NSƯT Hồng Vân – Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận cho biết: “Ngay trong mùa hội diễn, đông đảo khán giả đã chú ý đến các vở tham gia, một phần nhờ báo chí thông tin, bên cạnh đó là sự tiếp thị của chúng tôi để tiếp tục đưa vở diễn đến với đông đảo người xem”. Bước vào Sân khấu Kịch Phú Nhuận trước giờ biểu diễn các vở Nỏ thần, Mẹ và người tình, mỗi khán giả được phát ba cuốn sách ảnh có thiết kế, in độc đáo. Bà bầu Hồng Vân không tiếc tiền làm mô hình các nhân vật trong vở Nỏ thần như Cao Thục và sáu hổ tướng sắp đặt trước mặt tiền của rạp. Các nhân viên soát vé, bán vé, phát tờ rơi đều mặc trang phục thời Âu Lạc trông khá bắt mắt.
Sân khấu Kịch Nụ cười mới cũng thiết kế hành lang sân khấu đầy hoa cùng những bức ảnh lớn về hình ảnh những người già cho phù hợp với nội dung vở Ông bà vú của mình. Công ty Sài Gòn phẳng, một đơn vị vừa bước vào lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật kịch nói qua vở Dòng nhớ, mang về cho đạo diễn trẻ Hạnh Thúy huy chương vàng xứng đáng, đã kết hợp với Nhà hát Thế giới Trẻ, Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM để công diễn tác phẩm đoạt giải này. Vé được giao đến tận nhà, ưu tiên giảm vé cho sinh viên, học sinh để họ có điều kiện đến với tác phẩm. Vở Biển của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP.HCM cũng nhận được sự đón chào nồng nhiệt của người xem ngay sau mùa hội diễn kết thúc. Vở Cánh đồng bất tận, qua sự tiếp thị của đạo diễn Việt Linh đã được phía Pháp mời sang lưu diễn trong thời gian tới, mở ra một hướng giao lưu văn hóa bằng những tác phẩm kịch nói được đánh giá cao qua mùa hội diễn này. Trước khi lưu diễn tại Pháp, Cánh đồng bất tận sẽ được công diễn tại Sân khấu Nhạc viện TP.HCM. Vé của vở kịch này sẽ được tiếp thị tại các trường đại học, các cơ quan, xí nghiệp để mở rộng thị phần biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả.
Sự năng động của sân khấu xã hội hóa đã giúp họ tranh thủ sự chú ý của dư luận qua mùa hội diễn để nhanh nhạy tiếp thị vở diễn của mình đến công chúng. Lượng vé cho 10 suất diễn đầu tiên của vở kịch lịch sử Ngàn năm tình sử tạo nên cơn sốt xem kịch lịch sử đã làm thay đổi quan niệm khán giả TP.HCM chỉ thích xem hài, thích những vở giải trí nhẹ nhàng.
Cần có chiến lược dài hơi
Ông Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Sân khấu Kịch Idecaf cho biết, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Sân khấu Kịch Idecaf đã tốn mất 2 năm trời đăng quảng cáo liên tục trên báo để khán giả quen dần với thương hiệu của mình. Cho đến nay, Sân khấu Kịch Idecaf vẫn duy trì khoảng từ 5% thậm chí 20% tổng số tiền đầu tư cho mỗi chương trình để quảng cáo.
Nếu theo dõi thì thấy rõ những sân khấu kịch xã hội hóa mạnh đều duy trì rất tốt website của mình trên mạng. Lịch diễn được công bố chính xác hằng tháng, hằng tuần, hằng ngày cho tới từng suất diễn. Mỗi chương trình đều có những lời giới thiệu rất ấn tượng và cụ thể về đề tài cũng như hình thức thể hiện và cả ảnh nghệ sĩ tham gia. Ngay từ khi vở diễn lên sàn tập cho tới khi ra rạp đã được tiếp thị liên tiếp trên website của đơn vị và các phương tiện thông tin đại chúng. Trước khi vở kịch ra mắt khoảng một tháng, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã tổ chức chiến dịch rải tờ rơi giới thiệu khắp các trường học. Sân khấu Kịch Sài Gòn còn năng động và đón ý khán giả hơn khi dùng chiêu gửi tin nhắn vào điện thoại di động cho khán giả. Mỗi khi có ai gọi điện thoại đến đặt vé xem kịch là lập tức người của nhà hát sẽ đề nghị xin được lưu lại số điện thoại của họ để nhắn tin thông báo mỗi khi có vở diễn mới. Số khán giả “thân thiết” kiểu này đã lên tới 2.000 người. Chắc hẳn mỗi khán giả khi nhận được những tin nhắn “tiếp thị” kiểu này cũng cảm thấy vui khi mình luôn là đối tượng VIP của sân khấu kịch và luôn được chăm sóc rất kỹ càng…
Trong thời kinh tế thị trường, người nghệ sĩ sẽ không chỉ ngồi yên và nói rằng kịch của tôi hay nên không cần phải tiếp thị, không cần phải đi tìm khán giả nữa. Việc quảng cáo tiếp thị vở của các đơn vị sân khấu kịch xã hội hóa đang làm hiện đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt, đây là kinh nghiệm rất quý để đưa sân khấu kịch ngày càng gần gũi với khán giả hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét