Trần Độ
I. Thế nào là Quân đội chính quy?
Quân đội chính quy là một quân đội:
Về tổ chức, biên chế thống nhất và đầy đủ, cách làm việc
khoa học ngăn nắp;
Về tác chiến, đánh lớn, đánh vận động, đánh tập trung
có nhiều binh chủng phối hợp, có chỉ huy thống nhất với những phương châm chiến
thuật nhất định;
Về trang bị, thống nhất, đầy đủ với những vũ khí hiện đại;
Có một kỹ thuật tác chiến cao được rèn luyện đầy đủ.
Quân đội chính quy không phải là ở quần áo mặc đều, đẹp,
chỗ làm việc trang hoàng lộng lẫy ra vào chào nhau rắp bốp mà ở nội quy những điểm
trên được đầy đủ.
II. Từ trước tới nay ta tiến tới
chính quy hoá thế nào?
Quân đội ta từ các đội du kích lẻ tẻ nay đã tập trung
thành những bộ đội đánh vận động lớn. Trong thời gian qua, ta đã nêu nhiều khẩu
hiệu chính quy hoá. Về việc thực sự chính quy hoá ta có nhiều tiến bộ về tác
chiến, về trang bị, kỹ thuật, nhưng chưa được đầy đủ hẳn.
Trong khi ấy ta mắc phải nhiều bệnh về chính quy hoá:
- Máy móc do chỗ chính quy hoá, làm việc phải ngăn nắp
có hệ thống, các cơ quan nhiều khi đâm ra máy móc, mất thì giờ chậm việc, nhiều
khi biến thành quan liêu chủ nghĩa, cán bộ chỉ ngồi chỉ tay năm ngón;
- Hình thức, chỉ chú trọng tập cơ bản thao diễn đòi ăn
mặc quần áo đều đẹp, giày kêu, mũ bọc cờ quạt nguy nga, không chú trọng giáo dục
tư tưởng chính quy, trau dồi kỹ thuật, tổng kết kinh nghiệm mà chỉ huy đặt hàng
trăm quy tắc rườm rà;
- Xa nhân dân, do chỗ ở tập trung, lưu động luôn, không
chú ý giáo dục quan điểm nhân dân, không chú ý công tác dân vận, lại còn đôi
khi hoá ra hống hách quân phiệt.
Hiện nay những khuyết điểm trên đã bớt, nhưng cần nghiên
cứu để trừ cho hết và đề phòng.
III. Yếu tố quan trọng nhất của chính quy là gì?
Là tinh thần kỷ luật.
Không phải là kỷ luật không mà là tinh thần kỷ luật vì
bộ đội ta là bộ đội cách mạng, mọi người phải tự giác, cần có kỷ luật.
Có kỷ luật mới bảo đảm được tổ chức nghiêm minh.
Có kỷ luật mới bảo đảm được việc tác chiến lớn.
Có kỷ luật mới bảo đảm được việc trang bị thống nhất.
Kỷ luật tự giác sẽ không làm cho cán bộ thành quân phiệt
được. Cán bộ phải biết khêu gợi tinh thần tự giác kỷ luật của mọi người và phải
gương mẫu để duy trì kỷ luật.
Kỷ luật đề cao phải đi đôi với mở rộng dân chủ, có mở
rộng dân chủ mới giữ được kỷ luật nghiêm, càng kỷ luật nghiêm càng cần mở rộng
dân chủ.
Kỷ luật thì quan trọng nhất là chấp hành mệnh lệnh
nhanh chóng triệt để không ngần ngừ, đề nghị phải tôn trọng mọi chính sách đường
lối, chỉ thị của cấp trên, nhất nhất làm theo.
Phải tôn trọng kỷ luật thời gian làm việc đúng giờ, làm
xong việc đúng hẹn.
Phải tôn trọng kỷ luật báo cáo.
|
Ảnh: Gặp gỡ các chiến sĩ của một tiểu đội thuộc d7, e66, Đại đoàn 304. |
IV. Tinh thần kỷ luật chính quy có
liên hệ gì đến giai cấp tính và Đảng tính?
Một trong những điểm giai cấp tính của giai cấp vô sản
là kỷ luật tính. Đảng của giai cấp vô sản lại càng phải kỷ luật thật chặt, thật
sát để lãnh đạo giai cấp làm cách mạng.
Quân đội ta tranh đấu cho nền dân chủ nhân dân do Đảng
Cộng sản lãnh đạo, càng cần phải phát huy kỷ luật tính. Như vậy chính quy hoá lại
là nâng cao giai cấp tính và Đảng tính, nhưng phải đề phòng kỷ luật đế quốc, tư
bản không phải vì phục vụ nhân dân, không chịu dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Vậy ai có Đảng tính và giai cấp tính cao là có tinh thần
kỷ luật cao, nhưng kỷ luật tự giác biết mở rộng dân chủ và biết gương mẫu kỷ luật.
V. Thế nào là Quân đội nhân dân?
Quân đội nhân dân là quân đội do nhân dân giác ngộ tổ
chức ra và là quân đội tranh đấu vì quyền lợi của nhân dân, hết sức hy sinh phấn
đấu khó khăn, không ngại nguy hiểm không sờn.
Vì Quân đội nhân dân không tách rời nhân dân mà liên hệ
mật thiết với nhân dân, Quân đội nhân dân không độc lập với các cơ quan chính
quyền với các đoàn thể nhân dân và công an mà lại càng phải liên hệ mật thiết,
phối hợp chặt chẽ để công tác, tranh đấu cho quyền lợi của nhân dân.
VI. Yếu tố quan trọng nhất của Quân
đội nhân dân là gì?
Là tinh thần phục vụ nhân dân.
Tinh thần phục vụ nhân dân là một tinh thần làm việc,
tinh thần chiến đấu chỉ nhằm lợi ích của nhân dân mà phát huy. Cái gì có lợi ích
cho nhân dân thì không quản khó khăn, nhỏ bé, nguy hiểm cũng gắng công làm cho được.
Cái gì không có lợi ích cho nhân dân hay phản lại lợi ích của nhân dân thì dù
cho có chạm đến quyền lợi, địa vị của bản thân mình, có nguy hiểm đến tính mệnh
mình cũng phải chống cho kỳ được.
Lợi ích cho nhân dân là lợi ích cho những gì của nhân
dân. Nhân dân ở đây là nhân dân vùng tự do, là cả nhân dân vùng địch chiếm đóng,
là gồm đa số những tầng lớp yêu nước bị áp bức bóc lột, là tất cả những cơ quan
đoàn thể của nhân dân, chính quyền của nhân dân, là ngay bản thân những người
trong quân đội, binh sĩ và cán bộ và gia đình họ. Kẻ nào cố tình theo giặc làm
hại nhân dân thì không phải là nhân dân nữa. Cần nhận định như thế để thấy rõ
tinh thần phục vụ của mình và phân biệt lợi ích đúng và lợi ích không chính đáng.
VII. Quân đội nhân dân phục vụ nhân
dân thế nào?
Không phải chỉ mang danh là Quân đội nhân dân và nói rằng
phục vụ nhân dân là đủ.
Cũng không phải chỉ lúc nào trực tiếp làm nhà, làm cửa,
quét dọn, đi gặt cho dân mới là phục vụ nhân dân.
Quân đội nhân dân trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp
công tác và chiến đấu đều là phục vụ nhân dân. Tinh thần phục vụ nhân dân phải
biểu lộ ra ở sự đoàn kết với nhau, đoàn kết với nhân dân, với chính quyền với đoàn
thể, phải biểu lộ ra tinh thần tích cực, dũng cảm, tích cực công tác, tích cực
học tập, dũng cảm chiến đấu và luôn luôn tôn trọng lợi ích của nhân dân.
Vì vậy:
Trong nội bộ chiến sĩ phải tôn kính cán bộ, cán bộ phải
thương yêu binh sĩ. Có như thế trên dưới mới nhất trí, đoàn kết có sức mạnh đánh
giặc, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Từ trước tới nay, cán bộ ta thương yêu
binh sĩ chưa đủ, hay mắng mỏ binh sĩ, ít chú ý đến đời sống của binh sĩ, điều này
cần sửa chữa ngay.
Đối với bên ngoài, quân đội phải ủng hộ chính quyền (kể
cả cơ quan kháng chiến và công an) và yêu mến nhân dân, ủng hộ chính quyền để
duy trì trật tự pháp luật, bảo vệ lợi ích cho nhân dân, không được phân biệt quân
đội với chính quyền, không được cậy thế có vũ lực mà khinh rẻ, suy bì với các cơ
quan. Chính quyền là chính quyền của nhân dân, yêu mến nhân dân là yêu mến từ
trong ý nghĩ đến việc làm, không phải chỉ tỏ ra cung kính bề ngoài. Phải lễ độ,
vay mượn phải trả, mua bán công bằng phải thực tế giúp công việc sinh hoạt của
nhân dân.
Đối với của cải của quốc gia là
những vật dụng chính bản thân mình dùng (vũ khí, quân trang, quân dụng) đối với
các kho tàng, đối với những vật phẩm dù rất nhỏ, do chiến đấu lấy được của
địch, đối với của cải của nhân dân, phải nhất nhất tôn trọng, không được phí
phạm phá huỷ hoặc lấy làm của tư.
Đối với việc học tập phải biểu dương tính tích cực học
tập, học trong sách, học nhau, học trong lớp học, trong công tác và trong chiến
đấu. Nhất là phải dũng cảm phê bình và tự phê bình để phát huy ưu điểm, tổng kết
kinh nghiệm và khu trừ những khuyết điểm có hại đến lợi ích nhân dân.
Đặc biệt đối với công tác và chiến đấu, phải tích cực
và dũng cảm – và đây là điểm chủ yếu - bất cứ công tác to nhỏ, nặng nhẹ, thích
hợp hay không thích hợp đều phải đề cao tinh thần phục vụ gắng làm cho tròn vẹn,
không kể đến những thiệt thòi khó khăn của cá nhân mình. Trong chiến đấu, không
kể khó khăn nguy hiểm, lúc nào cũng hết sức chấp hành mệnh lệnh và đề cao tinh
thần tích cực diệt địch, tạo cơ hội mà diệt địch, tìm địch mà diệt chúng, không
sợ thương vong, gian khổ.
Tóm lại bất cứ lúc nào một cử chỉ, một hành động, một
lời nói của người quân nhân cách mạng đều có thể phục vụ quyền lợi cho nhân dân,
đều biểu lộ được tinh thần phục vụ của mình. Sai trái một chút là thiệt hại đến
quyền lợi của nhân dân là không xứng đáng với tinh thần quân đội cách mạng.
VIII. Tinh thần phục vụ nhân dân có
liên quan gì đến Đảng tính và giai cấp tính?
Nó chính là Đảng tính và giai cấp tính được biểu lộ ra
vì giai cấp vô sản có một bản tính là tranh đấu cho quyền lợi của những người bị
áp bức, biết đoàn kết, trọng tập thể hơn cá nhân. Đảng của giai cấp vô sản chỉ
nhằm mục đích lãnh đạo giai cấp vô sản và nhân dân lao khổ tranh đấu giành lấy
cơm áo, tự do. Quân đội nhân dân tranh đấu cho hoà bình, dân chủ cũng phải theo
đường lối trên và có những đức tính trên.
Ngày 14-02-1951
Chú thích:
1- Đây là tài liệu huấn luyện căn bản cho cán bộ và
chiến sĩ, tài liệu này nêu những nét chính khi giảng hay khi học phải liên hệ với
thực tế tìm ra nhiều thí dụ cụ thể cho sáng rõ vấn đề.
2- Khi học hay khi giảng cần mỗi người tự kiểm điểm
xem có gì sai trái với những điểm trên không ? Nếu có, xem nguyên nhân tại sao,
cách sửa chữa thế nào cho tiến bộ.
3- Đối với quần chúng thường chưa có cảm tình với Đảng
có thể bỏ qua câu hỏi thứ tư và thứ tám.
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét