Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013
Marc Hyden - Không nên cho chính phủ quyền kết án tử hình
23:43
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Theo bài
báo này thì thi hành án tử hình là việc làm vô cùng tốn kém, có nhiều sai sót,
nhiều người bị giết oan. Án tử hình không thực hiện được những chức năng mà
những người ủng hộ nó kì vọng: cải tạo người tù và giảm bớt tội phạm. Nó chỉ
còn là một vụ báo thù được hợp pháp hóa mà thôi. Với những oan khuất như trong
vụ người tù Nguyễn Thanh Chấn mà chúng ta vừa được biết gần đây (nếu lúc đó ông
bị tử hình thì làm sao sửa chữa được nữa), phải chăng đã đến lúc những người có
lương tri cùng khởi thảo Kiến nghị đề nghị Quốc hội xóa bỏ án tử hình. Thiết
nghĩ đây cũng là một trong những hoạt động của xã hội dân sự. Mong lắm thay.
Nhóm đánh giá tội tử hình bang
Texas thuộc Hiệp hội luật sư Mĩ vừa mới xem xét hệ thống án tử hình ở Texas và đã
phát hiện những điều không làm ai ngạc nhiên - đó là một chương trình tốn kém, quản
lí kém và có nhiều sai lầm. Công trình phân tích, do các chuyên gia pháp lý và
cựu quan chức dân cử tiến hành chỉ ra rằng, bang Texas sử dụng những phương
pháp lỗi thời, thiếu khoa học, và không đáng tin nhằm chứng minh tội lỗi. Nhiều
cải tiến đã được đề xuất nhằm ngăn chặn những bản án sai trái và bảo đảm thủ
tục theo đúng luật pháp.
Chính hệ thống án tử hình của mà
Thống đốc Perry và một số người tiền nhiệm của ông rất tự hào đã dẫn đến những hậu
quả thảm khốc. Hệ thống này phải chịu trách nhiệm về việc kết án oan ít nhất 12
người và sau đó đã đưa những người này ra khỏi buồng giam tử tội và có thể một
số người khác thậm chí đã bị tử hình oan. Carlos DeLuna đã bị tử hình mà thiếu
bằng chứng pháp lí, cẩu thả trong quá trình điều tra hiện trường, và quan trọng
nhất là có một nhân chứng sau này nói rằng ông chắc chắn 50 phần trăm rằng DeLuna
là thủ phạm. Claude Jones đã bị xử tử vào năm 2000, một phần là dựa vào phân
tích sợi tóc tìm thấy tại hiện trường. Sau đó người ta đã chứng minh rằng các phân
tích tóc đó là không khoa học, và mới đây bằng chứng ADN cho thấy đó hoàn toàn không
phải là tóc của Jones. Cameron Todd Willingham đã bị hành quyết vào năm 2004 trước
hết là do các nhà điều tra địa phương chứng minh rằng vụ phóng hỏa là nguyên
nhân của đám cháy làm chết ba người con gái của của ông ta. “Chứng cứ” này sau
đó đã bị chín chuyên gia cứu hỏa vạch trần, những chuyên gia này đã xem xét lại
vụ án và xác định rằng đấy là tai nạn bi thảm, chứ không phải cố ý phóng hỏa.
Nhân dân bang Texas tiếp tục
phải đóng thuế cho chương trình này, một chương trình trao quá nhiều quyền lực
cho nhà nước và thường thất bại thảm hại. Chi phí trung bình cho một án tử hình
vào năm 1992 tại Texas là 2.300.000 USD, trong khi cho một án tù trung thân là 750.000
USD. Hạt Jasper County, bang Texas, buộc phải tăng thuế bất động sản lên gần 7%
chỉ để chi trả cho một phiên tòa có án tử hình. Một án tử hình duy nhất ở hạt
Gray, bang Texas, là một phần lí do làm cho hạt này không tăng số lượng viên chức
và không tăng thuế. Chi phí ở các địa phương, tiểu bang và liên bang là gánh
nặng đối người nộp thuế trong khi án tử hình không ngăn chặn được tội phạm[1].
Chi phí cao, thường xuyên có
sai lầm, và quyền lực mà án tử hình trao cho nhà nước không chỉ giới hạn trong Texas.
Trên toàn quốc, từ năm 1976 đã có hơn 140 người bị kết án tử hình oan và được
đưa ra khỏi buồng giam tử tội, trong khi nhiều người khác có nhiều khả năng là
bị giết oan. Chương trình này tốn kém hơn hẳn án tù-chung-thân-không-được-ân-xá.
Thường thì chi phí gia tăng này được chuyển cho công dân dưới dạng thuế bổ sung
hoặc nợ công.
Kể từ khi án tử hình được Tòa
án tối cao Hoa Kỳ khôi phục vào năm 1976, vô số các các tu chính án trong lĩnh
vực lập pháp và tư pháp đã được ban hành. Những tu chính này đã hạn chế đáng kể
việc áp dụng án tử hình. Quyết định của tòa án và lập pháp đã kéo dài quá trình
khiếu nại, cố gắng hạn chế sự tùy tiện của án tử hình, và thậm chí tạo ra một
phiên tòa bổ sung, chỉ áp dụng cho những trường hợp có án tử hình. Cũng như mọi
phiên tòa khác, quy định bổ sung của chính phủ và sự tham gia không thể làm cho
hoàn mĩ được. Trên thực tế, thất bại mang tính hệ thống cũng vẫn còn và còn khá
nhiều. Điều này làm cho 18 tiểu bang bãi bỏ án tử hình.
Khung pháp lí về án tử hình chắc
chắn sẽ dẫn đến sai sót. Các công tố viên được bầu có quyền lực rộng lớn trong việc quyết định có ra bản
án tử hình hay không - không phụ thuộc vào mong muốn của nạn nhân hoặc người
nhà gia đình nạn nhân. Cân nhắc về mặt chính trị, chứ không phải đạo đức hay
pháp lý, đôi khi là động lực thúc đẩy các quan chức dân cử tìm cách đưa ra án
tử hình. Ngay cả bồi thẩm đoàn cũng được tổ chức nhằm ủng hộ bản án tử hình.
Nếu công tố muốn có án tử hình, thì người phản đối án tử hình thường không được
đưa vào bồi thẩm đoàn đó. Nếu riêng điều đó không làm người ta suy nghĩ thì xin
nói thêm rằng quá trình kháng cáo thường không nhằm trưng ra bằng chứng mới mà
để chứng minh rằng người bị kết án đã được đưa ra xét xử công bằng ngay từ đầu.
Đưa ra bằng chứng mới là công việc thiên nan vạn nan. Khung pháp lí này ủng hộ
án tử hình và ý chí của chính phủ trong việc bảo vệ các quyền của người dân.
Hệ thống hiện tại không chỉ tạo điều kiện cho người ta dùng ngụy
khoa học làm bằng chứng, mà chính phủ còn sẵn sàng chấp nhận, sử dụng và bảo vệ
bằng chứng phi khoa học và lời chứng không đáng tin của các chuyên gia thì thật
là khủng khiếp. Điều này đã góp phần tạo ra những thất bại to lớn và cuối cùng
là những bản án sai lầm. Ngay cả khi người ta đã biết rằng nhiều nội dung của “khoa
pháp y” giống nghệ thuật hơn là khoa học, người ta cũng không cho các bồi thẩm
đoàn biết về tính chất chủ quan của nó.
Chính phủ Mỹ có quyền lực rất
trong việc kết tội tử hình công dân Mỹ, và quyền lực lớn thì dễ dẫn đến lạm
dụng lớn. Nhằm ngăn chặn những vụ án oan và lạm dụng, chính phủ đã áp dụng
những thay đổi trong quá trình thi hành án tử hình, làm cho nó trở thành cực kì
tốn kém, nhằm hạn chế những thảm họa trong tương lai. Ngay cả với những thay
đổi như thế, nó vẫn cứ thất bại như thường.
Chấp
nhận án tử hình có thể không phải là do những mưu đồ xấu xa và có khả năng là
nó xuất phát từ mong muốn đảm bảo công bằng và an ninh. Nhưng, sự độc quyền của
chính phủ đối với thủ tục tố tụng hình sự và việc nó không phải chịu trách
nhiệm khi hệ thống mắc sai lầm, là nguồn gốc thất bại của hệ thống. Nếu chúng
ta muốn hạn chế quyền lực của nhà nước, chúng ta có thể bắt đầu từ việc không
để cho nhà nước ban hành án tử hình.
Marc Hyden là điều phối
viên toàn quốc cuộc vận động của những người Bảo thủ lo lắng về án tử hình, một
dự án của phong trào Pháp lí bình đẳng ở Hoa Kỳ.
Bài đã đăng trên diendanxahoidansu.wordpress.com
[1]
Xem: D. Nagin and J. Pepper,
“Deterrence and the Death Penalty,” Committee on Law and Justice at the
National Research Council, April 2012.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét