Nhà văn Võ Thị Hảo : “Đừng phản bội thế hệ sau, đừng vô cảm, và im lặng”
Nhà văn Võ Thị Hảo mong mỏi mỗi người hãy cố gắng làm sao đó để sống cho có ý nghĩa, hãy làm một điều gì đó, cho bản thân mình, cho con cháu mình, cho thế hệ sau, đừng phản bội thế hệ sau bằng cách bây giờ chúng ta sống vô cảm, chúng ta im lặng !
Sau đây là cuộc trao đổi giữa nhà văn Võ Thị Hảo và nhà báo Trần Quang Thành
Nhà báo Trần Quang Thành (TQT): Xin chào nhà văn Võ Thị Hảo ạ.
Nhà văn Võ Thị Hảo (VTH): Vâng, chào anh ạ!
TQT: Thưa nhà văn, ngày 28 tháng 11 vừa qua, quốc hội Việt Nam đã bấm nút thông qua bản Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2013 với tỉ lệ gần như là tuyệt đối 488 đại biểu bấm nút và hai đại biểu không bấm nút. Bản dự thảo hiến pháp được thông qua hầu như là những cái ý kiến của người dân đóng góp đều không được thể hiện trên bản Hiến pháp này. Nhà văn bình luận sao về vấn đề này ạ?
VTH: Vâng tôi thấy rằng là khi thông qua bản Hiến pháp thì bản thân tôi thì hết sức là thất vọng, cũng như là rất nhiều ý kiến đã thể hiện ở trên mạng xã hội là hết sức thất vọng trước cái Bản Hiến pháp này bởi vì, thậm chí lại còn thụt lùi so với bản Hiến pháp 1992. Những cái điều mà cơ bản nhất lại còn tụt lùi so với năm 1992. Và đương nhiên là không bằng cái Hiến pháp năm 1946, chẳng hạn như là quy định cái quyền lãnh đạo tuyệt đối, cái quyền lãnh đạo của ĐCSVN, qui định hệ tư tưởng Mác Lênin và qui định về đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân mặc dù có rất nhiều ý kiến hay của những người ở trong quốc hội cũng như là những chuyên gia về nhiều ý kiến của nhân dân, và có cái thực tiễn nó chứng minh rằng mấy chục năm nay, chính vì những cái nút đó mà đã có rất nhiều dân oan, và càng ngày những cái lỗ hổng thể chế càng bộc lộ chuyện lạm dụng đến mức mà nó thành ra một cái tình trạng nó hết sức là nguy ngập trong xã hội. Thế nhưng mà lại không thấy bản Hiến pháp này lại như vậy. Và tôi cũng thất vọng vì có nhiều đại biểu quốc hội lúc họ góp ý thì cũng có những ý kiến xây dựng, họ cũng quan tâm đến thực tế, và có vẻ họ cũng lo cho làm sao để làm cho cải thiện cái tình trạng hiện nay, thế nhưng đến lúc thông qua thì họ lại bấm nút thông qua một cách dễ dàng như vậy thì tôi cũng cảm thấy là rất thất vọng.
TQT: Thưa nhà văn, trong một bài viết nhà văn có nói rằng là việc thông qua bản Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2013 đó là một ngày tang khốc của dân tộc Việt Nam. Xin nhà văn có thể bày tỏ thêm những cái cảm nghĩ của mình khi mà đặt bút viết câu này có được không?
VTH: Vâng, thì thật sự đây không phải là cái lần đầu tiên mà người dân Việt Nam có những cái mảnh tang, những cái dịp tang khốc, nhiều quá và nhiều quá rồi. Thế mà đây lại thêm một lần, tại sao lần này lại rất là đáng để ý, bởi vì sao? Tức là trong một cái thời đại đã thay đổi hoàn toàn rồi. Trong cái thời đại mà ngay những cái nước quân phiệt, Myanmar chẳng hạn, người ta cũng đã tự thay đổi và đi theo cái mệnh lệnh của thời đại cũng như là cái đòi hỏi bức thiết của thời đại vì họ cũng biết, họ cũng… tôi tin rằng họ cũng là những người muốn bám chặt lấy quyền lợi của mình. Thế nhưng mà họ cũng thấy rằng là đã đến lúc không thể nữa rồi. Và nếu mà cứ như thế thì sẽ đến một ngày sẽ còn trả giá đắt hơn, tàn khốc hơn. Bởi vậy cho nên họ là những người đã biết ăn năn, và họ đã thay đổi. Với một cái thời đại như thế này, với một cái thực trạng mấy chục năm nay, cả cái hệ thống xã hội chủ nghĩa, cái nôi của cách mạng vô sản và cái nôi của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ đến như thế, người ta đã… chính những Tổng thống của những cái nước ấy họ đã phát biểu về chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa cộng sản như thế nào thì tôi tin rằng tất cả mọi người đều biết. Những người hôm nay cố gò để trao đổi những cái điều, chẳng hạn như là sự lãnh đạo của đảng hay là của chủ nghĩa Mác Lênin tôi tin là họ biết, chẳng ai không biết cả. Tức là nó tương tự như thế này này, tức là có một số người dẫn rủ, có vài người họ đang có một số cái túi gì đó, có tài sản của anh ta, thế thì có một số người bảo “chúng mày ơi đi đến đây hay lắm, đi theo tao đi, đến đây hay lắm”, thế là họ dẫn đến một vực sâu, và cái người đi theo đó không biết rằng là dưới kia là vực sâu và cái người đi theo rơi xuống vực sâu. Còn cái túi để lại trên bờ vực là những người ở lại họ có thể sử dụng cái túi đó. Nó đáng buồn đến như thế, tức là không còn một lời nào để nói nữa. Như tôi cũng đã nói và cũng nhiều người đã nói tức là chính là bản thân thành phần quốc hội nó đã cài đặt cái điều… cái Hiến pháp hôm nay, cái tình trạng Hiến pháp hôm nay, cái thành phần quốc hội đó, tại vì chính họ, hơn 90% là đảng viên, và không phải là đảng viên bình thường, mà những đảng viên nắm quyền lực và có quyền lợi, họ nắm nhiều vị trí rất quan trọng, hoặc là đều dính dáng đến hệ thống quyền lợi, vậy cho nên họ… họ sẽ làm điều này bằng mọi giá. Thế nhưng mà cũng thấy rằng khi thảo luận hay là gì đó cũng còn có một số ý kiến tốt thì cảm thấy vẫn có một cái tỷ lệ thông qua, phần lớn là các đấng nam nhi Việt Nam chẳng lẽ như thế hay sao? Thật là đáng buồn.
TQT: Thưa nhà văn, ĐCSVN đã nắm quyền lãnh đạo Việt Nam hơn 60 năm họ đã nhiều lần bày ra các bản hiến pháp để mà thông qua, nhưng có lẽ chưa có một bản Hiến pháp nào mà lại phải áp đặt cái vấn đề tức là cái sự lãnh đạo của Đảng một cách nó chặt chẽ và tuyệt đối như là cái bản Hiến pháp này. Nhà văn bình luận sao vấn đề họ lại đặt một vấn đề chặt chẽ như vậy ạ?
VTH: Tôi nghĩ rằng là cái nguyện vọng của những nhà cầm quyền mà họ không tính gì đến xu thế của thời đại và cái trách nhiệm trước nhân dân đó, và lương tri không thức tỉnh thì nhà cầm quyền nào cũng muốn áp đặt cái ý chí chủ quan của mình càng có lợi cho mình càng tốt, càng được nhiều quyền lợi và càng không phải chịu trách nhiệm thì càng tốt. Bao giờ nhà cầm quyền nào cũng như vậy thôi, thế nhưng vấn đề là có được phép hay không, thế thì tôi nghĩ rằng là khi mà thu về mình toàn bộ cái hệ thống đàn áp, hệ thống trấn áp chẳng hạn như là công an và quân đội trong cái đợt này đã Hiến pháp khác với trước và đã quy định là quân đội thuộc về Đảng tức là không như trước đây chẳng hạn như Hiến pháp khác hoặc là Hiến pháp của các nước thì quân đội là phục vụ đất nước, luôn luôn phục vụ bảo vệ cái đất Việt Nam này dù rằng là đất nước đó thuộc đảng nào lãnh đạo, hay là bất kỳ một ai lãnh đạo thì quân đội phải bảo vệ sự toàn vẹn của đất nước và chống ngoại xâm. Bây giờ khi mà thu về mình tất cả cái hệ thống trấn áp từ công an cho tới quân đội thì tôi nghĩ rằng có thể một số người nắm quyền lực cao nhất họ nghĩ rằng là như thế tuyệt đối không cần phải sợ ai nữa, muốn làm gì cũng được.
TQT: Như bà đã biết là bấy lâu nay, bà con nông dân biểu tình rất là rộng rãi ở Việt Nam, ở ngay thủ đô Hà Nội để mà đòi cái quyền của mình là “người cầy có ruộng”, nhưng trong khi đó Hiến pháp Việt Nam bây giờ lại tăng cường hơn nữa cái vấn đề là tước đoạt cái quyền đó, thì bà nghĩ sao về gọi là Hiến pháp của một nước gọi là tôn trọng quyền làm chủ của dân, do dân và vì dân?
VTH: Tôi nghĩ rằng là cái lời nói rằng là tôn trọng quyền làm chủ của dân, do dân và vì dân thì đấy chỉ là một lời nói ra như vậy thôi, nhưng mà trên thực tế thì không là, cái làm mạnh nhất là làm bằng Hiến pháp. Và trong Hiến pháp lần này thì lại đã quy định là sở hữu toàn dân lại còn quy định thêm nhà nước là đại diện, thực ra thì dân chưa bao giờ bầu nhà nước đại diện cho quyền sở hữu đất đai của mình, cũng chưa bao giờ dân đồng ý rằng là ruộng đất thì thuộc sở hữu toàn dân, đất đai nó là xương máu của hàng bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu đời nay. Bắt đầu từ khai khẩn, từ những sỏi đá, từ những chỗ lấn biển máu và nước mắt và mồ hôi mà ra, và họ luôn luôn, nông dân cũng như là những người có liên quan đến đất đời này qua đời khác đã còng lưng đã chết vì đất và họ đã đóng thuế luôn luôn đóng thuế, luôn luôn lao dịch để nuôi nấng những cái chính thể từ thời phong kiến, từ nô lệ, từ phong kiến cho tới bây giờ. Và bây giờ lại còn coi đó lại là sở hữu nhà nước và sở hữu toàn dân. Toàn dân là một cái khái niệm nó rất là mông lung, mông lung và để cho dân không thể kiện được. Chẳng lẽ khi mà bị mất đất lại kiện cái ông toàn dân à, rất là vô lý. Thế nhà nước đại diện là chủ sở hữu thì dân bầu lúc nào, dân đồng ý lúc nào là để cho nhà nước chủ sở hữu đất đai của mình, cái đó hết sức là vô lý. Và hơn nữa thì khi một số như trước đây chẳng hạn, luật đất đai năm, à, Hiến pháp trước đây, họ… có quy định rằng là nhà nước chỉ thu hồi đất khi mà cho mục đích quốc phòng an ninh. Nhưng mà trong cái luật đất đai này thì mở rộng rất là nhiều, rất là nhiều các cái cớ để nhà nước có thể thu hồi. Riêng cái từ thu hồi theo như cái lời của một chuyên gia mà Giáo sư Đặng Hùng Võ nói rằng là dùng từ “thu hồi” là hoàn toàn không hợp lý. Anh quyền gì mà thu hồi, anh có thể trưng mua, tại sao lại thu hồi, người ta có ăn cắp ăn trộm đâu mà thu hồi, người ta lao lực trên mảnh đất đó, tại sao gọi là thu hồi? Và bây giờ có quá nhiều cái cớ để thu hồi, thu hồi để làm chợ này, làm đủ thứ, rồi kinh tế, văn hóa xã hội… Tóm lại cái gì cũng có thể thu hồi được, tôi nghĩ sắp tới sẽ rất là kinh khủng với cái việc là người dân sẽ bị chiếm đất cho một cái cớ nào đó cho những cái tập đoàn lợi ích nào đó. Nó sẽ vô cùng lớn ở địa phương, mà Trung ương thì đã đành nhưng mà vô cùng lớn ở địa phương và tôi nghĩ rất là nguy ở chỗ này. Và nếu như bây giờ mà dân vẫn còn biểu tình, rất nhiều dân oan, chẳng hạn như vụ Đoàn Văn Vươn, những vụ bùng nổ như vậy thì sắp tới nó sẽ còn kinh khủng hơn. Vì làm sao người ta có thể chấp nhận được một cái điều như vậy.
TQT: Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều nói rằng bản Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2013 là ý đảng hợp với lòng dân, rất là hợp với lòng dân, nhưng mà trong khi đó thì nhân dân lại đưa ra rất nhiều ý kiến ngược lại mà lại không được lắng nghe. Chẳng hạn như là dân đóng thuế để nuôi quân đội thì quân đội không thuộc về dân mà thuộc về đảng. Đất đai là bao nhiêu nghìn năm, dân chúng nai lưng ra để mà cải tạo để mà có được như ngày hôm nay, nhưng mà đất đai nay gọi là thuộc về toàn dân nhưng thực chất là thuộc một giai cấp cầm quyền mà bóc lột dân. Bà bình luận sao về vấn đề này?
VTH: Tôi nghĩ rằng là nói rằng là Hiến pháp này là “ý đảng lòng dân” thì đấy là, có thể là có một số dân thì là lòng dân thật, nếu cái dân đó là cái dân mà có quyền, đó là một số dân thôi, họ gọi là dân tức là những người họ đứng, họ sinh sống, họ có quốc tịch ở Việt Nam này, nhưng dân đấy là dân họ có quyền lực, họ có tiền để mà thao túng và lũng đoạn, họ có thể thu lợi qua những cái quy định ở trong Hiến pháp này, và trong cái luật đất đai này. Thì tôi nghĩ hợp với cái dân đấy thật, còn đa phần dân thì không hợp. Sự thật nó rất là rõ ràng, cái đó tôi nghĩ không phải bàn nữa, nói thế nào thì nói thôi chứ mà cái đó nó quá hiển nhiên. Ngay cả thời phong kiến người ta cũng không có, vua cũng không có coi là những cái mảnh ruộng của dân là của vua. Đất đai nó là sở hữu lâu dài của từng gia đình, từng cá nhân, và chỉ nộp tô, nộp thuế cho vua thôi, chứ không có đời nào lại coi như vậy, nó sẽ ảnh hưởng đến cái việc tức là người ta sẽ không bao giờ yên tâm đầu tư cho cái mảnh đất đó, và đất sẽ bị khai thác cạn kiệt. Hơn nữa, chẳng hạn như là Luật đất đai và một cái Hiến pháp như thế này thì đầu tư nước ngoài, bao giờ thường đầu tư nước ngoài chẳng ngắm đến đất đai thì là người ta sẽ rất sợ hãi, vì người ta có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, chỉ cần một người có tiền, có mối quan hệ lên tới một cái ông quan tỉnh, vì ông tỉnh bây giờ ông được quyết định rất nhiều thứ, chưa kể là… tất nhiên là ông có nhiều người còn có quan hệ với trên chính phủ, với quốc hội và thủ tướng, thì họ có thể nhân một cái cớ thu hồi vì văn hóa xã hội, làm một cái bảo tàng, hay là một cái gì đó, như là một cái sân chơi, nhưng cuối cùng không làm, và cuối cùng là họ sẽ thu đất để mà trục lợi cho cá nhân, thì nó sẽ vô cùng vô cùng nhiều. Đấy, những dân đấy thì hợp đấy, đúng là lòng dân đấy nhưng mà dân ấy nó không nhiều. Việt Nam đa số là nghèo, người Việt Nam nghèo và đang rất là khổ, kiếm ăn cùng khó và bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân chết, bao nhiêu người thất nghiệp, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thực ra họ không kém cỏi, là một tầng lớp cũng còn non trẻ vì họ cũng đã bị diệt rất nhiều lần rồi nhưng vừa rồi họ lại bị diệt một lần nữa, bị chết bởi vì họ đã bị cạnh tranh không bình đẳng bởi những doanh nghiệp độc quyền, bởi một cái thứ… những cái ngân hàng mà cho vay, đồng lòng cho vay với lãi cắt cổ, lãi ấy chỉ xúi giục người ta đi ăn cướp thì mới có tiền để mà trả tiền lãi cho ngân hàng cái kiểu như thế. Và bây giờ kết cục là ngân hàng chết rất nhiều, ngân hàng bây giờ vì qua một thời gian tham lam quá, trục lợi quá và bây giờ với một cái lãi cắt cổ như thế thì bây giờ không còn cổ để cắt nữa thì ngân hàng bây giờ cũng khốn đốn, cũng chết.
TQT: Lần đầu tiên Hiến pháp Việt Nam ghi nhận rằng là bản Hiến pháp là dựa trên cương lĩnh của ĐCSVN. Lần đầu tiên Hiến pháp Việt Nam ghi nhận là quân đội là quân đội của đảng. Như vậy người dân đóng thuế để nuôi quân đội, người dân đóng thuế để mà xây dựng đất nước bây giờ đâm ra người dân đóng thuế để nuôi đảng. Đặc biệt là khi mà hoạt động thì cái ngân sách của đảng không bao giờ được minh bạch cả, không bao giờ công khai cả, không biết là ngân sách đó lấy đâu ra để mà hoạt động, cho nên có nhiều người nói là Hiến pháp Việt Nam hiện nay là đảng pháp không phải là Hiến pháp. Bà có bình luận về vấn đề này không thưa nhà văn Võ Thị Hảo?
VTH: Nếu mà theo những cái căn cứ mà ông vừa dẫn chứng như vậy, thì người ta nói như thế tôi thấy là có lý, bởi vậy cho nên là có thể nói là Hiến pháp này lại còn tụt lùi về mặt tự do và dân chủ nhân quyền so với những cái Hiến pháp trước. Hiến pháp 92 thì đã bị kêu ca rất nhiều rồi, Hiến pháp này lại còn kinh khủng hơn, những cái lỗ lực cố gắng hay là những lời đẹp đẽ chẳng hạn như về quy định thêm về quyền con người hay cái gì đó ở cái điều dưới và những cái điều sau này của Hiến pháp thì nó bị vô hiệu hóa ngay từ cái điều 4, và sau đó lại quy định là những quyền con người hay là quyền tự do gì đó thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta thừa biết là pháp luật Việt Nam như thế nào rồi, cái sự lạm quyền ra vô số những cái văn bản vi hiến chẳng ai bị trừng trị cả, cái phá hoại của sự vi hiến là cái phá hoại lớn nhất bởi vị một cá nhân nó có thể đục khoét hàng chục ngàn tỷ Việt Nam thì nó đã quá nhiều rồi và đã quá khủng khiếp rồi không cón lời nào để nói nhưng chỉ cần một quy định sai, ra một văn bản một chỉ thị hay là một công văn sai thôi có thể thậm chí làm sập cả một nền kinh tế và chưa kể làm mất uy tín bộ ấy, chính phủ ấy, đất nước ấy. Thế nhưng mà đấy là cái phá hoại lớn nhất nhưng mà chẳng ai bị làm sao cả thế cho nên là nó luôn luôn cái tình trạng bị lạm dụng bởi quyền lực và tiền bạc và nhóm lợi ích ở Việt Nam nó đã đến mức là quá khinh khủng rồi không lời nào để nói nữa.
TQT: Xin cảm ơn nhà văn Võ Thị Hảo về cuộc chia sẻ của bà xung quanh vấn đề Việt Nam mới thông qua Hiến pháp mới và bà đã nói lên cái tâm trạng của bà, xin nói đây là một ngày tang khốc của dân tộc Việt Nam.
VTH: Cảm ơn anh nhưng mà tôi cũng xin nói thêm một điều tức là không phải vì một ngày tang khốc. Người Việt Nam đã quen quá nhiều ngày tang khốc rồi và đây là thêm một ngày tang khốc nữa. Tôi muốn tâm sự với mọi người rằng không phải vì thế mà ngã lòng, chúng ta luôn luôn cố gắng hiểu rằng cái cuộc sống thế này, trên đời này nó cũng ngắn ngủi và phù du, bởi vậy cho nên có thể có nhiều người nghĩ rằng là thôi thế thì chỉ được sống một lần thì hãy cố gắng làm sao cho sung sướng ăn ngon mặc ấm và bình an. Tôi nghĩ rằng là nghĩ như thế thì cũng có phần đúng nhưng mà tôi lại nghĩ rằng cuộc sống ngắn ngủi phù du vậy mỗi người hay cố gắng làm sao đó để sống cho nó có ý nghĩa, hãy làm một điều gì đó cho bản thân mình và cho con cháu mình cho thế hệ sau. Đừng có phản bội thế hệ sau bằng cách bây giờ chúng ta vô cảm, chúng ta im lặng chỉ biết đến đời bố mẹ sung sướng thôi hoặc đời bố mẹ cũng không sung sướng nhưng cũng chỉ bằng con ngan con gà ăn đến bữa thì no thế thôi và nhốt và ở trong chuồng và không kêu. Thế thì hậu quả nhãn tiền là sao? Con cháu của chúng ta bây giờ là đã gánh nợ, càng ngày càng gánh nợ kinh khủng mỗi người một đứa trẻ vừa mới sinh ra đã gánh hơn 18 triệu ở trên đầu rồi phải trả nợ chưa kể là bao nhiêu thứ tài nguyên khai thác cạn kiệt, chưa kể bao nhiêu thứ khác và chính sự im lặng, sự vô cảm của nhiều người cũng tạo ra cái Hiến pháp này không phải chỉ cái bộ máy lãnh đạo đâu mà chính sự vô cảm của nhiều người. Và tôi cũng đặc biệt muốn gửi một cái nguyện vọng tới các đấng nam nhi của Việt Nam, các vị hãy bớt xả cái nỗi buồn của mình, nỗi.. cảm thấy mình bất lực với cái tình trạng xã hội trong những cái quán rượu hoặc là những cái quán trà hay là những cái việc, những cái bạo lực khác. Các vị hãy quan tâm đến cái xã hội đến đất nước một chút và để quan tâm cho đến con cháu mình. Tôi vẫn hy vọng rằng mỗi người Việt Nam mình không nô lệ không hèn hạ. Tôi xin cảm ơn anh và trân trọng cảm ơn các quý vị đã lắng nghe tâm sự này.
TQT: Xin chia sẻ với những suy nghĩ của bà và mong rằng xã hội Việt Nam chúng ta mọi người sẽ có trách nhiệm hơn với đất nước, không ai vô cảm và sẽ làm tất cả mọi việc để mà chặn đứng lại những kẻ đang hủy hoại đất nước, đang dần đưa đất nước chúng ta tan rã, và mong rằng đất nước chúng ta sau này sẽ hưng thịnh hơn bởi những người không vô cảm, bởi một xã hội có trách nhiệm với đất nước xin cảm ơn bà.
VTH: Vâng, xin cảm ơn anh.
Nguồn: http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/12/04/nha-van-vo-thi-hao-dung-phan-boi-the-he-sau-dung-vo-cam-va-im-lang/#more-4704
0 nhận xét:
Đăng nhận xét