Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thư cho một quốc gia Ki-tô giáo 1





Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH:

Sam Harris sinh năm 1969, tốt nghiệp triết học Ðại học Stanford. Trong hơn hai mươi năm qua, ông đã nghiên cứu các truyền thống tôn giáo từ Á châu đến Âu châu cùng các trào lưu nghiên cứu về tôn giáo và triết học đương đại. Ông đang hoàn tất học vị tiến sĩ khoa thần kinh học.

Sam Harris là tác giả 2 tác phẩm luận thuyết gây tiếng vang rất lớn trong giới thức giả và công chúng hiện nay : The end of Faith (2004), đoạt giải thưởng PEN/ Martha Albrand Award năm 2005 và Letter to A Christian Nation (2006). Cả hai lập tức trở thành sách bán chạy nhất nước (National Best Seller) và đã tái bản nhiều lần từ vài năm qua. Ông thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn công luận để diễn thuyết, tranh luận với các thức giả đương thời về các chủ đề liên quan đến các nghi hoặc về bản chất, giá trị của tôn giáo và mối hiểm họa của xã hội hiện đại trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nguyên nhân tôn giáo. Các bỉnh bút, luận thuyết cùa ông đã đăng tải trên Newsweek, The Los Angeles Times, The Times of London, The Boston Globe và nhiều tạp chí khác xuất bản hoặc phổ biến trên các mạng web.

Sau khi xuất bản Tận Cùng của Đức Tin (The End of Faith), Sam Harris nhận được hàng ngàn lá thư từ những người Ki-tô giáo gởi đến gắt gao phê bình việc ông đã không tin vào Thiên chúa. Thư gởi một quốc gia Ki-tô giáo này chính là lời đáp trả của ông. Xử dụng những luận điểm hợp lý, Sam Harris đã trình bày phản bác của mình về những niềm tin vốn tạo dựng lên cốt lõi của Ki-tô giáo truyền thống. Trong tiến trình luận giải, ông đề cập đến những chủ đề đuơng thời từ lý thuyết về thiết kế thông minh (Intelligent design) đến các nghiên cứu vể phôi bào kể cả các liên hệ giữa tôn giáo và bạo lực. Trong cuốn sách này, bằng lời văn thẳng thắn, đôi chỗ mỉa mai, châm biếm, thậm chí tàn nhẫn, Sam Harris đã can đảm thách thức những ảnh hưởng mà đức tin tôn giáo đã khắc sâu vào một đất nước Ki-tô giáo, cụ thể là Hoa Kỳ. Trong phần Ghi chú gởi độc giả (Note to the Reader) ông đã viết :

Bốn mươi bốn phần trăm dân số Mỹ tin rằng Jesus sẽ trở lại để phán xét người sống và kẻ chết vào lúc nào đó trong năm mươi năm tới. Theo diễn giải phổ biến nhất từ khải huyền trong kinh thánh, Jesus sẽ chỉ trở lại khi mọi thứ đã trở nên hư hỏng tồi tệ ở thế gian này. Vì thế, chẳng phải là sự phóng đại khi nói rằng nếu thành phố Nữu Ước đột nhiên biến thành một quả cầu lửa, một phần đáng kể dân chúng Mỹ có thể nhìn ra một lằn chớp bạc trong biển khói hình nấm, như họ đã từng được nhắc bảo về điều mong đợi tuyệt vời nhất đang sắp xảy đến: sự trở lại của Chúa. Thật là một sự đui mù hiển nhiên rằng những niềm tin đại loại như thế có thể giúp chúng ta chút ít gì vào việc tạo nên một tương lai vững bền cho chúng ta về xã hội, kinh tế, môi trường hay địa lý chính trị. Thử tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao nếu một bộ phận quan trọng trong chính phủ Mỹ thực tin rằng thế giới sắp tận thế và sẽ tận thế trong một sự huy hoàng. Sự thật là gần một nửa dân chúng Mỹ thực sự tin vào điều này, hoàn toàn chỉ từ các căn bản của một chủ thuyết tôn giáo, đáng xem là một tình trạng khẩn cấp cho đạo đức và tri thức. Cuốn sách mà các bạn sắp đọc đây chính là lời giải đáp của tôi cho tình trạng khẩn cấp này.

Thư gởi một Quốc gia Ki-tô giáo có nội dung nhắm đến công chúng Hoa kỳ là chính. Nhưng thực sự có một giá trị tương tự với nhiều người, nhiều quốc gia khác, vốn đang ít nhiều chịu ảnh hưỏng của học thuyết Ki-tô trong đòi sống chính trị, xã hội và văn hóa của mình.

Gần đây, độc giả người Việt đã được biết đến “ Thiên Chúa & Chủ thuyết Vô thần mới “ (God and the New Atheism của John F. Haught), do Trần Hữu Thuần chuyển dịch Việt ngữ là một trong nhiều cuốn sách có tính cách đáp trả những luận điểm của Sam Harris (và những tác giả khác) về cùng một chủ đề đang gây rất nhiều tranh cãi từ hàng nghìn năm nay kể từ khi Ki-tô giáo ra đời: Có hay không một (hay nhiều?) đấng Thượng đế mà hàng tỉ người đang tin, đang tranh dành phần phải về mình bằng cách chỉ trích, nhục mạ thậm chí thù hận giết hại nhau vì niềm tin, cách thờ phượng khác biệt. Ðể nhân qua đó, suy nghĩ về ảnh hưởng của sự cuồng tín tôn giáo đối với nền văn minh nhân loại hiện nay như thế nào. Thiết tưởng bản dịch “Thư cho một quốc gia Ki-tô giáo “ này sẽ góp phần rộng đường thông tin, sáng tỏ thêm cho độc giả Việt Ngữ về chủ đề này.
Trân trọng.

Lê Quốc Tuấn


CHÚ THÍCH GỞI ÐỘC GIẢ

Sau khi xuất bản cuốn sách đầu tiên của tôi Tận Cùng của Đức Tin (The End of Faith), hàng ngàn người đã viết rằng tôi sai lầm khi không chịu tin vào Thiên chúa. Căm phẫn gay gắt nhất của những trao đổi này đã đến từ những người Ki-tô giáo. Ðiều này thật mỉa mai, bởi vì người Ki-tô giáo luôn tưởng tượng rằng không có đức tin nào truyền đạt được đức hạnh yêu thương và thứ tha hiệu quả hơn đức tin của họ. Sự thật lại là nhiểu người vốn tự nhận mình được cảm hóa bởi Thiên chúa lại thiếu khoan dung đến mức khắc nghiệt, thậm chí triệt hạ lẫn nhau trong bình phẩm. Dù chúng ta muốn quy lỗi việc này cho bản tính tự nhiên của con người, nhưng rõ ràng là sự thù ghét ấy đã tìm được sự ủng hộ một cách đáng kể từ cuốn Kinh thánh. Làm sao tôi biết được điều này ? Bởi vì những phần gây khó chịu nhất của tôi luôn trích dẫn các tiết, chương từ Kinh thánh.

Dù cuốn sách này chủ ý dành cho độc giả của mọi đức tin, nhưng nó đã được viết dưới hình thức một bức thư gởi một người Ki-tô giáo. Trong đó, tôi trả lời nhiều tranh luận mà người Ki-tô giáo từng đưa ra nhằm bảo vệ niềm tin vào đạo giáo của họ. Mục đích chính của cuốn sách này là để vũ trang cho những người thế tục trong xã hội của chúng ta, những người tin rằng tôn giáo nên đứng bên ngoài các chính sách công cộng, ngược lại với các đối thủ của họ bên Ki-tô giáo cánh hữu. Kết quả là, “Người Ki-tô giáo” mà tôi nhắm đến xuyên suốt cuốn sách, là một người Ki-tô giáo trong nghĩa hẹp của phạm trù này. Người ấy, chính là người ít nhất đã tin rằng cuốn Thánh kinh là những lời cảm hứng của Thiên chúa và chỉ những ai chấp nhận sự thiêng liêng của Jesus Christ mới có thể hưởng được sự cứu rỗi sau khi chết đi. Hàng chục khảo cứu khoa học cho thấy già nửa dân số Mỹ tin vào một niềm tin như thế. Tất nhiên, những hứa hẹn ảo tưởng ấy không hề ám chỉ riêng một loại Ki-tô giáo nào. Những người bảo thủ thuộc tất cả các giáo phái – Công giáo, Thệ phản giáo dòng chính, phái Phúc âm, Báp tít, Pentecostals, Nhân chứng Jê-hô-va và còn nhiều giáo phái khác nữa - đều được nhắc đến trong cùng một giá trị ngang bằng nhau trong các lập luận của tôi. Niềm tin của những người bảo thủ Ki-tô giáo này, như đã từng được rộng rãi biết đến, đang đặc biệt ảnh hưởng lên các bàn luận cấp quốc gia của chúng ta – trong pháp đình, trường học và trong tất cả các cấp chính phủ ngày nay.

Trong Thư gửi một Quốc Gia Ki-tô giáo, tôi đã sắp xếp để đánh đổ tính tự phụ lố lăng về đạo đức và trí thức của người Ki-tô giáo trong các hình thức thẳng thắn nhất. Hậu quả là, những người Ki-tô tự do và ôn hòa sẽ không nhận ra mình trong ý nghĩa “Ki-tô giáo” mà tôi đề cập đến. Tuy nhiên, họ nên nhận ra điều ấy trong một trăm năm mươi triệu hàng xóm láng giềng của họ. Tôi hơi phân vân rằng những người tự do và ôn hòa cũng nhìn ra các khẳng định kỳ quặc của những người Ki-tơ giáo hữu khuynh như tôi nhìn thấy. Tuy nhiên, tôi hy vọng họ cũng sẽ bắt đầu nhìn thấy rằng sự tôn trọng mà họ đòi hỏi cho các niềm tin tôn giáo của họ đã tạo ra chỗ ẩn nấp cho những kẻ cực đoan của tất cả các đức tin khác. Mặc dù những người tự do và ôn hòa không hề đâm máy bay vào các tòa cao tầng hay tổ chức đời sống của mình theo các lời tiên tri về sự hủy diệt, họ cũng hiếm khi đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc nuôi dạy một đứa trẻ nhằm hướng chúng đến niềm tin rằng mình là Ki-tô giáo, Hồi giáo hay Do Thái giáo. Ngay cả những đức tin tiến bộ nhất cũng đang ngầm giúp vào sự phân rẽ tôn giáo trong thế giới chúng ta. Tuy nhiên, trong Thư Gửi một Quốc gia Ki-tô Giáo, tôi trình bày Ki-tô giáo trong sự thoái hoá, phân rẽ và tổn thương nhất của tôn giáo này. Ở đấy, người tự do, ôn hòa và những người không theo một tôn giáo nào có thể nhận thấy một nguyên nhân chung của lý do ấy.

Dựa theo một thăm dò mới nhất của viện Gallup, chỉ có 12 phần trăm người Mỹ tin rằng sự sống trên địa cầu đã tiến hóa qua một quá trình tự nhiên, không hề có sự can thiệp của một đấng thần thánh nào. Ba mươi mốt phần trăm tin rằng tiến hoá đã được “hướng dẫn bởi Thiên chúa”. Nếu mang bỏ phiếu, thì khái niệm về “thiết kế thông minh” sẽ thắng thế giới quan của chúng ta gần như ba ăn một. Ðiều này thật đáng lo, khi mà thiên nhiên không hề đem lại một chứng cứ thuyết phục nào cho một nhà thiết kế thông minh, mà chỉ đem đến vô số không kể hết được những thí dụ về sự thiết kế không thông minh. Tuy nhiên, trong cuộc tranh cãi đương thời về “Thiết kế thông minh” chúng ta không nên tự lóa mắt mình vào niềm hoang mang tôn giáo đang thực có vào buổi bình minh của thế kỳ hai mươi mốt. Cũng khảo sát trên của Viện Gallup cho thấy 53 phần trăm người Mỹ thực sự là những người tin theo thuyết sáng thế. Ðiều này có nghĩa là bất chấp những thấu hiểu khoa học của cả một thế kỷ đã chứng thực được tình trạng cổ xưa của sự sống và tình trạng cổ xưa hơn nhiều của địa cầu, hơn nửa láng giềng của chúng ta tin rằng toàn bộ vũ trụ đã được tạo nên từ sáu ngàn năm trước. Thời gian này, nhân tiện mà nói, là vào khoảng một ngàn năm sau khi người Summerian sáng tạo ra keo dính. Những người có quyền bầu cử chọn lựa vị tổng thống và các nghị sĩ quốc hội của chúng ta – và nhiều người trong số đó đã được đắc cử – tin rằng loài khủng long từng sống từng đôi trên con thuyền của Noah, tin rằng ánh sáng từ những ngân hà xa xôi đã được tạo nên trên đường đến trái đất, và tin rằng các thành phần đầu tiên của chủng loại chúng ta đã được nặn ra từ đất cát và hơi thở của thần thánh, trong một khu vườn có con rắn biết nói, từ đôi tay của một Thiên chúa không nhìn thấy được.

Giữa các quốc gia phát triển, nước Mỹ đứng lẻ loi một mình trước những cáo buộc này. Chưa bao giờ trong lịch sử của Mỹ mà đất nước chúng ta đã xuất hiện như một anh khổng lồ hay gây gổ, ì ạch và ngu độn như hiện nay. Bất cứ ai, ngay cả người bạn, đồng minh của mình, quan tâm đến sinh mệnh sống còn của nền văn minh, cũng sẽ phải vất vả để nhận ra rằng sự phối hợp của một quyền lực lớn lao với sự xuẩn ngốc vĩ đại thì đơn giản là một điều đáng kinh sợ.

Tuy nhiên, sự thật chính là nhiều người trong chúng ta không hề lo lắng gì đến vận mệnh của nền văn minh. Bốn mươi bốn phần trăm dân số Mỹ tin rằng Jesus sẽ trở lại để phán xét người sống và kẻ chết vào lúc nào đó trong năm mươi năm tới. Theo diễn giải phổ biến nhất từ khải huyền trong kinh thánh, Jesus sẽ chỉ trở lại khi mọi thứ đã trở nên hư hỏng tồi tệ ở thế gian này. Vì thế, chẳng phải là sự phóng đại khi nói rằng nếu thành phố Nữu Ước đột nhiên biến thành một quả cầu lửa, một phần đáng kể dân chúng Mỹ có thể nhìn ra một lằn chớp bạc trong biển khói hình nấm, như họ đã từng được nhắc bảo về điều mong đợi tuyệt vời nhất đang sắp xảy đến: sự trở lại của Chúa. Thật là một sự đui mù hiển nhiên rằng những niềm tin đại loại như thế có thể giúp chúng ta chút ít gì vào việc tạo nên một tương lai vững bền cho chúng ta về xã hội, kinh tế, môi trường hay địa lý chính trị. Thử tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao nếu một bộ phận quan trọng trong chính phủ Mỹ thực tin rằng thế giới sắp tận thế và sẽ tận thế trong một sự huy hoàng. Sự thật là gần một nửa dân chúng Mỹ thực sự tin vào điều này, hoàn toàn chỉ từ các căn bản của một chủ thuyết tôn giáo, đáng xem là một tình trạng khẩn cấp cho đạo đức và tri thức. Cuốn sách mà các bạn sắp đọc đây chính là lời giải đáp của tôi cho tình trạng khẩn cấp này. Tôi chân thành mong mỏi quý bạn tìm được sự hữu ích từ đấy.

Sam Harris-Ngày 1 Tháng Năm 2006-Nữu Ước

Thư Gửi một Quốc gia Ki tô giáo

Bạn tin Thánh kinh là lời của Thượng đế, Jesus là con trai của Thượng Ðế và bạn tin rằng chỉ những ai tin vào Jesus mới tìm được sự cứu rỗi sau khi chết đi. Là một người Ki-tô giáo, bạn tin vào những tiền đề này không phải chỉ vì chúng làm cho bạn cảm thấy tốt lành mà chính là vì bạn nghĩ rằng những tiền đề này đúng. Trước khi tôi vạch ra những vấn nạn của các loại niềm tin này, tôi xin được minh xác rằng có nhiều luận điểm mà tôi và quý bạn đồng ý. Thí dụ như, chúng mình đồng ý rằng nếu như một trong hai chúng ta đúng, người kia ắt phải là sai. Cuốn Thánh kinh hoặc chính là lời của Thượng đế hoặc không phải. Jesus là đấng mang đến cho con người một con đường giải thoát duy nhất đúng ( John 14:6) hoặc ông không phải là một đấng như thế. Chúng ta đồng ý rằng để thành một người Ki-tô giáo chân chính là phải tin tưởng một cách sâu sắc rằng tất cả các niềm tin khác là sai lầm. Nếu Ki-tô giáo là đúng và tôi vẫn duy trì niềm tin riêng của tôi, thì tôi sẽ phải bị đọa vào địa ngục khổ hình. Ghê gớm hơn, nếu tôi khuyến dụ người khác, và nhiều người quanh tôi, chối từ ý tưởng thuần túy của Thượng đế, thì cả họ (những người nghe theo tôi) sẽ sa vào “hỏa ngục đời đời” (Matthew 25:41). Nếu cái học thuyết căn bản của Ki-tô là đúng, thì chính tôi đã làm hỏng đời mình trong một phương cách thê thảm nhất có thể tưởng tượng ra được. Tôi phải nhận lấy sự tệ hại này mà không hề được cảnh báo trước. Chính sự chối bỏ Ki-tô giáo công khai, liên tục mà không gây cho mình một mảy may lo lắng nhỏ nào của tôi đã giúp bạn hiểu được tôi đã coi những lý do khiến bạn trở nên một người Kitô giáo là không chính đáng đến mức nào.

Dĩ nhiên, cũng có những người Ki-tô giáo không đồng ý với cả hai chúng ta. Có những người Ki-tô giáo nhìn nhận rằng những niềm tin khác cũng có các giá trị ngang nhau trong các phương cách cứu rỗi con người. Có những người Ki-tô giáo không tin vào địa ngục và sự sống lại của Jesus. Những người Ki-tô giáo này thường tự nhận mình như là những người “Tự do tôn giáo” hay “Ôn hòa Tôn giáo”. Từ các góc nhìn của họ, cả hai chúng ta đều hiểu sai về những ý nghĩa tạo nên một con người của đức tin. Chúng ta được đảm bảo rằng, giữa những người vô thần và những người tôn giáo chính thống có một khu vực bao la, đẹp đẽ mà những nhà tư tưởng thuộc Ki-tô giáo đã lặng lẽ thám hiểm qua nhiều thế hệ. Ðức tin, theo những người tự do và những người ôn hòa, là tình yêu thương, điều thần bí, có ý nghĩa và cùng chia xẻ. Quần chúng tạo nên tôn giáo từ gấm vóc của đời sống chứ không phải chỉ từ những đức tin thô thiển.

Tôi đã từng viết ở một nơi khác về những vấn đề tôi nhìn ra từ những người tôn giáo tự do và những người tôn giáo ôn hòa. Ở đây, chúng ta chỉ cần quan sát vấn đề đặt ra đơn giản và cấp bách hơn là những điều mà những người tự do, ôn hoà tưởng. Thánh kinh, chỉ là cuốn sách bình thường đã được viết nên bởi những người quá vãng, hoặc không phải là như thế. Thiên chúa là đấng thiêng liêng, hoặc là ngược lại. Nếu Thánh kinh là một cuốn sách thông thường và Thiên chúa là một con người thông thường thì lịch sử thần học của Ki-tô giáo chỉ là câu chuyện của những nhà mọt sách cùng phân tích một ảo tưởng chung. Nếu những tín điều cơ bản của Ki-tô giáo là đúng, ắt phải có những ngạc nhiên không lay chuyển được từ những người như chính tôi. Quý bạn hiểu được như thế. Tối thiểu có hơn một nửa dân chúng châu Mỹ hiểu được như thế. Do đó, chúng ta hãy tự chân thật với chính mình rằng: đến một lúc chín mùi, sẽ có một phe thật sự thắng cuộc tranh luận này và phía bên kia thật sự phải thua.

NGHĨ XEM: Mỗi người Hồi Giáo sùng tín đều có chung những lý lẽ như nhau về việc họ là nguời Hồi Giáo, tương tự như những lý do chung mà quý bạn có về lý do vì sao bạn là người Ki-tô giáo. Tuy rằng bạn không nhìn thấy sự thuyết phục của những lý lẽ khác với mình. Kinh Koran lập đi lập lại rằng chính đấy mới là những lời toàn thiện nhất của đấng tạo nên vũ trụ. Người Hồi Giáo tin tưởng mạnh mẽ vào điều này như bạn tin tưởng vào chính giá trị của Thánh kinh vậy. Có rất nhiều áng văn chương đã mô tả cuộc đời của Muhammad, theo quan niệm của Hồi Giáo, chứng minh rằng ông ta mới là tiên tri của Thượng đế. Muhammad cũng đã đảm bảo với những người tin theo mình rằng Jesus không phải là bậc thánh thần (Koran 5:71-75;19:30-38), và kẻ nào không tin vào điều ấy sẽ phải đọa vào địa ngục mãi mãi. Người Hồi Giáo tin rằng ý kiến của Muhammad về sự việc này và các sự việc khác là không thể sai lầm.

Tại sao quý bạn lại không thể mất ngủ để băn khoăn về việc cải đạo qua Hồi Giáo? Bạn có thể chứng minh Allah không phải là đấng Thượng đế thực hay không? Bạn có thể chứng minh được việc không hề có chuyện thiên sứ Gabriel đến thăm Muhammad trong hầm của ông ấy không? Dĩ nhiên là không. Vả lại, bạn cũng không cần phải chứng minh những điều như thế để chối từ niềm tin của người Hồi Giáo như những điều tầm phào. Trách nhiệm là của chính những người theo Hồi Giáo phải minh chứng cho giá trị niềm tin của họ vào Thượng đế và Muhammad. Nhưng người Hồi Giáo đã không hề chứng minh gì. Họ không thể làm được. Ðơn giản là những người Hồi Giáo đã không viện dẫn được gì từ thực tại vốn không thể minh chứng được gì cho họ. Ðiều này là một sự rõ ràng hiển nhiên cho những ai đã không để mình bị mê hoặc bởi những tín điều của Hồi Giáo.

Sự thật là, bạn rất hiểu tại sao phải trở nên một người vô thần trước các niềm tin của người Hồi Giáo. Thế chẳng hóa ra người Hồi Giáo khờ khạo cả hay sao? Thế chẳng hoá ra những ai tin rằng cuốn Koran là lời thực của đấng sáng tạo nên vạn vật là những người đã không đọc cuốn Koran đàng hoàng? Thế chẳng hoá ra học thuyết của Hồi giáo chính là một trỏ ngại cho sự truy tìm chân lý ? Ðúng, những điều này thật là hiển nhiên. Quý bạn nên hiểu rằng phương cách mà quý bạn nhìn về Hồi giáo cũng chính xác là cách người sùng tín Hồi giáo nhìn về Ki-tô giáo. Và đó cũng là phương cách mà tôi nhìn về các tôn giáo khác.

Sự thâm thúy của Thánh kinh.

Bạn tin Thánh kinh là một cội nguồn vô địch cho các điều tốt lành của nhân loại. Bạn tin rằng Jesus đã giảng dạy về các phẩm hạnh yêu thương, bác ái và vị tha hay hơn tất cả những bậc thầy hằng sống trên thế gian. Bạn tin rằng cuốn Thánh kinh là một cuốn sách sâu sắc nhất từng có, và nội dung của cuốn sách này đã được thử thách bởi thời gian rằng nó chắc chắn đã được sáng tạo một cách thiêng liêng. Tất cả những niềm tin này là sai lầm.

Vấn đề của đạo đức là các vấn đề về hạnh phúc và khổ đau. Ðó là lý do vì sao mà tôi và bạn không hề có trách nhiệm đạo đức đối với loài sỏi đá. Vấn đề đạo đức được đặt ra tùy thuộc vào mức độ mà các hành vi của chúng ta ảnh hưởng tốt hay xấu đến các sinh loài khác. Ý niệm rằng Thánh kinh là một cẩm nang tốt nhất cho đạo đức thật đáng kinh ngạc, nếu căn cứ vào nội dung của cuốn sách này. Phải công nhận rằng những lời khuyên của Thượng đế cho các bậc phụ huynh rất là thẳng thắn : Khi nào trẻ đi ra ngoài khuôn phép, cần phải đánh bằng roi. (Proverbs 13:24, 20:30 và 23:13-14). Nếu chúng dám cãi lại, ta cần giết bỏ chúng đi (Lecviticus 20:9, Deuteronomy 21:18-21, Mark 7:9-13 và Matthew 15:4-7). Chúng ta cũng cần phải ném đá cho chết những ai phạm tội theo dị giáo, ngoại tình, đồng tính luyến ái, làm việc vào ngày Sabbath, thờ phượng những ảnh tượng, hành nghề phù thủy và một loạt các tội ác tưởng tượng khác. Dưới đây chỉ là một thí dụ về sự thông thái muôn đời của Thiên chúa:

Nếu anh em của ngươi, con trai của mẹ ngươi, hay con trai, con gái của ngươi, người vợ ôm ấp của ngươi, bạn thân như chính bản thân mình của ngươi, bí mật lén lút cám dỗ ngươi mà nói rằng “ Chúng ta hãy đi phụng thờ các thần chúa khác”,… ngươi không được ưng thuận, nghe lời hay nhường bước chúng nó, không được thương hại chúng, không được tha thứ chúng, không được dấu giếm bao che chúng mà phải giết chúng đi. Tay ngươi phải là bàn tay đầu tiên trước tất cả mọi người khác để giết chúng chết đi. Nó phải chết bởi vì đã tìm cách lôi kéo ngươi xa khỏi đất Ai cập, rời khỏi cảnh nô lệ… Nếu ngươi nghe thấy, nơi một trong những thành mà Thiên chúa đã ban cho ngươi để ở, rằng có những kẻ phát xuất từ các ngươi và lôi kéo dân cư mà bảo rằng “Mình hãy đi thờ phụng những thần chúa khác” những thần, chúa mà ngươi không được biết thì các ngươi phải điều tra, xem xét, tra hỏi kỹ lưỡng để chắc rằng đã có điều đáng ghê tởm như thế từng được thực hiện giữa các người, thì chắc chắn rằng ngươi phải đặt những cư dân ấy dưới lưỡi gươm, hủy diệt đến tận cùng, tất cả mọi người trong thành cùng nhà cửa dinh thự.
DEUTERONOMY 13:6,8-15

Nhiều người Ki-tô giáo tin rằng Jesus đã bị giết chết với tất cả sự dã man như thế này trong sự tàn bạo nhất có thể tưởng tượng được để mang lại một học thuyết về tình yêu thưong thuần khiết và thứ tha. Không, Jesus đã không làm như thế. Mà thực sự là, theo một số đoạn ghi trong Tân Ước, người đọc có thể nhìn ra Jesus đã ca tụng toàn bộ luật pháp của thời Cựu ước.

Thật sự, ta bảo các ngươi, cho đến khi thiên đàng và trần thế tan biến đi, không một dấm chấm nhỏ trong lề luật có thể đưọc bỏ qua cho đến khi mọi sự được hoàn tất. Ai nương nhẹ dù một điều nhỏ nhất trong những điều răn ấy và dạy bảo người khác làm như thế, sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong nước thiên đàng. Ai làm theo và dạy bảo người khác làm theo sẽ được gọi là lớn lao trong nước thiên đàng. Vì, ta bảo ngươi, nếu ngươi không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisees, các ngươi sẽ chả bao giờ được vào nước thiên đàng
MATTHEW 5:1, 8-20

Các tông đồ cũng đã thường xuyên nhắc lại chủ đề này (thí dụ, xem 2 Timothy 3:16-17). Dĩ nhiên quả đúng là Jesus có từng nói đến những điều sâu sắc về yêu thương, lòng nhân hậu và thứ tha. Khuôn vàng Thước ngọc thực là một lời giáo huấn tuyệt vời. Nhưng trước Jesus hàng nhiều trăm năm, có vô số những bậc thầy (Zoroaster, Buddha, Confucius, Epictetus…) từng mang đến những hướng dẫn tương tự và biết bao văn, kinh bản từng luận bàn về tình yêu thương tự cảm hóa rõ ràng, rành mạch hơn cuốn Kinh thánh, vốn lại còn bị nhơ nhớp bởi sự tán dương một cách khiêu dâm về sự tàn bạo mà chúng ta có thể tìm thấy đầy suốt các cuốn sách tân và cựu ước. Nếu bạn quan niệm Ki-tô giáo là sự diễn đạt trung thực và trong sạch nhất của tình yêu thương và lòng bác ái thì chính là bạn đã không biết gì nhiều về các tôn giáo khác trên thế giới.
Hãy lấy giáo phái Jainism làm một ví dụ. Những người theo đạo Jains đã rao giảng một học thuyết về sự bất bạo động tuyệt đối. Tuy người đạo Jains tin vào nhiều điều không thể có về vũ trụ, nhưng họ không tin vào các thứ đã khiến gây ra những ngọn lửa thiêu của các tòa dị giáo. Có thể bạn cho rằng tòa dị giáo là một loại xuyên tạc tinh thần “chính trực” của Ki-tô giáo. Có thể là như thế thật. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là, sự rao giảng của Thánh kinh đã quá lộn xộn và tự mâu thuẫn đến mức tạo nên việc người Ki-tô giáo đã sung sướng nướng sống những người dị giáo suốt năm thế kỷ dài. Ðã khiến cả các bậc giáo phụ trong nhà thờ, như thánh Augustine, thánh Thomas Aquinas đi đến kết luận rằng những người dị giáo thật đáng bị hành hạ (Augustine) hay giết ngay đi (Aquinas). Martin Luther và John Calvin đã bào chữa cho việc tàn sát hàng loạt những người dị giáo, kẻ bỏ đạo và các mụ phù thủy. Dĩ nhiên, bạn cũng có quyền tự do giải thích Thánh kinh theo cách khác – Song le, tưởng không có gì đáng ngạc nhiên hơn, khi hầu hết các tư tưởng gia có uy tín trong lịch sử đức tin của bạn thất bại thì bạn lại đang thành công trong nhận thức sâu sắc về những gì thực sự được rao giảng của Ki-tô giáo. Dĩ nhiên, nhiều người Ki-tô giáo tin rằng một con người không hại ai như Martin Luther King Jr. là một minh chứng sáng ngời cho tôn giáo của mình. Nhưng chuyện này đã mang lại một vấn nạn lớn, bởi vì học thuyết của đạo Jainism chính thực là một hướng dẫn khách quan tốt để trở nên một con người như Martin Luther King Jr. hơn là học thuyết của Ki-tô giáo. Dù Martin Luther King Jr. tự nhận chắc chắn mình là một người Ki-tô sùng kính, thực ra ông đã thủ đắc được lòng tận tụy của mình đối với tư tưởng bất bạo động chính yếu từ những bài viết của Mohandas K. Ghandhi. Năm 1959, ông còn đến Ấn độ để học hỏi những nguyên tắc phản kháng bất bạo động trực tiếp từ các môn đệ của Ghandhi. Ghandhi, một người Ấn độ giáo đã có học thuyết bất bạo đông từ đâu? Ngài đã tìm được từ người Jains.

Nếu bạn nghĩ rằng Jesus đã chỉ dạy các Khuôn vàng Thước ngọc và tình yêu thương hàng xóm láng giềng mình thì bạn nên đọc Tân Ước. Ðặc biệt chú ý đến cái đạo đức hiển lộ khi Jesus trở lại thế gian trong các vầng mây của ánh hào quang :

Thượng đế đã cho thấy để trả lại đau buồn cho những ai gây cho ngươi buồn đau… Khi chúa Jesus hiện ra trên thiên đàng với các thiên thần hùng mạnh trong ánh lửa đỏ, để trừng trị, báo thù những kẻ không biết đến thiên chúa và những kẻ không tuân phục lời phúc âm của chúa Jesus. Chúng sẽ phải chịu sự trừng phạt bằng sự hủy diệt đời đời và gạt bỏ chúng ra khỏi sự hiện diện của chúa và ánh hào quang sức mạnh của người…
2 THESSALONIANS 1:6-9

Nếu người nào không tuân phục ta, y sẽ bị ném bỏ như một cành cây và khô héo đi; cà những nhánh cây khô ấy sẽ bị gom lại, bỏ vào lò lửa mà thiêu đi.
JOHN 15:6

Nếu chỉ lấy một nửa tính cách của Jesus thôi, ta có thể đánh giá được các hành vi của Thánh Francis của Assisi hoặc Martin Luther King Jr., lấy nửa còn lại kia có thể thanh minh được cho các tòa dị giáo. Ai tin rằng Thánh kinh đem lại những chỉ hướng tốt nhất cho chúng ta về các vấn đề đạo đức chắc phải có những ý tưởng rất lạ lùng, kỳ quặc, hoặc về đạo đức hoặc về sự hướng đạo.

ÐỂ TRUY CẬP vào sự thâm thúy đạo đức của Thánh kinh, sẽ rất bổ ích nếu chúng ta xem xét đến các câu hỏi về đạo đức đã từng được giải đáp vốn thỏa mãn nhiều người. Cả thế giới văn minh ngày nay đồng ý rằng nô lệ là một điều đáng kinh tởm. Vậy, hãy xem loại hướng dẫn đạo đức nào mà chúng ta có thể học được từ Thiên chúa của Abraham? Tham khảo Thánh kinh, bạn sẽ tìm thấy rằng đấng tạo ra vũ trụ này thật sự muốn chúng ta giữ nô lệ :

Ðối với các nô lệ nam cũng như nữ mà các ngươi sẽ có: ngươi có thể mua
nô lệ nam, nữ từ những nước lân bang chung quanh ngươi. Ngươi cũng có thể
mua từ trong những kẻ lạ tạm trú cùng ngươi và từ gia đình của chúng đang ở cùng ngươi, những kẻ có thể đã sinh ra trong cùng đất đai với ngươi, và chúng sẽ là tài sản sở hữu của ngươi. Ngươi có thể để lại cho con trai ngươi, có thể thừa kế như một tài sản vĩnh viễn của mình; các ngươi có thể tạo chúng thành nô lệ, nhưng trong trong vòng đồng hữu dân Do thái ngươi không được thống trị hà khắc.
LEVITICUS 25:44-46

Cuốn Thánh kinh cũng chỉ rõ rằng mọi người – khi có hội đủ một số điều kiện đúng đắn - đều được tự do bán con gái của chính mình vào vòng nô lệ tình dục:

Khi một người bán con gái của mình làm nữ nô, y thị không được đi ra ngoài như những kẻ nô lệ nam. Nếu y thị không làm vừa lòng chủ, người đã chỉ định y cho chính mình, thì người chủ này sẽ để cho y được chuộc; người chủ này không được bán y cho người ngoại quốc, vì như thế là người ấy đã cư xử vô tín với y thị. Nếu người ấy muốn dành y thị cho con trai mình, y sẽ cư xử với y thị như đối với con gái mình. Nếu người ấy lấy thêm một người vợ khá, người ấy không được giảm đi lương thực, y trang, và quyền làm vợ của người vợ trước. Và nếu người ấy không thực hiện được ba điều trên, y thị có thể ra đi không phải trả lại tiền bạc gì.
EXODUS 21:7-11

Sự kiềm chế duy nhất của Thiên chúa trong việc dạy dỗ về nô lệ là chúng ta không được đánh đập nô lệ quá đáng đến nỗi hỏng mắt hoặc gãy răng họ (Exodus 21). Ðây quả thật không phải là loại đạo đức sáng suốt vốn đưa đến sự cáo chung chế độ nô lệ ở nước Mỹ.

Không có một chỗ nào trong sách Tân ước cho thấy Jesus chống lại việc thực hành nô lệ. Thánh Paul còn răn dạy các nô lệ phục vụ người chủ cho tốt, và phục vụ người chủ Ki-tô giáo của họ tốt hơn thế:

Nô lệ, các ngươi hãy tuân lời người chủ của ngươi trên thế gian với sự run sợ, trong toàn tâm ý, như đối với Ki tô vậy …
EPHESIANS 6:5
Hãy để cho chúng, những kẻ đang trong ách gông của nô lệ, trông đến người
chủ của chúng bằng tất cả danh dự, để cho danh Chúa và những lời giảng dậy không bị phỉ báng. Còn những kẻ đang có chủ là người tín hữu, thì đừng vì họ là người anh em mà xem thường, đáng lẽ họ phải phục vụ chủ tốt hơn bởi vì họ phục vụ những tín hữu và được yêu quý. Nếu ai dạy điều gì khác và không đồng ý với những lời lành mạnh của Chúa Jesus và những giảng dạy phù hợp với lòng ngoan đạo, kẻ ấy vênh váo kiêu căng, kẻ ấy không biết gì cả, kẻ ấy chỉ mang bệnh thích tranh luận và cãi chữ nghĩa, khiến sanh ganh tị, bất đồng quan điểm, vu khống, nghi hoặc…
1 TIMOTHY 6:1-4

Những chương đoạn này cho thấy rõ, trong khi những người theo chủ nghĩa bãi nô ở thế kỷ mười chín đã có được một nền đạo đức đúng đắn, thì chính là họ đang ở vào phía thua trong cuộc tranh luận thần học. Như đức cha Richard Fuller đã phát biểu năm 1845 “Những gì Thượng đế trừng phạt trong Cựu ước, để rồi lại cho phép trong Tân ước thì không thể là tội lỗi”. Ðức cha lòng lành đang vững vàng quan điểm ở đây. Không có gì trong thần học Ki-tô cứu chữa được những khiếm khuyết kinh khủng của Thánh kinh về những vấn nạn đạo đức có lẽ lớn nhất- và dễ nhất- mà xã hội chúng ta từng phải đối diện.

Ðể đáp trả, người Ki-tô quý bạn thường chỉ ra rằng những người theo chủ thuyết bãi nô đã rút ra được rất nhiều gợi ý từ Thánh kinh. Dĩ nhiên là họ đã rút ra được như vậy. Quần chúng đã lựa lọc từ Thánh kinh trong nhiều thiên niên kỷ để biện minh cho từng động cơ đạo đức hay vô đạo đức của họ. Tuy vậy, điều ấy không có nghĩa là chấp nhận cuốn kinh thánh như lời của Thượng đế là phương cách tốt nhất để hiểu ra rằng việc bắt cóc và nô lệ hóa hàng triệu con người, nam, nữ, trẻ em vô tội là một sai lầm về đạo đức. Sự kiện những người chủ trương bãi nô đã xử dụng đến một phần kinh thánh để chối từ đi các phần khác không cho thấy rằng cuốn Thánh kinh là một chỉ đạo tốt cho đạo đức. Nó cũng không đề ra được rằng nhân loại cần phải nên tham khảo một cuốn sách để mà giải quyết các vấn đề đạo đức các loại. Cái khoảnh khắc mà một con người nhận ra rằng kẻ nô lệ cũng là một con người như chính mình, có được cái năng lực như mình về hạnh phúc và khổ đau, người ấy ắt phải hiểu ra rằng việc sở hữu nô lệ và coi họ như những nông cụ là một tội ác hiển nhiên. Thật là hết sức dễ dàng cho một con người đi đến được sự tỉnh thức này, nhưng trải dài suốt thời nội chiến nam bắc, và đối với nhiều người Ki-tô giáo đạo đức giả mà đất nước này từng biết đến thì sự tỉnh thức đơn giản ấy đã phải phổ biến bằng mũi dao găm nhọn .

MƯỜI ÐIỀU RĂN của Chúa cũng là những điều đáng suy bàn trong nội dung này, khi mà dường như như hầu hết người Mỹ đều cho rằng đó là những điều không thể thiếu được cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức. Trong khi hiến pháp Hoa kỳ không hề chứa đựng một đề cập nào, và đã làm giảm giá trị của Thiên Chúa đi rất nhiều vào thời điểm soạn thảo hiến pháp nhưng nhiều người Mỹ tin rằng đất nước họ đã xây dựng trên một “nền tảng Judeo-Ki-tô giáo”. Lạ lùng thay, Mười điều răn của Chúa lại thường được viện dẫn như những chứng cớ không thể chối cãi về sự việc này. Trong khi sự thích ứng của chúng đối với lịch sử Hoa Kỳ còn là một điều đáng nghi ngờ thì sự sùng kính của chúng ta đối với những điều răn không phải là chuyện tình cờ. Những điều răn này, là những đoạn văn duy nhất trong kinh thánh, sâu sắc đến nỗi đấng tạo dựng nên vũ trụ phải đích thân mình viết lên và chạm khắc vào đá cứng. Như vậy, ai cũng tưởng rằng đấy là những dòng vĩ đại từng được viết ra, trên tất cả mọi chủ đề, bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Những dòng ấy như thế này đây. Xin hãy chuẩn bị đón nhận …
1. Ngươi không được có chúa, cha nào khác trước ta.
2. Ngươi không đươc tự tạo cho mình ảnh tượng thờ riêng.
3. Ngươi không được mang, kêu tên Chúa ra trong sự vô nghĩa
4. Phải nhớ ngày Sabbath, giữa ngày ấy được thiêng liêng.
5. Ngưoi phải phụng thờ cha mẹ ngươi.
6. Ngươi không được giết người.
7. Ngươi không được ngoại tình.
8. Ngươi không được ăn cắp.
9. Ngươi không được làm chứng gian.
10. Ngươi không được thèm muốn nhà cửa của người láng giềng, đầy tớ trai, gái, trâu, bò, lừa, hoặc bất cứ cái gì của họ.

Bốn điều huấn thị đầu chẳng có ăn nhập gì với đạo đức. Ðúng như nguyên văn, chúng có nghĩa ngăn cấm việc đi theo bất kỳ tôn giáo nào khác (như Ấn độ giáo chẳng hạn), tất cả các nghệ thuật tôn giáo khác, hoặc lầm bầm những câu như “God damn it!”, hoặc làm những việc thông thường trong ngày Sabbath - đều đáng tội chết. Chúng ta hẳn phải rất băn khoăn là làm sao mà những điều luật này có thể sống còn trong khi duy trì nền văn minh.

Ðiều răn 5 đến 9 thật có hướng vào đạo đức, mặc dù nó thật đáng nên hỏi là bao nhiêu người từng thực sự kính trọng cha mẹ, không sát nhân, ngoại tình, trộm cắp hoặc khai man nhờ vào những lời răn này. Những khuyên răn đại loại như thế có thề tìm được hầu như ở trong tất cả các nền văn hóa xuyên qua ghi chép của lịch sử. Chẳng có sự thuyết phục đặc biệt gì hơn về sự trình bày của những điều này trong Thánh kinh. Có nhiều nguyên nhân sinh học hiển nhiên cho thấy tại sao con người có khuynh hướng cư xử tốt với cha mẹ mình và cho những hành vi sát nhân, ngoại tình,trộm cắp, dối trá là những điều xấu. Ðó chính là một dữ kiện có tính khoa học- như cảm giác về sự công bằng, oán ghét hoặc tàn nhẫn- đã có trước cả Thánh kinh. Thật vậy, các nghiên cứu về tính cách cư xử của loài vượn người cho thấy rằng những tình cảm này (trong một số dạng thức) tự chúng đã có trước nhân tính. Tất cả các anh em họ hàng loài vượn người của chúng ta thường thương yêu họ hàng của chúng hơn và thường không tha thứ cho việc giết hại và trộm cắp. Chúng cũng có khuynh hướng không ưa sự lừa dối hay phản bội về dục tình lắm. Ðặc biệt, loài vượn, hiển thị rất nhiều những quan tâm có tính xã hội phức tạp mà bạn mong muốn nhìn thấy trong mối quan hệ ruột thịt của chúng ta trong đòi sống tự nhiên. Do vậy, có lẽ rằng không có gì cho thấy rằng người Mỹ trung bình sẽ nhận được những lời giáo huấn đạo đức này khi họ đọc được những ý niệm này chạm khắc trên đá khi họ đến những tòa pháp đình. Và, chúng ta làm sao để hiểu được rằng, để đem luận thuyết của mình vào được sân trong nhà thờ, đấng sáng tạo nên vũ trũ đã nghĩ rằng không có những quan tâm con người nào thúc bách hơn, lâu bền hơn các việc hoán chuyển tôi tớ và gia súc?

Nếu chúng ta muốn nghĩ đến Thiên chúa từ cuốn thánh kinh một cách nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng Ngài chưa bao giờ cho chúng ta được quyền tự do tuân thủ theo những điều răn nào chúng ta thích và lờ đi những điều còn lại. Người cũng không nói rằng khi vi phạm giới răn chúng ta có thể được giảm nhẹ các hình phạt mà Người đã đặt ra.

Nếu quý bạn nghĩ rằng sẽ khó có thể tốt đẹp hơn được nếu không có Mười điều răn như một khẳng định của đạo đức thì quý bạn nên cần phải đọc thêm nhiều kinh, sách khác. Một lần nữa, bạn không phải nhìn đâu xa ngoài chủ thuyết của Jains: những nhà sáng lập Jains đã vượt trội hơn cái đạo đức của Thánh kinh chỉ bằng một câu đơn giản: “Không được gây thưong tích, quấy nhiễu, đàn áp, nô dịch hóa, lăng nhục, gây đau đớn, hành hạ, hoặc giết hại bất kỳ sinh vật, sinh mạng nào.” Hãy thử tưởng tượng thế giới của chúng ta sẽ khác đi như thế nào nếu như Thánh kinh đã chứa đựng một nội dung như thế như là một lời giáo huấn chính. Nhân danh Thiên chúa, Ki-tô giáo đã quấy nhiễu, đàn áp và giết hại quần chúng trong nhiều thế kỷ, dựa trên căn bản của việc hiểu một cách bào chữa được bằng thần học từ cuốn Thánh kinh. Trung thành với những nguyên tắc của chủ thuyết Jain thì không thể hành xử như thế được. Vậy thì, làm sao quý bạn có thể tranh cãi rằng Thánh kinh mang đến những khẳng định trong sáng nhất cho đạo đức như cả thế giới đã từng thấy ?

Chân đạo đức

Bạn cho rằng nếu như cuốn thánh kinh không được coi là lời của Thiên chúa thì sẽ không có được một tiêu chuẩn chung cho đạo đức. Nhưng chúng tôi có thể dễ dàng nghĩ ra những cội nguồn khách quan của hệ thống đạo đức mà không hề cần đến sự hiện hữu của đấng Thiên chúa để ban hành pháp luật. Bởi lẽ để có thể trở thành những chân lý đạo đức khách quan đáng được biết đến, chỉ cần biết cái hạnh phúc trên thế gian ấy đã đạt được bằng các phương cách tốt đẹp hay xấu xa.

Nếu như có một thứ lề luật tâm lý nào có thể khống chế được hạnh phúc của con người thì kiến thức của các luật lệ này đã có thể mang lại được căn bản lâu dài cho nền đạo đức khách quan. Dù chúng ta chưa có được cái gọi là hiểu biết khoa học và cuối cùng của đạo đức con người nhưng có lẽ không thể sai khi bảo rằng hãm hiếp và giết hại láng giềng không thể là một trong những yếu tố chính của căn bản đạo đức ấy. Tất cả những gì thuộc kinh nghiệm của con người đã chỉ ra rằng yêu thương dẫn đến hạnh phúc nhiều hơn là oán ghét. Đây là một sự thật khách quan về tinh thần con người, tính năng động của các mối quan hệ xã hội và về trật tự đạo đức của thế giới chúng ta. Thất là hiển nhiên và rõ ràng để nói rằng Hitler đã sai lầm về các phạm trù đạo đức mà không cần phải tham cứu vào kinh sách gì.

Trong khi yêu thương kẻ khác chắc chắn là nguồn gốc lớn nhất cho hạnh phúc của chúng ta, chúng còn dẫn đến mối quan tâm sâu xa đến hạnh phúc và khổ đau của người mình thương yêu. Do vậy, sự kiếm tìm hạnh phúc của mình, mang lại nhân tố căn bản cho việc hy sinh và quên mình. Không còn phải nghi ngờ gì nữa rằng, hết lòng hy sinh cho sự tốt lành của tha nhân chính là yếu tố cần thiết để chính mình cảm thấy an vui sâu sắc hơn. Ai cũng có thể thành tựu được những quan hệ như thế mà không cần phải tin vào những bằng chứng vốn thiếu sót. Nhiều điểm trong sách Phúc âm, Jesus rõ ràng bảo ban chúng ta rằng tình yêu thương có thể chuyển hóa đời sống con người. Chúng ta không cần phải tin rằng người đã được sinh ra từ một trinh nữ, hoặc người sẽ trở lại trần gian như một siêu nhân để thẩm thấu lời bảo ban này của Người vào lòng mình.

Một trong những ảnh hưởng nguy hại nhất của tôn giáo chính ở chỗ là tôn giáo có khuynh hướng ly dị đạo đức khỏi thực tại đau khổ của con người và vạn vật. Tôn giáo cho phép con người tưởng rằng các quan tâm của mình là đạo đức dù chúng thực không phải như thế – có nghĩa là, chúng không hề có quan hệ gì đến sự an ủi và khổ đau. Hơn nữa, tôn giáo còn cho phép con người tưởng rằng các quan tâm của mình là đạo đức trong khi chúng thật sự là hết sức vô đạo đức- nghĩa là, khi việc bám chặt vào những quan tâm ấy của họ đã gây nên những khổ đau kinh hoàng không cần thiết lên nhân loại vô tội. Điều này giải thích lý do tại sao những Ki-tô hữu như quý bạn đã dùng nhiều năng lực “đạo đức” để chống phá thai hơn là nạn diệt chủng. Chính điều này giải thích nguyên nhân vì sao quý bạn quan tâm đến phôi thai con người hơn là các triển vọng cứu người từ các khảo cứu về stem-cell. Và, giải thích được lý do vì sao quý bạn cầu nguyện nhằm chống lại việc xử dụng bao cao su ở ngoại ô Saharan Phi Châu dù hàng triệu người đang chết vì AIDS ở đấy mỗi năm.

Quý bạn tin rằng tôn giáo của mình quan tâm đến tình dục, với tất cả sự bao la buồn chán của dục tình, có cái gì đó liên quan đến đạo đức. Thực tế, các nỗ lực ngăn chặn hành vi tính dục của việc ngoại tình- ngay cả việc can ngăn con cái bạn không được quan hệ thân xác trước hôn phối- cũng chưa từng bao giờ hướng đến việc giảm thiểu đau khổ của con người. Thực tại còn cho thấy, việc giảm thiểu đau khổ của con người đứng hàng khá thấp trong các ưu tiên của bạn. Trông có vẻ như ưu tiên hàng đầu của bạn chính là về việc đấng tạo dựng ra vũ trụ bị mếch lòng về những chuyện mà con người thực hiện trong khi trần truồng. Sự quan tâm với bộ tịch đoan trang kiểu cách này của bạn đã đóng góp thường nhật vào nỗi khốn khổ của nhân loại .

Thí dụ như, thử nghĩ về bệnh dịch HPV (Human papillomavirus). Hiện nay HPV là căn bệnh dễ lây lan nhất qua đường giao hợp ở nưóc Mỹ. Virus bệnh này lây nhiễm hơn nửa dân số Hoa kỳ, gây tử vong cho hơn năm nghìn phụ nữ qua bệnh ung thư cổ tử cung; hơn hai trăm ngàn người chết hàng năm theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát Tật bệnh (Center for Disease Control). Hiện nay, chúng ta có thuốc chủng ngừa bệnh HPV hiệu quả và an toàn. Hơn sáu ngàn phụ nữ qua vòng thí nghiệm dùng thử đã cho kết quả miễn nhiễm đến 100%. Thế nhưng, những người Ki-tô giáo bảo thủ trong chính phủ của chúng ta đã phản đối chương trình chủng ngừa với lập luận rằng HPV là một ngăn cản có giá trị cho việc liên hệ xác thịt trước hôn nhân. Quý ông bà đạo đức giả này muốn bảo quản bệnh ung thư cổ tử cung để thúc đẩy việc kiêng cữ, ngay cả có phải hy sinh đến mạng sống của hàng ngàn phụ nữ hàng năm.

Không có gì là sai trái khi khuyến bảo các cô gái mới lớn nên tránh đừng quan hệ tình dục. Nhưng chúng ta biết rõ và không còn nghi ngờ gì nữa rằng chỉ dạy dỗ việc kiêng cữ không thôi thì không đủ để ngăn ngừa việc thiếu niên có thai, hoặc ngăn chặn các bệnh lây lan qua đường giao hợp. Thực tế là, những thiếu niên vốn chỉ được dạy dỗ sự kiêng cữ thuần túy đã trở nên ít hiểu biết đến việc xữ dụng thuốc ngừa thai khi chúng thực muốn quan hệ xác thịt, như nhiều thiếu niên đã không thể tránh khỏi. Một nghiên cứu đã cho thấy rằng trung bình, thiếu nữ “nguyện giữ trinh tiết” đã giữ được việc giao tiếp thân xác thêm mười tám tháng – trong thời gian đó, các thiếu nữ trinh tiết này có nhiều khả năng tham dự vào các gần gũi thân xác qua miệng và hậu môn hơn các thiếu nữ khác. Thiếu nữ vị thành niên ở Mỹ tham dự vào tình dục cũng nhiều như các thiếu nữ vị thành niên ở các nước phát triển khác, nhưng các thiếu nữ Mỹ có nhiều khả năng mang bầu, sinh con hoặc phá thai nhiều hơn. Giới trẽ Mỹ nhiễm HIV và các bệnh lây lan qua tình dục nhiều hơn. Giới thiếu niên ở Mỹ có tỉ lệ bệnh lậu bảy lần nhiều hơn đối với các thiếu niên ở Netherland và Pháp. Chắc chắn những việc này có liên quan đến việc 30 phần trăm chương trình giáo dục giới tính của chúng ta chỉ dậy dỗ sự kiêng cữ xuông không thôi.

Vấn để không phải ở chỗ là vì những người Ki-tô như bạn không đặt nặng quan tâm đến sự việc thiếu niên mang thai sớm và sự truyền nhiễm lây bệnh. Vấn đề ở chỗ là bạn không lo lắng đến những khổ đau gây ra bởi tình dục mà bạn lo lắng về chính tình dục. Nếu như sự kiện này cần thêm bằng chứng: Reginald Finger, một nhà truyền giáo, thành viên của Uỷ ban cố vấn CDC về Thực hiện chủng ngừa, gần đây đã thông báo rằng ông có thể tính đến việc chống lại chủng ngừa HIV – nghĩa là kết án tử đến hàng triệu người lẽ ra không phải chết hàng năm vì bệnh AIDS - bởi vì một loại chủng ngừa như thế sẽ khuyến khích các quan hệ giao hợp truớc hôn nhân vì đã làm cho chúng trở nên bớt nguy hại. Ðây là một trong nhiều quan điểm mà niềm tin tôn giáo của bạn đã trở thành sự giết người chân thật.

Nỗi băn khoăn của các bạn về việc nghiên cứu phát triển tế bào phôi thai là một sự bẩn thỉu tương tự. Đây là những sự thật: nghiên cứu về tế bào phôi thai là một trong những phát triển hứa hẹn nhất trong thế kỷ vừa qua về y học. Nghiên cứu này mang lại bước đột phá trong việc điều trị nhiều chứng bệnh hoặc thương tích mà nhân loại đang phải chịu đựng- bởi lý do đơn giản là tế bào phôi tủy sống có thể trở thành bất kỳ cơ phận nào trong cơ thể con người. Nghiên cứu này còn là một yếu tố cần thiết cho hiểu biết của chúng ta về bệnh ung thư, song song với những rối loạn của sự phát triển đa dạng. Dựa vào những thực tế này, thật là không thể có được sự thổng phồng cường điệu quá đáng về các hứa hẹn của việc nghiên cứu tế bào phôi thai tủy sống. Dĩ nhiên, đúng là sự nghiên cứu như thế này đã dẫn đến việc hủy hoại các tế bào ba ngày tuổi của con người. Đây chính là điều làm quý vị lo lắng.

Chúng ta hãy nhìn vào các chi tiết. Một cái thai con người được ba ngày tuổi là một tập hợp của 150 tế bào được gọi là một blatocyst. Để tiện so sánh, có hơn 100.000 tế bào trong não bộ của một con ruồi. Cái phôi thai con người được ba ngày tuổi bị hủy diệt trong các nghiên cứu chưa hề có não bộ hoặc ngay cả chưa có tủy. Thành ra, không có lý do gì để có thể tin rằng chúng có thể đau đớn vì bị huỷ diệt. Ở đây, trong phân tích này, cũng thích đáng để nhớ rằng khi não bộ của một con người bị chết, hiện nay chúng ta cho rằng có thể giữ lại, xử dụng được các cơ phận của người ấy (nếu như người ấy đã đồng ý cống hiến) và chôn kẻ ấy đi. Do đó, nếu cư xử với một con người có não bộ đã chết bằng một cung cách không như một người đang sống có thể chấp nhận được thì chúng ta cũng có thể đối xử với một blatocyst như thế. Nếu bạn lo lắng về những đau đớn trong vũ trụ này thì chỉ việc giết một con ruồi có thể khiến bạn vi phạm đạo đức hơn là giết hại một blastocyst.

Có thể bạn cho rằng, cái khác biệt chính yếu giữa con ruồi và cái phôi thai người là ở sự việc cái phôi thai có thể mang tiềm năng phát triển đầy đủ để thành một con người. Thế nhưng, hầu như tế bào nào trong cơ thể của bạn cũng là một tiềm năng con người nếu như ta nhìn vào những nghiên cứu gần đây về kỹ thuật gen. Mỗi khi gãi mũi, bạn đã phạm tội diệt chủng đối với các tiềm năng con người. Đây là một sự thực. Cuộc tranh cãi về tiềm năng của tế bào dứt khoát sẽ không đi đến đâu.

Nhưng ngay lúc này, chúng ta hãy thử thừa nhận rằng, mỗi phôi thai ba ngày tuổi có một linh hồn đáng cho mối quan tâm đạo đức của chúng ta. Phôi thai ở thời kỳ này, đôi khi có thể chia ra, trở thành hai con con người (sinh đôi giống nhau). Thế có ngĩa là một linh hồn chia ra làm hai linh hồn hay sao ? Hai phôi thai đôi khi nối thành một, gọi là chimera. Có thể bạn hay người quen biết nào đó đã phát triển từ phương cách này. Không ngạc nhiên tại sao cho đến hiện nay, các nhà thần học vẫn còn vất vả để xác định xem cái gì đã trở thành một linh hồn nữa trong trường hợp như vậy.

Có phải đã đến lúc để chúng ta công nhận ra rằng các bài toán để tính linh hồn này thực chẳng có ý nghĩa gì nữa không? Ý tưởng ngây thơ về linh hồn như trong trường hợp đĩa Peril không thể bào chữa được gì nữa về tri thức. Nó cũng không thể bào chữa được gì về mặt đạo đức khi mà ngày nay ý tưởng ngây thơ này đang đứng giữa con đường phát triển của những nghiên cứu hứa hẹn nhất trong lịch sử y học. Ngay vào thời điểm này, những niềm tin vào linh hồn của các bạn chỉ kéo dài thêm những thảm kịch khốn khổ của hàng triệu triệu con người.

Bạn tin rằng “sự sống bắt đầu ngay từ lúc thụ thai”. Bạn tin rằng có những linh hồn trong mỗi một phôi thai này và tin rằng các quyền lợi của một linh hồn- linh hồn của một bé gái đã bị phỏng hơn 75% thân thể - nghĩa là – không thể tráo với các quyền lợi của một linh hồn khác, ngay cả linh hồn ấy tình cờ đang sống bên trong một cái đĩa Peril. Chấp nhận những điều chỉnh mà chúng ta đã thực hiện về những căn bản đức tin phi lý trong những bài luận thuyết trước công chúng của chúng ta, ngay cả từ những người ủng hộ nghiên cứu về stem-cell, đã thưòng chỉ ra rằng vai trò của bạn trong vấn đề này có vấn đề đối với luật pháp về đạo đức. Nói đúng nhất, sự phản đối của bạn về các nghiên cứu stem-cell chính là sự dốt nát, thiếu học. Thực tế, không có nguyên nhân đạo đức nào cho sự thiếu thiện chí của chính phủ liên bang chúng ta trong việc tài trợ các nghiên cứu này. Chúng ta cần đổ ra nhiều tài nguyên vào việc nghiên cứu stem-cell và chúng ta cần phải hành động ngay. Bởi vì những gì người Ki-tô các bạn tin về linh hồn mà các bạn không chịu làm việc này. Thực tế, có nhiều tiểu bang còn coi công việc đó là bất hợp pháp. Thí dụ như nếu ai thực hiện một cuộc thí nghiệm về phôi thai ở tiểu bang South Dakota, người ấy sẽ phải vào tù.

Ở đây, sự thật đạo đức rất rõ ràng: bất kỳ ai thương cảm cho một cái phôi thai đã thực có một cảm quan đạo đức bị mù lòa bởi các ảo tưởng tôn giáo để vứt bỏ đi quyền sống của một đứa trẻ bị tổn thương cột sống. Mối dính giữa tôn giáo và “đạo đức”- cái rất thường được công bố nhưng rất ít được chứng minh- thì thật là tương phản ở đây, như nó vẫn luôn được làm ngược lại như thế mỗi khi tôn giáo vứt bỏ đi cái lẽ phải đạo đức và tình bác ái.

Làm tốt vì Thiên Chúa

Thế còn những điều tốt lành mà thiên hạ đã làm nhân danh Thiên chúa ? Không thể chối cãi sự thật là nhiều con người của đức tin tôn giáo đã hy sinh rất anh hùng trong việc làm giảm khuây sự đau khổ cho tha nhân. Thế nhưng có cần thiết phải tin vào những điều thiếu chứng cứ để hành xử như vậy? Nếu lòng bác ái thực sự dựa trên học thuyết của tôn giáo, làm sao để giải thích công việc của các bác sĩ thế tục ở những nơi đang bị tàn phá bởi chiến tranh trong những nước đang phát triển? Nhiều lương y đã động lòng không phải từ ý tưởng nào về Thiên chúa mà chỉ đơn giản vì muốn làm giảm đi nỗi đau của nhân loại. Trong khi đó, chắc chắn rằng các dòng truyền giáo đã cũng mủi lòng bởi khao khát xoa dịu nỗi đau, đồng thời cũng bởi họ đến với một nhiệm vụ ngổn ngang bởi những huyền thoại nguy hiểm và chia rẽ. Các dòng truyền giáo ở các nước đang phát triển đã phí phạm rất nhiều thì giờ và tiền bạc (chưa kể đến thiện chí của những người không Ki-tô giáo) để cải đạo cho những kẻ khốn cùng; họ đã truyền đi những thông tin sai lầm về việc ngừa thai và các tật bệnh lây lan tình dục, dấu đi những thông tin đúng, chủ thuyết của họ vẫn là lan truyền sự ngu dốt và chết chóc. Ngược lại, những người tự nguyện cho các tổ chức thế tục như Hội Y Sĩ không biên giới đã không bỏ phí thời gian vào việc truyền bảo cho công chúng về sự sản sinh trong trinh tiết của Jesus. Họ cũng không truyền đạt cho dân ở ngoại ô Saharan Phi Châu rằng xử dụng bao cao su là tội lỗi. Các nhà truyền đạo Ki-tô giáo đã nổi tiếng về việc rao giảng tội lỗi của việc xử dụng bao cao su ở những làng mạc vốn chưa hề được bao giờ thông tin gì về bao cao su. Mộ đạo kiểu này là một sự diệt chủng[i]. Ngẫu nhiên, chúng ta hẳn phải băn khoăn: Cứu giúp người thuần vì quan tâm đến đau khổ của người ta hay cứu giúp người vì nghĩ rằng đấng tạo dựng vũ trụ sẽ thưởng công cho mình?
Mẹ Theresa là một bằng chứng tốt nhất cho phương cách mà một người tốt lành, mủi lòng thương giúp tha nhân, đã có cảm thức đạo đức của mình bị đảo lộn bởi đức tin tôn giáo. Christopher Hichens đã trình bày một cách thẳng thắn huỵch toẹt như sau :

[Mẹ Theresa] không phải là bạn của người nghèo. Bà là bạn của sự nghèo
khó. Bà nói rằng đau đớn là tặng phẩm của Thượng đế. Bà đã cả đời chống
lại phương cách duy nhất từng được biết để giải quyết nghèo khó, khỏi
dạng gia súc của việc cưỡng ép sinh sản.

Dù thật sự đồng ý với Hitchens về quan điểm này, tôi cũng không hề chối bỏ sự việc mẹ Theresa là một thuyết phục vĩ đại của tình bác ái. Rõ ràng, bà đã động lòng thương cảm từ những khổ đau của đồng loại, và bà đã hành động nhiều để thức tỉnh nhiều người khác đến thực tại khổ đau ấy. Tuy nhiên, vấn đề, đã ở chỗ là lòng bác ái của bà bị hưóng vào khuôn khổ những bức tường thẳng dốc từ chủ nghĩa tôn giáo của bà. Trong diễn từ nhận giải Nobel, bà đã nói :

Phá thai là sự tàn phá lớn nhất cho bình an… Nhiều người rất, rất quan
tâm đến trẻ em Ấn Ðộ, đến trẻ em Phi Châu, nơi nhiều em đã bị chết, vì suy
dinh dưỡng, đói khát và các nguyên nhân tương tự nhưng hàng triệu trẻ em
khác đang chết vì chủ tâm của chính người mẹ. và điều này, ngày nay, chính
là sự tàn phá lớn nhất cho an bình. Bởi bởi vì, nếu một người mẹ có thể giết
chính con mình – thì có cái gì còn lại nữa để mình có thể giết người khác và
kẻ khác có thể giết lại mình- thật không có chọn lựa nào khác.

Ðể chẩn bệnh cho các vấn nạn của thế giới, những lời phẩm bình này thật là một sự dẫn đạo lạc hướng đáng kinh ngạc. Và cũng chẳng giúp gì tốt hơn để khẳng định giá trị của đạo đức. Lòng bác ái của Mẹ Theresa đã bị thẩm định rất tồi khi sự việc giết hại một bào thai ba ngày tuổi gây phiền muộn cho bà nhiều hơn là nỗi đau khổ của nhiều kẻ khác mà bà đã là nhân chứng trên hành tinh này. Khi phá thai là một thực tế xấu xa, tất cả chúng ta đều hy vọng vào một bước đột phá của y học trong việc ngăn ngừa để giảm bớt nhu cầu phá thai, làm sao có thể có người băn khoăn rằng hầu hết những phôi thai có thể bị đau đớn ở múc độ nào đấy. Làm sao có người không thể băn khoăn đến hàng triệu con người, đàn ông, đàn bà, trẻ em, đang phải chịu những thống khổ của chiến tranh, đói kém, tra tấn vì chính kiến hoặc những bệnh tật về tinh thần. Ngay trong lúc này, hàng triệu con người có nhận thức đang đau khổ vì những tai ách vật chất, tinh thần không thể tưởng tượng được, trong những tình huống mà không thấy được lòng bác ái của Thượng đế, và lòng bác ái của nhân loại lại bị khập khiễng bởi những tư tưởng lố bịch về tội lỗi và sự cứu rỗi. Nếu bạn lo lắng cho sự đau khổ của nhân loại thì chuyện phá thai chỉ nên đứng hàng cuối trong danh sách những ưu tư của mình.

Trong lúc việc phá thai vẫn còn là một vấn đề bị chia rẽ đến buồn cười tại Mỹ, vị trí “đạo đức” của hệ thống nhà thờ về vấn đề này giờ đây đã hiện thân một cách kinh tởm tại quốc gia El Salvador. Hiện nay, ở El Salvador, phá thai dưới bất kỳ trường hợp nào cũng là bất hợp pháp. Không có ngoại lệ cho cả các trường hợp bị hãm hiếp hoặc loạn luân. Ngay lúc người phụ nữ đến bệnh viện với một cái tử cung đã bị đục khoét, cho thấy rằng bà đã từng phá thai, bà ta sẽ bị cùm chặt vào giường bệnh và cơ thể bà sẽ bị coi như một hiện trường tội ác. Các bác sĩ giảo nghiệm sẽ đến ngay để khám âm hộ và tử cung. Hiện nay, có những người đàn bà thụ án phạt ba mươi năm tù vì đã phá thai. Thử tưởng tượng xem, trong một đất nước đã xấu xa hóa việc xử dụng thuốc ngừa thai như là một tội lỗi chống lại Thượng đế, thì đúng đây là loại chính sách mà ai cũng nên xử dụng nếu đồng ý với đánh giá của Mẹ Theresa về nỗi khổ đau của thế giới. Kỳ thực, Tổng giám mục El Salvador đã có tích cực vận động cho chính sách ấy. Các nỗ lực của ông đã được trợ giúp bởi Giáo Hoàng John Paul ÌI, người đã tuyên ngôn, trong một chuyến hành hương đến thành phố Mexico năm 1999 rằng “ Nhà thờ phải công bố phúc âm của đời sống và công khai ra sức mạnh tiên tri chống lại nền văn hóa của sự chết. Cầu xin cho lục địa của hy vọng trở nên lục địa của đời sống!”

Dĩ nhiên, về sự phá thai thì quan điểm của nhà thờ đã không còn đếm xỉa gì đến các đặc điểm của ngành sinh học hơn việc họ lưu tâm đến thực tại đau khổ của nhân loại. Khoa học ước tính rằng có đến 50 phần trăm các trường hợp thụ thai đã kết thúc bằng sự phá thai tự nhiên, thông thường ngay cả người phụ nữ cũng không hề biết rằng mình đã thụ thai. Thực tế, 20 phần trăm các trường hợp thụ thai đã kết thúc bằng việc sẩy thai. Do đó, có một sự thật hiển nhiên ở đây vưọt ra ngoài hiểu biết: nếu Thượng đế có hiện hữu, thì chính người là kẻ phá thai nhiều hơn cả.

Những người vô thần có phải là quỷ dữ không ?

Nếu bạn là đúng khi tin rằng đức tin tôn giáo đem lại căn bản thực sự và duy nhất cho nền đạo đức thì những người vô thần chắc sẽ ít đạo đức hơn những người có lòng tin. Thực tế, họ phải là cực kỳ vô đạo đức. Có phải thế không? Có phải thành viên các tổ chức vô thần ở Mỹ phạm tội ác nhiều hơn không? Có phải thành viên của Hiệp hội Khoa Học, 93 phần trăm trong số họ không chấp nhận các ý tưởng về Thưọng đế, đã dối trá, lừa lọc và ăn cắp với sự buông thả hay không? Chúng ta có chứng cớ để tin tưởng rằng các tổ chức này tối thiểu cũng cư xử tốt lành như đa số dân chúng khác. Thế nhưng, người vô thần là thiểu số luôn bị mắng nhiếc nhiều nhất ở Mỹ. Các số thống kê thăm dò cho thấy là một người vô thần thì khó mà ứng cử vào các chức vụ cao trong đất nước (trong khi da đen, Hồi Giáo hoặc đồng tính thì không sao). Trên khắp các đất nước Hồi Giáo, gần đây, nhiều ngàn người đã tụ họp - đốt các tòa đại sứ Âu châu, đe dọa, bắt cóc con tin, giết người - để phản đối mười hai bức tranh biếm họa Tiên tri Mohammad lần đầu tiên xuất hiện trên một tờ báo Ðan mạch. Người vô thần có nổi loạn bao giờ? Có báo chí nào trên thế giới này phải lưỡng tự khi đăng những tranh biếm họa về người vô thần vì e rằng những người viết bài sẽ bị bắt cóc hoặc sát hại để trả thù?

Người Ki-tô giáo như các bạn cứ luôn tuyên bố rằng những con quỷ như Adolf Hitler, Joseph Stalin, Mao Trạch Ðông, Pol Pot và Kim Chính Nhật đã nhảy ra từ cửa mình một người vô thần. Trong khi sự thật là những kẻ ấy dù có khi là kẻ thù của các tổ chức tôn giáo nhưng họ vốn không có lý trí gì đặc biệt[ii]. Thực tế, những công bố trước công chúng của họ thường là ảo tưởng: về những vần đề rất nhiều khác biệt như chủng tộc, kinh tế, tính đồng nhất quốc gia, tiến triển của lịch sử và các nguy hiểm đạo đức của chủ thuyết duy lý trí. Vấn đề của các bạo chúa đó không phải vì họ chối từ lý thuyết của tôn giáo mà là vì họ ôm chặt những huyền thoại hủy diệt sự sống khác. Hầu hết đã trở thành trọng tâm của những giáo phái cá nhân gần như tôn giáo, luôn cần đến sự tuyên truyền để duy trì. Có sự khác biệt giữa tuyên truyền và sự phổ biến thông tin chân thực mà chúng ta (thường) trông đợi từ một nền dân chủ tự do. Những bạo chúa gây diệt chủng hoặc sung sướng trị vì trên sự đói khát của chính dân mình, cũng thường thiên về những kẻ có tính khí riêng rất mạnh, chứ không phải là những người đấu tranh cho lẽ phải. Như Kim Chính Nhật, đã đòi hỏi là giường ngủ của y ở nhiều nơi cư ngụ khác nhau phải được đặt chính xác năm trăm mét trên mức nước biển. Nệm giường của y phải được nhồi bởi các thứ lông vũ mềm mại nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Các thứ lông vũ đó chính là các lông măng dưới cằm của giống chim sẻ. Phải cần đến bảy trăm ngàn con chim sẻ để dồn đủ lông cho một tấm chăn. Nhìn vào cái quan tâm sâu sắc bí hiểm ấy, chúng ta ắt phải tự hỏi cái con người Kim Chính Nhật đó đã biết điều đến thế nào.

Thử nghĩ về các lò thiêu Do Thái: những người chống Do Thái từng xây dựng các trại Nazi tử thần chính là di sản trực tiếp của Ki-tô giáo thời trung cổ. Trong bao nhiêu thế kỷ, người Ki-tô giáo ở châu Âu đã xem người Do thái như loại tệ hại nhất trong hàng ngũ những kẻ dị giáo và sự hiện diện của họ đã mang đến tất cả những bệnh hoạn cho xã hội. Ở Đức quốc lòng thù ghét người Do Thái đã biểu lộ như là một phương cách thế tục vượt trội, với căn nguyên từ tôn giáo, và sự dứt khoát ma quỷ hóa đạo giáo của người Do Thái ở Âu châu đã tiếp diễn suốt thời kỳ đó. Ngay chính Vatican cũng đã kéo dài những phỉ báng huyết thống trên báo chí của họ mãi đến cuối năm 1914[iii] và các nhà thờ Công giáo lẫn Thệ phản Giáo đều có những quá khứ đáng xấu hổ về những đồng lõa của họ với chính sách diệt chủng Nazi.

Lò sát sinh Auschwitz, các trại tập trung Xô Viết và cánh đồng chết ở Cam Bốt không phải là những điển trưng của những con người khi đã trở nên quá tin. Ngược lại, những khiếp đảm này minh chứng cho mối hiểm nguy của chính trị và chủ nghĩa giáo điều. Đã đến lúc những người Ki-tô các bạn ngưng viện cớ rằng sự chối bỏ đức tin sẽ dẫn đến sự ôm vội chủ thuyết vô thần như tín điều một cách mù quáng. Người ta không cần phải chấp nhận một điều gì không đủ tín lý để cho rằng sự ra đời trong trinh bạch của Jesus là một ý tưởng phi lý. Vấn nạn của tôn giáo– như là với chủ nghĩa Nazi, Stalin hoặc bất kỳ các hoang đường chuyên chế nào- chính là vấn nạn của tín điều. Tôi không thấy một xã hội nào trong lịch sử nhân loại từng khổ đau vì dân chúng quá khao khát chứng tín cho các khuôn mẫu niềm tin của mình.

KHI BẠN NGHĨ rằng chấm dứt tôn giáo là một mục tiêu không thể đạt được, quan trọng hơn là bạn nên ý thức được rằng nhiều đất nước phát triển đã gần đạt được điều ấy. Na uy, Iceland, Úc, Canada. Thụy điển, Thụy sĩ, Đan Mạch, Bỉ, Nhật, Netherland, và Anh quốc là những quốc gia ít tôn giáo tính nhất trên địa cầu. Theo báo cáo về phát triển của nhân loại của Liên Hiệp Quốc (2005) những quốc gia này là những quốc gia khỏe mạnh, dựa vào tuổi thọ, trình độ đọc viết, thu nhập đầu người, học thức, công bằng giới tính, tỉ lệ giết người và tỉ lệ tử vong của trẻ em. Đến mức rằng nếu như có một trường hợp tội phạm xảy ra ở Tây Âu thì hầu như phần lớn là từ giới di dân. Thí dụ như bảy mươi phần trăm các tù phạm trong các nhà tù ở Pháp là những người Hồi giáo. Người Hồi giáo ở Tây Ây nói chung không phải là người vô thần. Ngược lại, năm mươi quốc gia hiện xếp hạng chót theo những tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc là những quốc gia kiên định về tôn giáo.

Các phân tích khác cũng vẽ nên bức tranh tương tự: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trong mức độ trung thành với tôn giáo, là một độc đáo giữa những quốc gia dân chủ giàu có. Đất nước này còn độc đáo ở sự bủa vây trong mức độ cao của tệ nạn sát nhân, phá thai, trẻ vị thành niên mang thai, bệnh truyền nhiễm qua tình dục và mức tử vong của trẻ em. Trong nội tình nưóc Mỹ, một so sánh đúng tương tự là: giữa các tiểu bang phía nam và trung tây, nơi có đặc tính tôn giáo mạnh, thì đặc biệt tiêm nhiễm bởi những chỉ dấu của một xã hội thiếu lành mạnh, trong khi các tiểu bang tương đối mang tính thế tục ở vùng đông bắc thì thích ứng với các tiêu chuẩn Âu châu.

Trong khi sự sát nhập đảng phái chính trị ở Mỹ không phải là một chỉ dấu hoàn hảo về lòng mộ đạo, chả có gì gọi là bí mật khi những “tiểu bang đỏ” (ý nói thiên về đảng Cộng Hòa - ghi chú của Người Dịch) đã thắm đỏ hơn vì ảnh hưởng chính trị quá mạnh của giới Ki-tô giáo bảo thủ. Nếu có một liên quan gì mạnh mẽ giữa chủ nghĩa bảo thủ Ki-tô với y tế xã xội, và chúng ta mong nhìn thấy vài tín hiệu của tương quan ấy trong các tiểu bang đỏ ở Mỹ. Chúng ta sẽ không thấy gì cả. Trong hai mươi lăm thành phố có tỉ lệ tội phạm thấp nhất, 62 phần trăm thuộc tiểu bang “xanh” ( ý nói thiên về đảng Dân Chủ), 38 phần trăm thuộc ”đỏ”. Trong hai mươi lăm thành phố nguy hiểm nhất, 76 phần trăm thuộc các tiểu bang “đỏ”, 24 phần trăm thuộc “xanh”. Thực tế, ba trong năm thành phố nguy hiểm nhất ở Mỹ là ở tiểu bang đạo đức giả Texas. Mưòi hai tiểu bang có mức ăn trộm cao nhất là “đỏ’. Hai mươi bốn trong hai mươi lăm tiểu bang có mức ăn cắp cao nhất là “đỏ”. Trong hai mươi hai tiểu bang có tỉ lệ sát nhân cao nhất, mười bảy tiểu bang là “đỏ’.

Dĩ nhiên, những liên quan như thế này không giải quyết được các câu hỏi về nguyên nhân hậu quả - niềm tin vào Thượng đế có thể đã dẫn đến những trục trặc của xã hội - hoặc các trục trặc của xã hội có thể đã thúc đẩy niềm tin vào Thượng đế, yếu tố này có thể gây ra yếu tố kia, hoặc cả hai có thể đã nảy sinh từ các nguyên nhân sâu xa của điều ác. Tuy vậy, bỏ qua một bên vấn đề của nguyên nhân và hậu quả, các con số thống kê này đã chứng minh rằng chủ nghĩa vô thần là khát vọng căn bản của một xã hội dân sự; các con số thống kê ấy cũng chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng, việc phổ biến niềm tin vào Thượng đế không bảo đảm gì cho sự lành mạnh xã hội.

Các quốc gia có trình độ cao về chủ nghĩa vô thần là những quốc gia có lòng khoan dung nhất, trong cả hai phương diện tỉ lệ bách phân tài nguyên họ cống hiến cho các chương trình an sinh xã hội và tỉ lệ bách phân của cải họ cho đi trong các viện trợ đến thế giới đang phát triển. Mối liên hệ không rõ ràng giữa chủ nghĩa Ki-tô nghĩa đen và các giá trị Ki-tô đã gây nên từ ảo tưởng của các sai lầm về sự công bằng xã hội. Hãy nhìn mức tỉ lệ lương bổng giữa các viên chức điều hành cao cấp với mức lương trả cho các công nhân trung bình cùng hãng xưỏng: ở Anh quốc là 24:1, ở Pháp 15:1, Thụy điển 13:1, ở Mỹ, nơi mà 80 phần trăm dân số mong đợi được vời đến trong ngày phán xét của Thượng đế là 475:1. Trông có lẽ như khối con lạc đà có thể đi lọt qua một lỗ kim.

Ai đã đặt điều tốt lành vào cuốn “sách tốt lành”?

Ngay cả nếu niềm tin vào Thiên chúa quả thực tạo nên một ảnh hưởng tốt và đáng tin lên phẩm hạnh của con người, thì yếu tố này cũng không đủ là một lý lẽ để tin vào Thiên chúa. Người tin vào Thiên chúa là người chỉ tin rằng Thiên chúa thực có hiện hữu. Ki-tô giáo không hẳn là đúng, ngay cả khi chủ nghĩa vô thần có dẫn thẳng đến cuộc khủng hoảng đạo đức. Có thể Hồi giáo mới là đúng trong trường hợp ấy. Hoặc tất cả các tôn giáo chỉ nên hoạt động như những loại thuốc trấn an. Như khi ra toa chữa bệnh cho vũ trụ, thuốc có thể là hoàn toàn giả, thế nhưng lại hữu ích. Tuy vậy, chứng cớ cho thấy rằng cả hai đều giả mạo và nguy hiểm.

Khi nói về những kết quả tốt lành mà niềm tin của bạn mang lại cho đạo đức con người, bạn đang noi gương những người tự do và ôn hòa tôn giáo. Thay vì nói rằng họ tin vào Thiên chúa vì một số tiên tri trong thánh kinh đã thật xảy đến, hoặc vì những phép lạ kể lại trong phúc âm đáng tin, những người tự do và ôn hòa có khuynh hướng nói về những hậu quả tốt lành của niềm tin như khi họ tin. Những người tin theo này thường nói rằng họ tin vào Thượng đế bởi vì niềm tin này “mang lại ý nghĩa cho đời sống của mình”. Khi cơn sóng thần giết hại vài trăm ngàn người ngay sau ngày giáng sinh 2004, nhiều người Ki-tô giáo bảo thủ nhìn thiên tai này như một minh chứng cho cơn giận của Thiên chúa. Rõ ràng là Thiên chúa đã gởi một mã thông tri nữa đến bọn quỷ phá thai, sùng bái ảnh tượng và đồng tình luyến ái. Mặc dù tôi đánh giá những lý giải này như một sự kinh tởm cùng cực, nếu được gán một số giả định, hẳn nó cũng phải có một đặc điểm gì phải lẽ. Mặt khác, những người tự do và ôn hòa đã từ chối rút ra một kết luận nào về Thiên chúa trong công việc của ngài. Thiên chúa vẫn là một bí mật tuyệt đối, vẫn chỉ một nguồn an ủi tương thích bên một ác quỷ tàn phá hung hãn. Theo sau cơn sóng thần ở Á châu, những người tự do và ôn hòa lần lượt khuyên bảo nhau tìm Thiên chúa “ không phải trong sức mạnh để dịch chuyển được cơn bão, mà trong chống trả của con người với cơn bão”. Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng những tử thi trôi nổi được kéo vớt khỏi mặt biển là những biểu hiện của lòng bác ái từ chính con người chứ không phải từ Thiên chúa. Vào cái ngày cả hơn một trăm ngàn trẻ thơ thình lình bị giật xé khỏi vòng tay mẹ chúng rồi bị nhận chìm, thần học tự do phải đứng dậy để vén mở xem đó là điều gì: đó là những sự giả ngơ chết người nhất. Hiểu biết của Thần học về cơn giận của Thiên Chúa thật đã đi quá xa khỏi phẩm chất trí thức. Nếu Thiên Chúa hiện hữu và quan tâm đến việc đời của nhân loại thì ý nguyện của người không bí hiểm. Cái bí hiểm duy nhất ở đây chính là nhiều người đàn ông, đàn bà trí thức thông thái có thể chối từ cái thảm họa vô ích này để nghĩ đến những cao sâu của đạo đức.

CÙNG VỚI hầu hết những người Ki-tô khác, bạn tin rằng những sinh vật có thể chết đi như chúng ta không thể chối từ đạo đức của Thánh kinh. Chẳng hạn như, chúng ta không thể bảo rằng Thiên Chúa đã sai lầm khi dìm chết hầu hết nhân loại trong trận lũ lụt thời Sáng thế, bởi vì đấy chỉ là cách nhìn từ nhãn quan giới hạn của chúng ta. Thế nhưng, bạn lại cảm thấy mình ở được đứng vào vị trí để thẩm định rằng Jesus là con Thiên Chúa , rằng Khuôn Vàng Thước ngọc là đỉnh cao của đạo đức thâm thúy, rằng cuốn Thánh kinh tự bản thân không đầy ắp những điều dối trá. Bạn đang xử dụng chính trực giác của mình để xác thực cái uyên thâm của đạo đức – và rồi – ngay sau đó, bạn lại yêu sách rằng con người không thể dựa vào trực giác của mình để dẫn dắt mình đi đúng đường trên thế gian này; chúng ta phải nên dựa vào toa thuốc chẩn bệnh của Thánh kinh thì tốt hơn. Bạn đang dùng chính trực giác đạo đức của mình để xác quyết rằng cuốn Thánh kinh là bảo chứng đúng đắn nhất cho trực giác đạo đức của mình. Trực giác của bạn là cái chính yếu, lẽ phải của bạn thì lòng vòng.

Chúng ta quyết định xem điều gì tốt lành trong cuốn sách Tốt lành này. Chúng ta đọc Khuôn vàng Thước Ngọc và đánh giá đó là chắt lọc sáng giá từ rất nhiều thúc đẩy đạo đức của chúng ta. Sau đó, chúng ta bắt gặp lời một dạy khác của Thiên Chúa về đạo đức : Trong đêm động phòng, nếu người đàn ông khám phá ra người vợ của mình không còn trinh nữ thì y phải ném đá y thị cho chết đi tại ngay thềm cửa nhà cha của y thị

(Deuteronomy 22:12-21). Nếu là con người văn minh, hẳn chúng ta phải chối bỏ ngay hành vi này như thể một thứ điên rồ, ghê tởm có thể tưởng được được. Hành động như thế là cần đến sự thực hành trực giác đạo đức của mình. Sự tin rằng cuốn Thánh kinh là chính lời của Thượng đế chẳng giúp gì chúng ta cả.

Chọn lựa của chúng ta rất đơn giản: Hoặc chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận của thế kỷ hai mươi mốt về đạo đức học và phẩm hạnh nhân loại - cuộc thảo luận mà mình sẵn sàng với mọi sáng suốt của khoa học và các tranh biện triết học vốn tích lũy từ hơn hai ngàn năm qua trong tiến trình phát triển nhân loại – hay là chúng ta tự giam mình vào một cuộc thảo luận của thế kỷ thứ nhất như đã được bảo quản cất giữ trong cuốn Thánh Kinh. Tại sao lại có ai đó muốn một cuộc thảo luận thứ hai ?


[i] Nếu bạn có thể tin được : Vatican đang chống lại việc xử dụng bao cao su để ngăn ngừa bệnh HIV ngay cả giữa những người có cưới hỏi với nhau. Có tin đồn cho rằng Giáo Hoàng đang xem xét lại chính sách này. Hồng Y Javier Lazano Barragan, lãnh đạo Uỷ ban Y tế của tòa thánh , đã thông báo trên đài phát thanh Vatican rằng văn phòng của người đang “ thực hiện một nghiên cứu sâu sắc rất kỹ thuật, khoa học, và đạo đức” về vấn đề này. Thật không cần phải nói, nếu học thuyết Nhà thờ thay đổi do kết quả của những cân nhắc đạo đức giả này, sẽ là một chỉ dấu cho thấy rằng không phải đức tin ấy thâm thúy mà là đức tin của giáo điều ấy đã phát triển không thể cứu chữa được nữa.

[ii] Hitler đã nói trong bài diễn văn đọc ngày 12 tháng 4 năm 1922. (Norman H. Bayes, ed. The Speeches of Adolf Hitler, April 1922- August 1939. Vol. 1 of 2, pp. 19-20. Oxford University Press, 1942”:

Cảm giác Ki-tô giáo đã dẫn tôi đến Chúa và bậc cứu rỗi mình như một chiến sĩ (…) Trong tình yêu không bờ bến của một người Ki-tô hữu và của một con người, tôi đã đọc được những dòng ẩn ngữ dạy chúng ta biết cuối cùng đức Chúa đã dương cao sự vĩ đại của người, nắm giữ lấy tai ương để quét sạch lũ rắn độc khỏi Ðiện thờ. Cuộc chiến đấu cho thế giới chống lại nọc độc Do Thái của người lớn lao biết dường nào …là người Ki-tô giáo tôi còn có trách nhiệm với riêng dân tộc của mình.

[iii] “phỉ báng huyết thống” (với chủ ý đến người DoThái) gồm các cáo buộc sai lầm rằng người Do Thái đã giết hại những người không phải Do Thái để lấy máu của họ dùng vào những nghi thức tế lễ . Sự kết án này vẫn còn được tin là thật ở nhiều nơi trong các nước Hồi giáo.

Sam Harris

0 nhận xét:

Đăng nhận xét