Donald J. Boudreaux – Chủ nghĩa cá nhân và
tri thức
Phạm Nguyên Trường dịch
Con người ta có tri thức đến mức
nào?
Câu
hỏi ngắn này lại là câu hỏi phức tạp. Dĩ nhiên là tri thức tồn tại dưới nhiều
dạng khác nhau. Một thiên tài toán học có thể tin vào khả năng dự toán của
những quân bài Tarot, một nhà văn vĩ đại có thể lúng túng trước một cách lập
luận đơn giản nhất, một nhà quản lí hàng đầu có thể mù tịt về văn chương.
Đó
là vấn đề thú vị, nhưng không phải là mối quan tâm của tôi ở đây. Tôi muốn làm
rõ vấn đề sâu sắc hơn: mỗi người chúng ta, khi đứng một mình, đều những người tối
tăm đến kinh ngạc và thường làm những việc ngu xuẩn.
Lời
khẳng định này có thể là một cú sốc xuất phát từ một người cá nhân chủ nghĩa
thâm căn cố đế như tôi. Nhưng cú sốc lại xuất phát từ việc không hiểu được chủ
nghĩa cá nhân. Như vậy là, muốn tìm hiểu vấn đề trí tuệ của con người, trước
hết chúng ta phải hiểu chủ nghĩa cá nhân.
Chủ
nghĩa cá nhân, được sử dụng ở đây, là một triết lí chính trị. Nó là một tập hợp
những chân lí nói về bản chất của xã hội và tập hợp những luật lệ về quan hệ
phù hợp giữa chính phủ và các cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân phủ nhận quan điểm cho rằng
xã hội tách biệt với những cá nhân hợp thành xã hội đó.
Nó phủ nhận sự tồn tại của “ý chí chung”. Nó công nhận rằng những tập hợp được
sử dụng nhằm thảo luận về xã hội – như “GDP”, “nhân dân Mĩ” hay “thành phố
Chicago” – chỉ là kết quả của ảnh hưởng qua lại của những sự lựa chọn và hành
động của rất nhiều cá nhân riêng biệt mà thôi. Những tập hợp này chỉ là sản
phẩm được tạo tác bởi từng cá nhân trong hàng triệu cá nhân tương tác với nhau
theo những cách rất phức tạp, không thể nào mô tả bằng lời được.
Chủ
nghĩa cá nhân phủ nhận tuyên bố cho rằng chính phủ phản ảnh một cách chính xác
ước muốn của “nhân dân” – vì chủ nghĩa cá nhân không công nhận nhân dân, như
một nhóm người, là thực thể có ý thức, có ước muốn. Tôi có ước muốn, vợ tôi có
ước muốn, người hàng xóm của tôi có ước muốn. Một số ước muốn có thể được toàn
thế giới chia sẻ. Một số ước muốn khác có thể xung đột kịch liệt với nhau. Nhưng
ngay cả thậm chí ước muốn được mọi người chia sẻ cũg vẫn chỉ là ước muốn của
từng cá nhân riêng biệt mà thôi. Tách khỏi những cá nhân như thế thì không tạo
vật nào có ước muốn hết.
Một
trong những hậu quả của quan niệm này là sự nghi ngờ của người theo thuyết cá
nhân chủ nghĩa về việc sử dụng chính phủ để buộc một số người phải tuân lệnh
một số người khác. Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa bác bỏ huyền thoại đầy
thơ mộng rằng một số người được nhà nước chuyển hóa một cách thần kì thành tương
tự như thánh thần, tức là thành những người có thể phân biệt và tập hợp được
biết bao nhiêu kiến thức nằm rải rác trong hàng triệu người. Kết quả là, người
theo thuyết cá nhân chủ nghĩa thù địch với mọi cố gắng nhằm buộc bất cứ người
nào phải khuất phục cái thực thể được cho là “cao hơn” đó.
Chủ
nghĩa cá nhân không phải là niềm tin
rằng mỗi người là hay tìm cách trở thành cách biệt, giống như một hòn đảo, với
những người khác. Người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa công nhận sự kiện đáng
mừng là mỗi người chúng ta đều phụ thuộc vào vô số người khác – gia đình, bạn
bè, đồng nghiệp và nói một cách văn hoa là phụ thuộc vào hàng trăm triệu người
mà ta không hề quen biết trên khắp thế giới, sự sáng tạo và cố gắng của họ thể
hiện trong những món hàng hóa, dịch vụ và ý tưởng chính là sự thịnh vượng của
chúng ta.
Người
theo thuyết cá nhân chủ nghĩa hiểu rằng xã hội chỉ có thể phát triển từ ảnh
hưởng qua lại của những sự lựa chọn và hành động của từng con người với sự lựa
chọn và hành động của hàng triệu người khác, và rằng sự cưỡng chế của chính
quyền trung ương ngăn cản sự phát triển đó.
Tri
thức của con người
Người
theo thuyết cá nhân chủ nghĩa đánh giá một cách sâu sắc giới hạn của sự hiểu
biết của mỗi cá nhân. Ngoài việc nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác
xã hội, người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa còn nhận thức được rằng:
- Hợp tác không thể là công việc ép
buộc;
- Hợp tác thường kéo theo sáng tạo
(thí dụ như người sản xuất thiết kế ra cái bẫy chuột tốt hơn để bán);
- Vì có sự sáng tạo và vì mỗi người
đều có một số kiến thức độc đáo nhưng giới hạn, cho nên kết quả của sự hợp
tác là không lường trước được;
- Mỗi cá nhân đều là những người
dốt nát, dễ hiểu sai và lầm lẫn cho nên việc tìm ra chân lí – tức là phân
biệt giữa những ý tưởng đúng và ý tưởng sai – buộc người ta phải liên tục
thực hiện quá trình thử và sai; và
- Khi người ta tự do hợp tác, chỉ
phải thuyết phục người khác hợp tác với mình thì sẽ hình thành trật tự xã
hội, trong đó mỗi người đều nhận được lợi ích từ những mẩu kiến thức độc
đáo mà mỗi người trong số hàng triệu người khác đem vào trong quan hệ thị
trường. Thông qua thị trường, tôi nhận được lợi ích từ kiến thức độc đáo
của anh hàng thịt, anh hàng bia và anh hàng bánh mì, mặc dù tôi chẳng biết
một tí gì về công việc của những người kia.
Như
vậy là, người theo thuyết cá nhân chủ nghĩa cho rằng kiến thức mỗi cá nhân sở
hữu là vô cùng nhỏ bé, nhưng chỉ tính những người phục vụ anh ta thôi thì kiến
thức của họ đã là vô cùng to lớn rồi. Anh ta nhận thức được rằng mình biết rất
ít. Anh ta hiểu rằng một người hay một nhóm người trong một ủy ban nào đó tưởng
tượng là hắn ta hay bọn họ có thể nắm được toàn bộ những chi tiết của những dàn
xếp trên thương trường là sự kiện cực kì khôi hài.
Người
theo thuyết cá nhân chủ nghĩa chỉ có thể chế nhạo vào sự giả dối của những kẻ
tưởng tượng rằng họ có thể đoán được hay lập kế hoạch cho thị trường vì đấy sẽ
là dự đoán hay lập kế hoạch cho hàng trăm triệu người, mà mỗi người trong số đó
lại có một ít kiến thức độc đáo.
Người
theo thuyết cá nhân chủ nghĩa biết rằng một người hoàn toàn tách biệt với xã
hội của những người đàn ông và đàn bà tự do là người không chỉ nghèo một cách
tuyệt vọng mà còn là người luôn luôn sợ hãi và sai lầm một cách vô lí nữa.
Xin
hãy suy nghĩ về một chút kiến thức - thí dụ, trái đất tròn hay vi khuẩn có thể
giết người. Đối với chúng ta, đây là những sự kiện rõ ràng. Nhưng chúng không
phải đã là những sự kiện rõ ràng. Hàng bao nhiêu ngàn năm, đa số dân chúng
không biết gì về những sự kiện như thế. Và độc giả thân mến của tôi, bạn biết
những sự kiện đó không phải vì bạn phát hiện ra chúng mà bởi vì biết bao nhiêu
người đã tư duy một cách sáng tạo và hữu lí, và tìm cách chia sẻ ý tưởng của họ
với những người khác, đem ý tưởng của mình ra cho người khác đánh giá và chau
chuốt thêm. Sự tương tác giữa những con người tự do và hữu lí là tác nhân khám
phá ra và khẳng định những sự kiện đó.
Tôi
thấy trái đất phẳng, tôi chưa bao giờ nhìn thấy con vi trùng nào. Nhưng tôi
biết rằng trái hình tròn, rằng có những con vi trùng và chúng rất nguy hiểm.
Tôi được lợi từ kiến thức đó, mặc dù đấy
không phải là phát minh của cá nhân tôi. Và khi tôi nghĩ về những lợi ích đó,
tôi nhận thức được rằng hầu như mọi thứ tôi biết đều do những người khác phát
hiện ra. Đấy là kiến thức mà nếu ở một mình với chiếc máy tính mạnh nhất, thì hàng
tỉ năm tôi cũng không thể nào tự mình phát hiện ra được.
Một
mình, tôi là người ngu dốt và tăm tối; nhưng như một thành viên của xã hội thị
trường, tôi là người có kiến thức và được khai minh. Tôi có kiến thức và được
khai minh là nhờ sự cố gắng mang tính cá nhân của biết bao nhiêu người, họ là
những người sử dụng một cách sáng tạo quyền tự do và khả năng tư duy một cách
hữu lí của mình.
Donald J. Boudreaux là giáo sư kinh tế tại George Mason University, là cựu chủ tịch của Foundation of Economic
Education (FEE), là tác giả cuốn Tòan cầu hóa (Globalization).
Nguồn: http://www.thefreemanonline.org/columns/individualism-and-intelligence/
Posted in: Chính Trị,Phạm Nguyên Trường
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét