Nói chung, đã đi du lịch hoặc sinh sống ở Thái, ở Singapore, mà lại có điều kiện ăn tiệc buffet thì tất nhiên không phải là những người... đói; mà trái lại còn có sự lịch lãm nhất định. Vậy tấm biển đó do đâu?
Tôi đã từng ăn buffet khá nhiều ở Hà Nội, từ sang trọng tới bình dân trong dăm bảy năm nay, từ hồi buffet cà phê Phố ở Lý Thường Kiệt chỉ có 30 ngàn đồng/1 suất, tức là chỉ đắt gấp rưỡi so với suất cơm văn phòng vào thời điểm đó. Lần đầu ăn buffet, do chưa hiểu được cái "nồi cơm Thạch Sanh" đó, cho nên tôi cũng lấy hơi bị nhiều, nhất là mấy món mà mình thích. Nhưng chỉ qua một lần là tôi hiểu buffet là thế nào, và cứ ung dung mà ních cho chặt bụng.
Có lẽ trừ một vài người lần đầu tiên ăn buffet là có tâm lý sợ… hết, chứ tôi thấy gần như 100%, thực khách ăn uống lịch thiệp. Có một vài người còn tỏ ra kín kẽ quá, ăn uống một cách giữ ý, hơi bị thiếu tự nhiên. Trừ các tiệc tiếp tân long trọng, tôi quan niệm, ăn uống hàng ngày - nhất là đồ ăn do mình bỏ tiền ra - thì quan trọng nhất là tạo sự thoải mái, ngon miệng, có sức đến đâu, ăn đến đấy. "No ứ dễ hại người" (chữ của Cao Bá Quát), nhưng ăn uống ý tứ quá cũng mất đi khoái thú. Tôi rất thích nguyên tắc của các nhà dinh dưỡng dành cho trẻ con và phụ nữ mang thai: Ăn những gì mình thèm. Thèm cái gì tức là cơ thể đang thiếu chất đó.
2. Người xưa có câu mà tất cả chúng ta đều đã nghe "Miếng ăn là miếng nhục". Người xứ ta nói chung là rất ý tứ khi ăn như sự cảnh báo trong nghĩa đen của câu phương ngữ trên (để khỏi bị nhục). Ăn cỗ, ăn bàn là cả một "nghi thức" long trọng, thể hiện tính cộng đồng rất cao; và chuyện cỗ bàn trong xóm nhiều khi còn bàn tán râm ran đến cả tuần, cả tháng sau đó. Trong cộng đồng thường có một vài người tâm lý tham lam trong ăn uống, và những cá nhân đó lập tức bị phản ứng nặng nề (phản ánh vào chèo, truyện tiếu lâm… thành các hình tượng thầy đồ, thầy bói tham ăn).
Thực tế ở nông thôn Việt Nam ngày nay (ít ra là nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ nơi tôi đang sống) cho thấy: cỗ bàn ê hề, thừa mứa, mà sức ăn của người Việt nói chung là giảm sút nghiêm trọng. Mâm cỗ gần như còn nguyên sau khi bưng ra, chỉ có rượu là uống vô hạn độ. Điều đó, vừa phản ánh sự thừa mứa trong bữa ăn hàng ngày (nhờ thực phẩm rẻ, kém chất lượng), vừa phản ánh tâm lý "giữ kẽ" khi đã no đủ. Lần nào đi ăn cỗ trong xóm, trong làng, tôi cũng phải gắp thật lực cho những người trong mâm, và ra sức ăn thật nhiều để "động viên" mọi người cùng động đũa. Chứ cỗ bàn bày ra mà không ăn thì vừa mất vui, vừa lãng phí.
3. Theo tôi, sức ăn của người Việt thực sự là vấn đề đáng lo ngại. Một họa sĩ kể với tôi rằng, sống ở nước ngoài, thấy dân họ vào bữa đã khai vị bằng một bát canh thịt to, kèm theo một cái bánh bao, sau đó mới bắt đầu nhập bữa. Còn mình thì vừa xong thủ tục khai vị đã…no rồi.
Ở xứ ôn đới, hàn đới, người ta cần nhiều năng lượng nên ăn rất khỏe. Song ở xứ nhiệt đới ta, nếu ăn uống không khoa học thì cũng không đủ năng lượng để làm việc. Sinh viên, dân văn phòng, trí thức của ta ăn mấy bát một bữa? Tôi nghĩ rằng không quá 2 bát, chưa kể các bà, các cô bỏ bữa triền miên. Ăn uống không khoa học, thực phẩm kém chất lượng, kèm theo thiếu điều độ trong hoạt động đã làm giảm khả năng tiêu hóa, nhưng lại gây tích mỡ và béo bụng.
Chỉ cần một tuần ăn chay và dậy sớm tập thể dục, ta sẽ thấy sức ăn mình tăng lên, mà cơ thể không trì trệ, không báo "no giả" nữa. Những điều đó, hô hào vào lúc này, khi một bộ phận nhân dân còn thiếu đói thì có vẻ không hợp, nhưng nếu không nói, thì có rất nhiều người đang chết vì… no (mà đó là cái "no giả")!
4. Trở lại với tấm biển ở một vài cửa hàng buffet ở nước ngoài. Tôi không tin là có hiện tượng người Việt "ăn tham" ở xứ người, nhưng từng dự tiệc buffet ở một số nước, tôi có một kinh nghiệm "xương máu". Ấy là cần nếm trước đồ ăn. Rất nhiều đồ ăn lạ, trông rất ngon mắt, nhưng múc vào bát rồi mới thấy không thể nuốt được, vì mùi vị không hợp với mình. Phải chăng một số người ăn buffet ở Thái, ở Singapore bị rơi vào hoàn cảnh đó mà vô hình trung họ bị hiểu lầm?
Tiết kiệm thực phẩm là thể hiện sự văn minh, và không nên để đồ ăn thừa mứa, cho dù mình đã trả tiền cho sự thừa mứa đó. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhưng nếu tôi là người mở dịch vụ buffet, tôi phải tính trước một % rủi ro nào đó dành cho những vị khách bỏ dở đồ ăn, cho nên tôi sẽ không bao giờ treo biển cảnh báo kiểu "không ăn hết sẽ bị phạt" hoặc "Nên lấy vừa đủ". Chính hành vi treo biển đó cũng đã không thể hiện phép lịch sự dành cho các vị Thượng đế của mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét