Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Ý nguyện chính đáng của nhân dân đã được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp – B.Long – P.Thủy – N.Giang – H.Ngọc – T. Thành ghi

08:28 | 30/11/2013
Chiều qua, Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII đã họp phiên bế mạc sau hơn một tháng làm việc tích cực, trách nhiệm, thẳng thắn và hiệu quả. Đây là một kỳ họp lịch sử và việc thông qua Hiến pháp là thành công lớn nhất của Kỳ họp lần này, nhiều ĐBQH khẳng định, QH đã thông qua một bản Hiến pháp được tiếp thu, chỉnh lý tối đa, đáp ứng yêu cầu của 90 triệu cử tri và nhân dân cả nước cũng như yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Ý nguyện chính đáng của nhân dân đã được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp lần này.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân với các ĐBQH ngay saukhi thông qua Hiến pháp (sửa đổi)
Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh): QH đã thông qua một bản Hiến pháp được tiếp thu, chỉnh lý đến mức tối đa và đáp ứng được yêu cầu của 90 triệu nhân dân
Kỳ họp thứ Sáu lần này là một kỳ họp lịch sử. Nhiệm vụ của Kỳ họp này rất nặng, đòi hỏi trách nhiệm cao của ĐBQH. QH xem xét, thông qua 8 dự án luật và góp ý kiến vào 10 dự án luật khác; thông qua một số Nghị quyết và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, tại Kỳ họp này, QH đã thông qua 2 đạo luật quan trọng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổíi). Đây là hai trong nhiều nội dung cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm. Trước khi trình QH thông qua, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chuẩn bị dày công, từ  khâu soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân, ĐBQH thảo luận đến thông qua đã trải qua nhiều vòng chặt chẽ. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ Sáu này, các ĐBQH đã thảo luận, tranh luận với nhau về từng chương, từng điều, đặc biệt trong đó có những chương, điều, thiết chế mới như Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước… Về Hội đồng Hiến pháp, Dự thảo ban đầu trình QH có nội dung này, nhưng qua quá trình thảo luận đi, thảo luận lại, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhận thấy trong thời điểm hiện nay, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp chưa cần thiết mà nên tiếp tục duy trì cơ chế bảo hiến hiện hành. Đây là sự tiếp thu, chỉnh lý đúng đắn, chứ không nên vội áp dụng mô hình bảo hiến của các nước.
Liên quan đến chương về kinh tế, trong đó có vấn đề đất đai, nhất là thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế vì mục đích kinh tế – xã hội, trong quá trình thảo luận, ý kiến của ĐBQH rất khác nhau. Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong Hiến pháp. Ý kiến khác đồng ý hiến định nhưng với điều kiện khi thu hồi đất vì mục đích này phải đền bù bằng giá thị trường… Cuối cùng, trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này ghi rõ: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng… để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tôi cho rằng, những quy định như vậy đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và làm hài lòng các ĐBQH. QH đã thông qua một bản Hiến pháp (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý đến mức tối đa và đáp ứng được yêu cầu của 90 triệu dân ở 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Về Luật Đất đai (sửa đổi), tôi cơ bản đồng tình. Luật đã được sửa đổi tương đối toàn diện. Ví dụ về vấn đề giá đất, Luật quy định phải thành lập Hội đồng đền bù và tham khảo cơ quan tư vấn trước khi quyết định giá đất. So với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều cải tiến. Luật cũng quy định chặt chẽ hơn đối với vấn đề quy hoạch mà tôi tin là sẽ giải quyết được những vướng mắc hiện nay như tình trạng quy hoạch treo… Vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện đúng để các cơ chế, chính sách mới của Luật sớm đi vào cuộc sống.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Chúng ta đã có một bản Hiến pháp mới, hoàn hảo, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay và trong tương lai
Bản Hiến pháp (sửa đổi) vừa được QH thông qua sẽ là nền tảng pháp lý cốt lõi mang lại nhữäng thay đổi theo chiều hướng tốt của đất nước. Các nội dung sửa đổi của Hiến pháp sẽ là tiền đề cho những thay đổi trong hệ thống pháp luật cũng như trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Bản Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 cuối cùng trình QH thông qua đã được chỉnh sửa rất nhiều lần, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH cũng như của cử tri, của nhân dân trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài. Các ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân được tiếp thu ý kiến rất đầy đủ. Giải trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 rất thuyết phục. Tôi cho rằng, với hơn 97% tổng số ĐBQH có mặt biểu quyết thông qua, chúng ta đã có một bản Hiếp pháp mới hoàn hảo, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
Ngay sau khi thông qua Hiến pháp (sửa đổi), QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trong đó quy định một số biện pháp bảo đảm cho việc thi hành Hiến pháp, đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Nghị quyết này cũng sẽ là cơ sở để QH và UBTVQH cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp (sửa đổi) trong hệ thống pháp luật của nước ta.
Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng sau khi Hiến pháp (sửa đổi) được ban hành là phải tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật. Bên cạnh việc triển khai sửa đổi, bổ sung các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước như: Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Viện kiểm sát, Luật Tổ chức Tòa án… thì còn rất nhiều các bộ luật, luật, pháp lệnh, kể cả các văn bản dưới luật cũng cần được xem xét để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới trong Hiến pháp (sửa đổi). Hiện nay, với các luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, UBTVQH đã và đang chỉ đạo các cơ quan của QH chuẩn bị tổng kết, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo quy định mới trong Hiến pháp.
ĐBQH Dương Hoàng Hương (Phú Thọ): Ý nguyện chính đáng của nhân dân đã được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp (sửa đổi)
Thời khắc ấn nút biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi) là khoảng khắc thiêng liêng với cá nhân tôi cũng như nhiều ĐBQH khác. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước khi trình QH thông qua đã tổng hợp, tiếp thu nhiều ý kiến của nhân dân và ĐBQH. Nội dung Hiến pháp được thể hiện ngắn gọn, chặt chẽ, có tính bao quát cao, đáp ứng yêu cầu của một đạo luật gốc, cơ bản của quốc gia. Giải trình, tiếp thu của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 rất sâu sắc, có lý lẽ thuyết phục. Vì lẽ đó, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua toàn văn Hiến pháp (sửa đổi) mà không có băn khoăn, vướng mắc nào. Khi kết quả biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi) hiển thị trên màn hình điện tử trong Hội trường, tất cả các ĐBQH đã đứng dậy vỗ tay – hành động ít khi xảy ra tại nghị trường.
Với riêng tôi, điều ý nghĩa nhất ở Hiến pháp (sửa đổi) lần này là đã thể hiện rõ những ý nguyện chính đáng của nhân dân. Trước hết, quyền lực của nhân dân được khẳng định rõ ngay từ Điều 2: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quan điểm, tư tưởng chủ đạo này được cụ thể hơn trong nhiều quy định khác của Hiến pháp (sửa đổi) về vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; quyền con người và quyền, nghĩa vụ của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ và môi trường… Thứ hai, Hiến pháp (sửa đổi) đề ra định hướng lâu dài cho đất nước theo hướng phát triển bền vững, trong đó phát triển kinh tế gắn với bảo đảm công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, cân đối hợp lý nguồn lực cho phát triển, bảo đảm phát triển trong hiện tại cũng như bảo đảm nguồn lực phát triển bền vững cho tương lai. Thứ ba, Hiến pháp (sửa đổi) quy định cụ thể về việc tạo môi trường phát triển an ninh, an toàn, đồng thời bảo vệ thành quả của sự phát triển. Điều này được thể hiện trong chương về Bảo vệ Tổ quốc; chương về kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ và môi trường…
ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị): Một Kỳ họp đặc biệt
Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đây là một kỳ họp đặc biệt. QH đã thông qua nhiều nội dung quan trọng. Đáng chú ý là việc QH đã thông qua và cho ra đời Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi); thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Hiến pháp là đạo luật gốc, là đạo luật cơ sở định hướng cho những đạo luật khác. Cho nên, việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi) lần này là thành công lớn nhất của QH tại Kỳ họp lần này. Bản Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) QH vừa thông qua đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Tuy có thể còn một số ý kiến khác nhau, song, việc thông qua bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã cơ bản đáp ứng được những mục tiêu đặt ra. Và như Chủ tịch QH, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Hiến pháp (sửa đổi) lần này là sự kết hợp và hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân. Bản Hiến pháp đã đạt tới sự đồng thuận cao của các ĐBQH với tỷ lệ 97,59% tổng số ĐBQH có mặt tán thành.
Riêng Chương IX về Chính quyền địa phương, tôi cho rằng, những sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp lần này cơ bản bảo đảm sự ổn định về cấu trúc của đơn vị hành chính. Chế định về chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của HĐND các cấp đã được khẳng định rõ ràng và cụ thể trong Hiến pháp. Theo đó, nơi nào có UBND thì nơi đó phải có cơ quan giám sát là HĐND. Đây chính là cơ quan đại diện cho nhân dân, đại diện cho cử tri để giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp ở địa phương. Có giám sát chặt chẽ như vậy mới bảo đảm các cơ quan hành chính Nhà nước luôn hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tại kỳ họp này, vai trò của ĐBQH cũng được thể hiện rõ, mạnh mẽ và toàn diện trong tất cả các công việc, từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Nhiều ĐBQH có tiếng nói rất quyết liệt, mang tính xây dựng cao. Đó chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của Kỳ họp.
ĐBQH Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh): Hiến pháp (sửa đổi) là bước tiến dài, là tiến bộ lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới
Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII có thời gian họp dài nhất tính từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến nay. Nội dung được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm: Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) là hai công trình lớn của QH Khóa XIII, ĐBQH biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành rất cao, trên 80 – 90%.
Với Hiến pháp (sửa đổi), tôi cho rằng, bản Hiến pháp là bước tiến dài, là tiến bộ lớn, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Bằng chứng là để hình thành cơ chế kinh tế thị trường đổi mới từ năm 1986 đến năm 1992, lúc đó, chúng ta phải chuyển cơ chế quản lý từ tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường. Điều này được ghi trong Hiến pháp năm 1992. Đến nay, có thể nói, Hiến pháp năm 1992 đã hoàn thành nhiệm vụ này, tạo ra sức và lực cho nước ta đạt được những thành quả trên các mặt như hiện nay. Nhưng để đáp ứng giai đoạn phát triển mới hiện nay thì có lẽ Hiến pháp năm 1992 hiện hành có những điểm không còn phù hợp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 sẽ tạo đà cho bước phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới. Cùng với kết quả phát triển về kinh tế – xã hội thì mọi quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, quyền con người phải được bảo đảm tốt hơn. Trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này, các cơ chế bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền con người được quy định phù hợp với bước tiến trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tôi tin tưởng Hiến pháp (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá cho phát triển, tạo điều kiện để nước ta vượt lên, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tôi đặc biệt quan tâm đến Chương về Chính quyền địa phương trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này. Hiện nay, bộ máy chính quyền địa phương đang có sự trì trệ và chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Chính quyền địa phương có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống bộ máy nhà nước. Tất cả công việc liên quan trực tiếp đến công dân, nhân dân đều do chính quyền địa phương các cấp tiếp nhận và giải quyết. Việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về chăm lo bảo vệ đời sống nhân dân đều chủ yếu tại chính quyền địa phương. Chúng ta mong muốn đổi mới, tạo hiệu lực, hiệu quả hoạt động hơn cho chính quyền địa phương.  Cho nên, quy định như Hiến pháp (sửa đổi) lần này là phương án tốt nhất. Đã là chính quyền địa phương thì phải có HĐND và UBND; có cơ quan hành chính thì phải có cơ quan quyền lực nhà nước của nhân dân – cơ chế đại diện dân chủ nhất, trực tiếp và gián tiếp của nhân dân thông qua HĐND. Tuy nhiên, Hiến pháp (sửa đổi) lần này cũng mở ra một số mô hình chính quyền đặc thù cho nông thôn, đô thị, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định. Tùy theo điều kiện thực tế của từng nơi, Hiến pháp (sửa đổi) lần này mở để chính quyền ở một số nơi vận dụng sáng tạo và tốt hơn mô hình chính quyền địa phương; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nhưng dù là mô hình nào, đã có UBND thì phải có HĐND, vì nếu không có HĐND thì ai sẽ bầu ra UBND cùng cấp? Một chính quyền hoàn chỉnh phải có HĐND bầu ra UBND cùng cấp.
B.Long – P.Thủy – N.Giang – H.Ngọc – T. Thành ghi

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=299829

0 nhận xét:

Đăng nhận xét