Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Làm văn nghị luận xã hội: Khó hay dễ?





Nhiều HS thường đưa ra câu hỏi “lấy dẫn chứng cho một bài VNLXH từ đâu?”. Ảnh: Anh Khôi
Ngay khi bước vào học lớp 10, học sinh (HS) đã được làm quen với văn nghị luận, trong đó có nghị luận xã hội. Tuy nhiên không ít HS vẫn coi thường và chưa làm bài tốt ở dạng đề này.
Theo thầy Trần Thế Minh - giáo viên Trung tâm GDTX quận Tân Phú - một bài viết về văn nghị luận xã hội (VNLXH) sẽ phản ánh được toàn bộ nhận thức của HS đối với những vấn đề về cuộc sống.
Chú ý tư duy logic
VNLXH là thước đo rất chính xác về năng lực tư duy, trình độ ngôn ngữ và một phần cá tính của từng em HS. Trước hết phải khẳng định VNL thể hiện rõ tư duy logic, đưa ra những khái niệm trừu tượng và bản chất của nó là xác nhận, khẳng định. Tuy nhiên cũng có lúc VNL còn sử dụng các yếu tố hình tượng đan xen để tăng tính thuyết phục một cách mạnh mẽ hơn. Chính vì thế, thầy Trần Thế Minh lưu ý, khi giải quyết vấn đề trong một bài VNLXH, HS phải giải thích được khái niệm thông qua câu hỏi: Nghĩa là như thế nào? Đặc biệt khi đọc kỹ đề các em phải phát hiện được các từ ngữ chìa khóa để mở “cánh cửa bí mật” của đề. Đó là những từ, ngữ chứa đựng sức nặng của cả đề bài mà người viết phải làm dấu hay gạch chân các từ quan trọng (trong giấy nháp). Muốn đi sâu hơn nữa - theo cô Phạm Thị Thúy Nhài, giáo viên Trung tâm GDTX Tân Bình - HS phải trả lời được các câu hỏi tiếp theo như: Vấn đề đặt ra là gì? Các biểu hiện của nó? Vấn đề đó có ý nghĩa gì? Chung quy lại phải làm sao giúp các em giải thích được tư tưởng và đạo lý cần bàn luận.
Trong khi đó đối với bài nghị luận về một hiện tượng đời sống lại chỉ cần nêu rõ hiện tượng thông qua câu hỏi: Đề bài yêu cầu bàn về hiện tượng gì? Bài viết cần có những ý nào? Sắp xếp các ý đó ra sao? Tuy nhiên thao tác làm VNL chưa dừng lại ở đó. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp - GV Trường THPT Giồng Ông Tố - để có được lập luận chặt chẽ người viết còn phải biết phân tích những mặt đúng sai của vấn đề thông qua thao tác bình luận. Có thể coi đây như một mấu chốt không thể thiếu được trong cấu trúc bài VNL về tư tưởng, đạo lý bởi vì bản chất của nghị luận không chỉ là nhận thức mà chủ yếu là thuyết phục. Muốn thuyết phục thì người viết phải đưa ra lập luận xác đáng và phù hợp để dẫn người đọc đến kết luận, tức là tán đồng với quan điểm và sự đánh giá của người viết. Đây cũng là nét tương đồng giữa nghị luận tư tưởng, đạo lý với nghị luận về một hiện tượng đời sống khi không được bỏ qua thao tác phân tích các mặt đúng-sai, lợi-hại của vấn đề bàn luận. Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho rằng, tính hàn lâm của kiểu bài VNL thể hiện ngay ở phương pháp và cấu trúc bài làm.
Không được bỏ qua tư duy hình tượng
Một câu hỏi mà rất nhiều HS đưa ra với thầy cô là lấy dẫn chứng cho một bài VNLXH từ đâu? Thực tế cho thấy khi làm VNL, trong tờ nháp của thí sinh thường chỉ nêu được các ý chính của dàn bài mà bỏ qua cách lựa chọn và sắp xếp dẫn chứng. Đây chính là một điểm yếu và thói quen không tốt của HS. Cô Phạm Thị Thúy Nhài trao đổi, dẫn chứng trong VNL không phải ít hay nhiều về số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng: Chọn lọc nhưng tiêu biểu. Ngoài dẫn chứng trong thực tế đời sống nên có dẫn chứng từ trong sách vở, báo chí, mạng internet… Không chỉ tôn vinh những tấm gương điển hình mà bài viết cũng cần phê phán các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.
Đến phần kết thúc vần đề, HS thường bày tỏ suy nghĩ riêng của mình. Nhưng theo thầy Trần Thế Minh, các em HS nên trả lời đúng câu hỏi: Chúng ta cần suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên? HS phải làm gì? Đây chính là cách bày tỏ thái độ, chính kiến của người viết về hiện tượng xã hội đó. Làm thế nào để rút ra được bài học nhận thức và hành động về tư tưởng, đạo lý hay đời sống xã hội? Muốn vậy ngoài tư duy logic, người viết còn vận dụng cả tư duy hình tượng như đã nói trên. Điều đó đòi hỏi bên cạnh lý lẽ sắc bén thì cách diễn đạt phải chuẩn xác, mạch lạc, nên vận dụng một số biện pháp và yếu tố biểu cảm để có sức lay động lòng người. Dù đề ra có yêu cầu cao thì các em cũng không còn lúng túng trong khi làm bài.
Nguyễn Hoàng Anh
Khi giải quyết vấn đề trong một bài VNLXH, HS phải giải thích được khái niệm thông qua câu hỏi: Nghĩa là như thế nào?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét