Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013
Tuyên ngôn Hiến chương 77 – Tiệp Khắc
10:01
Hoàng Phong Nhã
No comments
Lời người dịch: Lời
tuyên bố sau đây xuất hiện lần đầu tiên ở Tây Âu vào đầu tháng Giêng năm
1977. Chỉ trong mấy ngày, Hiến chương 77 – những tác giả ẩn danh đã gọi
tài liệu này và phong trào thúc đẩy sự ra đời của nó như thế – đã được
dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới và nhận được sự quan
tâm trên khắp hoàn cầu. Nhờ các đài phát thanh phương Tây mà Hiến chương
cũng đã được phổ biến rộng rãi ở Tiệp Khắc. Hiến chương 77 kết án chính
phủ vi phạm những quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp 1960 và
trong các hiệp ước và công ước đã được Tiệp Khắc kí kết. Bản dịch này
được thực hiện trên cơ sở bản dịch tiếng Anh của tờ The Times xuất bản ở
London vào ngày 7 tháng 1 năm 1977. Hiến chương 77 hay Charta
77 là phong trào đấu tranh phi hình thức kéo dài từ năm 1977 đến năm
1992 ở Tiệp Khắc. Phong trào này xuất hiện sau khi Tuyên ngôn Hiến
chương 77, do Václav Havel, Jan Patočka, Zdaněk Mlynář, Jiří Hájek và
Pavel Kohout chủ xướng, được công bố vào tháng Giêng năm 1977. Khi xuất
hiện lần đầu tiên trên một tờ báo ở Tây Đức, văn kiện đã có chữ kí của
243 công dân Tiệp Khắc và đến giữa những năm 1980 đã có 1200 người kí.
Sau Cách mạng Nhung năm 1989, nhiều thành viên phong trào trở thành các
yếu nhân trong nền chính trị của Czech và Slovak.
___________
Ở Tiệp Khắc, tạp chí Pháp Luật
số 120 ra ngày 13 tháng 10 năm 1976 đã cho đăng tải Công ước Quốc tế về
Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội
và Văn hóa, tức là những công ước đã được đại diện nước ta ký vào năm
1968, tái cam kết ở Helsinki vào năm 1975 và có hiệu lực ở nước ta vào
ngày 23 tháng 3 năm 1976. Từ ngày đó trở đi công dân nước ta được hưởng
các quyền, được qui định trong các văn kiện này còn nhà nước thì có
trách nhiệm thực thi các công ước đó.
Các quyền con người và quyền tự
do được các công ước này ghi nhận là đặc trưng của một đời sống văn minh
mà các phong trào tiến bộ đã đấu tranh trong suốt chiều dài của lịch sử
và việc biến chúng thành luật có thể đóng góp rất nhiều vào sự phát
triển của con người trong xã hội của chúng ta.
Vì vậy, chúng tôi chào mừng sự tham gia của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc vào những công ước này.
Tuy nhiên, việc công bố những
công ước đó, cũng là lời nhắc nhở đanh thép rằng các quyền con người căn
bản của ở đất nước chúng ta, đáng tiếc là vẫn chỉ mới nằm trên giấy mà
thôi.
Thí dụ như quyền tự do phát
biểu, được qui định tại điều 19 của Công ước thứ nhất, vẫn hoàn toàn là
chuyện viển vông. Hàng chục ngàn người bị cấm hành nghề chuyên môn chỉ
vì một lí do duy nhất là họ có quan điểm khác với quan điểm chính thống,
họ bị chính quyền và các tổ chức xã hội đối xử bất công và trù dập bằng
đủ mọi cách khác nhau. Bị tước đoạt mọi phương tiện tự vệ, họ trở thành
nạn nhân của của chế độ phân biệt chủng tộc.
Hàng trăm ngàn công dân khác bị
tước quyền “không phải sợ hãi”, được ghi trong lời nói đầu trong Công
ước thứ nhất, đấy là những người thường xuyên có nguy cơ mất việc làm
hoặc những đòn trừng phạt khác nếu họ nói lên ý kiến của mình.
Trái ngược với điều 13 Công ước
thứ hai nói trên, tức là điều khoản bảo đảm quyền học tập, nhiều thanh
niên bị đuổi học vì quan điểm của họ hoặc của cha mẹ họ. Biết bao nhiêu
công dân không dám nói lên niềm tin của mình vì sợ rằng chính mình hoặc
con em mình sẽ bị đuổi học.
Việc thực thi quyền “tìm kiếm,
tiếp nhận và chia sẻ thông tin và ý tưởng đủ mọi loại, không phân biệt
biên giới, bằng lời nói, chữ viết hay in ấn” hoặc “bằng hình thức nghệ
thuật”, được ghi trong khoản 2 điều 19 Công ước thứ nhất, sẽ bị trừng
phạt bằng những biện pháp hành chính và thậm chí bị đưa ra toà, mà
thường là bị kêt tội hình sự, như phiên toà xử các nhạc sĩ trẻ trong
thời gian vừa qua.
Quyền tự do ngôn luận bị tước
đoạt bằng cách kiểm soát tập trung tất cả các phương tiện truyền thông
đại chúng, các nhà xuất bản và các định chế văn hoá khác. Các quan điểm
triết học, chính trị hay khoa học hoặc hoạt động nghệ thuật, dù chỉ lệch
một chút xíu khỏi những qui định hẹp hòi của hệ tư tưởng hoặc thẩm mĩ
chính thống, đều không được xuất bản; những hiện tượng xã hội lệch lạc
đều không bị phê bình công khai; bào chữa công khai chống lại những sai
lầm, thậm chí dẫn đến các vụ án, do các cơ quan tuyên truyền chính thức
gây ra là việc bất khả thi – sự bảo vệ của pháp luật nhằm chống lại
“việc tấn công vào danh dự và uy tín”, được ghi rõ trong điều 17 Công
ước thứ nhất, không tồn tại trong thực tế: không bao giờ người ta xem
xét lại những bản án oan, đòi toà án bồi thường hoặc sửa sai là việc làm
vô ích; trong lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật không bao giờ có chuyện
thảo luận công khai.
Nhiều học giả, nhà văn, nghệ sĩ
và những người khác đã bị trừng phạt vì trước đây đã cho xuất bản hoặc
phát biểu những ý kiến mà những người cầm quyền hiện nay lên án.
Quyền tự do tín ngưỡng, được
điều 18 Công ước thứ nhất bảo đảm, thường xuyên bị những hành động tuỳ
tiện của chính quyền ngăn chặn; chính quyền thường xuyên can thiệp vào
hoạt động của các tu sĩ, thường xuyên đe doạ không cho họ hành đạo hoặc
tước quyền hành đạo; những người thể hiện niềm tin tôn giáo bằng lời hay
bằng hành động thì bị phạt tiền hay những hình phạt khác, việc đào tạo
trong lĩnh vực tôn giáo bị cấm đoán, v.v…
Nhiều quyền dân sự bị giới hạn
một cách ngặt nghèo và trong nhiều trường hợp còn bị xoá bỏ hoàn toàn vì
tất cả các tổ chức và định chế của nhà nước trên thực tế đều phải thi
hành các chỉ thị xuất phát từ bộ máy của đảng cầm quyền và quyết định
của những người có quyền lực.
Hiến pháp Tiệp Khắc, các điều
luật và tiêu chuẩn pháp lí không hề qui định hình thức hoặc nội dung,
thể thức ban hành hoặc thực thi những quyết định như thế; đấy thường là
lệnh miệng, dân chúng hoàn toàn không biết và không thể kiểm soát được;
những kẻ ra lệnh chỉ phải chịu trách nhiệm với chính mình và cấp trên
của mình mà thôi, nhưng họ lại có ảnh hưởng quyết định đối với các cơ
quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, công đoàn, các nhóm lợi ích và tất cả
những tổ chức khác, các đảng phái chính trị khác, các xí nghiệp, nhà
máy, các cơ quan và văn phòng v.v…, đối với tất cả các cơ quan này những
chỉ thị như thế có giá trị cao hơn luật pháp.
Các tổ chức hoặc cá nhân, có mâu
thuẫn với các chỉ thị đó về quyền và nghĩa vụ, không thể dựa vào bất kì
cơ quan độc lập nào vì đơn giản là không có các cơ quan như thế. Dĩ
nhiên là điều đó đã dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng các quyền được
qui định tại điều 21 và 22 của Công ước thứ nhất, qui định về quyền tự
do lập hội và cấm mọi hạn chế liên quan đến việc thực thi quyền này,
quyền tham gia công việc chung được qui định tại điều 25 và quyền được
pháp luật bảo vệ mà không có bất kì phân biệt đối xử nào được qui định
tại điều 26.
Người ta còn ngăn cản công nhân
và những người khác thực hiện quyền thành lập tổ chức công đoàn và các
tổ chức khác nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế và xã hội của họ và không cho
họ thực thi quyền đình công được qui định tại khoản 1 điều 8 Công ước
thứ hai nói trên.
Các quyền dân sự khác, trong đó
có nghiêm cấm “can thiệp một cách tùy tiện vào đời tư, gia đình, nhà ở
và thư tín” (điều 17, Công ước thứ nhất), đã bị vi phạm nặng nề thông
qua những hình thức can thiệp khác nhau của Bộ Nội vụ vào đời sống riêng
tư của người dân, thí dụ như nghe trộm điện thoại và nhà ở, kiểm soát
thư từ, theo dõi việc đi lại của người dân, khám nhà, tuyển mộ hàng xóm
vào mạng lưới chỉ điểm (họ thường được tuyển mộ bằng cách đe doạ hoặc
hứa hẹn) và những hình thức khác nữa.
Bộ Nội vụ thường xuyên can thiệp
vào các quyết định của người sử dụng lao động, khuyến khích những hành
động kì thị của chính quyền và các đoàn thể, tạo áp lực đối với các cơ
quan tư pháp và thậm chí là chỉ đạo các chiến dịch tuyên truyền trên các
phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là hành động bí mật, không nằm
trong qui định của pháp luật, người dân không thể nào tự vệ được.
Khi truy tố vì động cơ chính trị
thì cả cơ quan điều tra lẫn toà án đều vi phạm quyền của bị cáo và luật
sư, tức là những quyền được bảo đảm bởi điều 14 Công ước thứ nhất và
luật pháp của Tiệp Khắc. Hoàn cảnh tù đày của những người bị kết án vì
động cơ chính trị chính là sự lăng mạ nhân phẩm và đe doạ sức khoẻ nhằm
mục đích bẻ gãy tinh thần của họ.
Khoản 2 điều 12 Công ước thứ
nhất, bảo đảm quyền của mọi công dân được rời khỏi đất nước, đã thường
xuyên bị vi phạm, hoặc là viện cớ “bảo vệ an ninh quốc gia” mà đặt ra
những điều kiện phi lí, không cho nhân dân thực hiện quyền này (khoản
3). Việc cấp chiếu khán nhập cảnh cũng được thực hiện một cách tuỳ tiện,
nhiều người không được vào Tiệp Khác chỉ vì những quan hệ cá nhân hay
nghề nghiệp với những người bị nhà nước cho vào sổ đen.
Một số người – trong chỗ riêng
tư cũng như tại nơi làm việc hoặc thông qua diễn đàn công cộng duy nhất
là các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài – đã kêu gọi mọi người
quan tâm đến những vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do dân chủ một
cách có hệ thống và đòi phải có biện pháp xử lí trong một số trường hợp
cụ thể. Nhưng phần lớn những lời yêu cầu của họ đã bị phớt lờ hoặc được
coi là cơ sở để công an tiến hành điều tra.
Trách nhiệm bảo vệ các quyền dân
sự ở đất nước chúng ta đương nhiên trước hết là thuộc về các cơ quan
nhà nước. Nhưng không chỉ có các cơ quan đó: mọi người đều phải chịu
trách nhiệm về tình trạng hiện nay và vì thế, chịu trách nhiệm về việc
thực thi những thoả thận đã được long trọng kí kết theo đúng luật lệ,
đấy là những thoả thuận ràng buộc tất cả mọi người cũng như tất cả các
chính phủ.
Chính tinh thần cộng đồng trách
nhiệm này, chính niềm tin của chúng tôi vào tầm quan trọng của sự thừa
nhận công khai và tự giác ý thức trách nhiệm đó cũng như cần phải tạo
cho nó một cách thể hiện mới và hiệu quả hơn đã dẫn chúng tôi đến ý
tưởng thành lập Hiến chương 77 và hôm nay xin được công bố Hiến chương
này.
Hiến chương 77 là sự kết hợp mở,
phi hình thức và tự do của những người có những quan điểm, niềm tin và
nghề nghiệp khác nhau, gắn bó với nhau bằng ý chí đấu tranh, cá nhân
cũng như tập thể, vì dân quyền và nhân quyền ở đất nước chúng ta và trên
khắp thế giới – tức là những quyền của tất cả mọi người đã được hai
Công ước quốc tế nói trên, cũng như Tuyên bố Cuối cùng của Hội nghị
Helsinki và rất nhiều văn kiện phản đối chiến tranh, phản đối bạo lực và
những hình thức áp bức về tinh thần và xã hội khác, ghi nhận và đã được
xác nhận một cách đầy đủ trong Tuyên ngôn nhân quyền phổ quát của Liên
hiệp quốc.
Hiến chương 77 xuất phát từ tình
đoàn kết và hữu nghị của những người cùng chia sẻ mối quan tâm của
chúng tôi về những lí tưởng đã và đang truyền cảm hứng cho cuộc đời và
sự nghiệp của chúng tôi.
Hiến Chương 77 không phải là một
tổ chức; nó không có điều lệ, không có bộ máy thường trực hay qui chế
hội viên. Những ai chia sẻ các ý tưởng này và tham gia vào hoạt động của
nó sẽ đều là thành viên.
Hiến chương 77 không phải là cơ
sở cho hoạt động đối lập về mặt chính trị. Nó, cũng giống như nhiều sáng
kiến của nhân dân trong các nước khác, cả phương Tây lẫn phương Đông,
chỉ tìm cách thúc đẩy quyền lợi chung. Vì vậy nó không đặt ra mục tiêu
soạn thảo cương lĩnh cải cách hay thay đổi về mặt chính trị hay xã hội,
nhưng nó sẽ tiến hành những cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các
giới chức chính trị và nhà nước, đặc biệt là đánh động dư luận về những
trường hợp vi phạm nhân quyền và dân quyền, ghi chép lại những vụ vi
phạm và đề xuất hướng giải quyết, đưa ra những đề nghị có tính cách tổng
quát nhằm củng cố cũng như thiết lập bộ máy nhằm bảo vệ các quyền này,
và đóng vai trò trung gian trong những vụ xung đột có thể dẫn tới việc
vi phạm các quyền này v.v…
Bằng tên gọi mang tính biểu
tượng, Hiến chương 77 chỉ rõ rằng nó chào đời vào những giây phút đầu
tiên của năm được tuyên xưng là năm của các tù nhân chính trị, cũng là
năm mà Hội nghị Belgrade sẽ kiểm điểm việc thực thi những giao ước đã ký
kết tại Helsinki.
Chúng tôi, những người ký tên,
cử Giáo sư – Tiến sĩ Jan Patocka, Tiến sĩ Václav Havel và Giáo sư – Tiến
sĩ Jiri Hajek làm những người phát ngôn cho Hiến chương. Những người
phát ngôn này được giao toàn quyền đại diện trong quan hệ với nhà nước
và các cơ quan khác, với xã hội ở trong cũng như ngoài nước, chữ ký của
họ bảo đảm tính xác thực của các văn kiện do Hiến chương đưa ra. Họ sẽ
hướng dẫn chúng tôi và những người sẽ tham gia sau này, tức là những
người cộng sự với họ, tham gia vào việc thương lượng, gánh vác những
nhiệm vụ cụ thế và chia sẻ trách nhiệm khi cần.
Chúng tôi tin rằng Hiến chương
77 sẽ giúp tạo điều kiện cho tất cả công dân Tiệp Khắc được sống và làm
việc như những con người tự do.
Nguồn Anh ngữ: http://lcweb2.loc.gov/frd/cs/czechoslovakia/cs_appnd.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét