Khả năng tập trung đầu óc là năng lực có thể có được do rèn luyện hàng ngày. Cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta bao nhiêu tác động khách quan khiến cho việc tập trung chú ý thực sự trở thành một nghệ thuật. Vì vậy, nếu gần đây đã xảy ra trường hợp một tháng đôi lần bạn quên khóa cửa khi ra khỏi nhà hoặc đã lên xe máy đi được một đoạn rồi mới chợt nhớ ra là chưa tắt tivi, còn ở nơi làm việc thì không tập trung tư tưởng để làm một việc gì cho đến nơi đến chốn trong vòng mười lăm phút đồng hồ thì đó cũng chưa phải là lý do để bạn bi kịch hóa tình hình. Những người như bạn đâu phải ít. Quan trọng là bạn có nhận ra là mình đang bị mất tập trung và xác định quyết tâm rèn luyện để thay đổi hiện trạng đó hay không. Dưới đây xin đưa ra một số gợi ý để bạn tham khảo và áp dụng:
1. Nếu bạn phải hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, bạn hãy bắt đầu từ việc lựa chọn cho mình một nơi làm việc thích hợp. Điều quan trọng trước tiên là ở đó bạn có cảm thấy thoải mái và dễ chịu không và đó có phải là nơi tạo thuận lợi cho bạn tập trung đầu óc hay không. Tại nơi làm việc, nếu bạn phải ngồi cùng với mấy đồng nghiệp khác trong một phòng và bạn rất dễ bị phân tán tư tưởng, bạn hãy mạnh dạn đề nghị các đồng nghiệp nói chuyện nhỏ thôi, và nếu họ có nhu cầu gặp nhau dài dài thì họ phải chọn nơi khác để mà gặp gỡ.
2. Bạn hãy đặt bàn làm việc của mình sao cho đằng sau bạn không có ai có thể đứng được. Phía trên màn hình máy vi tính hay bàn làm việc, bạn nên treo một tấm ảnh mày xanh lá cây để trong những lúc mất tập trung, bạn có thể hướng cái nhìn của mình vào đó. Màu xanh lá cây có tác dụng rất tốt để đôi mắt bạn nghỉ ngơi.
3. Thỉnh thoảng (tốt nhất mỗi tiếng đồng hồ một lần), bạn giải lao khoảng 5 – 10 phút. Bạn nên đi lại ngoài hành lang hoặc đứng ngắm cảnh bên cửa sổ, lấy nước cho đầy bình nếu trên bàn làm việc của bạn luôn có một bình nước.
4. Bạn không nên nghỉ ngơi bằng cách nhân tiện làm một việc gì khác cái công việc đang phải hoàn thành. Nếu bạn nghĩ là mình luôn phải chuẩn bị tư thế để ai muốn gặp mình là dễ dàng gặp được ngay thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Vì vậy bạn hãy tắt máy điện thoại và không quan tâm đến chuyện nhận e-mail bất cứ lúc nào. Bạn hãy tự thỏa thuận với mình là bạn chỉ quan hệ với những người đang tìm kiếm mình khi nào bạn hoàn thành công việc cần làm hoặc hoàn thành phần công việc cụ thể nào đó trong cái công việc đang phải hoàn thành.
5. Bạn hãy phân loại công việc và xác định các phương pháp hoàn thành các công việc phải làm.
6. Nếu có thể được thì thỉnh thoảng bạn hãy thay đổi chỗ ngồi làm việc của mình. Một phần công việc bạn có thể làm tại bàn làm việc hàng ngày, một phần có thể làm ở nơi nào đó ngoài văn phòng ấy. Một số công việc bạn có thể giải quyết trong lúc ăn trưa, nếu được.
7. Bạn hãy rèn luyện thường xuyên. Nếu có điều kiện, bạn cần vận động vào buổi sáng. Bạn hãy cố gắng chơi thể thao một – hai lần trong tuần. Bạn không nên làm những công việc quan trọng đòi hỏi tập trung đầu óc cao độ ngay sau khi vừa kết thúc các bài tập cường độ cao tại phòng tập thể hình hay vừa tập xong bài aerobic.
8. Bạn hãy thường xuyên huy động trí tưởng tượng của mình. Trước khi bạn bắt đầu một công việc nào đó, hãy nhớ lại hoàn cảnh mà bạn đã từng phải tập trung đầu óc. Không quan trọng hoàn cảnh đó liên quan đến cái gì ngày hôm nay. Bạn hãy gọi về trong óc mình hình ảnh gợi lại hoàn cảnh đó và nhớ lại những tình cảm đã theo sát bạn khi đó. Bài tập này bạn nên tiến hành ngay trước khi bắt tay vào công việc. Tốt nhất là bạn hãy lặp lại trước khi thực thi bất cứ nhiệm vụ nào.
9. Bạn nên nhớ rằng uống nước rất tốt cho việc tập trung đầu óc và đánh thức bộ óc làm việc. Bạn nên tránh cà phê và những đồ uống có tác dụng kích thích khác.
10. Bạn hãy ăn uống đầy đủ, nhưng đừng ăn quá nhiều. Ăn hạt dẻ chẳng hạn, sẽ giúp ích cho tập trung đầu óc, nhưng bạn nên tránh ăn những thứ nhiều mỡ. Bạn hãy nhớ rằng chúng ta ít khi cảm thấy ân hận là mình đã ăn quá ít…
11. Bạn hãy ngủ đủ thời gian mình thấy cần phải ngủ. Khi bạn thấy mình đã ngủ đẫy giấc, thấy tỉnh táo, bạn sẽ dễ dàng tập trung để hoàn thành công việc phải làm hơn. Bạn hãy cố gắng sống phù hợp với nhịp sống quen thuộc của cơ thể bạn – cà phê là yếu tố cần thiết để bạn tỉnh táo nhưng rượu lại không phải là thứ có tác dụng an thần.
12. Về lâu dài, làm 5 việc một lúc là không đem lại lợi ích gì lớn. Cho nên tốt nhất bạn nên làm các công việc theo thứ tự. Bạn hãy bắt đầu bằng việc lập kế hoạch. Bạn cũng nên xác định xem cái gì là quan trọng nhất với mình, cái gì có thể gác sang một bên, làm sau cũng “chưa chết ai”.
13. Bạn hãy tự thưởng cho mình cái gì đó sau khi hoàn thành kế hoạch đề ra. Đó có thể là một niềm vui nho nhỏ – như đọc một bài báo hay hoặc lướt qua một trang mình yêu thích trên Internet.
14. Nếu bạn hay bị phân tán đầu óc do có cái gì đó làm bạn buồn phiền thì hãy dành thời gian đặc biệt cho các ý nghĩ đó. Bạn hãy thỏa thuận với chính mình là hàng ngày, trong khoảng thời gian từ 16.40 đến 17.10 chẳng hạn, bạn có thời gian để cân nhắc vấn đề này. Khi trong ngày bạn bị phân tán tư tưởng vì một ý nghĩ khó chịu nào đó, bạn hãy định thời gian giải quyết nó vào một giờ cụ thể sau đó.
15. Bạn không nên theo dõi quá thường xuyên và sát sao những tiến bộ của mình, vì điều này cũng góp phần làm đầu óc bị phân tán thêm.
Nguồn blog Kỹ năng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét