Một trong hai người đó là nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông cho rằng những sửa đổi của Hiến pháp chưa thỏa mãn người dân và chưa thỏa mãn được chính ông.
Hôm 29/11, Nguyễn Giang, BBC Tiếng Việt đã phỏng vấn vị đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan tới Hiến pháp và Quốc hội Việt Nam.
BBC: Thưa ông, so với Hiến pháp (HP) năm 1946 dưới thời cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải chăng những Hiến pháp sau này có vấn đề?
Thực ra có vấn đề là nếu nhìn vào lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 1946 có thể gọi là Hiến pháp lập quốc. Nó dựa trên nền tảng của sự lựa chọn chính trị, tức là lấy thiết chế Dân chủ Cộng hòa phổ quát với thế giới đương đại. Và trên cơ sở đó hướng tới mục tiêu giành độc lập dân tộc.
Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, phải chăng qua quá nhiều những khắc nghiệt của chiến tranh, rồi tác động của yếu tố quốc tế về sự lựa chọn con đường phát triển v..v càng ngày HP càng hướng tới một mục tiêu hết sức cụ thể và hết sức ngắn hạn.
Dần dần với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với tư cách Đảng cầm quyền cho đến thời buổi này, cho đến bản HP sửa đổi này, người ta đã ghi rất rõ trong Lời nói đầu rằng HP chỉ là thể chế hóa cương lĩnh của Đảng thôi.
Mà đây là cương lĩnh được xác định từ năm 1991 cho một giai đoạn lịch sử của thời kỳ quá độ tiến lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) và được thể hiện trong HP 1992 sửa đổi một lần, và lần này sửa đổi lần nữa.
Tôi nghĩ rằng có sự thay đổi. Tôi không nói có sự thay đổi từ thể chế Dân chủ Cộng hòa sang Cộng hòa XHCN, mà ở chỗ là HP càng ngày càng rõ, nó là thể chế hóa cho một cương lĩnh chính trị của đảng cầm quyền thôi.
BBC:Như vậy thì hơn ba triệu đảng viên của đảng Cộng sản Việt Nam hoặc đúng hơn là quyền lực của Đảng, nói một cách nôm na, là nằm ngoài vùng phủ sóng của HP và của pháp luật nói chung?
Không, tôi không nghĩ con số tuyệt đối là lấy số lượng đảng viên, bởi vì bên các nước phát triển cũng thế thôi, các nước châu Âu cũng thế thôi.
Quan trọng là số đảng viên ấy họ tranh thủ được sự ủng hộ của bao nhiêu lực lượng xã hội, quần chúng.
Ở đây đất nước có một Đảng lãnh đạo thôi, cũng như theo HP nói là đại diện cho toàn bộ dân tộc. Và cũng chưa có cơ hội để định lượng toàn bộ dân tộc, chưa có phương thức để trưng cầu dân ý để có thể định lượng được. Nên tôi không nghĩ đây là câu chuyện của mấy triệu đảng viên.
BBC: Ông cũng từng nói với báo chí VN là ông được mời tham gia những ban bàn thảo về lần sửa đổi này. Không phải là đảng viên cộng sản, ông có thấy cô đơn không khi trao đổi ý kiến hay phát biểu với đại đa số đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là đảng viên?
Có thể nói là cá nhân tôi sinh hoạt trong Quốc hội tới nay là nhiệm kỳ thứ III, tức là bước vào năm thứ 12 rồi. Và trong lần sửa đổi này tôi được tham gia vào một bộ phận của Ủy ban sửa đổi, tôi thấy hoàn toàn không có sự phân biệt gì, không khí rất thoải mái.
Tôi cũng nói rất thật là tôi thấy rất dân chủ khi được trao đổi. Nhưng vấn đề là tất cả những trao đổi đó sau này có được đưa vào văn bản cuối cùng hay không, chứ tôi hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để tham gia vào sinh hoạt đó.
Tất cả ý kiến của tôi đưa ra đều được tôn trọng, tất nhiên là có những cái được chấp nhận, có những cái chưa được chấp nhận.
“Hiến pháp càng ngày càng rõ, là thể chế hóa cho một cương lĩnh chính trị của đảng cầm quyền thôi.”
Theo quan điểm của tôi, ý tưởng ban đầu chỉ là sửa đổi một số nội dung liên quan đến văn bản HP năm 92 và thực tiễn 20 năm qua đã bắt đầu bất cập rồi.
Thế nhưng khi đặt lên bàn thì phải nói là các nhà lãnh đạo Quốc hội cũng rất muốn mở rộng dân chủ để mọi người cùng tham gia. Có lẽ cuộc thảo luận đó nó đã khá rộng rãi và nó đi quá giới hạn mà theo tôi quan niệm, là vượt quá xa cương lĩnh của đảng Cộng sản cho nên về sau họ có điều chỉnh lại.
Tôi cũng muốn nói thẳng thắn là, nếu như mong muốn của tôi mà tôi bỏ phiếu là một chuyện, nhưng bản thân lần sửa đổi này cũng có rất nhiều sửa đổi chứ không phải như cũ.
Phải khẳng định là nếu phân tích vào điều khoản, câu chữ cụ thể, số lượng phải thay đổi, cấu trúc phải thay đổi rất lớn, những vấn đề nhấn mạnh hơn, đầy đủ hơn như vấn đề quyền con người v..v. cũng được thể hiện. Những yếu tố mà lâu nay người ta e ngại như sở hữu đất đai hay doanh nghiệp nhà nước, tuy không được thay đổi căn bản nhưng cũng có những điều chỉnh chứ không phải hoàn toàn như cũ.
Tôi quan niệm như vậy khi tiếp cận với văn bản và quá trình hình thành văn bản.
BBC: Hai vấn đề là sở hữu tư nhân về đất đai, thực ra là trả lại sở hữu tư nhân về đất đai thôi, và chuyện thể chế các doanh nghiệp nhà nước đã được nói đến nhiều rồi. Nhưng khi những người bên ngoài như chúng tôi nhìn vào dự thảo HP đó thấy nó không được thay đổi. Ông có nghĩ là đằng sau có những nhóm lợi ích hay nhóm đặc quyền ngay trong Quốc hội mà họ không muốn thay đổi?
Chuyện có liên quan đến nhóm lợi ích hay không thì phải phân tích rất cụ thể, nhưng nó liên quan đến cơ chế chính trị này thì điều đó là chắc chắn.
Nên vấn đề đặt ra là có những người muốn chúng ta thay đổi thật căn bản kể cả nền tảng chính trị nữa, thì tôi cho là điều không tưởng trong bối cảnh này.
“Có lẽ cuộc thảo luận đó nó đã khá rộng rãi và nó đi quá giới hạn mà theo tôi quan niệm, là vượt quá xa cương lĩnh của đảng Cộng sản cho nên về sau họ có điều chỉnh lại.”
Luật đất đai đã thông qua, đã sửa đổi, và cũng có điều chỉnh. Tất nhiên điều chỉnh tuyệt đối như người ta mong muốn cũng khó.
Tôi lấy ví dụ thay đổi nhiều nhất mà người ta e ngại là nhà nước có quyền thu hồi đất để phục vụ cho an ninh quốc phòng thì chắc không ai có ý kiến gì. Nhưng cho mục tiêu phát triển thì người ta e ngại nhất mục tiêu phát triển đó nó có ý nghĩa gì, từ phát triển có khái niệm khá mơ hồ ấy có thể bị lợi dụng như lâu nay.
Nên phát triển nó phải gắn với lợi ích của công cộng, không phải gắn với lợi ích của một nhóm, một cá nhân,hay một nhóm doanh nghiệp nào khác.
Cái đó mới là trên câu chữ, mà tôi nghĩ quan trọng hơn là sau này khi vận dụng vào đời sống thực tiễn mới là vấn đề quan trọng.
Nói rằng không thay đổi là không đúng, nhưng nó chưa thay đổi đến độ người dân thỏa mãn hay cá nhân tôi thỏa mãn thì là vấn đề khác.
BBC: Xin hỏi đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc một chút thôi là phần kỹ thuật, rất nhiều người trên mạng đang bàn là khi bỏ phiếu thông qua hay không thông qua HP, có hai người không bấm nút có ông là một. Nhưng khi bỏ phiếu để quyết định thực hành hiến pháp thì lại đông đủ tất cả. Vì sao?
Tôi không nói chuyện của người khác. Khi tôi không có sự lựa chọn giữa tán thành và không tán thành thì tôi không biểu quyết.
Nhưng khi kết quả biểu quyết ấy nó đã thành hiện thực, tức là đã thông qua rồi, thì tôi nghĩ bản thân là đại biểu Quốc hội tôi cũng phải chấp hành nghị quyết ban hành của Quốc hội, đó là chuyện rất bình thường.
Ở đây có xu thế chung và cả những mâu thuẫn cũng được bộc lộ ở đây. Một trong những mục tiêu để sửa đổi HP này là cũng có mục tiêu là phù hợp với quá trình hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam và thế giới, và đồng thời là những cam kết quốc tế mà Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng hơn.
Nếu đọc kỹ vấn đề quyền con người ở đây nó có những vị trí khác và cũng có những thay đổi. Điều quan trọng đối với chúng tôi là làm sao đưa nó được vào đời sống. Ví dụ như luật biểu tình đã có cách đây khoảng 70 năm rồi nhưng chưa đưa vào đời sống.
HP này có thể có những người chưa hài lòng lắm, nhưng nếu giám sát tốt, đưa vào đời sống, tôi cho nó cũng đã có một tác động nào đó, chứ không phải nó chỉ là một cái gì quá cũ kỹ.
“Ví dụ như những vấn đề liên quan đến đa đảng, thì có thể đấy là giá trị phổ cập, nhưng theo quan điểm của tôi nó chưa trở thành hiện thực trong bối cảnh và thiết chế chính trị hiện nay.”
BBC: Trong những nhóm vận động có tiếng nói phê phán, họ còn nói rằng Quốc hội phải giải tán. Là một dân biểu ông nghĩ sao về những quan điểm như vậy?
Tôi cho đấy là ý kiến của một nhóm người thôi, nhóm người ấy có ảnh hưởng tới xã hội như thế nào thì phải qua thực tiễn. Và tôi nghĩ là nếu chỉ đòi hỏi một cách đơn giản như thế thì đó là quyền của mỗi người tự đặt ra.
BBC: Theo tôi hiểu ý kiến của họ cũng tương đối là phức tạp, chẳng hạn như Thái Lan năm 1995 cũng giải tán Quốc hội để chọn một Quốc hội mới mà họ nói là đầy đủ đại diện hơn. Hay như ở Anh, Pháp cũng vậy thôi, khi cần thì họ có quyền tổng thống với thủ tướng, thì đấy là yếu tố…
Cái đó là theo Hiến pháp. Hiến pháp có quy định chuyện đó không?
BBC: Tức là Hiến pháp Việt Nam chưa có?
Nó phải là một quá trình, tôi rất tôn trọng ý kiến khác biệt và kể cả những ý kiến quyết liệt như thế. Nhưng tôi nghĩ là nếu nhìn bằng con mắt hiện thực thì tôi cho nó chưa phải là chuyện của ngày hôm nay, mặc dù ai cũng mong muốn có gì đó thay đổi, giống như thiên hạ đã làm thế nào thì mình cũng làm như thế.
Nhưng dẫu sao thì mỗi một quốc gia cũng phải có lịch sử của nó, bước đi của nó thôi.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/12/131203_duong_trung_quoc_iv_transcription.shtml
0 nhận xét:
Đăng nhận xét