Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013
Các mô hình bảo hiến trên thế giới
10:46
Hoàng Phong Nhã
No comments
Mô hình bảo
hiến phi tập trung
Hay còn gọi là mô hình bảo hiến kiểu
Mỹ, là mô hình tòa án tối cao và tòa án các cấp đều có chức năng và thẩm quyền
giám sát tính hợp hiến, được xây dựng trên cơ sở học thuyết phân chia và kiềm
chế đối trọng giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Theo quan điểm của học thuyết này, hệ thống các cơ quan tòa án không những có
chức năng xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của công dân mà còn có chức năng
kiểm soát, hạn chế quyền lực của các cơ quan lập pháp và hành pháp.
Xây dựng bộ máy nhà nước theo
nguyên tắc phân chia quyền lực một cách rõ ràng, Mỹ là quốc gia đầu tiên trên
thế giới trao cho các tòa án quyền phán quyết về tính hợp hiến của các văn bản
luật và văn bản dưới luật. Có thể nói, quyền giám sát Hiến pháp của Tòa án tối
cao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là một trong những nét đặc sắc của nền chính trị Mỹ.
Việc tòa án phán quyết tính hợp
hiến của các văn bản luật và văn bản dưới luật được xác định năm 1803 sau vụ án
nổi tiếng của nước Mỹ - vụ án John Marbury chống Madison.
Giải quyết vụ án Marbury và
Madison, Chánh án Tòa án tối cáo Marshall đã đưa ra các tuyên bố sau: Hiến pháp
là luật tối cao của đất nước; những luật hay quyết định được đưa ra bởi cơ quan
lập pháp là một bộ phận của Hiến pháp và không được trái với Hiến pháp; thẩm
phán, người đã từng tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp, phải tuyên bố hủy bỏ những luật
lệ quy định nào của cơ quan lập pháp mâu thuẫn với Hiến pháp. Ba tuyên bố trên
đây đã xác lập chức năng bảo hiến của tòa án và quyền tài phán của tòa án về
các quyết định của lập pháp và hành pháp liên quan đến Hiến pháp. Dần dần mô
hình này đã xuất hiện ở nhiều nước khác như Canada, Mexico, Argentina,
Australia, Hy Lạp, Nhật Bản, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch…
Đây là mô hình giao cho tòa án tư
pháp xem xét tính hợp hiến của các đạo luật thông qua việc giải quyết các vụ
việc cụ thể, dựa vào các đơn kiện của đương sự, các sự kiện pháp lý cụ thể mà
bảo vệ Hiến pháp. Mô hình có ưu điểm là bảo hiến một cách cụ thể vì nó liên
quan đến từng vụ việc cụ thể.
Nhưng mô hình này lại có 2 nhược
điểm lớn: giao quyền bảo hiến cho tòa án các cấp nên thủ tục dài dòng; phán
quyết của tòa án về tính hợp hiến chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với các bên
tham gia tố tụng và khi một đạo luật được tòa án xác định là trái Hiến pháp thì
đạo luật đó không còn giá trị áp dụng và chỉ có hiệu lực bắt buộc đối với các
tòa án cấp dưới (nếu là phán quyết của Tòa án tối cao thì có giá trị bắt buộc
đối với cả hệ thống tư pháp). Nghĩa là tòa án không có thẩm quyền hủy bỏ đạo
luật bị coi là trái với Hiến pháp và về hình thức đạo luật đó vẫn còn hiệu lực
mặc dù trên thực tế sẽ không được tòa án áp dụng.
Mô hình
bảo hiến kiểu Pháp
Ở mô hình này, chỉ được giám sát
tính hợp hiến của văn bản được phê chuẩn bởi nghị viện nhưng chưa được ban hành
bởi tổng thống. Ưu điểm của mô hình là cho phép giám sát tính hợp hiến của văn
bản quy phạm pháp luật được tiến hành ngay trước khi văn bản được ban hành nên
hạn chế đáng kể số văn bản vi hiến, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp
luật. Tuy nhiên, đó cũng là nhược điểm chính của mô hình ở chỗ cơ quan bảo hiến
có thể can thiệp quá sâu quy trình lập pháp của nghị viện.
Mô hình
bảo hiến tập trung
Khác với mô hình Mỹ, các nước lục
địa châu Âu không trao cho tòa án tư pháp thực hiện giám sát Hiến pháp mà thành
lập một cơ quan đặc biệt để thực hiện chức năng bảo hiến, có vị trí độc lập với
quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Cơ quan này được gọi là Tòa án Hiến
pháp hoặc Hội đồng bảo hiến, Viện Bảo hiến. Thẩm phán là những người có chuyên
môn nghiệp vụ cao, được bổ nhiệm hay bầu cử theo một chế độ đặc biệt.
Đây là mô hình giám sát tập trung.
Tòa án Hiến pháp được thành lập ở Áo năm 1920, Italia năm 1947, Đức năm 1949,
miền Nam Việt Nam năm 1956, Thổ Nhĩ Kỳ năm 1961, Nam Tư năm 1963, Bồ Đào Nha
năm 1976, Tây Ban Nha năm 1978, Hy Lạp năm 1979, Ba Lan năm 1982, Hungari năm
1983, Liên Xô cũ năm 1988, Nga năm 1993, Campuchia năm 1993, Belarus năm 1994,
Ukcraina năm 1996, Thái Lan năm 1997, Cộng hòa Czech năm 1997.
Có thể gọi đây là mô hình của Áo vì
Áo là nơi thành lập sớm nhất, nhưng thường được gọi là mô hình lục địa châu Âu
vì khu vực này là phổ biến nhất. Giám sát Hiến pháp ở châu Âu kết hợp việc giải
quyết các vụ việc cụ thể và những việc có tác dụng chung cho cả xã hội thông
qua đề nghị của cá nhân hoặc các cơ quan có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước.
Quyết định của Tòa án Hiến pháp hay Hội đồng bảo hiến có giá trị bắt buộc.
Theo mô hình này, Tòa án Hiến pháp
có thẩm quyền như sau: xem xét tính hợp hiến của các văn bản luật, các điều ước
quốc tế mà tổng thống hoặc chính phủ đã hoặc sẽ tham gia ký kết, các sắc lệnh
của tổng thống, các nghị định của chính phủ, có thể tuyên bố một văn bản luật,
văn bản dưới luật là vi hiến và làm vô hiệu hoá văn bản đó; xem xét tính hợp
hiến của các cuộc bầu cử tổng thống, bầu cử nghị viện và trưng cầu ý dân; tư
vấn về tổ chức bộ máy nhà nước, về các vấn đề chính trị đối nội cũng như đối
ngoại; giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa các nhánh quyền lực lập
pháp, hành pháp và tư pháp, giữa chính quyền trung ương và địa phương; giám sát
Hiến pháp về quyền con người và quyền công dân.
Ngoài ra, một số Tòaán Hiến pháp
như của Italia còn có quyền xét xử tổng thống khi tổng thống vi phạm pháp luật.
Mô hình
bảo hiến hỗn hợp kiểu Âu - Mỹ
Đây là mô hình kết hợp những yếu tố
của cả hai mô hình kiểu châu Âu và kiểu Mỹ, được áp dụng ở một số nước như Bồ
Đào Nha, Thụy Sỹ, Columbia, Venezuela, Peru, Brazil…
Theo mô hình này, thẩm quyền bảo
hiến được trao cho cả cơ quan bảo hiến chuyên trách như Tòa án hiến pháp lẫn
tất cả các tòa án thuộc hệ thống tư pháp. Trong đó, thẩm quyền của Tòa án Hiến
pháp và Tòa án tối cao đối với những vụ việc cụ thể được quy định ngay trong
Hiến pháp, các tòa án khác khi giải quyết một vụ việc cụ thể có quyền xem xét tính
hợp hiến của các đạo luật và được quyền không áp dụng các đạo luật được cho là
không phù hợp với hiến pháp.
Mô hình
cơ quan lập hiến có chức năng bảo hiến
Ở Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba và
một số nước khác không có cơ quan bảo hiến chuyên biệt. Các nước này đều có
quan điểm chung là quốc hội (nghị viện) là cơ quan đại diện cao nhất của nhân
dân, không những là cơ quan lập hiến, lập pháp duy nhất mà còn là cơ quan quyền
lực nhà nước cao nhất.
Với tư cách là cơ quan quyền lực
nhà nước cao nhất, quốc hội phải tự quyết định tính hợp hiến của một đạo luật.
Nếu quốc hội trao quyền này cho một cơ quan khác phán quyết thì quốc hội không
còn là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nữa.
Quan điểm trên đây có hạt nhân hợp
lý của nó. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng nếu một cơ quan vừa lập pháp vừa
tự mình phán quyết đạo luật do mình làm ra có vi hiến hay không thì cũng rất
khó.
Thẩm
quyền của cơ quan tài phán Hiến pháp
Mô hình cơ quan tài phán Hiến pháp của
các nước trên thế giới khá đa dạng nên thẩm quyền xét xử; các chủ thể có quyền
khiếu kiện trước Tòa án Hiến pháp; cách thức bổ nhiệm thẩm phán; nhiệm kỳ của
thẩm phán; hiệu lực của những phán quyết về tính vi hiến; thủ tục ban hành phán
quyết của Tòa án Hiến pháp… cũng rất khác nhau.
Chẳng hạn thẩm quyền của cơ quan
tài phán Hiến pháp ở các nước không chỉ phụ thuộc vào việc nó được tổ chức theo
mô hình của Mỹ hay của Châu Âu lục địa, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như
nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước; mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành
pháp, tư pháp; giữa chính quyền trung ương với địa phương, nhất là đặc điểm về
chính trị - xã hội, về truyền thống lịch sử văn hoá, pháp lý… của mỗi nước.
Theo đó, một số Tòa án Hiến pháp
chỉ xem xét tính hợp hiến của hoạt động lập pháp, song một số khác được trao
quyền phán quyết về những lĩnh vực có liên quan, thậm chí cả lĩnh vực thực sự
mang tính nhạy cảm về chính trị.
Bên cạnh chức năng cơ bản của các
Tòa án Hiến pháp là phán quyết về các vấn đề Hiến pháp, nhiều Tòa án Hiến pháp
ở Trung và Đông Âu có thẩm quyền xét xử đối với một số trường hợp liên quan đến
bầu cử, trưng cầu ý dân, tính hợp pháp của các chính đảng… Không những thế, cơ
quan tài phán Hiến pháp một số nước còn xem xét trước để phòng ngừa vi phạm
Hiến pháp như Hội đồng bảo hiến của Pháp, Tòa án Hiến pháp các nước Burundi,
Burkina Faso, Cộng hòa Chad… Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga chỉ xem xét trước tính
hợp hiến các hiệp định quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết nhưng chưa có hiệu
lực. Tòa án Tối cao Mỹ lại chỉ xem xét sau khi văn bản pháp luật đã ban hành
(có tranh cãi thực tế) mà không xem xét trước. Cơ quan tài phán Hiến pháp một
số nước lại có thẩm quyền xem xét tính hợp hiến cả trước và sau khi văn bản
pháp luật ban hành như Tòa án Hiến pháp của Cape Verde, Niger…
Mỹ cũng
có những đạo luật vi hiến
Ngay như Quốc hội Mỹ, quy trình ban
hành một đạo luật rất chặt chẽ (một dự luật muốn được thông qua phải được đa số
tán thành của Hạ viện trước, rồi sau đó là đa số Thượng viện tán thành (hoặc
ngược lại), tiếp theo còn phải được Tổng thống kiểm tra, xem xét lại xem có cần
phủ quyết hay không, nếu không phủ quyết dự luật mới được Tổng thống ban bố để
thi hành).
Vậy mà trong khoảng 190 năm qua,
Tòa án Tối cao của Mỹ đã ra phán quyết tuyên bố 122 đạo luật của Quốc hội Mỹ
(trong tổng số hơn 35.000 đạo luật được Quốc hội này ban hành trong thời gian
nói trên) có toàn bộ hoặc một phần nội dung quy định vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Cũng trong thời gian nói trên có gần 950 đạo luật của Quốc hội các bang bị Tòa
án Tối cao Mỹ tuyên bố vi phạm Hiến pháp của Liên bang.
Tại Ba Lan,
"hung thần xe đạp" có thể đi tù
Tòa án Hiến pháp Ba Lan phán quyết
rằng việc trừng phạt người đi xe đạp say rượu cũng tương tự như tài xế điều
khiển xe cơ giới. Nghĩa là tại Ba Lan, những người đã sử dụng đồ uống có cồn mà
còn đi xe đạp có thể bị tước bằng lái xe cơ giới nếu có và thậm chí có thể phải
ngồi tù. Tại Ba Lan có khoảng 2.000 người đi xe đạp sau khi uống bia rượu bị
giam cầm.
Phán quyết trên của toà Hiến pháp
được cảnh sát tán thành, bởi theo họ, chính thành phần "đi mây về
gió" trên xe đạp cũng là “hung thần đường lộ”. Họ không chỉ đe doạ tính
mạng của mình mà còn của cả những người vô tội khác tham gia giao thông. Nhưng
dân Ba Lan hay đi xe đạp thì thất vọng về lập trường của tòa, bởi họ đang hy vọng
là sẽ có thể được phép đi xe đạp sau khi uống ít ra là một vại bia.
Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét