Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013
Otto Graf Lambsdorff – Tự do: Biện pháp xoá đói giảm nghèo hữu hiệu nhất (1)
12:09
Hoàng Phong Nhã
No comments
Đói
nghèo trên diện rộng vẫn là một vấn đề của cộng đồng thế giới. Theo số
liệu của Ngân hàng Thế giới thì năm 1988 có 1,2 tỷ người sống trong tình
trạng nghèo đói tuyệt đối, nghĩa là với ít hơn 1$ một ngày. Một nửa
trong số đó nằm trong các khu vực Nam Á. Mặc dù trong những năm vừa qua
tỉ lệ nghèo đói có giảm bớt, nhưng đây vẫn lá vấn đề lớn nhất của nhân
loại.
Đói
nghèo gây ra những hậu quả thật là thảm khốc, xin được liệt kê một lần
nữa. Trước hết nó làm cho người ta luôn phải đau khổ vì đói khát và buộc
con người phải thường xuyên lo lắng vì những mục tiêu hạ cấp nhất. Đói
nghèo làm cho người ta trở thành cục cằn, nó không chỉ đẩy một số người
đến những hành động bạo lực mà còn làm băng hoại quan hệ giữa người với
người, nhất là trong gia đình. Nghèo đói là một trong những nguyên nhân
chủ yếu dẫn đến những hành động bạo hành đối với phụ nữ. Nhiều người
phụ nữ Nam Á nói rằng: khi tình trạng kinh tế của người nghèo được cải
thiện thì một trong những thay đổi rõ rệt nhất là sự hoà thuận trong gia
đình gia tăng, cũng có nghĩa là bạo hành trong gia đình giảm.
Nghèo
đói làm cho người ta không thể thể hiện được hết năng lực cá nhân của
mình. Không được học hành, người nghèo không thể phát triển được khả
năng và tài năng của mình, không thể nâng cao được năng suất lao động.
Trong thời đại của chúng ta, khi người ta nói rất nhiều và rất hay về
vai trò của giáo dục và phát triển khả năng của con người thì có hàng tỷ
người không có điều kiện học hành và như vậy là đã bỏ phí tiềm năng của
mình, không mang lại lợi ích gì cho mình cũng như cho xã hội nói chung.
Nhiều người không nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề này, họ
cho rằng vấn đề chính là nạn nhân mãn và cho đấy là vấn đề đáng quan tâm
nhất. Họ cho rằng nghèo đói trên diện rộng là lỗi của chính người
nghèo. Đấy là một thái độ vô liêm sỉ vì nó chẳng những không phù hợp với
kinh nghiệm lịch sử lẫn lí thuyết kinh tế. Một nước đang giàu có không
thể trở thành nghèo đi vì sinh suất cao, kinh tế luôn luôn phát triển ở
những thành phố đông dân chứ không phải ở các làng quê hẻo lánh. Còn
trong lí thuyết kinh tế thì việc sản xuất và phân phối thu nhập quốc dân
là một tiến trình động, phụ thuộc vào nhiều biến số mà dân số chỉ là
một trong những biến số đó mà thôi. Nếu công nhận rằng mỗi người đều có
thể đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội thì ta phải công
nhận rằng số dân cũng có ảnh hưởng tích cực đối với quá trình phát triển
đó. Chỉ có trong các xã hội với hệ thống kinh tế rối loạn, trì trệ,
thiếu năng động và không tạo điều kiện cho người dân thể hiện hết năng
lực của mình thì việc gia tăng dân số mới thành vấn đề. Trong những điều
kiện như thế vấn đề nghèo đói sẽ càng trầm trọng thêm, vì người nghèo
cảm thấy có lợi khi sinh thêm con, đấy là sức lao động và thu nhập gia
tăng khi tuổi trẻ và bảo đảm kinh tế cho tuổi già.
Hậu
quả chính trị cũng không kém phần quan trọng. Nghèo đói đẩy người dân
vào những quan hệ bất bình đẳng, tức là những quan hệ làm người ta mất
tự do và trở thành đối tượng không được che chở trước những hành động
độc ác của kẻ khác. Cuộc mưu sinh vất vả hàng ngày làm cho người không
còn thì giờ và sức lực tham gia vào đời sống chính trị của xã hội hay
dân tộc. Quyền lợi của họ không được nói tới và vì vậy mà bị bỏ qua.
Người nghèo thường bị buộc phải dựa dẫm vào một kẻ bảo trợ nào đó, đấy
có thể là một “cụ lớn” trong làng hay chủ khu “xóm liều” hoặc chủ thầu
nào đó. Họ buộc phải bán quyền lợi chính trị của mình cho người bảo trợ
để mong được an toàn, không còn lựa chọn nào khác. Đấy chính là nguy cơ
nghiêm trọng đối với nền dân chủ. Xã hội chỉ thật sự dân chủ khi mức độ
nghèo đói giảm, và các quan hệ chủ-tớ không còn giữ vai trò chủ đạo nữa.
Như
vậy là, nghèo đói là thách thức vô cùng to lớn đối với những người theo
trường phái tự do, cả theo nghĩa quan niệm về nhân loại nói chung, cả
theo nghĩa quan niệm về xã hội công bằng và tự do nói riêng. Những người
theo trường phái tự do tin vào các nguyên tắc của quyền tự do cá nhân
và những quyền bất khả xâm phạm của con người. Những người theo trường
phái tự do không thể chấp nhận cảnh nghèo đói vì nó mâu thuẫn với quyền
sống của con người. Hơn nữa, một người phải đấu tranh cho sự sống còn
thì gần như không có điều kiện thể hiện quyền tự do cá nhân của mình.
Quyền tự do cá nhân của mọi thành viên trong xã hội sẽ không thể trở
thành hiện thực nếu không giảm được số người nghèo đông đảo hiện nay.
Đáng
tiếc là những người theo trường phái tự do đã không biết cách nhấn mạnh
vấn đề này. Họ đã quên mất cội nguồn của phong trào tự do, một phong
trào mà khởi kì thuỷ là nhắm chống lại chế độ phong kiến, tức là chế độ
cản trở việc thực thi những quyền tự do không chỉ về chính trị, tôn
giáo, văn hoá mà cả tự do hoạt động kinh tế nữa, như sau này đã thấy rõ,
đấy chính là nguyên nhân của cảnh đói nghèo trên diện rộng. Cơ cấu của
chế độ phong kiến trá hình tương tự như thế vẫn còn tồn tại trong nhiều
nước đang phát triển, mặc dù các ông chủ phong kiến đã không còn như
xưa: đấy không phải là con cái các gia đình quyền quí, mà là giai cấp
các chính khách và quan chức xã hội chủ nghĩa ăn bám, bòn rút của cải
nhờ có quyền kiểm soát vô giới hạn hoặc tham nhũng hay nhờ nắm quyền
điều hành các đại công ty công nghiệp và ngân hàng quốc doanh. Nếu chủ
nghĩa tự do thể hiện được hi vọng và khát vọng của quần chúng nghèo khổ
thì đấy sẽ là phong trào cách mạng thực sự tại nhiều nước đang phát
triển. Chuyện đó chỉ có thể xảy ra nếu những người theo trường phái tự
do biết cách nói bằng ngôn ngữ của quần chúng nghèo khổ và định hình các
cuộc cải cách trên cơ sở nhu cầu của họ.
Những
người theo trướng phái tự do khó thể hiện được thái độ đối với cảnh
nghèo đói một phần còn vì thiếu tính trực cảm. Mong muốn giúp đỡ là phản
ứng tự nhiên khi người ta thấy cảnh nghèo đói. Nhưng những người theo
trường phái tự do lại nói về tự do như là phương tiện và mục đích. Nhiều
người coi đấy là những câu chuyện quá trừu tượng và xa vời. Đằng sau nó
lại là nan đề của hệ tư tưởng tự do. Vì chắc chắn là những người bị
cảnh nghèo đói làm cho không thể cất đầu lên được cần phải được giúp đỡ.
Nhưng để họ không trở lệ thuộc thì lại không thể giúp mãi.
Nhưng
chúng ta thường quên một khía cạnh quan trọng hơn nhiều: trước đây
người ta thường phải giải quyết vấn đề nghèo đói bằng chính nỗ lực của
mình – bằng lao động cần cù, tiết kiệm, đầu tư cho con cái học hành, sẵn
sàng di chuyển để tìm những cơ hội thuận lợi hơn, sẵn sàng đánh đổi, kể
cả đổi chỗ làm việc. Như ngài Bayer đã nói, phải có trợ giúp mới thoát
được nghèo thì có lẽ tất cả chúng ta vẫn còn sống trong thời kì đồ đá.
Dĩ nhiên là có những người suy sụp đến mức không thể tự lực được, nhưng
đấy không phải là đa số. Đa số không cần sự giúp đỡ trực tiếp, họ cần
được bình đẳng trong cơ hội và được pháp luật bảo vệ để có thể thoát
khỏi sự áp chế của các nhóm quyền lực hoặc những kẻ muốn tước đoạt thành
quả lao động của họ.
Không
phải vô tình mà chủ nghĩa tự do luôn luôn dành sự chú ý đặc biệt đối
với sự ổn định của quyền tư hữu. Vì tư hữu chính là sự bảo đảm cho quyền
tự do cá nhân. Có nhiều người khẳng định rằng mối quan tâm của những
người theo trường phái tự do về quyền tư hữu thể hiện quyền lợi của các
giai cấp hữu sản, nhưng đấy chỉ là một phần rất nhỏ của sự thật. Người
nghèo cần bảo vệ tài sản chẳng khác gì người giầu vì quyền tư hữu của
người nghèo thường hoặc không được pháp luật công nhận hoặc không được
hệ thống tư pháp bảo vệ.
Phải
coi mối quan tâm của những người theo trường phái tự do về sở hữu tư
nhân là mục tiêu của chính sách của nhà nước: nhà nước phải tạo điều
kiện cho tất cả các công dân, đặc biệt là người nghèo, cơ hội sở hữu tài
sản tư nhân. Lời khẳng định này khác xa, thậm chí trái ngược hẳn, với
chiến lược của những người xã hội chủ nghĩa, tức là chiến lược nhằm hạn
chế hoặc tịch thu tài sản tư nhân và đem cấp phát cho các công dân.
Những người theo trường phái tự do không tin vào cách làm như thế vì nó
làm cho người ta trở thành lệ thuộc, trong khi sở hữu tư nhân giúp người
ta độc lập về tài chính và như vậy là củng cố được tự do cá nhân.
Dĩ
nhiên là có những trường hợp cần phải trợ cấp, nhất là để chặn đứng nạn
đói sau những vụ thiên tai. Trợ cấp trong những trường hợp như thế sẽ
hiệu quả hơn là kiểm soát giá cả, thí dụ như kiểm soát giá lương thực,
thực phẩm, mà người ta thường áp dụng nhân danh bảo vệ người nghèo,
nhưng những biện pháp như thế thường làm méo mó các động cơ kinh tế và
sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Cố tình giữ
giá lương thực thực phẩm thấp có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các
điền chủ và nền nông nghiệp và sẽ làm cho nhiều nông dân nghèo, tức là
đa số người nghèo trên thế giới, mất việc làm.
Phe
dân chủ phải tìm những phương tiện giúp người nghèo có thêm tài sản,
chứ không phải là trợ cấp cho họ. Nếu hoàn cảnh bắt buộc thì nên buộc
người ta phải tiết kiệm bằng cách góp vào quĩ hưu bổng, bảo hiểm y tế
hoặc bảo hiểm thất nghiệp chứ không nên bắt người ta phải đóng thuế cao
rồi lấy tiền phân phối lại cho người nghèo. Tiết kiệm hoặc bảo hiểm bắt
buộc giúp cho các công ty tư nhân, có sự kiểm soát của nhà nước, trong
đó có yêu cầu tái bảo hiểm, hoạt động hữu hiệu hơn. Còn thu thêm thuế để
tái phân phối có thể tạo ra bộ máy quan liêu cồng kềnh, ăn hết phần lớn
số tiền thu được. Xin nói rằng trong cả hai trường hợp, chính phủ đều
nhận trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi những hiểm hoạ kinh tế, nhưng
biện pháp thì hoàn toàn khác nhau. Tiết kiệm và bảo hiểm không những rẻ
hơn mà còn hiệu quả hơn. Không những thế, nó còn giúp tạo ra những khoản
tiết kiệm có thể được đưa vào đầu tư trong thị trường tài chính. Những
khoản đầu tư phụ trội này sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển trong khi
bộ máy quan liêu trong lĩnh vực bảo trợ xã hội chỉ làm gia tăng những
khoản chi tiêu đáng lẽ phải dành cho người nghèo.
Có
người sẽ cãi rằng ý tưởng về tiết kiệm và bảo hiểm không phù hợp với đa
số người nghèo thuộc “thế giới thứ ba”. Hoàn toàn sai. Nhiều cuộc khảo
sát chứng tỏ rằng người nghèo có mức tiết kiệm đến kinh ngạc, nhưng họ
khó tiếp cận với các phương tiện tài chính. Tại nhiều nước, hệ thống tài
chính bị quốc hữu hoá và rõ ràng là một người nghèo, lại mù chữ sẽ gặp
nhiều khó khăn khi muốn mở một tài khoản. Còn khi có những cơ sở tài
chính, thí dụ như ngân hàng Grameen Bank ở Bangladesh, chuyên phục vụ
người nghèo thì khoản tiết kiệm của họ đã tăng lên nhanh chóng. Một số
cơ sở tương tự như thế đã thành công trong việc tạo ra những hình thức
bảo hiểm cho người nghèo. Không có gì đặc biệt cả: các tổ chức tín dụng
và quĩ tiết kiệm khu vực đã có vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử
kinh tế phương Tây. Chúng ta chỉ làm cái việc là tái phát minh những
điều mà người ta đã làm từ lâu, sau khi nhiều nước (nếu không nói là đa
số) đang phát triển bỏ con đường thẳng đó để quay sang dùng phương pháp
quản lí toàn bộ vốn liếng thông qua các định chế tài chính của nhà nước.
Các định chế này không hoạt động vì người nghèo mà chủ yếu là bơm tiền
tiết kiệm của nông dân vào thành phố và đưa những đồng tiền đó vào các
cơ sở công nghiệp ốm yếu của nhà nước hoặc các công ty tư bản có liên hệ
với các chính khách. Đáng tiếc là tại nhiều quốc gia, những hiện tượng
méo mó như thế vẫn còn tiếp diễn. Yêu cầu của thời đại: không cho các
chính phủ quyền lãnh đạo các định chế tài chính, buộc các chính phủ phải
tập trung trí tuệ nhằm tạo ra khung pháp lí phù hợp cho các ngân hàng
tư nhân và các công ty bảo hiểm, đặc biệt là các tổ chức tín dụng đơn
giản, dễ tiếp cận ở khu vực nông thôn, hoạt động. Cũng cần phải thành
lập các định chế kiểm soát hoạt động của các ngân hàng và các công ty
bảo hiểm, còn chính các định chế này thì được bảo đảm không có sự can
thiệp của quyền lực chính trị.
Đáng
tiếc là những người xã hội chủ nghĩa đã thuyết phục được đa số dân
chúng rằng thành lập bộ máy quan liêu khổng lồ trong lĩnh vực an sinh xã
hội là giải pháp duy nhất có thể chấp nhận về mặt đạo đức trước thách
thức về xoá đói giảm nghèo. Việc thường xuyên viện dẫn tình cảm của con
người đã cản trở việc thảo luận một cách có căn cứ những phương án thay
thế khác. Điều đó có hại cho cả người nghèo, lĩnh vực giáo dục và bảo vệ
sức khoẻ là minh chứng không thể chối cãi được.
Giáo dục và sự năng động xã hội
Không
nghi ngờ gì rằng giáo dục là vũ khí xoá đói giảm nghèo hữu hiệu nhất.
Nó cung cấp cho người ta kiến thức và tay nghề đủ sức cạnh tranh, tức là
giúp họ tìm được công việc tốt hơn bố mẹ họ và như vậy là có thể bước
lên những nấc thang cao hơn. Giáo dục phổ thông giúp giảm thiểu kì thị
phụ nữ. Giáo dục các bé gái giúp giảm thiểu một cách rõ rệt tỉ lệ sinh
vì những người phụ nữ có học lấy chồng muộn hơn, biết cách phòng tránh
thai và biết cách chăm sóc gia đình, đặc biệt là sức khoẻ trẻ em và như
thế là giúp giảm tử suất ở trẻ con. Giáo dục còn giúp người dân tiếp thu
thông tin, trong đó có thông tin chính trị, khuyến khích người ta thảo
luận và cuối cùng là củng cố nền dân chủ và tự do.
Nếu
mục đích của giáo dục là nâng cao tính năng động xã hội thì cần phải
đặc biệt chú ý tới chất lượng giáo dục dành cho người nghèo. Chúng tôi
nhấn mạnh “cần phải” là vì điều làm người ta ngạc nhiên là nhiều nhà cải
cách đòi giành quyền thể hiện quyền lợi của người nghèo đổ nhiều công
sức cho số lượng người được đào tạo: họ muốn phát bằng cấp cho thật
nhiều người, trong khi hầu như không quan tâm đến chất lượng của những
tấm bằng đó. Kết quả là sự phân tầng xã hội sẽ càng vững chắc hơn. Hiện
tượng tương tự như thế xảy ra ở cả những nước đã phát triển, thí dụ như
nước Đức, và nhiều nước đang phát triển nữa.
Một
trong những nguyên nhân của sự lệch lạc này là công tác giáo dục được
giao cho bộ máy quan liêu của nhà nước, thường là tập quyền nữa. Người
ta không đặt cả vấn đề về khả năng quản lí quá trình dạy và học của nó
nữa kia. Có lẽ, đấy là do đa số người, kể cả nhiều người có tư tưởng tự
do, cho rằng bảo đảm cho tất cả mọi người đều có trình độ phổ thông là
trách nhiệm của nhà nước. Nhưng ngay cả nếu ta đồng ý như thế thì cũng
không có nghĩa là bộ máy quan liêu của nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ
này. Bản chất nội tại của bộ máy quan liêu là ngày càng phình to mãi ra
đã làm cho sự lệch lạc xảy ra gần như ở khắp mọi nơi. Thế mà nghi ngờ bộ
máy quan liêu lại bị coi là hành động nhằm phá hoại sự tiếp cận đối với
quá trình học tập, một bản án chết người trong bất kì xã hội dân chủ
nào.
Kết
quả của cách tiếp cận như thế thường là rất nguy hiểm. Thí dụ, tại phần
lớn các nước Nam Á chất lượng học tập trong các trường công lập kém đến
nỗi người dân phải chịu nhiều hi sinh về mặt tài chính chỉ để đưa con
em vào các trường tư thục với chất lượng học tập cao hơn: thường thì các
trường đó được dạy bằng tiếng Anh. Nhưng ở nông thôn, các trường như
thế là của hiếm, cho nên người nghèo ở đô thị và đa số dân nông thôn
đành phải hài lòng với các trường công lập hoặc không đi học nữa. Ở Ấn
Độ, Bangladesh và Pakistan ít nhất là 40% ngân sách dành cho giáo dục
được đổ vào các trường đại học mà sinh viên chủ yếu là con em các gia
đình trung lưu. Trong khi đó các trường cấp I không đủ phương tiện để
đưa tất cả các trẻ em vào học, tức là không phải đứa trẻ nào cũng thoát
nạn mù chữ.
Cho
dân chúng địa phương nhiều quyền kiểm soát nhà trường hơn nữa phải là
bước tiến quan trọng trên con đường hiện đại hoá giáo dục. Điều đó có
thể được thực hiện bằng cách chuyển trách nhiệm về giáo dục từ bộ sang
cho chính quyền huyện và chính quyền làng xã. Chính quyền trung ương có
thể chỉ tập trung sức lực vào việc đặt ra và đưa vào áp dụng các tiêu
chuẩn giáo dục mà thôi. Việc phân chia trách nhiệm như thế sẽ làm gia
tăng tính minh bạch các khoản chi tiêu của nhà trường vì phụ huynh học
sinh sẽ dễ dàng kiểm soát những việc diễn ra ở huyện hoặc làng xã. Việc
tách tổ chức qui định các tiêu chuẩn giáo dục ra khỏi những cơ quan hành
pháp chắc chắn cũng sẽ nâng cao thêm chất lượng giáo dục. Có thể đưa
thêm thành tố cạnh tranh, như công bố kết quả học tập của các nhà
trường, khen thưởng các trường tốt và phạt các trường kém. Những cuộc
cải cách khác nhau trong lĩnh vực này đã được đưa ra thử nghiệm.
Triệt
để hơn nữa là chấp nhận sự thật sau đây: người nghèo, chí ít là ở các
thành phố, gần như không thể tiếp cận với thị trường giáo dục đang ăn
nên làm ra hiện nay. Chính phủ có thể giúp người nghèo bằng cách trả
tiền học phí cho con em họ và cho phép họ chọn lựa trường, thí dụ, bằng
cách cấp cho họ một khoản tín dụng (voucher). Chính phủ thiết lập tiêu
chuẩn và mục tiêu giáo dục và tập trung sức lực vào việc áp dụng và kiểm
tra. Các trường công lập không còn nhận tài trợ từ ngân sách nữa mà sẽ
phải tự hạch toán trên cơ sở thu hút thêm nhiều học sinh bằng cách cung
cấp cho người học chất lượng giảng dạy tốt hơn. Hệ thống như thế sẽ giúp
thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường với nhau. Phụ huynh
học sinh sẽ lựa chọn trường trên cơ sở chất lượng dạy và học, còn khoản
tín dụng do nhà nước cấp sẽ không cho phép họ chi tiêu cho việc khác.
Đến lượt mình, nhà trường sẽ buộc phải tìm những biện pháp hiệu quả nhất
trong việc dạy và học. Những cơ sở kém chất lượng sẽ mất dần người học,
còn những trường không kiểm soát được chi tiêu sẽ bị phá sản. Việc tạo
ra thị trường giáo dục cạnh tranh như thế cũng sẽ giúp cho phụ huynh có
lựa chọn tốt hơn cho việc học hành của con em họ, đặc biệt là nếu còn có
các trường do các tổ chức tôn giáo khác nhau tài trợ nữa thì càng tốt.
Tất nhiên như thế có thể xảy ra xung đột giữa chương trình do nhà nước
qui định và các giá trị do các tổ chức tôn giáo tuyên truyền, nhưng sự
thoả hiệp nhân danh quyền lợi của người nghèo là khả thi. Những ai đã
từng chứng kiến chất lượng cao hơn hẳn của các trường tư thục, thường là
trường Thiên chúa giáo, trong các khu ổ chuột ở các thành phố của Mĩ,
hẳn sẽ đồng ý rằng cần phải có thoả hiệp như thế. Ở Mĩ các thí nghiệm
tương tự đã được bắt đầu. Không có gì ngạc nhiên khi bộ máy quan liêu
của chính phủ căm thù và quyết liệt chống lại những ý tưởng như thế,
cũng như họ đang chống lại việc xác định chất lượng học tập mà họ đang
cung cấp hiện nay. Khi chất lượng học tập không phải là mục tiêu của cải
cách thì người nghèo sẽ vẫn bị tước mất phương tiện năng động xã hội
quan trọng nhất, còn xã hội thì đánh mất tiềm năng không được triển khai
trong con em của những người nghèo. Giá mà chúng ta phải trả cho các
quan chức quan liêu trong lĩnh vực giáo dục cao đến mức đáng xấu hổ.
Y tế
Tất
cả những điều trình bày bên trên đều có thể áp dụng cho lĩnh vực y tế.
Người nghèo dễ bị ốm đau. Hệ thống y tế kém chất lượng sẽ dẫn tới những
căn bệnh hiểm nghèo và chết sớm. Từng người và toàn xã hội phải trả giá
đắt cho hệ thống như thế. Mọi người đều công nhận rằng nhà nước phải
cung cấp cho dân chúng dịch vụ y tế cơ bản. Và một lần nữa, các chính
trị gia cánh tả và các quan chức tham lam tìm cách tạo ra một bộ máy
khổng lồ trong lĩnh vực y tế. Vì vậy mà chính phủ nhiều nước đang phát
triển thường cung cấp cho toàn dân dịch vụ y tế miễn phí với chất lượng
cực kì thấp. Cũng như trong lĩnh vực giáo dục, sai lầm to lớn và có thể
dự đoán được này đã sinh ra một thị trường chăm sóc sức khoẻ tư nhân
phát đạt. Tất cả những ai đủ sức trả tiền đều sử dụng dịch vụ này. Người
nghèo cũng phải chi nhiều tiền cho dịch vụ tư nhân vì không có dịch vụ y
tế miễn phí của nhà nước, hoặc có cũng vô ích, hoặc chỉ được vào bệnh
viện công sau khi đã phải trả một khoản tiến lớn. Cũng như trong lĩnh
vực giáo dục, nhà nước có thể thử nghiệm nhiều biện pháp khác trong việc
chăm sóc sức khoẻ cho người nghèo. Thí dụ như cung cấp tín dụng, trợ
giúp bảo hiểm y tế tư nhân và cuối cùng là phi tập trung hoá – kể cả
ngân sách! – và chuyển cho chính quyền địa phương.
Đáng
buồn là những cuộc cải cách theo hướng tự do hoá trong lĩnh vực giáo
dục và y tế thường hiếm khi được thực thi. Nguyên nhân không phải là
chúng không thực tiễn mà là sự tồn tại của những nhóm lợi ích, không
lớn, nhưng đầy sức mạnh, chống lại những cuộc cải cách như thế. Đấy là
bộ máy quan liêu tập quyền, cải cách sẽ làm cho nó nhỏ đi hoặc là biến
mất hoàn toàm; đấy còn là các chính khách đang lợi dụng hệ thống
xin-cho. Họ chống lại mọi đề nghị cải cách, doạ rằng thay đổi sẽ làm cho
người nghèo càng thiệt thòi thêm. Và hiện nay ánh sáng tự do của chủ
nghĩa duy lí vẫn chưa xuyên qua được màn khói của tư duy cảm tính.
(Còn 1 kì)
Tiến sĩ Otto Graf Lambsdorff là cựu Bộ trưởng Kinh tế Cộng hoà Liên bang Đức, hiện giữ chức chủ tịch quĩ Friedrich Naumann.
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Nga: http://liberal.ru/Library_DisplayBook.asp?Rel=21.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét