Tháng 12 16, 2013
Phạm Hồng Sơn biên soạn
The third wave – democratization in the late twentieth century
(tạm dịch: Làn sóng dân chủ hóa lần thứ ba vào cuối thế kỷ XX) là một
trong những công trình nghiên cứu quan trọng của Samuel P. Huntington [i].
Như nhan đề đã nêu, trong tác phẩm này, Huntington tập trung vào hiện
tượng chuyển đổi hệ thống chính trị từ phi dân chủ (độc tài) sang dân
chủ của tập hợp khoảng 30 quốc gia trên qui mô toàn thế giới diễn ra
trong khoảng thời gian từ năm 1974 tới năm 1990 [ii].
Tác phẩm dày hơn 300 trang (khổ 13,9cm×20,8cm), xuất bản lần đầu năm
1991, gồm 06 chương, đi từ những vấn đề có tính khái quát cơ bản về dân
chủ, sự phát triển dân chủ trên thế giới trong thời hiện đại, các yếu tố
tạo thành làn sóng dân chủ hóa rồi đi tới khảo sát, phân tích các tác
nhân, những đặc tính, các vấn đề, thách thức hệ trọng đối với làn sóng
dân chủ hóa lần thứ ba. Về lý do ra đời tác phẩm, Huntington, học giả
chính trị và công dân Hoa Kỳ, viết rõ: “vì tôi tin dân chủ có tính
lương thiện tự thân và…nó mang tới những hệ quả tốt đẹp cho tự do cá
nhân, cho hòa bình thế giới và cho cả Hoa Kỳ.” [iii] Nhưng, ngay trong lời tựa, Huntington đã bày sự lo lắng về hiểu lầm có thể của người đọc: “tác
phẩm này đề cập tới cả hai khía cạnh lý thuyết và lịch sử, nhưng đây
không phải là công trình có tính học thuyết hay sử liệu…Nghiên cứu này
không đưa ra mô hình tổng quát cho tiến trình dân chủ hóa những năm 1970
và 1980, cũng không mô tả bất kỳ một tiến trình dân chủ hóa riêng biệt
của quốc gia nào. Tác phẩm này chỉ nhằm cố gắng lý giải và phân tích một
tập hợp các chế độ có sự chuyển đổi (từ độc tài sang dân chủ) trong một
thời đoạn nhất định.” [iv] Tiếp tục với tinh thần học thuật nghiêm cẩn như thế, Huntington nhắc lại nguyên tắc khách quan trong nghiên cứu của mình: “Giống như trong Political Order [v],
tôi cũng cố hết sức để đảm bảo các phân tích không bị ảnh hưởng bởi
những giá trị, thiên hướng, sở thích của bản thân, ít nhất trong 95% nội
dung.”[vi] Nhưng, như tự nhận là một người yêu và kỳ vọng ở dân chủ, Huntington thổ lộ: “Tuy
nhiên, dường như mỗi khi thấy hữu ích tôi cũng đã làm rõ thêm những ý
nghĩa trong phân tích của tôi cho những người đang muốn dân chủ hóa đất
nước họ. Vì vậy có năm (05) chỗ tôi đã tạm gác lại vai trò của người làm
khoa học xã hội để đóng vai một nhà tư vấn chính trị và đưa ra năm bộ
‘chỉ dẫn cho các nhà dân chủ hóa’.” [vii]
Bên cạnh năm bộ chỉ dẫn cụ thể đó, toàn
bộ tác phẩm cũng có thể được coi là một tập tham chiếu cho bất cứ ai
quan tâm đến dân chủ hóa – một công cuộc phức tạp và hệ trọng. Để có thể
giúp một số độc giả Việt Nam – những người quan tâm tới dân chủ hóa
nhưng chưa có điều kiện xem tác phẩm một cách trọn vẹn – nắm bắt một
cách nhanh nhất nhưng không quá thiếu sót về những gì Huntington muốn
lưu ý, gửi gắm tới các nhà dân chủ hóa, tôi xin giới thiệu ba phần sau
đây tới quí độc giả:
A. Những vấn đề cơ sở. B. Năm bộ hướng
dẫn cho các nhà dân chủ hóa. C. Một số lưu ý quan trọng khác. (Trong đó
phần A và C là lược thuật, phần B là dịch).
A. Những vấn đề cơ sở
I. Đối tượng nghiên cứu và biến số [viii]
- Đối tượng nghiên cứu ở đây là dân chủ
hóa (democratization), là sự chuyển đổi thể chế chính trị, chứ không
phải dân chủ (democracy) hay bản chất của chế độ hiện hành.
- Biến số phụ thuộc (dependent variable)
là dân chủ hóa. Biến số phân biệt (dichotomous variable) là dân chủ.
Còn các biến số độc lập (independent variable) là các vấn đề như kinh
tế, cấu trúc xã hội, niềm tin tôn giáo, đặc tính văn hóa, ngoại nhân
v.v. Nói cách khác, Huntington khảo sát sự biến đổi, tương tác của các
yếu tố kinh tế, xã hội, tôn giáo, văn hóa, ngoại nhân… ảnh hưởng tới
tiến trình dân chủ hóa một chế độ độc tài trên cơ sở những tiêu chí đã định về dân chủ.
II. Các yếu tố thuận lợi cho dân chủ và dân chủ hóa [ix]
Huntington có dành một phần riêng [x]
để bàn khá thú vị về ý nghĩa và những cách định nghĩa, định dạng dân
chủ, nhưng để đơn giản hóa, chúng ta hãy coi như đã thống nhất với nhau
về khái niệm dân chủ và ở đây chỉ lưu tâm tới các yếu tố hữu ích cho dân
chủ và quá trình tiến tới nó –tức dân chủ hóa – theo nhãn quan của
Huntington, như sau:
1. Thịnh vượng về kinh tế nói chung ở mức cao.
2. Phân phối về thu nhập và/hoặc sự thịnh vượng tương đối bình đẳng.
3. Kinh tế thị trường.
4. Kinh tế phát triển và xã hội có sự hiện đại hóa.
5. Lịch sử từng có giai cấp quí tộc phong kiến.
6. Không còn tư tưởng phong kiến.
7. Giai cấp tư sản mạnh. (Barrington Moore đúc kết: “Không tư sản, không dân chủ.”)
8. Tầng lớp trung lưu mạnh.
9. Tỷ lệ biết chữ và trình độ học vấn cao.
10. Văn hóa thiên về “ăn để sống” hơn là “sống để ăn”.[xi]
11. Tôn giáo Tin lành.
12. Xã hội có tính đa nguyên và các nhóm trung gian trong xã hội mạnh mẽ.
13. Tính cạnh tranh chính trị được phát triển trước việc tham gia chính trị được mở rộng.
14. Các nhóm, hội đoàn dân sự có cấu trúc, vận hành kiểu dân chủ, đặc biệt các nhóm có liên hệ gần với chính trị.
15. Bạo lực, xô xát trong xã hội ở mức độ thấp.
16. Sự phân cực làm hai và tư tưởng cực đoan trong chính trị ở mức thấp.
17. Các thủ lĩnh chính trị có tư tưởng gắn bó với dân chủ.
18. Từng là thuộc địa của Anh.
19. Truyền thống bao dung và thỏa hiệp.
20. Từng bị lực lượng ngoại bang dân chủ chiếm đóng.
21. Ảnh hưởng của ngoại bang dân chủ.
22. Giới tinh hoa muốn rập khuôn các nước dân chủ.
23. Truyền thống trọng luật và tự do cá nhân.
24. Tính đồng nhất trong cộng đồng (về chủng tộc, nguồn gốc, tôn giáo).
25. Tính đa dạng trong cộng đồng (về chủng tộc, nguồn gốc, tôn giáo).
26. Đồng thuận về các giá trị chính trị và xã hội.
27. Thiếu đồng thuận về các giá trị chính trị và xã hội.
III. Các thành phần chính tham dự vào dân chủ hóa [xii]
Qua khảo sát làn sóng dân chủ hóa lần
thứ ba, Huntington nhận thấy tham dự vào các tiến trình chuyển đổi chính
trị phức tạp đó là rất nhiều các thành phần khác nhau với các mục tiêu
khác nhau, vì quyền lực, vì dân chủ hay chống dân chủ và cả vì nhiều mục
đích khác. Căn cứ vào thái độ của các thành phần đó trong tiến trình
dân chủ hóa, Huntington đã khái quát thành năm (05) nhóm chính thuộc hai
phía:
1. Phía chính quyền độc tài: gồm ba (03) nhóm:
- Nhóm cứng đầu (standpatter) (1a);
- Nhóm cải cách theo hướng tự do (liberal refomer) (1b);
- Nhóm cải cách theo hướng dân chủ (democratic reformer) (1c).
2. Phía đối lập với chính quyền độc tài: gồm hai (02) nhóm:
- Nhóm cực đoan kiểu cách mạng (revolutionary extremist) (2a);
- Nhóm dân chủ ôn hòa (democratic moderate) (2b).
XU HƯỚNG THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI DÂN CHỦ
|
|
CHỐNG
|
THUẬN LỢI
|
CHỐNG
|
Chính quyền độc tài
|
|
Nhóm cải cách
|
Nhóm cứng đầu (1a)
|
Tự do hóa (1b)
|
Dân chủ hóa (1c)
|
Đối lập
|
Nhóm cực đoan (2a)
|
Nhóm dân chủ ôn hòa (2b)
|
|
|
|
|
|
|
Các thành phần tham dự chính yếu đó, nói chung, có cả hai loại mục tiêu giống nhau và đối kháng lẫn nhau.
Nhóm (1a) mâu thuẫn với cả (1b) và (1c)
về vấn đề tự do hóa hoặc dân chủ hóa, nhưng cả ba đều có chung một mục
tiêu là: chống, kìm giữ đối lập.
Nhóm (2a) và (2b) cùng có mục tiêu là
phản kháng chính quyền hiện tại, giành quyền lực nhưng bất đồng về cách
thức tiến hành và mô hình chính quyền tương lai.
Nhóm (1c) và (2a) có chung mục đích tạo dựng dân chủ nhưng chia rẽ về cách tiến hành, phí tổn và cơ cấu phân bổ quyền lực.
Nhóm (1a) và (2a) đối kháng tuyệt đối về
quyền lực nhưng lại có cùng thiên hướng muốn gây suy yếu các nhóm dân
chủ và duy trì tình trạng đối đầu thái cực trong chính trị.
Nhưng, thái độ và mục đích của các thành
phần và cá nhân tham dự đều có thể biến đổi trong tiến trình, có thể
tốt lên hay xấu đi cho dân chủ.
IV. Ba dạng chuyển đổi
Tương quan sức mạnh giữa 05 nhóm kể trên sẽ quyết định tới dạng thức tiến trình dân chủ hóa.
Nếu nhóm cứng đầu (1a) áp đảo trong chính quyền độc tài và nhóm cực đoan (2a) áp đảo phía đối lập, dân chủ hóa không thể xảy ra.
Đương nhiên, khi nhóm dân chủ có lực
lượng vượt trội cả trong chính quyền độc tài (1c) và phía đối lập (2b)
thì dân chủ hóa sẽ rất thuận lợi.
Khi nhóm dân chủ (2b) chỉ mạnh ở phía
đối lập thì dân chủ hóa phụ thuộc vào các hoạt động gây tổn hại cho
chính quyền độc tài và tăng cường sức mạnh của phía đối lập.
Nếu nhóm dân chủ (1c) chỉ mạnh ở phía
chính quyền thì tiến trình dân chủ hóa có khả năng phải đối mặt với các
hoạt động nổi loạn có vũ trang và sẽ bị thụt lùi do nhóm cứng đầu (1a)
trong chính quyền độc tài tiến hành lật đổ để khống chế toàn bộ chính
quyền.
Qua phân tích và quan sát sự tương tác giữa các nhóm kể trên, Huntington khái quát thành ba dạng thức dân chủ hóa sau đây:
1. Chuyển hóa (transformation) [xiii]
Điểm cơ bản của dạng thức này là những
người nằm trong chính quyền độc tài nắm vai trò điều khiển và quyết định
tiến trình dân chủ hóa. Ba điều kiện cần cho dạng thức này: 1. Nhóm cải
cách (1b và 1c) mạnh hơn nhóm cứng đầu (1a) trong nội bộ chính quyền.
2. Chính quyền độc tài mạnh hơn phía đối lập. 3. Nhóm ôn hòa (2b) mạnh
hơn nhóm cực đoan (2a) ở phía đối lập.
Dạng chuyển đổi chuyển hóa
chiếm 16 trong số 35 chuyển đổi chế độ trong làn sóng dân chủ hóa lần
ba. Các trường hợp điển hình: Tây Ban Nha, Brazil và Hungary.
Chuyển hóa trong làn sóng dân chủ hóa lần ba thường diễn tiến qua năm (05) giai đoạn:
1.1. Xuất hiện nhóm cải cách [xiv]
Có 05 loại lãnh đạo (chính trị gia) có nhận thức cho rằng cần (hoặc tất yếu) phải chuyển động theo hướng dân chủ.
Loại 1: Những lãnh đạo
có nhận định rằng những phí tổn, thiệt hại để duy trì quyền lực – như
khống chế, chính trị hóa quân đội, duy trì các liên minh ủng hộ, vật lộn
với các nan đề (thường là kinh tế) và gia tăng trấn áp đối lập – đã đạt
đến điểm cần phải tìm một lối thoát trong danh dự (Chile, Peru).
Loại 2: Những lãnh đạo
muốn giảm các nguy cơ, rủi ro cho bản thân một khi bị mất quyền lực. Tư
tưởng chính của những người này là thà mất quyền còn hơn mất mạng.
Loại 3: Những lãnh đạo
dự đoán nhầm về thực thi dân chủ. Họ tin tưởng nếu tiến hành một số
những cải cách theo hướng thực hiện (hoặc phục hồi) một số thủ tục dân
chủ thực sự (như bầu cử tự do, công bằng) thì tính chính đáng và quyền
lực (độc đoán) sẽ được củng cố. Nhưng thực tế không diễn ra như thế (Ấn
Độ, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ).
Loại 4: Những lãnh đạo
tin rằng dân chủ hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước họ như tăng
vị thế quốc tế cho quốc gia, giảm trừng phạt từ Hoa Kỳ hay từ quốc tế,
tiếp cận được với các định chế tài chính quốc tế, được tham gia vào các
tổ chức quốc tế, được tới Hoa Kỳ, vân vân.
Loại 5: Những lãnh đạo
tin rằng dân chủ là một dạng thức cầm quyền đúng đắn và đất nước họ đã
tới lúc phải có một hệ thống chính trị dân chủ như các quốc gia dân chủ
và được kính trọng khác trên thế giới (Tây Ban Nha, Brazil, Hungary, Thổ
Nhĩ Kỳ).
1.2. Nhóm cải cách nắm quyền [xv]
Đương nhiên, xuất hiện tư tưởng cải cách
dân chủ hóa trong chính quyền chưa đủ, nhóm này cần phải có được thực
quyền trong chính quyền độc tài. Bốn (4) cơ hội thường đưa tới việc nắm
quyền của nhóm cải cách trong làn sóng thứ ba:
Cơ hội 1: Chính các nhà
độc tài khởi xướng bầu cử dân chủ thực sự và chấp nhận kết quả mà phần
thắng thuộc về nhóm cải cách (Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile).
Cơ hội 2: Cái chết của
nhà độc tài sáng lập (hay kỳ cựu) vào đúng thời điểm thuận lợi cho nhóm
cải cách lên nắm quyền. (Tây Ban Nha, Đài Loan, Liên Xô). Riêng Trung
Quốc đã rất không may ở điểm này: Đặng Tiểu Bình chết quá muộn (năm
1997, chín năm sau sự kiện biểu tình đòi dân chủ kéo dài ở Thiên An Môn
năm 1989.)
Cơ hội 3: Bản thân hệ
thống chính trị độc tài đã thiết lập cơ chế thay đổi quyền lực thường
kỳ. Và một thay đổi thường lệ, hội thêm những điều kiện khác, đã đưa các
nhà lãnh đạo cải cách lên nắm quyền áp đảo (Brazil, Mexico).
Cơ hội 4: Các nhà cải
cách hợp nhau lại để phế truất, bằng đảo chính hoặc qua kỹ thuật chính
trị, nhà lãnh đạo cứng đầu để thế bằng người có tư tưởng vị dân chủ
(Peru, Ecuador, Guatemala, Nigeria, Hungary, Bulgaria, Nam Phi).
1.3. Sự thất bại của tự do hóa [xvi]
Huntington nhận thấy một vấn đề cốt tử
trong làn sóng dân chủ hóa lần ba là vai trò của những nhà cải cách
(theo xu hướng) tự do và tính ổn định của thể chế độc tài đã được tự do
hóa.
- Những nhà cải cách tự do đầu tiên thay
thế những lãnh đạo cứng đầu thường chỉ tại vị ngắn ngủi và tiếp tục
được thay thế bằng những nhà cải cách khác có thiên hướng mạnh hơn về
dân chủ.
- Đa phần những nhà cải cách tự do chỉ
muốn thay đổi chứ không muốn chấm dứt chế độ mà họ đã tham gia, cống
hiến gần hết sự nghiệp vào đó. Họ thường chỉ muốn làm cho chế độ độc tài
dễ được xã hội chấp nhận hơn và tiếp tục duy trì bản chất độc đoán.
- Quá trình tự do hóa đưa đến điểm, có
thể gọi là điểm bế tắc vàng: Kích thích ước muốn dân chủ hóa mạnh hơn
của xã hội và gia tăng ý muốn trấn áp tự do của một số thành phần có
quyền. Bế tắc thường thể hiện bằng sự đụng độ, va chạm giữa một phía gia
tăng các đòi hỏi, yêu cầu, yêu sách, phản kháng chính quyền và phía
kia, các phản ứng đe dọa, sách nhiễu, gây hấn, trấn áp.
- Giai đoạn này có những tiến triển xấu đi và tốt lên (cho dân chủ) xen kẽ nhau.
1.4. Khống chế nhóm cứng đầu [xvii]
Bản thân nhóm cứng đầu trong chính quyền
(1a) luôn có xu hướng bẻ gãy hoặc làm chậm quá trình chuyển đổi về phía
dân chủ. Khi điểm bế tắc vàng xảy ra, xu hướng chống cải cách của nhóm
cứng đầu càng mạnh hơn. Trước thách thức thoái lui này, nhóm cải cách
thường phải thực hiện được các điểm sau:
- Tập trung quyền lực cho bộ phận lãnh đạo cao cấp có xu hướng cải cách.
- Thanh tẩy – đưa – các yếu tố cứng đầu
ra khỏi các khu vực quan trọng (như chính phủ, quân đội, đảng cầm
quyền,…) và thay thế ngay bằng những người ủng hộ cải cách. Việc thanh
tẩy này được thực hiện qua nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm tinh tế: gây
trung lập, trấn an, vận động, thỏa hiệp… sao cho không khích động ra
những phản ứng thái quá, cũng như có thể gây được thêm rạn nứt trong
giới cứng đầu.
- Một chiến thuật thường thấy trong các
chế độ độc tài phi quân sự: các nhà cải cách tạo ra một tính “chính đáng
hồi cố” (backward legitimacy) gần gũi với tính chính đáng trước đó để
tạo ra cảm giác kế tục quá khứ nhằm đạt được sự đồng thuận từ mọi giới,
ngoại trừ duy nhất nhóm đối lập cực đoan (2a), nhằm trấn an và bất hoạt
nhóm cứng đầu trong chính quyền (1a).
- Những lãnh đạo cải cách thành công ở
giai đoạn này thường là những người nhạy bén về chính trị, linh hoạt về
đối pháp, vững vàng về dân chủ.
Một khi đã nắm được quyền và khống chế
được nhóm cứng đầu, những lãnh đạo cải cách phải tăng tốc ngay tiến
trình dân chủ hóa bằng việc tiếp xúc, tham vấn các lãnh đạo đối lập và
các nhóm xã hội quan trọng để tiếp tục gia tăng sự đồng thuận, tôn tạo
thêm cơ sở chính trị cũng như mở rộng thêm sự tham gia chính quyền cho
phía đối lập.
- Các tiếp xúc, bàn thảo với phía đối
lập (nói chung) có thể diễn ra dưới hình thức: công khai-ngầm (kín),
chính thức-không chính thức.
- Những lãnh đạo cải cách thành công
thường dùng áp lực gia tăng của các nhóm dân chủ (2b) để gây suy yếu
nhóm cứng đầu (1a); dùng các đòi hỏi mạnh tay của nhóm cứng đầu (1a) và
kỳ vọng được chia sẻ quyền lực để gia tăng sự ôn hòa ở phía đối lập.
- Tính ôn hòa và sự hợp tác của các nhóm
đối lập dân chủ với nhóm lãnh đạo cải cách trong chính quyền có vai trò
rất quan trọng cho chuyển hóa thành công.
2. Thay thế-lật đổ (replacement)[xix]
Điểm cơ bản của dạng chuyển đổi này là
chính quyền độc tài không có các nhân tố cải cách hoặc họ hoàn toàn bị
áp đảo bởi nhóm cứng đầu nhất quyết chống lại mọi thay đổi chế độ. Dân
chủ hóa do đối lập xúc tiến, chính quyền suy yếu dẫn đến sụp đổ hoặc bị
lật đổ. Điều kiện cần cho thay thế-lật đổ xảy ra: 1. Phía đối lập tăng cường được sức mạnh. 2. Đồng thời, chính quyền độc tài bị suy yếu dần.
Thay thế-lật đổ là dạng chuyển
đổi ít thấy nhất trong làn sóng dân chủ hóa lần ba (tổng số có 06: Bồ
Đào Nha, Philippines, Rumani, Đông Đức, Argentina, Hy Lạp). Càng hiếm
thấy đối với các chế độ độc tài độc đảng (có 1/11) hay độc tài quân sự
(2/16). Nhưng nhiều hơn đối với độc tài cá nhân (3/7).
Thay thế-lật đổ thường có ba
giai đoạn: 1. Xúc tiến các hoạt động để thay thế-lật đổ. 2. Thay thế-lật
đổ. 3. Cạnh tranh giữa các nhóm đối lập hậu độc tài.
Thay thế-lật đổ trong làn sóng dân chủ hóa lần ba có một số điểm quan trọng:
- Quân đội đóng vai trò chính yếu (5/6
trường hợp): khi quân đội rút sự ủng hộ, khi quân đội tiến hành chống
đối chính quyền hoặc khi quân đội từ chối dùng vũ lực chống phe đối lập,
chế độ độc tài đều sụp đổ.
- Các trường hợp quân đội không bắn vào
người biểu tình chống chính quyền là những trường hợp quốc gia đã có độ
phát triển kinh tế khá cao và phía đối lập đã huy động được sự ủng hộ
rộng rãi thuộc nhiều thành phần xã hội.
- Điểm sụp đổ của chế độ độc tài thường
là đỉnh điểm gặp nhau của sự bất hợp tác hoặc biến thành chống đối chính
quyền, tham gia vào đối lập của rất nhiều yếu tố, thành phần (giới
trung lưu, cộng đồng tôn giáo, sinh viên, giới doanh nhân cao cấp, trí
thức tinh hoa, đối tác nước ngoài như Hoa Kỳ,…)
- Các lãnh đạo độc tài bị lật đổ thường có kết cục không có hậu.
- Thường có một khoảng trống quyền lực, ngắn dài tùy thuộc tình trạng riêng từng bối cảnh, sau khi chế độ độc tài sụp đổ.
- Không xuất hiện tính “chính đáng hồi cố” như trong chuyển hóa, thay vào đó là sự áp đảo của chủ trương dứt bỏ hoàn toàn với quá khứ.
- Số phận của dân chủ được định đoạt bởi
tương quan sức mạnh giữa nhóm đối lập dân chủ ôn hòa với nhóm đối lập
cực đoan phi dân chủ.
3. Hóa thế (Transplacement) [xx]
Đặc trưng cơ bản của dạng chuyển đổi hóa thế
là sự tương tác, phối hợp giữa nhóm cải cách (1b, 1c) phía chính quyền
độc tài và nhóm ôn hòa phía đối lập (2b). Điều kiện cần cho hóa thế
xảy ra: 1. Tương quan lực lượng giữa nhóm cải cách (1b, 1c) và nhóm
cứng đầu (1a) trong chính quyền độc tài ở thế đưa tới khả năng chấp nhận
đàm phán nhưng không chấp nhận chuyển đổi. 2. Nhóm ôn hòa (2b) chiếm
thế áp đảo ở phía đối lập nhưng không đủ mạnh để lật đổ chính quyền.
Đã có 11 hóa thế xảy ra trong
tổng số 35 chuyển đổi của làn sóng dân chủ hóa lần ba. Các trường hợp
điển hình: Ba Lan, Cộng hòa Tiệp Khắc, Nam Hàn, Nam Phi.
Hóa thế thường trải qua một loạt gồm 04 giai đoạn liên tiếp và khác biệt:
1. Chính quyền độc tài thực hiện một số tự do hóa và bắt đầu bị mất dần quyền lực, quyền uy.
2. Đối lập tận dụng cơ hội kể trên để mở
rộng sự ủng hộ và gia tăng hoạt động gây áp lực với kỳ vọng sớm thay
thế-lật đổ được chính quyền.
3. Chính quyền phản ứng mạnh nhằm hạn chế, triệt hạ sự phát triển của đối lập. Căng thẳng, đụng độ giữa hai phía bùng nổ.
4. Cả hai phía, chính quyền độc tài và
đối lập, đều nhận ra tình trạng bế tắc và bắt đầu thăm dò những khả năng
chuyển đổi bằng đối thoại, đàm phán. (giai đoạn này có thể không xảy
ra, khi: Sau một thay đổi về lãnh đạo, phía chính quyền đột ngột dùng
cảnh sát và quân đội trấn áp tàn bạo đối lập; hoặc phía đối lập gia tăng
được sức mạnh khiến chính quyền sụp đổ.
Một số lưu ý khác trong hóa thế:
- Tương quan sức mạnh giữa đối lập và
chính quyền ở mức khá tương đương tới mức khiến cho nguy cơ đụng độ,
thảm họa dễ xảy ra hơn là khả năng đàm phán, thỏa hiệp.
- Trong chính quyền thường có những yếu tố vận động, gây áp lực giới lãnh đạo cao nhất hướng tới đối thoại với đối lập.
- Nhóm ôn hòa phía đối lập phải đủ mạnh để gây tin tưởng trong đàm phán.
- Đối lập dễ chấp nhận đàm phán hơn khi
chính quyền không quá bạo lực và trong chính quyền có các nhân vật ủng
hộ việc chia sẻ quyền lực. Phía chính quyền dễ đi đến đối thoại hơn nếu
phía đối lập không dùng bạo lực và có các thành phần đã từng tham dự
chính thức trong chính quyền.
- Các chiến dịch của đối lập trên đường
phố, thực địa (biểu tình, bãi công, bãi khóa, tuần hành,…) có diễn tiến
lên xuống, trồi sụt lặp lại và kéo dài tương ứng với các đối phó, trấn
áp của chính quyền (phong tỏa, bạo hành, bắt bớ, thiết quân luật,…).
- Giai đoạn tiền đối thoại (đàm phán)
gần như là bắt buộc phải xảy ra: đối lập chấp nhận thuyên giảm hoặc hứa
từ bỏ một số loại hoạt động áp lực,…; chính quyền thả tù chính trị, công
nhận tính chính đáng của một số nhóm (cá nhân) đối lập,…
- Đàm phán luôn có tính mong manh và cả
hai bên đều gặp cùng một khó khăn: bị các nhóm khác trong phe mình phản
đối đàm phán hoặc bác bỏ kết quả đám phán.
- Đàm phán thất bại sẽ là cơ hội cho
nhóm cứng đầu (1a) và cực đoan (2a) giành lại quyền kiểm soát tình hình
(trong chính quyền và đối lập).
- Các đàm phán thành công thường được
dựa trên nền tảng đảm bảo để không ai bị mất tất cả (phía chính quyền
được đảm bảo không bị truy tố, trừng phạt vì những bạo hành trong quá
khứ,…; phía đối lập được đảm bảo chia sẻ quyền lực,…)
(Ranh giới giữa chuyển hóa và hóa thế thường không rõ ràng, trong một số trường hợp có thể xếp lẫn sang nhau.)
(Còn tiếp 2 kì)
© Phạm Hồng Sơn & pro&contra
[i]
Samuel P. Huntington (1927-2008), giáo sư chính trị học tại các đại học
Harvard, Columbia, học giả có ảnh hưởng của Hoa Kỳ, đồng sáng lập
Foreign Policy,
từng làm tư vấn cho Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và
cố vấn cho một số chính quyền nước ngoài. Một tác phẩm của Huntington đã
được dịch ra tiếng Việt:
The clash of civilizations and the remaking of world order (1996), do Nxb Lao Động ấn hành năm 2005 với nhan đề
Sự va chạm của các nền văn minh.
[ii]
Tập hợp các quốc gia này gồm: Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha,
Ecuador, Peru, Bolivia, Argentina, Uruguay, Brazil, Honduras,
Salvadoran, Guatemala, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Nam Hàn, Đài
Loan, Hungary, Ba Lan, Đông Đức, Tiệp, Rumani, Mông Cổ, Mexico, Chile,
Grenada, Nicaragua, Haiti, Papua New Guinea, Nambimia, Nam Phi, Nepal,
Bulgari… Samuel P. Huntington,
The third wave – democratization in the late twentieth century, Oklahoma,
paperback printing 1993, University of Oklahoma Press, trang 22-25.
(các chú thích sau đây về số trang đều dựa trên bản sách này, nếu có
khác sẽ có chú thích thêm)
Huntington đưa ra khái niệm “làn sóng dân chủ hóa”: “là một nhóm các
chuyển đổi thể chế từ phi dân chủ sang dân chủ, xuất hiện trong một thời
đoạn cụ thể và có tính áp đảo những chuyển đổi theo chiều ngược lại
trong cùng thời kỳ.” – trang 15. Làn sóng dân chủ hóa thứ nhất, theo
Huntington, diễn ra trong khoảng 1828-1926, làn sóng thứ hai 1943-1962
(trang 16). Lưu ý: mỗi làn sóng này đều có một làn sóng đảo ngược (trở
lại phi dân chủ, nhiều hoặc ít) sau đó.
[v] Một tác phẩm quan trọng khác của Huntington xuất bản năm 1968, tên đầy đủ:
Political order in changing societies.
[vii] Trang xv. Từ
nhà dân chủ hóa dịch từ chữ
democratizer
– đây là chữ ít thấy dùng trong các tài liệu tương tự, bản thân người
biên soạn chưa thấy ai dùng. Có lẽ đây là chữ dùng riêng của Huntington
và điều này cũng phù hợp với tư duy của ông :
dân chủ hóa là
tiến trình có sự tham gia của nhiều thành phần, đối tượng, không cứ phải
là người có tư tưởng (thực sự) dân chủ (democrat, democratic) hay vì
dân chủ (pro-democracy activist).
[xi] Nguyên văn: an instrumental rather than consummatory culture.
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét