Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Ludwig von Mises (1881-1973) - Chủ nghĩa tự do truyền thống



Lời giới thiệu bản dịch tiếng Anh

New York, tháng 4 năm 1962

Trật tự xã hội hình thành từ triết lí của thời Khai Sáng khẳng định vai trò tối thượng của người dân “thường”. Trong vai người tiêu dùng, người dân bình thường trở thành người đưa ra quyết định cuối cùng về việc cái gì sẽ được sản xuất, với số lượng là bao nhiêu, chất lượng như thế nào, ai sản xuất, sản xuất thế nào, sản xuất ở đâu; trong vai người đi bỏ phiếu, người dân bình thường có toàn quyền quyết định đường lối của chính sách quốc gia. Trong xã hội tiền tư bản “ông trùm” là những kẻ có đủ sức buộc những người yếu hơn phải qui phục. Cái cơ chế bị nhiều người chỉ trích của thị trường tự do chỉ để ngỏ duy nhất một con đường dẫn tới thịnh vượng, đấy là phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất và rẻ nhất có thể. Trong lĩnh vực công việc quốc gia, hệ thống chính phủ đại diện là hệ thống phù hợp nhất với “nền dân chủ” như thế của thị trường tự do. Sự vĩ đại của giai đoạn giữa những cuộc chiến tranh của Napoleon và Chiến tranh thế giới thứ nhất chính là lí tưởng xã hội: tự do buôn bán trong thế giới của những dân tộc hoà bình, một nền tự do mà những người kiệt xuất nhất đang đấu tranh để biến nó thành hiện thực. Đấy là thời đại mà đời sống của người dân được cải thiện với tốc độ chưa từng có. Đấy là thời đại của chủ nghĩa tự do.


Hiện nay người ta gần như đã quên hết các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX rồi. Ở châu Âu lục địa chỉ còn vài người nhớ mà thôi. Ở nước Anh, thuật ngữ “tự do” được đa số người sử dụng nhằm ám chỉ cái cương lĩnh mà thực ra chỉ khác chủ nghĩa toàn trị của những người xã hội chủ nghĩa ở những tiểu tiết. Hiện nay ở Mĩ, từ “tự do” lại được dùng để chỉ một tập hợp các ý tưởng và định đề chính trị trái ngược hẳn với cách hiểu về chủ nghĩa tự do của các thế hệ tiền bối. Người tự do kiểu Mĩ là người ủng hộ chính phủ toàn trí toàn năng, là kẻ thù không đội trời chung của tự do kinh doanh và là kẻ ủng hộ cho kế hoạch hoá mọi mặt của đời sống, tức là ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Những người “tự do” này vội vã nhấn mạnh rằng họ phản đối chính sách độc tài của nước Nga không phải là vì tính chất xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa của những chính sách đó mà vì chúng có xu hướng đế quốc chủ nghĩa. Tất cả các biện pháp nhằm tịch thu tài sản của những người giàu có và hạn chế quyền của những người có tài sản đều được coi là tự do và tiến bộ cả. Các cơ quan của chính phủ nắm được quyền lực hầu như không hạn chế, toà án không có quyền phán xét quyết định của họ. Một vài công dân trung thực, những người dám phê phán xu hướng độc tài, bị coi là những kẻ cực đoan, phản động, bảo hoàng về kinh tế và phát xít. Người ta cho rằng đất nước tự do không thể dung thứ hoạt động chính trị của những “kẻ thù xã hội” như thế.


Đáng ngạc nhiên là ở đây người ta coi những quan điểm này là hoàn toàn của Mĩ và là sự tiếp tục của các nguyên tắc và triết lí của những người định cư đầu tiên (Pilgrim Father) ở Mĩ vào năm 1620, của những người đặt bút kí vào bản Tuyên ngôn độc lập, những tác giả của bản Hiến pháp và tờ Federalist. Chỉ một ít người biết rằng những chính sách được coi là tiến bộ này có xuất xứ từ châu Âu và trong thế kỉ XIX người đại diện tiêu biểu nhất của trường phái này chính là Bismarck, chẳng có người Mĩ nào lại coi chính sách của ông ta là tiến bộ và tự do hết. Chính sách Sozialpolitik của Bismarck xuất hiện vào năm 1881, tức là hơn nửa thế kỉ trước khi bản sao của nó là New Deal của tống thống F.D. Roosevelt được thi hành ở Mĩ. Theo sau sự vùng dậy của Đế chế Đức, hầu hết các nước phát triển, tất cả các nước công nghiệp châu Âu, nơi nhiều nơi ít, đều áp dụng hệ thống làm như là mang lại lợi ích cho quần chúng bằng cách tước đoạt quyền lợi của thiểu số những kẻ “cá nhân chủ nghĩa thâm căn cố đế”. Thế hệ những người đến tuổi bầu cử vào giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất coi việc dựa vào nhà nước là đương nhiên và khinh thường tự do, cho rằng đấy là “định kiến mang tính tư sản”.

Ba mươi lăm năm trước, tôi đã từng cố gắng viết một tác phẩm ngắn, trình bày tóm tắt những tư tưởng và nguyên tắc của môn triết lí xã hội từng có tên là Chủ nghĩa tự do. Tôi không nghĩ rằng cuốn sách của mình có thể ngăn chặn được những thảm hoạ mà chính sách của các nước châu Âu đang đưa tới. Ước muốn duy nhất của tôi là tạo cơ hội cho một nhóm nhỏ những người ưu thời mẫn thế tìm hiểu mục đích của chủ nghĩa tự do truyền thống và những thành tựu của nó, và bằng cách đó, chuẩn bị cơ sở cho việc tái lập tinh thần tự do sau vụ sụp đổ đang đến gần.

Ngày 28 tháng 10 năm 1951, Giáo sư J. P. Hamilius từ Luxembourg hỏi nhà xuất bản Gustav Fischeri ở Jena (thuộc lãnh thổ Đức nhưng do quân đội Liên Xô chiếm đóng) để mua một cuốn Chủ nghĩa tự do. Ngày 14 tháng 11 năm 1951 nhà xuất bản trả lời rằng không còn cuốn nào và nói thêm: “Theo quyết định của chính quyền, tất cả các bản in cuốn sách này đều đã bị tiêu huỷ”. Bức thư không nói chính quyền ở đây là nước Đức quốc xã hay nhà nước “dân chủ” Đông Đức.

Trong những năm kể từ ngày xuất bản tác phẩm Chủ nghĩa tự do tôi đã viết rất nhiều về những vấn đề được nói tới trong tác phẩm này. Tôi đã nghiên cứu nhiều vấn đề mà lúc đó tôi không thể trình bày trong tác phẩm này vì không muốn làm cho độc giả chán nản vì quá dài. Mặc khác, lúc đó tôi đã xem xét một số vấn đề mà hôm nay thấy là không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, chỉ có thể hiểu và đánh giá đúng cách xem xét nhiều vấn đề thuộc về chính sách trong hoàn cảnh kinh tế và chính trị khi tác phẩm này được chấp bút mà thôi.
Tôi không sửa chữa bất kì điều gì và không can thiệp vào quá trình dịch do tiến sĩ Ralph Raico thực hiện cũng như quá trình biên tập do ông Arthur Goddard tiến hành. Tôi xin cám ơn hai nhà khoa học này vì công sức họ đã bỏ ra để tác phẩm có thể đến tay bạn đọc rộng rãi bằng Anh ngữ.

Ludwig von Mises, New York, tháng 4 năm 1962.


Ludwig von Mises (1881-1973) - Chủ nghĩa tự do truyền thống


Lời giới thiệu của Louis M. Spadaro

Tôi cho rằng cuốn sách tương đối mỏng này có tầm quan trọng gấp nhiều lần sức tưởng tượng nếu chỉ nhìn vào độ dày và ngôn ngữ khiêm nhường của nó. Đây là tác phẩm bàn về xã hội tự do, bàn về điều mà hiện nay có thể được gọi là “chính sách” đối nội và đối ngoại cho xã hội như thế; và đặc biệt là bàn về những trở ngại và khó khăn, cả thực tế lẫn tưởng tượng, trên con đường thiết lập và giữ gìn hình thức tổ chức xã hội như thế.



Trong khi tất cả những vấn đề này đều không có gì đặc biệt thì điều đáng ngạc nhiên là hầu như tất cả những người ủng hộ cho bất kì một hình thức tổ chức kinh tế thay thế nào khác đều không đưa ra được cách lí giải tương tự như thế về những đề nghị của họ. Ngay cả hiện nay, khi càng ngày càng có nhiều người tham gia vào việc cung cấp cho chúng ta những lời phê bình rất chi tiết về chủ nghĩa tư bản và những lời tiên đoán về sự cáo chung không thể nào tránh được của nó thì họ lại tỏ ra kín tiếng đến khó hiểu trong việc “xử lí” những mâu thuẫn hoặc những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình vận hành cái hệ thống mà họ bảo vệ hoặc tiên đoán.

Tuy nhiên, dễ dàng bỏ qua thái độ phớt lờ như thế vì rằng người ta thường gán trách nhiệm cho những người đáng ra là không phải chịu. Lên án Marx, đây là thí dụ dễ gặp nhất, rằng trong Tư bản luận, ông ta không chỉ ra được cách thức hoạt động cụ thể của xã hội xã hội chủ nghĩa, là việc làm không thể chấp nhận được; vì tác phẩm này nhằm đúng mục tiêu mà nó được trù liệu: nghiên cứu với tinh thần phê phán hoạt động của chủ nghĩa tư bản như Marx mường tượng. Lên án Mises vì trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội ông đã không thảo luận những nguyên tắc của hệ thống tự do cạnh tranh cũng là việc làm vô nghĩa như thế. Điều quan trọng là Mises đã dành hẳn một cuốn sách để thảo luận bài toán này trong khi Marx thì không bao giờ làm như thế. Đấy là tác phẩm mà Marx không thể viết, còn những đồ đệ của ông cũng như những người phê phán chủ nghĩa tự do thì không thèm viết.

Nhưng giá trị thực sự của tác phẩm này không nằm ở ý nghĩa hạn hẹp và còn nhiều tranh cãi đó, nó có tính chất xây dựng và quan trọng hơn nhiều. Dù ngắn gọn, nhưng tác phẩm cố gắng giải đáp hàng loạt vấn đề, đánh tan những mối ngờ vực và lầm lẫn mà nhiều người gặp phải khi họ tìm cách giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, tình cảm còn nhiều tranh cãi. Ưu điểm đặc biệt của nó là đối với mọi vấn đề được bàn thảo Mises đều đưa ra được những nhận thức thấu triệt và những quan điểm để người ta có thể lựa chọn, và đấy là điều rất bổ ích.

Vì chắc chắn là độc giả muốn tìm hiểu ngay những vấn đề đó cho nên tôi sẽ không đưa những nhận xét riêng của cá nhân mình, ngoại trừ một vài suy nghĩ bắt buộc phải có. Thay vào đó chúng ta sẽ lựa ra những câu hỏi và những ý kiến sẽ nảy ra trong tâm trí độc giả khi họ xem xét những vấn đề còn gây tranh cãi được Mises nói đến ở đây và đáng được người đọc chú ý. Để tiện cho việc theo dõi, xin liệt kê chúng theo trình tự như được trình bày trong tác phẩm.

1. Hệ thống thị trường tự do đã tồn tại trong một thời gian dài, nhưng cũng đã chứng tỏ rằng đây là hệ thống kém hiệu quả.

2. Chủ nghĩa tự do bị phê phán vì chỉ tập trung chú ý vào ước muốn gia tăng sản xuất và thoả mãn nhu cầu vật chất và bỏ qua những đòi hỏi về mặt tinh thần của người dân.

3. Vì không phải lúc nào người ta cũng hành động một cách hoàn toàn hợp lí, có lẽ đối với một số vấn đề nên tin vào trực giác, xung lực và cái gọi là “tâm thức” thì sẽ tốt hơn là lí luận chặt chẽ?

4. Không thể phủ nhận sự kiện là chủ nghĩa tư bản thực chất là hệ thống có lợi cho người giàu và những người có tài sản và bất lợi cho những tầng lớp khác.

5. Tại sao lại phải bảo vệ cái hệ thống xã hội không tạo điều kiện cho mỗi người thực hiện ước mơ của người đó hay giành được kết quả mà anh ta cống hiến?

6. Quyền tư hữu tư liệu sản xuất có phải là món đồ lỗi thời trong cái “đồ thừa” của thời đã qua mà những những người cảm thấy khó chấp nhận và khó thích nghi với những điều kiện đã thay đổi phải mang trên lưng hay không?

7. Tự bản chất, nền kinh tế thị trường cạnh tranh, trong trường hợp tốt nhất, có chống lại nền hoà bình giữa các dân tộc và trong trường hợp xấu nhất, có gây ra chiến tranh hay không?

8. Lấy gì biện hộ cho cái hệ thống kinh tế-xã hội gây ra quá nhiều bất công trong thu nhập và tiêu thụ đến như thế?

9. Nếu để chủ nghĩa thực dụng sang một bên thì về mặt đạo đức, ta có thể biện hộ cho quyền sở hữu tư nhân được hay không?

10. Chống lại chủ nghĩa can thiệp của nhà nước, chủ nghĩa tự do có vô tình biện hộ cho một số biểu hiện của tình trạng vô chính phủ hay không?

11. Chưa có gì chứng tỏ rằng xã hội dân chủ và ổn định lại dễ dàng trở thành hiện thực trong hệ thống lập kế hoạch và ra quyết định phi tập trung hơn là trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

12. Vì sao lại cho rằng xã hội tư bản nhất định sẽ có thái độ khoan dung đối với bất đồng chính kiến hơn là xã hội xã hội chủ nghĩa?

13. Chủ nghĩa tư bản tạo ra và tiếp tục bảo vệ địa vị ăn trên ngồi trốc cho “giai cấp ăn không ngồi rồi”, những kẻ nắm được nguồn lực nhưng không làm và không có đóng góp gì đáng kể đối với xã hội.

14. Quyền tư hữu có có thể tốn tại lâu như thế là vì nó được nhà nước bảo vệ; thực ra, như Marx khẳng định, nhà nước chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ quyền tư hữu.

15. Luận cứ cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể hoạt động được vì nó không có phương tiện để thực hiện những tính toán kinh tế cần thiết là luận cứ rất đáng quan tâm, nhưng có chứng cớ cụ thể hay không?

16. Giả thiết cho rằng việc can thiệp của chính phủ vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân nhất định sẽ dẫn đến lệch lạc và vì vậy mà có tính phá hoại cũng là giả thiết hay, nhưng có thể chứng minh bằng thí dụ cụ thể rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra hay không?

17. Không phụ thuộc vào những bằng chứng chứng tỏ rằng những hệ thống được đề nghị nhằm thay thế cho chủ nghĩa tư bản đều thua kém hơn, có những lí do trực tiếp và chắc chắn biện hộ cho hệ thống tự do kinh doanh hay không?

18. Muốn hoạt động được, tất cả các hệ thống tự do cạnh tranh đều cần phải có rất nhiều công ti nhỏ, liên tục cạnh tranh với nhau, liệu hệ thống đó có teo đi khi các đại công ti và các cơ sở độc quyền phát triển hay không?

19. Vì ban quản trị các công ti lớn cũng có xu hướng trở thành bộ máy quan liêu, việc đặt bộ máy kiểm soát tư nhân đối lập với bộ máy quản lí công cộng có phải là vấn đề giả tạo hay không?

20. Có phải là trong chế độ tự do việc phối hợp giữa chính sách đối nội và đối ngoại dễ thực hiện hơn và nhất quán hơn là trong các hệ thống khác hay không?

21. Có phải sự tồn tại và việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân là cản trở chứ không phải là tác nhân cho việc giành và giữ hoàn bình và sự thông cảm giữa các dân tộc hay không?

22. Có vẻ như rõ ràng là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc chỉ có thể xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa.

23. Quyền lợi ích kỉ của các doanh nhgiệp tư nhân là trở ngại chính cho sự luân chuyển một các tự do hơn hàng hoá và con người giữa các vùng trên thế giới.

24. Vì là người đại diện và cổ vũ cho quyền lợi đặc biệt của một giai cấp – giai cấp những kẻ nắm được các nguồn lực hay giai cấp tư sản - Chủ nghĩa tự do đã có một sai lầm chiến thuật ngớ ngẩn nghiêm trọng khi không tự mình tạo ra một chính đảng và không theo đuổi mục tiêu của mình bằng cách thoả hiệp và phù hợp với thủ đoạn chính trị.

Bất cứ ai từng có điều kiện quan sát một cách trực tiếp cách thức những quan điểm có sẵn trong đầu, những nửa sự thật và những “giá trị” dường như hiển nhiên thường ngăn cản, không cho người ta xem xét một cách toàn diện và công bằng đối với những quan điểm xa lạ hoặc những quan điểm làm cho người ta khó chịu trong môn kinh tế học sẽ nhận ra ngay nhiều điểm vừa được liệt kê. Câu trả lời của Mises cho mỗi điểm vừa nêu sẽ giúp độc giả bình thường (và những người mới bắt đầu nghiên cứu) có một cái nhìn toàn diện hơn đối với những vấn đề xã hội và lí giải được những mối ngờ vực của chính mình. Dễ hiểu vì sao Đông Đức lại cấm tác phẩm này – như Mises nhắc tới trong phần giới thiệu – và đấy là một bằng chứng nữa, tuy người ta không cố ý, chứng tỏ rằng đây là tác phẩm quan trọng.

Cuối cùng, xin được bình luận ngắn về hai điểm nữa. Điểm thứ nhất đã được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, nhưng được nói trong ngữ cảnh rất phức tạp và ở những chỗ cách xa nhau cho nên độc giả có thể không nhận ra tính phổ biến và vai trò quan trọng của nó.

Ý tưởng này - một ý tưởng cực kì quan trọng trong lập luận của Chủ nghĩa tự do chân chính - đấy là thường thường ta phải làm cái mà Mises gọi là “hi sinh tạm thời”, một việc làm cực kì cần thiết và hữu ích. Giành ngay những lợi ích trước mắt, tuy có vẻ là việc làm hấp dẫn, những sẽ là việc làm ngu xuẩn, nếu trong khi làm như thế ta tự tuớc mất lợi ích lớn hơn nhiều lần trong tương lai; tức là tước mất cái lợi ích lớn đến mức có thể bù đắp được lợi ích hiện tại và những phiền phức trong quá trình chờ đợi.

Dĩ nhiên là ít người khôn ngoan, trong khi “tính toán” với những điều kiện như thế, lại ngả về phía lợi ích trước mắt. Nhưng đấy chính là khó khăn lớn nhất, không phải lúc nào người ta cũng tính toán một cách thận trọng, họ cũng không được khuyến khích phải làm như thế. Sai sót như thế thường xảy ra trong những hoàn cảnh rất khác nhau và không chỉ xảy ra với những công dân hay người tiêu thụ “bình thường”. Nó có thể xảy ra với những doanh nhân săn tìm lợi nhuận ngắn hạn hoặc lợi thế tương đối; nó có thể xảy ra với những nhà làm luật ủng hộ cho việc nâng ngay lập tức tiền tương tối thiểu, trả bảo hiểm xã hội, đặt ra thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế khoá khác; nó có thể xảy ra với những nhà kinh tế học khuyến cáo nới lỏng tín dụng hoặc tái phân phối thu nhập; và biết bao nhiêu người khác nữa. Trên thực tế, tìm ra những thí dụ nữa trong tác phẩm và đặc biệt là trong khi suy nghĩ về những vấn đề và những cuộc tranh luận hiện nay sẽ là một bài tập tuyệt vời đối với độc giả tập sách này.

Cuối cùng, xin được nói đôi lời về tên gọi của tác phẩm. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào năm 1927, với nhan đề Chủ nghĩa tự do và là tác phẩm bổ xung, như đã nói bên trên cho tác phẩm của Mises viết về chủ nghĩa xã hội. Sự kiện là khi dịch tác phẩm này trong tiếng Anh người ta đã muốn hoặc thấy cần phải đổi tên thành Xã hội thịnh vượng và tự do (Free and Prosperous Commonwealth), đã thể hiện rõ điều mà tôi tin là bi kịch trong lịch sử tri thức: đánh tráo thuật ngữ Chủ nghĩa tự do.

Vấn đề không chỉ là thuật ngữ, cũng không thể coi nó là một thí dụ đơn giản của sự thoái hoá ngôn ngữ - thường gọi là entrôpi từ ngữ - ý nghĩa và giọng điệu cũ biến mất cùng với thời gian. Ở đây chúng ta bắt gặp không chỉ sự mất giá của thuật ngữ, dù thuật ngữ ấy có quan trọng đến mức nào. Đây là vấn đề có ý nghĩa cực kì quan trọng cả về tri thức lẫn thực tiễn.

Trước hết, từ “tự do” (liberal) có nguồn gốc từ nguyên rõ ràng, thể hiện trong lí tưởng về tự do cá nhân. Nó còn có gốc gác mang tính lịch sử đầy giá trị trong truyền thống và kinh nghiệm, cũng như được kế thừa di sản văn hoá sâu rộng trong những lĩnh vực như triết học xã hội, tư tưởng chính trị, văn học ..v.v.. Vì lí do đó và nhiều lí do khác nữa, thật không thể tưởng tượng được rằng quan điểm mà tác phẩm này trình bày lại không có độc quyền và tư thế không thể tranh cãi để tự nhận danh hiệu là Tự do.

Nhưng, mặc cho tất cả những điều đã trình bày, thuật ngữ Chủ nghĩa tự do, sau khi ra khỏi thế kỉ XIX và vượt qua Đại Tây Dương, đã mang một ý nghĩa khác, không phải khác một chút mà là trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa vốn có của nó! Kết qủa là người ta đã lầm lẫn và mơ hồ đến nỗi ngay cả khi có hẳn một kế hoạch thì cũng khó mà tưởng tượng nổi làm sao mà nội dung và ý nghĩa của nó lại có thể bị xuyên tạc đến mức như vậy.

Nhưng đáng buồn nhất là hai điểm sau đây. Thứ nhất, đấy là sự đồng thuận đáng kinh ngạc của những hậu duệ chính hiệu của chủ nghĩa tự do không chỉ trong việc để cho thuật ngữ này tuột khỏi tay mình mà trên thực tế còn khước từ nó bằng cách sẵn sàng sử dụng nó như một từ thoá mạ những người có cảm tình với đảng xã hội chủ nghĩa, thế mà thuật ngữ phù hợp hơn với họ đã tồn tại từ trước rồi. So với nó thì câu chuyện ngụ ngôn về con lạc đà và túp lều còn có vẻ nhẹ nhàng hơn.

Thứ hai, là việc đánh mất thuật ngữ “Chủ nghĩa tự do” đã buộc người ta phải sử dụng một số thuật ngữ thay thế hoặc những cách nói quanh co như “người tự do” (libertarian), “Chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX (nineteenth century liberalism) hay Chủ nghĩa tự do “cổ điển” ("classical" liberalism). Liệu có ai đã tuyên bố rằng mình là người thuộc phái tự do “tân-cổ điển” vừa nảy nòi ra hay không?

Chả lẽ chúng ta đã vĩnh viễn đánh mất thuật ngữ chủ nghĩa tự do rồi ư? Trong phần phụ lục cho nguyên bản tiếng Đức (có đưa vào bản dịch này), Mises đã bàn về ý nghĩa của thuật ngữ và nói đến khả năng tái lập lại ý nghĩa cũ cho nó. Nhưng vào năm 1962, trong lời giới thiệu tác phẩm, có vẻ như ông đã không còn bất kì hi vọng nào nữa.

Tôi không nghĩ như thế. Vì, cho dù có nói thế nào đi nữa thì Chủ nghĩa tự do vẫn là của chúng ta, tôi tin là chúng ta có trách nhiệm khôi phục lại ý nghĩa ban đầu của nó, ít nhất thì đấy cũng là vấn đề nguyên tắc. Nhưng còn có những lí do khác nữa. Thứ nhất, như Mises từng chỉ ra, Chủ nghĩa tự do có ý nghĩa rộng hơn là tự do kinh tế, đây là thuật ngữ cần thiết vì nó là thuật ngữ phù hợp nhất và thể hiện được rõ nhất bản chất của vấn đề. Ngoài ra, để có thể nói chuyện một cách cởi mở và thẳng thắn với dân chúng - sự ủng hộ của họ là yếu tố cực kì quan trọng - chúng ta cần một thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu chứ không phải là một từ mới “khó lọt tai” đối với người bình dân. Hơn nữa, thời đại và hoàn cảnh đang có nhiều thuận lợi – dân chúng đang ngày càng bất mãn với những hành động can thiệp của chính phủ và nhận thức về quyền tự do lựa chọn của cá nhân có thể sẵn sàng đồng nhất với một cái tên vốn được mọi người tôn trọng và bao bao hàm được trọn vẹn ý nghĩa của tự do.

Muốn giành lại tên, chúng ta phải làm gì? Chắc chắn là chúng ta phải phuc hồi lại chính quá trình mà chúng ta đã đánh mất nó. Trước hết là không sử dụng nó theo nghĩa sai kia nữa, sau đó là tái khẳng định ý nghĩa đúng đắn của nó (thuật ngữ này vẫn đang được sử dụng ở một số nơi trên thế giới). Và cuối cùng là không cho những kẻ không có quyền sử dụng thuật ngữ này tiếp tục chiếm đoạt nó, họ phải tìm một nhãn hiệu phù hợp với quan điểm của họ cũng như Chủ nghĩa tự do là tên gọi phù hợp với chúng ta vậy.

Một số người cảm thấy băn khoăn một cách vô lí về việc nhập nhằng không thể tránh khỏi của các học thuyết – tôi ngờ rằng đấy một phần là do trước đây chúng ta đã rời khỏi lều của mình một cách vội vã – nhưng đấy là cái giá mà bây giờ chúng ta phải trả. Thứ nhất, hiện nay sự nhập nhằng cũng vẫn còn, nhưng tạm thời thì điều đó có thể chấp nhận được. Ngoài ra, sự nhập nhằng làm cho cả hai bên đều cảm thấy khó chịu, bên kia cũng phải trả giá và có thể lần này sự bất tiện sẽ làm cho con lạc đà rút lui.

Như vậy là, lần in này đã trở lại với tên gọi ban đầu của tác phẩm. Hi vọng rằng những người kia cũng đồng tình sử dụng thuật ngữ này mà không cần phải xin lỗi hay giải thích gì hết – không cần bất kì cái gì như thế cả - để cho Chủ nghĩa tự do trở về với ý nghĩa đúng đắn và phù hợp với truyền thống của nó.


Louis M. Spadaro

Trường đại học tổng hợp Fordham (Fordham University), Tháng 8 năm 1977

Ludwig von Mises (1881-1973) - Chủ nghĩa tự do truyền thống

Lời giới thiệu cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1985
của Bettina Bien Greaves

Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” có xuất xứ từ tiếng Latin: “liber”, nghĩa là “tự do”, khởi kì thuỷ là để nói đến triết lí tự do. Ở châu Âu, khi tác phẩm này được chấp bút (1927), nó vẫn còn có nghĩa như thế, vì vậy độc giả của nó đã hi vọng là sẽ tìm được ở đây lí giải về triết lí tự do truyền thống. Đáng tiếc là trong mấy chục năm gần đây thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” đã có ý nghĩa hoàn toàn khác. Thuật ngữ này đã bị những nhà triết học theo đường lối xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ở Mĩ, sử dụng để nói về chủ nghĩa can thiệp của chính phủ và những chương trình “nhà nước phúc lợi” của họ. Một trong rất nhiều thí dụ có thể dẫn ra ở đây là ông cựu thượng nghị sĩ Mĩ, Joseph S. Clark con, khi ông này còn làm thống đốc bang Philadelphia, đã mô tả lập trường “tự do” của ông ta bằng những từ như sau:

Xin làm rõ ngay từ đầu và loại bỏ mọi sự mù mờ vể mặt ngữ nghĩa, người tự do được hiểu là người tin vào việc sự dụng mọi lực lượng của chính phủ nhằm thúc đẩy sự công bằng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội trên bình diện địa phương, bang, quốc gia và quốc tế … Người tự do tin rằng chính phủ là công cụ tốt cho việc phát triển xã hội, người muốn đưa những nguyên tắc của đạo Thiên chúa giáo vào đời sống” (Tờ Atlantic, tháng 7 năm 1953, trang 27)



Quan điểm như thế về “chủ nghĩa tự do” đã giữ thế thượng phong vào năm 1962, tức là năm tác phẩm này được dịch sang tiếng Anh, Mises tin rằng dịch sát nghĩa tên gọi ban đầu của tác phẩm là Liberalismus có thể sẽ gây ra hiểu lầm. Vì vậy mà ông đền nghị gọi bản tiếng Anh là Cộng đồng tự do và thịnh vượng (The Free and Prosperous Commonwealth). Nhưng năm sau ông quyết định không nhường thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” cho các triết gia xã hội chủ nghĩa nữa. Trong lời giới thiệu cho lần xuất bản thứ hai và thứ ba tác phẩm Hành vi của con người, tác phẩm quan trọng nhất của đời ông, Mises viết rằng những người ủng hộ cho triết lí tự do cần phải giành lại “thuật ngữ ‘chủ nghĩa tự do’ .. vì đơn giản là không có thuật ngữ nào thể hiện được đúng đắn phong trào trí thức và chính trị vĩ đại đó”, một phong trào dẫn đến nền văn minh hiện đại bằng cách thúc đẩy thị trường tự do, chính phủ hạn chế và tự do cá nhân. Thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” được dùng trong tác phẩm này theo nghĩa đó.

Nhằm giúp những độc giả mới làm quen với các công trình của Ludwig von Mises (1881-1973), xin nói thêm rằng ông đã là người phát ngôn nổi bật của Trường phái kinh tế Áo. Trường phái này được gọi như thế vì Mises và hai vị tiền bối nối tiếng của ông là Carl Menger và Eugen von Behm Bawerk đều là những người sinh trưởng ở nước Áo. Hòn đá tảng của Trường phái kinh tế Áo là lí thuyết về cách đánh giá chủ quan về giá trị hữu dụng cận biên. Lí thuyết này chỉ ra rằng tất cả mọi hiện tượng kinh tế, cả đơn giản lẫn phức tạp, đều là kết quả của những đánh giá mang tính chủ quan của từng cá nhân. Mises giải thích và phân tích phương pháp luận, giá trị, hành vi, giá cả, thị trường, tiền tệ, tập đòan độc quyền, sự can thiệp của chính phủ, tăng trưởng nóng và sụp đổ kinh tế… trên cơ sở của lí thuyết đánh giá chủ quan đó và đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực tiền tệ và tính toán kinh tế.

Mises bảo vệ luận án tiến sĩ ở trường đại học tổng hợp Vien vào năm 1906. Đề tài luận văn của ông, Lí thuyết về tiền tệ và tín dụng, được xuất bản ở Đức vào năm 1912 và ở Anh vào năm 1934, là tác phẩm đầu tiên trong rất nhiều công trình lí thuyết của ông về kinh tế học. Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, ngoài những tác phẩm và bài báo viết về kinh tế, trong đó có tác phẩm tạo được tiếng vang như Chủ nghĩa xã hội, Mises còn là cộng sự của Phòng thương mại Áo (cố vấn về kinh tế cho chính phủ Áo) và giảng dạy bán thời gian tại trường tổng hợp Viên. Ông còn hướng dẫn những buổi thảo luận của các nhà nghiên cứu kinh tế, nhiều người trong số họ đã trở thành những học giả có ảnh hưởng quốc tế. Năm 1926 ông thành lập Viện nghiên cứu chu kì kinh tế ở Áo, Viện này vẫn còn cho đến ngày nay.

Ngay sau khi Hitler giành được chính quyền ở Đức, Mises đã nhìn thấy rằng nước Áo sẽ gặp rắc rối. Cho nên năm 1934 ông đã chuyển sang làm việc cho Viện nghiên cứu quốc tế ở Thuỹ Sĩ. Ở đây, ông bắt đầu chấp bút tác phẩm Nền kinh tế quốc dân (Nationaloekonomie-1940). Mặc dù ở châu Âu xã hội chủ nghĩa quốc gia hồi đó chẳng có mấy người biết tiếng Đức đọc tác phẩm này, nhưng cách lí giải những nguyên lí kinh tế sâu sắc của Mises đã tìm được nhiều độc giả qua bản dịch tiếng Anh, và sau đó được Mises viết lại cho độc giả Mĩ dưới nhan đế Hành vi của con người (Human Action - xuất bản lần đầu năm 1949)

Nhằm chạy khỏi châu Âu lúc đó đã bị phát xít Hitler chiềm đóng, Mises và vợ đã rời khỏi Thuỵ Sĩ và đến định cư ở Mĩ vào năm 1940. Tiếng tăm của ông đã vang dội ở châu Âu, nhưng ở Mĩ thì chưa mấy người biết. Vì vậy mà ông phải bắt đầu gần như từ con số không. Những tác phẩm bằng tiếng Anh bắt đầu xuất hiện dưới ngòi bút của ông: Chính phủ toàn trí toàn năng và Bộ máy quan liêu, cả hai đều được xuất bản vào năm 1947. Sau đó là tác phẩm Hành vi của con người, một tác phẩm quan trọng nhất của cuộc đời ông, được xuất bản vào năm 1949. Và những tác phẩm khác: Kế hoạch hoá vì tự do (1952), Tâm lí bài tư bản (1952), Lí thuyết và lịch sử (1957), Những nguyên lí căn bản của kinh tế học (1962), lần luợt xuất hiện. Tất cả đều là những tác phẩm cực kì quan trọng về lí thuyết kinh tế.

Năm 1947 Mises giúp thành lập hội Mont Pelerin Society. Ông giảng dạy tại nhiều trường đại học Mĩ và Mĩ Latin và tiến hành những buổi hội thảo về kinh tế học tại trường đại học tổng hợp New York trong suốt 24 năm. Ông còn là cố vấn cho Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia và Quĩ giáo dục kinh tế.

Mises nhận được nhiều danh hiệu như: tiến sĩ danh dự của trường các Grove City College (1957), đại học tổng hợp New York (1963),và đại học tổng hợp Freiburg ở Đức (1964). Thành tựu của ông được trường học cũ, tức trường đại học tổng hợp Viên, công nhận và theo truyền thống châu Âu, trường này đã kỉ niệm lần thứ 50 ngày ông nhận bằng tiến sĩ và “tái” cấp bằng cho ông. Năm 1962, đến lượt chính phủ Áo vinh danh ông. Hiệp hội các nhà kinh tế học Mĩ bầu ông làm hội viên danh dự vào năm 1969.

Ảnh hưởng của Mises vẫn tiếp tục mở rộng. F. A. Hayek, người học trò nổi tiếng nhất của ông từ những ngày ông còn giảng dạy ở châu Âu, cũng là người từng được giải Nobel về kinh tế học, viết: “Ảnh hưởng của Mises đã vượt qua khuôn khổ cá nhân .... Ngọn lửa mà ông thắp lên đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho một phong trào mới, một phong trào ngày càng có thêm sức mạnh”. Còn Giáo sư Israel Kirzner của trường đại học tổng hợp New York, một trong những người học trò nổi tiếng nhất của ông ở Mĩ, thì mô tả ảnh hưởng của ông đối với sinh viên hiện nay như sau: “Sự quan tâm đầy nhiệt tình và hăng hái đang tái xuất hiện đối với trường phái Áo mà ta chứng kiến hiện nay có đóng góp mang tính quyết định của Mises”.

Mises là một lí thuyết gia sắc bén và rất thận trọng, nhưng ông không phải là lí thuyết gia ngồi trong tháp ngà. Được dẫn dắt bởi lí luận khoa học rằng xã hội tự do với nền kinh tế thị trường là con đường duy nhất đưa đến sự hài hoà và hoà bình cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, Mises cảm thấy trách nhiệm phải áp dụng những lí thuyết mà ông trình bày vào lĩnh vực chính sách của chính phủ. Trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do, Mises không chỉ giải thích một cách ngắn gọn nhiều hiện tượng kinh tế quan trọng mà còn trình bày một cách rõ ràng quan điểm của ông về chính phủ và vai trò, tuy hạn chế nhưng vô cùng quan trọng, của chính phủ trong việc bảo đảm sự hợp tác của xã hội, chỉ có như thế thì thị trường tự do mới có thể hoạt động được. Quan điểm của Mises vẫn rất mới mẻ và hiện đại và độc giả sẽ thấy rằng ngày hôm nay lí giải của ông vẫn còn nguyên giá trị.

Thông điệp của Mises: tư tưởng cai trị thế giới, là điệp khúc được nhắc đi nhắc lại trong tất cả các tác phẩm của ông. Nhưng tư tưởng này được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do. “Kết của cuối cùng của cuộc đấu tranh”, giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa toàn trị, “sẽ không được giải quyết bằng vũ lực mà bằng tư tưởng. Chính tư tưởng đưa con người vào các nhóm đấu tranh và đặt vũ khí vào tay họ, tư tưởng quyết định vũ khí sẽ được dùng để chống lại ai và vì ai. Cuối cùng, chính tư tưởng chứ không phải vũ khí sẽ quyết định kết quả”, ông đã viết như thế vào năm 1927.

Trên thực tế, chính hi vọng giữ cho thế giới không tiếp tục lao vào hỗn loạn và xung đột đã thuyết phục người ta từ bỏ chủ nghĩa can thiệp của chính phủ và chấp nhận chính sách tự do.

Bettina Bien Greaves, tháng 8 năm 1985.
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét