Gaddafi tưởng mình sẽ là vĩnh cửu. Ông ta đã phá hoại và lăng mạ cả thế giới. Ông ta đã dùng bàn tay sắt của một kẻ độc tài để khủng bố nhân dân Libya, đồng thời ông ta lại biết cách làm hòa (sau nhiều năm ở trong tình trạng xung đột) với thế giới dân chủ phương Tây và đã buộc lãnh đạo một vài nước phương Tây quì gối không chỉ một lần.
Trong cuộc đời hoạt động khá dài của mình, ông ta từng là một kẻ âm mưu, từng là người phát động cuộc cách mạng xanh của người Hồi giáo và rồi ông đã bỏ cuộc. Nhưng lúc nào ông ta cũng là một người độc tài. Ông ta tin vào bạo lực và dối trá và cho rằng chỉ cần như thế là đủ. Nhưng ông ta đã tính sai. Cuối cùng các thần dân của ông ta quyết định rằng đã đến lúc nói: đủ rồi!
Đấy là lúc Gaddafi phải chết. Ông ta đã cầm cự vì ông ta có quân đội, cũng như nhà độc tài ở Syria hiện nay vậy. Ông ta đã có thể cầm cự được lâu nữa, nếu không có các chiến dịch quân sự của Pháp và Anh – được nhiều nước ủng hộ. Lần này các nước dân chủ đã đứng về phía những người bị áp bức, chống lại kẻ bạo ngược kia. Đấy là tín hiệu cho các dân tộc còn nằm dưới ách chuyên chế: các chế độ chuyên chế nhất định sẽ bị trừng phạt, bọn độc tài không thể sống mãi được.
Nói cho ngay, trong thời đại của chúng ta chế độ độc tài là thành tố không thể tránh được, nhưng sự sụp đổ của chúng cũng là sự kiện không thể nào tránh được. Sự sụp đổ của các chế độ độc tài thường diễn ra qua thương thuyết và những cuộc cải cách dân chủ, nhưng cũng có thể bằng con đường bạo lực và những cuộc trả thù đẫm máu.
Bọn độc tài cần phải học kĩ bài học của mùa xuân Arab. Một số, thí dụ như chế độ ở Miến Điện đã bắt đầu ngả dần về phía đối lập dân chủ, quá trình tương tự cũng đang diễn ra ở Morocco. Ở những nơi khác, thậm chí ngay ở các nước láng giềng của chúng ta - ở Bạch Nga, nơi Lukashenko đang cầm quyền, những kẻ độc tài vẫn tiếp tục tin rằng họ sẽ không bị trừng phạt và sẽ bất tử. Tổng thống Ukriane, Ianukovich, cũng đang đi theo con đường của Lukashenko.
Họ lầm, cũng như Gaddafi đã lầm. Xin chúc họ có kết cục tốt hơn là kết cục của người đồng nhiệm Libya của họ. Chúng ta cũng nên tự chúc nhau như thế. Bạo lực sinh ra bạo lực, hận thù sinh ra hận thù, báo thù sinh ra báo tù.
Tôi không tin vào thế giới không hận thù: chúng ta có phải là thánh thần đâu. Nhưng tôi tin là chế độ độc tài nào cũng có giới hạn của nó. Đấy là lúc những chiến sĩ bảo vệ tự do cảm thấy hài lòng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét