Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Cách làm bài văn nghị luận xã hội


CÁCH LÀM BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG , ĐẠO LÝ


1. Khái niệm, đề tài, yêu cầu và các thao tác chính:

1.1 Khái niệm
Nghị luận về một tư tưởng đạo lí là quá trình kết hợp những thao tác lập luận để làm rõ những vấn đề tư tưởng đạo lí trong cuộc đời.
1.2 Đề tài
Đề tài của nghị luận về tư tưởng, đạo lí là vô cùng phong phú, bao gồm:
- Các vấn đề về nhận thức như lí tưởng, mục đích sống,…
- Các vấn đề về tâm hồn, tính cách như:
+ Lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng,…
+ Tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn,…
+ Thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi,...
- Về các quan hệ gia đình như tình mẫu tử, anh em,...
- Về quan hệ xã hội như tình đồng bào, tình thầy trò, bạn bè,…
- Về cách ứng xử, những hành động của mỗi người trong cuộc sống.
1.3 Yêu cầu
- Hiểu được vấn đề cần nghị luận qua phân tích, giải thích để xác định vấn đè
- Phân tích, chứng minh những biểu hiện cụ thể của vấn đề, thậm chí so sánh, bàn bạc, bãi bỏ,… nghĩa là biết áp dụng nhiều thao tác lập luận.
- Phải biết rút ra ý nghĩa của vấn đề.
- Người thực hiện nghị luận phải có lí tưởng và đạo lí.
1.4 Các thao tác lập luận cơ bản
Các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu bài này là giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận.
2. Cách làm bài
2.1 Mở bài
- Giới thiệu vấn đề được đưa ra bình luận.
- Nêu luận đề: dẫn nguyên văn câu danh ngôn hoặc nội dung bao trùm của danh ngôn.
- Giới hạn nội dung và thao tác nghị luận sẽ triển khai.
2.2 Thân bài
- Giải thích tư tưởng, đạo lí cần nghị luận (nêu các khía cạnh nội dung của tư tưởng, đạo lí này).
- Phân tích, chứng minh, bình luận các khía cạnh ; bác bỏ, phê phán những sai lệch (nếu có).
- Khẳng định chung, nêu ý nghĩa, liên hệ thực tế, rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Lấy dẫn chứng minh họa (ngắn gọn, tiêu biểu, dễ hiểu).
2.3 Kết bài
Tóm tắt các ý, nhấn mạnh luận đề đã nêu ở đầu bài nhằm chốt lại bài viết hoặc dẫn thơ, văn để mở rộng, gợi ý thêm cho người đọc về vấn đề đang bàn luận.

Muốn làm bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, trước hết hãy tìm hiểu sâu về tư tưởng, đạo lí được đem ra bàn bạc.

Tìm hiểu tư tưởng, đạo lí bằng cách phân tích, giải thích theo từng ý, từng vế của vấn đề được nêu.
Phát biểu nhận định, đánh giá của mình về tư tưởng, đạo lí đó.
Nêu các luận cứ và phân tích các luận cứ để khẳng định nhận định, đánh giá của mình.
NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG , ĐẠO LÝ

1..Mở bài:

-Giới thiệu chung
- Nêu tư tưởng,đạo lí cần nghị luận
2.Thân bài
-Luận điểm 1:Giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lí(Bằng cách giải thích các từ ngữ,các khái niệm..trong câu nói chứa đựng đạo lí tư tưởng)(Dùng thao tác lập luận:nêu câu hỏi –sau đó trả lời).
-Luận điểm 2:Phân tích các mặt đúng của nội dung tư tưởng đạo lí(Dùng luận cứ từ cuộc sống và xã hội để chứng minh).
-Luận điểm 3:Bác bỏ những biểu hiện chưa đúng,hoặc cách hiểu sai lệch có liên quan đến nội dung tư tưởng đạo lí(Dùng luận cứ từ cuộc sống và xã hội để bác bỏ).
-Luận điểm 4:Đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lí đã nghị luận đối với đời sống và con người(Đặt biệt trong xã hội hiện nay).
3.Kết bài:
-Tóm lại tư tưởng đạo lí.
-Nêu ý nghĩa và rút ra bài học nhận thức và hành động của bản thân từ tư tưởng đạo lí đã nghị luận.
4. Ví dụ
Lập dàn ý cho đề bài sau (đề 1 SGK Ngữ văn Nâng cao, tập 1, trang 175):
Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống (Lép Tôn-xtôi).
Anh (chị) hãy nêu suy nghĩ về vai trò của lí tưởng nói chung và trình bày lí tưởng riêng của mình.
1. Mở bài
- Giới thiệu về ý kiến của L.Tôn-xtôi.
- Nêu nội dung câu nói của L.Tôn-xtôi:
+ Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường ; không có lí tưởng thì không có cuộc sống.
+ Nâng cao vai trò của lí tưởng lên một tầm cao ý nghĩa của cuộc sống. Ở đây đòi hỏi phải giải thích mối quan hệ giữa lí tưởng và ngọn đèn, phương hướng và cuộc sống.
- Yêu cầu của đề: suy nghĩ về vai trò của lí tưởng nói chung đối với mọi người và lí tưởng riêng của mình.
2. Thân bài
- Giải thích câu nói của L.Tôn-xtôi về vai trò của lí tưởng đối với cuộc sống:
+ Lí tưởng là ước mơ, khát vọng định hướng cuộc sống. Lí tưởng xấu có thể làm hại cuộc đời của một người và nhiều người. Không có lí tưởng tốt đẹp thì không có cuộc sống tốt đẹp.
+ Lí tưởng tốt đẹp, thực sự có vai trò chỉ đường vì đó là lí tưởng vì dân, vì nước, vì gia đình và hạnh phúc bản thân. Lí tưởng tốt đẹp có vai trò chỉ đường cho chính sự nghiệp cụ thể mà mỗi người theo đuổi: khoa học, giáo dục, an ninh, kinh doanh,…
- Nêu suy nghĩa tán thành hay không tán thành đối với ý kiến của nhà văn Nga.
- Nêu lí tưởng riêng của mình: vấn đề bức thiết đặt ra cho mỗi HS tốt nghiệp THPT là chọn ngành nghề, một ngưỡng cửa để bước vào thực hiện lí tưởng.
3. Kết bài
Khẳng định vai trò của lí tưởng trong cuộc sống mỗi con người mỗi thế hệ, mỗi dân tộc.

NGHỊ LUẬN VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG


1. Khái niệm

Hiện tượng là cái xảy ra trong không gian, thời gian mà người ta nhận thấy. Những gì không hiện ra bên ngoài, những gì không có hình dạng hay trạng thái, con người không cảm nhận, quan sát được đều có thể coi là hiện tượng. Đây là chỗ phân biệt hiện tượng (bên ngoài) với bản chất (bên trong) và với vấn đề (không hình trạng), dẫu cho chúng ta vẫn thường xuyên bình luận cả hiện tượng lẫn vấn đề.
Khi nói hiện tượng đời sống thì hai chữ đời sống ở đây được dùng trong sự phân biệt với văn học, khoa học, với sách vở nói chung. Vì vậy, nói đến hiện tượng đời sống là nói đến những cái xảy ra ở cuộc sống bên ngoài, con người bình thường có thể quan sát thấy, chứ không phải trong sách vở, văn chương.
Nghị luận về một hiện tượng đời sống là kiểu bài lấy một hiện tượng xảy ra trong đời sống để bàn bạc. Từ hiện tượng này, người nghị luận phải phân tích để tìm ra ý nghĩa xã hội về tư tưởng, đạo đức mà bàn bạc, đánh giá. Đề tài bàn bạc gần gũi với đời sống, sát hợp với trình độ nhận thức của HS như tai nạn giao thong, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, những tấm gương người tốt việc tốt,…
2. Cách làm bài
2.1. Cách viết mở bài
Nghị luận về một hiện tượng đời sống cũng là một dạng văn bản. Vì vậy, nó cũng cần bắt đầu bằng một mở bài. Và phần mở bài của nó dĩ nhiên không thể đi ngược lại những nguyên tắc chung của mở bài.
Nghị luận là hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu của con người muốn được bàn luận và đánh giá về một hiện tượng (hoặc vấn đề) nào đấy. Mở bài của một bài nghị luận hiện tượng đời sống phải thể hiện được định hướng đánh giá và bàn luận đó thông qua những câu hỏi, hoặc những câu có tác dụng gợi suy nghĩ, trăn trở trong người đọc (người nghe).
2.2. Cách viết thân bài
Thân bài phải gồm đủ hai thành phần là bàn luận và đánh giá, để có thể đáp ứng yêu cầu bình luận.
Các ý của thân bài cần được sắp xếp sao cho người đọc (người nghe) có thể tiếp nhận sự đánh giá, bàn luận của người làm văn một cách dễ dàng và hứng thú, vì sự bình luận chỉ có ý nghĩa khi nó thực sự hướng tới người đọc (người nghe). Chẳng hạn:
- Người đọc (người nghe) sẽ không thể tiếp nhận, và càng không thể tiếp nhận một cách hứng thú những lời bình luận về một hiện tượng nếu họ còn mơ hồ về cái hiện tượng được đưa ra bình luận ấy. Vì thế, trước khi bắt tay vào đánh giá hay bàn bạc, người bình luận nên trình bày một cách trung thực, đầy đủ, rõ ràng về hiện tượng đời sống mà mình sẽ đem ra bàn luận cùng người đọc (người nghe).
- Người bình luận không nên cố trình bày hiện tượng đời sống đó sao cho phù hợp nhất với quan điểm của mình, vì việc làm ấy có thể sẽ mâu thuẫn với yêu cầu khách quan, trung thực và từ đó sẽ khién người đọc (người nghe) hoài nghi, cảm thấy sự bình luận không thật công bằng, không vô tư.
- Người bình luận cũng nên vận dụng các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh trong lúc trình bày để bài văn của mình thêm chính xác, rõ ràng, sinh động và do đó, thêm sức thuyết phục người đọc (người nghe).
- Người đọc (người nghe) sẽ không thể thực sự tin vào ý kiến của người nghị luận, nếu cảm thấy ý kiến ấy chỉ là sự áp đặt một chiều. Sức thuyết phục của bài nghị luận sẽ cao hơn nhiều khi người nghe có điều kiện so sánh ý kiến của người nghị luận với những ý kiến đã được nêu ra trước đó. Do vậy, người làm văn nên làm công việc điểm lại và nhận xét một cách hợp tình hợp lí các quan điểm chính đã có về hiện tượng đời sống được đưa ra bình luận, trước khi đưa ra quan điểm của bản thân mình.
Việc điểm lại và nhận xét các quan điểm chính đã có về hiện tượng đời sống nêu ở đề bài rõ ràng cũng cần phải đạt được các yêu cầu khách quan, trung thực, như vừa nêu ở điểm trên. Vì có thế thì người nghị luận mới mong đạt được mục đích của mình.
- Khi nêu ra và bảo vệ quan điểm của riêng mình, người bình luận có thể đứng hẳn về một phía, ủng hộ phía mình cho là đúng và phê phán phía mà mình chắc chắn là sai. Người bình luận cũng có thể kết hợp những phần đúng và loại bỏ phần còn hạn chế của mỗi phía để đi tới một sự đánh giá mà mình tin là thực sự hợp lí, công bằng. Và cũng không loại trừ khả năng người bình luận đưa ra một cách đánh giá khác biệt của riêng mình, sau khi đã phân tích các quan điểm ý kiến khác nhau về đề tài cần bình luận.
Việc lựa chọn cách làm nào trong cách kể trên cũng hoàn toàn chỉ xuất phát từ một và chỉ một cơ sở duy nhất - cơ sở chân lí. Và sau khi đã lựa chọn được một cách thức phù hợp với chân lí (lẽ phải) rồi thì nhiệm vụ của người bình luận là thuyết phục người nghe (người đọc) đặt niềm tin vào sự đánh giá của mình, như chính mình đã từng có niềm tin như thế.
- Khi tiếp tục luận bàn sâu rộng hơn, người làm văn có thể đề cập tới thái độ, hành động, cách giải quyết cần có trước hiện tượng vừa được nhận xét, đánh giá, cũng có thể bày tỏ những cảm nhận, suy nghĩ mà mình đã rút ra khi liên hệ với thời đại, hoàn cảnh sống, lứa tuổi của mình và của người đang lắng nghe mình bình luận. Sự bàn luận còn có thể đạt tới tầm vóc lớn hơn, có giá trị cao hơn nếu người bình luận có thể mở ra những ý nghĩa sâu rộng, sâu sắc và bất ngờ nữa từ hiện tượng đời sống mà mình đang bình luận.
2.3. Cách viết kết bài
Phần kết bài phải đóng được bài văn lại bằng một khẳng định chắc chắn, không thể nào bác bỏ.
Ở một bài nghị luận hay, phần kết không chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là chốt lại bài văn. Một phần kết chỉ thật hay khi nó còn mở ra được một phạm vi rộng lớn hơn cho những suy ngẫm, những điều cần bàn luận tiếp.

Khi có đề văn yêu cầu nghị luận về một hiện tượng đời sống thì trước hết phải tìm hiểu hiện tượng đời sống được nêu trong đề, phân tích các biểu hiện của nó, lí giải các nguyên nhân và hậu quả.

Tiếp đến nêu ý kiến nhận xét, đánh giá hiện tượng đó tốt, xấu, lợi, hại như thế nào. Chúng ta cần có thái độ ra sao đối với hiện tượng đó. Trên cơ sở suy nghĩ đó mà lập dàn ý để cho bài viết mạch lạc, vận dụng kết hợp hợp lí các thao tác nghị luận.

4. Ví dụ

Lập dàn ý cho đề bài sau (đề 1 SGK Ngữ văn Nâng cao, tập 1, trang 202):
Báo Tuổi trẻ ngày 12/07/2004 đưa tin:
“Theo Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học năm 2004, sau hai đợt thi đã có 3186 thí sinh bị xử lí kỉ luật do vi phạm quy chế thi, trong đó có 2637 thí sinh bị đình chỉ thi, chủ yếu do mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi. Hình thức mang tài liệu, phao thi ngày càng tinh vi, chúng được giấu trong thước kẻ, điện thoại di động, trong đế giày”.
Hãy bình luận về thực trạng đó.
1. Mở bài
Nêu hiện tượng, trích dẫn đề, nhận định chung.
2. Thân bài
- Phân tích hiện tượng:
+ Hiện tượng thí sinh vi phạm quy chế thi, bị xử lí kỉ luật lên đến hai, ba nghìn người là hiệnt tượng chứng tỏ một bộ phận thí sinh thiếu tự do chưa có kiến thức vững vàng, động cơ, thái độ học tập, thi cử không đúng đắn.
+ Hiện tượng sử dụng nhiều hình thức mang tài liệu tinh vi chứng tỏ nhiều thí sinh đã có ý thức vi phạm quy chế từ ở nhà, có chủ ý không tuân thủ quy chế thi, rõ ràng là phạm pháp có ý thức.
+ Việc xử lí của các Hội đồng thi chứng tỏ việc thi cử được tổ chức nghiêm túc, các giám thị đã có thái độ nghiêm khắc cần thiết.
- Bình luận hiện tượng:
Hàng năm, cả nước ta có khoảng tám, chín trăm nghìn cho đến một triệu thí sinh thi đại học. Con số hai, ba nghìn nói trên là rất ít so với tổng số.
Đa số thí sinh Việt Nam có thái độ thi cử nghiêm túc, đúng đắn, tôn trọng quy chế thi. Không nên vì một số ít có thái độ sai phạm mà vơ đũa cả nắm, đánh giá sai toàn bộ thí sinh.
- Phê phán những mặt sai:
+ Thái độ, động cơ học tập.
+ Thái độ gian lận, cố tình vi phạm.
- Khẳng định đa số học sinh có thái độ đúng đắn , giám thị hoàn thành tốt nhiệm vụ coi thi.
3. Kết bài
- Kêu gọi các thi sinh có thái độ đứng đắn trong thi cử, đảm bảo chất lượng các kì thi tuyển sinh.
- Bài tỏ thái độ của người viết trước hiện trạng đó..............

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH MỘT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN


ĐỐI VỚI BÀI VĂN VỀ HIỆN TƯỢNG XÃ HỘI

A. MỞ BÀI
Phần mở bài cần nêu lên được tính cấp thiết của vấn đề cần nghị luận.
B. THÂN BÀI
1. Thực trạng của vấn đề cần nghị luận.
2. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.
3. Hậu quả hoặc kết quả.
4. Biện pháp khắc phục hoặc...
C. KẾT BÀI
Nêu suy nghĩ về vấn đề đã nghị luận và bài học cho bản thân.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
ĐỀ RA
Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Mở bài:
Nêu sự cấp bách và tầm quan trọng hàng đầu của việc phải giải quyết vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.
Thân bài:
Tai nạn giao thông là tai nạn do các phương tiện tham gia giao thông gây nên: đường bộ, đường thủy, đường sắt... trong đó phần lớn các vụ tai nạn đường bộ.
Nguyên nhân dẫn đến Tai nạn giao thông:
- Khách quan: Cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém; phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh; do thiên tai gây nên...
- Chủ quan:
+ Ý thức tham gia giao thông ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là giới trẻ, trong đó không ít đối tượng là học sinh.
+ Xử lí chưa nghiêm minh, chưa thỏa đáng. Ngoài ra còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong xử lí.
Hậu quả: gây tử vong, tàn phế, chấn thương sọ não...
Theo số liệu thống kê của WHO ( Tổ chức y tế thế giới) : Trung bình mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2006, riêng Trung Quốc có tới 89.455 người chết vì các vụ tai nạn giao thông. Ở Việt Nam con số này là 12,300. Năm 2007, WHO đặt Việt Nam vào Quốc gia có tỉ lệ các vụ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới với 33 trường hợp tử vong mỗi ngày.
Tai nạn giao thông đang là một quốc nạn, tác động xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống:
- TNGT Ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý: Gia đình có người thân chết hoặc bị di chứng nặng nề vì TNGT ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần, tình cảm; TNGT tăng nhanh gây tâm lí hoang mang, bất an cho người tham gia giao thông.
- TNGT gây rối loạn an ninh trật tự: kẹt xe, ùn tắc giao thông; kẻ xấu lợi dụng móc túi, cướp giật...
- TNGT gây thiệt hại khổng lồ về kinh tế bao gồm: chi phí mai táng cho người chết, chi phí y tế cho người bị thương, thiệt hại về phương tiện giao thông về hạ tầng, chi phí khắc phục, chi phí điều tra...
- TNGT làm tiêu tốn thời gian lao động, nhân lực lao động: TNGT làm kẹt xe, ùn tắc GT dẫn đến trễ giờ làm, giảm năng suất lao động; TNGT làm chết hoặc bị thương ảnh hưởng đến nguồn lực lao động xã hội.
-Giảm thiểu tai nạn giao thông là là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội. Thanh niên, học sinh cần làm những gì để góp phần giảm thiểu TNGT ?
-Vì sao lại đặt vai trò cho tuổi trẻ, vì tuổi trẻ là đối tượng tham gia giao thông phức tạp nhất cũng là đối tượng có nhiều sáng tạo và năng động nhất có thể góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP:

- Tuyên truyền cho mọi người biết tác hại và hậu quả nghiêm trọng của TNGT.
- Tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ ATGT khi tham gia giao thông.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông. Cùng giương cao khẩu hiệu " Nói không với phóng nhanh vượt ẩu", " An toàn là bạn, tai nạn là thù"...
- Thành lập các đội thanh niên tình nguyện xuống đường làm nhiệm vụ.
- Phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan đoàn thể nơi gần nhất những trường hợp vi phạm ATGT.
- Về phía trường học, cần phát động và giáo dục kịp thời những trường hợp học sinh vi phạm.
- Về phía chính quyền, cần xử lí thật nghiêm minh hơn nữa những trường hợp vi phạm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét