Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013
Nghĩ về một tập san quân đội
21:56
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tháng 12 13, 2013
Trần Vũ
Thắng lợi vĩ đại của
quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
được ví như một cuộc “chiến đấu thần kỳ” và trở thành biểu tượng của
lương tri và phẩm giá con người. Mỗi chiến công trong cuộc chiến đấu ấy
là một kỳ tích. “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 40 năm trước là một
chiến công như thế – tiêu biểu cho khí phách anh hùng, tầm cao trí tuệ
và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Điều làm nên một quân nhân, là phẩm chất suy nghĩ độc lập biết lĩnh hội sức mạnh phản chiếu từ nhiều tấm gương lịch sử.
Gerhard von Scharnhorst
1. Tập san quân đội Pháp
Không ngẫu nhiên mà vào thời hoàng kim của đế chế Pháp, đầu thế kỷ 19, Journal Militaire
dầy 800 trang đậm đặc các tranh luận học thuật về đạn đạo, cự ly, cách
vẽ xạ bảng hay phân bố đại bác trên trận địa… Pháo binh, là một vũ khí
mới ở thời kỳ này. Trung pháo 75 ly là vũ khí xương sống làm nên sức
mạnh của quân đội Pháp.
Từ giữa thế kỷ 19, Journal Militaire đổi tên thành Journal Militaire Officiel [Tập san Quân đội Chánh thức] mất dần đi chất học thuật, số trang mỏng đi và thay vào các chủ đề Hướng dẫn Tác xạ [Instructions
du Tir] là những huấn thị của Bộ Quốc phòng, rồi danh sách các sĩ quan
được thăng thưởng phía sau. Tính chất tuân thủ nhiều thêm, cùng lúc tính
kỹ thuật giảm đi, và, một cách trùng hợp, quân đội Pháp suy yếu.
Khi chiến tranh tái diễn, các hậu duệ
của Nã Phá Luân nhanh chóng thảm bại. Tuy quân số đông hơn và các chiến
xa nặng Renault B1 được bọc thép dầy hơn, nhiều hơn, so với kẻ thù
truyền kiếp là quân Đức, quân Pháp vẫn phải đầu hàng. Các sử gia đều
đồng thuận khi phán quyết: Học thuyết chiến tranh của Pháp lỗi thời là
nguyên nhân chính. Lấy vận tốc hành binh dựa trên bước chân bộ binh
trong Thế chiến thứ nhất làm chuẩn, các tướng lãnh Pháp không theo kịp
vận tốc động cơ của quân Đức. Vắn tắt, tụt hậu tư duy so với thời đại.
Journal Militaire Officiel trưng bày những tụt hậu này.
Khác tập san quân đội Đức đương thời
tràn ngập các tiểu luận mổ xẻ ưu khuyết điểm giữa hai học phái quân sự
đối nghịch, giữa Clausewitz Phổ và Antoine-Henri de Jomini từng làm tham
mưu cho Nã Phá Luân, các khảo luận trên tập san quân đội Pháp về những
trận đánh xưa cũ Marengo, Ulm, Austerlitz, Jena, Wagram thiên về ca ngợi
thiên tài của Nã Phá Luân, hoặc, ca ngợi công trạng của Pétain và Foch
khi viết về những trận đánh gần hơn nhưng không đúc kết, không đề xuất
chiến lược mới. Một góc cạnh khác: Clausewitz gần như vắng bóng trên Journal Militaire Officiel,
trong lúc Clausewitz đã trở thành bậc thầy tư duy của Bộ Tổng Tham mưu
Đức. Các quân nhân Pháp sở hữu duy nhất một bản dịch Clausewitz của
trung tá de Vatry xuất bản năm 1866 bị xem là rối rắm đầy lỗi. Cho đến
bản dịch thứ nhì của Denise Naville in năm 1955, không có bản hiệu đính,
chú giải hay diễn dịch nào khác. Không phân tích kẻ thù suy nghĩ gì nên
không hiểu học thuyết chiến tranh của kẻ thù, là khiếm khuyết lớn nhất
của quân đội Pháp. Khiếm khuyết càng nặng nề vì Moltke kế thừa
Clausewitz, Schlieffen kế thừa Molkte và Manstein tiếp nối truyền thống.
Chính các thống chế Đức kể trên tiêu hủy nền Đệ nhị rồi Đệ tam Cộng hòa
Pháp.
Không phải đã không có những cố gắng cập
nhật. Một vài trường hợp lẻ loi, như thiếu tá Henri Navarre thuộc Phòng
Nhì, từ 1938 đến 1939 cho phiên dịch và đăng tải một số lý thuyết chiến
xa của Guderian nhưng đã quá muộn, chiến tranh đã áp sát. Trước đó,
trong một nỗ lực cá nhân về sau được xem là viễn kiến, trung tá de
Gaulle yêu sách tái cơ cấu và cơ khí hóa tức khắc quân đội Pháp: thay vì
phân tán các thiết đoàn thành những đơn vị độc lập làm nhiệm vụ hỗ trợ
hỏa lực cho bộ binh, cần tập trung chiến xa thành lập những sư đoàn
thiết giáp làm nên mũi nhọn kỵ binh. Tiếng nói của de Gaulle lạc lõng
trên mặt báo ưu tiên cho những trang về quy chế hưu bổng, cấp dưỡng, và chìm dưới các huấn lệnh của Weygand, Gamelin là những đại tướng của chiến tranh quá khứ. Tiểu luận Hướng về Quân đội Nhà nghề [Vers l’Armée de Métier] của de Gaulle không gây tiếng vang, không tạo ra tranh luận, ít tác động, vì hầu hết các tác giả viết bài trên Journal Militaire Officiel là
những sĩ quan cao tuổi, quyền chức, trung thành với đường lối suy nghĩ
của các thống chế Pétain, Joffre, Foch. Khái niệm “Vận tốc tương đương
với hỏa lực” của de Gaulle, xa lạ đối với họ.
Có thể viết: Tập san quân đội Pháp vào
nửa đầu thế kỷ 19 mang sức mạnh chinh phạt của quân đội Pháp; đến nửa
đầu thế kỷ 20 phản ảnh tính cách hoài niệm thụ động của quân đội này.
Tuy vinh danh Nã Phá Luân, nhưng quân đội Pháp không kế thừa vị hoàng
đế. Thiếu tá Henri Navarre, mà về sau trở thành Tổng Tư lệnh quân viễn
chinh Đông Dương, không biết đến những phê phán kịch liệt của Moltke đối
với tính hữu dụng của những pháo đài cố định. Nếu đã biết, Navarre sẽ,
hay không xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ? Navarre biểu trưng
cho giai cấp tướng lãnh quên đi lời dặn của Nã Phá Luân: “Một trong hai
đối thủ, kẻ nào ngồi lại trong giao thông hào, kẻ đó bị tiêu diệt.” Điện
Biên Phủ, chính là cánh tay nối dài của chiến lũy Maginot đã bất lực
trước các xa đoàn Panzer của Guderian. Điện Biên Phủ sẽ bất lực trước
Việt Minh.
Hôm nay khi sùng bái các chiến thắng anh
hùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tập san Quân đội Nhân dân Việt Nam
khá giống với tập san Quân đội Pháp vào thời kỳ suy vi: Say sưa với Nã
Phá Luân mà quên đi học thuật, trống vắng dự phóng vào tương lai, cùng
lúc tránh né uy hiếp hiện tại. Càng giống ở tính chính thống lặp lại tư
duy độc nhất của thượng tầng lãnh đạo quân đội. Tiếng nói của các sĩ
quan trẻ bị gạt sang bên, như de Gaulle từng bị buộc im tiếng.
2. Tập san quân đội Đức
Giám định này đúng với tập san quân đội Đức. Không ngẫu nhiên mà tập san Militär-Wochenblatt, xuất
bản từ 1816 đến 1942, trải qua ba thời kỳ sinh động: Thời gian Moltke
rồi Schlieffen làm Tổng Tham mưu trưởng và giai đoạn khi Hitler lên cầm
quyền. Cả ba thời kỳ trên, đạt đến sức mạnh tối ưu, quân đội Đức làm nên
những chiến thắng sấm sét: Sedan 1870, Tannenberg 1914, Sedan 1940,
Kiev 1941, Sébastopol 1942 và Tobrouk cùng năm. Cũng vẫn trùng hợp như
khi Journal Militaire Officiel đánh mất tính chất học thuật thì quân đội Pháp suy yếu, sau khi Militär-Wochenblatt
phải đình bản vì bị kiểm duyệt, quân đội Đức đi từ thất bại này sang
thất bại khác. Stalingrad, El Alamein, Koursk, Normandie là chuỗi thất
trận mà những chiến thắng địa phương Monte Cassino, Kharkhov không thể
cứu vãn. Cái chết của quân đội Wehrmacht, tuy vậy, vẫn không ngăn các sử
gia đánh giá quân đội này như một đạo quân tiên phong trong nhiều lĩnh
vực và giá trị học thuyết chiến tranh Đức tiếp tục được giảng dạy. Tập
san quân đội Đức, trước và giữa hai Thế chiến, đóng góp không nhỏ cho
sức mạnh trí tuệ của quân đội hoàng gia, rồi quân đội Cộng hòa
Reichswehr, sau cùng quân đội Wehrmacht.
Hơn nửa thế kỷ sau, lật bất kỳ những số Militär-Wochenblatt
nào in trong khoảng từ 1930 đến 1939, người đọc cũng đều choáng ngợp vì
tính chất học thuật cao cấp của tuần san này. Đôi khi người đọc bắt gặp
những tên tuổi sẽ lừng danh: Erich von Manstein phác thảo chiến lược Phòng ngự Co giãn
[Elastische Verteidigung]; Walter Model, một trung tá đang đảm nhiệm
giảng dạy môn lịch sử quân sự ở Bộ Quốc phòng đề xuất lập những Chiến
đoàn Liên Binh chủng [Kampfgruppen] bên trong hệ thống sư đoàn mà về sau
được Hoa Kỳ cấu trúc thành những Brigade Combat Team và tướng
Jean de Lattre áp dụng xây dựng những Binh đoàn Lưu động trên chiến
trường Đông Dương. Sang phần hồi ký, một đại úy khiêm tốn, Erwin Rommel
khởi đăng những chương trong tập Bộ binh Tấn công [Infanterie
greift an]. Đến phần dich thuật, Guderian giới thiệu những lý thuyết cấp
tiến Anh-Pháp của John Frederick Charles Fuller, Liddell Hart và
Charles de Gaulle. Vẫn chính Guderian sẽ tổng hợp các bài viết lý thuyết
của mình làm nền cho binh chủng thiết giáp Đức dưới tựa Achtung Panzer! Không duy nhất dành riêng cho các sĩ quan Lục quân, Militär-Wochenblatt đăng
tải nhiều nghiên cứu chiến tranh tiềm thủy đỉnh [U-bootswaffe und
U-Bootkrieg] của đại tá hải quân Hugo von Waldeyer-Hartz và trung tá hải
quân Karl Dönitz, bên cạnh các phân tích chiến thuật oanh kích đâm bổ
của phóng pháo cơ Junkers 87 Stuka qua ngòi viết của trung tá Heinz
Greiner và thiếu tá Braun. Nổi bật trên nhiều số báo là tranh luận giữa
trung tướng pháo binh Ludwig Ritter von Eimannsberger và trung tá Heinz
Guderian về học thuyết chiến xa. Với Guderian, nếu phải hành binh vì mục
đích gì, toàn Xa đoàn Panzergruppe cùng hành quân tấn công mục tiêu ấy
mà không nên phân tán từng đơn vị. Von Manstein thêm vào tranh luận này
một tiên đề khác: Một quân đoàn thiết giáp Panzerkorps chỉ an toàn cạnh
sườn một khi di chuyển liên tục khiến đối phương không bắt kịp vận tốc
hành binh. Hai tiên đề trên gộp lại làm nên nguyên nhân thất trận của
quân đội Pháp trên chiến trường Sedan tháng 5-1940. Von Manstein,
Rommel, Model, Dönitz, Guderian là những gương mặt hoàn toàn vô danh khi
ấy, và trừ von Manstein, hầu hết giữ những chức vụ thấp không quyền
quyết định. Nhưng chính họ phô bày sức mạnh tri thức của quân đội
Wehrmacht.
Đặc điểm của Militär-Wochenblatt là
qua tiêu chí “Tuyển chọn các đề xuất quân sự khả thi do các sĩ quan trẻ
đóng góp” đã tiếp nối một truyền thống có từ Moltke và Schlieffen. Một truyền thống xem tập san quân đội phải
là diễn đàn của giai cấp sĩ quan trung cấp, nơi trao đổi những tư duy
quân sự mới mẻ, chưa chính quy hóa, để từ đây Bộ Tổng Tham mưu quy nạp
những phát kiến từ hạ tầng không thông qua hệ thống quân giai. Militär-Wochenblatt
tuân thủ các yêu sách của Moltke: đặt việc nghiên cứu lịch sử chiến
tranh trên mặt bằng sự thật làm tâm điểm phát triển tri thức quân sự của
quân nhân, với điều kiện – phải xây dựng những chiến thuật thích ứng
làm nền cho chiến lược mới; nếu không, việc nghiên cứu chỉ thỏa mãn duy
nhất hành động thưởng ngoạn. Trong nhãn quan của Moltke, chính sức mạnh
tri thức của một tập thể sĩ quan ưu tú tạo ra chiến pháp tinh vi và vũ
khí tương ứng. Trước vũ khí tân kỳ uy hiếp của đối phương, cũng chính
sức mạnh này tìm ra kế sách phòng ngự. Nếu một tri thức cần phô diễn và
tranh luận, thì một tập san quân đội phải làm phương tiện truyền bá và
kho trữ liệu đóng góp cho tri thức ấy. Tập san quân đội Đức không ra
ngoài đề cương này.
Tập san Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngược lại, không chú trọng chức năng trí tuệ này.
3. Tập san Quân đội Nhân dân Việt Nam
Bước
sang thế kỷ 21, học thuyết Chiến tranh Nhân dân xây dựng trên lý thuyết
của Mao và nguyên soái Chu Đức vẫn tiếp tục được đề cao trên tập san
quân đội Việt Nam, tuy rất ít phân tích và trống vắng kiểm định. Trong
bản đăng ngày 23 tháng 12-2012, sau khi đánh giá “chiến thắng Hà Nội –
Điện Biên Phủ trên không là tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời
đại Hồ Chí Minh”, Đại tướng Phó Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc
phòng Phùng Quang Thanh viết: Lực lượng và thế trận của chiến tranh
nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trên hết và hơn hết biểu hiện
cho ý chí ngoan cường, dũng cảm, trí tuệ và sức sáng tạo của con người
Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, thể hiện trong phương
châm chiến lược “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” và thắng địch
bằng “Mưu, Kế, Thế, Thời”.
Đại tướng Thanh không giải thích thế nào
là Mưu, Kế, Thế, Thời và chừng như phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy
nhỏ đánh lớn” chỉ là khẩu ngữ viết cho tranh cổ động. Trên thực tế chiến
trường, Quân đội Nhân dân thường xuyên có khả năng mở đồng loạt nhiều
mặt trận từ Quảng Trị lên Pleiku, xuống An Lộc, vào Tây Ninh cùng một
lúc, tức đông quân và lấy lớn đánh lớn. Ngay trong chiến tranh Việt-
Pháp, Quân đội Nhân dân luôn dụng nhiều đánh ít.
Trận Đông Khê tháng 9 năm 1950, Tổng bộ
Việt Minh dùng hai trung đoàn chủ lực 174 và 209 đánh hai đại đội Lê
dương của tiểu đoàn 2 trung đoàn 3 Lê dương [II/3e REI] dưới
quyền đại úy Allioux có cấp số 250 binh sĩ. Chưa tính đến trung đoàn
Sông Lô 209 của Lê Trọng Tấn, chỉ riêng trung đoàn 174 Cao-Bắc-Lạng đã
đông gấp 20 lần quân Pháp. Trong hồi ký Người lính già Đặng Văn Việt, Chiến sĩ Đường số 4 Anh hùng,
Nxb Trẻ 2003, cựu trung tá Đặng Văn Việt, hùm xám đường biên giới, là
trung đoàn trưởng trung đoàn 174 trong trận này, ở trang 149 ghi rõ: Thế và lực giữa ta và địch đã thay đổi. Để đẩy mạnh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Bộ Tổng Tư lệnh và Trung ương Đảng
cho thành lập hai trung đoàn mạnh – hai đơn vị chủ lực mạnh đầu tiên
của của quân đội ta: E174 – E209. E174: Lập nên bởi các lực lượng tinh
nhuệ của ba trung đoàn địa phương ba tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn:
E74 + E72 + E28 = E174. Quân số lên đến 5.500 (gần một lữ) gồm 6
tiểu đoàn: 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh (6 khẩu pháo 75
ly), 1 tiểu đoàn cao xạ (12 khẩu 12,7 ly), 1 đại đội trợ chiến (6 cối 81
ly, 6 súng không giật 75 ly), 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội công binh,
1 đại đội thông tin liên lạc, 1 đại đội cảnh vệ. Chỉ huy: Đặng Văn Việt
– trung đoàn trưởng, Chu Huy Mân – chính ủy.
Trận đồi Him Lam (đồi Béatrice) chiều 13
tháng 3-1954, hai trung đoàn 209 và 141 tràn ngập tiểu đoàn 3 của Bán
Lữ đoàn 13 Lê dương [III/13e DBLE] dưới quyền thiếu tá Paul
Pégot có quân số 450 binh sĩ. Không ngẫu nhiên phương Tây luôn nhìn
huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp song hành với chiến thuận biển
người. Đại tá Pierre Rocolle trong luận án Vì sao Điện Biên Phủ [Pourquoi Dien Bien Phu, Nxb Flammarion,1968] mô tả chiến thuật này: Theo
những tiêu chuẩn của chiến thuật Việt Minh, tấn công một cứ điểm, cần
tập trung nỗ lực trên một trận địa thật thâu hẹp (vào chừng vài trăm
thước) hầu đánh thủng hệ thống phòng thủ tại một điểm. Tất nhiên cần
lượng lớn súng cối và đại bác bộ binh đối diện khu vực tấn công, đồng
thời tập trung các đơn vị được chỉ định xung phong đông từ 10 đến 20 lần
quân trú phòng trong một hành lang hẹp trên địa thế chọn lựa. Thực hiện
đầu tiên một xé rào rồi nới rộng dần bằng cách tung những làn sóng tiến
công tiếp theo cho đến khi trọn chu vi phòng thủ đối phương bị tràn
ngập. (trang 348)
Như thế, phương châm chiến lược “lấy ít
địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn” của “nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo”
mà đại tướng Phùng Quang Thanh ca ngợi, ít tính khả tín. Càng thêm khó
hiểu khi đại tướng nhấn mạnh: tạo thế trận liên hoàn của “chiến tranh nhân dân đất đối không, đất đối biển”. Hôm
nay trước uy hiếp của Hải quân Trung Quốc, dân Việt không khỏi băn
khoăn làm cách nào dân miền Trung cách Trường Sa 248 hải lý có thể lấy
đất ruộng đương đầu với hạm đội thủy chiến Trung Hoa, đặc biệt đương đầu
với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh mà chắc chắn Trường Sa sẽ là mục tiêu
oanh kích? Chiến tranh Nhân dân, từng là học thuyết quân sự chánh thức
trong quá khứ, cáo chung trên biển Đông. Ngay cả trong quá khứ, học
thuyết này mang những giới hạn, vì ẩn vào dân khi yếu, dùng tai mắt dân
quan sát, lấy thóc dân nuôi binh và dùng sức dân vận chuyển… không giúp
ích cho một đạo quân tác chiến độc lập tách rời dân chúng. Như khi hành
quân ngoại biên, Quân đội Nhân dân không bình định được Campuchia trong
10 năm chiếm đóng, chính vì dân xứ Khmer không theo. Trên mặt biển, các
hải đoàn Việt Nam sẽ hoàn toàn cô độc trước hải lực hùng hậu của Trung
Hoa.
Cập nhật học thuyết chiến tranh của quân đội trở nên cấp thiết.
Càng cấp bách khi chiến tranh có thể nổ
ra bất kỳ lúc nào, một khi chính phủ đương quyền quyết định cương quyết
trước Bắc Kinh. Cương quyết, đòi hỏi chuẩn bị chiến tranh. Nhưng nhìn
vào tập san Quân đội Nhân dân, đọc trên tạp chí Quốc phòng Toàn dân,
dân chúng không thấy bất kỳ một thảo luận nào về phương thức đối phó
một khi xung đột bùng nổ. Không tranh luận về tình hình quân sự đất
nước, không nghiên cứu học thuật thế giới, không phân tích chiến lược
Bắc Kinh, không dịch thuật binh pháp, không tìm hiểu chiến thuật hiện
đại của Giải Phóng quân Trung Quốc, không đề xuất phương cách phòng ngự…
là đặc điểm của tập san quân đội của đất nước.
Một
cách vô tình hay hữu ý, tập san quân sự chính thức của quốc gia rơi vào
thường thức, đặt trọng tâm phổ biến các nghị quyết Đảng, rồi tường
thuật các chuyến viếng thăm của lãnh đạo thượng tầng với vài văn bản
tuyên dương công trạng chống Mỹ, bên cạnh là những thông tin thời sự xã
hội, du lịch biển đảo, bận tâm kinh tế và giải trí thể thao, văn nghệ.
Hình ảnh của các hoa hậu hoàn vũ hay siêu mẫu áo tắm càng làm người đọc
thêm băn khoăn. Dân chúng hiểu, một quân nhân vẫn là một người đàn ông
có nhu cầu nhìn ngắm da thịt phụ nữ, nhưng vì sao các phòng đọc sách của
các trung đoàn không lưu hành các tạp chí đời thường cho các quân nhân
muốn tìm hiểu thời trang mà phải dùng ngân quỹ quốc phòng do dân góp
thuế cho nhu cầu này? Các tiết mục “văn hóa” này làm xa cách chức năng
trí tuệ mà Moltke đòi hỏi.
Có thể phủ định: mỗi quân đội của mỗi
quốc gia mang một đặc thù và mỗi tập san quân sự có một hình thái riêng.
Không thể lấy chức năng của tập san này làm chuẩn cho tập san kia,
không thể dùng Clausewitz và Moltke áp đặt lên hệ thống suy nghĩ của
Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo lập. Phủ định
này không sai – nếu tập san Quân Đội Nhân dân có những đặc
tính khác biệt và tư duy khác lạ so với các tập san quân sự thế giới.
Phủ định này – trở nên dễ dãi – như cách nhìn ưu điểm ở Đại tướng Võ
Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên Hoàng Văn Thái là đã không
qua hàn lâm viện nào. Tiểu sử Đại tướng Hoàng Văn Thái ghi: Tháng 3 năm 1945, ông chỉ huy nhóm đội viên, khi đó đã phát triển lên đến hơn 100 người, tiến về xây dựng cơ sở ở Chợ Đồn (Bắc Kạn). Ngày 7 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Bộ Tham mưu và chỉ định Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng.
Với kinh nghiệm trận mạc duy nhất từ chỉ huy đội viên sau bốn tháng lên
làm Tham mưu trưởng mà Hoàng Văn Thái vẫn tham mưu cho Đại tướng Võ
Nguyên Giáp chiến thắng lẫy lừng trận Điện Biên Phủ, thì lập luận không
cần Moltke hay Clausewitz vẫn chiến thắng là không sai; nhưng lập luận
ấy phải giải thích những tranh công của La Quý Ba, Trần Canh, Vy Quốc
Thanh, là những cố vấn Trung Hoa đã khẳng định chiến thắng Biên giới và
Điện Biên Phủ do một tay họ quyết định, lên sách lược, đề xuất và được
Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn thuận. Có phải vì bề dầy trận mạc của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp và của Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái quá mỏng
khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh phải viết thư xin Mao Chủ tịch chi viện các
tướng lĩnh tài năng nhất làm cố vấn cho quân đội Việt Minh? Ít nhất, khi
Vy Quốc Thanh phê phán khai trận ở đồng bằng châu thổ sông Hồng của
Tổng bộ Việt Minh là sai lầm, nên đánh lên miền Thái nơi quân Pháp ít
quân, Vy Quốc Thanh đã tuân theo binh pháp Tôn Tử: Đánh vào khoảng
trống! Thất bại đẫm máu ở Vĩnh Yên, Đông Triều, Mao Trạch, Mạo Khê, Sông
Đáy, Ninh Bình năm 1951 không làm tăng thêm thiên tài của tướng Giáp mà
tôn vinh hổ tướng de Lattre, và, một cách gián tiếp, chứng thực luận cứ
của Vy Quốc Thanh.
Có thể biện luận cách khác: Không thể viết ra hết suy nghĩ chiến lược của sĩ quan Việt Nam trên tập san Quân đội Nhân dân,
vì như thế sẽ lộ bí mật quốc phòng và Bắc Kinh sẽ thấu rõ quyết sách
của Việt Nam. Lập luận trên có thể đúng, tuy kiểm duyệt triệt tiêu phần
lớn tính sáng tạo của quân nhân và phát kiến hạ tầng không nhất thiết
phản ánh sách lược chính quy. Tập san quân đội Đức từng bị kiểm duyệt
hai lần: Lần thứ nhất vào năm 1848, Militär-Wochenblatt phải
chuyển sang đăng tải những chuyên luận khoa học để không vi phạm luật
bảo vệ bí mật quốc phòng. Trong hai thập niên liền quân đội Đức giẫm
chân trong học thuyết. Đến 1866, Hoàng đế Wilhelm Friedrich Ludwig quyết
định trả lại cho Militär-Wochenblatt chức
năng nguyên thủy: chức năng khai phá quân sự. Từ đây, dưới ảnh hưởng của
Moltke, tập san quân đội Đức chuyển mình, đến 1904 trực thuộc Bộ Tổng
Tham mưu thay vì Bộ Quốc phòng. Đến 1942, Dr Paul Joseph Goebbels, quyền
tương đương với chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ra lệnh kiểm
duyệt vì Martin Bormann, Chánh Văn phòng Trợ lí Quốc trưởng, nhân vật
quyền lực số 2 ngay sau Hitler, nghi ngờ Bộ Tổng Tham mưu âm mưu đảo
chánh. Tập san quân đội Đức hiện diện từ 1816 quyết định đình bản. Đình
bản thay vì chịu kiểm duyệt, để giữ độc lập tinh thần và danh dự quân
nhân. Lập luận gìn giữ bí mật quốc phòng trước đôi mắt Bắc Kinh đứng
vững – nếu – tập san Quân đội Nhân dân biết thôi thúc tri thức
quân sự Việt Nam bằng cách khác: nghiên cứu chiến tranh Việt-Pháp trên
mặt bằng sự thật gạt bỏ tuyên truyền; nghiên cứu các canh tân quân đội
thế giới và đặc biệt nghiên cứu chiến tranh tiềm thủy đỉnh, là vũ khí
của kẻ yếu như Dönitz nhìn thấy ngay từ đầu. Các chủ đề trên, ít kỵ húy,
ít vi phạm vùng cấm, ít đụng chạm bài vị thiêng liêng của các gia đình
đương quyền, là cánh cửa rộng mở cho tri thức quân nhân Việt Nam đang
phải đối diện với quân Tàu đã chiếm ngự biển.
Vì sao phải nghiên cứu chiến tranh
Việt-Pháp quá xưa cũ khi hôm nay vũ khí hiện đại thay đổi hẳn diện mạo
chiến tranh? Vì một khi chưa chấp nhận các thất bại đẫm máu thì Quân đội
Nhân dân còn rơi chìm vào chủ nghĩa anh hùng lạc quan. Cần phân tích
minh bạch những sai lầm phạm phải và ghi lại những tổn thất thật sự để
giúp tập thể quân nhân rộng lớn có cái nhìn trung thực về hiệu năng của
quân đội mình… Thiếu xác tín trận địa, các sĩ quan tham mưu không thể
lượng định đúng mức chiến quả và càng nguy hiểm khi tạo ra ảo tưởng ở
các đơn vị tác chiến. Vô vàn các chủ đề nghiên cứu cho tập san quân đội:
như trận công đồn Phủ Thông Hóa không thành công hay trận đánh công
kiên Xóm Pheo của trung đoàn 102 là trung đoàn Thủ đô của đại đoàn 308
để lại 800 xác chết mà không tiêu diệt được đồn, hoặc thất bại hoàn toàn
của trận Mạo Khê mà chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở trang 170, dòng
thứ 2, trong tập Đường tới Điện Biên Phủ, phải viết: Ngày 5 tháng 4 năm 1951 chiến dịch Hoàng Hoa Thám kết thúc. Chiến dịch để lại cho tôi một ấn tượng nặng nề.
Nếu nghiên cứu chiến tranh tiềm thủy
đỉnh là thiết yếu, cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng thiên tài quân sự của
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà không duy nhất tự bằng lòng với chiến thắng
Điện Biên. “Người anh cả của quân đội” chịu ảnh hưởng của Clausewitz đến
mức nào và để lại tư tưởng quân sự gì cho hôm nay? Nghệ thuật hành binh
của Đại tướng khác ra sao với Nghệ thuật Hành binh [L’Art
opératif] của Thống chế Nga Mikhaïl Nikolaïevitch Toukhatchevski rất có
ảnh hưởng với những sĩ quan Sô-viết nhiệt huyết như Joukov,
Vassilievski, Koniev hay Rokossovski?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tướng lãnh hiếm của Quân đội Nhân dân trích dẫn Clausewitz. Không trong bản Việt ngữ của hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, nhưng trong phiên bản Pháp văn của hồi ký này: Mémoires,
tome 1, La Résistance Encerclée, Editions Anako, Fontenay-sous-bois,
2003. Ở trang 105, Đại tướng cho biết ông đem theo bản dịch Clausewitz
của Denise Naville khi rời Hà Nội lên Việt Bắc kháng chiến đầu năm 1947.
Ông khẳng định đã suy nghiệm Clausewitz. Các trích đoạn dẫn chứng
Clausewitz của Đại tướng đều trích từ bản dịch của Denise Naville. Tuy
nhiên, bản dịch của Denise Naville do nhà xuất bản Minuit ấn hành, mãi
đến năm 1955 mới ra mắt. Đa phần, đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ biết đến
Clausewitz sau khi vào tiếp quản Hà Nội, do vậy ông không thể áp dụng
trước đó. Hoặc áp dụng “thông thoáng”, vì bản dịch trước của trung tá de
Vatry xuất bản 1866 bị giới nghiên cứu Pháp đánh giá dịch tối tăm và
dịch sai các từ học thuật của Clausewitz. Bản dịch này cũng tuyệt bản từ
rất lâu. Ở địa vị của Đại tướng, vì sao Đại tướng không khẳng quyết:
“Tôi không cần biết đến Clausewitz của phương Tây, vẫn chiến thắng.” Vì
sao Đại tướng phải cố gắng chứng minh ông am tường Clausewitz? Vì cần
thuyết phục rằng các quyết định của ông đến từ suy nghiệm Clausewitz mà
không từ đề xuất của Vy Quốc Thanh? Phương châm “đánh chậm, đánh chắc,
chắc thắng mới đánh” của Đại tướng cũng khá gần với phương châm: “Không
bao giờ tác chiến nếu cơ may quá mỏng (Ne jamais se battre si les
chances sont trop minces)” của tướng Thomas Jonathan Jackson trong nội
chiến Nam-Bắc Mỹ.
Nếu không thể nghiên cứu Đại tướng Võ
Nguyên Giáp giữa huyền thoại và thiên tài vì chạm đến bia mộ của người
quá cố, vì bia mộ này gắn liền với ước mơ cầu an của Đại tướng sau khi
chứng kiến cái chết của Lâm Bưu và Lưu Thiếu Kỳ do thanh trừng của Mao,
nên cần thông cảm, thì tập san Quân đội Nhân dân vẫn có thể
nghiên cứu trường hợp tiểu quốc của các quốc gia Tiệp Khắc, Hung Gia
Lợi, Phần Lan… là những tiểu quốc nằm cạnh các đế quốc. Tiệp Khắc đầu
hàng Đức, Hung Gia Lợi chọn làm chư hầu rồi lầm than theo thăng trầm của
quân đội Đức, cho đến khi cả Tiệp Khắc và Hung Gia Lợi đều bị Hồng quân
Sô-viết chiếm đóng. Ngược lại, quân đội Phần Lan đã tử chiến đến cùng
trước tham vọng lấn đất của Staline, buộc Staline phải chấp nhận đình
chiến vì hiểu giá máu phải trả cho mỗi thước đất Phần Lan. Là một bán
đảo như Việt Nam, sát cạnh Liên bang Sô-viết và có quá khứ gắn liền với
Nga, không được Anh-Pháp-Hoa Kỳ và cả hai vương quốc láng giềng Na Uy và
Thụy Điển hỗ trợ, nhưng chính thống chế Carl Gustaf Emil Mannerheim và
quân đội Phần Lan đã làm nên sức mạnh phản chiếu từ tấm gương lịch sử mà Scharnhorst đặt để.
Hôm nay, trước lấn đất lấn biển đã diễn
ra, không dân Việt nào không ưu tư khi nhìn vào tập san quân đội của
quốc gia. Trước hiểm nguy Hán thuộc kề cận, đã áp sát, đã nhìn thấy, dân
chúng không thể không đặt câu hỏi: Vì sao phải cần một trung tướng làm
Tổng biên tập Tập san Quân đội Nhân dân, một thiếu
tướng làm phó Tổng biên tập và ba đại tá với một thượng tá phụ trách ban
biên tập cho một nội dung không chuyên ngành mà thường thức như trăm
báo dân sự khác? Trống vắng tranh luận và hoang vu thao thức càng làm
nảy sinh những câu hỏi khác: Vì sao tiếng nói của các sĩ quan trẻ ưu tú
đang quan tâm đến tình hình đất nước không được cất lên trên chính diễn
đàn của họ? Vì sao những lo lắng cho biển cả của tổ tiên đang bị cướp
giật không được hiện diện trên trang Quân chủng Hải quân của chính tập
thể đang mang trọng trách bảo vệ vùng biển ấy?
Nhìn vào một tập san quân đội, trông thấy sức mạnh của quân đội ấy. Nhìn vào Tập san Quân đội Nhân dân trông thấy kiểm duyệt. Một kiểm duyệt mang tính tội ác. Vì là tội của Lê Chiêu Thống.
Plano, 10 tháng 12-2013
0 nhận xét:
Đăng nhận xét