Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013
Karl Graf Ballestrem: Vài Nhận Định Sai Lầm Của Karl Marx Về Quan Điểm Của Adam Smith
09:29
Hoàng Phong Nhã
No comments
Adam Smith Karl Marx
Lời người dịch: Karl Marx là một nhà nghiên cứu về lịch sử tư tưởng kinh tế. Dù uyên bác và làm việc nghiêm túc nhưng ông không tránh khỏi sai lầm. Cụ thể là khi viết Tư Bản Luận, Marx không đề cập đến thành tích đóng góp của phong trào Khai Sáng Tô Cách Lan trong tiến trình thay đổi suy luận kinh tế của châu Âu. Marx liệt kê Adam Smith và David Ricardo vào chung một học phái, mà cả hai sống vào hai thời điểm và có nội dung khảo hướng khác nhau. Marx còn hiểu lầm Smith là học trò của Ferguson. Nhưng quan trọng nhất là Marx có hai phê phán sai lạc về quan điểm của Smith.
Thứ
nhất, Marx đã quy kết Smith là “đại biểu khoa học của gia cấp tư sản“.
Là một giáo sư Đạo Đức học, Smith không hề đảm nhận vai trò này trong
thực tế. Lý thuyết của Smith qua tác phẩm “Sự Thịnh Vượng Cuả Đất Nước”
đào sâu hiện tượng xã hội trong bối cảnh “lịch sử tự nhiên của xã hội
dân sự”. Smith luôn biện hộ cho một chính sách kinh tế có thể tác động
đến tăng lương công nhân và hạ giá bán sản phẩm. Smith không hề bảo vệ quyền lợi của người giàu và quyền thế, mà ông còn công khai phê phán thái độ đàn áp công chúng giới lãnh đạo thủ cựu và lừa bịp của giới tư sản. Do đó, quy kết của Marx không dựa theo quan điểm xã hội của Smith.
Thứ hai, Marx xem lý thuyết giá trị và phân phối của Smith sai lầm, vì Smith không hiểu chức năng của tiền tệ trong phân công lao động và trao đổi hàng hoá và Smith cũng không nắm bắt được quyền lực lao động
trong tiến trình sản xuất. Do không khám phá nguồn gốc tư bản thống trị
xã hội, nên Smith không lý giải được tại sao của cải xã hội gia tăng mà
có phân phối bất công.
Thực
ra, Smith lập luận chiếm hữu trong xã hội dân sự có chức năng lao động
của con người, nhưng cũng là thành quả của sử dụng bạo lực và lưà đảo.
Phân phối hoặc chiếm hữu giá trị không phải luôn luôn là nguồn gốc của
giá trị và luật giá trị không tạo nên xã hội tư sản. Smith không giới
hạn phân phối của cải xã hội chỉ có trong ba giai cấp điền chủ, sở hữu chủ tư bản và lao động. Khi giải thích doanh lợi chỉ là do giá bán cao hơn giá trị hoặc là do lừa đảo quyết định, ý tưởng này là sai lầm, vì Smith cho là còn có nhiều yếu tố khác tác động.
Smith giải thích doanh lợi là phần trích xuất từ giá trị sản xuất. Khi
mọi người không vi phạm luật công bình thì họ có hoàn toàn tự do để theo
đuổi quyền lợi riêng và có quyền mang tư bản vào đầu tư kinh tế để cạnh
tranh với người khác theo cách của mình. Doanh lợi và điạ tô không những chỉ
có chức năng tiền lương mà còn có chức năng giá cả. Do đó, Smith biện
minh “hệ thống tự do tự nhiên” dựa trên lập luận hữu dụng nhằm phục vụ
quyền lợi tốt đẹp nhất cho đại đa số quần chúng.
Dù có nhận định sai lầm về Smith nhưng Tư Bản Luận của Marx vẫn còn có những giá trị giới hạn nhất định.
Nguyên tác Anh ngữ của bản dịch là “Karl Marx and Adam Smith: Critical
Remarks About The Critique Of Political Economy” đăng trong:
Contemporary Marxism, James J. O´Rourke et al.(eds.), 1984, D. Reidel
Publishing Company, 21-38. Karl Graf Ballestrem (1937-2007), là Giáo sư
Triết học và Chính trị học tại các Đại học Chicago, Notre-Dame (Hoa Kỳ),
München và Eichstätt-Ingolstadt (Đức).
Người dịch đặt tựa đề cho bản dịch và đưa chung các trích dẫn kinh điển và chú giải cuả tác giả vào cuối bản dịch.
Nếu luận về phương pháp để so sánh giữa hai tác phẩm “Sự Thịnh Vượng Cuả Đất Nước” của Adam Smith và “Tư Bản Luận” của Karl Marx
thì chúng ta sẽ thấy có sự dị biệt quan trọng và rõ rệt: Trong khi
Smith cố gắng tổng quát hoá những kinh nghiệm (mà ông tìm ra qua tư liệu
lịch sử, thống kê và đàm luận với thương giới ở thành phố Glasgow) và
kiểm chứng lại những phương cách này để lý giải với một tầm vóc rộng hơn
về những hiện tượng được chứng nghiệm (theo quy luật khoa học của
Newton), thì Marx qua tiểu tựa đã cho thấy Tư Bản Luận là bàn về „Phê
Phán Về Kinh tế Chính Trị Học“. Tư Bản Luận khởi đầu với suy đoán lý
thuyết của những nhà kinh tế tư sản để chứng minh những phạm trù và quy
luật vừa lộ vừa ẩn và đều không có khả năng giải thích được thực trạng
của hệ thống kinh tế tư bản. Đối với Smith, việc tham khảo tài liệu kinh
tế cổ điển và hiện đại giúp cho ông soi sáng thêm quan điểm, nhưng ông
không cần đến các thuyết trọng thương và trọng nông để lý giải cho luận
thuyết của mình. Đúng hơn về sau (đặc biệt là trong quyển IV của „Sự
Thịnh Vượng Cuả Đất Nước”), ông thảo luận về các lý thuyết, nhưng chỉ để
nhằm soi sáng ưu thế trong hệ thống lý thuyết. Ngược lại, Marx nghiên
cứu cẩn trọng về các sách vở kinh tế trên 200 năm qua để khám phá về
„Phân Tích Về Xã Hội Tư Sản“ và giới thiệu như một tiền đề trong lý
thuyết phê phán (ngay từ đầu quyển I Tư Bản Luận) mà ông coi là những
phạm trù và nguyên tắc cơ bản của “Kinh Tế Chính Trị Học Cổ Điển”.
Khi
chúng ta lưu tâm đến tầm quan trọng của khoa học kinh tế chính trị cổ
điển để tìm hiểu Marx về phê phán xã hội tư sản, một vấn đề có liên quan
đặc biệt là liệu Marx có quan tâm đến James Steuart hay Adam Smith hoặc
David Ricardo không hoặc là Marx có chú ý lý giải trung thực về các lý
thuyết của họ không hoặc Marx có sử dụng chọn lọc các công trình này để
đúc kết xem các lý thuyết này có cục bộ và tự mâu thuẫn hay không. Dù
thế, vấn đề này không đáng được quan tâm. Trong số những học giả Mác
xít, lý thuyết của các nhà kinh tế tư sản thường được trình bày theo
quan điểm phê phán thiên về Marx và trích lời của Marx.[1]
Đối với các sử gia về tư tưởng kinh tế không theo Mác xít, thì Marx
thực ra là kinh tế gia, nhưng không phải là nhà phê phán về lý thuyết
kinh tế.[2]
Những
nhà nghiên cứu khoa học về Marx là những người hiểu phương pháp lý
thuyết phê phán của Marx nhưng không có khuynh hướng hoặc thẩm quyền để
lập luận chống lại lý giải kinh điển của Marx về kinh tế tư sản. [3]
Dĩ
nhiên, tiểu luận này không cố ý thách thức đến toàn bộ công trình phê
phán về kinh tế chính trị học của Marx. Điều tôi muốn minh chứng là so
sánh những gì Marx nói về những lý thuyết kinh tế tư sản với nghiên cứu
lý thuyết được trình bày nghiêm túc trong toàn cảnh lịch sử và hệ thống.
[4]
Bởi vì Marx coi Smith và Ricardo là những nhà lập thuyết cho trường
phái kinh tế cổ điển loại thượng hạng, thí dụ này là một dẫn chứng quan
trọng. Nhưng khi tôi muốn minh chứng quan điểm của Marx đối với Smith là
phiến diện và không thuộc về lịch sử, tôi không suy đoán rằng quan điểm
của Marx cũng đúng cho Ricardo và những người khác. Cho dù trường hợp
này có đúng đi nữa, tôi cũng không suy luận là kết luận của Marx về hệ
thống kinh tế tư bản là sai.
Dù
tôi tự đặt giới hạn cho đề tài, tuy nhiên, mối quan hệ về loại phê phán
mà tôi đề xuất rất minh bạch. Để có thể minh chứng Marx hiểu sai về
Smith hay Ricardo là có một trọng lượng phê phán khác biệt, tôi có so
với dẫn chứng khác, thí dụ như Smith hiểu sai về thuyết trọng nông. Điều
này có thể nhận xét qua thí dụ sau đây. Chúng ta hãy suy đoán về các
sách vở kinh điển của tư sản là không bao giờ nói đến lao động và trao
đổi các mặt hàng tương đương như phương thức tiêu biểu của chiếm hữu và
phân phối trong “những xã hội dân sự”. Ngay từ khởi đầu của Tư Bản Luận
điểm chính khi phân tích giá trị và trao đổi là chứng minh lao động và
trao đổi hàng hoá tương đương như biểu hiện tất yếu về những nguyên tắc
đặc trưng của chiếm hữu và phân phối của xã hội tư bản (như là một hình
thức chống lại xã hội phong kiến). Và chỉ có khi thay đổi cách nhìn từ
trên bình diện này (phạm vi trao đổi) đến chiều sâu thuộc cấu trúc (phạm
vi sản xuất tư bản) thì người ta mới hiểu được bản chất của thặng dư và
doanh lợi.
Tuy
nhiên, Marx không chứng minh được cho suy đoán của mình là xã hội tư
sản thể hiện tất yếu theo chiều hướng này cho các thành viên. Bằng chứng
duy nhất của Marx là „kinh điển của kinh tế chính trị học“ đã có nói
như thế. Đó chính là lý do tại sao Marx lý giải về thặng dư và doanh lợi
có hình thức phê phán của kinh tế chính trị học. Ngày nay, nếu “kinh
điển” có nghĩa là một cái gì đó hoàn toàn khác, thì lý giải của Marx về
thặng dư và doanh lợi vẫn có thể còn đúng, nhưng hình thức đặc biệt
trong lập luận của Marx không còn thuyết phục.
Tiểu
luận này chia làm hai phần. Phần thứ nhất thảo luận về điểm Marx đã
hiểu đại cương về lý thuyết xã hội của Smith như thế nào. Phần thứ hai
bàn đến vấn đề Marx có thừa nhận lý thuyết giá trị và phân phối của
Smith là có đúng không.
Lý thuyết xã hội của Adam Smith
Trước hết, đối với các sử gia đương đại, Adam Smith là một trong các nhân vật chủ yếu của “Phong Trào Khai Sáng Tô Cách Lan“.[5]
Cùng với bạn là David Hume, ông thuộc về nhóm học giả kiệt xuất mà qua
những công trình này chúng ta có thể nhận ra sự thay đổi tư tưởng của
con nguời và xã hội từ khoa học quy phạm cổ truyền đến khoa học xã hội
hiện đại. Khởi đầu của thời kỳ chuyển hoá này ta có thể tìm thấy qua tác
phẩm Treaties of Human Nature (1739/1740) của Hume, đặc biệt là trong
quyển III Of Morals. Tác phẩm này giải thích và phê phán về kết ước xã
hội theo thuyết tự nhiên. Việc giải thích này trở nên hiển nhiên hơn
trong tác phẩm Theory of Moral Sentiments (1759) của Smith mà Smith xem
các vấn đề đạo đức học như là một đối tượng thuộc về khoa tâm lý xã hội.
Essay on the History of Civil Society (1767) của Adam Ferguson và Origin of the Distinction of Ranks
(177 của John Millars là những tác phẩm tiêu biểu tiên khởi cho những
nghiên cứu về khoa học xã hội thực nghiệm và được xem như là công trình
tiên phong của xã hội học hiện đại. Inquiry into the Nature and Cause of the Wealth of Nations của Adam Smith là tác phẩm về kinh tế chính trị đầu tiên theo khoa học xã hội thực nghiệm.
Dù
có loại trừ David Hume một phần nào thì một đặc điểm chung của các tác
giả này là họ nỗ lực giải thích hiện tượng xã hội trong bối cảnh lịch
sử, nói một cách chính xác hơn, trong khuôn khổ của “lịch sử tự nhiên
của xã hội dân sự”. Các sử gia về lý thuyết nêu rõ điểm tương đồng trong
khảo hướng về „lịch sử tự nhiên“ của trào lưu khai sáng Tô Cách Lan và
„khái niệm biện chứng lịch sử“ của Marx. Thứ nhất, điểm tương đồng có
thể tìm thấy quy luật này trong khái niệm về con người như một tác nhân
tích cực nhằm thoả mản nhu cầu ngày càng tăng qua lao động. Thứ hai, các
tác giả Tô Cách Lan suy đoán là các xã hội có khuynh hướng phát triển
qua những giai đoạn lịch sử nhất định, thể hiện qua các đặc tính sản
xuất và chiếm hữu khác nhau (thí dụ như giới săn bắn, nuôi cưù, nông gia
và thương nhân). Thứ ba, họ cố lý giải các thể chế xã hội và chính trị
bằng cách quy chiếu với những phương thức sản xuất và sở hữu. Sử gia
William Roberton, người bạn của Adam Smith, diễn đạt nguyên tắc này qua
hình thức như sau: “Trong bất cứ một cuộc khảo sát nào về hoạt động của
con người khi hợp quần vào xã hội, thì mục tiêu đầu tiên cấn phải chú ý
là phương thức sinh tồn. Khi phương thức này thay đổi thì các quy luật
và chính sách phải thay đổi theo.” [6]
Đối
với các tác giả Tô Cách Lan, lịch sử không luôn được xem là thăng tiến
vì sự tiến bộ trong lĩnh vực này phải trả bằng một giá là tai ách hay
xung đột trong lĩnh vực khác. Chính vì thế mà đi theo sau chiếm hữu đất
đai tư nhân, phát triển phân công lao động và du nhập thương mại và kỹ
nghệ chế biến là gia tăng năng suất nhưng cùng song hành với nó là nỗi
khốn khó ngày càng nhiều của nhân dân lao động, xung đột xã hội và suy
đồi đạo đức công cộng. Trong khi Ferguson không tìm ra giải pháp cho
tính biện chứng của tiến bộ và suy thoái này, nên ông hoàn toàn bi quan
trong nhận định những xã hội hiện đại. Smith và Millar tin rằng họ khám
phá khuynh hướng lịch sử nhằm làm gỉảm mối quan hệ của thống trị và tăng
tự do cá nhân. „Hệ thống tự do theo tự nhiên“ của Smith là một phương
thức xã hội tương lai mà các lực lượng của thị trường có khuynh hướng
làm tăng lương và hạ giá bán, nhờ thế mà thực hiện được quyền lợi của
đại đa số dân chúng.
Marx có khả năng giải thích Smith trong bối cảnh tư tưởng của Tô Cách Lan vào thế kỷ XVIII. Marx không những đọc Wealth of Nations của Smith và Essay của Hume mà còn Essay on the History of Civil Society của Ferguson và Origin of the Distinction of Ranks của Millar. [7]
Marx nhận xét Smith là học trò của Ferguson, dù đây là một điều sai,
nhưng cũng chúng tỏ Marx biết được những mối quan hệ cá nhân của nhóm
này. [8]
Tuy nhiên khi đọc Marx không ai có cảm tưởng rằng Smith là người thuộc
phong trào khai sáng Tô Cách Lan. Smith được luôn đề cập chung với
Ricardo, dù về phương diện lịch sử, người ta không thể kỳ vọng có điểm
tương đồng giữa một vị giáo sư Đạo đức học ở Glasgow với nhà đầu tư
chứng khoán tại Luân Đôn, người mà nửa thế kỷ sau có sáng tác, nhưng
trong một môi trường lý thuyết và xã hội khác biệt.
Nếu
Marx là một sử gia về tư tưởng kinh tế, ta không thể chờ đợi Marx
nghiên cứu về luận cương trong lý thuyết xã hội của Smith và bối cảnh
lịch sử của trào lưu khai sáng Tô Cách Lan. Tuy nhiên, Marx coi những lý
thuyết kinh tế tư sản là những ý thức hệ, một hệ thống tư tưởng có thể
trình bày triển vọng và quan tâm của giai cấp tư sản trong một bối cảnh
lịch sử và xã hội đặc biệt. Để minh chứng trong trường hợp của Smith,
Marx không những chỉ giải thích quan điểm về doanh lợi và tiền lương
trong một cách đặc biệt (mà tôi sẽ trình bày trong phần sau) mà còn có
những ghi nhận thuộc về lĩnh vực nhân chủng học cá nhân chủ nghiã, đặc
điểm không thuộc về lịch sử trong lý thuyết của Smith và trong chức năng
của Smith là người phát ngôn cho giới tư sản vào cuối thế kỷ XVIII. Tôi
xin cố chứng minh là Marx giải thích sai lầm khá vụng về về lý thuyết
xã hội của Smith.
Ngay
từ đầu tác phẩm Grundrisse Marx khẳng định là Smith và Ricardo quan
niệm về xã hội không thuộc về lịch sử và là cá nhân. Theo Marx, cả hai
suy đoán lầm lẫn về cá nhân hiện đại là con người tự nhiên, kết quả của
một phát triển lịch sử lâu dài. Khi Smith và Ricardo viết về “những
người đi săn và đánh cá cô lập và cá nhân”, cả hai theo một thí dụ của
những nhà tiên tri thế kỷ XVIII mà trong trí tưởng tượng về mỗi cá nhân
này trong thế kỷ XVIII – một phần là do sản phẩm dựa vào sự giải thể của
những hình thái phong kiến của xã hội, một phần khác là do những lực
lượng sản xuất mới được triển khai từ thế kỷ XVI -. Sản phẩm này thể
hiện một lý tưởng mà sinh hoạt của nó theo họ phản ảnh được quá khứ. Đó
không phải là một thành quả mà là một khởi điểm lịch sử. Theo khái niệm
bản chất của con người, khi cá nhân thích ứng, đó là do tự nhiên, mà
không do trổi dậy theo dòng lịch sử. Sai lầm này khá phổ biến cho từng
giai đoạn cho đến ngày nay. [9]
Không
giống như các sử gia về tư tưởng hiện đại, Marx không giải thích Smith
như là một đại biểu hàng đầu của khảo hướng “lịch sử tự nhiên”. Trong
khung cảnh phê phán của Marx, Smith xuất hiện như là một nhà kinh tế tư
sản. Marx cũng suy đoán về đặc trưng của tư tưởng kinh tế tư sản để hình
dung phương thức sản xuất cuả những xã hội dân sự hiện đại và „xem
thiên nhiên là quy định bất biến cho mỗi tình trạng xã hội“.[10]
Marx có viết trong The Poverty of Philosophy như sau: “Theo những nhà
kinh tế đại diện cho những mối quan hệ tư sản trong sản xuất thì phân
công lao động, tín dụng, tiền tệ là những phạm trù cố định, bất biến và
vĩnh cữu… . Họ giải thích cho chúng ta biết là người ta sản xuất được
trong những tình trạng sẳn có như thế nào. Điều mà họ không giải thích
được là những điều kiện này tự nó được tạo lập ra sao, thí dụ như chuyển
động lịch sử nào đã đem những điều kiện này thành hình”.[11]
Trong “kinh điển về kinh tế chính trị học” thì James Steuart là người
duy nhất không bị cáo buộc: “Steuart tránh được quan điểm hẹp hòi này vì
ông là nhà qúy tộc và trong tinh thần phản luận của thế kỷ XVIII ông đã
tôn trọng những cơ sở lịch sử”.[12]
Khi Smith và Ricardo thảng hoặc có chú ý đến lịch sử, họ chỉ muốn chứng
tỏ tính ưu thế của thời hiện tại tư sản so với quá khứ phong kiến. Theo
Marx, điểm này là “nhiệm vụ của họ” vì họ là “đại biểu khoa học cho
giai cấp tư sản”.[13]
Marx
không nỗ lực chứng minh về đặc điểm ý thức hệ của lý thuyết Smith từ
trong văn bản. Đúng hơn, Smith bị phê phán tổng quát là có tư tưởng kinh
tế tư sản và không liên hệ đến lịch sử và chỉ biện luận. Tuy thế cần
phân biệt lời cáo giác. Không giống như các nhà biện hộ hậu trào, Smith
và Ricardo được coi là những “nhà kinh tế kinh điển” bởi vì họ có vị thế
mạnh khi diễn tả công khai mối quan hệ sản xuất trong hình thái thuần
tuý của nó”.[14]
Sáng tác trong thời kỳ mà đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản chưa
thể hiện, họ nêu lên vấn đề khá rõ rệt của hệ thống tư bản, ngay cả khi
mà những suy đoán lý thuyết của họ không tạo ra nhiều khó khăn[15].
Họ không phủ nhận sự cực kỳ túng quẩn của giới sản xuất ra của cải
trong xã hội tư sản và chấp nhận là một phó sản của một hệ thống thăng
tiến như định mệnh an bài. “Theo nhãn quan của họ, sự khốn khổ chỉ là
đau thương có từ thuở lọt lòng, do thuộc bản chất hay do nền kinh tế kỹ
nghệ“.[16]
Điều
đáng suy gẫm về phê phán của Marx là Marx đáng lý phải biết rằng Smith
không chia sẽ về những ảo tưởng của chủ nghĩa cá nhân trong xã hội tư
sản là do bản chất định sẳn bất biến, mà Smith là một trong số những
người đầu tiên lý giải (trong quyển III Sự Thịnh Vượng Của Đất Nước)
việc cá nhân hiện đại trổi dậy là để thoát ra khỏi mối quan hệ phong
kiến và họ là một lực lượng sản xuất mới được phát triển từ cuối thời
Trung Cổ. Marx cũng phải biết đó không phải là “những người đi săn và
đánh cá riêng rẽ và biệt lập” mà là những người mà Smith và Ricardo khởi
đầu giới thiệu. [17]
„Sự Thịnh Vượng Của Đất Nuớc“ khởi đầu với sự phân tích về phân công
lao động hiện đại và nhận xét đối chiếu “về đất nước hoang sơ có nhiều
người đi săn và đánh cá” ít nhất không cho thấy Smith nghĩ đến các cá
nhân biệt lập. Khi ông dẫn chứng về hai người đi săn trao đổi hai chiến
lợi phẩm trong “một tình trạng sơ khai và thô thiển của xã hội và đi
trước tích lũy của cải và chiếm hữu đất đai”[18],
ông không hề đề xuất là hình thức lao động, chiếm hữu và trao đổi có
trong thời hiện đại là cũng đã có trong những xã hội sơ khai. Trái lại,
thí dụ này nhằm nhấn mạnh sự khác biệt giữa trao đổi trong xã hội tư sản
(là nơi mà luôn có sự khác biệt giữa công nhân và chù nhân) và trong xã
hội sơ khai (là nơi mà người ta chỉ sản xuất cho riêng mình và ít khi
mới có trao đổi sản phẩm).
Khẳng
định của Marx là Smith và Ricardo có những thái độ chấp nhận định mệnh
và biện hộ về sự khốn cùng của giới lao động là không có cơ sở trong các
công trình của Smith. Dù khảo hướng về lịch sử tự nhiên ít có tính quy
phạm hơn là các học thuyết luật tư nhiên truyền thống, Smith bị phê phán
thuộc về xã hội mà “người ta lo quần áo cho cả thế gian trong khi chỉ
mang trên mình tấm giẻ rách”[19],
và không đem lại nghi ngờ khi những chính sách nhằm giới hạn cơ hội của
công nhân được thu nhập lương cao hơn, theo ý nghĩ của ông, là “một vi
phạm trầm trọng về tự do tự nhiên và công bình”.[20]
Những lời tuyên bố như sau cho thấy rõ thiện cảm của ông: “Tất cả chỉ
dành riêng chúng ta và không có dành cho người nào khác, dường như đây
là một câu châm ngôn đồi bại của các bậc thầy của nhân loại trong mỗi
thời đại của thế gian”.[21]
Thực
ra, khó xác định được là Smith là “đại biểu khoa học của gia cấp tư
sản” theo ý nghĩa nào. Thí dụ như dù Marx xem Steuart là một nhà qúy
tộc, vấn đề ý thức hệ hiển nhiên là không liên hệ gì đến hoàn cảnh xã
hội của cá nhân (nếu không thì ta có thể gọi Marx và Engels là những nhà
ý thức hệ tư sản loại thượng thặng). Đúng ra, đây là vấn đề họ cùng
quan điểm và bảo vệ quyền lợi của một giai cấp đặc biệt. Tôi đã chứng
minh là chủ nghĩa cá nhân và thiếu ý thức về lịch sử, điều mà Marx suy
nghĩ về những đặc trưng của tư tưởng kinh tế tư sản, không thể tìm thấy
nơi con người Smith. Càng hiển nhiên hơn khi ta không tìm thấy bất cư
nơi nào để chứng minh là Smith bảo vệ cho quyền lợi tư sản. Trong tác
phẩm „Sự Thịnh Vượng Của Đất Nước” không có một tập đoàn nào – kể cả
giới lãnh đạo thủ cựu “không sản xuất” – bị phê phán cùng mức độ và cùng
đặc điểm giống như thương giới và nhà sản xuất, chỉ vì với lý do là họ
là thiểu số nhưng có phương tiện tài chính dồi dào, có lối sống thành
thị và cận kề các trung tâm quyền lực. Theo Smith, họ có khả năng can
thiệp vào những động lực của thị trường và gây ảnh hưởng đến chính trị
để phục vụ cho quyền lợi riêng tư. Họ âm mưu giảm giá lương và tăng giá
bán, họ hổ trợ luật pháp (như luật gia sản và huấn nghệ) để ngăn ngừa
cạnh tranh; họ lập ra thuế quan để giữ ưu thế trước các nhà cạnh tranh
quốc tế; họ gây ảnh hưởng chính sách đối ngoại theo chiều hướng phiêu
lưu thuộc điạ và gây chiến, đồng thời họ chấp nhận những thiệt hại nặng
nề cho đất nước nhằm thủ lợi cho riêng mình.
Phê
phán của Smith về thuyết trọng thương phải được nhìn trong bối cảnh
chung này và không được hiểu như là lối phê phán về chính sách kinh tế
đối ngoại dựa trên những suy đoán lý thuyết sai lầm. Chính ra đó là
chiều hướng có chủ yếu chống lại một loại chính sách hoàn toàn phù hợp
với quan điểm về quyền lợi đặc biệt của thương giới và nhà sản xuất,
thường thì thành công, nhưng gây thiệt hại cho công nhân và người tiêu
thụ, và cho đa số. Smith đoan chắc là không có một xã hội dân sự nào
tồn tại và thịnh vượng mà không có nhóm này, sáng kiến của họ đem lại
việc sử dụng tư bản sinh lợi có thể tạo nên một vai trò hữu ích. Nhưng
Smith cũng cảnh báo rằng quyền lợi riêng của nhóm này có thể đối nghịch
với quyền lợi của các phe nhóm khác trong xã hội. Nó chỉ có thể giữ một
vai trò tích cực bền bỉ và phù hợp nếu khi nhóm này tuân theo quy luật
thị trường tự do, mà thị trường này có khuynh hướng thách thức.
Dự
thảo về luật lệ thương mại trong khuôn khổ này cần phải được tham khảo
với sự thận trọng và không bao giờ được chuẩn nhận cho đến khi được
duyệt xét kỹ càng, một việc không phải chỉ vì có ý định tham ô mà với
tất cả ngờ vực. Luật pháp này đến từ khuôn khổ của những con người mà
những quyền lợi của họ không bao giờ hoàn toàn giống như quyền lợi của
công chúng. Nói chung, họ quan tâm đánh lừa và đàn áp công chúng, và
cũng khi họ đã làm hai việc này có cơ hội thuận tiện.[22]
Nhận
xét này cũng đủ chứng tỏ rằng khi Marx xem Smith là “đại biểu khoa học
của gia cấp tư sản“, Marx đã diễn giải sai lạc về luận cương của Smith
trong lý thuyết xã hội. Thay vì đặt ra ngoài vòng lịch sử, lý thuyết của
Smith cố giải thích hiện tượng xã hội trong bối cảnh “một lịch sử tự
nhiên của xã hội dân sự”. Thay vì đơn thuần chấp nhận cảnh khốn cùng của
công nhân, Smith biện hộ cho một chính sách kinh tế có thể tác động
tương đối đến tăng lương và hạ giá bán. Thay vì bảo vệ cho quyền lợi của
người giàu và quyền thế, Smith công khai phê phán không những giới lãnh
đạo thủ cựu mà còn cả giới tư sản mới. Sự giải thích sai lệch này, vì
đó chính là tiền đề phê phán của Marx về ý thức hệ, nên ảnh hưỏng đến
nội dung phê phán của Marx về kinh tế chính trị. Đó là vấn đề cần xét
tới.
Lý Thuyết Giá Trị Và Phân Phối Của Adam Smith
Giới
nghiên cứu Tư Bản Luận qua chiều hướng của Grundrisse thấy rằng phương
pháp của Marx mất vài đặc điểm bí hiểm. Những nhận xét của Marx về
phương pháp luận qua những công trình được ấn hành lúc sinh thời cũng
không soi sáng nhiều hơn. Đề cương về khái niệm của thuyết duy vật lịch
sử, như đã đưọc phác hoạ trong trong tựa đề nổi tiếng trong năm 1859 [23],
dường như không có tác dụng trực tiếp trong việc phê phán kinh tế chính
trị học. Nhận xét của Marx về thuyết biện chứng của Hegel và „ý định
làm đảo ngược thuyết này lần nữa“ được đề cập trong hậu từ dành cho ấn
bản Đức ngữ lần thứ hai của Quyển I Tư Bản Luận [24]. Nhưng với nỗ lực giải thích thuyết duy vật biện chứng bằng cách quy chiếu vào vật lý và sinh vật học [25], thì Marx lại làm mù mờ hơn về những điểm phương pháp luận trong khoa học xã hội phê phán.
Chúng
ta có thể giải thích Tựa Đề của năm 1859 – đựợc xem như một trong những
công trình xuất sắc của Marx – là một phác thảo chung về phương pháp
khảo sát của Marx (hướng dẫn cho các nghiên cứu của ông). Một điều chắc
đó không phải là một khuôn mẫu cho phương pháp trình bày của ông. Tư Bản
Luận không xuất phát từ một phân tích về phương thức sản xuất đi trước
chủ nghiã tư bản và của những động lực sản xuất nhằm đưa tới những hình
thái sở hữu chủ tư bản để vạch ra thể chế và ý thức hệ của xã hội tư
sản. Marx không chọn một phương thức trình bày theo cách liên tục như di
truyền. Hiện nay các học giả nghiên cứu Marx đồng ý rằng chương đầu của
Tư Bản Luận không đề cập tới thí dụ lịch sử của “những xã hội sản xuất
hàng hóa đơn giản”. Càng rõ nét hơn khi công trình này không nỗ lực giải
thích “thượng tầng kiến trúc” thông qua phân tích „nền tảng thực tế”
của xã hội tư sản. Ngược lại, khi “phê phán về kinh tế chính trị học”
việc khởi đầu là phân tích về những hình thức tiêu biểu của ý thức tư
sản để chứng tỏ những hạn chế và mâu thuẫn tất yếu.
Khoa
học giữ một hình thức phê phán trong mức độ mà khoa học không những có
thể giải thích được hiện tượng không trung thực trong ý nghiã thông
thường, – một biểu hiện giả tạo của thực tại – những hình thức của ý
thức sai lạc, nhưng nhờ vào cấu trúc của thực tại, mà khoa học còn giải
thích được hiện tượng thể hiện tất yếu hình thức sai lạc đối với những
người không có tinh thần phê phán.
Trong
tư duy của giới tư sản, phê phán kinh tế chính trị học khởi đầu bằng
cách phân tích các hiện tượng thể hiện như là một hình thức tư tưởng xãy
ra thông thường [26].
Hình thức tư tưởng này được hình thành và hệ thống hóa trong những phạm
trù và luật pháp của kinh tế chính trị. “Thoạt tiên, sự thịnh vuợng của
xã hội tư sản do tích lũy vô số hàng hoá, hàng hoá đơn sơ như điều kiện
sống cơ bản” [27].
Chính thế mà phê phán bắt nguồn từ sự phân tích phạm trù hàng hoá (theo
ý nghĩa của giá trị, lao động và tiền lương) và „quy luật giá trị”
(hàng hoá được trao đổi tùy theo giá trị – giá trị được xác định bằng
thời gian lao động trung bình cần thiết bỏ ra). Phê phán nhằm tiến hành
chứng minh là đặc điểm của nền kinh tế tư bản, thí dụ như sản xuất tư
bản, không thể lý giải dựa trên mức độ về “luân chuyển đơn giản của hàng hoá“ theo quy luật giá trị.
Đồng
hành với người có tiền và người chiếm hữu quyền lao động, chúng ta rời
bỏ một lĩnh vực khá ồn ào trong một khoảng thời gian, nơi mà mọi chuyện
xãy ra trên bình diện và được mọi người chú ý, và chúng ta cùng theo họ
tới một điạ điểm sản xuất kín đáo… Ở đây, chúng ta hiểu không những tư
bản là gì mà còn hiểu nó được tạo ra như thế nào. Cuối cùng, chúng ta
khám phá bí mật của sự sản xuất dư thừa. [28]
Lý
thuyết thặng dư giá trị giải thích bản chất của hệ thống kinh tế tư bản
chủ nghiã. Từ trên cơ sở này, phê phán có thể trở lại bình diện để lý
giải về doanh lợi, tiền lương và hưu bổng – trước tiên trong tổng quát,
sau đó trong điều kiện cụ thể của thời gian và cạnh tranh. Khởi đầu
quyển III của Tư Bản Luận, chúng ta tìm thấy khẳng định sau đây:” Khi
chúng tôi khởi thảo vấn đề trong sách này, thì việc tạo lập tư bản tiến
hành tuần tự mà hình thức thể hiện trên bình diện xã hội, trong sự tương
tác của các tư bản khác nhau khi cạnh tranh và trong tinh thần ý thức
chung của các tác nhân sản xuất”.[29]
“Biểu
hiện“ là một phạm trù của ý thức: một cái gì đó chỉ thể hiện trong ý
thức của chủ thể. Khi Marx phê phán và lý giải những biểu hiện trên bình
diện xã hội tư sản, đôi khi ông đề cập tới “các hình thức trung bình
của tư tưởng”, “ý thức chung của các tác nhân sản xuất”, hoặc là “những ý
kiến thô bỉ của thương nhân tự do” [30].
Tuy nhiên, đối tượng đặc biệt của Marx về phê phán không phải là ý thức
của giới tư sản trung bình, nhưng là của “những đại biểu khoa học của
gia cấp tư sản”, đặc biệt là của “giới kinh điển của kinh tế chính trị
học”. Trong phần bàn về tiền lương (Tư Bản Luận, Quyển I Chương 17) Marx
chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa những lý thuyết kinh tế khoa học
và ý thức của giới tư sản trung lưu.
Trên
bình diện xã hội tư sản tiền lương công nhân là giá của lao động… Kinh
tế chính trị cổ điển vay mượn phạm trù giá lao động trong ngôn ngữ của
đời sống hàng ngày mà không phê bình sâu xa hơn, và chỉ đơn thuần đặt
vấn đề là giá cả được quyết định như thế nào… Kinh tế chính trị cổ điển
gần chạm đến mối quan hệ đích thực của vấn đề, tuy nhiên hầu như tránh
trình bày vấn đề một cách có ý thức. Điều này làm vấn đề không dính vào
da của giới tư sản. [31]
Đối
tượng đặc biệt mà Marx phê phán là những phạm trù và luật lệ của chủ
nghĩa tư bản. Khi ta cho rằng vấn đề đã được trình bày trong kinh tế
chính trị cổ điển thì dường như ta chỉ gặp trong quyển IV của Tư Bản
Luận, mà chủ đề chính gọi là Lý Thuyết Về Thặng Dư Giá Trị mà những lý
thuyết của các nhà kinh tế tư sản có đề cập đến khó khăn này trong chi
tiết. Những thảo luận ngắn về các đề tài này có thể tìm ra trong phần lý
thuyết của Tư Bản Luận (luôn ở trong phần chú thích) có thể được loại
bỏ dễ dàng mà không gây ảnh hưởng đến các lập luận. Tuy thế, khi tham
khảo lý thuyết về thặng dư giá trị như là một loại tư tưởng lịch sử
không liên quan đến lý thuyết, đó là một sai lầm nghiêm trọng. Điều này
được trình bày trong phần đầu của quyển sách. [32] Trong phần thảo luận đào sâu về những lý thuyết kinh tế tư sản (lý thuyết XHCN và cộng sản không đưọc đề cập tới) [33]
thì ở đây chính là nơi mà Marx diễn đạt trọn vẹn lý thuyết thặng dư.
Đầu tiên, Marx định đưa vấn đề „duyệt xét lịch sử“ vào trong phần lý
thuyết phù hợp. Chỉ khi vấn đề được triển khai trong khuôn khổ này, Marx
quyết định chuyển vấn đề thành một chuyên đề riêng biệt là “một sự tái
lập trong hình thái lịch sử” của vấn đề mà nó được thảo luận và giải
quyết trong các chương trước”. [34]
Tiểu
tựa của Tư Bản Luận không đề cập đến bất cứ phần đặc biệt nào của công
trình. Toàn bộ công trình từ đầu đến cuối có nghĩa là “Phê phán về Kinh
Tế Chính Trị Học”. Giữa quyển đầu và quyển chót của bộ sách chỉ có một
sự khác biệt, phần đầu đúc kết trong trừu tượng – như phê phán của những
phạm trù chủ yếu và luật lệ của xã hội tư sản khi nó thể hiện trong ý
thức tư sản – phần cuối nỗ lực đúc kết trong cụ thể – như là một lối phê
phán về các lý thuyết tư sản đặc biệt. Về cơ bản thì đối tượng phê bình
trong từng trường hợp một là giống nhau: Marx giả định những lý thuyết
này, dù có sự khác biệt và thay đổi trong viễn cảnh giữa thế kỷ XVII và
XIX, được lập lại những đặc điểm chung của ý thức tư sản trong những mức
độ sâu xa và phức tạp khác nhau. [35]
Trong
tác phẩm Grundrise Marx nhấn mạnh nhiều lần là xã hội tư sản – không
giống như xã hội chiếm hữu nô lệ của thời Thượng Cổ và xã hội phong kiến
thời Trung Cổ – thể hiện như là hình thức hợp tác giữa những người sở
hữu chủ hàng hoá có tự do và bình đẳng. Không một ai bị bắt buộc phải
làm việc cho người khác, không một ai phải cho mà không nhận. Nhờ phân
công lao động, mỗi người có thể tự chuyên môn hoá trong sản xuất một
loại hàng đặc biệt – thông qua trao đổi tương đương – doanh lợi từ lao
động của người khác[36].
Khi một người chiếm hữu bất kỳ loại gì, dù sản phẩm là công trình của
mình hoặc là của người khác, đều có tự do chia phần sản phẩm và nhận
phần tương đương.
Ngay
trong vận hành, tiến trình của trao đổi thể hiện trên bình diện của xã
hội tư sản, mỗi người đều cho khi nhận và có nhận khi cho. Làm việc này
hay việc khác, người ta phải có một cái gì… Vì thế mà tất cả các nhà
kinh tế hiện đại tuyên bố lao động của riêng mình như là loại quyền tư
hữu … và quyền sở hữu chủ của thành quả lao động được xem như là một suy
đoán cơ bản của xã hội tư sản. [37]
Nhưng
đâu là bất công giữa giàu nghèo? Đâu là khốn cùng của gia cấp lao động
trong xã hội tư sản? Những gì làm nhà kinh điển quan tâm phê phán kinh
tế chính trị học – không giống như các nhà biện hộ hậu trào – khi họ
không hề phủ nhận thực tế của nghèo đói và bất công, nhưng họ cũng không
nỗ lực để lý giải vấn đề qua lười biếng và những yếu tố tâm lý và đạo
đức tương tự. Họ chấp nhận nghèo đói và bất công là những hậu quả tất
yếu của xã hội tư sản. Họ muốn lập luận chiếm hữu qua lao động và trao
đổi những tương đương là những nguyên tắc hình thành xã hội. Lập luận
này mang đến cho họ mâu thuẫn, Marx nói: “từ tất cả những nhà kinh tế
học cổ điển cho đến Ricardo[38]
đều lập luận là những nguyên tắc mà họ xem là tạo hình cho xã hội tư
sản chỉ được thực hiện trong cổ thời trước khi quyền tư hữu thành hình.
Khi họ cố lý giải sản xuất và phân phối trong xã hội tư sản, họ bị giao
động khi chấp nhận sự thật thuộc về „quy luật giá trị” và quan hệ với
các thế lực và gian xảo như là nguồn gốc của doanh thu và nguồn lợi.
Theo
Marx, những sai lầm và mâu thuẫn của hầu hết các nhà kinh tế tư sản là
có thể hiểu được. Họ không có một phương cách trực tiếp để khám phá
nguồn gốc bất công và thống trị trong xã hội mà những mối quan hệ xã hội
một phần do kết quả của các hợp đồng giữa những cá nhân có tự do và
bình đẳng, phần khác là do những mối quan hệ khách quan giữa những sản
phẩm có giá trị đặc biệt. [39]
Chỉ khi nào hiểu được chức năng của tiền tệ dựa trên phân công lao động
và trao đổi hàng hoá; chỉ khi nào hiểu được sự thay đổi tất yếu của
tiền thành tư bản; chỉ khi nào nhận xét được sự sử dụng đặc biệt của
quyền lực lao động trong việc làm ra hàng hoá trong tiến trình sản xuất
thì mới có thể lý giải được các của cải xã hội gia tăng mà phân phối lại
bất công trong một hệ thống dựa trên trao đổi tương đương.
Trao
đổi các tương đương này chỉ trên bình diện sản xuất dựa vào chiếm hữu
lao động của người khác mà không có trao đổi hoặc trao đổi giả tạo. Hệ
thống trao đổi này dựa trên tư bản làm cơ sở. Khi cơ sở này coi tư bản
là một thành phần của hệ thống và tự thể hiện trên bình diện như một hệ
thống độc lập, đó là biểu hiện đơn thuần nhưng là biểu hiện tất yếu. Tuy
nhiên, hiện nay ta không ngạc nhiên khi thấy hệ thống giá trị trao đổi …
chúng tỏ như là những nền tảng tiềm tàng của chiếm hữu lao động người
khác mà không có trao đổi, một sự tách biệt toàn diện giữa lao động và
tư hữu. [40]
Để
hiểu những gì Marx nói về lý thuyết giá trị và phân phối của Smith, ta
cần nên quan tâm đến những điểm chủ yếu trong phê phán về kinh tế chính
trị học. Dưới nhãn quan của Marx, Simth là một biểu tượng đặc biệt về
những nhận thức và lầm lạc của kinh tế chính trị học cổ điển. Smith tạo
được uy tín là người đầu tiên diễn đạt trong sáng về những điểm cơ bản
của hệ thống kinh tế dựa trên phân công lao động và sản xuất hàng hoá.
Smith không những chỉ phân biệt giữa giá trị sử dụng và giá trị trao
đổi; mà còn nhận ra là không có bất kỳ một hình thức lao động đặc biệt
nào khác mà chỉ có lao động tổng quát, một loại hình trừu tượng tạo nên
giá trị hàng hoá. [41] Chỉ dựa trên cơ sở của nhận thức này (“một bước tiến nhảy vọt”)[42]
giúp ta đạt đến quy luật tổng quát về giá trị. Và Marx cũng nỗ lực
chứng minh là Smith luôn chấp nhận quy luật này được áp dụng trong những
xã hội sản xuất hàng hoá. [43] Mặt khác, Smith lại phân tích mơ hồ về giá trị [44]
và cũng không thể tin được là giữa nhà tư bản và người lao động có trao
đổi tương đương xãy ra. Vì thế, Marx phủ nhận quy luật chung về giá trị
ngự trị trong những xã hội tư bản (“quy luật tổng quát bị hủy ngay” [45]) và đề xuất lĩnh vực áp dụng của luật này chỉ trong xã hội nguyên thủy hay trước thời của Smith. [46]
Theo
Marx, mâu thuẫn cơ bản của Smith trong lý thuyết giá trị và phân phối
gồm có việc Smith giả định về luật giá trị là một nguyên tắc hình thành
xã hội tư sản. Trong khi xã hội sản xuất hàng hoá không quy định mối
quan hệ hợp tác, mà thực ra mối quan hệ này là nguồn gốc chủ yếu cho sự
thịnh vượng xã hội.
Một
công trình to lớn của Smith là ông… cảm thấy có một sư rạn nứt ở điểm
này (trong mối quan hệ giữa tư bản và lao động) và luật giá trị thực sự
bị hủy diệt trong kết qủa … và cùng với tích lũy tư bản luật giá trị bị
đảo lộn tạo bao nhiêu khó khăn. Đó chính là thế mạnh lý thuyết khi ông
thấy được và nhấn mạnh điểm mâu thuẫn này. Nhưng đồng thời đó cũng là
yếu điểm lý thuyết khi ông nghi ngờ quy luật tổng quát, ngay cả cho sự
trao đổi đơn giản hàng hoá. Ông không hiểu mâu thuẫn xãy ra qua quyền
lực lao động khi tự nó lại trở thành hàng hoá và giá trị sử dụng của
loại hàng hoá đặt biệt này, – giá trị này không liên hệ đến giá trị trao
đổi của nó – mà tự nó là một nguồn năng lực tạo nên giá trị trao đổi [47].
Trong
những nhận xét sau đây tôi không có ý định chứng minh là lý thuyết về
giá trị và phân phối của Smith là không sai lầm hay không mơ hồ. Ngược
lại, tôi nghĩ Marx có lý khi chỉ rõ những điểm mơ hồ trong khái niệm về
giá trị của Smith khi cáo buộc Smith là pha trộn hai vấn đề giá trị và
phân phối. Tuy nhiên, tôi nghĩ Marx sai lầm khi giải thích những khó
khăn của Smith như là kết quả của những mâu thuẫn cơ bản, thí dụ như một
mặt thì lập luận là mối quan hệ trong xã hội tư sản tuân theo, mặt
khác, lại không tuân theo quy luật giá trị. Nói một cách khác, Smith lập
luận chiếm hữu trong xã hội tư sản là một chức năng của lao động của
con người và trao đổi các tương đương, nhưng cũng là thành quả của bạo
lực và lưà đảo. Smith không bao giờ nghĩ là luật gía trị tạo nên xã hội
tư sản, hay nói theo thuật ngữ của Smith, “xã hội dân sự”. Smith cũng
không hề đề xuất phân phối của cải trong ba giai cấp xã hội (điền chủ,
sở hữu chủ tư bản và lao động) có liên hệ đến sự trao đổi các tương
đương. Lý thuyết về phân phối trong xã hội dân sự của Smith có liên hệ
đến những phân tích kinh tế về quyền lực và hầu như không liên hệ gì đến
hư cấu về các sở hữu chủ hàng hoá có tự do và bình đẳng. Chính thế mà
Smith không đủ thẩm quyền giải thích đối với người dựa vào quan điểm là
xã hội tư sản thể hiện trên bình diện như “trong một vườn điạ đàng của
quyền bẩm sinh con người”. [48]
Đối với suy nghĩ của Smith, không cần vuợt qua những hiện tượng để hiểu
điều hiển nhiên: của cải xã hội bị phân chia bất công theo nguyên tắc
ít có liên hệ đến những thoả thuận tự nguyện hoặc là số lượng lao động
đóng góp của từng cá nhân. Để chứng minh điều này, tôi muốn tóm tắt vài
khía cạnh trong lý thuyết của Smith về giá trị và phân phối.
Các
xã hội có khuynh hướng du nhập phân công lao động và trao đổi hàng hoá
đều có lý do căn bản tại sao. Vấn đề cần phải nhận ra qua thực tế là
bằng cách này người ta có thể tìm ra ưu thế trong các công trình của
người khác và đạt được việc thoả mãn nhu cầu tối đa với ít nỗ lực hơn.
Đó là lý do tại sao Smith định nghĩa giá trị trao đổi hàng hoá do số
lượng lao động của người khác mà nó cho phép sở hữu chủ mua hay đặt hàng[49].
Dĩ nhiên, ta có thể định nghiã là giá trị trao đổi của hàng hoá khi quy
chiếu với số lượng của bất cứ loại hàng khác (thí dụ như vàng). Nhưng
vì giá trị hàng hoá thay đổi – kể cả giá trị của lao động tiền lương
(đưọc tính bằng một giá) điểm quy chiếu ổn định duy nhất dường như là nỗ
lực được tiết kiệm hoặc sự hữu dụng đạt được khi có thể ta đặt mua
nhiều hơn thời gian lao động của người khác. [50]
Tại
sao một mặt hàng đặc biệt có một giá trị trao đổi đặc biệt? Tại sao cho
phép người sở hữu chủ mua hoặc đặt hàng một số lượng nào đó về thời
gian lao động của người khác (hoặc trực tiếp khi thuê dịch vụ hay lao
động tiền lương; hoặc gián tiếp, khi đòi hỏi thời giờ cho sản xuất một
loại hàng mơ ước)? Một câu trả lời khả dĩ – mà cũng là câu trả lời của
Marx – như sau: bởi vì mặt hàng này tự nó biểu hiện (đòi hỏi để được sản
xuất) cùng một số lượng thời gian lao động khi được đặt hàng. Nhưng đó
không phải là điểm mà Smith nói. Trong suy nghĩ của Smith, lao động thể
hiện trong hàng hoá chỉ bằng với lao động đặt mua mặt hàng này khi người
sản xuất chính là người làm chủ phương tiện sản xuất, có nghĩa là, sản
xuất có trước chiếm hữu đất đai và tích lũy tư bản, nếu nói theo phương
diện lịch sử. Chỉ khi nào chúng ta suy đoán “tình trạng nguyên thủy của
các sự vật tiếp tục, chúng ta có thể hình dung một xã hội mà „toàn bộ
sản xuất lao động thuộc về giới lao động” và “các hàng hoá sản xuất do
các số lượng lao động tương đương trao đổi một cách tự nhiên”.[51]
Nhưng việc này xãy ra trong các xã hội dân sự, đất đai trở thành của sở
hữu tư nhân và phương tiện sản xuất nằm trong tay của chủ tư bản, điền
chủ và nhà tư bản đòi hỏi chia phần trong sản xuất và giá hàng phải
tăng. Nói một cách khác, hàng hoá bán ra không phải chỉ có một mục tiêu
duy nhất là đem lại thu nhập cho người lao động mà còn trả cho doanh lợi
và điạ tô. Sở hữu chủ hàng hoá phải mua hàng hoặc đặt nhiều lao động
hơn các mặt hàng thể hiện.
Như
Marx trình bày, quan điểm này bao hàm sự lầm lẫn giữa giá trị và phân
phối, hoặc là hàng hoá khi bán, cần nhiều lao động hơn nó thể hiện, hoặc
là người lao động nhận toàn bộ sản xuất hoặc phải chia phần với điền
chủ (điạ tô) hoặc chia phần với chủ tư bản (doanh lợi). “Thực ra, phân
phối hoặc chiếm hữu giá trị không phải là nguồn của giá trị… Nếu không
có sự chiếm hữu như vậy và công nhân nhận lương cho toàn bộ công trình
sản xuất của mình, giá trị của hàng sản xuất không thay đổi, dù giá trị
này không được chia cho điền chủ hay nhà tư bản”.[52]
Hơn nữa, Marx nghĩ rằng giải thích doanh lợi chính là do giá bán cao
hơn giá trị hoặc là do lừa đảo, ý tưởng này là ngây thơ. Ý tưởng này
nhằm giải thích những doanh lợi đặc biệt, nhưng nếu tất cả mọi sở hữu
chủ hàng hoá thưòng lừa đảo lẫn nhau, thì không ai có thể tạo doanh lợi
theo kiểu này. Theo Marx, Smith sai lầm khi cố giải thích doanh lợi bằng
cách phân thích sư trao đổi hay giao lưu hàng hoá, nhưng ông có lý – và
hy vọng lý thuyết thặng dư của ông – khi ông mô tả doanh lợi như là
phần trích xuất từ giá trị sản xuất của công nhân.[53]
Dù
Smith có lầm, lý do của sai lầm này có thể hiểu được. Smith muốn lập
luận là doanh lợi với hai lý do – một mặt, những sở hữu chủ tư bản có
thể đòi hỏi chia phần sản xuất, mặt khác họ muốn gây ảnh hưởng thị
trường. Nói một các khác, doanh lợi có hai chức năng vửa tiền lương vừa
giá cả. Không có lý do gì để tin là Smith sai lầm trong quan điểm này.
“Trong
tinh trạng nguyên thủy của sự vật trước khi có chiếm hữu đất đai hay
tích lũy tư bản, toàn thể sản xuất lao động thuộc về công nhân. Công
nhân không chia phần cho điền chủ và người chủ. [54]
Trong những xã hội dân sự, thành quả lao động phải được phân chia bởi
vì công nhân không còn làm chủ phương tiện sản xuất. Điền chủ và nhà tư
bản chỉ đầu tư vào sản xuất khi nào ho kỳ vọng rằng có được chia phần
trong sản xuất. Họ có thể được hưởng bao nhiêu trong toàn bộ sản xuất
này không tùy thuộc vào họ có đóng góp vào trong phần lao động có hiệu
qủa kinh tế hay không, ngay cả khi ít hơn trong tổng số của lao động.
Doanh lợi „không tương ứng đối với số lượng, cực nhọc, hoặc mưu trí của
loại lao động được suy đoán là bỏ ra để giám sát và điều khiển“.[55]
Điều này càng hiển nhiên hơn trong trường hợp của địa tô. “Khi đất đai ở
bất cứ nước nào trở thành thuộc quyền tư hữu, thì điền chủ, cũng giống
như bất cứ người nào khác, họ chỉ muốn thu hoạch nơi mà họ không hề
gieo, đòi hỏi địa tô đối với những sản xuất tự nhiên.[56]
Doanh
lợi và tiền lương có khuynh hướng đi theo tỷ lệ nghịch: doanh lợi cao
luôn nhờ vì có lương thấp, và ngược lại. “Lương cao cho lao động và
doanh lợi cho chủ tư bản là… hai chuyện hiếm khi… đi liền nhau”.[57]
Số lượng chính xác của mỗi yếu tố này tùy thuộc vào điều kiện hợp đồng
mà mỗi bên có quyền lợi đối nghịch nhau (một bên thắng thì có một bên
thua) và quyền lực mổi bên không bình đẳng. Khi số lượng người chủ càng
ít, họ càng tự tin và có nhiều ảnh hưởng trong chính trị, thì họ tất
phải thắng thế hơn đối với công nhân. Họ thấy điều này khi luật cấm công
nhân kết hợp, trong khi tự chính họ lại luôn luôn cấu kết trá hình
nhưng bền bỉ và đồng nhất không tăng lương cho công nhân trên mức lương
thực sự của họ. [58]
Tăng
lương trên mức tối thiểu đòi hỏi phải tái sản xuất của giới lao động,
việc này tùy thuộc các lực lượng của thị trường. Khi chủ tư bản chạy tìm
doanh lợi dùng càng nhiều tư bản đầu tư, nhưng cạnh tranh lẫn nhau gây
khuynh hướng tăng lương, giảm giá bán và giảm doanh lợi.[59]
Dù chủ đầu tư kỳ vọng doanh thu tương ứng với mức đầu tư của mình,
nhưng một hê thống cạnh tranh năng động có khuynh hướng xoá tan những kỳ
vọng này. Tuy thế, nền kinh tế thịnh vượng và mở rộng là quyền lợi của
đa số (công nhân và người tiêu thụ) nhưng không phải là quyền lợi của
thương giới và các nhà chế biến.[60]
Đó là lý do tại sao các phe nhóm này bằng mọi phương tiện cố tránh cạnh
tranh và làm đảo ngược sự vận hành tự nhiên của thị trường: “Những
người trong cùng một loai doanh nghiêp ít khi gặp nhau, kể cả cho việc
ca ngợi nhau và đánh lạc hướng nhau, nhưng khi có luận đàm họ thường kết
thúc bằng âm mưu chống lại công chúng, hoặc trù liệu chuyện tăng giá.“ [61]
Dĩ
nhiên, những chính sách hạn chế của chủ tư bản không tùy thuộc vào
trường hợp nhân qủa. Như đã đề cập ở trên, những quyền lợi của họ được
tìm thấy trong luật pháp và chính sách, thí dụ như luật huấn nghệ [62], luật gia sản [63], các biện pháp hổ trợ cho thị dân khi thương thảo với thôn dân [64], mánh khoé trong ngoại thương, phiêu lưu thuộc địa và gây chiến tranh [65]
– điều mà Smith coi là cực kỳ tác hại cho nền kinh tế quốc gia, bởi vì
họ có khuynh hướng loại bỏ cạnh tranh và tăng giá cũng như tăng doanh
lợi trên mức thích hợp. [66]
Tại
sao Smith nghĩ rằng doanh lợi không chỉ có chức năng tiền lương mà còn
có chức năng giá cả, điều này đã được minh chứng quá nhiều. Tương phản
với hệ thống trọng thương, hệ thống tự do tự nhiên của Smith không còn
cổ vũ quyền lợi của thương giới và nhà sản xuất: mọi người khi họ không
vi phạm về luật công bình thì họ có hoàn toàn tự do để theo đuổi quyền
lợi riêng theo cách của mình, và mang quyền lợi của mình vào kinh tế
công nghiêp và tư bản để cạnh tranh với người khác [67].
Smith không hề đề xuất rằng hệ thống này cho phép bất cứ người nào
chiếm hữu h àng hoá bằng phương tiện lao động của riêng mình hoặc là do
trao đổi tương ứng. Các chủ sở hữu đất đai và tư bản sẽ chia phần trong
sản xuất, không bởi vì bất cư lao động nào của họ nhưng vì họ có quyền
đòi hỏi việc này. Doanh lợi cũng còn có chức năng tiền lương – nhưng
không còn chức năng giá cả -. Giá cả có khuynh hướng thấp và lương tương
đối cao. Chính thế mà “hệ thông tự do tự nhiên” được biện minh dựa trên
lập luận hữu dụng: nó nhằm phục vụ quyền lợi tốt đẹp nhất cho đại đa số
quần chúng. [68]
Khởi
đầu tiểu luận này tôi đặt vấn đề là Marx có giải thích trung thực các
kinh điển của khoa kinh tế chính trị học không. Đến đây thì ta đã rõ là
quan điểm của Marx về Smith không phải là kết quả của một sự phân tích
cẩn trọng về tư tưởng của Smith trong bối cảnh lịch sử và hệ thống. Marx
đã xem Smith là „đại biểu khoa học của giai cấp tư sản”, mà lý thuyết
này thực ra không liên hệ gỉ đến lịch sử mà chỉ biện hộ, mặc dù – như đã
minh chứng – đặc điểm lịch sử và phê phán của công trình Smith rất hiển
nhiên. Dù những gì Marx nói, Smith không bị đánh lừa bởi bất cứ những
biểu hiện công lý trong xã hội dân sự. Lý thuyết của Smith, dù mơ hồ và
sai lầm trong một vài khía cạnh, nhưng không hàm chứa những mâu thuẫn
căn bản như Marx đề ra.
Trong
tầm mức rộng lớn hơn, nhận xét của Marx về Smith là một kết cấu đòi hỏi
do phưong pháp và những tiền đề của phê phán về khoa kinh tế chính trị
học. “Trong biên niên sử kinh tế chính trị học, thời vàng son thanh bình
ngự tri từ thuở xa xưa. Trong bất cứ thời nào thì quyền lợi luật đinh
và „lao động“ cũng là phương tiện duy nhất đem lại thịnh vượng…”[69]
Khẳng định này thiếu tính thực tại trong kinh tế chính trị học của
Smith, nhưng thể hiện được là tiền đề thích hợp cho lý thuyết của chủ
nghĩa tư bản và được suy đoán là cùng lúc lại phê phán ý thức tư sản.
TS. Đỗ Kim Thêm dịch
[1]
Jürgen Kuczynski, Geschichte der Lage der Arbeiter unter dem
Kapitalismus, vol. 26, East Berlin, 1965. A.V. Anikin, Junost´nauki,
Mosva, 1971.
[2]
Robert L. Heilbronner, The Wordly Philosophers, third ed., New York
1969, pp. 140ff. Mark Blaug, Economic Theory in Restropect, Homewood,
1962, German ed. München, 1972, vol. 2, pp. 145ff.
[3] Ronald Meek, Marx´s Economic Method, in Economics and Ideology, London, 1967, pp. 93-112.
[4] Karl Graf Ballstrem, Die schottische Äufklärung, München, Oldenbourg.
[5]
Andrew Skinner, “Economic and History: The Scottsh Entlightement“, in
Scottisch Journal of Political Economy, 12, 1965; H. R. Trevor-Roper,
“The Scottish Enlightment”, in Studies on Voltaire and the 18th Century, vol. 58, Geneva, 1967, pp. 1635 ff.
[6] William Roberston, Collected Works, ed. Dugald Steward, 1809, vol. 5, p.111.
[7] Ronald Meek, „The Scottish Contribution to Marxist Sociology“, in Economics and Ideology, London, 1967, pp. 34-50, esp, .48.
[8] Marx, Karl, Friedrich Engels, 1961, Werke, Dietz Verlag, Berlin, 23,p. 218.
[9] FN8, P. 5, 84.
[10] FN 8, 23,p, p. 95.
[11] FN 8, 4, p. 126.
[12] Marx Karl, Grundrisse der Kritik der Politischen Ökonomie, Dietz Verlag, Berlin, p. 6.
[13] FN 8, 4.p. 142.
[14] FN 12, p. 917.
[15] FN 8, 23, p.19.
[16] FN 8, 4, p.142.
[17] FN 12, p. 5.
[18] Smith Adam, 1976, Wealth of Nations, Clarendons Press, Oxford, I, 6, p. 65.
[19] Smith Adam, 1978 Lectures in Jurisprudence, Clarendon Press, Oxford, p. 40.
[20] FN 18, I, p. 157.
[21] A.W. Coast (ed.), The Classical Economists and Economic Policy, London, 1971. Smith Adam, FN 18, III, p. 418.
[22] FN 18, I, Cp. 11. p. 267.
[23] FN 8, 13, pp.7ff.
[24] FN 8, 23, p. 27.
[25] FN 8, 23, pp. 12, 26.
[26] FN 8, 23, p. 564.
[27] FN 8, 13, p.15.
[28] FN 8, 23, p.189.
[29] FN 8, 25, p.33.
[30] FN 8, 23, p.190.
[31] FN 8, 23, p.257, 259.
[32] FN 8, 34, p.235.
[33] FN 8, 26. p.230.
[34] FN 8, 31, p.132.
[35] FN 8, 32, p.532.
[36] FN 12, p.903.
[37] FN 12, p.903.
[38] FN 12 p.904.
[39] FN 8, 85, p. 89.
[40] FN 12, p. 409; FN 8, 23, pp. 161-191.
[41] FN 2, 26. 2. p. 56.
[42] FN 12 p. 54.
[43] FN 12, p. 56, 42.
[44] FN 12, p. 504.
[45] FN 8, 26, 1, p. 43.
[46] FN 12, 14, p. 44
[47] FN 12 26. 1 p. 59.
[48] FN 12 23 p. 59.
[49] FN 18 I, p. 5, 47.
[50] FN 18 I p. 51.
[51] FN 18 I, 8, p. 52.
[52] FN 12. 26. 1, p. 65.
[53] FN 12, 26. 1, p.50.
[54] FN 18 I 3,p. 82.
[55] FN 18 I 3, p. 82.
[56] FN 18 I 6, p. 67.
[57] FN 18 I 9, p. 109.
[58] FN 18 I 8 p. 84.
[59] FN 18 I 9 p.105.
[60] FN 18 I 11,p. 266.
[61] FN 18 I, 10, p. 145.
[62] FN 18 I 10, p. 135.
[63] FN 18 I 10, p.151.
[64] FN 18 I 10, p. 141, 376.
[65] FN 18 IV 7 p. 556.
[66] FN 18 I, 10, p. 132.
[67] FN 18 IV, 9, p. 867.
[68] FN 18 IV, 7, p. 630.
[69] FN 12 2, p. 230.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét