Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Giải mã một số hiện tượng ngoại cảm kỳ lạ

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng rất nhiều người đã trải qua những giấc mơ mà về sau trở thành sự thật. Đó chỉ là một sự ngẫu nhiên hay điềm báo?


Theo các nhà khoa học, những giấc mơ như vậy là biểu hiện của khả năng ngoại cảm (extrasensory perception) ở con người. Không giống với các khả năng thông thường mà con người có như nghe, nhìn, cảm nhận hay nếm mùi vị, khả năng ngoại cảm biểu hiện trên rất nhiều hình thức và chủ yếu là ở khía cạnh tinh thần.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều xung quanh khả năng đặc biệt này của con người. Trong bài viết, Genk xin cung cấp những thông tin cơ bản nhất về khả năng ngoại cảm.
1. Các loại khả năng ngoại cảm
Biểu hiện của khả năng ngoại cảm rất đa dạng, tuy nhiên, chúng đều có liên quan mật thiết tới vấn đề nhận thức và tinh thần. Một số loại khả năng ngoại cảm chính, gồm có:
Khả năng đọc được suy nghĩ của người khác ( hay còn gọi là “thần giao cách cảm”).
Khả năng quan sát thấy các sự kiện hay vật thể ở nơi khác (hay còn gọi là “thấu thị” hay “thiên nhãn thông”).
Khả năng biết trước tương lai.
Khả năng nhìn vào quá khứ xa xôi.
Khả năng giao tiếp với người đã chết.
Khả năng xác định được thông tin về một người hay địa điểm bằng cách chạm vào một vật thể có liên quan tới đối tượng cần tìm hiểu.
Ngay từ giai đoạn đầu trong tiến trình phát triển văn minh của loài người, các nhà nghiên cứu đã quan tâm tới những khả năng kỳ lạ trên. Họ xếp những khả năng trên vào nhóm vượt ra ngoài chức năng giác quan thông thường của cơ thể. Tuy nhiên, lại chưa có ai đưa ra một khái niệm chung để gọi tên các khả năng này. Mãi đến nửa đầu thế kỷ 20, giáo sư J.B. Rhine của đại học Duke - một trong những nhà khoa học đứng đầu về nghiên cứu các hiện tượng huyền bí trong phòng thí nghiệm, mới khai sinh ra khái niệm “ngoại cảm” mà chúng ta sử dụng ngày nay.
Những người tin vào ngoại cảm cũng có quan điểm khác nhau về khả năng này. Một số người tin rằng ai cũng có khả năng ngoại cảm, tuy nhiên, khả năng đó chỉ đột nhiên xuất hiện trong cuộc đời mỗi người. Một số khác lại cho rằng chỉ những pháp sư, nhà tâm linh học mới có được sức mạnh đặc biệt này. Hơn nữa, chỉ khi nào các pháp sư này đặt mình vào trạng thái tâm linh đặc biệt thì khả năng ngoại cảm mới xuất hiện. Số đông còn lại những người tin vào sự tồn tại của ngoại cảm đồng tình với quan điểm rằng ai cũng có khả năng này, tuy nhiên, một số người có khả năng điều khiển khả năng huyền bí của mình tốt hơn người khác - và họ có thể sẽ trở thành những nhà ngoại cảm.
Người ta cũng đặt ra nhiều nghi vấn chưa được giải đáp về cách thức hoạt động của khả năng ngoại cảm ở con người. Một cách lý giải được khá nhiều người đồng tình trước đây đó là những nhà ngoại cảm có bộ não bắt sóng tốt hơn những người khác. Loại sóng được nhắc đến ở đây là một loại sóng điện từ đặc biệt mà khoa học chưa phát hiện ra. Sóng này lưu giữ những ký ức, hình ảnh của một người và nếu não người bắt được những sóng này sẽ cho phép các nhà ngoại cảm thấy được ít nhiều những ký ức đó.
Cách lý giải này khá phổ biến vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, đến nay cách giải thích này lại bị nhiều người bác bỏ vì nó chỉ phù hợp để lý giải cho khả năng thần giao cách cảm ở con người, mà chưa đủ sức thuyết phục lý giải cho các khả năng còn lại đã được trình bày ở trên. Hơn nữa, nếu tồn tại loại sóng điện từ trên thì lý do gì mà loại sóng này có thể tồn tại lâu như vậy trong không gian, từ khi sóng được hình thành cho đến khi có một nhà ngoại cảm dò được tần sóng này. Các chuyên gia cũng chưa phát hiện ra một bộ phận đặc biệt nào trên cơ thể con người nhận nhiệm vụ thu sóng.
Thứ hai, thực tế chứng minh rằng vị trí không đóng vai trò quan trọng trong quá trình ngoại cảm. Nói cách khác, dù không ở gần địa điểm bắt được sóng đặc biệt trên, thì các nhà ngoại cảm vẫn có thể bắt được nhiều thông tin cần thiết. Chính vì vậy, mới có nhiều trường hợp các nhà ngoại cảm dự báo từ xa qua điện thoại, chứ không hề có mặt tại hiện trường. Do vậy, vai trò của loại sóng này hẳn là không cần thiết.
Ngày nay, nhiều người tin vào lời lý giải mới của các nhà khoa học rằng ngoại cảm vượt ra ngoài thế giới vật chất thông thường. Nó tồn tại ở một không gian đặc biệt, hay còn được gọi là thế giới tâm linh - nơi vượt ra ngoài biên giới của những lý thuyết và định lý vốn có. Sự khác biệt về không gian và thời gian giữa thế giới vật chất thông thường và thế giới tâm linh cho phép con người đọc được suy nghĩ của người khác hay dự đoán về những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai ở thế giới vật chất.
Cách lý giải này dường như vượt ra ngoài tầm hiểu biết của con người về thế giới. Thế nhưng, những người đồng tình với cách lý giải này đều cho rằng lý lẽ này rất xác đáng. Bởi lẽ, cũng giống như ngoại cảm, các nhà khoa học chưa thể giải thích rõ ràng về cuộc sống sau khi chết hay sự tồn tại của chúa trời. Các vấn đề này vẫn là những ẩn số với khoa học đương đại.
Dù cách giải thích lý do tồn tại khả năng này ở con người vẫn còn chưa thuyết phuc, nhưng tại sao vẫn có rất nhiều người tin vào ngoại cảm? Đó là do sự tồn tại của rất nhiều dẫn chứng và lý do khiến con người không thể không tin vào sức mạnh của ngoại cảm.
2. Tin vào ngoại cảm
Những người tin vào ngoại cảm đều khẳng định rằng bản thân họ hoặc những người quen đã chứng kiến hoặc từng trải qua những trường hợp xuất hiện khả năng ngoại cảm. Nếu một trong những giấc mơ của bạn trở thành sự thật thì hẳn bạn cũng có khả năng về ngoại cảm. Và nếu như biết một câu chuyện về ngoại cảm mà bạn thấy đáng tin cậy, hẳn bạn sẽ bỏ rất nhiều thời gian để kể cho những người khác nghe về câu chuyện này.
Không ai có thể phủ nhận việc đã gặp rất nhiều dẫn chứng tiêu biểu cho khả năng đoán trước tương lai hay nhìn thấy vật thể ở vị trí khác của con người. Vụ đắm tàu Titanic kinh hoàng vẫn được nhắc đến trong nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng sau khi con tàu này kết thúc chuyến đi định mệnh của nó vào ngày 14-4-1912. Nhưng không phải đợi sau khi thảm kịch này xảy ra, câu chuyện về con tàu xa hoa bậc nhất bị đắm giữa biển khơi mới được đưa vào các tác phẩm văn học.
Từ năm 1898, tác giả Morgan Robertson đã viết cuốn “Fuility” kể về chuyến hành trình vượt đại dương của con tàu mang tên Titan cực kỳ rộng lớn. Trong một đêm tháng 4 sương mù dày đặc, con tàu đâm phải khối băng trôi và bị đắm, hàng trăm người đã thiệt mạng. Những điểm tương đồng giữa hai con tàu này giống nhau đến kinh ngạc từ cấu trúc cho tới kích cỡ, nguyên do bị chìm và ngày xảy ra bi kịch. Số người thiệt mạng trong cả cuốn tiểu thuyết của Morgan Robertson và trong vụ đắm tàu lịch sử đều rất cao do thiếu phao và tàu cứu sinh dành cho hành khách.
Cũng có rất nhiều câu chuyện khác nhắc tới khả năng ngoại cảm của con người, rất nhiều trong số đó được ghi chép đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, để có thể thuyết phục tất cả mọi người về sự tồn tại của khả năng ngoại cảm, các nhà khoa học còn phải cung cấp thêm rất nhiều dẫn chứng khoa học khác, được kiểm chứng trong những điều kiện cụ thể. Bởi lẽ, những dẫn chứng được đưa ra trước đây hoàn toàn diễn ra trong điều kiện tự do, toàn bộ quá trình ngoại cảm không được các nhà khoa học kiểm soát và theo dõi chặt chẽ.
Từ những năm 1930, các nhà tâm lý học nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh đã chú trọng vào các điều kiện cụ thể này. J.B. Rhine - được xem là cha đẻ của tâm lý học nghiên cứu về tâm linh đã làm một thí nghiệm đối với các nhà ngoại cảm trong một phòng nghiên cứu có đầy đủ tiêu chuẩn. Thí nghiệm có sử dụng bộ bài Zener (bộ bài mang tên của chính người thiết kế Karl Zener) gồm 25 quân bài có in họa tiết. 25 quân bài này được chia làm 5 nhóm, trong mỗi nhóm các quân bài đều được in họa tiết giống nhau. Sau đó, ông tổng hợp mỗi quân bài của từng nhóm này vào với nhau. Như vậy, trong mỗi nhóm bây giờ sẽ có 5 quân bài in họa tiết khác nhau.
Phương pháp thí nghiệm rất đơn giản: J.B.Rhine sẽ úp các quân bài xuống và yêu cầu người tham gia đoán các quân bài trong một nhóm được trang trí họa tiết nào. Với mỗi nhóm bài ,người tham gia thí nghiệm sẽ có 1/5 cơ hội để đoán đúng. Mỗi đáp án đúng sẽ được cộng 1 điểm. 5/25 điểm sẽ là mức điểm đoán ngẫu nhiên, hay nói cách khác, nếu đoán ngẫu nhiên, thì người tham gia sẽ giành được 5 điểm. Theo ông, với độ chính xác cao và chặt chẽ như vậy, các thí nghiệm này sẽ cho kết quả chính xác, ngăn cản được bất kỳ sự gian lận nào.
Cộng đồng khoa học đều rất ngạc nhiên, phần lớn là hoài nghi về kết quả mà nhà khoa học này đã đưa ra trong kêt quả báo cáo “Khả năng ngoại cảm” của ông. Theo kết quả mà ông thu được thì hầu hết những người tham gia đều vượt qua ngưỡng điểm 5. Phương pháp thực hiện và kết quả của nhà khoa học này vẫn gây ra rất nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của ông trong khoa học nghiên cứu khả năng ngoại cảm ở con người.
Sau khi Rhine thực hiện thí nghiệm này, rất nhiều nhà khoa học cũng bắt tay vào thực hiện nhiều thí nghiệm tương tự có sử dụng bộ bài Zener. Không chỉ vậy, họ cũng thu được các kết quả tích cực như Rhine. Sau này, bộ bài Zener được thay thế bằng các bức ảnh có họa tiết rất đa dạng, các bức tranh hoặc ảnh chụp. Phương pháp thí nghiệm cũng phức tạp hơn. Một người tham gia sẽ nhận nhiệm vụ tập trung tinh thần vào một bức ảnh nào đó, rồi cố gắng liên kết những chi tiết trong bức ảnh với một vật thể tách biệt khác bên ngoài bức ảnh. Vai trò của các nhà ngoại cảm là cố gắng bắt được các hình ảnh hay thông tin mà người đối diện đang nghĩ tới, sau đó thông báo cho các nhà khoa học những gì họ thấy trong đầu. Đến cuối quá trình này, người đó sẽ tập hợp tất cả những gì mà họ thấy và đưa ra kết luận cuối cùng xem người đối diện đã nghĩ về điều gì.
Một loại thí nghiệm khác được tiến hành vào những năm 1970. Đó là nhà ngoại cảm sẽ bị bịt kín mắt và đưa vào một căn phòng chỉ có ảnh đỏ lờ mờ. Sau đó, các nhà khoa học sẽ cử một người vào căn phòng đó. Nhiệm vụ của nhà ngoại cảm là miêu tả và cung cấp thông tin về đối tượng vừa được đưa vào căn phòng. Nhiều nhà ngoại cảm không thể đưa ra được kết quả, nhưng ngược lại, có nhiều người lại miêu tả thông tin chính xác và chi tiết đến ngạc nhiên. Tuy nhiên, vì có nhiều biểu hiện của khả năng ngoại cảm nên các nhà nghiên cứu cũng đưa ra nhiều dạng thí nghiệm khác nhau. Một ví dụ như khi kiểm tra khả năng thấu thị - khả năng nhìn thấy vật thể ở nơi khác mà mắt thường không thể nhìn thấy, người ta chỉ cần kiểm tra nhà ngoại cảm mà không cần đến một người thứ hai tham gia vào quá trình kiểm tra như khi kiểm tra khả năng thần giao cách cảm.
Các nhà khoa học cũng có ý tưởng sử dụng máy móc để kiểm tra khả năng ngoại cảm. Tuy nhiên, các kết quả thu được vẫn còn nhiều hạn chế và yêu cầu máy móc phải được thiết kế rất tinh vi và có độ chính xác cao.
Các nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh đã đưa ra nhiều dẫn chứng về khả năng ngoại cảm. Tuy nhiên, rất nhiều người nghi ngờ vẫn không cảm thấy thỏa mãn với những bằng chứng này. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn quan điểm mà những người phản đối sự tồn tại của ngoại cảm đưa ra.
3. Những nghi vấn chưa được thỏa mãn
Dù rất nhiều bằng chứng thuyết phục về khả năng ngoại cảm được đưa ra trong vòng 100 năm trở lại đây nhưng những người phản đối vẫn kiên quyết cho rằng những bằng chứng này không đáng tin cậy, và do đó, cũng không đủ sức nặng để minh chứng được điều gì.
Lý do mà những người này đưa ra rất đơn giản, đó là do các dẫn chứng này không phù hợp với các kết quả khoa học mà con người đã tìm ra. Những ví dụ này không hề phù hợp với quy luật tự nhiên. Theo những người này, nếu như có cái nhìn tổng thể vào xã hội loài người với rất nhiều sự kiện quan trọng diễn ra hàng ngày, ta sẽ lý giải được lý do vì sao có những người lại nằm mơ chính xác về tương lai của mình. Thế giới rộng lớn với hơn 6 tỷ dân sinh sống đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện và biến cố khác nhau. Trong suốt cuộc đời của một người, hẳn họ sẽ gặp phải chính những sự kiện mà họ đã từng mường tượng hay được nghe trước đó. Đó là lý do vì sao có rất nhiều người lại tin vào khả năng ngoại cảm.
Cơ hội để nhiều người gặp phải những giấc mơ báo trước như thế này còn cao hơn nếu người đó nắm chắc kiến thức về lĩnh vực mà họ dự đoán. Mời bạn đọc hãy quay lại câu chuyện hai con tàu Titanic và Titan được nhắc đến ở trên. Hẳn người đọc sẽ không còn cảm thấy kỳ lạ nếu biết rằng tác giả Morgan Robertson trước đây đã từng là thủy thủ. Ông hiểu biết rất rõ về cách hoạt động của tàu thủy, nguy cơ tàu bị đâm và hậu quả có thể xảy ra.
Một cách giải thích khác đó là nhiều người có trực giác tốt hơn số đông còn lại. Họ cũng sử dụng năm giác quan giống như những người bình thường khác, tuy nhiên, cách họ sử dụng bộ não để giải quyết thông tin lại ở mức cao hơn. Do đó, những phán đoán mà họ đưa ra cũng có độ chính xác cao hơn. Ví dụ như, bạn biết được một người đang nói dối hay không dựa vào giọng điệu hay cử chỉ, nét mặt của họ.
Những người tin vào khả năng ngoại cảm đã phản đối các lý do trên. Trên thực tế, nhiều nhà ngoại cảm chưa từng trải nghiệm những dự đoán mà họ đưa ra. Chỉ một số ít các dự đoán là có liên quan tới cuộc sống thực tế của nhà ngoại cảm. Nhưng còn rất nhiều giấc mơ, điềm báo mà không hề dính líu tới cuộc sống thực tế của các nhà ngoại cảm thì những người phản đối sẽ giải thích như thế nào. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu mà các nhà khoa học thực hiện cũng đứng về phía những người tin vào khả năng ngoại cảm.
Đáp trả lại những lý lẽ này, những người phản đối sự tồn tại của khả năng ngoại cảm đã kịch liệt phủ quyết những kết quả mà các nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh đưa ra.
4. Kịch liệt phản đối những kết quả nghiên cứu
Theo những người phản đối, chúng ta chưa thể tin tưởng hoàn toàn vào các kết quả nghiên cứu. Rất nhiều yếu tố bên ngoài có thể tác động tới các kết quả này. Quay lại với thí nghiệm của J.B. Rhine mà chúng ta đã nhắc tới ở phần trên, khi thực hiện thí nghiệm, rất có thể các nhà ngoại cảm đoán đúng được con bài do nhìn vào cử chỉ cơ thể của Rhine. Cũng có thể, Rhine đã biết trước các con bài và dùng ánh mắt để thông báo cho người tham gia nghiên cứu. Chính Rhine sau này cũng thừa nhận biện pháp nghiên cứu của ông vẫn chưa chặt chẽ tuyệt đối và độ chính xác của kết quả cũng bị giảm dần.
Vấn đề lớn nhất đối với các thí nghiệm này đó là chúng không được áp dụng trên diện rộng với tất cả các nhà ngoại cảm. Nói một cách khác, nếu hai nhà khoa học cùng sử dụng một phương pháp nghiên cứu nhưng áp dụng cho các nhà ngoại cảm khác nhau thì rất có thể kết quả mà họ thu được cũng khác nhau. Đó là do mỗi nhà ngoại cảm lại đạt một mức độ ngoại cảm khác nhau và khả năng ngoại cảm của họ cũng ở những hình thức khác nhau. Chính vì vậy, chúng ta cũng không thể khẳng định độ chính xác của các thí nghiệm được thực hiện.
Rất nhiều người còn cho rằng các kết quả khoa học thu được là không đáng tin cậy. Có thể các nhà khoa học đã tự tạo ra những kết quả này để minh chứng cho các học thuyết của mình (điều này đã từng xảy ra với rất nhiều môn khoa học khác). Thậm chí, chính những nhà khoa học liêm chính cũng phải mất rất nhiều thời gian để minh chứng cho các kết quả khoa học của mình. Buộc tội các nhà khoa học là một việc mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng, tuy nhiên, những người phản đối sự tồn tại của ngoại cảm vẫn sứ dụng lý lẽ này.
Nhiều người còn phản đối các chương trình ngoại cảm trực tiếp. Họ cố chỉ ra những gian lận trong các chương trình này. Ngày nay, với khoa học kỹ thuật hiện đại, việc tạo ra các ảo giác đánh lừa mắt người không còn là chuyện khó khăn nữa.
Một trong những phương thức gian lận phổ biến nhất đó là việc ngụ ý ám chỉ những sự việc có liên quan. Để thực hiện được điều này, nhà ngoại cảm giả sẽ nhanh chóng nêu ra một đặc điểm gì đó để người nghe tin là thật. Mặc dù đặc điểm này rất phổ biến nhưng trong một thời gian ngắn, người nghe không thể phát hiện ra rằng mình đã bị lừa.
Xin đưa một ví dụ như sau, nhà ngoại cảm giả sẽ khẳng định: tôi đang nói chuyện với một người trong nhà chị, người ấy có tên bắt đầu bằng H, chị thử nhớ xem trong họ có ai tên vậy không? Huy, Hoàng, Hùng… Đây là ví dụ cơ bản nhất về phương thức ngụ ý này. Nhà ngoại cảm chỉ nói vòng vo một vấn đề, rồi sau đó người nghe sẽ tự suy luận vào chính bản thân mình để tìm thấy sự chính xác. Nói một cách khác, chính niềm tin mê muội của những người nghe đã bảo vệ cho các nhà ngoại cảm. Đây là một mánh khóe đã cũ nhưng vẫn lòe mắt được khá nhiều người cả tin.
5. Những tranh cãi không hồi kết
Nhiều nhà khoa học cho rằng những quan điểm mà bên chống đối sự tồn tại của khả năng ngoại cảm đưa ra lại có rất nhiều lợi ích đối với công chúng. Chính cách họ lập luận phủ quyết sự tồn tại của ngoại cảm đã giúp cho công chúng có cái nhìn sâu sắc và công bằng hơn về những hiện tượng siêu nhiên đang tồn tại.
Một trong những người đi đầu trong phong trào phản đối sự tồn tại của ngoại cảm là ảo thuật gia James Randi. Ông đã tổ chức các buổi hội thảo về phản ứng cảm xúc và đưa ra các phân tích số liệu để giải thích các hiện tượng kỳ lạ. Ông cũng là người tuyên bố sẽ trao 1 triệu USD cho ai có thể chứng minh sự tồn tại của khả năng ngoại cảm. Nhưng cả quá trình đó phải được theo dõi gắt gao và kiểm tra mức độ tin cậy. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai giành được 1 triệu USD này - đây cũng là một trong những lý do để James Randi càng phủ quyết sự tồn tại của ngoại cảm. Một số người đã tự nhận mình là nhà ngoại cảm và tham gia vào thử thách này nhưng kết quả mà họ nhận được chỉ là danh tiếng bị giảm sút vì thất bại trong quá trình kiểm tra.
Tuy nhiên, theo quan điểm của rất nhiều chuyên gia, lý do họ đưa ra các kết quả nghiên cứu là vì khoa học. Họ không tham gia vào thử thách của James Randi, bởi lẽ mục đích của khoa học là sự thật, chứ không phải là tiền bạc. Những người phủ nhận vai trò của khoa học và mù quáng gộp những khả năng ngoại cảm của con người với các trò tiêu khiển đánh lừa thị giác đã vô tình cản trở quá trình tìm ra những điều bí ẩn mà khoa học đương đại chưa giải thích nổi.
Sau rất nhiều cuộc thảo luận và tranh cãi, hiện tại chúng ta vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn sự tồn tại của khả năng ngoại cảm. Mỗi người đều có lý lẽ riêng để giải thích cho quan điểm của mình. Trong lịch sử loài người, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều hiện tượng mà các nhà khoa học phải xem xét, lật đi lật lại vấn đề rất nhiều lần để có thể rút ra kết luận cuối cùng. Hy vọng, trong tương lai không xa, con người có thể lý giải được các hiện tượng siêu nhiên vẫn đang tồn tại.
Theo GENK / HOWSTUFFWORk

0 nhận xét:

Đăng nhận xét