các cuộc biểu tình lớn và đầy ý
nghĩa đã được tổ chức. Tại Bombay, một “hình nộm” đại diện cho Đạo luật
Muối đã được quăng xuống biển như biểu tượng rằng Đạo luật Muối do người
Anh đặt ra đã được khai tử trên đất Ấn Độ.
(9) Nối tiếp vai trò lãnh đạo:
Jawaharlal Nehru bị bắt vào ngày 14/4, và được thay thế bởi cha của
ông, ông Motilal Nehru. Ở những nơi khác, các lãnh tụ đấu tranh vì lương
tâm được nối tiếp bằng hình thức bổ nhiệm sau khi người lãnh đạo trước
đó bị bắt. Gandhi cũng bị bắt vào ngày 5/5, và được Abbas Tyabji nối
tiếp.
(10) Không đóng thuế: Tại một số địa phương, như ở Bardoli, một chiến dịch không đóng thuế đã được phát động và thực hiện.
(11) Hành động để kiểm soát bạo loạn:
Các nhà lãnh đạo đã hết sức tìm cách duy trì đặc tính bất bạo động của
cuộc đấu tranh vì lương tâm. Khi bạo loạn nổ ra tại Karachi và Calcutta,
Gandhi đã công bố (ngày 17/4) rằng: “Nguyên lý bất bạo động nghiêm ngặt
vẫn phải được duy trì bằng bất cứ giá nào, để chống lại bạo động cả từ
phía người dân, chứ không chỉ bạo động từ phía chính quyền.” Sau đó
(ngày 26/4) Gandhi thông báo rằng nếu những người tham gia đấu tranh vì
lương tâm không đáp ứng được những điều kiện cơ bản đã đề ra, thì chính
ông sẽ thực hành đấu tranh vì lương tâm chống lại họ.
(12) Gandhi gửi lá thư thứ hai đến vị Toàn quyền:
Trong nội bộ chính quyền cũng diễn ra một hình thức bất hợp tác nào đó,
vì họ đã từ chối không cho bắt Gandhi trong giai đoạn đầu của chiến
dịch. Vào tuần đầu tháng 5, Gandhi trình bày trong lá thư thứ hai rằng
hành động kế tiếp của ông sẽ là đi đến Dharsana, nơi chính quyền có một
nông trại làm muối rất lớn. Khi đến đó, ông sẽ đòi quyền sở hữu nông
trại muối này. Ông cũng cho biết, Toàn quyền có thể ngăn cản cuộc “đột
nhập” này bằng một trong ba cách như sau:
- Bãi bỏ Đạo luật Muối
- Bắt ông và những người đấu tranh, nhưng tôi hy vọng rằng người dân đất nước này sẽ đứng lên, thế chỗ cho từng người bị bắt.
- Dùng côn đồ để trấn áp tàn độc, nhưng tôi hy vọng rằng người dân đất
nước này sẽ hiên ngang, không ngừng thế chỗ cho những cái đầu chẳng may
bị đánh vỡ.
(13) Đột nhập vào nông trại muối: Sau
khi Gandhi bị bắt vào ngày 5/5 (ngay lúc nửa đêm), thì những người tình
nguyện, do một số nhân sĩ có uy tín của Đảng Quốc đại dẫn đầu, đã diễu
hành tiến về nông trại muối, bao vây và tiến vào nông trại. Cảnh sát
đánh gục những người đấu tranh tự nguyện, nhưng người này ngã xuống thì
người kia tiến lên thay chỗ. Nhiều đội cứu thương có tổ chức đã làm việc
cật lực để cứu chữa nạn nhân.
(14) Thuyết phục cảnh sát bằng bất bạo động:
Trong suốt thời gian người đấu tranh vì lương tâm bị đánh đập khi tràn
vào nông trại muối, họ đã tự chế không chống cự, nhiều người cũng không
hề tránh đòn. Họ tràn ngập các bãi chứa muối, hết đợt người này đến đợt
người khác. Bất cứ khi nào có thể, họ đều kêu gọi cảnh sát theo về phía
họ. Báo cáo cho biết nhiều cảnh sát đã chùn tay, ngừng tay, không tấn
công đánh đập nữa. Một nhà báo Mỹ, ông Negley Farson, kể lại chuyện một
người gốc Sikh, đầu mình đầy máu vì bị một trung sĩ cảnh sát đánh đập
mạnh tay đã ngã xuống đất. Người cứu thương vội chạy đến, đắp đá lạnh
vào mặt anh, nhà báo kể tiếp “… anh ta nhìn chúng tôi, mỉm một nụ cười
dù mặt đầy máu me, rồi anh ta đứng dậy, đưa mặt ra để chịu những cú đánh
tiếp nối…” Viên trung sĩ cảnh sát, lúc này “người ướt đầm mồ hôi vì vừa
đánh đập cật lực, mồ hôi thẫm cả đai da vắt vai, cạ bẩn cả áo đồng phục
trắng anh đang mặc. Tôi nín thở, tim ngưng, miệng há hốc nhìn anh cảnh
sát. Anh vung tay ra sau chuẩn bị giáng mạnh một cú kết liễu – nhưng
rồi, anh đã từ từ hạ ‘tay xuống thả xuôi theo hông. Anh thều thào ‘Vô
ích thôi!’ Rồi anh quay nhìn tôi, nhoẻn nửa miệng cười như bẽn lẽn và
nói: ‘Không thể nào đánh được một người khi hắn chỉ đứng im cho mình
đánh như thế!’ Nói đoạn, viên cảnh sát đưa tay lên, chào thua anh người
Sikh kia, rồi đi mất.”
(15) Tẩy chay kinh tế: Khi gió
mùa và mưa đến, cuộc bao vây nông trại muối ngưng lại, thay bằng hình
thức bất tuân dân sự khác, gồm cả tẩy chay hàng ngoại, đặc biệt là quần
áo. Các cửa tiệm quần áo và rượu liên tục bị bao vây.
(16) Bất tuân chỉ thị của chính quyền:
Khi chiến dịch diễn ra, chính quyền đã ban hành các chỉ thị đặc biệt
nhằm đè bẹp việc quảng bá cuộc đấu tranh ra công chúng và giới hạn đám
đông tụ tập. Nhưng những người đấu tranh đã liên tục bất tuân các chỉ
thị này bằng phong trào mọi người tự nguyện vào tù.
(17) Những hoạt động liên tục: Chiến dịch lan toả rộng rãi và được tiến hành suốt năm với nhiều hình thưc bất hợp tác và bất tuân dân sự khác nhau.
(18) Đỉnh điểm của chiến dịch:
Sau các cuộc thảo luận, Gandhi và Toàn quyền đa đi đến một thoả thuận.
Thoả thuận giữa Gandhi và Irwin được phổ biến vào ngày 5/3/1931.
Phản ứng của đối phương:
(1) Bắt bớ: Ban đầu, chính
quyền tránh bắt bớ hàng loạt, một phần vì để đối phó với chủ trương “tự
nguyện vào tù” của cuộc đấu tranh vì lương tâm. Tuy nhiên, cuối cùng,
cũng có hàng ngàn người đấu tranh vì lương tâm bị bắt, trong số có hàng
trăm vị lãnh đạo quan trọng của Đảng Quốc đại.
(2) Hành vi của cảnh sát: Dựa
trên những lời khai báo, tường trình của cả hai phía trong chiến dịch
này, có thể thấy rõ là cảnh sát đã phản ứng quyết liệt và đã dùng vũ
lực. Báo cáo chính thức từ chính quyền không công nhận các vụ lạm quyền,
quá tay của cảnh sát, nhưng đông đảo những người quan sát ngoại quốc đã
lên tiếng cho thấy điều ngược lại mới đúng. Người viết tiểu sử cho Toàn
quyền Irwin chép rằng: “Các Viên chức cảnh sát Châu Âu, vì bị kích động
và quá tải, không phải lúc nào cũng cố gắng kiềm chế nhân viên của
mình.” Trong lá thư gửi cho Toàn quyền Irwin, Gandhi viết: “cảnh sát cấp
dưới rất thường xuyên hành xử man rợ, và trong một số trường hợp họ còn
xâm hại tình dục người đấu tranh nữa.” Một nhà báo Mỹ, ông Webb Miller,
tường trình rằng sau vụ tràn ngập nông trại muối, ông đếm được trong
bệnh viện 320 người bị thương, “nhiều người vẫn còn bất tỉnh vì chấn
thương sọ não, nhiều người quằn quại đau đớn vì bị đá vào bọng đái và
bụng…”
(3) Quyết tâm của chính quyền:
Tuyên bố trước lưỡng viện quốc hội vào ngày 9/7/1930, Toàn quyền Irwin
khẳng định rằng cuộc đấu tranh của quần chúng “không có gì lạ mà chính
là sử dụng bạo lực dưới một hình thức khác, và khi họ đã công khai mục
tiêu là làm cho chính quyền bất lực, thì chính quyền không còn cách khác
mà phải kháng cự, hoặc là thoái vị.” Và ông kết luận chính quyền phải
“chiến đấu chống lại chúng bằng mọi sức mạnh có thể.”
(4) Sắc lệnh đặc biệt: Để
phần nào kiểm soát tình hình, chính quyền đã ban hành một loạt những sắc
lệnh, gồm cả sắc lệnh kiểm duyệt báo chí và chặn đứng, tịch thu những
tài liệu in bất lợi cho mình. Một số địa phương còn cấm cả dân chúng đội
mũ trắng theo kiểu Gandhi thường đội.
(5) Toàn quyền loan báo kế hoạch thương lượng qua Hội nghị Bàn tròn:
Toàn quyền Irwin loan báo vào ngày 12/5/1930 rằng ông đang cho chuẩn bị
các bước để triệu tập một hội nghị tại Luân Đôn, Anh Quốc, quy tụ đại
diện các bên để thảo luận về việc sửa đổi hiến pháp cho Ấn Độ.
(6) Tiếp tục trấn áp đấu tranh bất bạo động:
Trong suốt những tháng đầu năm 1931, chính quyền tiếp tục trấn áp các
cuộc bất tuân dân sự bằng hình thức bắt bớ, bắn, đánh đập bằng gậy gộc,
và những hình thức bạo lực khác của lực lượng cảnh sát.
(7) Thỏa thuận giữa Gandhi và Irwin: Bao gồm việc hủy bỏ các sắc lệnh và trả tự do cho những người đấu tranh vì lương tâm bị bắt giam.
Kết quả:
(1) Điều chỉnh luật muối: Nói
chung, cuộc đấu tranh vì lương tâm chống Đạo luật Muối, mở màn cho phong
trào bất tuân dân sự rộng rãi, đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất.
Đạo luật Muối tuy không bị hủy bỏ nhưng một cách diễn giải mới và chính
thức đã được đưa ra trong thỏa thuận giữa Gandhi và Irwin. Cách diễn
giải này có chi tiết như sau: “Để góp phần… giảm bớt khó khăn một số
tầng lớp nghèo khổ”, chính quyền sẽ “mở rộng các quy định hành chính,
như vẫn đang diễn ra tại một số nơi, cho phép cư dân địa phương tại các
làng xã, ở cạnh vùng có thể làm muối hay thu gom muối, được quyền làm
muối hay thu gom muối cho nhu cầu sử dụng trong nhà, hoặc bán cho bà con
cùng làng xã, nhưng không được buôn bán hay trao đổi với người sống ở
địa phương khác.”
(2) Những điều khoản khác trong Thỏa thuận giữa Gandhi và Irwin: Sau các cuộc thương lượng và thỏa thuận giữa Gandhi và Toàn quyền Irwin, chính quyền đồng ý với các việc sau đây:
(a) Ân xá cho những người bị kết tội vi phạm luật pháp nhưng không bạo động trong các cuộc bất tuân dân sự.
(b) Bãi bỏ những sắc lệnh có tính áp chế.
(c) Trả lại những tài sản bị tịch thu, tước đoạt, khống chế.
(d) Nới lỏng quyền hạn cho dân được là muối ở một số địa phương nhất định.
Đáp lại, bất tuân dân sự sẽ chấm dứt và đặc biệt là các hoạt động sau đây phải kết thúc:
(a) Việc bất tuân có tổ chức bất cứ khoản luật lệ nào.
(b) Việc rủ nhau không đóng thuế đất và các khoản thuế khác theo luật định.
(c) Việc phát hành các bản tin hỗ trợ cho bất tuân dân sự.
(d) Việc vận động công chức, quân lính và quan chức làng xã chống lại chính quyền hoặc thuyết phục họ từ chức.
(3) Sửa đổi hiến pháp: Bản
thỏa thuận cũng có đoạn ghi rằng trong những cuộc thương lượng sắp tới
về sửa đổi hiến pháp, đại diện Đảng Quốc đại sẽ được mời tham dự, và
trong số những đề tài được đưa ra trong Vòng Hội nghị Bàn tròn sắp tới,
những vấn đề như định chế liên bang, việc bảo vệ người dân thuộc địa (ví
dụ trong quốc phòng, ngoại giao), tín dụng tài chính, và vị trí của các
sắc dân thiểu số sẽ được mang ra bàn luận.
***
ĐÚC KẾT CHIẾN DỊCH MUỐI:
Trong hai năm 1930-1931, đấu tranh vì
lương tâm đã được sử dụng trên toàn quốc để đẩy mạnh mục tiêu đòi độc
lập cho Ấn Độ. Hàng ngàn chiến dịch được địa phương hóa trong một phong
trào bất tuân dân sự rộng khắp, cuốn hút hàng trăm ngàn người tham gia,
nhiều người trong số áp dụng đấu tranh vì lương tâm như một hành vi tức
thời nhưng chưa thực hiểu đầy đủ về nguyên lý nền tảng của cuộc đấu
tranh. Tuy vậy, phong trào hầu hết đã diễn ra với tinh thần bất bạo
động.
Chiến dịch mở đầu với Gandhi lãnh đạo
cuộc diễu hành về biển là biểu tượng cho quyết tâm theo đuổi những
nguyên lý bất bạo động cơ bản, đồng thời cũng là biểu hiện của một tư
duy chiến lược xuất sắc. Một đặc tính nổi bật nữa của các chiến dịch
khác trong những tháng đấu tranh này là khả năng lãnh đạo mạnh mẽ và
hiệu quả của hàng trăm thành viên Đảng Quốc đại tại các tỉnh thành và
làng xã.
Xét về những yếu tố tạo nên cuộc đấu
tranh vì lương tâm đúng nghĩa, có thể nói tất cả những yếu tố cần và đủ
đều có thể tìm thấy trong cuộc đấu tranh chống Đạo luật Muối này.
Mục tiêu tiên quyết là loại trừ những
luật lệ gây khó khăn cho người nghèo. Đạo luật Muối, cho phép chính
quyền có độc quyền đối với một nhu yếu phẩm của người dân, còn là biểu
tượng của một tình trạng bất công lớn hơn – đó là tình trạng Ấn Độ phải
chịu ách thống trị của một thế lực nước ngoài. Vì vậy, người đấu tranh
vì lương tâm nhận lấy bổn phận là phải bất tuân luật muối bất công và
thực thi quyền lợi chính đáng là quyền được làm muối của người Ấn Độ.
Một quyền lợi chính đáng khác được ngầm hiểu ở đây là quyền tự quyết của
nhân dân Ấn Độ thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang.
Những người đấu tranh vì lương tâm tự
nguyện phát động chiến dịch chống Đạo luật Muối đã tuân thủ nghiêm ngặt
nguyên tắc bất bạo động. Chỉ khi tấn công vào các hồ muối, một số người
đấu tranh mới bắt đầu phá hoại tài sản bằng cách cắt hàng rào kẽm hoặc
kéo đổ hàng rào bao quanh nông trại muối. Bản thân Gandhi không lãnh đạo
cuộc tấn công trong đó tài sản bị phá hủy, và nếu có mặt lúc đó chắc
hẳn ổng sẽ ngăn cản những vụ phá hoại và xem đó là một hành vi sai lầm
trong giai đoạn này của chiến dịch. Một số người đấu tranh biện hộ cho
việc phá hàng rào là để tìm cách đi vào các hồ muối, họ cho rằng nông
trại muối là tài sản chung và mọi công dân đều có quyền đến đó. Tuy
nhiên, cũng không có bằng chứng nào cho thấy người đấu tranh vì lương
tâm đã gây thương tích cho đối phương. Bạo động chỉ xảy ra trong các
cuộc đột nhập liên tục vào hồ muối – nhưng đó là bạo động khi cảnh sát
đánh đập người đấu tranh vì lương tâm, và nhiều người trong số đã can
đảm chịu những trận đòn rất đau đớn với thương tích trầm trọng. Hết lớp
người này đến lớp người kia đã thay nhau tiến lên, bất kể đòn thù, hành
động của họ không bạo động nhưng vẫn đầy tính tấn công. Họ đáp trả,
không bằng bạo lực, mà bằng một số kỹ thuật thuyết phục đối phương mà họ
có thể áp dụng.
Tự túc cũng là đặc tính trong ứng xử của
người đấu tranh vì lương tâm. Họ ký cam kết để tự nguyện tham gia bất
tuân dân sự mà không đòi hỏi được đền đáp bằng quyền lợi vật chất cho
bản thân hay cho gia đình.
Việc quảng bá có tổ chức đã được thực
hiện thông qua việc ấn hành và phân phối các bản tin và tờ rơi. Báo chí
trên toàn quốc cũng đã góp phần quảng bá cho chiến địch bằng việc tường
thuật chi tiết các hoạt động đấu tranh vì lương tâm. Việc chính quyền
đàn áp tiếng nói của phe đấu tranh và kiểm duyện báo chí cũng chỉ góp
phần tạo cơ hội cho người trong cuộc bất tuân luật lệ nhiều hơn.
Những người đấu tranh vì lương tâm đã
luôn chủ động đưa ra sáng kiến trong suốt phong trào bất tuân dân sự.
Với mục tiêu trọng tâm là bất tuân Đạo luật Muối bất công, họ đã tiến
hành cuộc đi bộ đường dài ra biển và làm mẻ muối trái luật đầu tiên rồi
sau đó họ bao vây và thu giữ muối từ các nông trại muối của chính quyền
và cuối cùng là biến việc tự làm muối trở thành một hành động phản kháng
tràn lan khắp nơi.
Hành động phản kháng còn được mở rộng
thành các cuộc tẩy chay kinh tế, được hỗ trợ bởi những hàng người bao
vây các cửa hiệu quần áo và rượu bia.
Những hành động đối đầu trực tiếp vừa kể
đã không hề được thực hiện cho đến khi mọi nỗ lực tìm ra một giải pháp
trong danh dự thông qua các kiến nghị và thương lượng với vị Toàn quyền
đều đã thất bại. Yêu cầu của phe đấu tranh rằng người dân Ấn Độ phải
được quyền tự do sản xuất muối theo ý muốn chưa bao giờ bị sao nhãng.
Tuy nhiên, Gandhi luôn sẵn lòng để thương lượng với chính quyền để đạt
đến một thỏa thuận.
Cuộc đấu tranh vì lương tâm này được
tiến hành thông qua những bước cơ bản đầu tiên là cố gắng thương lượng,
quảng bá đến quần chúng biểu tình và diễu hành, sau đó là công bố tối
hậu thư.
Đối phương được thông báo ý định và diễn
tiến của cuộc đấu tranh. Khi thỏa thuận cuối cùng đã đạt được sau các
cuộc thương lượng giữa Gandhi và Toàn quyền, mục tiêu tiên quyết của
cuộc đấu tranh – làm giảm nỗi khổ của dân nghèo vì Đạo luật Muối – đã
đạt được ở một mức độ rất lớn, tuy rằng bản thân Đạo luật Muối không bị
bãi bỏ.
Mục tiêu dài hạn là độc lập dân tộc cho
Ấn Độ, dĩ nhiên, không thể thành tựu một sớm một chiều. Tuy nhiên, Thỏa
thuận giữa Gandhi và Irwin cũng đã mở đường cho Đảng Quốc đại được tham
gia vào vòng kế tiếp của Hội nghị Bàn tròn để bàn luận các vấn đề về sửa
đổi hiến pháp giúp Ấn Độ tiến xa hơn trên lộ trình dành được độc lập
toàn phần.
***
IV. ĐÚC KẾT NĂM CHIẾN DỊCH ĐẤU TRANH VÌ LƯƠNG TÂM
Đấu tranh vì lương tâm, như một hành
động xã hội và chính trị, đòi hỏi phải được lên kế hoạch và chuẩn bị có
bài bản, toàn diện, đồng thời phải được tiến hành thận trọng, có nghiên
cứu kỹ lưỡng.
Để có thể tìm thấy những điều kiện cơ
bản làm nên một cuộc đấu tranh vì lương tâm đúng nghĩa, cần chú ý đến
nhiều yếu tố khác nhau, từ việc chọn lựa mục tiêu, đến việc chọn người
tham gia, đến điều kiện cho các giải pháp cuối cùng.
Yếu điểm trong những chiến dịch đấu
tranh nêu trong chương này thường xuất hiện khi một trong những bước căn
bản của chiến dịch bị sao lãng hay bỏ qua.
Chẳng hạn, chiến dịch đấu tranh đòi lại
đường qua đền Vykom có dấu hiệu thất bại cho tới khi người đấu tranh xác
định lại rằng người tham gia tốt nhất chính là cộng đồng tôn giáo có
liên quan trực tiếp đến kết quả đấu tranh.
Cuộc đấu tranh của công nhân dệt may
Ahmedabad tiến rất gần đến nguy cơ thất bại chỉ vì những người tham gia
không được chuẩn bị kỹ lưỡng và chương trình hỗ trợ toàn diện đã không
được đưa ra.
Trong khi đó chiến dịch tại Bardoli lại
thành công vì đã thận trọng chú ý thực hiện mọi bước cần thiết của đấu
tranh vì lương tâm.
Chiến dịch Rowlatt bị ngừng giữa chừng
khi bạo động nổ ra cũng vì người tham gia đấu tranh không được chuẩn bị
kỹ lưỡng, số người tham gia không được giới hạn hợp lý, và nhóm lãnh đạo
điều phối hoạt động kém.
Cho đến năm 1930 thì cả nước đã biết đến
hình thức và ý nghĩa của đấu tranh bất bạo động. Như Nehru nhận xét,
một nếp tư duy đã hình thành trên cả nước, và người dân “có sự hiểu biết
tốt hơn về bản chất của cuộc đấu tranh.” Người đấu tranh không chỉ hiểu
rõ hơn về kỹ thuật đấu tranh bất bạo động, Nehru nhận xét tiếp “mà quan
trọng hơn nữa, cũng theo quan điểm của Gandhi, kỹ thuật đã được thực
hiện đầy đủ bởi tất cả những ai thực sự tin tưởng vào giá trị của bất
bạo động. Mười năm về trước, người ta từng nghi ngờ về điều này, nhưng
giờ đây không còn ai nghi ngờ gì nữa.” [2]
Bước đầu tiên của cuộc đấu tranh chống
Đạo luật Muối đã được tổ chức cẩn thận với việc chuẩn bị cho những người
tham gia đấu tranh và cho cả dân các làng xã nằm dọc theo lộ trình đến
biển. Những khó khăn diễn ra sau này, hầu hết, là do sự tham gia quá
rộng rãi của quần chúng vượt quá tầm điều khiển thích hợp của nhóm lãnh
đạo. Sự ủng hộ của người dân toàn quốc cũng đưa đến việc một số đối
tượng tham gia nhưng không chấp nhận hoặc không hiểu rõ ý nghĩa của đấu
tranh bất bạo động. Khi bất tuân dân sự đi quá giai đoạn đầu là chống
Đạo luật Muối, chiến dịch cũng vướng vào khuyết điểm là không xác định
được đâu là mục tiêu gần nhưng có thể góp phần vào công cuộc giành độc
lập toàn diện.
*
Việc tìm hiểu năm chiến dịch nêu trên
cũng cho thấy người tham gia trong một cuộc đấu tranh vì lương tâm có
thể bao gồm đông đảo người từ mọi thành phần kinh tế, xã hội và tôn giáo
khác nhau.
Chúng ta đã thấy sự tham gia của người
lao động, nông dân, giới kinh doanh buôn bán; của phụ nữ nông thôn và cả
phụ nữ có trình độ học vấn cao và xuất thân từ những gia đình giàu có;
của người thuộc đẳng cấp cùng đinh Ấn Độ lẫn giáo sĩ Bà la môn và tín đồ
Hồi giáo; và cũng có cả (như sẽ được nói tới ở Chương IV) sự tham gia
của những chiến binh Pathan nổi tiếng đáng gờm đến từ vùng Biên giới.
Những người lãnh đạo cũng vậy, họ xuất
thân từ nhiều thành phần, có cả phụ nữ và người của các cộng đồng thiểu
số. Hầu hết người tham gia trong các chiến dịch kể trên đều dùng bất bạo
động để đạt các mục tiêu cụ thể và họ cũng áp dụng đấu tranh vì lương
tâm như một phương pháp vì sự hiệu quả của nó.
Với phần lớn người tham gia, bất bạo
động được xem là một chính sách, chứ không phải tín điều. Thư ký lâu năm
của Gandhi, ông Pyarelal, nói về khía cạnh này của các phong trào đấu
tranh vì lương tâm khi trả lời câu tôi hỏi tôi về tầm quan trọng của
niềm tin hoàn toàn vào bất bạo động. Ông nói: ”Có thể tiến hành đấu
tranh vì lương tâm với những người không tin vào bất bạo động như một
tín điều, với điều kiện họ thành thực và hoàn toàn tuân theo các luật lệ
được đề ra và đấu tranh với tinh thần bất bạo động tuyệt đối…”[3]
*
Các biện pháp chiến thuật đưa ra trong
một chiến dịch đấu tranh vì lương tâm khác hẳn nhau tùy hoàn cảnh phát
sinh. Chiến thuật được điều chỉnh để thích ứng với tình hình thực tế, cả
trong công lẫn thủ. Trong khi đó, chiến lược gần như không thay đổi,
vẫn đi theo các bước, hay giai đoạn, của một chiến dịch đấu tranh vì
lương tâm. Chúng ta đã thấy đấu tranh vì lương tâm đã được áp dụng thành
công để không chỉ chống lại chính quyền thuộc địa Anh tại Ấn Độ, nhưng
còn để chống lại giới giáo sĩ Bà la môn chính thống thủ cựu, chống lại
giới chủ nhân nhà máy, và chống lại các chính quyền địa phương.
Chiến thuật đấu tranh bất bạo động trong
tình huống xung đột có cả tính chất tự vệ lẫn tấn công. Trong trường
hợp đền Vykom, cuộc đấu tranh vì lương tâm chủ yếu có tính tấn công.
Trong mọi chiến dịch kể trên thì giai
đoạn đầu luôn được dành để thuyết phục đối phương. Các cuộc đối đầu trực
tiếp và bất bạo động chỉ diễn ra trong các giai đoạn sau của chiến
dịch, nhất là trong những cuộc đấu tranh vì lương tâm diễn ra trên toàn
cõi Ấn Độ.
Trong cuộc đấu tranh tại Ahmedabab,
Gandhi nhận ra rằng cuộc tuyệt thực của ông mang tính chất ép buộc đối
phương, khiến cho tính chính đáng của đấu tranh vì lương tâm bị lệch
lạc.
Chủ trương thiên về thuyết phục hơn là
ép buộc được thể hiện rõ nét nhất trong cuộc đấu tranh tại Vykom: Sau
khi chính quyền tiểu bang rút mọi hậu thuẫn cho phía đối phương và đường
đến Vykom được chính thức mở ra cho giai cấp cùng đinh, thì người đấu
tranh vì lương tâm đã không lợi dụng ưu thế này để đi vào con đường vừa
mở, chống lại sự phản kháng chưa chấm dứt của giới giáo sĩ Bà la môn. Họ
đã tiếp tục đấu tranh vì lương tâm cho đến khi thuyết phục được giới
giáo sĩ rằng khước từ quyền đi lại của người cùng đinh là một sai lầm
không thể biện minh về mặt đạo đức.
Khi xem xét đường đi nước bước của hình
thái đấu tranh vì lương tâm, có thể thấy rằng đấu tranh vì lương tâm vận
hành như một sức mạnh có thể làm thay đổi xã hội. Sức mạnh này hiệu quả
đến đâu tùy thuộc vào khả năng thuyết phục, độ rộng của các hoạt động
hỗ trợ công ích, và mức độ bất bạo động đạt được.
—
Nguồn: Conquest of Violence – the Gandhian Philosophy of Conflict, tác giả Joan Bondurant, NXB Đại học Princeton, Mỹ, phát hành năm 1952, bản hiệu đính năm 1988
Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra
[1] Dữ liệu cho phần này được lấy từ các nguồn sau: Robert Bernays,
“Naked Faquir” (New York: H. Holt, 1932); Glorney Bolton,
The Tragedy of Gandhi (London: Allen & Unwin, 1934);
Congress Presidential Addresses; Ngài Reginal Coupland,
The Indian Problem: Report on the Constitutional Problem in India (New York, etc.: Oxford University Press, 1944); Cumming, sđd; Diwakar, sđd; Negley Farson, “Indian Hate Lyric” đăng trong
We Cover the World, được viết bởi 15 nhà báo quốc tế, do Eugene Lyons hiệu đính (New York: Harcourt, Brace, 1937); Gregg, sđd;
India in 1930-31: A Report Prepared for Presentation to Parliament in Accordance with the Requirements of the 26th Section of the Government of India Act (5 and 6 Geo. V, Chap. 61) (Calcutta: Government of India Central Publishing Branch, 1932); Alan Campbell Johnson,
Viscount Halifax, An Biography (London: Robert Hale, 1941); Webb Miller,
I Found No Peace: The Journal of a Foreign Correspondent (New York: The Literary Guild, 1936);
The Indian Annual Register,
Nripendra Nath Mitra, hiệu đính, (Calcutta: Annual Register Office,
1930 & 1931), Vols. I, II, 1930, Vols I, II, 1931; Nehru,
An Autobiography; Các số báo
The New York Times vào thời kỳ này; Sitaramayya, sđd; G. C. Sondhi, hiệu đính,
To the Gates of Liberty: Congress Commemoration Volume (Calcutta: Swadesh Bharati, 1948); các số báo
Young India vào thời kỳ này; Trao đổi giữa tác giả và R. R. Diwakar, Pyarelal (Nayyar), và R. R. Keithahn.
[2] Nehru,
An Autobiography, tr. 209.
[3] Trích thư gửi tác giả, đề ngày 17/10/1951.
Posted in: Triết Học
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét