Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Với việc thông qua Hiến pháp, QH Khóa XIII đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nhiệm kỳ này – B. Long

Kỳ họp thứ Sáu vừa bế mạc chiều 29.11. Trước đó một ngày, 9h54 phút ngày 28.11.2013, với tỷ lệ 97,59% tổng số ĐBQH có mặt tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Ngay sau khi có kết quả này, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG TRỊ PHẠM ĐỨC CHÂU chia sẻ, thực sự tự hào với quyết định của QH. Với việc thông qua Hiến pháp (sửa đổi), QH Khóa XIII đã hoàn thành một sứ mệnh rất quan trọng, sứ mệnh mang tính lịch sử của nhiệm kỳ này.
Điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chương về chính quyền địa phương là thành công nổi bật nhất của Hiến pháp mới
- Với 97,59% tổng số ĐBQH có mặt tán thành, QH Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Chúng ta đã có một bản Hiến pháp mới cho một thời kỳ mới xây dựng và phát triển đất nước, thưa Trưởng đoàn?
- Có lẽ không chỉ tôi mà tất cả các ĐBQH Khóa XIII đều thấy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa là nhiệm vụ nặng nề vừa là vinh dự rất lớn lao của QH Khóa XIII và các ĐBQH Khóa XIII. Từ khi QH quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xây dựng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo… và có một bản Dự thảo hoàn chỉnh để trình QH thông qua trong Phiên họp sáng 28.11, tôi cảm nhận được quyết tâm rất lớn của QH, của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, của các ĐBQH và các tầng lớp nhân dân trong việc sửa đổi, bổ sung để có một bản Hiến pháp mới đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới. Ngay trong sáng qua, trong tổng số 97,99% tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết thì có tới 97,59% tán thành – một tỷ lệ gần như tuyệt đối. Con số này – bản thân nó đã chứng tỏ việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một thành công lớn, thể hiện ý chí đồng thuận rất cao của QH, và trong đó, chúng ta thấy cả ý chí, sự đồng thuận rất cao của nhân dân cả nước.
Khi ấn nút biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và nhìn thấy kết quả biểu quyết hiện lên trên màn hình lớn của Hội trường Bộ Quốc phòng, tôi thực sự tự hào và thỏa mãn với quyết định của QH. Tôi cũng mong muốn rằng, trên cơ sở bản Hiến pháp mới vừa được QH thông qua, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các tầng lớp nhân dân… sẽ tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung của Hiến pháp để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống, tinh thần đổi mới và các quy định mới của Hiến pháp sẽ được cụ thể hóa trong đời sống xã hội. Với việc thông qua Hiến pháp, QH Khóa XIII đã hoàn thành một sứ mệnh rất quan trọng, một sứ mệnh mang tính lịch sử của nhiệm kỳ này. Tuy nhiên, QH vẫn còn một khối lượng công việc rất đồ sộ cần phải làm sau khi thông qua Hiến pháp. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một loạt các đạo luật, đặc biệt là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước trên tinh thần của Hiến pháp mới: xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
- Chúng ta đã có một Hiến pháp mới, kết tinh được trí tuệ và nguyện vọng của nhân dân… Nếu đề cập đến những thành công nổi bật nhất của Hiến pháp mới, Trưởng đoàn sẽ nói về điều gì?
- Có thể nói, bản Hiến pháp vừa được QH thông qua có rất nhiều điểm mới.  Từ Chương về chế độ chính trị; Chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; đến Chương về chính quyền địa phương… chúng ta đều đã có những sửa đổi, bổ sung hết sức quan trọng. Cá nhân tôi đặc biệt tâm đắc với quy định tại Điều 4 của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội và chế định về chính quyền địa phương. Hai nội dung này, theo tôi, có thể xem là thành công nổi bật nhất của Hiến pháp mới.
Có gì phấn khởi hơn khi Hiến pháp mới đã tiếp tục khẳng định: ở mỗi cấp chính quyền đều có một cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương…
- Trong quá trình thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của QH, Trưởng đoàn là một trong số những ĐBQH rất kiên trì bảo vệ quan điểm xây dựng chính quyền địa phương theo nguyên tắc: ở đâu có cơ quan hành chính nhà nước, ở đó phải có HĐND…?
- Chế định Chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hiến pháp sửa đổi lần này. Sau rất nhiều lần ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp thu, chỉnh lý và QH đã đi đến quyết định cuối cùng về Chính quyền địa phương. Theo đó, Chương về Chính quyền địa phương trong Hiến pháp mới đã khẳng định 3 nguyên tắc căn bản trong tổ chức chính quyền địa phương. Một là, cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Hai là, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên; HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Ba là, UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên. Chế định Chính quyền địa phương cũng để mởquy định về việc tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định. Tôi cho rằng, quy định về Chính quyền địa phương như Hiến pháp mới đã đáp ứng được hai yêu cầu rất quan trọng hiện nay. Đó là: đáp ứng được yêu cầu đổi mới của tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó có chính quyền địa phương. Và bảo đảm nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã được khẳng định ngay tại Điều 2 của Hiến pháp.
Tôi cho rằng, cử tri sẽ rất hài lòng vì QH đã quyết định sửa đổi, bổ sung chế định về Chính quyền địa phương như trên. Có lẽ không cần phải nói thêm về vai trò, tính chất quan trọng của HĐND trong việc bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nữa. Vậy thì, có gì phấn khởi hơn khi Hiến pháp mới đã tiếp tục khẳng định: ở mỗi cấp chính quyền đều có một cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, cơ quan đó sẽ thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước tại địa phương!
- Như Trưởng đoàn chia sẻ, Hiến pháp đã khẳng định 3 nguyên tắc căn bản nhất trong tổ chức chính quyền địa phương – có thể xem 3 nguyên tắc này là điều kiện bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tới đây hay không?
- Hiến pháp là đạo luật gốc của hệ thống pháp luật. Theo tôi, việc Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định 3 nguyên tắc căn bản về tổ chức chính quyền địa phương đã là một thành công lớn. 3 nguyên tắc này là nền tảng pháp lý cao nhất để HĐND các cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhưng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Thực tế cho thấy, Hiến pháp năm 1992 cũng đã ghi nhận các nguyên tắc này nhưng vì sao quá trình thực hiện vẫn có lúc, có nơi, hoạt động của HĐND còn hình thức, chưa hiệu quả. Câu chuyện đặt ra là, chúng ta có quyết tâm làm cho HĐND các cấp mạnh lên hay không? Nếu câu trả lời là có thì trước hết, trách nhiệm của QH là phải ban hành một đạo luật về tổ chức chính quyền địa phương thay thế cho Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện nay, bảo đảm điều kiện về mặt pháp lý để HĐND phát huy được hết thế mạnh của mình. Tiếp đó, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là phải tạo điều kiện tối đa cho HĐND hoạt động, thực sự tôn trọng HĐND, đại biểu HĐND. Và cuối cùng, điểm mấu chốt là chất lượng đại biểu HĐND phải được nâng lên, trên cơ sở Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước thì bản thân HĐND, đại biểu HĐND phải cố gắng làm thật tốt trách nhiệm của mình đối với nhân dân. Nói cách khác, Hiến pháp, pháp luật là nền tảng pháp lý quan trọng nhất. Nhưng để những nền tảng pháp lý đó đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả của nó, trở thành trái ngọt cho cuộc sống, cho nhân dân thì đòi hỏi HĐND, đại biểu HĐND phải cố gắng để làm tròn sứ mệnh của mình.
- Trưởng đoàn sẽ báo cáo với cử tri của mình như thế nào về Hiến pháp mới?
- Ngay sau Kỳ họp này, chúng tôi sẽ báo cáo về Hiến pháp mới tại Kỳ họp của HĐND tỉnh, với đội ngũ báo cáo viên của toàn tỉnh, với cử tri, đặc biệt là các cán bộ, công chức của tỉnh để từ đó, chuyển tải nhanh nhất những nội dung quan trọng và tinh thần của Hiến pháp mới đến với cử tri toàn tỉnh. Chúng tôi cũng sẽ dành thời gian để báo cáo với các nguyên lãnh đạo của tỉnh, các lão thành cách mạng qua các thời kỳ về nội dung của Hiến pháp, những nỗ lực của QH để có được một bản Hiến pháp mới. Tôi hy vọng rằng, với cách thức như vậy, ngay sau Kỳ họp, tư tưởng của Hiến pháp, các nội dung cụ thể của Hiến pháp, nhất là các nội dung mới sẽ được chuyển tải nhanh nhất đến với nhân dân các địa phương để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống!
 - Xin cám ơn Trưởng đoàn!
B. Long thực hiện; Ảnh: Q.Khánh

Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=299945

0 nhận xét:

Đăng nhận xét