Ngày 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc
thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của
công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, Quốc hội đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ
nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của
UBTVQH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong
giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành
chính về đất đai.
70% khiếu kiện là về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm
2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý trên
1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên
quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%. Riêng từ năm
2008-2011, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%. Trong đó, số vụ
khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28% và sai chiếm
52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và sai
chiếm 54,2%.
Nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính trong quản
lý đất đai chủ yếu tập trung: khiếu nại các quyết định hành chính về
thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm khoảng 70%; về giao
đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về cấp, thu hồi
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đoàn giám sát nhận định, đây là vấn đề phức tạp nếu không được giải
quyết tốt sẽ ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo UBTVQH, một vướng mắc rất lớn trong việc giải quyết khiếu nại về
đất đai là do sự chồng chéo, bất cập của các văn bản pháp luật. Theo đó,
ngoài Luật Đất đai còn có 20 luật có nội dung liên quan đến đất đai, 22
nghị định của Chính phủ, 12 chỉ thị, 17 quyết định của Thủ tướng Chính
phủ, 230 văn bản của các Bộ, ngành liên quan khác.
Bên cạnh đó, UBTVQH cũng cho rằng, nguyên nhân còn là do sự yếu kém
trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai; sự thiếu gương
mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức;
UBTVQH cũng nhấn mạnh sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách, pháp
luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo của một bộ phận người
dân còn hạn chế và việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan
có trách nhiệm chưa tốt, chưa thường xuyên, liên tục.
Ma trận văn bản pháp luật
Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu đều nêu lên những bất
cập trong chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất. Hạn chế lớn nhất
hiện nay là chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các
thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những
quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. Có quá nhiều văn bản hướng dẫn
thực hiện pháp luật về đất đai. Trong các văn bản hướng dẫn lại có sự
chồng chéo mâu thuẫn, từ đó việc áp dụng thực hiện gặp khó khăn dễ xảy
ra sai sót. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận định: “Một ma
trận trong các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra một sự rối cho cơ sở
khi thực hiện. Bên cạnh đó thì việc khiếu nại đòi lại đất cũ của người
dân khá nhiều và phổ biến trên cả nước”.
Thực tế, các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi
Nhà nước thu hồi đất qua các năm thay đổi theo hướng có lợi cho người
dân gây so bì về quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại
thời điểm trước và sau khi có chính sách mới. Giá đất đền bù tại nhiều
nơi chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch lớn giữa giá Nhà nước bồi
thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân; giá đất tại các
khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giá
đất nội thị, ngoại thị trong cùng một đô thị, giá đất giữa đô thị và
nông thôn trong cùng một tỉnh còn có sự chênh lệch lớn, có một số nơi
chênh lệch quá lớn.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nêu thực trạng: “Cùng một nội dung
về đền bù giải phóng mặt bằng, văn bản trước đang thực hiện dở dang thì
văn bản sau đã ra đời nên nhiều địa phương rất khó thực hiện. Giá đền bù
cho đất nông nghiệp thấp, người dân chưa yên tâm, chưa nhất trí với giá
đất mà nhà đầu tư đền bù. Trong cùng một dự án, chỉ cách một con mương
nhưng giá đất đền bù đã chênh lệch nhau 5 lần”.
Nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn
có những tồn tại và việc thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch, kế
hoạch chưa nghiêm, dẫn tới tình trạng thu hồi đất để hoang, triển khai
dự án chậm, lãng phí nguồn tài nguyên đất, trong khi đó người dân ở vùng
dự án không còn đất sản xuất, không có việc làm dẫn đến bức xúc, khiếu
kiện.
Ngoài ra, hàng loạt nguyên nhân khác cũng được các đại biểu chỉ ra.
Theo đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), một nguyên nhân quan trọng dẫn
đến khiếu kiện, nhất là khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp, khiếu
kiện đông người là do cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai,
giải quyết về khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai vừa yếu vừa thiếu.
Có nơi còn có thái độ vô cảm, bàng quan với những bức xúc của nhân dân.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) thì nhận định, kỷ cương, kỷ luật
hành chính trong khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm, có không ít trường hợp
cấp trên đã có ý kiến kết luận, quyết định và chỉ đạo giải quyết, nhưng
cấp dưới không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc thực hiện. Đại biểu
Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cho rằng, công tác thanh tra của cán bộ địa
chính và chính quyền địa phương về quản lý đất đai còn bất cập dẫn đến
tình trạng lãng phí, thất thoát và sử dụng đất kém hiệu quả, dẫn đến
việc khiếu kiện của người dân. Đại biểu Trương Minh Hoàng nêu lên một
nguyên nhân quan trọng, đó là những biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu của
những cán bộ có quyền và trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan
đến đất đai, khiến người dân bức xúc.
Đại biểu Thân Đức Nam (Tp. Đà Nẵng) thì đánh giá, sự bất cập của Luật
Đất đai hiện hành là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự khiếu kiện của người
dân. Theo đó, Luật Đất đai quy định người được giao đất, thuê đất, phát
sinh quyền sử dụng đất, do đó người sử dụng đất xem quyền sử dụng đất
như một quyền tài sản của mình, dù quyền sở hữu thuộc về toàn dân, do
nhà nước đại diện.
Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định khi Nhà nước thu hồi quyền sử
dụng đất thì bồi thường theo giá thị trường. “Quy định như vậy có nghĩa
là Nhà nước mua lại quyền sử dụng đất đã giao, kể cả đất giao không thu
tiền như đất nông nghiệp. Đây là mâu thuẫn giữa quyền sở hữu và quyền sử
dụng mà hậu quả xảy ra trên thực tế là người dân đòi cho được giá thị
trường giống như bán lại quyền sử dụng đất cho nhà nước, trong khi đó
giá thị trường trên thực tế vượt quá xa giá trị sử dụng hiện hữu của
miếng đất.” - đại biểu tỉnh Quảng Nam phân tích.
Sửa Luật Đất đai là yêu cầu cấp thiết
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công
dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, các đại biểu đã đề
xuất nhiều kiến nghị xung quanh nội dung này. Trong đó, yêu cầu cấp
thiết là sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo,
giải quyết tranh chấp của Luật Đất đai phù hợp với quy định của Luật
khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính; quy định rõ các quyền
đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước; tạo khung
pháp lý thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại chính đáng để người
dân được yên tâm.
Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất
đai 2003 là rất cần thiết theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo quản lý thống nhất,
rõ ràng. Nhà nước quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm
từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra, đảm bảo sự hài hoà về
lợi ích của Nhà nước với lợi ích người sử dụng đất và lợi ích của nhà
đầu tư; thống nhất chỉ có một giá đất đền bù cho đất nông nghiệp khi thu
hồi. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo nghề, giúp người dân có việc làm
mới để ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất; quan tâm đào tạo đội
ngũ cán bộ địa chính cấp xã; tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp
luật về đất đai cho nhân dân.
Đại biểu Thân Đức Nam kiến nghị, cần giải quyết căn cơ những nguyên
nhân bất cập của Luật Đất đai, về cơ chế thu hồi đất, trong đó có cơ chế
thu hồi đối với các dự án công ích và cơ chế chuyển nhượng theo quan hệ
dân sự đối với các dự án thương mại.
Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) và một số đại biểu đề xuất cần sớm
ban hành một quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với
các quyết định hành chính về đất đai. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (thành
phố Cần Thơ) kiến nghị, trong sửa đổi Luật Đất đai, cần quy định bỏ hình
thức chủ dự án tự thỏa thuận với dân; quy định giá đất bảo đảm nguyên
tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị, Nhà nước cần thực
hiện đúng chức năng cung cấp dịch vụ công trong việc thu hồi đất, nhà
nước chỉ điều chỉnh những quan hệ giao dịch đất trong trường hợp cần bảo
vệ nhóm yếu thế hoặc vì lợi ích chung của quốc gia.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề xuất, cần phải khắc
phục từ hai phía, cả chính sách pháp luật và khâu tổ chức thực hiện, để
chính sách pháp luật không còn mâu thuẫn, chồng chéo và khâu tổ chức
thực hiện phải nghiêm túc, minh bạch, công bằng. Chính quyền cơ sở phải
tâm huyết năng động và chính quyền cấp trên biết lắng nghe.
PV
Posted in: Luật
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét