Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013
Ian Buruma (Project Syndicate, 04/01/20012) – Nước mắt Bắc Triều Tiên
10:11
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Viết từ thành phố Hồ Chí Minh – Cả một dân tộc có thể hóa điên không? Đôi khi chắc chắn là như thế
Những
bức ảnh hàng ngàn người Bắc Triều Tiên đang khóc lóc vì đau buồn trước
cái chết của Kim Jong–il cho thấy một cái gì đó rất đáng ngại. Nhưng là
cái gì? Cả một đám đông bị đánh lừa? Hay đây là nghi lễ khổ dâm tập
thể?
Kim
là một nhà độc tài tàn bạo, ông ta nốc những loại rượu mạnh thượng hạng
của Pháp (có người nói rằng mỗi năm chi tới 500.000 dollar), ăn sushi
tươi chuyển từ Tokyo về và có những bếp trưởng tài ba nhất, trong khi
hàng triệu thần dân của ông ta bị chết đói. Thế mà đám quần chúng bị ông
ta đàn áp, những thần dân bị chà đạp của ông ta lại gào khóc y như thể
bố đẻ của họ bị chết vậy.
Cứ
cho rằng những người khóc lóc ở Bình Nhưỡng đều thuộc tầng lớp đặc
quyền đặc lợi, và gào khóc ở chỗ đông người là cách thức thể hiện nỗi
buồn truyền thống của Triều Tiên. Ngay cả trong trường hợp như thế thì
việc quảng bá từ Bắc Triều Tiên cũng rất khó coi. Có cách giải thích
đáng tin nào hay không?
Thứ
nhất, Bắc Triều Tiên không phải là nước duy nhất. Ít có nước nào phải
chịu khổ đau vì những hành động bạo ngược của Joseph Stalin hơn là Ba
Lan, thế mà nhiều người Ba Lan đã khóc khi hay tin ông ta chết. Dĩ nhiên
có thể đấy là do bị ép buộc – một hình thức khủng khiếp của sự tự hạ
nhục. Người ta không chỉ giả vờ khi bị đạp vào mặt mà còn phải cám ơn kẻ
đã hành hạ mình và khóc lóc khi hắn chết nữa.
Rõ
ràng là những người Bắc Triều Tiên nào không chịu thể hiện nỗi buồn sâu
sắc khi đám đông khóc lóc sẽ bị rắc rối to – con bị đuổi học, con đường
họan lộ bị chặn đứng, thậm chí có thể còn bị đày vào trại lao động khổ
sai nữa. Trong nhà nước toàn trị, thể hiện lòng tin vào bộ máy tuyên
truyền có thể là một hình thức tự bảo vệ. Người ta càng cảm thấy nghi
ngờ – mà không thể nói ra công khai được – thì cuộc sống càng dễ trở
thành ác mộng hơn.
Một
người có học có thể ép buộc mình tin vào một điều gì đó hoàn toàn điên
khùng không? Đây là một câu hỏi thú vị. Có thể đè nén được thái độ hoài
nghi của mình hay không? Chắc chắn là có thể đè nén được.
Áp
bức, mặc dù đấy chắc chắn là một tác nhân trong những hình ảnh phát đi
từ Bình Nhưỡng, nhưng có lẽ đấy không phải là lí do duy nhất. Sự cuồng
loạn tập thể có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Dễ dàng cho rằng hành
động nhục nhã như thế bao giờ cũng là giả đò, là một hình thức đóng
kịch.
Xin
xem xét, thí dụ, cơn bùng phát của sự cuồng loạn – tuy với mức độ nhỏ
hơn – ở Anh sau cái chết của Công nương Diana. Nhiều người, cả đàn ông
lẫn đàn bà, những người chỉ biết Công nương qua sách báo hay màn ảnh
truyền hình, đã tuyên bố rằng việc Diana từ trần làm họ xúc động nhiều
hơn là chính bố mẹ họ chết. Có lẽ là họ không nói dối. Có vẻ kì quặc,
nhưng tình cảm có thể là chân thành.
Chúng
ta thường kìm nén nỗi đau thật sự, thí dụ như mất người thân trong gia
đình. Thường là chết lặng đi, chứ không khóc thét lên. Nhưng tình cảm
của chúng ta phải tìm lối thoát nào đó, và chúng thường bật ra khi một
nhân vật nổi tiếng nào đó chết.
Nhân
một cơ hội nào đó, tất cả những tình cảm tử biệt sinh li bị dồn nén sẽ
bộc lộ một cách dữ dội. Những người bề ngoài là khóc thương Công nương
Diana, nhưng thực ra là họ đang khóc than cho những người thân đã chết
của họ. Tình cảm đã bị thế chỗ – thực ra là đặt nhầm chỗ. Khóc than kiểu
này là ủy mị, nhưng có thể là thành tâm.
Đôi khi, cái chết của một nhân vật nổi tiếng nào đó làm cho chúng ta khóc than cho cuộc đời đã qua của chính chúng ta.
Dù người vừa chết đó có là một công nương mà ta yêu mến, một ca sĩ của
công chúng hay nhà độc tài khát máu, thì đấy cũng không phải là điều
quan trọng. Chúng ta đã lớn lên cùng với họ, họ là một phần của chúng
ta. Họ chết là một phần nhỏ trong ta cũng chết theo họ.
Sự
cuồng loạn của đám đông có khả năng lây nhiễm cao. Tôi đã đến thăm Bắc
Triều Tiên đúng vào năm Kim Nhật Thành (Lãnh tụ Vĩ đại) – cha của Kim
Jong–il – chết. Chuyến viếng thăm tượng của ông ta – một bức tượng cực
lớn – ở trung tâm Bình Nhưỡng nằm trong chương trình tham quan bắt buộc
của chúng tôi. Chúng tôi đứng dưới chân bức tượng bằng đá cẩm thạch của
Lãnh tụ Vĩ đại, xung quanh chất đầy hoa và vòng hoa tang, trong khi
tiếng thổn thức của những người đàn bà được truyền qua mấy cặp loa phóng
thanh cực lớn.
Tôi
nhìn từng hàng, từng hàng các cháu học sinh mặc đồng phục được thầy cô
giáo dẫn đến chân bức tượng. Chúng có vẻ dửng dưng, mặt lạnh như tiền,
đấy là nét mặt của những người đã quen đợi cấp trên chỉ bảo phải làm thế
nào. Rồi các thầy cô giáo bắt đầu khóc lóc. Những tiếng than vãn lớn
dần, sau đó là những tiếng kêu: “Ối cha ơi là cha ơi! Sao cha lại bỏ
chúng con mà đi như thế này? Ới cha ơi là cha ơi!”. Dần dần bọn trẻ cũng
bắt chước các thầy cô giáo, chúng khóc lóc thảm thiết. Chúng khóc khi
nhìn thấy thầy cô giáo của chúng khóc.
Đấy
có phải là nỗi buồn đích thực hay không? Ai có thể trả lời? Những giọt
nước mắt trông đúng như thật. Các thầy cô giáo, giống như bọn trẻ, có
thể cảm thấy một cái gì đó, mà cũng có thể là một nỗi buồn vô hạn. Một
số có thể đã bị nhồi sọ đến mức cảm thấy rằng Lãnh tụ Vĩ đại là hình ảnh
một người cha nhân từ, nhờ ông ta mà họ mới có mọi thứ.
Một
số người khác chắc chắn là đã thể hiện tình cảm của họ, cái tình cảm có
thể xuất phát từ bất kì nỗi đau buồn cá nhân hay công cộng nào. Xét cho
cùng thì người Bắc Triều Tiên có nhiều thứ để khóc lắm. Cuộc sống trong
chế độ toàn trị là cảnh khốn cùng diễn ra hằng ngày. Và vì vậy mà họ
khóc than cho những người chịu trách nhiệm về việc đó.
Ian Buruma là giáo sư về chế độ dân chủ và quyền con người tại đại học Bard, Tác phẩm mới nhất của ông có tên là: Taming the Gods: Religion and Democracy on Three Continents.
Nguồn: project–syndicate.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét