Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013
Dân chủ là gì và thế nào trong hoàn cảnh Việt Nam*
09:34
Hoàng Phong Nhã
No comments
Cao Huy Thuần
Các Anh Chị thân mến, chung quanh tôi,
chung quanh chúng ta, hầu như bây giờ ai cũng nghĩ rằng dân chủ là không tránh
được trước sức ép của tình thế, từ bên ngoài, từ bên trong, từ đời sống, từ cuộc
chơi bắt buộc với thế giới. Nghĩ như vậy chỉ đúng một nửa. Nửa kia là phải nghĩ
như thế này: không tránh được, cho nên phải chủ động đi tới. Chủ động là nắm dao
đằng cán. Thụ động là nắm dao đằng lưỡi. Càng ngày, chung quanh chúng ta, tiếng
nói chủ động đó càng bức thiết. Bây giờ, ta nghe nói: chậm trễ không phải chỉ là
tụt hậu, chậm trễ là chết. Mà chậm trễ chết người nhất là chậm trễ tư duy. Vấn
đề bây giờ không còn là níu kéo mô hình cũ nữa; vấn đề là bứt ra như thế nào.
Hội thảo năm nay suy nghĩ trên đề tài đó.
Tôi sẽ không lặn lội trong lý thuyết
viễn vông. Cũng không đuổi theo những con bướm dân chủ bên trời Âu, trời Mỹ. Rất
thực tế, tôi lý luận trong hoàn cảnh đặc thù Việt Nam, nhắm cái tối thiểu, tránh
mơ ước vô tích sự. Nói cho rõ hơn, tôi chỉ làm cái việc hỗ trợ lý thuyết cho
những ý nghĩ đã có sẵn ở trong nước - những ý nghĩ mà tôi cho là có tính khả thi
nhất. Chúng ta không cần sáng tạo, mà cũng chẳng sáng tạo gì được đâu, bởi vì,
trong chuyện dân chủ này, thực tế trong nước đã sáng tạo cả rồi, chỉ thiếu ý
muốn ở chóp bu thôi. Tôi chỉ thêm chút lý thuyết màu mè - gọi là để góp vui với
trong nước.
Trong tinh thần đó, tôi không muốn bắt
đầu với định nghĩa về dân chủ như vẫn thường học trên ghế nhà trường: dân chủ là
"quyền của dân". Vẫn biết democracy thoát thai từ cội nguồn Hy Lạp, với
kratia là quyền và demos là dân, tôi sợ định nghĩa này đã trở
thành quá khuôn sáo, trừu tượng, cho phép mọi cái lưỡi gỗ ba hoa chích chòe từ
hồi dân vi quý cho đến ngày nay. Cũng từ tinh túy Hy Lạp, tôi muốn rút ra một
lập luận thực tiễn hơn mà tôi nghĩ là thích ứng hơn cho việc mở đầu dân chủ ở
Việt Nam. Tinh túy đó là gì?
Trả lời câu hỏi trên, các nhà sử học về
cổ Hy Lạp nhấn mạnh trên một chữ nằm tận trong thâm sâu của tư tưởng cổ Hy Lạp,
trong kịch, trong thực tiễn sống động của tổ chức dân chủ ở Athènes, trên chính
nhan đề quyển sách của Platon: dialogue, đối thoại. Khác với La
Mã, tư tưởng Hy Lạp không thiên về luật pháp chính xác mà chú trọng lời nói (logos)
và tranh luận. Tinh túy của dân chủ nằm gọn trong câu xướng mở đầu tranh luận
của viên chức điều hành các buổi họp công cộng trong nền dân chủ trực tiếp
Athènes: "Ai muốn phát biểu?" Trong ecclesia - hội đồng dân chúng
- ai cũng có quyền phát biểu và phát biểu tự do. Tranh luận đưa tới quyết định
về mọi vấn đề, vì dân chủ trực tiếp thì không thông qua đại diện.
"Ai muốn phát biểu?",
cả hai ý niệm căn bản của dân chủ nằm trong câu xướng lễ nghi đó: tự do và bình
đẳng. Ai cũng có quyền phát biểu ngang nhau; không ai bị trở ngại khi phát biểu.
Sau này, các tác giả lớn vạch ra mâu thuẫn giữa bình đẳng và tự do, và giải
quyết vấn đề tùy theo ý thích của mình thiên về điều này hay điều nọ.
Montesquieu, thiên về tự do, cho rằng điều mà dân chúng thích nhất trong dân chủ
là bình đẳng. Tocqueville, tiếp diễn quan niệm ấy, định nghĩa dân chủ là ý muốn
không bao giờ thỏa mãn được của người dân về bình đẳng, càng bình đẳng càng muốn
bình đẳng hơn. Cả hai tác giả, sợ bình đẳng sẽ giết chết tự do, vạch ra một hệ
thống chính trị để bảo vệ tự do trước cao trào bình đẳng dân chủ của cuối thế kỷ
18 bước sang nửa đầu thế kỷ 19.
Trong tư tưởng cổ Hy Lạp, tự do và bình
đẳng không trái ngược nhau. Cả hai được nối kết chặt chẽ với nhau bằng hai ý
tưởng căn bản trong hệ thống dân chủ của Athènes: isonomia và isegoria.
Mỗi công dân là ngang nhau (isos) với các công dân khác trước luật pháp (nomos)
và trước agora, nơi mà người ấy có thể phát biểu và phát biểu tự do. Như
vậy, chính bình đẳng lại là điều kiện để tạo ra tự do, điều kiện của tự do.
Tất nhiên cả hai không thể lẫn lộn với
nhau: tự do và bình đẳng là hai ý niệm độc lập. Bình đẳng chiếm vị thế rất quan
trọng trong tư tưởng Hy Lạp, nhất là trong tư tưởng Aristote. Nhà đại triết gia
này dùng ý niệm bình đẳng để xây dựng nên cả quan niệm của ông về luật, về công
bằng, công lý. Ông định nghĩa công bằng là "trả lại cho mỗi người phần mà người
ấy phải có". Nghĩa là không nên hiểu bình đẳng một cách máy móc, toán học, mà
phải dựa trên tỷ lệ đối xứng, tương ứng với điều kiện khác nhau của mỗi người.
Chia cái bánh ra hai phần bằng nhau cho một người đang chết đói và một người no
kềnh hông không phải là phân chia bình đẳng. Chia hai phần không bằng nhau lại
là công bằng, và công bằng đó bảo đảm cho bình đẳng. Như vậy, bình đẳng không
nên hiểu theo nghĩa tuyệt đối; hiểu như thế thì bình đẳng giết chết bình đẳng.
Trong chế độ chính trị ở Athènes, bình đẳng được hiểu theo nghĩa tương đối và
thực tế bằng cách đối chiếu với tự do và với luật pháp. Bình đẳng là ngang nhau
trước việc tự do phát biểu và trước việc tuân thủ luật pháp của mọi công dân.
Bởi vậy luật không trái với tự do vì luật đã được bàn cãi và biểu quyết trong
phiên họp giữa những công dân tự do ngang nhau. Luật đó cũng không phải là cưỡng
bức mà chính là để bổ túc, bảo đảm cho tự do. Chính thể ở Athènes là dân chủ
chính vì nhờ biết dung hòa khéo léo giữa luật (vốn được xem là phương tiện cưỡng
bách) và lời nói, thể hiện qua phát biểu tự do và ngang nhau của mọi công
dân.
Dĩ nhiên, trên thực tế, Athènes vẫn chưa
phải là một nền dân chủ thuần túy và hoàn hảo. Không thuần túy, vì bình đẳng
trên lý thuyết không che dấu được bất bình đẳng trên thực tế giữa giàu nghèo,
sang hèn, giỏi dở... Trên thực tế, Périclès, Cléon, Cléophon... quá xuất sắc để
không chiếm giữ tinh hoa lãnh đạo. Không hoàn hão, vì giới giàu vẫn thống lĩnh
đời sống công cộng và vì chế độ nô lệ gạt bỏ ra ngoài lề chính trị chín phần
mười dân số Athènes. Nhưng giữa giới ưu tú lãnh đạo với nhau, cũng như giữa mọi
người dân, không ai làm kẻ bàng quan thụ động, tất cả mọi người đều chất vấn
nhau, tranh thủ nhau, dù quyền hành trên thực tế có lọt vào tay thiểu số đi nữa,
giới này cũng phải thường xuyên đối mặt với phê bình, chỉ trích, bác bỏ, phải
thường xuyên tìm đồng minh, hậu thuẫn. Hơn nữa, vì hầu hết chức vụ chính trị đều
được giao phó bằng cách rút thăm, ai cũng bình đẳng trước công vụ, và bình đẳng
này gần như tuyệt đối. Tự do cũng vậy, tranh luận là thực sự và tích cực, ngay
cả Périclès tài ba thao lược, chiếm lĩnh vũ đài chính trị trong ba mươi năm,
cũng phải tìm sự ủng hộ của mọi người để được tái nhiệm hàng năm vào chức vụ
chiến lược và vẫn bị truất phế như thường khi thua trận ở Péloponèse.
Ngày nay, không thiếu gì lý thuyết gia
viện dẫn thực tiễn dân chủ ở cổ Hy Lạp để thuyết minh rằng trong bất kỳ chế độ
dân chủ nào, kể cả trong chế độ dân chủ trực tiếp ở Athènes, luật thép vẫn là
thiểu số nắm thực quyền, dù cho dân chủ vẫn được công nhận là quyền của dân. Khi
các nhà lập quốc Hoa Kỳ soạn thảo hiến pháp, họ tranh cãi với nhau rất găng trên
vấn đề này, vì một mặt họ muốn thực hiện quyền của dân, một mặt họ lại rất sợ
"dân" không đủ sáng suốt, trao số phận của mình vào tay những kẻ mỵ dân, giảo
hoạt. Dù sao đi nữa, dù thực tế ở đâu cũng nổi bật lên hiện tượng thiểu số nắm
thực quyền, bài học mà ta có thể rút ra từ Athènes, nghĩa là từ cội nguồn của
dân chủ Tây phương, là sự quan trọng của lời nói, của đối thoại được tổ chức một
cách bình đẳng, tự do. Dân chủ là một chế độ trong đó công dân thực sự có
quyền chỉ trích, chất vấn trực tiếp và tự do thiểu số nắm quyền trong thực tế.
Tinh túy của dân chủ ở Athènes là isegoria, quyền nói ngang nhau và sự sử
dụng tự do quyền đó trên thực tế. Giữa ông tướng lĩnh sáng chói Périclès và một
người thường, không ai hơn ai trong quyền nói, ai cũng có thể đề nghị truất ông
mà không chút sợ hãi gì.
Với định nghĩa này, tôi nghĩ rằng con
đường dân chủ trước mắt chúng ta sẽ được vạch ra rõ ràng hơn. Đồng thời, như ta
vừa thấy, nó cũng giúp ta khỏi phải đi vào những luận bàn dằng dai cả về lý
thuyết lẫn về thực tiễn chính trị do định nghĩa "quyền của dân" mang lại. Nước
Mỹ tự hào với câu nói bất hủ của Lincoln "quyền của dân, do dân và vì dân": đâu
là "quyền", đâu là "dân", quyền của ai, dân thế nào? Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã
phải giải quyết vấn đề trong cả hai vế: người nắm quyền thực sự không phải là
dân mà là đại diện của dân; đại diện đó không bị ràng buộc về pháp lý phải hỏi
han ý kiến gì của dân giữa hai bầu cử. Ngày nay, trong tất cả các nước Tây
phương, kể cả Mỹ, dân chủ bị khủng hoảng trên cả hai khái niệm: khái niệm đại
diện, vì sự xa cách hững hờ giữa giới chính trị và quần chúng; khái niệm
tham gia, vì dân chúng càng ngày càng thờ ơ với chính trị, kể cả với cái
thùng phiếu. Ấy là chưa kể mâu thuẫn nội tại giữa đại diện và tham gia. Dân
không tham gia, sao gọi là dân chủ? Dân tham gia nhiều quá thì trực tiếp cai trị
mất rồi, còn gì là đại diện? Trong học thuyết, tranh cãi có bao giờ dứt đâu trên
vấn đề này? Người thì nói: phải làm mọi cách để dân chúng tham gia vào việc
công, nếu không thì dân chủ sẽ tự chết. Người thì nói: nguy quá, ngày nay giới
cầm quyền không cai trị được nữa vì phải thường xuyên để ý đến dư luận phát biểu
qua truyền thông, qua các hãng thăm dò lòng người, dân chủ quá nhiều như vậy sẽ
giết chết dân chủ. Từ tranh biện đó, dân chủ ở Athènes lại được dẫn ra để nói
rằng: nguy quá, ngày nay truyền thông và thăm dò dư luận đã đóng vai trò của dân
ở cổ Hy Lạp - vai trò mà Aristote đã muốn tránh, vai trò cai trị trực tiếp -
khiến cho nhà cầm quyền phải thường xuyên chạy theo thị hiếu, trở thành mỵ dân,
chẳng còn chính sách gì rõ ràng nữa.
Trong tình trạng khủng hoảng đó của Tây
phương, trở lui về lại với tinh túy Hy Lạp giúp ta có một lập luận khác về dân
chủ không đóng khung trong cách hiểu qua kinh nghiệm của các nước phương Tây từ
thế kỷ 18. Tất nhiên, tư tưởng và kinh nghiệm của Tây phương là vô cùng quý, và
định nghĩa "quyền của dân" vẫn còn mãi giá trị, nhưng nếu hoàn cảnh Việt Nam bắt
buộc ta phải khởi hành từ một khởi điểm khác, tại sao không suy nghĩ một cách
khác hợp với ta hơn mà vẫn không trái với Tây phương?
Dân chủ là tranh luận
công cộng
Từ lâu, thực tiễn isegoria đó
của Hy Lạp cổ đại cứ lảng vảng trong đầu tôi, nhưng tôi vẫn còn vấn vương
với mô hình dân chủ của thế kỷ 18. Bỗng nhiên tôi vớ được quyển sách nhỏ xuất
bản năm ngoái (2005) tại Pháp của Amartya Sen, người Ấn, giải thưởng Nobel về
kinh tế năm 1998. Nhan đề quyển sách là "La démocratie des autres", dịch
từ những bài viết và nói chuyện của ông bằng tiếng Anh. Sách nhỏ, nhiều chỗ tôi
không đồng ý, nhưng tác giả bắc cho tôi một nhịp cầu nối kết giữa tư tưởng Hy
Lạp và những văn minh khác. Ông chứng minh: tinh túy của Hy Lạp cũng là tinh túy
của nhân loại; ở khắp nơi, tư tưởng nào cũng gặp nhau trên cùng một quan niệm về
dân chủ. "Democracy isn't western", dân chủ không phải là của Tây phương,
đó là luận thuyết của ông và cũng là nhan đề của bài viết gần đây nhất đăng trên
tờ báo Wall Street Journal (24-3-2006). Tôi tóm tắt dưới đây luận thuyết
đó.
Theo tác giả, ngày nay không ai chối cãi
rằng bầu cử là phương tiện quan trọng, hữu hiệu, để thực hiện dân chủ, nhưng
phải hiểu tại sao. Tại vì bầu cử là dịp để nói, để tranh luận. Bởi
vậy, điều quan trọng là tranh luận, là nói, chứ không phải chỉ là hành động bỏ
lá phiếu vào thùng. Trong đời sống công cộng, đâu có phải lúc nào cũng là bầu
cử, nhưng lúc nào người dân cũng phải lựa chọn, lựa chọn trong mọi lĩnh vực,
kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa... Sống là lựa chọn, trong mọi hành động:
mua bán, chợ búa, ăn uống, giải trí... Làm sao lựa chọn giữa hai món hàng, hai
cuốn phim, nếu không được nghe nói, nghe bàn cãi, nghe thông tin từ nhiều nguồn
khác nhau? Trên chóp bu Nhà nước cũng vậy, làm sao lấy quyết định cho đúng nếu
không nhận được thông tin đầy đủ từ nhiều phía, nghe nhiều ý kiến khác nhau giữa
các người cố vấn? Giá trị của sự lựa chọn tùy ở giá trị của tranh luận. Mà tranh
luận thì thường xuyên diễn ra trong đầu mỗi người, bởi vì bất cứ lúc nào cái đầu
cũng phải lựa chọn. Tranh luận nghèo nàn thì cái đầu nghèo nàn, lựa chọn nghèo
nàn - cái đầu của mỗi người cũng như cái đầu của toàn thể. Làm sao để tranh luận
được phong phú, tự do, đa dạng: đó là tinh hoa của dân chủ.
Amartya Sen chứng minh rằng tất cả các
nền văn minh trên thế giới - Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Iran, Thổ,
các nước Ả Rập cũng như Phi châu - đều có truyền thống tranh luận công cộng,
nhất là ở tầm mức địa phương. Ông thích trích dẫn câu viết của cựu Tổng thống
Nam Phi, Nelson Mandela, trong quyển sách tự truyện "Con đường dài đưa đến tự
do" của người cựu tù nhân danh tiếng này: "Bất cứ ai muốn phát biểu đều có
thể nói. Đó là dân chủ trong hình thức thuần túy nhất. Có thể không tránh khỏi
tình trạng đẳng cấp giữa vị trí quan trọng của người phát biểu này với người
kia, nhưng dù là lãnh tụ hay dân thường, tướng tá hay thầy thuốc, buôn bán hay
nông dân, địa chủ hay tá điền, người nào cũng được nói... Chính đó là nền tảng
của tự chủ: tất cả moi người đều được tự do phát biểu ý kiến của mình và tất cả
đều bình đẳng như là công dân". Đó là truyền thống dân chủ mà ông Mandela chứng
kiến lúc còn nhỏ trong cộng đồng xã hội của ông. "Con đường dài đưa đến tự do"
của ông đã bắt đầu, không phải từ quan niệm tự do của Tây phương, mà từ một quan
niệm tự do của chính quê hương ông. Thủ tướng Nehru cũng vậy, khi soạn thảo Hiến
pháp cho Ấn Độ vừa độc lập, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khoan dung trong
truyền thống của vua Ashoka và vua Mông Cổ Akbar.
Khoan dung: đó là thực tiễn xã hội tìm
thấy trong các nền văn minh ngoài Âu châu, cơ sở của tranh luận công cộng. Ngày
nay, dân Do Thái bất cộng đái thiên với thế giới Ả Rập, nhưng ngày xưa họ đã
sống bình thường dưới chính quyền Ả Rập ngự trị trên cả Tây Ban Nha thời trung
cổ: vùng Andalousie ả rập để lại lịch sử một văn hóa khoan dung, trái ngược với
lịch sử bất khoan dung của Âu châu, nhất là trên lĩnh vực tôn giáo. Hơn ai hết,
văn hóa Phật giáo đặc biệt đề cao tranh luận và khoan dung, chống lại lòng tin
thiếu kiểm chứng, thiếu tự chủ, kể cả tin vào lời Phật. Ashoka (A Dục) ở Ấn Độ,
Shotoku (Thánh Đức) ở Nhật Bản là những vị vua Phật giáo đã để lại một "hiến
pháp" dân chủ mà hậu thế còn khâm phục.
Ngày nay, dưới vầng ánh sáng dân chủ của
Tây phương, ta quên mất đi các văn minh cổ của mình và của các vùng khác, quên
rằng văn hóa tranh luận chính là văn hóa của ta, quên rằng văn hóa đó đã làm
phát triển rực rỡ sự trao đổi kỹ thuật và tư tưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc,
giữa Hy Lạp, Ấn Độ và các nước Ả Rập, Ba Tư, làm nảy nở kỳ diệu kiến thức khoa
học, toán học trong thế giới ả rập, chứng minh câu nói của một chức sắc Hồi giáo
hồi thế kỷ thứ 7: "Không có tài nguyên nào mang đến nhiều lợi lộc hơn là trí óc"
và "không có một sự khép kín nào mang đến nhiều đổ nát hơn là sự tự mãn". Ngày
nay, cũng dưới ảnh hưởng của Tây phương, nhiều nước muốn phát triển kinh tế thật
nhanh, gạt bỏ qua một bên lịch sử trí thức của chính mình. Là kinh tế gia được
giải Nobel, Amartya Sen viết sách, viết báo để quảng bá luận thuyết của ông: bao
nhiêu kinh nghiệm trên thế giới cho biết rằng điều cần thiết để thúc đẩy phát
triển kinh tế không phải là một chính thể cứng rắn hơn mà chính là một không khí
kinh tế nhân bản hơn. Kinh nghiệm của Ần Độ hiện nay so với Trung Quốc là một
bài học đáng suy ngẫm.
Hiểu dân chủ như thế, nghĩa là "chính
thể do tranh luận", giúp ta thấy cội rễ dân chủ không phải chỉ nằm trong đất Tây
phương mà nằm ngay trong văn minh của ta, và đồng thời giúp ta gạt bỏ một lầm
lẫn lớn về khái niệm, cứ xem dân chủ qua cái thùng phiếu mà thôi. Thời ông Diệm,
tôi đã từng đi bầu cử dưới phương châm sáng chói "mỗi lá phiếu là một viên đạn
bắn vào đầu kẻ thù". Bỏ phiếu mà thiếu tranh luận tự do thì đúng y chang rằng
mỗi lá phiếu là một viên đạn thông minh bắn vào đầu mình. Đừng nghĩ rằng chỉ có
những đại trí thức mới hiểu được đại tư tưởng đó, còn dân nghèo chiếm đại đa số
trong các nước nghèo mạt thì chỉ trông được chính phủ cho ăn cơm no bụng thôi,
không cần ăn tranh luận, vốn là sâm nhung của bọn nhà giàu. Tác giả triệt để
chống lại lý luận đó - lý luận đã làm tiền đề cho các chính thể cứng rắn, cho
rằng phải cứng rắn mới hiệu quả, mới làm kinh tế cất cánh lên được. Ông đưa ra
một kinh nghiệm lý thú của Ấn Độ hồi 1970. Chính phủ Ấn lúc đó dùng một lý luận
tương tự để ban hành tình trạng khẩn trương và loại bỏ một số quyền chính trị đã
áp dụng từ trước. Nghĩ rằng lý luận đó ăn khách, nhất là ăn khách nghèo, chính
phủ ấy tổ chức bầu cử, và bầu cử ngay trên đề tài đó. Cử tri Ấn - nghĩa là cử
tri nghèo mạt nhất thế giới - đã cho chính phủ đó đo ván. Họ phản đối việc loại
bỏ tự do và những quyền chính trị căn bản hăng hái không kém gì phản đối những
điều kiện kinh tế đưa đến nghèo đói.
Sách của ông Sen mỏng, nhưng tiếng nói
của ông mới. Ông là một người trí thức chứ không phải chỉ là kinh tế gia. Kiến
thức của ông bao gồm nhiều lĩnh vực khác: văn hóa, triết lý, tư tưởng... Ông học
Tây, học Mỹ, nhưng biết chọn cái tốt của người, biết thấy cái hay của mình. Ông
xuất thân từ nước nghèo, làm việc tại nước giàu, lãnh nhiệm vụ rất cao trong một
trường đại học danh tiếng bậc nhất, Cambridge. Và trên hết, có ý nghĩa hơn cả
trong giai đoạn hiện tại này, ông là người Ấn, khiến ta liên tưởng đến công việc
thích thú bậc nhất hiện nay là so sánh kinh nghiệm của Ấn Độ và của Trung Quốc.
Nước ta có cái may mắn nằm giữa hai văn minh lớn, một văn minh đến từ đất, một
văn minh đến từ biển. Là nơi hội tụ, tiếp thu, tiêu hóa và triển khai của nhiều
nguồn văn hóa khác nhau, sao ta cứ mãi theo đuôi kinh nghiệm của một phương?
Phương ấy đã chẳng từng đón nhận tư tưởng mới do Huyền Trang mang về từ bên kia
sa mạc hay sao? Nơi văn minh của ta đâu phải chỉ có tam tự kinh là rình cơm
nguội? Căn bản tư tưởng của ta chẳng phải là khoan dung đó sao? Mà hậu quả của
khoan dung là gì? Là văn hóa đình chùa, là chấp nhận lẫn nhau, là khuyến khích
tranh luận trong ôn hòa, tự chủ, thẳng thắn. Trong hoàn cảnh ngày nay, đó chẳng
phải là cái hướng để ta nhắm đến hay sao? Huống hồ mọi yếu tố đã hội đủ, chỉ
thiếu cái ý muốn thôi!
Trong bài "Đóng góp ý kiến vào báo
cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới", nguyên thủ tướng Võ
Văn Kiệt viết: "Về công thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm
chủ, chúng ta cũng đã từng đưa ra từ rất lâu, ngày nay vẫn được nhắc lại như
cũ. Nếu không làm rõ nội hàm của những mối quan hệ đó thì vẫn lâm vào
tình trạng nói một đường, làm một nẻo. Chúng ta tiếp tục lúng túng và khó tránh
khỏi sẽ lại phạm vào những sai lầm trong việc đảm bảo quyền làm chủ thực sự của
nhân dân, trong khi thường xuyên nói đến cái công thức kể trên như một cách để
nói, chứ không phải nói để làm, nói vậy mà không phải vậy. Thực chất nội dung
của công thức đó chính là đảm bảo được dân chủ trong Đảng, xây dựng được Nhà
nước pháp quyền vững mạnh, phát huy quyền tự do dân chủ của mọi công dân đã được
quy định trong Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Tất cả giải pháp chính trị nằm sẵn đầy
đủ trong đó. Tôi chẳng làm việc gì khác hơn là triển khai đoạn văn ấy dưới ánh
sáng của định nghĩa dân chủ đã nói ở trên. Cách đây gần 20 năm, hồi mới bắt đầu
chính sách "đổi mới", tôi đã có viết một bài nhan đề "Lãnh đạo và làm chủ"
để chứng minh rằng hai khái niệm đó mâu thuẫn nhau ngay cả trên lý thuyết. Anh
"lãnh đạo" tôi, tôi "làm chủ" anh: nói tới nói lui từ đây cho đến tận thế, lý
luận cũng chỉ có thể luẩn quẩn loanh quanh như con kiến trong trào phúng của dân
gian: con kiến mày leo cành đa, leo phải cành mục leo ra leo vào... Bây giờ, nếu
ta tạm gác qua một bên định nghĩa dân chủ là "quyền của dân" để hiểu dân chủ như
"chính thể do tranh luận", may ra có thể giải quyết mâu thuẫn đó chăng.
Hãy bắt đầu với thực tế trước mắt: đảng
độc quyền lãnh đạo. Tôi chấp nhận thực tế đó, tuy rằng chẳng ai giải thích được
cho tôi, một cách thuyết phục, "lãnh đạo" là gì. Lại thêm một "tuy rằng" này nữa
không kém hóc búa: tuy rằng tôi vẫn nghe quen tai khẩu hiệu "đảng ta là đảng cầm
quyền". Nếu khái niệm "lãnh đạo" khác khái niệm "cầm quyền" thì nhiệm vụ của
đảng là gì? Là cầm quyền hay lãnh đạo? Nếu khái niệm "lãnh đạo" đồng nghĩa với
"cầm quyền" thì tại sao phải nói lãnh đạo làm gì cho lúng túng? Cứ nói cầm quyền
như mọi đảng trên thế giới chẳng phải dễ hiểu hơn sao? Nhưng dù "lãnh đạo" là
thế này hoặc thế kia, tình trạng độc quyền không thể nào không thiết lập một mối
quan hệ trực tiếp, chặt chẽ và hai chiều giữa đảng với dân. Nếu đảng chỉ lãnh
đạo đảng - như các đảng trong các nước đa đảng - thì chỉ đảng viên có liên quan
đến sinh hoạt nội bộ của đảng, nhưng ở đây đảng lãnh đạo dân thì làm sao có thể
nói rằng chỉ đảng viên thôi, còn dân thì không được biết gì đến nội bộ của đảng?
Ngay cả cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu mới đây cũng than phiền là đảng "chưa
xây dựng được thiết chế để nhân dân tham gia giám sát đảng viên và giám sát
Đảng". Tôi chưa dám đi đến mức đó, chỉ lấy lý luận thông thường ra mà quả
quyết rằng dân phải có quyền "biết đến", nghĩa là phải có quyền tham gia gián
tiếp vào nội bộ của đảng. Nếu không thì hóa ra đảng đó chẳng có chút liên hệ gì
với dân! Tham gia là thế nào? Tham gia để làm gì? Để làm chủ! Tương quan
biện chứng giữa "lãnh đạo" và "làm chủ" nằm ở đây. Vì chính ở đây ý nghĩa của
"dân chủ là tranh luận" hiển hiện sáng tỏ như ban ngày.
Tranh luận, trước hết là tranh luận
trong đảng. Đảng độc quyền không có nghĩa là đảng không biết tranh luận, không
có tranh luận. Ngược lại, phải nói rằng chính vì đảng độc quyền cho nên đảng lại
càng không sợ tranh luận. Tranh luận trong gia đình, trong anh em đồng chí với
nhau, chứ có phải tranh luận với kẻ thù đâu mà sợ? Có ai gạt mình ra đâu, mình
yên tâm trong địa vị độc quyền của mình, vậy thì mình sợ ai mà không tranh luận
thẳng thắn, tự do với nhau? Có điều là, bởi vì đảng "lãnh đạo" dân cho nên dân
phải được theo dõi tranh luận đó, nghĩa là tranh luận đó không được khép kín như
là chuyện nội bộ của đảng mà phải công khai trước dân, trước dư luận. Đảng Cộng
sản Việt Nam quang vinh không thể nào tự xem mình và để cho kẻ khác xem như là
một hội kín. Hội kín thì chỉ đóng cửa chơi với nhau ở bên trong, sao có thể
"lãnh đạo" ở bên ngoài? Đã nói "lãnh đạo" thì phải mở; đã mở thì tranh luận công
khai là chuyện tất nhiên, nếu không thì lại là kín. Theo dõi tranh luận công
khai của đảng là điều kiện tối thiểu nhưng cần thiết để dân thực hiện quyền
làm chủ mà chính đảng công nhận, đề nghị, mời gọi.
"Làm chủ" và "lãnh đạo" là hai công việc
khác nhau, cũng như dân và đảng viên là hai tư cách khác nhau, cho nên dân không
can thiệp trực tiếp vào nội bộ của đảng. Việc bầu cử trong đảng là việc của đảng
viên. Đảng viên bầu ra Ban chấp hành trung ương, từ đó bầu ra Bộ Chính Trị, Tổng
Bí Thư... Đây là chuyện của đảng viên. Nhưng Tổng Bí Thư, Bộ Chính Trị vv ...
lại "đảng ta là đảng cầm quyền", cho nên cũng không thể nói rằng chuyện
bầu cử đó chẳng liên quan gì đến dân. Ít nhất, vì dân là "chủ", dân cũng phải
biết tại sao, bằng cách nào, vị này được bầu Tổng Bí Thư, vị kia ở trong Bộ
Chính Trị. Làm sao biết được, để thực hiện quyền làm chủ, không phải trên
đảng, mà là trên nước? Nước là của dân, đâu phải chỉ của đảng viên?
Trong tập tục hiện nay, tất cả các chức
vụ của nước, từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, thủ tướng, đều xuất phát từ đề
nghị của đảng. Vì đảng "lãnh đạo", như thế cũng hợp lý. Nhưng vì dân là chủ, và
vì quyền làm chủ được thực hiện qua Quốc hội - cơ quan của nước, chứ không phải
của đảng - Quốc hội phải có ý kiến, nghĩa là phải chấp thuận các đề nghị đó. Vấn
đề là làm thế nào để dân thấy rằng việc chấp thuận của Quốc hội là có thực, chứ
không phải đương nhiên. Mà muốn thế thì chỉ có cách duy nhất thôi là làm thế nào
để Quốc hội là Quốc hội thực sự của dân, nghĩa là do dân thực sự bầu lên qua
tranh luận công khai, tự do, ít nhất giữa hai ứng cử viên (vì chẳng lẽ ứng cử
viên tranh luận với mình hoặc với cái bóng của mình?). Không có điều kiện này
thì đừng nói dân làm chủ.
Đến đây, chắc có người sẽ kêu lên: anh
này muốn đa nguyên à? Đa đảng à? Thưa không. Tôi hoàn toàn lập luận trên thực tế
hiện nay, và hoàn toàn chấp nhận thực tế đó, không đi ra ngoài. Từ đầu cho đến
bây giờ, tôi chỉ nói một chuyện thôi là tranh luận, và tôi nghĩ rằng tranh luận
là chuyện bình thường trên thế gian này, chuyện của đời sống hàng ngày, chỉ một
nơi không có tranh luận mà thôi là nghĩa địa. Tôi cũng chưa đề cập gì đến tranh
luận ở ngoài đảng; tôi chỉ mới nói tranh luận ở trong đảng mà thôi, và đây đâu
phải là chuyện mới mẻ gì? Có bao giờ mà không có tranh luận trong đảng? Điều duy
nhất mà tôi đang làm, và làm trong bối cảnh độc đảng hiện nay, là giải quyết
bằng lý luận cái biện chứng khúc mắc giữa "lãnh đạo" và "làm chủ" qua khí cụ
phân tích là tranh luận, tức là khí cụ mà ai cũng có nếu có cái đầu.
Vậy thì, trong thực tế độc đảng, hoàn
toàn có khả năng có hai ứng cử viên của cùng một đảng. Vấn đề duy nhất ở đây
khiến dân phân biệt được thực với giả là hai ứng cử viên có hai ý kiến khác nhau
(hoặc không giống nhau như hai giọt nước) tranh luận với nhau thực sự để dân
thực hiện quyền làm chủ bằng cách chọn người đáp ứng đúng nhất sở nguyện
của mình. Đảng "lãnh đạo" bằng cách cho phép hai (hoặc nhiều) ứng cử viên của
mình ra ứng cử trước dân. Dân "làm chủ" bằng lựa chọn. Như vậy là, nói theo
nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, "đảm bảo được dân chủ trong Đảng, xây dựng được
Nhà nước pháp quyền vững mạnh, phát huy quyền tự do dân chủ của mọi công dân đã
được quy định trong Hiến pháp". Có cái gì mới đâu?
Cái mới, mà chẳng có gì mới, là hai ứng
cử viên. Chẳng có gì mới, bởi vì chuyện bình thường nhất trong đời sống này là
mỗi giờ, mỗi phút, cái đầu phải lựa chọn, và bảo nó phải chọn giữa một cái thì
nó nổi điên. Trong một vở kịch mà tôi được xem cách đây đã lâu, một nhà quý tộc
Anh bị đắm tàu, trôi dạt vào một hòn đảo trống trơn với một quần một áo và một
người đầy tớ, trên đảo không có gì khác ngoài dừa. Như thường lệ, và theo đúng
lễ nghi, sáng hôm sau người đầy tớ khoanh tay cúi đầu mời ông chủ ăn điểm tâm:
"Thưa Ngài, Ngài chọn thức uống gì với điểm tâm, trà, sữa, cà phê, ca cao, sô cô
la hay là ... nước dừa?" Nghiêm trang, nhà quý tộc đáp: "Nước dừa!" Vô tình, vở
kịch diễn một màn "làm chủ" và bầu bán thâm thúy.
Đâu có gì mới! Chỉ cần đọc tiếp bài viết
của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt là đủ thấy vấn đề cũ rích: "Kinh nghiệm lịch
sử đã cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều trường hợp, một giải pháp từng bị coi
là chệch hướng trong một thời gian dài, nhưng sau này lại thấy là đúng. Nhiều
giải pháp coi là đúng hướng thì lại vấp phải ách tắc, thất bại". Và nguyên
thủ tướng đặt vấn đề: "Vấn đề thực ra có thể là rất cụ thể và sòng phẳng:
trên chặng đường trước mắt, thế nào là hướng và thế nào là chệch?" Thế là có
sự tranh luận trong đảng với nhau trên vấn đề muôn thuở là "hướng" và "chệch" -
nghĩa là trên hai phán đoán. Cai trị, hay "cầm quyền" là chỉ thế thôi:
trước hết là vạch hướng. Muốn vạch hướng thì dù cả nhân loại này chỉ còn hai
người sống sót thôi cũng phải bàn. Nghĩa là tranh luận. Tranh luận trên hai phán
đoán, hai ý kiến, hai cách nhìn, hai phương hướng. Nguyên thủ tướng nói rõ điều
đó: "Suy cho cùng những thành tựu cũng như những thất bại mà Đảng gặp phải,
dường như phụ thuộc vào hai loại phương pháp tư duy khác nhau": "tư duy
tả khuynh, chủ quan, duy ý chí" và "tư duy khách quan, giàu trí tuệ".
Tác giả đánh giá: "Hiện nay xu hướng bảo thủ trì trệ xét về số lượng thì
không nhiều và tự nó khó có thể là một nguy cơ. Đối trọng với xu hướng đó, những
bộ óc có xu hướng đổi mới đúng đắn, muốn bứt phá khỏi những gánh nặng cũ, là một
lực lượng không nhỏ." Như vậy là có hai. Hai phương pháp tư duy. Hai xu
hướng. Đời sống chính trị bất cứ ở đâu và ở thời nào cũng thế. Có khác chăng là
ở đây ta phải lý luận trên tình trạng một đảng. Trong hoàn cảnh đó, quyết định
đi theo hướng nào, chệch hay không, xu hướng nào thắng, là quyết định của đảng:
đảng "lãnh đạo", đảng vạch hướng như người hoa tiêu. Nhưng trên con tàu bồng
bềnh giữa biển khơi, đâu phải chỉ có một mình đảng? Còn có cả dân trong đó!
Chuyện sống chết cũng liên hệ đến dân, làm sao dân không có ý kiến gì, không
biết gì, trên chuyện tranh luận để vạch hướng của đảng? Làm sao dân không được
kêu chệch hướng khi chiếc tàu cứ nhắm vào núi đá mà hồ hởi lướt tới? Chẳng lẽ
đến khi nằm trong bụng cá mập rồi dân mới có quyền kêu?
Vậy điều dân muốn là tranh luận trong
đảng về "hướng" và về "chệch", về hai xu hướng, phải minh bạch, công khai, để
dân biết ý kiến nào là hợp với mình, ý kiến nào không hợp. Ý kiến nào cũng là ý
kiến ở trong đảng, từ đảng cả, thì tại sao hai ý kiến khác nhau trong tranh luận
của đảng không được trở thành tranh luận của dân qua hai ứng cử viên khác nhau -
của đảng cả - trong mỗi cuộc bầu cử Quốc hội? Chỉ có như vậy, và chỉ có như vậy
thôi, Quốc hội mới thực hiện được "quyền làm chủ" của dân. Nếu không thì Quốc
hội chỉ là Quốc hội xơi nước dừa. Từ Quốc hội được bầu lên như thế qua tranh
luận công khai của đảng, thủ tướng sẽ được bầu. Thủ tướng như vậy cũng là của
dân mà vẫn là từ đảng. Quốc hội như vậy vẫn là từ đảng mà cũng là của dân. Khó
lòng giải quyết biện chứng giữa "lãnh đạo" và "làm chủ" một cách nào khác. Thực
sự tôi không nói thêm một điều gì mới, tất cả đều đã nằm sẵn trong bài của
nguyên thủ tướng, kể cả vấn đề tranh luận, như khi ông viết: "Cùng nhau chân
thành bàn bạc với ý thức trách nhiệm của người cộng sản, mở rộng dân chủ trong
tranh luận để nhận thức đúng sai ..." Tôi noi theo gương ông mà thôi.
Tôi tạm ngừng ở đây với lý luận ở mức
tổng quát, chưa đi vào chi tiết. Mọi chuyện khó khăn là ở bước đầu, ở cái bước
khởi ý muốn. Không có ý muốn thì nói gì cũng nghịch tai. Có ý muốn thì lòng mới
mở ra để nghe tiếp. Khi đó tôi mới đi vào chi tiết được. Chẳng hạn tôi sẽ nói về
bầu cử Quốc hội: có thể bầu cử liền sau đại hội đảng, như nguyên Chủ tịch Trần
Đức Lương vừa đề nghị, để tranh luận giữa hai ý kiến trong đó được phản ánh qua
thành phần Quốc hội mới. Chẳng hạn vai trò của Mặt Trận Tổ Quốc được suy nghĩ
lại, thế nào để cơ quan này trở thành cơ quan có trách nhiệm độc lập
trong việc tổ chức ứng cử, bầu cử. Chẳng hạn Chủ tịch nước có thể là Tổng Bí Thư
như có lần ông Lê Khả Phiêu đã gợi ý trong một tình thế khác. Và chẳng hạn, tại
sao không suy nghĩ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "đảng ta là đảng cầm quyền"? Thẳng
thắn, sòng phẳng, trung thực, thật với mình, thật với dân, mà lại dễ hiểu, lời
nói đi đôi với việc làm. Minh bạch! "Đảng ta là đảng cầm quyền" nghĩa là: đảng
ta có quyền cho nên có trách nhiệm. Trách nhiệm luật định, nghĩa là phải
theo đúng hiến pháp và luật pháp. Trách nhiệm chính trị, nghĩa là phải
chịu phán quyết của dân. Dân không giải tán được đảng vì dân không làm chủ đảng
- chỉ đảng viên làm chủ đảng thôi. Nhưng dân có thể thay đổi Quốc hội, Quốc hội
có thể bất tín nhiệm thủ tướng. Vì dân là chủ nước. Đảng "cầm quyền", dân "làm
chủ". Vì vậy mà Chủ tịch nước là Tổng Bí Thư. Qua Tổng Bí Thư, đảng cầm quyền
trực tiếp với cả bộ máy chính trị và hành chánh duy nhất từ trung ương đến
địa phương. Nhưng đảng không "cầm" Quốc hội vì Quốc hội là nước mà người chủ là
dân. Trên pháp lý, nơi nào có "chủ" nấy. Đảng viên là chủ đảng; dân là
chủ Quốc hội. Bởi vì dân là chủ nước. "Đảng ta là đảng cầm quyền", cứ thế mà suy
nghĩ, mà hành động, theo đúng khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Đảng cầm
quyền dân làm chủ » , rõ ràng như thanh thiên bạch nhật. Thêm chữ "lãnh đạo"
vào thì lý luận nhất thiết phải đi vòng vo, hết cành đa qua cành đào, và thực
tiễn là hai bộ máy quyền lực chồng chéo nhau, không cách gì giải quyết được.
Chắc chắn lại có người sẽ nói: biết quá,
hậu ý của anh chàng này là tách đảng ra làm hai, là rốt cuộc cũng đa nguyên đa
đảng. Xin thưa: đa nguyên là chuyện bình thường, đang hiện diện cùng khắp trong
xã hội, ngăn hay không ngăn cũng thế, và xã hội càng "dân giàu nước mạnh", kinh
tế càng "phát triển cao", văn hóa càng "tiên tiến", cuộc sống càng "ấm no tự do
hạnh phúc" thì đa nguyên càng nẩy nở, lớn mạnh theo, hiển nhiên đến mức bịt mắt
cũng thấy; còn đa đảng thì tôi chưa ham, chuyện đó để tương lai phân xử. Nhưng
nếu chuyện đó đến, tốt hơn là nó đến trong ổn định, vì lợi ích của dân và của
đảng, từ đảng mà ra. Bao nhiêu người đã chảy nước mắt để nói lên điều này. Tôi
chỉ góp thêm giọt nước mắt của người ở xa.
Đảng cầm quyền, dân làm chủ, tranh luận
công khai. Đó là minh bạch. Đó là dân chủ. Đích thực.
* Bản
duyệt lại của bài phát biểu tại Hội Thảo Hè 2006 “Dân chủ
và Phát Triển”,
tổ chức tại Berkeley (California, Hoa Kỳ) ngày 28-29/7/2006
Chú thích:
1. Về dân chủ trong
Hy Lạp cổ đại, đọc hai cuốn sách của J. de Romilly: La Grèce antique à la
découverte de la liberté, Hermann, Agora, 1986; và Problèmes de la
démocratie grecque, Hermann, 1975. Tóm tắt rất rõ trong G. Soulier,
L'Europe, Armand Colin, 1994.
2. Về tranh luận
gần đây tại Mỹ trên vấn đề dân chủ đại diện, "ít" dân chủ hay quá "nhiều" dân
chủ, qua đó Aristote và dân chủ ở Athènes được đem ra phân tích lại, xem quyển
sách của Loren J. Samons: What's Wrong with Democracy?, The University.of
California Press, 2004, và bài viết của Mordecai Roshwald, Democracy and Elite,
Modern Age, n° 2, Spring 2003.
3. Về khả năng có
hai ứng cử viên, báo chí trong và ngoài nước ghi nhận đặc biệt phát biểu của tân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khi lãnh chức vụ mới. Tuy rằng ông nói trong
một bối cảnh hoàn toàn khác, cũng như ông Trần Đức Lương dưới đây, phát biểu của
ông vẫn có tính cách mở ra đường mới nếu muốn. Ngoài nước, tờ Washington Post
(26-6-2006) đăng lại lời ông như sau : "I would totally agree that there should
be more than one candidate". Ông Nguyễn Phú Trọng là ứng cử viên duy nhất vào
chức vụ chủ tịch Quốc hội.
4. Về nhiệm kỳ của
đại hội đảng và nhiệm kỳ của Quốc hội, ông Trần Đức Lương đã phát biểu như sau
trước Quốc hội ngày 26-6-2006, khi từ giã chức vụ chủ tịch nước : "Ban CHTU,
Quốc hội điều chỉnh sao cho nhiệm kỳ của Đại hội Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội gần
nhau, tốt nhất là khớp với từng thời kỳ kế hoạch 5 năm của đất nước"
http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/doinoi/2006/06/584995/
5. Về đề nghị của
cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, xem Vũ Quang Việt: Chuyển biến trong lãnh đạo
và hệ thống lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam từ sau 1975: Khả năng dân chủ hóa
và chống tham nhũng, trong Hội Thảo này. Vũ Quang Việt nhấn mạnh quá trình
phát triển của đảng Cộng sản từ một đảng cách mạng đến một đảng chính trị bình
thường trong bối cảnh kinh tế tư bản chủ nghĩa.
4. Khả năng tách
bạch hai khuynh hướng trong đảng cũng không xa lạ gì với các tác giả, chuyên gia
và cố vấn ở Bắc Kinh khi bàn về chuyển đổi chính trị ở Trung Quốc. Xem Joseph
Kahn, At a secret meeting, Chinese Analysts Clashed Over Reforms, New York
Times, 7-4-2006.
5. Khả năng nổ ra
một đột biến đưa đến xáo trộn bất ngờ bao giờ cũng thấy trong lịch sử. Trong một
quyển sách xuất bản gần đây về kinh nghiệm Trung Quốc, tác giả Minxin Pei bác bỏ
luận thuyết phát triển kinh tế sẽ đưa đến dân chủ, nhưng không từ bỏ khả năng
dân chủ xảy ra một cách bất ngờ vì một khủng hoảng có thể nổ ra bất cứ lúc nào
do thối nát tích tụ nhiều năm, tham nhũng trầm trọng, quản lý sai lầm, thể chế
thoái hóa ... Xem Minxin Pei, China's Trapped Transition. The Limits of
Developmentat Autocracy, Cambridge, Harvard University Press, 2006; và
Minxin Pei, The Dark Side of China's Rise, Foreign Policy, March-April
2006, (tóm tắt quyển sách, trong đó ông nói rõ: "China's future will be
decay, not democracy" ). Cũng xem bài điểm sách của Ellen Bork, China
Syndrome. Capitalism does not necessarily lead to democracy,
Weekly Standard,
n° 35, 2006.
6. Trong biến cố
chính trị gần đây ở Thái Lan đưa đến việc dân chúng biểu tình đòi thủ tướng
Thaksin Shinawatra từ chức, ông này tố cáo những người chống ông là "chỉ trích
vua". Tôi giật mình khi đọc trong báo chí câu tuyên bố của vua Bhumibol: "Nói
rằng không được chỉ trích vua là nhục mạ nền quân chủ. Chính vua mong muốn nghe
nhiều hơn nữa những lời chỉ trích." (Francis Deron, Roi et citoyen, Le Monde
7-6-2006).
Thảo nào vua
Bhumibol được nhân dân Thái yêu quý đến thế.
© Thời Đại Mới
0 nhận xét:
Đăng nhận xét