Đã vậy, việc áp dụng luật Obamacare đã mang ra ánh sáng nhiều chuyện thực tế mà từ trước đến giờ hầu hết mọi người không biết, kể cả những người làm luật cũng không biết hết được những hậu quả thực tế của luật mới. Nói như bà cựu Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, “chúng ta phải biểu quyết luật cải tổ y tế rồi thì mới biết trong luật có gì”. Nói kiểu quái lạ giống như chúng ta phải đặt cái cày trước con trâu mới biết con trâu có đi tới được không, nhưng lại không thiếu gì người tin và hoan hô.
Những ngày qua, thiên hạ đọc báo và khám phá ra là những vấn đề của Obamacare lớn hơn tất cả mọi dự đoán bi quan nhất từ trước đến nay.
Trên cột báo này, ngay từ những năm 2009-2010 khi Obamacare mới được đưa ra tranh cãi cũng như vừa được biểu quyết “chui” xong, kẻ viết này cùng với quan điểm chung của những người nghi ngờ Obamacare, đã cảnh giác những hậu quả tai hại của Obamacare.
Đại khái, tác giả tin rằng Obamacare sẽ đưa đến hai tình trạng: ngắn hạn, chi phí y tế, cho dù là tiền mua bảo hiểm hay tiền nhà thương bác sĩ, sẽ gia tăng đồng loạt, và dài hạn, dân Mỹ sẽ phải xếp hàng dài người để được chữa trị vì tình trạng thiếu nhà thương, bác sĩ, và thuốc men.
Không cần phải là đại trí thức, kinh tế gia với giải nobel, người ta cũng đoán ra được những hậu quả trên. Chỉ cần ta lý luận theo kiểu một cộng một là hai là sẽ thấy. Một khi trong vòng vỏn vẹn hai ba năm, có thêm ba chục triệu người nữa tham gia vào thị trường y tế, được bảo hiểm và được chữa trị đầy đủ, bất kể bệnh nặng đến đâu và chữa trị tốn kém đến đâu, thì dĩ nhiên là giá cả sẽ phải gia tăng ngay, và sau đó sẽ thiếu bác sĩ, thiếu nhà thương, thiếu thuốc men. Bài tính không thể nào giản dị hơn. Luật cung cầu sơ đẳng.
Cái oái ăm là trong tình trạng đó, TT Obama, là người đi rao bán món hàng Obamacacre cho thiên hạ, vẫn khăng khăng khẳng định là sẽ không có gì thay đổi hết, chi phí y tế nếu không giảm thì bảo đảm cũng không tăng, tất cả mọi người đều có thể giữ bác sĩ, giữ hãng bảo hiểm, giữ nhà thương của mình nếu muốn, không phải thay đổi gì hết.
“If you like your health care plan, you’ll be able to keep your health care plan. Period. No one will take it away. No matter what.” Tạm dịch là “Nếu bạn thích chương trình y tế của bạn, bạn có thể giữ nó. Chấm hết. Không ai sẽ lấy nó đi. Bất kể chuyện gì khác”. Đó là nguyên văn câu nói của TT Obama. Không thể nào rõ ràng hơn. Đó là lời hứa và lời trấn an ngắn gọn của tổng thống. Chấm hết!
Ta phải hiểu đây là lời hứa quan trọng nhất trong Obamacare. Đối với dân tỵ nạn ta, chuyện thay đổi bác sĩ, nhà thương, không bao giờ là chuyện đáng quan tâm, trong ý nghĩ bác sĩ nào cũng thế, nhất là sau cuộc đổi đời phải di tản qua Mỹ thay đổi hết, thì sống ở đâu cũng thế, làm job gì cũng xong, đi bác sĩ nào cũng được. Nhưng đối với dân Mỹ, trong văn hoá và tập quán Mỹ, mỗi người đều có bác sĩ riêng, luật sư riêng, kế toán làm thuế riêng, … mà họ đã quen biết lâu ngày và tin tưởng tuyệt đối. Không dễ gì thay đổi vì như vậy sẽ mất thời giờ tái tạo lại sự tin tưởng và quan hệ cá nhân. Đặc biệt là đối với bác sĩ vì cho dù bệnh nào đi nữa thì bác sĩ cũng cần phải biết rõ tình trạng sức khỏe tổng quát mới chẩn bệnh và chữa trị đúng nhất được. Một bác sĩ sẽ phải mất nhiều thời gian mới làm quen với bệnh nhân được. Đó là chưa kể mỗi bác sĩ có thể cho thuốc khác nhau, đổi thuốc là cả một vấn đề.
Bên cạnh vấn đề bác sĩ và nhà thương quen thuộc là vấn đề tiền. Lời hứa của TT Obama có thể khiến mọi người hiểu là cái chương trình bảo hiểm mọi người đang có sẽ không có thay đổi gì, tức là tiền bảo phí cũng như các điều kiện và trường hợp bảo hiểm cũng sẽ không thay đổi gì, bạn có thể giữ nguyên nó như cũ nếu bạn muốn. Khi nói đến “you can keep your plan”, mọi người đều hiểu như vậy. Không có gì thay đổi hết.
Nói trắng ra, theo như TT Obama xác định, Obamacare chỉ mở cửa đón nhận thêm những người vì lý do bệnh tình hay tài chánh nên không có bảo hiểm, bây giờ được cung cấp bảo hiểm và được Nhà Nước giúp đỡ tiền bạc để có bảo hiểm. Ngoài ra, tất cả mọi người khác đều không bị ảnh hưởng gì. Không bị đổi bác sĩ, nhà thương, không bị tăng bảo phí, không phải đổi bảo hiểm. Chỉ là một chương trình mở rộng bảo hiểm sức khoẻ cho toàn dân. Chỉ có “cộng” mà không có “trừ” gì hết. Quá đẹp! Như trong mơ.
Đáng buồn thay, dân Mỹ có câu “too good to be true”. Quá tốt để có thể là sự thật.
Mà quả đúng như vậy, chưa đầy một tháng sau khi chương trình Obamacare được bắt đầu áp dụng trọn vẹn, thiên hạ khám phá ra Obamacare không phải là giấc mộng đẹp mà đã là một ác mộng, cho tất cả mọi người.
Các hãng bảo hiểm đồng loạt hủy bỏ các chương trình bảo hiểm hiện hành của cả triệu người trên khắp nước. Các chuyên gia ước tính có thể hơn 100 triệu người có nguy cơ mất bảo hiểm cũ. Dĩ nhiên là có thể mua bảo hiểm mới chứ không phải là không có bảo hiểm. Luật Obamacare bắt buộc tất cả 100% dân chúng phải có bảo hiểm mà. Nhưng bảo hiểm mới mua sẽ khác xa các chương trình bảo hiểm đang có. Bảo phí sẽ cao hơn, tiền trả trước sẽ tăng gấp mấy lần, và quan trọng đối với dân Mỹ, một số lớn sẽ phải thay bác sĩ, nhà thương.
Hầu hết các chương trình bảo hiểm sức khoẻ cho ta một danh sách giới hạn nhà thương và bác sĩ mà hãng bảo hiểm chấp nhận, và chúng ta chỉ được lựa chọn nhà thương và bác sĩ trong danh sách đó thôi. Bây giờ, các danh sách này thay đổi hàng loạt.
Vấn đề nhiều khi rắc rối hơn vì đại đa số thiên hạ mua bảo hiểm qua các chuyên viên bán bảo hiểm –insurance agent-, mà nhiều chuyên viên lại chỉ bán được bảo hiểm của vài hãng này mà không bán được bảo hiểm của vài hãng khác. Nếu muốn đổi hãng bảo hiểm mà lại đổi qua một hãng của ông agent của mình không được bán, thì lại phải đổi ông bán bảo hiểm luôn. Đúng là một mớ boòng boong rối bù.
Như một gia đình, chủ một cây xăng ở Michigan, bị hủy bảo hiểm đang có. Muốn có bảo hiểm tương tự như bảo hiểm đang có thì phải mua bảo hiểm mới, với giá đắt hơn khoảng 30%. Muốn có bảo hiểm tương tự với giá tương tự cũng có, nhưng mỗi lần đi nhà thương sẽ phải lái xe đi qua một thành phố cách nhà hơn 100 dặm. Bị đứng tim khẩn cấp cũng phải lái xe mất hai tiếng đồng hồ tới nhà thương.
Một bà khác, có bảo hiểm với Humana, được thông báo là bảo phí sẽ tăng từ $300 lên đến $705, tăng hơn gấp đôi. Sau khi truy cứu, bà tìm ra được một hãng bảo hiểm rẻ hơn chút đỉnh, $623 một tháng, nhưng bà phải đổi bác sĩ bà đã quen thuộc từ 16 năm nay.
Các hãng bảo hiểm giải thích những thay đổi này, từ thay đổi điều kiện và trường hợp bảo hiểm, đến thay đổi giá cả, là do nhu cầu đáp ứng những đòi hỏi của luật Obamacare, không phải là các hãng tự ý muốn đổi.
Đây là những “khám phá” mới lạ mà trước đây không ai biết. Nhiều đòi hỏi có vẻ hợp lý tuy không nhất định phải là cần thiết, ví dụ như đòi phải bảo hiểm bệnh thần kinh, bảo hiểm chống bạo lực gia đình, cho dù người mua bảo hiểm chưa lập gia đình. Nhiều đòi hỏi khác nghe tiếu lâm, như đòi hỏi các bà phải có bảo hiểm ngừa thai, bất kể tuổi tác, cho dù đã qua tuổi cổ lai hy. Nhưng đạt đỉnh cao của vô lý là đòi hỏi trong bảo hiểm của tất cả mọi người, kể cả các đấng tu mi nam tử, phải có bảo hiểm thai nghén và sanh đẻ. Trong cuộc điều trần trước Hạ Viện ngày 31/10 vừa qua, bà Bộ Trưởng Y Tế Kathleen Sebelius đã bị dân biểu Renée Ellmers, Cộng Hoà của South Carolina chất vấn về những chuyện này, nhưng bà Sebelius đã tránh né, không trả lời. Làm sao trả lời được? Bà đâu phải là người viết luật.
Có hãng bảo hiểm đã biện minh tiền bảo phí tuy tăng, nhưng bây giờ có trợ cấp của Nhà Nước trả đỡ một phần nào. Chỉ là ngụy biện. Làm như thể trợ cấp là do TT Putin của Nga đóng góp, chứ không phải là tiền thuế do chính người dân Mỹ phải trả. Trả qua thuế hay trả thẳng vào bảo phí khác nhau chỗ nào? Có khác chăng là khác ở chỗ lấy tiền người này trả cho người kia. Có phải đây lại chỉ là một hình thức “tái phân chia lợi tức” là nguyên tắc thành đồng của xã hội chủ nghiã?
Người ta cũng khám phá ra tiền bảo phí tăng đồng loạt trên khắp 50 tiểu bang, nhưng nói chung, tại những tiểu bang “xanh” là những tiểu bang theo Dân Chủ, bầu cho TT Obama, bảo phí tăng ít hơn là bảo phí tại các tiểu bang “đỏ” theo Cộng Hoà, bầu cho McCain hay Romney. Trung bình thì tiền bảo phí sẽ tăng 50% tại các tiểu bang “xanh” và tăng 78% tại các tiểu bang “đỏ”. Ít ra thì các chuyên gia cũng đã nhận định đây không phải là kết quả của một chính sách “kỳ thị” trả thù Cộng Hòa, mà chỉ vì những tiểu bang “đỏ” theo Cộng Hoà thường có luật lệ kiểm soát ngành bảo hiểm không khắt khe lắm nên dễ bị các hãng bảo hiểm lợi dụng tăng giá mạnh hơn.
Trước thực tế cả chục hay cả trăm triệu người mất bảo hiểm cũ, phải mua bảo hiểm mới đắt hơn, làn sóng bất mãn dâng cao. Các báo, kể cả các cơ quan ngôn luận nổi tiếng phe ta cũng đã phải lên tiếng phàn nàn, như bài báo trên Washington Post nêu trên, và hàng loạt các phóng sự của các báo lớn và đài truyền hình lớn, kể cả đài NBC, được coi như cái loa của chính quyền Obama.
Vấn đề đặt ra ở đây là TT Obama có biết trước là sẽ có thay đổi không? Ông bIết trước và hứa cuội? Hay thành tâm hứa vì không biết trước?
Theo một điều tra của đài truyền hình phe ta NBC, ngay từ năm 2010, chính quyền Obama đã ước tính sẽ có 93 triệu người bị mất bảo hiểm, hay bảo hiểm họ đang có sẽ thay đổi nhiều. Có nghiã là năm 2009, khi ông mới bắt đầu quảng bá Obamacare, có lẽ ông không biết và hưá lung tung. Nhưng ngay năm sau, ông biết sẽ có thay đổi quy mô, nhưng vẫn khăng khăng “không có gì thay đổi” chỉ vì đã phóng lao đành phải theo lao, lỡ hứa không thay đổi nên phải tiếp tục “kiên định lập trường”.
Nhà báo Marc Thiessen viết trên Washington Post là bài diễn văn quảng bá Obamacacre của TT Obama năm 2009 đã được ban tham mưu Toà Bạch Ốc cân nhắc rất nhiều về câu “không có gì thay đổi”, vì ngay trong ban tham mưu của TT Obama, các chuyên gia kinh tế và y tế đã lên tiếng “bắt buộc sẽ phải có thay đổi chứ không thể nào không có gì thay đổi”. Nhưng các phụ tá chính trị áp đảo được nhóm chuyên gia, và giữ lại câu nói đó trong bài diễn văn. Nói cách khác, chính trị mỵ dân chi phối tuyệt đối mọi hành động và lời nói của chính quyền Obama, bất chấp sự thật.
Niềm tin nơi vị lãnh đạo đất nước đã bị lung lay tận gốc rễ, khi người ta nhìn vào những dữ kiện so với những lời tuyên bố của tổng thống. Hàng trăm triệu người mất bảo hiểm là chuyện không thể dấu diếm được ai nữa. Thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy hậu thuẫn của TT Obama đã xuống đến mức kỷ lục chưa từng thấy: 39%. Thăm dò của AP cho thấy tỷ lệ đó là 37% từ mấy tuần trước rồi.
Và điều đáng nói nữa là hầu hết những người “bị hoạ” đều thuộc thành phần trung lưu, chưa đủ giàu để không thắc mắc chuyện tiền bạc, và không đủ nghèo để được trợ cấp, mà chỉ vừa đủ tiền để trả bảo phí cao hơn và mai này, đóng thuế cao hơn.
Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc, Jay Carney, nhắc nhở mọi người, tổng thống, cho dù quyền hạn rất lớn, cũng có nhiều chuyện không làm gì được. Nói cách khác, không phải lỗi của tổng thống đâu, lỗi của người viết luật, lỗi của các hãng bảo hiểm. Lại đổ thừa. Ông Carney chỉ quên một chuyện nhỏ: Yes, He Can! Vâng, TT Obama có thể làm được một chuyện: thu hồi, hay ít nhất hoãn việc áp dụng Obamacare lại để sửa đổi đôi điều.
Sau khi bà Sebelius điều trần trước quốc hội, Hạ Viện đã công bố một tài liệu của bộ Y Tế xác định trang mạng Obamacare chỉ có thể tiếp đón được 1.100 người mỗi ngày, trong khi bộ cũng ước tính sẽ có ít ra 60.000 người lên mạng cùng lúc. Dù biết có vấn đề lớn vì chưa sẵn sàng, bộ Y Tế vẫn tung trang mạng ra cho đúng ngày TT Obama đã hứa hẹn. Thực tế đã có khoảng 250.000 người vào trang mạng cùng lúc, và cả triệu người vào trong ngày đầu. Làm sao hệ thống không kẹt cứng được? Đã vậy các chương trình cũng bị viết sai rất nhiều, chẳng hạn như tính sai tiền bảo phí, tính sai tiền trợ cấp mua bảo hiểm,…
Thiên hạ bây giờ nhìn vào Obamacare thấy ba vấn đề: 1) trục trặc kỹ thuật quy mô, 2) mọi chuyện đảo lộn như mất bảo hiểm, đổi bác sĩ, nhà thương, 3) bảo phí và tiền trả trước tăng hơn xa mọi dự đoán bi quan nhất. Khác xa với tất cả mọi hứa hẹn đẹp đẽ của tổng thống.
Ngày 7/11 vừa qua, TT Obama trong một cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho đài truyền hình NBC đã chính thức tỏ ý hối tiếc (I am sorry) về việc cả triệu người đã bị mất bảo hiểm và hứa sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp họ. Không nghe ông nói gì về viễn tượng tăng chi phí quy mô hiện nay và thiếu nhà thương, bác sĩ trong tương lai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét